Khi
một kẻ trần tục, với một cái tâm chưa được huấn luyện trong sự tu tập tâm linh
cao cấp được đức Phật dạy, cảm nghiệm một cảm thọ dễ chịu, thì xu hướng tiềm
tàng đối với tham dục sẽ khởi lên tương ứng – một sự ham muốn sở hữu và vui
thích với đối tượng mang lại cảm giác dễ chịu đó...
Bhikkhu
Bodhi
Thích
Thanh Hương dịch
Tiếng
gọi thôi thúc của thời đại chúng ta, không nghi ngờ gì nữa, là tiếng gọi của tự
do. Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại mà tiếng gọi của tự do lại lan
tỏa rộng lớn và gây hưng phấn bằng lúc này, có lẽ nó chưa từng lan tỏa sâu sắc
đến như vậy trong lịch sử.
Đáp
ứng đòi hỏi tự do của con người, những thay đổi rộng rãi đã được thực hiện
trong hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống – chính trị, xã hội, văn hóa và tôn
giáo. Những đế quốc hùng mạnh từng thống trị trên thế giới như những con quái
vật biển khổng lồ huyền thoại nhấn chìm các lục địa trong tay chúng, bóp vụn và
phá hủy, nhưng các dân tộc bị trị đã mạnh mẽ đứng lên giành lại quê hương của
mình – tuyên bố độc lập, giải phóng và tự trị.
Những
chế độ chính trị cũ như quân chủ chuyên chế đã nhường đường cho cơ chế dân chủ
- người dân làm chủ – bởi vì ai cũng đòi hỏi quyền được đóng góp tiếng nói của
mình cho hướng đi chung của một dân tộc. Những cấu trúc xã hội tồn tại lâu đời
đã làm cho con người mông muội từ buổi bình minh của lịch sử - nô lệ, nông nô,
hệ thống giai cấp – bây giờ đã biến mất, hoặc đang nhanh chóng biến mất, trong
khi những phong trào giải phóng dạng này hoặc dạng khác ngày một lan rộng.
Nghệ
thuật cũng vậy, mang bằng chứng cho những đòi hỏi lớn về tự do: thơ tự do, hội
họa trừu tượng, tân nhạc, chỉ là một số ít những cách tân đã làm lung lay những
cấu trúc nghiêm khắc truyền thống để trao cho những nghệ sỹ không gian rộng mở
cho nỗ lực thể hiện sức sáng tạo của bản thân. Ngay cả tôn giáo cũng không thể
miễn dịch trước mặt trận tự do ngày càng lan rộng này. Các hệ thống niềm tin và
nguyên tắc giáo điều không còn tự biện minh như trong quá khứ trên mảnh đất
được Chúa bảo hộ, được kinh điển thần thánh hóa hay được các giáo sĩ áp đặt.
Bây giờ tất cả đó phải được chuẩn bị để đương đầu sự cởi mở, lột bỏ những tấm
màn thiêng liêng, phơi bày trước sự phê bình của những nhà tư tưởng, người tự
coi mình có thẩm quyền tự do tra hỏi, dùng lý trí và kinh nghiệm của riêng mình
cho sự kháng cáo đến cùng. Tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hành động trở
thành những khẩu hiệu của công chúng, tự do tư tưởng và tự do về quan điểm đạo
đức là những khẩu hiệu của đời sống cá nhân chúng ta. Trong bất cứ dạng thức
nào nó đạt được, tự do luôn được coi là sở hữu quý nhất của chúng ta, giá trị
hơn cả tự thân cuộc sống. “Tự do hay là chết,” một nhà yêu nước người Mỹ đã kêu
gọi cách đây hơn hai trăm năm trước. Nó vẫn còn vang vọng đến tận những thế kỷ
sau này.
Để
đáp ứng cho những yêu cầu về những địa vực rộng lớn hơn của sự tự do, Đức Phật đã
hiến tặng cho nhân loại Giáo lý của Ngài, Chánh Pháp, như là con đường giải
thoát vẫn được ứng dụng ngày nay như đã từng ứng dụng trong lịch sử từ khi được
tuyên thuyết lần đầu tiên cách đây hơn 25 thế kỷ.
“Như đại dương chỉ có một vị - vị mặn – Chánh Pháp
và Giới Luật này (dhammavinaya)
chỉ có một vị duy nhất – vị giải thoát”: Đó là lời đức Phật xác minh phẩm chất
giải thoát[1] trong
nội dung Giáo lý của ngài.
Nước
dù được lấy từ bề mặt, khoảng giữa, hay tận đáy đại dương, vị của nó vẫn chỉ
một – vị mặn của muối. Một người dù uống cả biển nước, một thùng hay một bát,
cũng cảm nhận một vị mặn như nhau. Tương tự như vậy với giáo lý Phật đà, hương
vị giải thoát (vimuttirasa) duy
nhất tràn ngập toàn bộ Giáo lý và Giới luật, từ đầu cho đến cuối, từ bề
mặt cho đến tận sâu thẳm bất tư nghị của nó. Dù người ta có nếm thử giáo lý ở
mức sơ cơ – trong việc thực hành sự độ lượng và hành trì giới luật, trong hành
động thành tâm và sùng đạo, trong phẩm hạnh tôn kính, nhã nhặn, và từ bi; hoặc
ở mức độ trung bình của giáo lý – trong kiến giải thanh tịnh và sự giải thoát
được thực chứng bởi các bậc thánh giải thoát, trong mọi trường hợp hương vị của
nó vẫn như nhau – vị của sự giải thoát, tự do tự tại.
Nếu
một người thực hành Pháp trong một phạm vi giới hạn, sống đời sống tại gia,
thực tập Pháp phù hợp đúng đắn, thì người đó kinh nghiệm được những mức độ tự
do có giới hạn; nếu thực hành Pháp ở phạm vi sâu sắc hơn, sống lối sống xuất
gia, an trụ trong Pháp xuất thế với các phẩm hạnh của một ẩn sĩ, quán chiếu về
sự sinh và diệt của tất cả Pháp hữu vi, thì người đó kinh nghiệm được một mức
độ tự do sâu sắc hơn; và nếu thực hành trong sự toàn triệt của Pháp, chứng ngộ
ngay trong đời sống này sự giải thoát tối hậu, thì người đó cảm nghiệm được sự
tự do vô lượng.
Ở
mọi tầng mức, hương vị của Giáo Pháp chỉ cùng một bản chất, hương vị của giải
thoát. Chỉ là tùy cấp độ mà hương vị đó được trải nghiệm khác nhau mà thôi, và
sự khác biệt về cấp độ thì tương xứng hoàn toàn với phạm vi thực tập. Thực tập Pháp
ít thì giải thoát ít, thực tập Pháp nhiều thì thì giải thoát nhiều. Pháp mang
đến thành quả của giải thoát.
Một
khi Pháp được đề ra để cung ứng một sự tự do hoàn hảo, thì luôn có sự tương
thích cơ bản phù hợp giữa hoài bão của con người cho những chiều kích rộng mở
về tự do và những khả năng mà người ta có thể thực hiện thông qua việc thực
hành giáo lý đức Phật. Tuy nhiên, mặc dù về lý tưởng có sự tương thích này, nhưng
khi thực tập Pháp, người ta thường bắt đầu thấy mình bị đe dọa theo một cách
riêng biệt nào đó, xung đột với những khuôn mẫu tư tưởng quen thuộc, mâu thuẫn
về mặt trí thức và trượt ngả về mặt cảm xúc. Thực tế là khi Pháp hướng đến con
đường Giải thoát, một giáo lý tràn ngập bởi ‘hương vị giải thoát,’ nhưng nó lại
luôn yêu cầu một chế độ thực tập mà thậm chí như là đối nghịch lại với tự do –
một chế độ thực hành được xây dựng trên nền tảng giới luật, sự khắc kỷ và tự
kiểm soát. “Một mặt chúng ta tìm kiếm tự do,” đối tượng trước mắt của chúng ta,
“và mặt khác chúng ta được dạy rằng để đạt đến sự tự do này, hành vi, ngôn ngữ,
và tư tưởng của chúng ta phải được tu chỉnh, kiểm soát.” Chúng ta phải làm gì
với nghịch lý lạ lùng này khi Phật Pháp xuất hiện để dạy rằng: muốn đạt đến tự
do, tự do phải bị phá bỏ? Tự do như là một cứu cánh có thật sự được đạt đến
bằng những phương tiện bao hàm chính những cự tuyệt về tự do?
Câu
trả lời cho điều nghịch lý này nằm ở sự khác biệt giữa hai loại tự do – tự do
như sự phóng túng và tự do như sự tự chủ tâm linh. Con người thường đồng nhất
tự do với sự phóng túng. Đối với họ, tự do nghĩa là được quyền theo đuổi không
bị ngăn cản theo những thôi thúc, tham vọng và tính bốc đồng của mình. Để được
tự do, họ nghĩ rằng họ phải được tự do làm bất cứ điều gì, nói bất cứ điều gì
và nghĩ bất cứ điều gì họ muốn. Mọi sự hạn chế áp đặt lên sự phóng túng này
được coi như là một sự xâm phạm lên tự do của họ; do đó một chế độ thực tập đòi
hỏi sự thận trọng trong hành vi, lời nói và tư duy, đòi hỏi có giới luật và tự
kiềm chế bản thân, lập tức gây xung đột, và với họ, đó là một sự bó buộc. Nhưng
tự do được nói đến trong Phật Pháp không phải là tự do theo kiểu phóng túng đó.
Tự do trên quan điểm của đức Phật là tự do thuộc về tâm linh – một sự tự do bên
trong vốn đi liền với sự đoạn trừ các phiền não, giải thoát khỏi mọi khuôn khổ
do tham vọng thúc giục và cuối cùng là sự giải thoát hoàn toàn khỏi luân hồi,
vòng tròn sinh tử tương tục.
Trái
ngược với sự phóng túng, tự do tâm linh không thể đạt được bằng các phương tiện
bên ngoài. Nó chỉ có thể được đạt đến từ bên trong, thông qua một quá trình rèn
luyện đòi hỏi sự từ bỏ dục vọng và bốc đồng trong việc hân thích một mục đích
cao thượng hơn. Sự tự do tâm linh sinh ra từ sự nỗ lực tu tập này là sự chiến
thắng mọi sự ràng buộc; song chiến thắng này sẽ không bao giờ đạt được mà không
tuân thủ yêu cầu của một cuộc chiến – những yêu cầu bao hàm sự tự kiềm chế, tự kiểm
soát, tự rèn luyện và cái giá cuối cùng phải là sự đầu hàng của mọi dục vọng cá
nhân.
Để
rõ hơn về ý tưởng tự do này, chúng ta hãy xem xét trường hợp trái nghịch của
nó, trạng thái trói buộc, và bắt đầu bằng việc xét về một trường hợp giam cầm
thể chất cực đoan. Giả sử có một người bị nhốt trong tù, trong buồng giam với
bốn bức tường đá nặng nề và những song sắt cứng cát. Y bị trói trên một chiếc
ghế - hai tay bị trói ngoặt ra đằng sau lưng, chân bị đeo cùm, mắt bị bịt kín
và miệng bị nhét cứng. Giả sử một ngày nào đó dây thừng được tháo ra, cùm được
mở, khăn bịt mắt và nhét miệng được gỡ bỏ. Bây giờ người đàn ông này được tự do
di chuyển trong buồng giam, duỗi thẳng chân tay, nói năng và nhìn ngó. Nhưng dù
thoạt tiên y tưởng tượng là đã được tự do, y liền nhận ra rằng tự do thật sự
vẫn là một khoảng cách xa vời như bầu trời xanh trong bên trên những vách đá và
những thanh sắt của buồng giam của y.
Tiếp
theo, giả sử chúng ta phóng thích người tù kia, đối xử với y như một người
trung lưu, phục hồi đầy đủ các quyền công dân của y. Bây giờ y có thể cảm nhận
được tự do về chính trị và xã hội mà y thiếu khi làm một tù nhân; y có thể bầu cử,
làm việc, du lịch như mình muốn, thậm chí là có thể làm chủ một cửa hiệu. Nhưng
vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế – gánh nặng trách nhiệm, bổn phận, những giới hạn
về quyền lực, lạc thú và thanh thế - một nghịch lý đau đớn của tự do mà y ao
ước, và hoàn cảnh thực tế chỉ mang lại cho y những u ám ảm đạm. Thêm bước nữa,
hãy nâng người này từ trung lưu lên vị trí quyền lực của một đại đế, vị hoàng
đế có quyền lực cai trị toàn thế giới. Y được sống trong một cung điện lộng
lẫy, trăm ngàn mỹ nữ đẹp hơn cả những bông hoa sen vây quanh hầu hạ, sử hữu vô
số kho tàng tài nguyên vàng bạc, châu báu, đất đai, hưởng thụ tất cả những lạc
thú tột bậc của thế gian. Tất cả quyền năng, lạc thú, danh vọng, vinh quang và
giàu có nằm trong tay y. Y chỉ cần đưa ra ý muốn của mình như một mệnh lệnh và
nó được thực hiện ngay lập tức. Không một trở ngại nào cho sự tự do phóng túng
của y. Nhưng vấn đề vẫn còn đó: liệu anh ta có thật sự tự do? Chúng ta hãy xem
xét vấn đề này ở mức độ sâu sắc hơn.
Có
ba loại cảm thọ mà đức Phật chỉ ra: Cảm thọ vui sướng, cảm thọ khổ đau, và cảm
thọ trung tính - cảm thọ không vui cũng không khổ. Một loại cảm thọ hiện khởi
trên mỗi kinh nghiệm cụ thể. Ba cảm thọ này tương ứng với ba loại tâm sở (anusaya),
những khuynh hướng tâm lý tiềm tàng đang ngủ ngầm trong tâm thức của chúng sinh
từ vô thỉ, luôn sẵn sàng nảy lên trong trạng thái biểu hiện khi có điều kiện
thích hợp, và rồi rút xuống trở lại ngủ đông khi lực tác động kích thích đã yếu
đi.
Ba
tâm sở này là tham dục (raga), sân hận (patigha), và si mê (avijja), tương
đương về mặt tâm lý của ba độc căn tham (lobha), sân (dosa), và si (moha). Khi
một kẻ trần tục, với một cái tâm chưa được huấn luyện trong sự tu tập tâm linh
cao cấp được đức Phật dạy, cảm nghiệm một cảm thọ dễ chịu, thì xu hướng tiềm
tàng đối với tham dục sẽ khởi lên tương ứng – một sự ham muốn sở hữu và vui
thích với đối tượng mang lại cảm giác dễ chịu đó. Khi một người cảm nghiệm một
cảm thọ đau khổ, thì xu hướng chán ghét nổi lên, một sự ghét bỏ đối với nguyên
nhân gây đau khổ. Và khi người ta trải nghiệm một cảm thọ trung tính, thì xu hướng
tiềm tàng si mê – hiện khởi nhưng thối lui, lập lờ lưỡng lự trong trường hợp
của tham dục và chán ghét – hiện khởi nổi trội, bao phủ tâm thức của người đó
bằng tấm màn của sự lãnh đạm u tối.
Trong
bất cứ trường hợp nào, ba khuynh hướng tiềm tàng của tham dục, giận ghét và u
mê bị kích động bởi các cảm thọ tương ứng của chúng từ tình trạng ngủ ngầm sang
trạng thái hoạt động, nếu không nỗ lực để trừ dẹp chúng, không cố gắng kiềm
chế, đoạn trừ, từ bỏ và tiêu diệt chúng, thì chúng vẫn đeo bám trong tâm thức.
Một khi chúng vẫn tồn tại trong tâm thức, người ta vẫn liên tục làm cho chúng
khởi lên, hưởng ứng chúng, và tiếp tục bám níu vào chúng, chúng sẽ kết thành
khối, sinh trưởng mạnh lên, và giống như một quả cầu lửa ném vào đống cỏ khô,
bùng nổ mạnh mẽ ngay ban đầu khi những nhân tố yếu ớt trở thành nổi ám ảnh hung
dữ tước mất khả năng kiềm chế của người đó. Dù đó là vua của các vua, như giả
định trên, ông ta cũng không còn làm chủ được chính mình nữa mà là một kẻ đầy
tớ trước mệnh lệnh của chính những phiền não trong tâm thức ông ta.
Dưới
điều động của tham dục, người ta bị cuốn hút đối với cảm thọ vui sướng, dưới sự
chi phối của giận ghét, người ta bị chán ghét bởi cảm thọ đau khổ, dưới sự chi
phối của u mê, người ta bị làm cho rối loạn bởi cảm thọ trung tính. Người đó bị
quầy quật bởi hạnh phúc, lo rầu, phấn chấn bởi sự thành đạt, sự tôn trọng, và
sự khen ngợi, chán nản trước thất bại, làm nhục và khiển trách. Mặc dù người đó
có thấy rằng hành động của mình có thể dẫn đến sự tự hại, y cũng không đủ sức
để tránh nó; và dù biết rằng nếu thay đổi hành vi sẽ mang lại lợi ích cho mình,
y cũng không thể nắm bắt nó. Bị càn quét bởi dòng chảy của những phiền não chưa
được từ bỏ, y bị cuốn đi từ đời sống này đến đời sống khác trong đại dương sinh
tử, với các đợt sóng sinh rồi diệt, với các xoáy nước khổ đau và tuyệt vọng của
nó. Bề ngoài, y có thể là một kẻ cai trị toàn thế giới, nhưng trong chiều sâu
tâm thức y vẫn chỉ là một kẻ nô lệ. Trong trường hợp tự do phóng túng, y có thể
hoàn toàn tự do, nhưng trong trường hợp tự do tâm linh, y vẫn là một nạn nhân
của sự trói buộc vào sự tuyệt vọng ghê gớm nhất của nó: sự trói buộc đối với
những vận hành của một tâm thức ô nhiễm.
Tự
do tâm linh, trái nghịch với sự trói buộc, do đó nó phải có nghĩa là sự giải
thoát khỏi tham dục, giận ghét và u mê. Khi tham dục, giận ghét và u mê được
nhổ tận gốc rễ để chúng không còn tồn tại dù trong dạng ngủ ngầm nữa, thì người
ta mới tìm thấy một vị trí cho sự tự chủ mà từ đó y không bao giờ bị phế truất,
không bao giờ bị lung lay nữa. Mặc dù dưới hình thức là một khất sĩ đi khất
thực từ nhà này sang nhà khác, người đó vẫn là một ông vua; dù bị nhốt đằng sau
những song sắt, người đó vẫn có tự do bên trong. Người đó giờ đây có toàn quyền
đối với tâm thức của mình, và cũng như đối với toàn thể vũ trụ; vì chẳng có gì
trong vũ trụ có thể lấy đi sự giải thoát trong tâm, thứ tài sản không thể bị
đánh mất. Người đó an trú trong cuộc đời giữa mọi thứ hỗn độn, đứng vững vàng
trong một tư thế hoàn hảo vượt lên trên mọi thăng trầm của cuộc sống. Khi những
đối tượng lạc thú xảy đến trong tầm nhận thức của mình, người đó không khao
khát chúng, khi những đối tượng khổ đau xảy đến người đó không chối bỏ chúng.
Người đó nhìn cả hai với tâm buông xả và ghi nhận sự sinh khởi và tàn diệt của
chúng. Đối với các cặp đối lập (sinh/diệt, thành/bại, đến/đi, hơn/thua…), cái
làm cho thế giới này vận động, không còn làm bận tâm người đó, vòng tròn của
tham đắm và chán ghét đã bị phá vỡ tận căn để. Một cục vàng và một cục đất sét
là như nhau trong mắt người đó; tán dương và nhục mạ đối với người đó chỉ là
những âm thanh trống rỗng. Y an trú trong sự tự do mà y vừa đạt được thông qua
một nỗ lực tu tập dài lâu. Y giải thoát khỏi khổ đau, bởi vì với các phiền não bị
nhổ sạch thì không còn có lo buồn hay khổ não nào tồn tại trong tâm của y nữa;
chỉ còn duy nhất là sự an lạc tuyệt đối không một bợn nhơ của tham ái nào nữa.
Y
giải thoát khỏi sợ hãi, khỏi sự tàn nhẫn của những mối lo âu mà ngay cả các vị
vua vẫn phải đối mặt ngay trong cung điện của mình, dù được quân lính bảo vệ
trong ngoài. Y giải thoát khỏi bệnh tật, khỏi căn bệnh tham dục quấy rầy và
trói buộc tâm tư, khỏi căn bệnh của luân hồi với những vòng quay của phiền não,
nghiệp và kết quả của nghiệp. Y sống an lạc mỗi ngày, lan tỏa khắp thế gian với
tâm từ bi vô lượng, an vui trong niềm giải thoát vô biên, hoặc truyền dạy mọi
người con đường mà chính mình đã đi qua để đạt đến mục đích, trong trí tuệ vững
chãi mà đối với y con đường vô thỉ của sinh tử luẩn quẩn đã được đóng lại, y đã
đạt đến đỉnh cao nhất của sự giải thoát thiêng liêng và đã thực hiện sự chấm
dứt tất cả mọi sự tái sinh trong tương lai.
Trong ý nghĩa đầy đủ của nó,
sự tự do mà đức Phật chỉ dạy trong giáo lý của Ngài chỉ có thể được hân thưởng
bởi Ngài, người đã thực chứng được mục đích cứu cánh của đời sống. Nhưng giống
như muối hòa mình vào bất cứ loại thức ăn nào đó được sử dụng cho từng thời điểm,
cũng vậy hương vị của sự giải thoát lan tỏa khắp mọi giáo lý và giới luật được
đức Phật giảng dạy, đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối. Bất kể trình độ nào trong
quá trình thực tập Pháp, với nội dung của nó, người thực hành cũng nếm được
hương vị của sự giải thoát. Tuy nhiên hãy ghi nhớ trong tâm rằng sự giải thoát
đích thực – sự giải thoát bên trong nội tâm – không được ban bố như một ơn huệ.
Nó chỉ có thể đạt được bằng sự thực hành con đường đi đến giải thoát, con đường
Bát Chánh Đạo.
[1] Giải thoát hay cũng chính là tự do hay tự tại. Trong bài này, phạm
trù ý nghĩa của nó là giống nhau và có thể được dùng thay thế cho phù hợp với từng
ngữ cảnh cụ thể.
0 Kommentare:
Post a Comment