Pages

08 June 2012

Thọ Bát Quan Trai - Học Quán Vô Thường (Phần II)

"Học quán chiếu Vô Thường là chúng ta nên đem, luôn đem mọi sự trong đời (nhân sinh, vũ trụ…) để mà quán chiếu..."





Phần II – Quán Vô Thường



Trong các lần tổ chức Thọ Bát Quan Trai, điều được Ban Tri Sự của Chùa Phật Huệ quan tâm hàng đầu là những buổi Pháp đàm. Bởi đây là cơ hội để các Phật tử và Đại chúng cùng nhau nghe Pháp, rồi cùng nhau trao đổi, hoặc đưa ra những quan điểm, những khúc mắc, những vướng kẹt trong qua trình tu học của bản thân, nhân rộng ra đó cũng là cơ hội để các Phật tử và Đại chúng tự nhìn nhận lại mình, và bồi bổ thêm những giáo Pháp, kinh nghiệm tu học quí báu từ các Thầy và các bạn đồng tu.


Mở đầu cho phần Pháp đàm lần này, Thượng Toạ Thích Từ Trí đã dẫn một câu chuyện nhỏ về Ngài Anan...
Đó là vào một lần, vua Ba Tư Nặc nhân ngày kỵ giỗ của phụ vương, thiết lễ trai nghi, thỉnh Đức Phật vào cung. Vua đích thân nghinh đón Phật, dâng cúng nhiều thức ăn thượng diệu đồng thời tự mình mời các vị bồ tát. Trong thành cũng có các vị trưởng giả cư sĩ đồng thời thiết lễ trai tăng, mong được thỉnh Phật đến cúng dường. Đức phật bảo Ngài Văn Thù phân chia các vị Bồ Tát và A La Hán đến nhà trai chủ dự lễ cúng dường. Chỉ có Anan đã nhận lời biệt thỉnh, đi xa chưa về, nên không kịp dự vào hàng tăng chúng, không có các vị thượng toà và a xà lê cùng đi. Hôm ấy không có ai cúng dường, Anan chỉ một mình trên đường về nhà. Lúc ấy Anan mang bát vào thành khất thực theo thứ tự từng nhà, ban đầu trong lòng chỉ mong được một người đàn việt cuối cùng làm trai chủ, Anan không kể sang hèn, dòng dõi quý trọng, hay chiên đà la thấp hèn, đều thực hành tâm từ bi bình đẳng. Mong được thành tựu công đức viên mãn cho tất cả chúng sanh. Anan biết Như Lai quở trách Tu Bồ Đề và đại Ca Diếp, là bậc A La Hán mà tâm không bình đẳng, do vậy Anan kính vâng lời khai thị của Phật, giúp chúng sanh thoát mọi nghi ngờ phỉ báng. Ngài thong thả đi qua cổng thành rồi vào từng nhà, uy nghi nghiêm chỉnh theo đúng pháp hoá trai. Bấy giờ, Anan theo thứ tự khất thực từng nhà, đi ngang qua nhà dâm nữ, gặp đại huyễn thuật ma đăng già, bà dùng thần chú ta-tỳ-ca-la tiên phạm thiên bắt Anan, ép làm chuyện dâm dục, dựa kề vuốt ve khiến Anan sắp huỷ phạm giới thể. Như Lai biết Anan bị dâm thuật kia gia hại, nên thọ trai xong liền trở về, vua cùng các quan đại thần, trưởng giả cư sĩ đều theo Phật, mong được nghe pháp yếu.





Hình ảnh các Chư Tăng Chùa làm lễ cầu nguyện trước giờ Pháp đàm
Khi ấy, trên đỉnh Thế Tôn phóng ra trăm đạo hào quang vô uý quý báu sáng rỡ. Trong hào quang ấy hiện ra hoa sen báu nghìn cánh, trên đó có hoá thân Phật đang ngồi kiết già, tuyên thuyết thần chú. Đức Phật dạy Ngài Văn Thù Sư Lợi đem thần chú đến cứu Anan, khiến cho tà chú kia liền tiêu diệt, rồi dẫn Anan và Ma Đăng Già về chỗ Phật.
Anan gặp Phật đảnh lễ khóc than, hối hận từ vô thỉ đến nay, chỉ một bề thích học rộng nhớ nhiều nên chưa kiện toàn đạo lực. Nay Anan tha thiết cung kính thỉnh Phật truyền dạy pháp tu xa-ma-tha, tam-ma, và thiền-na là phương tiện vi diệu ban đầu của mười phương các đức Như Lai đã tu tập mà chứng được bồ đề. Khi ấy có hằng hà sa Bồ Tát, các vị đại A la hán, Bích chi Phật… trong khắp mười phương đều mong mỏi được nghe. Tất cả ngồi im lặng chờ Phật chỉ dạy.


Đức phật bảo Anan: "Ông với Như Lai là anh em cùng một dòng họ, khi mới phát tâm tu tập trong giáo pháp của Như Lai, ông thấy điểm thù thắng nào mà từ bỏ ân ái sâu nặng thế gian để xuất gia?" Anan bạch Phật: "Bạch Thế Tôn, do con thấy ba mươi hai tướng tốt thù thắng vi diệu tuyệt đẹp của Như lai, hình thể sáng chói trong suốt như ngọc lưu ly. Con thường luôn suy nghĩ những tướng tốt này không phải sanh ra do ái dục. Tại sao vậy? vì dục khí thì thô nặng và dơ bẩn. Từ sự uế tạp và thối tha ấy giao hợp với nhau tạo thành một thứ tinh thể hổn tạp. Từ đó không thể sinh ra một thân thể thù thắng, thanh tịnh, sáng rỡ vi diệu như khối vàng tía này, do đó mà con đem lòng khát ngưỡng, theo phật xuất gia".





Hình ảnh các Chư Tăng trong giờ Pháp đàm
Đức phật nói: “Lành thay! Anan. Các ông nên biết tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay chịu sanh tử tương tục do vì không nhận ra chơn tâm thường trụ, thể tánh vốn trong sạch sáng suốt mà nhận lầm các vọng tưởng; các vọng tưởng này vốn chẳng chân thật, thế nên bị luân chuyển. Nay ông muốn thấu rõ quả vị vô thượng bồ đề mà phát minh chân tánh, ông phải dùng trực tâm đáp ngay lời Như Lai hỏi. Vì mười phương Như Lai đồng một đường nên ra khỏi sanh tử đều nhờ trực tâm này. Do tâm và lời nói đều ngay thẳng như thế, cho đến khoảng thời gian trước, sau, và thời kỳ trung gian tuyệt nhiên không có lời nói cong vạy". Anan, nay tôi hỏi ông: "Ngay khi ông vừa mới phát tâm là do ông thích ba mươi hai tướng tốt của Như lai. Vậy ông lấy gì để thấy và ông ưa thích cái gì?"
A nan bạch Phật rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Sự yêu thích như thế là do mắt và tâm của con. Do mắt thấy tướng thù thắng của Như lai nên tâm ưa thích và phát tâm nguyện xả bỏ sanh tử".
Phật bảo Anan: "Như ông nói, thật chỗ yêu thích là do tâm và mắt, nếu ông không biết tâm và mắt ở đâu thì làm sao hàng phục được trần lao?"
Ví như quốc vương, khi có giặc đến xâm chiếm nước mình, muốn phát binh đi trừ dẹp thì cần phải biết giặc trú ngụ nơi nào. Lỗi lầm là ở tâm và mắt khiến ông bị lưu chuyển…"


Khung cảnh các Chư Tăng và Phật tửtrong giờ Pháp đàm đêm 12.11.2011
Câu chuyện trên nói cho đúng đó chính là diệu cơ thuyết Pháp của Đức Thế Tôn mang tên Kinh Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm... Ý nghĩa sâu xa của câu chuyện Anan mà Thượng Toạ Thích Từ Trí muốn nhắn nhủ và cảnh tỉnh đến các Phật tử và Đại chúng: Ngay cả Ngài Anan, là em họ của Đức Phật, người tự hiệu có thế trí biện thông không ai sánh kịp, vậy nhưng chỉ vì lấy vọng làm chân, lấy sự tham đắm tài, sắc làm hạnh nguyện… do vậy khi hoà quang, tiếp vật lập tức đã bị ngoại cảnh mê hoặc, quyến rũ, và sa đà vào vòng tay luyến dục mà chẳng hề hay biết. Còn chúng ta vẫn thuộc hàng phàm phu, vẫn đang chập chững từng bước trên con đường học hỏi và tu tập Phật Pháp, do vậy nếu như hàng ngày, hàng giờ, hàng niệm niệm, nếu chúng ta không biết cảnh giác thân tâm, và giữ gìn thân ý của mình cho thật thanh tịnh, rồi quán chiếu Thiện-Ác tất chúng ta sẽ bị sa vào vòng lưới vô minh, tham dục vào bất cứ thời khắc nào mà chẳng hay biết. Nói khác đi thế gian vạn vật chuyển xoay, sanh, diệt, tạo tác không ngừng - Sự chuyển xoay, sanh-diệt không ngừng ấy Đức Phật gọi đó là: Sự Vô Thường. Và sự Vô Thường ấy có thể ập đến với chúng ta vào bất kỳ lúc nào, thời khắc nào. Nhưng làm thế nào để chúng ta nhận thấy rõ: Đó là sự Vô Thường? Rồi chuyển hoá được sự Vô Thường ấy mà không bị Vô Thường níu kéo, cuốn trôi? Đây cũng chính là một đề tài mà Thầy Tâm Nhật đã gợi ý để các Phật tử và Đại chúng có mặt trong buổi Pháp đàm cùng suy ngẫm và đưa ra trao đổi thật kỹ.

Hình ảnh các Chư Tăng và Phật tử trong giờ Kinh hành ngày 13.11.2011


Để giúp các Phật tử và Đại chúng có khái niệm rõ hơn về hai chữ Vô Thường, Thượng Toạ Thích Từ Trí đã giản nghĩa cụm từ này:
Vô: là không; Thường là thường còn, vĩnh viễn.
Do vậy khi nó tới Vô Thường là chúng ta liên tưởng tới ngay tới sự không thường còn, hay sự chuyển biến, đổi thay không ngừng của con người, vũ trụ, thế gian, vạn vật…
Vô Thường diễn ra theo bốn giai đoạn: Thành, Trụ, Hoại, Diệt.
Ví như con người sinh ra=Thành, rồi lớn lên=Trụ, tiếp đó là sẽ già đi=Hoại và chết=Diệt.
Sự Vô Thường này không chỉ giới hạn cho con người, trái lại ngay với cả sự vật, hiện tượng… cũng đều không đi ra ngoài quĩ đạo đó. Ví thử như mặt nước ao, nhờ có gió mà tạo thành vòng sóng=Thành; rồi những vòng sóng ấy lớn dần lên, lan toả ra khắp mặt ao=Trụ; nhưng những vòng sóng sẽ chỉ tiếp tục lan nhanh khi còn có sự tác động của gió, ngược lại, khi gió từ từ nhẹ thổi và dừng lại, tất những vòng sóng trên mặt nước sẽ lập tức yếu dần=Hoại, rồi khi gió ngừng hẳn, cũng lập tức các vòng sóng sẽ biến mất=Diệt.

Hình ảnh các Chư Tăng và Phật tử trong giờ Kinh hành ngày 13.11.2011


Một câu hỏi của một Phật tử nhờ Ni Sư Thích Nữ Diệu Hạnh kiến giải trong buổi Pháp đàm đó là việc di rời Chùa Phật Huệ trong khoảng thời gian một vài năm tới. Thắc mắc cho rằng việc di rời ngôi Chùa Phật Huệ có thể coi (nên gọi) là sự Vô Thường được không?
Đây là một câu hỏi tuy đơn giản nhưng chứa đựng rất nhiều ý nghĩa về hai chữ Vô Thường, và chúng ta có thể lấy luôn qui luật Thành-Trụ-Hoại-Diệt để làm phương tiện lý giải.
Thượng Toạ Thích Từ Trí đã hoan hỉ giải thích: Việc ngôi Chùa Phật Huệ hiện diện tại thành phố Frankfurt am Main trong suốt những năm vừa qua=Thành, và ngôi Chùa toạ lạc trên trục đường Hanauer Landstr.443=Trụ; Nay do sự thay đổi trục giao thông của thành Phố, nên Chùa Phật Huệ buộc phải di rời đến một địa điểm khác, chúng ta nên coi sự di rời đó=Hoại (buộc phải thay đổi, phải di rời chứ không đồng nghĩa với phá hay thiêu huỷ). Do vậy sự di rời này ta có thể coi đó là sự Vô Thường, nhưng là sự Vô Thường Bình Thường. Tại sao gọi là Bình Thường, bởi sự di rời là bất khả kháng, là đúng cơ sở pháp lý, vả lại kế sau sự di rời đó Chùa Phật Huệ sẽ được tái xây dựng lại trên một địa bàn khác rộng rãi, khang trang và thuận tiện hơn… do đó nó là sự Thành-Trụ-Hoại-Diệt, nghĩa là ngôi Chùa không còn tồn tại trên mảnh đất cũ, mà chuyển sang một mảnh đất mới, nên nó hết sức Bình Thường. Ngược lại (giả thiết) nếu Chùa Phật Huệ buộc phải di rời, nhưng lại không được bồi thường, không được phép kiến lập trên một vùng đất khác để làm nơi tu học cho các Chư Tăng Ni và các Phật tử và Đại chúng… =Thành-Trụ-Hoại-Diệt (không có sự tái lập) thì đó có thể gọi là sự Vô Thường Bất Bình Thường (Dĩ nhiên giả thiết thiếu logic này sẽ không thể xảy ra vì nó là Bất Bình Thường và hoàn toàn thiếu cơ sở pháp lý).

Hình ảnh các Chư Tăng và Phật tử
vừa Kinh hành vừa niệm Phật ngày 13.11.2011


Liên quan tới chủ đề Vô Thường có khá nhiều Phật tử cùng có chung những ưu tư, nên đã nêu ra những khúc mắc về việc quán chiếu Vô Thường: Ví thử trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, khi phải nhìn thấy, hay chợt nhìn thấy một người (một đối tượng) mà trong lòng mình không muốn gặp; không muốn trò chuyện; thậm chí trong lòng cảm thấy vô cùng bức xúc, và những bức xúc ấy ngày càng dồn chứa, chất đầy trong tâm, khiến cho bản thân mình luôn cảm thấy nhột nhạt, bực bội, bất an, thậm chí muốn nổi sân, muốn bùng nổ khi tiếp gặp đối tượng không ưa nói trên…
Có thể coi đây là một khúc mắc không chỉ cho riêng một cá nhân, đối tượng đặt ra câu hỏi trong buổi Pháp đàm, hơn thế nó là một đại vấn đề có liên quan tới tất cả các Phật tử và Đại chúng có mặt trong buổi Pháp đàm. Nhưng làm thế nào để hoá giải được những xung đột nội tâm đó? Thượng Toạ Thích Từ Trí đã gợi ý: Chúng ta hãy lấy ngay sự Vô Thường mà hoá giải. Hoá giải bằng cách nào? Bằng cách lấy Từ bi hoá giải hận thù, sân hận; lấy Trí phá ngu si; lấy Giác phá Mê; lấy Thiện chế Ác; lấy Chánh chế Tà; lấy Định chế động… Ví thử khi ta đối người, đối cảnh (hoà quang tiếp vật) ngay lập tức trong lòng chúng ta cảm thấy dồn nén, bực tức khó chịu không yên, rồi muốn nổi sân, muốn thua đủ với người, cảnh đối diện… ấy là chính chúng ta đã rơi vào trạng thái: Vô minh=Vô Thường Bất Bình Thường. Nghĩa là chúng ta vốn chỉ ưa thích nhìn thấy cái sai, cái lỗi lầm, cái không đẹp, không bắt mắt của người và vật mà chúng ta tiếp xúc; hoặc chúng ta chỉ muốn nhìn thấy những sự hoàn mĩ tuyệt đối của người và cảnh mà ta tiếp xúc. Nhưng người và vật ấy vốn không dừng một chỗ, trái lại người và vật vốn luôn luôn thay đổi, triển chuyển không ngừng. Nghĩa là: hôm nay họ có lỗi, nhưng ngày mai chắc gì họ đã phạm lỗi? Hôm nay họ không sòng phẳng, nhưng chắc gì ngày mai, ngày mốt họ sẽ tiếp tục thiếu sòng phẳng; hôm nay họ mê muội, ngu si, nhưng một mai chắc gì họ sẽ tiếp tục như vậy; hôm nay họ là phàm phu, nhưng ngày mai, ngày mốt biết đâu họ chẳng trở thành Thánh...

Các Chư Tăng chuẩn bị Lễ Xả Giới cho các Phật tử ngày 13.11.2011


Câu nói: Phàm phu tức Phật. Một niệm ngu tức phàm phu, một niệm trí tức Phật vỗn dĩ là vậy.
Cũng tương tự cảnh vật đối diện trước chúng ta cũng biến đổi, triển chuyển không ngừng = Vô Thường. Quán chiếu được sự Vô Thường ấy rồi dùng cái tâm Từ bi; Tâm hỉ xả; Tâm trí, giác; Tâm thiện; Tâm định của mình mà đối cảnh, tiếp vật, tất mọi mâu thuẫn trong tâm sẽ luôn được hoá giải. Ngược lại nếu chúng ta dùng cái tâm chúng sanh, tâm phàm phu, tâm ngã mạn, chấp trước để nhìn người, tiếp vật, tất chúng ta sẽ luôn thấy người, cảnh ấy Bất Bình Thường. Điều quan trọng ở đây là liệu chúng ta có thực sự muốn hoá giải sự Vô Thường đó ngay trong chính chúng ta hay không? Hay chúng ta lại đem sự Vô Thường đó để kết, chấp và cho chúng là "Vô Thường Bình Thường"? Làm như vậy là chính chúng ta đã tự đi ngược lại quy luật Vô Thường, nhưng lại buộc người và cảnh phải tuân theo sự Vô Thường do chính chúng ta tạo ra, hay áp đặt=Vô Thường Bất Bình Thường! Khi sự Vô Thường Bất Bình Thường ấy kết tập không ngừng trong tâm, tất sẽ tạo ra những xung đột, oán thù chất chồng, sâu nặng khó thể hoá giải.

Thượng Toạ Thích Từ Trí cùng các Chư Tăng làm Lễ Xả Giới cho các Phật tử ngày 13.11.2011


Học quán chiếu Vô Thường là chúng ta nên đem, luôn đem mọi sự trong đời (nhân sinh, vũ trụ…) để mà quán chiếu.
Lục Tổ Huệ Năng thường nói: Người tu hành chân chính là người không nhìn thấy lỗi của thế gian. Mà thế gian (nhân sinh, vũ trụ…) vốn luôn thường chuyển đổi không ngưng nghỉ. Nếu chúng ta dùng cái tâm, cái nhãn cùng sự vô minh của phàm phu để chấp cái sự triển chuyển không ngưng nghỉ đó, cho đó là khuyết tật, là dị hình, là thiếu hoàn mĩ… là chính chúng ta đã tự đi ngược lại với quy luật của Vô Thường, đi ngược lại với những giáo huấn mà Phật và các Chư Tổ luôn mong mỏi.
Để kết thúc cho buổi Pháp đàm trong buổi Thọ Bát Quan Trai 12-13-11.2011 vừa qua, Thượng Toạ Thích Từ Trí và các Chư Tăng Ni Chùa Phật Huệ tỏ ra vô cùng hoan hỉ và mong mỏi trong những buổi Pháp đàm kế tới, đặc biệt là trong khoá Tu học Giáo Lý Mùa Đông diễn ra từ ngày 29.12 đến 31.12.2011 tới đây, những ý kiến, những khúc mắc nội tâm có liên quan tới tu học Giáo Pháp Đại Thừa của Phật sẽ được các Phật tử và Đại chúng quan tâm và dũng mãnh hơn nữa trong việc kiến tánh của cá nhân, giúp cho các Phật tử và Đại chúng khác cùng có mặt có thêm sự nhận thức, thấu hiểu và chia sẻ những kinh nghiệm chân quí trong bước đường học hỏi Phật Pháp.
Lễ Thọ Bát Quan Trai đã kết thúc trong bầu không khí vô cùng viên mãn vào lúc 14:00 giờ ngày 13.11.2011.

Các Chư Tăng Ni chùa Phật Huệ chụp hình lưu niệm cùng các Phật tử
trong buỗi kết thúc Thọ Bát Quan Trai ngày 13.11.2011


Thượng Toạ Thích Từ Trí đã cùng với các Chư Tăng Ni Chùa Phật Huệ làm lễ xả Giới cho các Phật tử và Đại chúng sau 24 giờ khiêm như tu học và cùng chung với các Phật tử hướng nguyện cho mọi chúng sanh, và một thế giới an lạc, thái bình.

Ngoại sự trang thể hàm quy hoại
Nội thân lý biến diệc đồng nhiên.
Duy hữu thắng pháp bất diệt vong,
Tri hữu trí nhân ưng thiện sát,
Thử lão bệnh tử giai cộng hiền
Hình nghi xú ác cực khả yếm
Thiếu niên dung mạo tạm thời đình,
Bất cửu hàm tất thành khô toái.
Giả sử thọ mạng mãn bách niên,
Chung quy bất miễn vô thường bức,
Lão bệnh tử khổ thường tùy trục,
Hằng dữ chúng sanh tác vô lợi.

Dịch nghĩa:

Bề ngoài trang điểm đều hư hoại,
Trong thân biến đổi cũng vậy thôi.
Chỉ có thắng pháp thường chẳng mất,
Các người có trí hãy xét coi!
Đây già bệnh chết đều đáng chán,
Hình nghi xấu xí thật khó ưa
Tuổi trẻ dung nhan tạm thời đó,
Nào có lâu chi, đều héo khô.
Dẫu cho tuổi thọ trăm năm đủ,
Chẳng khỏi vô thường não bức thân.
Già bệnh chết, khổ thường theo đuổi.
Chẳng lợi gì cho thân chúng sanh.
(Phật thuyết Kinh Vô Thường)


Lược ghi: Thiện Lợi

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites