Pages

04 June 2012

Tạng Thư Sống Chết - Phần III (Chương 5)

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhz4PtxXoZqfAPQugaA5aqF1lHC5vvFHPnMYA5DYiHpO_gUaw0A5ujtHmqNpnPWuL84jM53GdVlFez2eOfK7RTAjd4oTKEb8gCCWMODCHB5a6TgLz101ubllniImFquGyxXXIqRLiGbzF8/s1600/about-sogyalrinpoche-viewcover.jpg
Và có phải càng bi đát hơn, nếu thái độ lạc quan dễ dãi ấy càng đào sâu thêm thói xem nhẹ trách nhiệm đối với bản thân và với cuộc đời, một thói đang đe dọa sự sống còn của hành tinh trái đất?


The Tibetan Book Of Living And Dying
Sogyal Rinpoche
Ni sư Thích Nữ Trí Hải dịch
 
PHẦN BA: CHẾT VÀ TÁI SINH 

20- Kinh nghiệm cận tử : nấc thang lên trời

Ngày nay ở phương Tây chúng ta đã rất quen thuộc với kinh nghiệm cận tử, cái tên đặt cho một loạt những gì xảy đến cho những người chết hụt , và được họ kể lại sau khi thoát một tai nạn hay một cơn bệnh thập tử nhất sinh. Kinh nghiệm cận tử này đã được kể khá nhiều, trong tất cả các truyền thống huyền học, bởi các văn sĩ, triết gia thuộc đủ trường phái khác nhau như Platon, Giáo hoàng Gregory, một vài bậc thầy giáo phái Sufisme, Toltoi và Carl Jung. Mẩu chuyện mà tôi thích nhất là mẩu chuyện của một sử gia Anh, thầy tu Bede, đã kể lại vào thế kỷ thứ 8.
Vào thời ấy, một phép lạ đáng chú ý, giống như những phép lạ ngày xưa, đã xảy ra ở Anh quốc. Ðể đánh thức những người đang sống mà tâm hồn đã chết, có một người đã chết trở về lại đời sống trong thân xác cũ của họ và kể nhiều chuyện mà y đã trông thấy. Một vài chuyện trong đấy tôi nghĩ là đáng nói vắn tắt ở đây. Có một gia chủ ở xứ Northumbrian, tên là Cunningham, sống một đời sùng tín. Ông ta ngã bệnh càng ngày càng nặng, cho đến vào đầu một đêm kia, ông chết. Nhưng đến lúc bình minh, ông thình lình sống lại, ngồi dậy trên giường trước nỗi kinh ngạc của mọi người đang khóc xung quanh xác ông. Họ vùng bỏ chạy, chỉ trừ bà vợ, người yêu thương ông hơn ai hết, ở lại bên ông mặc dù bà cũng run lên vì hãi sợ. Ông trấn an bà và bảo : “Ðừng sợ, vì tôi quả thực vừa thoát khỏi nanh vuốt thần chết, và tôi được phép sống lại giữa loài người. Nhưng từ đây tôi không được sống theo thói cũ, và phải có một lối sống hoàn toàn khác hẳn” . Không lâu sau đó, ông từ bỏ tất cả trách nhiệm ở đời và gia nhập tu viện Melrose...
Ông thường kể lại kinh nghiệm ông đã trải qua như sau :
“Một người đẹp trai trong chiếc áo rực rỡ, hướng dẫn tôi, và chúng tôi im lặng đi về hướng dường như là đông-bắc. Khi tiếp tục đi, chúng tôi gặp một thung lũng rộng, sâu, và có độ dài bất tận... Người ấy liền đưa tôi ra khỏi bóng tối, đến một bầu không khí có ánh sáng trong suốt, và khi người ấy dẫn tôi đi trong ánh sáng ấy, tôi thấy trước mặt một bức tường to lớn dường như có chiều cao và chiều dài vô tận. Vì tôi không trông thấy cửa ngõ, cửa sổ hay lối vào nào cả, tôi tự hỏi tại sao chúng tôi đi đến đấy làm gì. Nhưng vừa khi tới nơi, tôi không hiểu tại sao, chúng tôi đã ở trên nóc bức tường ấy. Bên trong có một cánh đồng khoáng đạt và vui vẻ trải ra... Ánh sáng tràn ngập trong đó, còn sáng chói hơn cả ánh mặt trời giữa ngọ...
Người hướng đạo nói : “Nay ngươi phải trở về nhập xác lại và sống giữa loài người một lần nữa, nhưng nếu ngươi cân nhắc hành động một cách cẩn thận và học hỏi để giữ cho lời nói và tư cách ngươi đều bình dị, có đạo đức, thì khi chết, ngươi cũng sẽ được một căn nhà trong đó và sống giữa những linh hồn hạnh phúc mà ngươi đã thấy. Vì khi ta rời ngươi trong chốc lát là để xem tương lai của ngươi sẽ là gì” . Khi ông ta nói thế, tôi rất miễn cưỡng trở về thân xác, vì tôi đâm ra mê mẩn trước vẻ đẹp và sự vui thú của cái nơi tôi đã thấy và những người trong đó. Nhưng tôi không dám hỏi người hướng đạo tôi, và trong khi ấy, không biết làm thế nào tôi chợt thấy mình sống lại”.
Bede chấm dứt câu chuyện với những lời này :
“Con người của Chúa trời này không kể chuyện này và những điều y đã thấy với những người sống bất cẩn, vô cảm, mà chỉ nói với những người sẵn sàng ghi nhớ những lời của y và tăng thêm sự thánh thiện”.
Kỹ thuật y khoa tân tiến đã đem lại một chiều hướng mới mẻ, hấp dẫn cho tầm mức kinh nghiệm cận tử ; bây giờ nhiều người đã sống lại sau một tai nạn, cơn suy tim hay bệnh nặng, hoặc trong khi giải phẫu, trong cuộc chiến. Kinh nghiệm cận tử đã là đề tài của một số lớn khảo cứu khoa học và tư duy triết học. Theo một cuộc trưng cầu ý kiến của viện Gallup năm 1982, có đến 8 triệu người Mỹ, hay một phần hai mươi dân số, đã có ít nhất một lần suýt chết.
Mặc dù kinh nghiệm cận tử không ai giống ai, cũng như không có hai người cùng có một kinh nghiệm giống nhau về cõi Trung Ấm, tuy thế có một mẫu mực chung về các giai đoạn khác nhau trong kinh nghiệm cận tử, một “kinh nghiệm cốt lõi” xuất hiện :
1- Họ đều cảm thấy một tâm trạng đổi khác, an lạc và thoải mái, không đau đớn, hoặc có những cảm thọ về thân, hoặc cảm thấy sợ hãi.
2- Họ có thể để ý đến một âm thanh ào ào hay vù vù, và cảm thấy mình rời khỏi xác. Ðây gọi là “kinh nghiệm thoát xác” : Họ có thể nhìn thấy cơ thể họ từ một điểm ở trên cao ; thị giác và thính giác của họ bén nhạy hơn, tâm thức họ sáng suốt và rất nhạy cảm, và họ còn có thể đi xuyên qua vách tường.
3- Họ ý thức đến một thực tại khác, đi vào một bóng tối, trôi nổi trong một không gian có chiều hướng, rồi di chuyển rất nhanh qua một đường hầm.
4- Họ trông thấy một ánh sáng, lúc đầu chỉ là một điểm ở đằng xa, rồi họ bị cuốn hút tới đó và được bao phủ trong ánh sáng và tình yêu thương. Nó được mô tả như ánh sáng chói chang rất đẹp, nhưng không hại mắt nhìn. Vài người kể lại, họ đã gặp “một thực thể thuần là ánh sáng”, một hiện diện bằng quang sắc có vẻ toàn năng mà một số người gọi là Thượng đế hay Chúa Ki-tô, có lòng từ mẫn. Ðôi khi trước hiện diện này, họ có thể chứng kiến toàn cảnh cuộc đời họ diễn lại ; thấy mọi việc họ đã làm lúc sống, cả tốt lẫn xấu. Họ nói chuyện bằng thần cảm với hiện diện ánh sáng ấy, và tự thấy mình ở trong một trạng thái phúc lạc, trong đó mọi khái niệm về thời gian và không gian đều vô nghĩa. Mặc dù kinh nghiệm ấy chỉ kéo dài một hai phút, nó vẫn là cái gì rất toàn vẹn và phong phú.
5- Một vài người thấy một thế giới nội tâm tràn đầy vẻ đẹp, dinh thự, phong cảnh thiên đường, với thiên nhạc, và họ có một cảm giác về nhất thể. Một vài người, dường như rất ít người, báo cáo thấy những hình ảnh ghê rợn của hỏa ngục.
6- Họ có thể đạt đến một biên giới mà họ không thể đi xa hơn; vài người gặp bà con bè bạn đã chết và nói chuyện với họ. Họ quyết định (thường rất miễn cưỡng) hoặc được bảo phải trở về lại thân xác và cuộc đời, đôi khi vì ý thức sứ mệnh và phụng sự, đôi khi vì để lo cho gia quyến, đôi khi chỉ để hoàn tất mục tiêu cuộc đời họ đang bị dang dở.
Khía cạnh quan trọng nhất của kinh nghiệm cận tử là sự chuyển hóa toàn diện trong sự sống, trong thái độ và trong tương giao của những người đã có kinh nghiệm ấy. Họ có thể không mất nỗi sợ hãi đối với nỗi đau và hấp hối, song chính cái chết thì họ không sợ. Họ trở nên bao dung hơn, đầy tình thương yêu, và quan tâm đến những giá trị tâm linh, đến con đường trí tuệ, và thường họ thiên về đời sống tâm linh nói chung, hơn là quan tâm đến những giáo điều của một tôn giáo.
Thế thì làm sao để giải thích kinh nghiệm cận tử ? Vài người Tây phương đọc Tử Thư Tây Tạng đã so sánh những kinh nghiệm cận tử này với các kinh nghiệm về thân Trung Ấm trong truyền thống Tử Thư. Nhìn qua thì có vẻ tương đồng, nhưng nói chính xác thì những chi tiết của kinh nghiệm cận tử liên hệ như thế nào với giáo lý Bardo ? Tôi nghĩ rằng việc này cần một khảo sát đặc biệt vượt ngoài tầm sách này, nhưng có một số điểm đồng và dị mà ta có thể thấy. 

Bóng tối và đường hầm

Có lẽ bạn cũng nhớ, giai đoạn cuối tiến trình tan rã của Bardo chết là khi kinh nghiệm tối đen của sự “thành tựu” xuất hiện “như một bầu trời trống trải trùng trong màn đêm tối mịt” . Ở điểm này, giáo lý nói đến một giây phút hỷ lạc hạnh phúc. Một trong những nét chính của kinh nghiệm cận tử là cái cảm tưởng di chuyển “với tốc độ kinh khủng” và “cảm giác vô trọng lực” qua một không gian tối đen, “một màu đen kỳ diệu, thanh bình, toàn triệt”, và đi xuống “một cái hầm đen dài” .
Một phụ nữ kể cho Kenneth Ring :
“Nó giống hệt một khoảng trống thoải mái thanh bình, đến nỗi bạn có thể tiếp tục đi tới. Chỉ toàn là màu đen, không có cảm giác nào cả... như là một đường hầm. Bạn cứ như là trôi giữa hư không”.
Và một bà khác kể :
“Ðiều đầu tiên tôi nhớ được là một tiếng xào xạc kinh khủng... Thực khó thể nói nên lời. Tôi có thể nói là nó như một cơn gió lốc, một trận cuồng phong kéo tôi đi. Và tôi đang được kéo từ một điểm chật hẹp đến một nơi rộng rãi” .
Một phụ nữ kể cho Margot Grey :
“Tôi đang ở một nơi giống như là một khoảng trống ngoài trời. Hoàn toàn tối đen, và tôi cảm thấy đang được lôi kéo về phía cuối một đường hầm. Tôi biết thế vì tôi có thể trông thấy một ánh sáng cuối đường. Tôi đang thẳng đứng và bị kéo về phía lối ra. Tôi biết đấy không phải là mộng mộng mị không xảy ra kiểu đó. Tôi không bao giờ tưởng tượng đó lại là mộng mị”.

Ánh sáng

Vào lúc chết, Ánh sáng Căn bản hay Linh quang xuất hiện với tất cả vẻ chói lọi quang vinh. Tử Thư Tây Tạng nói : “Hỡi thiện nam/nữ, tự tánh tâm ngươi là ánh sáng và koảng trống bất khả phân, nó trú như một vùng ánh sáng rộng lớn, vượt ngoài sống và chết ; quả thế, đấy là đức Phật với Ánh sáng không thay đổi” .
Melvin Morse, chuyên gia sưu tầm kinh nghiệm cận tử nơi trẻ em, có nhận xét : “Gần hết mọi kinh nghiệm cận tử của trẻ con (và một phần tư kinh nghiệm của người lớn) đều có yếu tố ánh sáng. Tất cả đều báo cáo rằng ánh sang xuất hiện ở giai đoạn cuối của kinh nghiệm cận tử, sau khi chúng ta đã có kinh nghiệm thoát xác, hoặc đã đi hết đường hầm” .
Một mô tả hay nhất về sự tiến gần ánh sáng được Margot Grey báo cáo :
Dần dần, bạn nhận ra rằng : rất xa ở đằng xa, một khoảng cách vô lượng, bạn có thể đạt đến cuối đường hầm, vì bạn có thể trông thấy một ánh sáng trắng, nhưng nó quá cách xa, tới độ tôi chỉ có thể so sánh nó như khi nhìn lên bầu trời mà thấy một vì sao duy nhất ở đằng xa. Nhưng bạn phải nhớ rằng mình đang nhìn qua một đường hầm, và ánh sáng ấy sẽ lấp đầy cuối đường hầm. Bạn có thể tập trung trên điểm sáng ấy vì khi bạn ngoi tới trước bạn sẽ gặp nó.
Dần dần, khi bạn du hành về phía điểm sáng ấy ở một tốc độ cực nhanh, ánh sáng càng ngày càng lớn. Toàn thể tiến trình này nhớ lại dường như kéo dài chỉ chừng một phút. Khi bạn từ từ tiến đến ánh sáng cực chói lọi ấy, thì không có cảm giác đường hầm đột ngột chấm dứt, đúng hơn bạn có cảm giác mình tan vào trong ánh sáng ấy. Khi đó, đường hầm đã ở sau bạn, và trước mặt là một ánh sáng màu trắng xanh rực rỡ tuyệt đẹp. Ánh sáng vô cùng rực rỡ hơn cả một ánh sáng sẽ làm lòa mắt bạn, nhưng ánh sáng này tuyệt nhiên không làm hại mắt bạn chút nào.
Nhiều người có kinh nghiệm cận tử đã tả ánh sáng ấy như sau :
Tôi sẽ tả về ánh sáng ấy là - vâng, đấy không phải là ánh sáng, mà là sự vắng mặt của bóng tối, toàn diện và viên mãn... Bạn thường nghĩ, ánh sáng lớn là ánh sáng chiếu trên mọi vật làm nên những cái bóng.v.v... Nhưng ánh sáng này thực sự là vắng mặt của bóng đen. Chúng ta không quen với khái niệm này, vì ta luôn luôn có một cái bóng từ nơi ánh sáng, nếu ánh sáng không bao quanh ta. Nhưng ánh sáng này toàn vẹn, tràn đầy tới nỗi bạn không nhìn vào nó, mà bạn ở trong nó.
Một người kể cho Kenneth Ring : “Nó không sáng. Nó như một ngọn đèn có chụp lại, hay gì ấy. Nhưng đó không phải là loại ánh sáng mà bạn có được từ ngọn đèn. Bạn biết nó ra sao không ? Giống như người nào đã để một cái chụp lên mặt trời. Nó làm cho tôi cảm thấy vô cùng an lạc. Tôi không còn sợ hãi. Mọi sự sẽ không sao cả” .
Một phụ nữ bảo Margot Grey : “Ánh sáng rực rỡ hơn bất cứ gì bạn có thể tưởng tượng nổi. Không có lời nào để mô tả nó. Tôi cảm thấy hạnh phúc khôn tả. Ðấy là một cảm giác an lành, một cảm giác kỳ diệu. Ánh sáng chói lọi tới nỗi bình thường có thể làm lòa mắt bạn, nhưng sao nó không làm ta đau mắt chút nào” .
Những người khác kể lại, họ không những trông thấy ánh sáng, mà còn có thể nhập vào đó, và kể về cảm giác ấy như sau : “Tôi không có cảm giác mình là cái gì tách biệt với ánh sáng. Tôi chính là ánh sáng, và là một với nó” .
Một phụ nữ đã qua hai cuộc giải phẫu lớn trong trong hai ngày, đã kể cho Margot Grey : “Chỉ có tinh chất của tôi được cảm thấy. Thời gian không còn là cái gì cả, và không gian thì tràn đầy phúc lạc. Tôi được tắm trong ánh sáng rực rỡ và chìm ngập trong hào quang của ánh cầu vồng. Mọi sự đều tan hòa vào nhau. Những âm thanh thuộc về một trật tự khác, hòa điệu, không tên (bây giờ thì tôi gọi là âm nhạc) ”.
Một người đàn ông khác khi đạt đến giai đoạn thể nhập ánh sáng đã tả :
“Loạt biến cố sau đây dường như xảy ra đồng thời, nhưng khi mô tả thì tôi phải làm tuần tự. Tôi có cảm giác về một thực thể thuộc loại nào đó, một năng lực, đúng hơn là một con người, một trí tuệ mà ta có thể nói chuyện với. Về tầm vóc thì “thực thể ấy” chiếm trọn khoảng không gian trước mặt ta, nuốt chửng tất cả mọi sự, bạn cảm thấy bạn cũng được bao bọc trong đó.
Ánh sáng ấy liền nói với bạn, đọc được ngay những làn sóng tư tưởng bạn, không cần ngôn ngữ. Thông điệp đầu tiên tôi nhận được là “Hãy thư giãn, mọi sự đều tốt đẹp, con không có gì phải sợ hãi”. Tôi liền được hoàn toàn thoải mái. Trong quá khứ nếu một người nào, như một bác sĩ, nói “Không sao, bạn không có gì phải lo sợ, không đau đâu”, thì thường có đau, nên bạn không thể tin được. Nhưng đây lại là cái cảm giác kỳ tuyệt nhất mà tôi từng biết đến, đầy thuần túy là tình yêu. Mọi cảm giác đều toàn hảo. Bạn cảm thấy ấp áp, nhưng không dính gì đến thời tiết cả. Mọi sự ở đấy tuyệt đối sống động và sáng sủa. Cái mà ánh sáng truyền thông cho bạn là một cảm giác về tình yêu chân thật và thuần tịnh. Lần đầu tiên bạn cảm thấy điều ấy. Bạn không thể so sánh nó với tình yêu của vợ con bạn. Tất cả những tình yêu trên thế gian góp lại cũng không sánh được với cảm giác bạn có được từ nơi ánh sáng ấy” .
Một người đàn ông suýt chết đuối vào năm 14 tuổi, đã kể :
“Khi tôi đạt đến nguồn gốc của Ánh sáng, tôi có thể nhìn vào. Tôi không thể nào khởi sự mô tả bằng ngôn ngữ con người những cảm giác mà tôi có về những gì tôi trông thấy. Ðấy là một thế giới vô biên, đầy sự an tĩnh, năng lực, vẻ đẹp và tình yêu. Dường như đời người không quan trọng khi so sánh với cái này. Tuy vậy, “nó” nhấn mạnh tầm quan trọng của đời sống, đồng thời cũng xin cầu cái chết như một phương tiện để đạt đến một đời sống khác tốt đẹp hơn. Ðấy là tất cả vẻ đẹp và ý  nghĩa của mọi hiện hữu. Ðó là tất cả năng lực vũ trụ”.
Melvin Morse đã viết rất cảm động về kinh nghiệm cận tử của trẻ em, và kể lại cách chúng mô tả ánh sáng với sự hùng hồn đơn giản : “Cháu có một điều bí mật kỳ diệu để nói với chú. Cháu đã leo lên một cái thang bắc lên thiên đàng” . “Cháu chỉ muốn đi đến Ánh sáng ấy, quên thân thể cháu, quên tất cả mọi sự. Cháu chỉ muốn đạt đến Ánh sáng ấy” . “Có một Ánh sáng thực đẹp trong đó có đủ mọi điều tốt lành. Trong chừng một tuần lễ sau đó, cháu có thể thấy những tia nhỏ của Ánh sáng ấy nơi tất cả mọi sự” . “Khi cháu ra khỏi cơn hôn mê trong bệnh viện, cháu mở mắt và trông thấy những mẩu của Ánh sáng ấy ở khắp nơi. Cháu có thể thấy được mọi sự trong thế giới ăn khớp nhau như thế nào”.

Ðiểm tương đồng với Trung Ấm tái sanh

Trong kinh nghiệm cận tử, tâm tạm thời thoát khỏi thân xác, và kinh quá một số kinh nghiệm gần giống những gì mà một thân ý sanh trải qua trong cõi Bardo tái sanh.
1- Kinh nghiệm thoát xác
Kinh nghiệm cận tử thường khởi đầu bằng một kinh nghiệm thoát xác : người ta có thể trông thấy thân thể của chính họ, cũng như thấy hoàn cảnh chung quanh. Ðiều này trùng hợp với điều đã được nói trong Tử Thư :
“Tôi nhớ mình tỉnh dậy khỏi hôn mê, rồi trôi giạt và tự thấy mình đã ra khỏi xác, đang lơ lửng trên không nhìn xuống cái thân xác của tôi. Tôi chỉ biết mình có một óc não và đôi mắt, mà không nhớ đã có một xác thân” .
Một người đàn ông đã qua một cơn suy tim kể với Kenneth Ring : “Nó như thể là tôi đang ở trên không trung và chỉ có tâm tôi đang hoạt động. Không có cảm giác cơ thể, cũng như óc não tôi cũng ở trên không. Tôi không có gì ngoài tâm tôi. Mất trọng lượng, tôi không có gì cả” .

2- Ngắm nhìn thân quyến một cách vô vọng

Trong Trung Ấm tái sanh, tôi đã tả rằng những người chết có thể thấy và nghe bà con đang sống của họ, nhưng không thể nào liên lạc được với họ, và điều này làm họ tức tối. Một phụ nữ ở Florida kể cho Michael Sabom, nàng đã nhìn xuống mẹ nàng như thế nào, từ một điểm gần cái trần nhà : “Ðiều to tát nhất tôi nhớ được là tôi cảm thấy vô cùng buồn bã vì không thể làm sao để nói cho họ biết tôi không sao cả”.
Và một phụ nữ khác kể cho Michael Sabom : “Tôi đang ngồi tuốt trên cao nhìn chính tôi đang co giật, còn mẹ tôi và tớ gái thì la lớn lên vì họ tưởng tôi đã chết. Tôi thương hại cho họ... Một nỗi buồn vô tận. Nhưng tôi cảm thấy mình đã tự do ở trên cao ấy, và không lý gì để đau khổ” .

3- Thân thể toàn vẹn, Di động và Sáng suốt

Trong Tử Thư Tây Tạng, thân ý sanh ở trong Trung Ấm tái sanh được mô tả là “như một thân thể của thời đại hoàng kim” , và có năng lực di động và sáng suốt phi thường. Kinh nghiệm cận tử cũng thấy rằng hình dạng mà họ có là toàn vẹn và ở độ tuổi thanh xuân. “Tôi đang trôi nổi, và tôi là một người trẻ hơn rất nhiều... Cái cảm tưởng tôi lúc ấy là tôi có thể nhìn thấy chính mình qua một phản chiếu hay qua một cái gì đó mà làm cho tôi trẻ lại hơn 20 năm tuổi tôi lúc ấy” .
Họ cũng thấy mình có thể du hành rất nhanh, chỉ bằng năng lực của tâm ý. Một cựu chiến binh Việt Nam đã kể với Michael Sabom rằng :
“Tôi có cảm tưởng tôi nghĩ tới nơi nào là có mặt ngay ở đấy... Tôi khoái chí vì cảm giác về năng lực thần thông này. Tôi có thể làm bất cứ gì mình muốn... Ðiều ấy còn thực hơn là chuyện tôi hiện đang ở đây nữa, thực đấy”.
“Bỗng chốc tôi nhớ mình trở lại nơi chiến trường, chỗ tôi đã chết... Dường như thể là bạn hiện thân ra ngay ở đấy, rồi một giây sau, bạn đã ở đây, như một cái chớp mắt”.
Nhiều người chết đi sống lại cũng đã báo cáo họ có một cảm thức toàn tri “từ khởi thủy cho đến chung cuộc của thời gian”. Một phụ nữ kể với Rayond Moody : “Bỗng chốc, tôi có được hiểu biết về mọi sự từ vô thủy đến vô chung. Trong một giây, tôi có thể biết được bí mật của các thời đại, biết được ý nghĩa của vũ trụ, trăng sao, biết tất cả”.
“Có một giây phút trong đó dường như tôi biết tất cả mọi sự... Trong giây lát, ở đấy, dường như ngôn từ không cần thiết. Tôi nghĩ rằng tất cả điều gì tôi muốn biết là có thể biết ngay”.
“Khi ở đấy, tôi cảm thấy mình ở trung tâm điểm của sự vật. Tôi cảm thấy mình sáng suốt và trong sạch. Tôi cảm thấy mình có thể thấy được ý nghĩa cốt yếu trong mọi sự. Mọi sự đều khít khao, đều có ý nghĩa của nó, ngay cả những lúc đen tối nhất. Nó như thể là những mảnh vụn của một trò chơi nối ráp đã được kết lại vừa khít”.

4- Gặp gỡ người khác

Tử Thư Tây Tạng mô tả thân ý sanh trong Bardo tái sanh là có gặp những người chết khác trong cõi Trung Ấm tương tự, người chết đi sống lại cũng thường (trong lúc chết) có thể nói chuyện với người đã chết.
Cựu chiến binh Việt Nam kể cho Michael Sabom, khi ông ta nằm bất tỉnh trên chiến trường, ngắm cái thi thể mình :
“13 ba đứa đã bị tử trận vào ngày hôm trước, mà tôi đã cho vào túi nylon, bây giờ đang ở đấy với tôi. Hơn thế nữa, suốt trong tháng năm ấy, trung đoàn tôi chết 42 người. Tất cả 42 người đều có mặt ở đấy. Họ không ở trong hình dạng mà ta thấy như người thường... Nhưng tôi biết họ ở đấy. Tôi cảm thấy hiện diện của họ. Chúng tôi liên lạc với nhau không cần ngôn ngữ, lời nói”.
Một phụ nữ bị đứng tim vì thuốc gây mê trong lúc nhổ răng, đã nói :
“Khi ấy tôi thấy mình đang ở trong một phong cảnh đẹp đẽ, cỏ xanh hơn bất cứ thứ gì tôi đã thấy trên mặt đất, nó có một ánh sáng, một vẻ rực rỡ đặc biệt. Những màu sắc đẹp vượt ngoài mô tả, không có màu gì ở trên đời có thể so sánh được... Ở chỗ này, tôi thấy lại những người tôi biết đã chết. Không có lời trao đổi, nhưng dường như tôi biết được họ đang nghĩ gì, đồng thời tôi biết họ biết tôi đang nghĩ gì”.

5- Những cảnh giới khác nhau

Trong Bardo tái sanh, ngoài các loại thấy khác, thân ý sanh còn thấy được những ảnh tượng và dấu hiệu của những cảnh giới khác nhau. Một số ít trong những người chết đi sống lại thuật về những cảnh tượng của thế giới nội tâm, về những cõi thiên đường, đô thị ánh áng, với âm nhạc siêu trần.
Một phụ nữ kể với Raymond Moody :
“Ở tuốt đằng xa... tôi có thể trông thấy một đô thị. Có những tòa nhà riêng rẻ, sáng chói, rực rỡ. Người ta sống hạnh phúc trong đó. Có hồ nước, suối nước tung tóe... cả một đô thị ánh sáng, tôi có thể nói : thật tuyệt vời. Lại có âm nhạc tuyệt diệu. Mọi thứ đều sáng chói, diệu kỳ... Nhưng, nếu tôi vào trong đó, thì tôi nghĩ tôi đã không bao giờ trở lại... Tôi được bảo cho biết rằng nếu vào đấy thì tôi không thể trở về... rằng tôi có quyền quyết định”.
Một người khác kể với Margot Grey :
“Tôi dường như thấy mình ở trong một cái gì như là một dinh thự, nhưng tôi không thể nhớ được có tường vách nào. Chỉ có một ánh sáng vàng ròng lan khắp... Tôi để ý quanh tôi nhiều người dường như đang tản bộ, mỉm cười ; họ dường như không phải đang đi, mà họ đang lướt qua. Tôi không cảm thấy có gì ngăn cách với họ ; tất cả cảm giác tôi nhớ nhất về họ là, một cảm thức toàn triệt về nhất thể ; tôi là một phần của tất cả mọi thứ quanh tôi”.

6- Cảnh tượng địa ngục

Nhưng không phải tất cả mọi người chết đi sống lại đều mô tả những cảnh tượng tích cực lạc quan, vì bạn cũng đã thấy nói trong Tử Thư Tây Tạng. Vài người kể họ đã kinh quá những nỗi sợ hãi kinh hoàng, cô độc, buồn sầu ảm đạm, rất giống với cảnh tượng mô tả trong Trung Ấm tái sanh.
Theo báo cáo của Margot Grey, một người đã kể : họ “như bị hút vào trong một vực nước xoáy rộng lớn, đen ngòm”, và những người đã làm ác thì thấy mình đang du hành xuống phía dưới thay vì hướng lên trên, giống như Tử Thư mô tả những người sắp bị rơi vào những đọa xứ trong Trung Ấm tái sanh :
Tôi đang di chuyển như một phần của một dòng sông âm thanh - tiếng người lải nhải bất tận... Tôi thấy mình chìm vào trong đó, trở thành một phần của dòng nước và từ từ bị chìm ngập. Một nỗi kinh hoàng tóm lấy tôi, như thể tôi biết rằng một khi bị nuốt chửng bởi cái khối lượng tiếng ồn càng lúc càng tăng này, thì tôi sẽ chết mất.
Tôi đang dòm xuống một cái hố rộng sâu, đầy những sương mù cuồn cuộn. Từ dưới ấy có vô số những bàn tay và cánh tay vươn lên cố chụp bắt lấy tôi, kéo tôi vào đấy. Có tiếng rên siết kinh khủng, đầy tuyệt vọng.
(Trở về từ cõi chết, trang 32)
Những người khác kinh quá những điều mà ta chỉ có thể gọi là cảnh tượng địa ngục, với hơi nóng ngột ngạt và khí lạnh kinh hồn, và nghe những âm thanh của sự kêu la do bị hành hạ, hay tiếng gì như tiếng thú rừng. Theo báo cáo của Margot Grey, một phụ nữ đã kể :
“Tôi thấy mình ở một nơi xung quanh toàn là sương mù mờ mịt. Tôi cảm thấy mình đang ở địa ngục. Có một cái hố thật lớn từ trong đó hơi nóng tuôn ra, có những bàn tay và cánh tay đưa lên cố níu lấy tay tôi... Tôi kinh hoảng, sợ rằng bàn tay ấy sắp sửa tóm lấy tôi mà kéo vào trong địa ngục với họ... Từ phía khác, một con sư tử khổng lồ nhảy chồm về phía tôi, tôi thét lên. Tôi không sợ con sư tử, mà sợ nó sẽ làm cho tôi mất chân đứng và xô tôi vào cái hố sâu kinh khủng ấy... Dưới đó vô cùng nóng và luồng hơi dưới ấy tuôn lên cũng nóng khủng khiếp”.
(Grey, Trở về từ cõi chết, trang 63)
  Một người đàn ông bị đứng tim đã kể lại :
“Tôi đang đi xuống, xuống sâu trong lòng đất. Có nỗi giận dữ, và tôi cảm thấy sợ hãi vô cùng. Mọi sự đều một màu xám. Có tiếng ồn náo khủng khiếp như những con thú điên dại đang gầm gừ nghiến răng”.
(Trở về từ cõi chết, trang 70)
Raymond Moody viết : Có nhiều người cho rằng họ đã thấy những người dường như đã bị mắc bẫy do không thể đầu hàng cái khuynh hướng bám víu thế giới vật lý : tài sản, người, tập quán. Một phụ nữ nói về những con người “lạc loài” ấy như sau :
“Ðầu họ cúi xuống, họ có những vẻ buồn thảm tuyệt vọng, họ dường như đang lê bước, như bị xiềng chung lại với nhau, không biết mình đang đi đâu, không biết có ai để đi theo, hay có cái gì để tìm kiếm. Khi tôi đi qua, họ không buồn ngẩng lên nhìn xem cái gì. Họ dường như nghĩ : “Thôi, thế là xong. Tôi đang làm gì ? Tất cả chuyện này có nghĩa gì ?”. Chỉ thuần một tư thái vô vọng như thế, không biết mình phải làm gì, phải đi đâu, không biết mình là ai, hay gì cả. Họ dường như đi mãi, đi mãi tới trước, chứ không phải chỉ ngồi một chỗ, nhưng không có một hướng đặc biệt nào. Họ cứ đi thẳng tới, quay qua trái vài bước, rồi lại quay qua phải. Và tuyệt đối không có một việc gì để làm. Họ đang tìm kiếm, nhưng tìm cái gì tôi không biết được”.
(Moody, Tư duy, trang 19)
Trong những tường thuật mà ta có về kinh nghiệm cận tử, người ta thỉnh thoảng thấy có một ranh giới, một điểm ở đấy không thể có chuyện trở về. Ở ranh giới ấy, đương sự chọn lựa, hay được ánh sáng hiện diện bảo phải chọn lựa, trở về đời sống. Dĩ nhiên trong giáo lý Trung Ấm của Tây Tạng không có điều này, vì Tử Thư thì mô tả về những người đã chết thực sự. Tuy nhiên ở Tây Tạng có một số người gọi là déloks, cũng có cái gì gần giống với kinh nghiệm cận tử, và những gì họ thuật lại giống nhau một cách lạ lùng.

Délok : một kinh nghiệm cận tử của Tây Tạng

Một hiện tượng lạ lùng, ít được biết ở Tây phương, nhưng rất quen thuộc ở Tây Tạng, là délok. Tạng ngữ délok có nghĩa “trở về từ cõi chết”, và truyền thống délok là những người dường như “chết” do hậu quả một cơn bệnh, và tự thấy mình du hành trong cõi Trung Ấm. Họ đi thăm các cõi địa ngục, ở đấy họ chứng kiến sự phán xét người chết và những thống khổ ở địa ngục, và đôi khi họ lên thiên đường hay những cõi Phật. Họ có thể được một thiên thần mang đi, người bảo vệ họ và giải thích cho họ những gì xảy đến. Sau một tuần, người chết trở về thân xác với một thông điệp của Diêm vương gởi cho những người sống, giục họ phải tu hành và có một đời sống lợi lạc. Thông thường, những người déloks này rất khó mà làm cho người ta tin được những gì họ kể, và họ dành suốt đời còn lại để kể cho người khác nghe những kinh nghiệm của mình, để làm cho người ta tiến đến con đường tuệ giác. Có vài tiểu sử những déloks nổi tiếng được ghi lại thành vè, và được những người hát rong ca khắp xứ Tây Tạng. Một số khía cạnh của kinh nghiệm những déloks không những tương đương với giáo lý Trung Ấm trong Tử Thư Tây Tạng, mà còn tương đương với kinh nghiệm cận tử.
Lingza Chokyi là một délok nổi tiếng, xuất thân từ vùng quê tôi ở Tây Tạng và sống vào thế kỷ 16. Trong tiểu sử của bà, bà kể rằng bà không nhận ra mình đã chết, bà thấy mình thoát xác, thấy xác một con heo nằm trong giường bà, mặc áo quần của bà. Bà cuống cuồng cố một cách vô vọng để liên lạc với gia đình, khi họ đang khởi sự công việc cầu nguyện cho cái chết của bà. Bà đâm ra tức giận họ, khi họ tỉnh bơ không để ý gì tới mình, và không dọn thức ăn cho mình. Khi những con cái bà khóc lóc, bà cảm thấy như “một trận mưa đá đầy cả máu mủ” tuôn xuống, làm cho bà đau đớn vô cùng. Bà cho chúng ta biết bà rất vui khi thấy làm lễ cầu siêu cho bà, và cuối cùng một niềm hạnh phúc vô lượng dâng lên khi bà đến trước bậc thầy đang làm lễ cho bà, đang an trú trong tự tánh tâm, và khi ấy tâm bà với tâm thầy trở thành một.
Sau một lúc bà nghe tiếng gọi của người mà bà nghĩ là thân phụ mình, và bà đi theo ông. Bà đến cõi Trung Ấm, mà bà trông giống như một xứ sở. Từ đấy, bà kể, có một cây cầu dẫn xuống các cõi địa ngục, nơi mà Diêm vương đang kể những hành vi thiện ác của người chết. Trong cõi này, bà gặp nhiều người kể cho bà nghe chuyện của họ, và bà trông thấy một thiền giả vĩ đại đã xuống địa ngục để giải cứu các chúng sanh.
Cuối cùng Lingza Chokyi được trả về thế gian, vì có sự lầm lẫn về lý lịch, bà chưa tới số chết. Với thông điệp từ Diêm vương cho những người sống, bà trở về nhập xác và bình phục. Bà đã dành cuộc đời còn lại để kể những gì bà đã học được. Hiện tượng délok không chỉ có trong quá khứ, mà vẫn tiếp diễn đến rất gần đây, ở Tây Tạng. Ðôi khi một người như vậy rời bỏ thân xác chừng một tuần, gặp những người đã chết, đôi khi là những người họ hoàn toàn không quen biết. Những người này gửi gắm những thông điệp để mang về trần gian cho bà con họ, bảo bà con phải làm lễ này, lễ nọ nhân danh họ. Người chết hụt khi trở về sẽ nói lại những thông điệp ấy cho những thân quyến của người kia. Ở Tây Tạng, việc này được xem là thường, và có những phương pháp tinh vi để thử xem nhữngn gười sống lại ấy là thật hay giả. Con gái của Dilgo Khientse Rinpoche kể cho Francoise Pommaret, tác giả một quyển sách về các délok, rằng ở Tây Tạng, trong khi người délok đang trải qua cơn hôn mê, thì các lỗ trên thân xác của họ được bít lại bằng bơ và bột lúa mạch trát lên mặt họ. Nếu bơ không chảy ra, mặt nạ lúa mạch không nứt ra thì vị délok ấy được xác nhận là có chết thực. Truyền thống déloks vẫn tiếp tục ở Tây Tạng và vùng Hy Mã Lạp Sơn cho đến ngày nay. Những déloks là những người hoàn toàn bình thường, thường là những phụ nữ sùng tín. Họ “chết” vào những ngày đặc biệt trong lịch Phật giáo, chết đi vài giờ, và nhiệm vụ chính của họ là làm những sứ giả giữa người chết với người sống.

Thông điệp của kinh nghiệm cận tử

Như ta đã thấy, có những giống nhau giữa kinh nghiệm cận tử và giáo lý về cõi trung gian, nhưng cũng có những khác nhau. Sự khác nhau lớn nhất dĩ nhiên là người có kinh nghiệm cận tử chưa thực chết, trong khi giáo lý Bardo thì nói về những gì xảy ra sau khi thân xác thực sự chết, và khi họ tái sanh. Sự kiện rằng kinh nghiệm cận tử không tiếp tục đi cuộc hành trình xa hơn vào cõi chết - vài người nói họ chỉ “chết” trong một phút - phần nào giải thích được sự khác nhau giữa hai bên.
Vài người cho rằng kinh nghiệm cận tử diễn tả những giai đoạn của tiến trình tan rã trong Bardo  cái chết. Tôi nghĩ còn quá sớm để cố liên hệ kinh nghiệm cận tử một cách chính xác với các mô tả về Trung Ấm, vì người kinh quá kinh nghiệm cận tử chỉ có “suýt” chết mà thôi. Tôi thuật cho thầy Dilgo Khientse Rinpoche tính chất kinh nghiệm cận tử, và thầy gọi đó là một hiện tượng thuộc về cõi trung gian tự nhiên của cuộc đời này, vì tâm thức chỉ tạm rời khỏi thân xác của người “chết” và lang thang trong các cõi.
Dilgo Khientse Rinpoche ngụ ý rằng những người chết đi sống lại đang kinh quá sự chết lâm sàng ở trong cõi trung gian tự nhiên của đời này. Có lẽ họ đang ở ngưỡng cửa của các cõi Trung Ấm, chứ chưa thực sự đi vào trong ấy rồi trở về. Dù họ kinh quá những gì đi nữa, họ cũng vẫn đang còn trong phạm vi Bardo tự nhiên của đời này. Kinh nghiệm về ánh sáng của họ có giống với sự xuất hiện Ánh sáng Căn bản chăng ? Có thể chăng ngay trước khi mặt trời to rộng ấy mọc lên, họ đã nhìn thấy được những tia sáng đầu tiên của bình minh ?
Dù ý nghĩa tối hậu của những chi tiết kinh nghiệm cận tử ra sao, tôi vẫn rất xúc động trước nhiều báo cáo mà tôi đã đọc hoặc nghe nói, nhất là trước những thái độ tuôn phát từ những kinh nghiệm ấy, những thái độ đã phản ảnh một cách phong phú nhân sinh quan của đạo Phật. Hai thái độ tôi đã đề cập là sự chuyển hóa sâu xa, sự bừng tỉnh về tâm linh xảy ra nơi những người chết đi sống lại, và những ý nghĩa mà “toàn cảnh cuộc đời” đem lại cho đời sống chúng ta. Tất cả những người chết đi sống lại đều có cái kinh nghiệm này, thấy toàn cảnh cuộc đời mình diễn lại, và điều ấy chứng minh rõ ràng tính cách không thể trốn tránh của nghiệp, những hậu quả lâu xa và mãnh liệt của tất cả hành động, lời nói và ý nghĩ chúng ta. Thông điệp chính mà những người chết đi sống lại đem về cuộc đời này, hay hiện diện của “thực thể ánh sáng”, là giống hệt như thông điệp của Phật và giáo lý Trung Ấm : những đức tính cốt yếu và quan trọng nhất trong đời là yêu thương và hiểu biết, từ bi và trí tuệ. Những người ấy chắc chắn bắt đầu thấy cái mà giáo lý Trung Ấm dạy chúng ta rằng : sống và chết ở ngay trong tâm. Và niềm tin mà phần nhiều họ có được sau khi chết đi sống lại cũng phản chiếu phần nào cái tri kiến sâu xa hơn của họ.
Còn có những tương đồng lạ lùng giữa kinh nghiệm cận tử và hậu quả nó, với những trạng thái thần bí và tâm thức đổi khác. Chẳng hạn, một số hiện tượng bất thường đã được những người chết đi sống lại báo cáo. Một vài người sau đó đã có những linh kiến tiên tri, nói trước nhiều việc xảy ra trong đời mà về sau quả đã thành sự thực. Sau khi chết đi sống lại, nhiều người dường như kinh quá năng lực kundalini, nhiều người cảm thấy họ có năng lực thần thông hoặc chữa lành bệnh tật.
Nhiều người sống lại đã nói một cách lưu loát về vẻ đẹp, tình yêu, sự bình an, hạnh phúc và trí tuệ của cái mà họ đã trải qua trong giây phút chết. Với tôi, điều này có vẻ như họ có được một thoáng nhìn thấy vẻ sáng chói của tự tánh tâm, và do vậy không đáng ngạc nhiên chút nào khi cái nhìn ấy đã đem lại sự chuyển hóa tâm linh nơi họ. Nhưng như Margot Grey nhận xét : “Chúng ta không cần phải đợi suýt chết mới kinh quá được một thực tại tâm linh cao cả”. Thực tại ấy ở ngay đây, vào lúc này, trong cuộc đời, nếu ta có thể khám phá và thể nhập.
Tôi lại muốn đưa ra một đề phòng cốt yếu : Xin bạn đừng để những tường thuật về kinh nghiệm cận tử - dù cũng khá hấp dẫn thật đấy - ru ngủ bạn đến chỗ tin rằng muốn an trú trong những trạng thái thanh bình an lạc ấy, bạn chỉ cần chết là được. Không phải và không thể giản dị thế đâu.
Ðôi khi người ta gặp lúc quá đau khổ, tưởng chừng không chịu nổi nữa, mà nghe nói về những kinh nghiệm cận tử, họ có thể bị cám dỗ chấm dứt mọi sự bằng cách tự sát. Ðiều này có vẻ là một cách giải quyết đơn giản, nhưng họ quên một sự kiện rằng, bất cứ cái gìø ta trải qua đều là một phần của cuộc đời. Không thể trốn chạy. Nếu trốn chạy kiểu đó, bạn sẽ phải đối mặt với nỗi đau khổ một cách sâu đậm hơn về sau.
Ngoài ra, trong khi quả thực đa số kinh nghiệm cận tử được sưu tập đều là những kinh nghiệm tốt đẹp, ta vẫn phải còn xét lại xem điều này nó có nghĩa là có rất hiếm kinh nghiệm ghê gớm, tiêu cực, hay chỉ có nghĩa là những kinh nghiệm này khó nhớ lại. Có thể người ta không muốn nhớ lại những chuyện đen tối khủng khiếp. Lại nữa, những người có kinh nghiệm cận tử cũng nhấn mạnh rằng, điều mà họ học được là sự quan trọng của việc cải hóa cuộc đời ngay bây giờ, khi ta còn sống, vì họ bảo, chúng ta “có một sứ mạng quan trọng hơn trong lúc ta ở trên đời” .
Sự chuyển hóa cuộc đời ta ngay bây giờ là điều cấp thiết cốt yếu. Phải chăng thực là bi đát nếu cái thông điệp cốt tủy này của kinh nghiệm cận tử - rằng đời sống là thiêng liêng, và cần phải sống một cách nhiệt tình, có mục đích - lại bị che lấp, bị mất hút trong thái độ hời hợt là thi vị hóa cái chết ? Và có phải càng bi đát hơn, nếu thái độ lạc quan dễ dãi ấy càng đào sâu thêm thói xem nhẹ trách nhiệm đối với bản thân và với cuộc đời, một thói đang đe dọa sự sống còn của hành tinh trái đất ?

Ý nghĩa kinh nghiệm cận tử

Dĩ nhiên vài người cố tình chứng minh rằng những chuyện xảy ra trong lúc chết đi sống lại không có gì là kinh nghiệm tâm linh cả. Những nhà khoa học cố giải thích quấy quá những kinh nghiệm ấy là do những ảnh hưởng vật lý, thần kinh, hóa học hay tâm lý. Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu kinh nghiệm cận tử, cũng là bác sĩ và khoa học gia, thì lại bác bỏ từng điểm một của giải thích ấy một cách minh bạch, và nhấn mạnh rằng họ không thể giải thích toàn thể kinh nghiệm cận tử. Melvin Morse viết cuốn tác phẩm vĩ đại của ông “Gần ánh sáng hơn” , học từ kinh nghiệm cận tử của trẻ em :
“Nhưng kinh nghiệm cận tử có vẻ là một chùm biến cố mà người ta không thể hiểu được toàn diện bằng cách nhìn từng mảnh vụn khác nhau của nó. Ta không thể hiểu âm nhạc bằng cách nghiên cứu những tần số âm thanh khác nhau đã tạo nên mỗi nốt nhạc, ta cũng không cần phải thấu hiểu vật lý học về âm thanh mới thưởng thức được Mozart. Kinh nghiệm cận tử vẫn còn là một sự huyền bí”. (tr.40)
Melvin Morse còn nói :
“Tôi nghĩ rằng chỉ cốt hiểu được kinh nghiệm cận tử, đó là bước đầu của chúng ta để hàn gắn sự phân chia lớn lao giữa khoa học và tôn giáo, khởi đầu với Isaac Newton gần 300 năm trước. Việc giáo dục những y sĩ, điều dưỡng viên, và chính chúng ta về những gì người ta kinh quá vào những giờ phút cuối cùng ấy, sẽ lung lay tận gốc những thành kiến ta trong đường lối suy nghĩ của ta về y học và đời sống”.
Nói cách khác, tiến bộ thực sự của kỹ thuật y khoa đồng thời cung cấp phương tiện cho nó tự cách mạng chính nó. Melvin Morse nói :
“Tôi thấy điều thực mỉa mai là chính kỹ thuật y khoa của chúng ta đã đưa đến vô số những kinh nghiệm cận tử như thế... Trải hàng thế kỷ, đã có nhiều kinh nghiệm cận tử, nhưng chỉ có 20 năm sau này ta mới có được kỹ thuật để phục sinh bệnh nhân. Bây giờ họ đang kể cho chúng ta nghe những kinh nghiệm của họ, vậy ta hãy lắng nghe họ nói. Ðiều này tôi cho là một thử thách cho xã hội ta... Kinh nghiệm cận tử, theo tôi nghĩ, là tiến trình tâm lý tự nhiên liên hệ đến cái chết. Tôi dám tiên đoán rằng, nếu ta có thể hội nhập tri kiến này vào đời sống xã hội ta, thì không những nó sẽ giúp cho những bệnh nhân sắp chết, mà còn giúp cho xã hội nói chung. Tôi thấy y khoa ngày nay thiếu hẳn tâm hồn... Không có lý do nào kỹ thuật và tâm linh không thể hiện hữu bên nhau được”.
Một trong những lý do tôi viết sách này là để chứng tỏ tôi tin điều Melvin Morse nói là có thể thực hiện. Kỹ thuật và tâm linh có thể, và cần phải, hiện hữu song hành, nếu ta muốn phát triển tiềm năng con người chúng ta một cách toàn vẹn. Phải chăng một nền khoa học nhân bản hoàn toàn hữu ích sẽ có can đảm khám phá những dữ kiện huyền bí về cái chết, những dữ kiện được khải thị trong kinh nghiệm cận tử và trong sách này ?
Bruce Greyson, một trong những tác giả quan trọng trong ngành nghiên cứu kinh nghiệm cận tử đã nói :
“Khoa học nên cố giải thích kinh nghiệm cận tử, vì trong đó có chìa khóa của sự tăng tiến khoa học... Lịch sử đã cho ta thấy chỉ nhờ cố giải thích những hiện tượng vượt ngoài tầm của ta mà khoa học đã phát huy được những phương pháp mới. Tôi tin kinh nghiệm cận tử là một trong những nạn để có thể bắt buộc các nhà khoa học phải phát triển một phương pháp mới, một phương pháp bao gồm một nguồn tri thức, không những chỉ tri thức lô-gích của học giả, hay quan sát thực nghiệm của nhà vật lý, mà còn cả kinh nghiệm trực giác của nhà thần bí nữa”.
Bruce Greyson cũng nói, ông tin kinh nghiệm cận tử xảy ra vì một lý do : “Căn cứ trên sự canh chừng những kinh nghiệm cận tử bao năm nay, tôi nghĩ rằng chúng ta có những kinh nghiệm như thế là để mà học cách giúp đỡ người khác”.
Kenneth Ring lại con thấy một khả năng và ý nghĩa kỳ diệu trong kinh nghiệm cận tử. Ông ta hỏi tại sao ngày nay có quá nhiều người có kinh nghiệm ấy như vậy, và có sự chuyển hóa tâm linh vào thời đại này. Trong nhiều năm làm một trong những tiên phong gan dạ nhất trong lĩnh vực nghiên cứu kinh nghiệm cận tử, ông đã dần dần thấy kinh nghiệm cận tử như là “sứ giả của hy vọng”, nó cho thấy một thực tại tâm linh cao cả hơn, và nhắc nhở chúng ta thay đổi một cách khẩn thiết mọi khía cạnh của lối sống ta hiện tại ; nhắc ta chấm dứt mọi tranh chấp, chia rẽ giữa những tôn giáo, dân tộc, và bảo vệ, cứu lấy sinh môi.
“Tôi tin rằng nhân loại nói chung đang cùng nhau nỗ lực để thức dậy một hình thái tâm thức mới mẻ hơn và cao cả hơn, và kinh nghiệm cận tử có thể được xem như một phương tiện tiến hóa để đem lại sự thay đổi này, qua thời gian vài năm, trong hàng triệu con người”.
(Tiến về Omega, tr.7)
Có thể rằng điều này đúng hay không, còn tùy ở tất cả chúng ta : chúng ta có thực can đảm đối diện với những ý nghĩa hàm ẩn trong kinh nghiệm cận tử và giáo lý về Trung Ấm hay không, và có thể nhờ sự cải hóa mình, mà chuyển hóa được thế giới xung quanh ta, - và lần lượt qua từng giai đoạn, chuyển hóa toàn thể tương lai nhân loại - hay không. 

 (còn tiếp)

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites