Pages

07 June 2012

Thọ Bát Quan Trai – Học Quán Vô Thường (Phần I)

"Thọ Bát Quan Trai còn là cơ hội để các Phật tử và Đại chúng gieo trồng, làm tăng trưởng thêm các công đức thù thắng, giúp cho chính mình trên con đường tu học và giải thoát..."


Phần I – Giữ Giới



Chư Tổ dạy:
Tu mà không học là tu mò
Học mà không tu là đãi sách

Để giúp cho các Phật tử vừa tu học Phật pháp vừa ứng dụng trong việc tu tập, lần thứ hai trong năm Chùa Phật Huệ đã tổ chức Thọ Bát Quan Trai cho các Phật tử và Đại chúng tại Đức.
Khác với những lần trước, Thọ Bát Quai Trai ngày 12-13.11.2011 vừa qua không chỉ riêng các Phật tử người Việt, mà ngay cả những Phật tử người Đức cũng vô cùng hân hoan về Chùa để xin được Thọ Bát Quan Trai.
Vì số Phật tử quá đông, do vậy Ban Tri Sự của Chùa Phật Huệ đã quyết định chia thành hai nhóm: Nhóm Phật tử người Đức do Thượng Toạ Thích Thiện Sơn chủ giảng; và nhóm Phật tử người Việt do Thượng Toạ Thích Từ Trí chủ giảng cùng sự trợ giúp của các Chư Tăng Ni trong Chùa Phật Huệ.


Khung cảnh Lễ Thọ Bát Quan Trai ngày 12-13.11.2011 tại Chùa Phật Huệ


Theo đúng giờ quy định, vào lúc 14:00 giờ ngày 12.11.2011, trước sự tề tựu đông đủ của các Phật tử và Đai chúng người Việt, Thượng Toạ Thích Từ Trí và các Chư Tăng Ni của Chùa Phật Huệ đã hoan hỉ chào đón và khen ngợi sự quan tâm, tiến tu không ngừng của các Phật tử và Đại chúng người Việt trong những năm tu học vừa qua. Điều đó cho thấy sự trưởng thành rõ rệt của mọi người trên con đường tu học giáo Pháp Đại thừa mà Đức Phật để lại. Trong thời khắc thiêng liêng nhất, Thượng Tọa Thích Từ Trí cùng các Chư Tăng Ni đã hướng dẫn và làm Lễ Thọ Bát Quan Trai cho các Phật tử và Đại chúng về Chùa tu học.
Mặc dù Lễ Thọ Bát Quan Trai được Chùa Phật Huệ tổ chức thường xuyên và hàng năm, nhưng mỗi năm số Phật tử về Chùa tu học đều có sự nhân lên và khác biệt, do vậy Thượng Tọa Thích Từ Trí đã ân cần khai thị và hệ thống sơ lược về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc Thọ Bát Quan Trai để các Phật tử ghi nhớ và nhận thức thêm một cách sâu sắc hơn nữa về con đường tu học Phật pháp của mình.

Các Phật tử lắng nghe Thượng Toạ Thích Từ Trí giải nghĩa tầm quan trọng của Thọ Bát Quan Trai


Tại sao lại có nghi thức Thọ Bát Quan Trai? Thượng Toạ Thích Từ Trí đã lược giải: Đó là vì Đức Phật thương xót chúng sanh (đặc biệt là hàng tại gia) vì không có cơ hội để xuất gia mà theo học Phật pháp và đại tu Trai Giới, do vậy Phật đã chế ra Pháp môn này giúp cho các chúng đệ tử tại gia có được thêm cơ hội tu học theo hạnh của hàng xuất gia, từ đó nhận diện rõ chân tâm của mình, mà gieo trồng các căn lành, phát bồ đề tâm kiên cố, dần dần xa lìa ba đường ác, vĩnh ly sanh tử luân hồi, đạt tới cứu cánh giải thoát…
Bát Quan Trai, theo nghĩa đen chữ Hán, là tám điều kiêng cữ, như là tám cửa ải chận đứng các pháp bất thiện. Giới Bát Quan Trai chính xác được gọi là giới cận trụ. Nghĩa là, sống gần đời sống xuất gia, gần chùa chiền, gần nơi thanh tịnh. Tập quen với đời sống thanh tịnh để thấy được giá trị. Còn cao hơn nữa, cận trụ được hiểu là tập sống gần đời sống một vị A La Hán, là bậc Thánh xuất thế gian. Ngoài nghĩa cận trụ, giới Bát Quan Trai còn được gọi là giới Bồ Tát hay trưởng tịnh: trì giới làm phát triển phần thanh tịnh, những đức tính tốt trong mình.

Các Chư Tăng cùng Phật tử làm Lễ Thọ Bát Quan Trai ngày 12-13.11.2011 tại Chùa Phật Huệ


Tại sao lại gọi là BÁT? Thượng Toạ Thích Từ Trí giải thích: Bát là Tám. Khi thọ Tám Giới này, người được thọ giới sẽ luôn phải cảnh giác thân tâm và giữ gìn thân ý của mình cho được thanh tịnh trong vòng 24 giờ đồng hồ. Nghĩa là trong vòng 24 giờ này, người thọ Giới phải xa lìa tất cả những điên đảo, vọng tưởng trong tâm, xa lìa tất thảy thế giới tham dục bên ngoài, luôn giác tâm để ngăn ngừa sai quấy và tạo tác các việc ác. Trong Phật pháp, Giới cũng có nghĩa là ngừa quấy ngăn ác. Các nghiệp quấy, ác đó là những nghiệp thuộc về Thân-Khẩu-Ý
- Thân nghiệp bao gồm: Nghiệp sát sanh, trộm cướp, tà dâm.
- Khẩu nghiệp bao gồm: Nghiệp nói dối; nói hai lưỡi; ác khẩu; nói thêu dệt.
- Ý nghiệp bao gồm: Nghiệp tham; sân; si

Có thể nói ba nghiệp Thân-Khẩu-Ý chính là ba cánh cửa mà chúng ta luôn luôn phải tìm cách ngăn ngừa, cảnh giác, đóng kín. Bằng không ba cánh cửa đó cũng chính là ba cửa ác đạo, đưa chúng ta vào sa vào vòng nhân-ngã thị phi, sanh tử luân hồi…
QUAN có nghĩa là "Cửa". Ý nói: Người thọ Bát Giới sẽ không còn mảy may có những ý nghĩ tạo tác các việc bất thiện. Do vậy cánh cửa tam ác đạo (Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) cũng sẽ luôn được đóng kín. Họa phước vô môn, duy nhân tự chiêu: Nghĩa là hoạ-phước vốn không có cửa mà đều do tâm con người chiêu cảm mà thành.
TRAI có nghĩa là Thanh Tịnh. Thường ngày chúng ta sống với tâm của chúng sanh, do vậy từ sáng tới tối, tâm thường mê mải theo đuổi những tham luyến trần tục. Nay khi thọ TRAI GIỚi, chúng ta sẽ phải ý thức được đâu là si mê, đâu là trí giác; đâu là thiện, đâu là ác; đâu là chấp trước, ngã, vọng… nghĩa là chúng ta phải ráng trong vòng 24 giờ đồng hồ, tẩy trừ cái tâm nhơ chúng sanh đó đi để sống với thực tướng, với chân như bản tánh – Phật tánh của chính mình.
Sau những lời khai thị, Thượng Toạ Thích Từ Trí đã làm lễ Quy y Tam Bảo; Khai thị Giới Tướng và truyền Giới cho các Phật tử và Đại chúng.

Các Phật tử phát nguyện khi Thọ Bát Quan Trai ngày 12-13.11.2011 tại Chùa Phật Huệ


Giới tướng bao gồm 8 Giới, trong đó 5 Giới hàng xuất gia cũng như tại gia đều luôn phải giữ. Ngoài ra, khi Thọ Bát Quan Trai các Phật tử và Đại chúng còn phải tuyên thệ và nghiêm trì thêm 3 giới nữa trong vòng 24 giờ. Cụ thể 8 Giới các Phật tử và Đại chúng phải phát nguyện gồm có:

1. Nguyện như chư Phật suốt đời không sát sanh, và nguyện trong một ngày một đêm không sát sanh.
2. Nguyện như chư Phật suốt đời không trộm cắp, và nguyện trong một ngày một đêm không trộm cắp.
3. Nguyện như chư Phật suốt đời không dâm dục, và nguyện trong một ngày một đêm không dâm dục.
4. Nguyện như chư Phật suốt đời không nói dối, và nguyện trong một ngày một đêm không nói dối.
5. Nguyện như chư Phật suốt đời không uống rượu, và các chất dễ say, và nguyện trong một ngày một đêm không uống rượu, không dùng các chất dễ say.
6. Nguyện như chư Phật suốt đời không thoa ướp hương hoa vào mình và không trang sức sắc phục, và nguyện trong một ngày đêm không thoa ướp hương hoa vào mình và không trang sức sắc phục.
7. Nguyện như chư Phật suốt đời không ca múa xướng hát và không đi xem nghe, và nguyện trong một ngày đêm không ca múa xướng hát và không đi xem nghe.
8. Nguyện như chư Phật suốt đời không ngồi giường cao ghế đẹp, và trong một ngày đêm không ngồi giường cao ghế đẹp và không ăn phi thời.
Sau khi phát nguyện và đảnh lễ Sám Hối trước Chư Phật và các Chư Tăng Ni – Những người đại diện cho giáo Pháp của Phật, và mang giáo pháp đó truyền thọ cho các Phật tử, Thượng Toạ Thích Từ Trí đã nhấn mạnh một lần nữa về tầm quan trọng của việc Thọ Bát Quan Trai Giới, mặc dù chỉ diễn ra trong vòng 24 giờ, nhưng trong 24 giờ đó các Phật tử và Đại chúng sẽ được thực sự sống trong một không gian thanh tịnh – sự thanh tịnh của tự tánh sẵn có của chính mình.
Thọ Bát Quan Trai còn là cơ hội để các Phật tử và Đại chúng gieo trồng, làm tăng trưởng thêm các công đức thù thắng, giúp cho chính mình trên con đường tu học và giải thoát. Đó chính là con đường chuyển phàm thành Thánh mà Đức Phật hằng thường giáo hoá và mong mỏi.
(còn tiếp)

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites