"Chúng sinh đều đầu gắn thêm đầu,
đều cỡi trâu mà tìm trâu, đều hướng ngoại truy cầu, không biết cách tự
quay trở lại tìm thấy ngay nơi mình (hồi quang phản chiếu).
Pháp chân thật vốn hằng có đầy đủ trong Tự Tánh. Ta không cần phải hướng
ra ngoài tìm cầu..."
Hòa Thượng Tuyên Hóa
Chúng sinh sinh ra từ vô thủy,
chết ở vô chung, trôi lăn trong vòng sống chết. Chúng sinh trong cõi
luân hồi vô thủy vô chung ấy đến rồi đi, đi rồi đến giống như hạt bụi
nhỏ, phút chốc bỗng sinh trên trời, bỗng chốc sinh trên mặt đất, sinh
trong loài người, hoặc sinh làm thú vật, hay sinh ở địa ngục hay sinh
trong loài Atula. Không có lúc khởi đầu, cũng chẳng có lúc chấm dứt. Chỉ
đến khi nào bạn đạt được quả vị Phật, bạn mới chấm dứt đượĩc luân hồi
sinh tử. Nhưng trước khi trở thành Phật, bạn vẫn còn trong vòng triển
chuyển luân hồi. Nên nói : "(Bồ tát hữu cách ấm chi mê, La Hán hữu
trụ thai chi hôn). Bồ Tát còn mê lầm khi thọ thân ngũ ấm. A-la-hán còn
hôn muội lúc trụ thai" cho dù bạn là một bậc Pháp thân đại sĩ thị
hiện giữa đời, đôi khi bạn vẫn còn bị dòng sinh tử cuốn phăng khiến cho
mê muội, không biết làm sao chấm dứt dòng sinh tử ấy.
Sự sống chết của chúng ta, sinh ra
rồi chết, chết rồi lại sinh, đó là một vòng sinh tử lớn lao. Ngoài ra,
ta còn có một vòng sinh tử nhỏ nhoi nữa, đó là ngày ta sinh ra, dù được
sinh ra nhưng có nghĩa là ta đã chết rồi. Ngày ta chết được đặt vào ngay
ngày ta chào đời. Do vậy, cuộc đời chúng ta là một vòng tròn vĩ đại tiếp
nối giữa sự sống và sự chết. Nên nếu ta được sinh ra vào một ngày thì
cũng sẽ có một ngày ta chết đi. Vì một khi có sự sinh ra thì cũng có sự
chết đi. Nếu không có sự sinh ra thì cũng không có sự chết.
Khi nói vô thủy -- không
có chỗ khởi đầu -- Mọi người đều giải thích như một sinh thể hiện hữu mà
không có sự sinh ra và không biết khi nào thì hủy diệt. Ðiều đó liên
quan đến thời gian vô thủy ; nó bắt đầu từ một kiếp vô cùng tận, không
có sự khởi đầu trong quá khứ, suốt tới một kiếp không cùng tận trong
tương lai. Vậy thì cái gì là vô thủy (không có chỗ khởi đầu)?
Và cái gì là không có nơi kết thúc (vô chung)? Ðó là cái mà mọi
người đều biết, trong Anh ngữ gọi là zero, và tiếng Hán gọi là
ling (số O). O này không có khởi đầu cũng không có chỗ kết
thúc. Cái không khởi đầu chỉ có thể là O. Nếu bạn cắt rời cái
O
này ra, nó trở thành một ( trong tiếng Hán có nghĩa là NHẤT), Ðây là chỗ
bắt đầu, một lần là 1, rồi một lần nữa là 2; khi bạn thêm 1 và cứ thêm 1
vào nữa sẽ có 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10. Từ 10 thì số 100 sẽ được lập. Từ
đó biến thành vạn (trăm ngàn), rồi 100 vạn
(triệu), thiên vạn ức , mãi đến vô tận. Ðó là chỗ khởi đầu của
con số.
Trong thời đại khoa học ta đang
sống hiện nay, chúng ta có thể chế tạo hỏa tiển để đưa vệ tinh vào không
gian. Các vệ tinh bay quanh quỹ đạo không gian mà không bao giờ ngừng,
đó là khởi đầu (hữu thủy) . Với sự giúp sức của toán học, của
máy tính, ta có thể phóng hỏa tiễn vào không gian. Ðó là tác dụng của sự
bắt đầu (hữu thủy). Ðó là sự biến hóa của số học. Thế thì có chỗ kết
thúc chăng? Chúng ta chưa biết lúc nào kết thúc, nhưng sự việc thì dần
dần tiến đến sự chấm dứt (chung). Tương tự như giai đoạn không
trong 4 tiến trình Thành -- Trụ -- Hoại -- Không . Kiếp Thành là khởi
đầu . Kiếp này trãi qua 20 tiểu kiếp rồi đến Kiếp Trụ 20 tiểu kiếp, Kiếp
Hoại 20 tiểu kiếp, Kiếp Không 20 tiểu kiếp. Có thể nói đó là một vòng
khởi đầu và kết thúc.
Tất cả chúng sinh đã từng xuất
hiện từ vô thủy kiếp đến nay, bạn nói họ từ đâu đến ? Bạn hãy nghiên cứu
xem. Thí dụ như loài người chúng ta. Phải chăng người đàn ông hiện hữu
trước đàn bà, thế thì không có đàn bà ai sẽ sinh ra đàn ông. Nếu bạn cho
rằng đàn bà có trước, thế thì không có đàn ông làm sao có đượĩc đàn bà
?. Ðây là "vô thủy" - chẳng biết được khởi đầu từ đâu. Lấy một
ví dụ khác. Bạn nói rằng gà có trước trứng, hay trứng có trước gà? Ta có
thể nói gà sinh từ trong trứng. Tốt, nếu không có gà, lấy đâu có trứng ?
Sự suy cứu của chúng ta không sáng tỏ được đạo lý này. Gà cũng đến từ
không nơi khởi đầu - vô thủy
-, con người cũng đến từ nơi không khởi đầu, từ O. O
này thì vô thủy vô chung - không chỗ khởi đầu và không nơi kết thúc, nó
chẳng có trong, chẳng có ngoài, chẳng nhỏ, chẳng lớn. Về phương diện cực
vi để xét, O
này nhỏ như vi trần. Nếu ta phóng lớn nó ra, O
này bao trùm cả pháp giới. Ðến cùng tận hư không, khắp cả pháp giới
không có gì qua khỏi O
này . Nếu đem cùng tận hư không khắp cả pháp giới nghiền thành vi trần,
thì hạt vi trần ấy cũng chẳng rời khỏi cái O mà có. Do vậy,
O là cội nguồn của muôn sự sinh sinh hóa hóa. Là nguyên lý
chân không diệu hữu, chẳng khởi đầu, chẳng kết thúc của vạn vật.
Khi
O mở ra, nó biến thành hư không, thành Pháp giới. Ðó là chân
không, khi thâu nó lại, O
thành vi trần. Dù hạt bụi tuy nhỏ nhưng chúng là một sự hiện hữu nhiệm
mầu là "diệu hữu". Các bạn hãy quan sát kỹ điều này. Nếu hiểu được đạo
lý này, tức là bạn hiểu rõ chân Pháp. Nếu chưa hiểu, thì vẫn còn là
người mê muội, chưa phải là người có trí tuệ chân chính.
Nếu bạn đã khai ngộ, thì
O này là trí tuệ sáng suốt rộng lớn (đại trí huệ quang minh).
Còn nếu bạn chưa giác ngộ thì nó chính là vô minh. Vô minh cũng chỉ là
cái O này. Trí tuệ sáng suốt lớn lao cũng chỉ là cái O
này. Vậy, O là khởi đầu và là kết thúc, nó chẳng ở trong mà
cũng chẳng ở ngoài, chẳng lớn, chẳng nhỏ. Nó rất lớn, chẳng vật gì ở
ngoài nó được, chẳng có gì lớn hơn nó được. Khi bạn vẽ một vòng tròn,
bạn có thể vẽ lớn chừng nào cũng được, hay muốn nhỏ cỡ nào tùy ý. Do đó,
nó rất lớn, chẳng có gì ở ngoài nó cả, và nó rất nhỏ đến nỗi không có gì
nằm trong nó được. Cái lớn của O hóa thành bản nguyên thanh
tịnh, bản tánh chơn như nhiệm mầu (thanh tịnh bản nguyên, chân như
diệu tánh). Cái nhỏ nhiệm ẩn tàng của O là một niệm vô minh
tối sơ. Ðây là điều tôi muốn nói về vô thủy.
Luân hồi sinh tử cũng là cái O
này. Gọi là luân hồi trong 6 nẻo, cũng chính là luân chuyển trong O.
Trước khi vòng tròn này bị phá vỡ, chúng sinh sinh rồi chết, chết rồi
lại sinh, luân hồi trong O
vô lượng vô biên đại kiếp. Ðây gọi là luân hồi vĩnh cửu trong vòng sống
chết. Bạn xem chữ "vĩnh cửu" ấy có đáng sợ không? Ðúng vậy! Một
khi bạn đã trôi lăn, trôi lăn mãi trong vòng luân chuyển ấy. Do đâu bạn
mãi trôi lăn? Do niệm niệm sinh sinh diệt diệt không ngừng trong tâm bạn
tạo nên. Khi bạn khởi lên một niệm xấu ác, bạn liền trở thành súc sinh,
quỷ đói hay loài ở địa ngục. Nếu tâm niệm bạn hướng về sự thanh tịnh, có
thể bạn sẽ tái sinh trong loài người, loài Atula, hoặc sinh trong cõi
Trời. Tất cả mọi sự luân chuyển này đều do tâm bạn tạo thành. Vì tâm ta
đã tạo nghiệp luân hồi, nên ta nhận lãnh quả báo luân hồi. Không phải
nghiệp bắt đầu có khi ta nhận lấy quả báo, mà thực ra, bạn đã tạo nên
nhiều vọng tưởng trong quá khứ. Vọng tưởng về cõi Trời, bạn sẽ thọ báo ở
cõi Trời, với vọng tưởng về loài Atula, bạn sẽ thọ báo trong loài
A-tu-la, với vọng tưởng về loài người, bạn sẽ sinh ra trong loài người,
với vọng tưởng về loài súc sinh, bạn sẽ tái sinh trong loài súc sinh;
với vọng tưởng về loài quỷ đói, bạn sẽ sinh ra trong loài quỷ đói, với
vọng tưởng về địa ngục, bạn sẽ sinh ra trong địa ngục để chịu quả báo.
Nếu bạn thường tạo ra nhiều chuyện ác nghiệt, bạn sẽ thọ báo trong 3
đường dữ (ngạ quỷ, súc sinh, địa ngục). Nếu bạn thường gieo trồng nhiều
công đức, phước thiện, thì bạn sẽ thăng hoa trong 3 nẻo đường lành (cõi
người, cõi trời, cõi Atula). Ðây chỉ là giải thích tổng quát. nếu muốn
giải thích tường tận, sợ chúng ta không có đủ thời gian. Cho nên, thế
giới này là do vọng tưởng của chúng sinh tạo thành. Nếu không ai có chút
xíu vọng tưởng nào, thế giới này sẽ là không.
Chúng sinh đều không hiểu nổi pháp
chân không thực tướng, pháp
chân như thực tướng, pháp chân không diệu hữu, tất cả đều
được gọi là chân thực Pháp. Pháp chân không diệu hữu
chỉ là cái O mà tôi đề cập nãy giờ. Cõi đất trời rộng lớn này
đều được xuất sinh từ O, cho đến thế giới bao la vô tận này
cũng thế, rồi vô lượng chúng hữu tình và mọi vạn tượng khác cũng thế.
Bởi vì O không rơi vào trong phạm trù của các con số, nó cũng
không nằm trong các con số, nó vượt trên mọi số lượng và sự tính toán.
Nó vô thủy vô chung, chẳng trong chẳng ngoài, không lớn không nhỏ. "Khi
phóng ra nó trùm 6 hướng. Khi thu vào nó ẩn tàng trong vi mật",
phóng chi tắc di lục hợĩp, quyện chi thối tàng ư mật. Chân thật Pháp
cũng chính là pháp Chân Không Diệu Hữu. Chân không mà chẳng không.
Sao vậy ? Vì nó chứa đựng Diệu Hữu. Diệu Hữu nhưng không phải là có. Vì
sao? Vì nó bao hàm chân không. Nên nói :"Chân không chẳng ngăn ngại
Diệu Hữu, Diệu Hữu chẳng cản trở chân không." Ðạo lý này giải quyết
được vấn nạn đàn ông có trước hay đàn bà có trước. Hóa giải luôn vấn đề
gà có trước hay trứng có trước. O này có thể hóa giải mọi vấn
đề. Sao vậy ? Vì O tức Chân Không. Chân Không có thể hiển bày
Diệu Hữu, có thể hiển bày vạn pháp. Nhưng Diệu Hữu chẳng tách rời Chân
Không. Khi chưa ngộ được pháp truyền tâm ấn của chư Phật thì khó hiểu
được nổi cảnh giới này. Nếu sáng tỏ được pháp môn lấy tâm ấn tâm
của chư Phật , thì bạn sẽ hiểu được đạo lý này. Do vậy, nên nói : "Bất
liễu chân thật Pháp," không hiểu đặng Pháp chân thực.
Chúng sinh đều đầu gắn thêm đầu,
đều cỡi trâu mà tìm trâu, đều hướng ngoại truy cầu, không biết cách tự
quay trở lại tìm thấy ngay nơi mình (hồi quang phản chiếu).
Pháp chân thật vốn hằng có đầy đủ trong Tự Tánh. Ta không cần phải hướng
ra ngoài tìm cầu. Nếu bạn cố hướng ra ngoài tìm cầu, dù có trải qua tám
chục ngàn đại kiếp vẫn không thấy được. Tuy vậy, nếu bạn quay trở lại tự
soi sáng chính mình, sẽ nhận ra ngay tức khắc . Nên nói: "khổ hải vô
biên, hồi đầu thị ngạn", biển khổ mênh mông, quay đầu là bờ. Cũng
tức là: khi bạn tìm kiếm bên ngoài, ấy chính là biển khổ mênh mông, khi
bạn hướng vào trong, dụng công nơi tự tánh, đó chính là quay đầu liền
thấy bờ.
Chúng ta điên điên đảo đảo, từ
sáng đến chiều, truy đuổi vọng duyên, trôi theo sáu căn sáu trần, không
hiểu được Pháp chân thật. Ðức Phật ở cõi Thường Tịch Quang ngồi
kiết già nhập định. Ah! Tuy ở trong định, nhưng muốn chạy đến thế gian
này. Vì sao? Bởi vì các Ngài thấy chúng sinh chúng ta quá ngu si, quá
thảm hại. Chúng sinh đã bỏ quên mất bản tánh chân thật của mình, mà đuổi
theo vọng tưởng. Chúng ta không biết cách từ bỏ vô minh mà quay trở lại
với tánh giác, không biết cách từ bỏ vọng tưởng mê lầm trở về với bản
tánh chân thật; chẳng biết cách mượn cái giả để tập tính chân thường;
chẳng biết cách quay lại soi sáng nội tâm. Chúng ta thật đáng thương xót.
Do vậy, chư Phật ở trong đại định thường khởi tâm Ðại từ và thị hiện đến
thế gian này để chỉ rõ mê tâm cho chúng ta. Tuy vậy, ta mãi chìm đắm
trong vọng tưởng, mãi truy cầu vọng duyên mà không nhận ra Pháp chân
thực này. Ðức Phật càng chỉ bày, chúng ta càng quay lưng với Ngài. Ðức
Phật lắc đầu thất vọng, Chúng ta đã phụ lòng Ðức Phật. Chúng ta sẽ ra
sao nếu chúng ta cứ mãi phụ lòng Ngài ? Thế thì bạn sẽ trở về lại với
chính mình, khi bạn thực hành như thế. Ðức Phật sẽ hiện hữu, ngay trước
mặt bạn để dạy bảo và hóa đổi cho bạn. Do đó mới thực là: "Chư Phật
hiện hữu ở thế gian".
Pháp chân thực
này không thể bị biến hoại bởi hàng ngoại đạo. Nếu bạn minh bạch được
pháp chân thực, hiểu rõ rằng pháp ấy bao hàm vạn vật đến tận hư không,
khắp pháp giới, Cõi Phật, Cõi Ma, Cõi Trời, Thiên Ma ngoại đạo đều bao
hàm trong pháp chân thật này, chẳng có vật gì ở ngoài pháp ấy. Do đó
ngay đến thiên ma ngoại đạo cũng đều sẽ phải tùy thuận với chính pháp.
Sao vậy ? Vì chúng không thể phá hoại chính pháp được. Chánh pháp không
thể bị hủy hoại bởi bất kỳ thế lực nào cả. Nếu Pháp bị phá hủy, đó không
phải là pháp chân thật. Pháp chân thật không thể bị phá hoại được.
Tự tánh, sáng suốt rộng lớn của
chúng ta chính là O này. Khi bạn tu hành được viên mãn rồi, kho
tàng sáng suốt rộng lớn này sẽ xuất hiện, năng lực tự tại vĩ đại từ kho
tàng sáng suốt rộng lớn ấy sẽ xuất hiện. Kho tàng rộng lớn sáng suốt ấy
trùm khắp pháp giới, rộng lớn như hư không. Do vậy, Ðức Phật đến thế
gian này để chỉ bày cho chúng sinh pháp môn liễu sinh thoát tử, pháp môn
quay lại quán chiếu tự tâm mình. Pháp môn quay lại với nguồn tâm gốc
tánh của mình. Trí tuẹâ sáng suốt vĩ đại của bạn sẽ chuyển hóa trọn vẹn
mọi vô minh và hiện bày pháp thân chân thật vốn có trong chính mình.
Nếu các bạn không tin tôi nói, hãy
thực hành thử xem. Khi cơ duyên đã chín muồi, bạn sẽ không có cách gì
không tin. Dù không muốn tin, bạn cũng sẽ tin. Bởi vì nó là như vậy, bạn
có cách gì không thể không tin không? Kho tàng sáng suốt rộng lớn này
vốn là của bạn, chẳng có ai đem đến cho bạn cả. Cũng chẳng phải Ðức Phật
mang đến cho bạn đâu. Trong bạn vốn đã có đầy đủ từ lâu rồi!
Khai thị của Hòa thượng
TUYÊN HÓA
(chuavanphat.org)
0 Kommentare:
Post a Comment