"Nhưng thật đáng tiếc những tiếng niệm Phật của
chúng ta vang lên lại thường là những lời cầu mong Đức Phật hiển
linh, ban cho mình những mong ước, dục vọng của thế gian..."
Cũng bởi thấy được cuộc đời nhiều đau khổ, mọi thứ đều vô thường, có đó rồi mất đó, không được vẹn tròn như ta hằng mơ ước nên chúng ta muốn tìm kiếm một cõi thực sự bình yên, an lạc, để cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản và tốt đẹp hơn.
Có hay không một cõi như vậy - Nơi mà chúng ta tới được đó, chúng ta sẽ có được sự an lạc, bình yên và hạnh phúc? Có! Đó là cõi Tịnh Độ do Đức Phật A Di Đà lập ra nhằm để tiếp dẫn chúng sanh ra khỏi bể khổ để đến bến bờ an lạc. Do vậy khi ta Niệm một câu A Di Đà Phật cũng bởi là chúng ta muốn xa lánh những đau khổ triền miên trong cuộc đời này, muốn xa lánh những sự ô ế xấu xa để đến với cõi Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà, đến với niềm vui hạnh phúc thực sự của cuộc đời phải không các bạn. Vậy nhưng đã lúc nào chúng ta tự hỏi lại lòng mình: Xưa nay mình có thật sự niệm Phật A Di Đà chưa; Có thật sự niệm để buông bỏ; Niệm để xa lánh những sự xấu xa; Niệm để hướng tới những điều tốt đẹp…v.v? Hay chúng ta niệm như một cái máy, như một con vẹt … thậm chí đôi lúc lại Niệm một câu A Di Đà Phật hay Mô Phật để mỉa mai nhau… Nếu điều đó có thật thì quả là bất kính có phải không các bạn?
Ở một xóm nọ có bà Năm ăn chay, niệm Phật nhưng tính tình rất dữ, hay la mắng mọi người, khẩu nghiệp rất nặng. Có ông nọ thấy vậy cũng bất bình. Để ý bà đã lâu và định cho bà một bài học. Một hôm nọ, canh đúng lúc bà Năm tụng kinh, ông nọ tới trước cổng kêu lớn:
- Bà Năm ơi! Bà Năm! Bà có ở nhà không?
Bà Năm trong nhà đang tụng kinh niệm Phật, nghe có người gọi, bà biết là tiếng ông hàng xóm. Bà nghĩ thầm:
- Ông này lạ thật. Đã tới rồi sao không vào nhà mà đứng chi ngoài ngõ gọi, không biết giờ này mình đang niệm Phật hay sao mà gọi hoài vậy? Không lịch sự chút nào.
Không thấy bà Năm trả lời, ít phút sau ông nọ tiếp tục gọi:
- Bà Năm ơi! Bà Năm có nhà không?
Bà năm lúc này rất bực tức nhưng nén lòng, nghiến răng niệm càng lúc càng to như để cho ông hang xóm biết là mình đang tụng kinh niệm Phật. Ông hàng xóm giả bộ không nghe thấy, lại gọi bà Năm vài tiếng nữa. Lúc này bà Năm chịu hết nổi, bèn đứng dậy, ra mắng cho ông hàng xóm một trận tơi bời. Ông hàng xóm lúc này mới bình tĩnh đáp lời bà Năm. Ông hỏi bà Năm:
- Tôi mới gọi bà có mấy tiếng mà bà nổi giận đùng đùng như vậy, chứ hồi nãy giờ bà nghiến răng gọi to tên đức Phật A Di Đà như vậy thử hỏi Đức Phật có nổi giận với bà không?
Nghe vậy bà Năm giật mình, bừng tỉnh rồi chạy vội vào nhà, lạy Phật, sám hối…
Câu chuyện trên cho chúng ta thấy một điều: Nhiều khi chúng ta niệm Phật một cách vô thức. Miệng niệm Phật nhưng trong tâm còn chứa đầy tạp niệm và vọng động. Niệm như thế không phải là bất kính với Đức Phật sao?
Hãy niệm Phật bằng trái tim chân thành, bởi khi chúng ta Niệm A Di Đà Phật là chúng ta đã thầm gửi tới Ngài một thông điệp: Đức Phật ơi! Thế gian khổ quá! Con muốn buông bỏ tất cả để về Tịnh độ, để được nghe Ngài chỉ dẫn tu tập, để con có được sự an lạc, hạnh phúc… Nếu chúng ta niệm Phật được như vậy sẽ thật tuyệt vời, bởi ngay lúc đó chúng ta sẽ cảm nhận được sự hoan lạc của tâm, và sự màu nhiệm cũng bắt đầu đã xảy ra… Nhưng thật đáng tiếc những tiếng niệm Phật của chúng ta vang lên lại thường là những lời cầu mong Đức Phật hiển linh, ban cho mình những mong ước, dục vọng của thế gian, hay Niệm Phật cầu giúp cho mình làm những việc xằng bậy… Và một điều thật buồn có không ít người trong chúng ta lại ráng niệm Phật một ngày cho thật nhiều để rồi đem chuyện đó ra để khoe khoang, kể lể mỗi khi có cơ hội.
Người niệm Phật giống như đứa trẻ cùng cha mẹ đến hội chợ vui chơi, rồi vì quá mê mải với những trò tiêu khiển, đứa trẻ đã sơ ý lạc mất cha mẹ không biết đường nào về nhà. Vào lúc này theo các bạn đứa bé sẽ làm gì? Hành động duy nhất của đứa trẻ lúc này là cất tiếng khẩn thiết để gọi cha mẹ. Chỉ có như vậy cha mẹ nó mới nghe tiếng kêu mà tìm thấy nó, hay để mọi người giúp nó tìm thấy cha mẹ, hay giúp đưa nó về nhà để gặp cha mẹ.
Chúng ta đang trôi lăng trong sáu nẻo luân hồi, không biết phải về đâu, chỉ còn cách trì danh Đức Phật A Di Đà một cách thành khẩn, nhờ Ngài đưa về Tịnh độ, không phải đi vào các con đường ác để chịu nhiều đau khổ…
Các bạn cố gắng nhớ giữ lấy, đừng bao giờ quên địa chỉ này nhé. Nơi chúng ta cần tới là Tịnh Độ, chủ nhà là Đức Phật A Di Đà.
Hãy giữ lấy danh hiệu Ngài trong trái tim mình, để tiếng niệm Phật luôn được vang lên trong chánh niệm.
Niệm Phật trong chánh niệm - Ngay lúc đó bạn sẽ có được sự an lạc!
Kava Nguyễn
0 Kommentare:
Post a Comment