Lúc năm
mươi tuổi, con có thể nhấc bổng 100 pounds[5] bằng tay không, nhưng bây giờ khó có thể mang
được ba hay bốn chục pounds.” Ở đây vua Ba-tư-nặc nhận ra rằng tuổi già đã đẩy
ông ta vào tình trạng vô dụng.
TUYÊN
HÓA THUỢNG NHÂN
Giảng
thuật
KINH
ĐẠI PHẬT ĐẢNH NHƯ LAI MẬT
NHƠN
TU CHỨNG LIỄU NGHĨA
CHƯ BỒ-TÁT VẠN HẠNH
THỦ LĂNG NGHIÊM
(QUYỂN
HAI)
Sa-môn Bát-thích Mật-đế
người Trung Thiên Trúc dịch vào đời Đường.
Sa-môn Di-già Thích-ca,
người nước Ô Trành dịch ngữ.
Sa-môn Hòai Địch, chùa
Nam Lâu, núi La Phù, chứng minh bản dịch.
Đệ tử Phòng Dung, thọ Bồ-tát giới, hiệu Thanh Hà, chức Tiền Chánh Nghị Đại Phu đồng
Trung Thư Môn Hạ Bình Chương Sự bút thọ (nhuận bút).
TUYÊN HÓA Thượng Nhân, Vạn Phật Thánh Thành,
Bắc Mỹ châu (Hoa Kỳ) lược giảng.
Đệ tử thọ Bồ-tát giới Phương Quả Ngộ ghi chép.
Kinh
văn:
爾時阿難及諸大眾。聞佛示誨身心泰然。念無始來失卻本心。妄認緣塵分別影事。今日開悟,如失乳兒忽遇慈母。合掌禮佛。
Khi ấy A-nan và cả đại chúng nghe Phật chỉ dạy,
thân tâm thư thái, nghĩ mình từ vô thủy đến nay quên mất bản tâm, nhận lầm bóng
dáng duyên trần phân biệt. Hôm nay được khai ngộ, như trẻ thơ khát sữa bỗng gặp
được mẹ hiền, liền chắp tay lễ Phật.
Giảng:
Khi ấy A-nan và cả đại
chúng nghe Phật chỉ dạy.
Khi A-nan và các đại Bồ-tát, đại A-la-hán, đại tỷ-khưu và các vị khác nghe lời
dạy nầy, thân tâm thư thái. Họ cảm thấy thân tâm mình cực kỳ thanh thản, đến
mức họ không cảm thấy còn chút nào khổ đau. Họ chưa từng bao giờ có được cảm
giác như vậy và chưa từng bao giờ biết được điều gì tuyệt diệu hơn thế nữa.
Nhưng cùng lúc đó, họ nghĩ mình từ vô thủy đến nay
quên mất bản tâm, nhận lầm bóng dáng duyên trần phân biệt. Từ vô thủy đến nay, họ đã bỏ quên bản tâm, chỉ
quen sống với vọng tâm, tâm thức của mình, là tâm tạo ra mọi sự phân biệt và dấy
lên mọi chuyện. Họ chưa từng bao giờ nhận ra chân tâm thường hiện tiền; họ nhận
vọng tâm làm chân tâm thường trú. Họ đắm mình vào trong vọng nghiệp ngay nơi
sáu căn, và chẳng có chút công phu nào trong hoạt dụng của tự tính. Trong động
dụng hằng ngày, họ đặc biệt chỉ đem vọng tâm, với tâm chấp trước, tâm kiêu mạn,
tâm phan duyên, tâm hư dối để hành xử mọi công việc. Hôm nay
được khai ngộ, như trẻ thơ khát sữa bỗng gặp được mẹ hiền, liền chắp tay lễ Phật. Họ như trẻ thơ bị khát sữa mẹ đã lâu ngày và rất đau khổ. Nay bỗng nhiên
được gặp lại mẹ hiền và được sữa; điều ấy cũng như trong đại chúng được nghe lời
Phật khai thị và được tỏ ngộ. Họ cùng chắp tay đảnh lễ Đức Phật để tri ân Ngài
đã từ bi ban bố giáo pháp vi diệu cho mình.
Kinh văn:
願 聞 如 來,顯 出 身 心,真 妄 虛 實,現 前 生 滅 與 不 生,滅 二 發 明 性.
Mong được nghe Như Lai chỉ bày cái chân vọng hư
thực và phát minh tánh sinh diệt cùng không sinh diệt nơi thân tâm.
Giảng:
Tại sao đại chúng đảnh lễ Đức Phật? Vì họ mong được
nghe Như Lai chỉ bày. Họ mong được Ngài nói ra và miêu tả rõ ràng cái chân vọng hư thực. Đó
là cái giả dối và cái chân thật, cái gì hư vọng và cái gì hiện thực. Họ mong được
Như Lai chỉ bày để cho họ nhận rõ ra từng cái như vậy. Họ mong được Đức Phật
khai thị cho họ phát minh tính sinh diệt cùng không sinh diệt nơi
thân tâm – chỉ bày hai tính chất của tâm, tâm sinh diệt và
tâm không sinh diệt.
Cái gì là tâm sinh diệt? Đó là thức tâm, là tâm phan duyên, do hướng ra
ngoài để tìm cầu, thay vì hướng vào trong tự tâm mình mà công phu. Thế nào là
tâm không sinh diệt? Quý vị phải hướng vào trong bản tâm mà ứng dụng công phu,
để nhận ra tất cả núi sông đất liền, cỏ hoa, sum la vạn tượng... đều là pháp
thân của chư Phật. Pháp thân Phật thì chẳng sinh chẳng diệt. Chân tâm thường
trú bản tính thanh tịnh sáng suốt của mọi chúng sinh cũng không sinh không diệt.
Thế tại sao chúng ta phải chịu sinh diệt?
Tại vì chúng ta không nhận ra được Chân tâm thường trú bản tính thanh tịnh
sáng suốt của mình. Vì tâm cuồng của quý vị chưa dừng nghỉ. Nên kinh dạy:
Cuồng tâm
đốn yết
狂 心 頓 歇
歇 即 菩 提
Khi tâm cuồng dừng bặt, ngay đó liền hiển bày
tâm giác ngộ. Vì tâm vọng tưởng hiện hành mãi không dừng, nên tâm giác ngộ
không thể nào hiển lộ được, vì tâm cuồng đã bao phủ tâm giác ngộ rồi. Những gì
được giải thích hôm nay, và trong từng đoạn kinh văn khác cũng không ngoài mục
đích chỉ bày chân tâm cho mọi chúng sinh.
Kinh văn:
時波斯匿王起立白佛。我昔未承諸佛誨敕。見迦旃延毘羅胝子。咸言此身死後斷滅名為涅槃。我雖值佛今猶狐疑。云何發揮證知此心不生滅地。令此大眾諸有漏者咸皆願聞.
Khi ấy vua Ba-tư-nặc đứng dậy bạch Phật: “Xưa khi chưa được Đức Phật chỉ
dạy, con gặp nhóm Ca-chiên-diên Tỳ-la-chi-tử, cả hai đều nói rằng thân nầy sau
khi chết sẽ mất hẳn (đoạn diệt), gọi là niết-bàn. Con nay tuy được gặp Phật
nhưng còn hồ nghi. Làm sao để phát huy thực chứng tánh không sinh không diệt
nơi tâm nầy. Nay hàng hữu lậu trong đại chúng đều mong được nghe điều ấy. ”
Giảng:
Khi ấy – trước khi Đức Phật
giảng giải – vua Ba-tư-nặc liền từ trong hội chúng đứng dậy.
Tên của vua Ba-tư-nặc[2] theo tiếng Phạn có nghĩa là “Nguyệt quang– ánh
trăng” như đã được giảng ở trước. Là vị vua sinh ra cùng lúc Đức Phật thị hiện.
Khi thị hiện nơi cõi ta-bà, Đức Phật phóng ra hào quang, nhưng vua cha của
Ba-tư-nặc vương cho rằng con mình phát ra ánh sáng khi chào đời, nên đã đặt tên
con mình là “Nguỵệt quang– Ánh trăng”.
Vua Ba-tư-nặc bạch Phật: “ Xưa khi chưa được Đức Phật chỉ dạy, con gặp
nhóm Ca-chiên-diên Tỳ-la-chi-tử, trước khi con có phước duyên được Đức Phật
giáo hóa, con theo ngoại đạo.” Vua Ba-tư-nặc tin vào thuyết đoạn diệt của
Ca-chiên-diên. Ca-chiên-diên[3] trong tiếng Phạn có nghĩa là tiễn phát -
剪 髮 ,
vì trước kia người này theo ngoại đạo, họ không cắt tóc và móng tay, thế nên họ
còn được gọi là “Trường trảo ngoại đạo”. Tỳ-la-chi-tử[4] có nghĩa là con trai của dòng họ Tỳ-la-chi. Tỳ-la-chi
là tên mẹ, tiếng Phạn có nghĩa là bất tác - 不 作: không
làm. Họ không làm những việc lành, nhưng họ chẳng do dự khi làm việc ác.
“Cả hai đều nói
rằng thân nầy sau khi chết sẽ mất hẳn (đoạn diệt), gọi là niết-bàn. Họ cho
rằng sau khi thân nầy mất đi thì chẳng còn gì nữa cả. Chẳng có nhân và chẳng có
quả, chẳng có đời trước và chẳng có đời sau.” Cơ bản cái chết của con người
cũng như ngọn đèn tắt. Nó biến mất hẳn, chẳng còn gì cả. Mọi thứ hòan toàn tan
biến. Đoạn diệt có nghĩa là không có tâm thức, không có cái biết, không có bản
tính, không tất cả, và đó là cái mà họ gọi là niết-bàn. Đó là những gì thuyết
đoạn diệt hiểu về không sinh không diệt; vì không tất cả mọi thứ nên không sinh
không diệt. Đó là ngoại đạo chủ trương. Nhưng nay tôi sẽ trình bày cho quý vị
biết rằng đó thật là một sai lầm nghiêm trọng. Khi con người chết đi không phải
là mất hẳn.
Thế nên, ngay nơi
điểm nầy là điểm khác biệt giữa Phật giáo và ngoại đạo. Một số phái ngoại đạo
chủ trương đoạn diệt, một số chủ trương thường hằng; cả hai phái đều làm cho
chúng sinh mê lầm nghiêm trọng nhất.
“Con nay tuy được gặp Phật nhưng còn hồ nghi.
Đức Phật đã thị hiện ở thế gian và giáo hóa cho con, nhưng con vẫn còn hồ
nghi và chưa tin vào giáo lý của Đức Phật”. Ông ta vẫn thấy rằng con người sau
khi chết là hòan toàn mất hẳn và sự dừng bặt mọi hiện hữu như vậy chính là niết-bàn.
Nghi ngờ được gọi là “hồ”
nghi vì loài chồn có bản tính hay nghi ngờ. Bất luận quý vị có nói gì đi nữa,
nó vẫn không tin. Chẳng hạn như khi một con chồn bước qua tảng băng vào mùa
đông, nó sẽ đi từng bước, từng bước, rồi dừng lại, dựng đứng hai lỗ tai lên lắng
nghe, rồi đi bước khác, rồi lại dỏng tai lên lắng nghe. Nếu nó nghe tiếng băng
rạn nứt, nó tức khắc rút lui. Nó biết rằng nếu băng rạn nứt có nghĩa là độ dày
của băng không đủ để nó làm điểm tựa mà nhảy qua sông. Nó rất linh lợi. Nên nó
được ví như một người lanh lẹ. “Anh ta tinh ranh như chồn”. Anh ta có nhiều mối
nghi trong lòng và hay thích cãi lý. Anh ta mâu thuẫn với mọi người, bất kể ai,
luôn luôn giữ thế thủ, giống như tính đa nghi của loài chồn.
“Làm sao để phát huy thực chứng tính không sinh không diệt nơi tâm nầy.
Nay hàng hữu lậu trong đại chúng đều mong mỏi được nghe điều ấy. Ước gì con hiểu được giáo lý chân thực không
sinh không diệt và nhận ra bản tâm mình không sinh không diệt. Trong đại chúng,
những vị chưa đạt được trí huệ vô lậu đều mong được hiểu rõ giáo lý nầy.
Hữu lậu có nghĩa là còn trôi lăn trong ba cõi – cõi Dục, cõi Sắc, và cõi
Vô sắc. Khi chúng sinh bị trôi lăn trong ba cõi ấy, họ phải chịu sinh tử. Những
người chưa chấm dứt được sinh tử được gọi là chúng sinh hữu lậu. Thế nên những
ai trong chúng hội chưa chứng được quả vị, vẫn còn trong vòng hữu lậu thì rất
muốn được nghe giáo lý không sinh không diệt, để họ có thể nhận ra chân tâm
mình, để được giác ngộ và chấm dứt sự trôi lăn trong dòng hữu lậu.
Kinh văn:
佛告大王,汝身現存,今復問汝。汝此肉身為同金剛常住不朽。為復變壞。世尊我今此身終從變滅.
Đức Phật bảo: “ Đại vương! Ngay nơi thân ông đang tồn tại, nay Như Lai hỏi
ông: Thân thịt nầy của ông có giống như thân kim cương bất hoại hay sẽ bị biến
hoại?”
- Bạch Thế tôn! Thân con
hiện nay, rốt cục rồi sẽ bị biến hoại.
Giảng:
Trong đoạn kinh nầy, Đức Phật hỏi vua Ba-tư-nặc thân thể của nhà vua có
bị biến hoại chăng, và vua trả lời nó sẽ hòan toàn biến hoại. Đức Phật bảo:
“ Đại vương! Như ngay nơi thân ông hiện đang tồn tại, nay Như Lai hỏi ông: Thân
thịt nầy của ông có giống như thân kim cương bất hoại hay sẽ bị biến hoại?”
Nếu chúng ta quán sát kỹ thân mình, quý vị có thấy nó cứng chắc như kim cương
không? Nó có thường hằng bất hoại như kim cương chăng? Trong sự phân tích tối hậu
nầy, nó giống cái gì? Có thể biến hoại chăng? Nói ngay!”
- Bạch Thế tôn! Thân con hiện nay, rốt cục rồi sẽ bị biến hoại.
Ngay khi nghe câu hỏi của Thế
tôn, vua Ba-tư-nặc đáp ngay không chút do dự, “Bạch Thế tôn! Thân con hiện
nay, cuối cùng sẽ hòan toàn biến hoại. Kết cục nó sẽ không còn nữa, đó là điều
chắc chắn.”
Kinh văn:
佛言大王,汝未曾滅云何知滅。
Đức Phật bảo: “ Đại
vương! Ông chưa từng diệt, làm sao biết mình sẽ biến diệt?”
Giảng:
Để trả lời, Đức Phật bảo: “ Đại vương! Ông chưa từng diệt. Ông
chưa từng chết; làm sao biết trong tương lai mình sẽ biến diệt?”
Ông chưa đến lúc bị biến diệt, thế cái gì khiến ông biết được ông sẽ còn tồn tại
cho đến khi ông chết? Nói ngay! Do đâu mà ông biết nhiều điều như vậy?”
Kinh văn:
世尊,我此無常變壞之身。雖未曾滅,我觀現前。念念遷謝新新不住。如火成灰漸漸銷殞。殞亡不息。決知此身當從滅盡.
- Bạch Thế tôn! Cái thân
biến hoại vô thường của con hiện nay tuy chưa từng diệt, nhưng con thấy trước mắt,
từng niệm dời đổi mãi không dừng, như lửa tàn thành tro, dần dần tiêu tan. Vì
tàn hoại không dừng, nên con biết chắc thân nầy sẽ diệt mất.
Giảng:
Vua Ba-tư-nặc trả lời: “Bạch Thế tôn! Cái thân biến hoại vô thường của
con hiện nay tuy chưa từng diệt, nhưng con thấy trước mắt... Mặc dù thân nầy
chưa hoại diệt, nhưng thân của con không phải là thường hằng, cùng lắm là nó sống
được 80 hoặc 90 năm. Dù có giỏi lắm cũng không thể nào sống đến trăm năm được.”
“Thấy” có nghĩa là ông ta quán sát, chiêm nghiệm toàn thể và chi
tiết, bên trong và bên ngoài, từ trước ra sau, từ gần cho đến xa. “Con quán sát
người khác rồi nhìn lại chính mình, thấy mọi người đều phải chết và biết mình
cũng sẽ phải như họ vậy.”
“Từng niệm dời đổi mãi không dừng”. Bây giờ vua Ba-tư-nặc quán
sát trong tâm mình, thấy niệm nầy dừng bặt rồi niệm khác sinh khởi. Niệm sau
thay thế niệm trước rồi niệm kế tiếp thay thế niệm trước đó. Nó giống như những
cơn sóng. Dù con không thể thấy được chúng, nhưng biết chúng như thể là sóng nối
nhau không dứt. Nó liên tục dấy lên rồi tan biến. Niệm tưởng không dừng trụ mãi
mãi. Khi một niệm tưởng mới sinh khởi, đó là niệm đã có trước hằng thế kỷ, và
không ai có thể kéo dài niệm ấy mãi mãi. Cũng giống như khi đốt hương. “Như
lửa tàn thành tro dần dần tiêu tan.” Tro rơi xuống và lửa hiện ra, nhưng rồi
sau một lát, tro lại bao phủ lấy lửa. Tro biểu tượng cho cái cũ, lửa biểu tượng
cho cái mới. Nhưng cái mới thì liên tục không gián đoạn chuyển sang dạng tro.
Tro dần dần rơi xuống, hóa thành bụi và biến mất.
“Vì tàn hoại không dừng, nên
con biết chắc thân nầy sẽ diệt mất. Thế nên con hòan toàn chắc chắn
không chút nghi ngờ.” Vua Ba-tư-nặc nói: “Trong tương lai, thân con sẽ trở
thành tan biến.”
Kinh văn:
佛言,如是大王。
Đức Phật nói: “Đại
vương, đúng như vậy!”
Giảng:
Đức Phật nói: “Đại vương,
đúng như vậy!”
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói với nhà vua rằng ông đã giải thích rất
đúng. Mỗi niệm trôi qua không dừng trụ và cuối cùng sẽ hòan toàn biến mất.
Kinh văn:
汝今生齡已從衰老。顏貌何如童子之時。
Đại vương, nay ông tuổi
đã già yếu, dung mạo so với lúc trẻ như thế nào?
Giảng:
Mặc dù Đức Phật tán thành sự giải thích của vua Ba-tư-nặc, nhưng Ngài vẫn
còn điều để hỏi. Đại vương, nay ông tuổi đã già yếu. Ông nay đã già, sắc
mặt ông đã nhăn nheo, râu tóc đã bạc trắng như tuyết. Tướng suy lão đã xuất hiện.
Dung mạo so với lúc trẻ như thế nào. “ Nhan mạo”, nhan là
nước da, còn có nghĩa là dáng dấp, mạo là nét mặt. “Có gì khác nhau giữa
dáng dấp, diện mạo của ông bây giờ và khi còn trẻ? Có sự thay đổi nào chăng?” Đức
Phật hỏi vua Ba-tư-nặc.
Kinh văn:
世尊我昔孩孺膚腠潤澤。年至長成血氣充滿。而今頹齡迫於衰耄。形色枯悴精神昏昧。髮白面皺逮將不久。如何見比充盛之時.
-Bạch Thế tôn! Xưa khi con còn bé, da dẻ tươi nhuận, đến tuổi trưởng
thành, khí huyết sung mãn, nay tuổi đã già, hình sắc cũng theo đó già yếu khô gầy,
tinh thần không còn sáng suốt, tóc bạc mặt nhăn, sống chẳng còn bao lâu. Làm
sao có thể so sánh với khi còn trẻ mạnh.
Giảng:
Vua Ba-tư-nặc trả lời: “Bạch Thế tôn! Xưa khi con còn bé, da dẻ tươi
nhuận.” Chuyện nầy liên hệ đến khi vua đang còn trẻ. Đôi khi trẻ con hư hỏng,
ngỗ nghịch, không vâng lời cha mẹ, và cha mẹ nuông chiều chúng. “Da dẻ” ở đây
có nghĩa là da mặt và cũng là lớp biểu bì giữa da và thịt. Má của trẻ con thì hồng
hào–và đó là lý do khiến vua Ba-tư-nặc trả lời mạnh mẽ:
“Đến tuổi trưởng thành, khí huyết sung mãn.” Vua
nghĩ rằng thân thể mình rất khoẻ mạnh. “Nay tuổi đã già”, đã đến
lúc thân ông không giúp gì cho ông được nhiều nữa. Thân thể đè nặng và làm trở
ngại khi di chuyển. Nó sẽ không tồn tại bao lâu nữa.
Có 3 điều hạn chế nơi
con người: “Lúc thiếu thời, khí huyết sung mãn, nên biết tiết chế sắc dục.” Thanh
niên nên biết tiết chế sắc dục, biết hạn chế sự ham muốn tình dục. Nếu quý vị
không biết điều ấy, quý vị sẽ khiến cho thân thể mình tiêu tán sức khỏe và nghị
lực. “Khi tuổi tráng niên, khí huyết phương cương, nên biết tiết chế sự đua
tranh.” Quý vị không nên bỏ phí thì giờ để tranh cãi với nhau. Nếu có ai đánh
quý vị, hãy nhường họ một bước. Đừng tranh đua với mọi người. “Khi đã già lão,
khí huyết suy kém, nên hạn chế lòng tham cầu.” Tâm tham cầu đó là lòng tham lam
vô độ. Người già cả không nên tham lam mong cầu có được nhiều thứ.
Tuổi già mà vua Ba-tư-nặc đang đối diện là bảy
mươi hoặc hơn. Chẳng phải Vua Nghiêu (蕘 Yao ) đã từng nói: “Bảy mươi tuổi rồi, ta phải nghỉ
thôi” đó sao? Vì vua đã quá bảy mươi tuổi, trở nên uể oải không muốn trông coi
việc nước nữa. “Hình
sắc cũng theo đó già yếu khô gầy.” Vua Ba-tư-nặc nói “tinh
thần không còn sáng suốt ”. Trí óc khô cằn không còn nhớ được gì nhiều.
Không còn như thời trai trẻ, khi vua còn nhớ được mọi việc rất rõ ràng. “Mê mờ”
là không còn nhận biết minh bạch về sự việc nữa; vua có hơi chút kỳ quặc, hơi bị
lão suy. Nhưng tôi không cho rằng như thế có nghĩa là vua bị mất trí. “Tóc bạc
mặt nhăn, sống chẳng còn bao lâu. Ở Ấn Độ ít người có tóc vàng hoe khi còn
trẻ, nhưng khi về già, tóc họ trở nên bạc trắng. Khi còn trẻ, tóc họ đen tốt và
rất đẹp trai, nhưng khi tuổi già mặt họ có nhiều nếp nhăn, còn nhăn nheo hơn da
gà. Thế nên trông họ rất xấu xí.
“Và chẳng còn sống được bao lâu nữa” Khi thốt lên những lời nầy, vua hối
tiếc vô cùng và chắc chắn kèm theo một tiếng thở dài: “Ta rồi sẽ chết; chẳng
còn phải chờ đợi bao lâu nữa”. Như người Quảng Đông thường hay nói: “Thời gian
sống chết kề cận trong tầm tay”.
“Làm sao có thể so sánh với khi còn trẻ mạnh? Làm sao có thể so sánh với lúc tráng niên? Hai
giai đoạn hòan toàn khác nhau.
Kinh văn:
佛言,大王,汝之形容應不頓朽。王言,世尊, 變化密移我誠不覺。寒暑遷流漸至於此。
Đức Phật bảo: Đại vương! Thân thể của ông đâu phải già liền?
Vua Ba-tư-nặc thưa: “Bạch Thế tôn, nó âm thầm thay đổi, con thật chẳng
biết, lạnh nóng đổi dời, cho đến ngày nay.”
Giảng:
Đức Phật nghe vua Ba-tư-nặc diễn tả niềm hối tiếc vô hạn và thở dài buồn
bã. Vua đang tiến dần đến sự chung cuộc. Tuổi thanh xuân đã đi qua và có lẽ vua
đã không còn sức sống của tuổi thiếu thời. Khi còn trẻ, vua thích tập thể thao,
thích đá bóng, và có lẽ còn thích khiêu vũ. Vua luôn luôn trên đà đi lên. Nay
khi đã già, vua không còn làm những việc như thế được nữa. Thế nên vua thấy
mình rất thừa thải. Nên vua nói: “Nay tôi già rồi, không như hồi còn trẻ nữa.
Thời gian ấy thật là hạnh phúc. Lối sống của tôi bây giờ thật là vô vị và buồn
chán.”
Đức Phật bảo: “Đại vương! Thân thể của ông đâu phải già liền? Thân
ông đâu phải hòan toàn trở nên già cỗi liền đâu. Ông vẫn còn cái gì đó trong
ông không hề già cỗi. Ông nói rằng ông đang biến đổi và trở nên suy kém, nhưng vẫn
còn cái gì đó trong ông không biến đổi và già đi. Hãy nhìn kỹ trong mình mà nhận
ra.”
Vua Ba-tư-nặc thưa: “Bạch Thế tôn, nó âm thầm thay đổi, con thật chẳng
biết.” Vấn đề con người trở
nên già cỗi là ở chỗ thay đổi âm thầm. Ông không để ý đến nó đó thôi. Thiếu
niên trở thành trung niên rồi già cả, và ông chẳng biết chuyện ấy đang xảy ra.
Sự thay đổi lặng lẽ xảy ra, không thể nhận biết được. Thế nên vua Ba-tư-nặc lập
lại: “Thực tình mà nói, con không biết đến tuổi tác và không biết tôi đã già
như thế nào, và bây giờ vẫn chưa biết triệu chứng già lão đã xuất hiện nơi
mình. Nhưng con không biết con trở nên già khi nào nữa? .
Lạnh nóng đổi dời, cho đến
ngày nay. Mùa hạ rồi mùa đông, đông rồi hạ; người ta thu hoạch
vào mùa thu rồi tích trữ cho mùa đông: xoay vần, thăng trầm, nối tiếp theo nhau
năm nầy sang năm khác.” Thế nên ông ta dần dần trở nên già cỗi, với tóc bạc mặt
nhăn. Lông mi mọc dài đến nỗi mỗi khi ông ta muốn nhìn, ông phải dùng tay vén
lên. Tưởng tượng phiền toái biết dường nào.
Kinh văn:
何以故,我年二十,雖號年少。顏貌已老初十年時。三十之年又衰二十。于今六十又過于二。觀五十時宛然強壯。
Vì sao? Lúc hai mươi tuổi,
tuy tuổi còn nhỏ, nhưng sắc mặt đã già hơn lúc mười tuổi. Đến khi ba mươi tuổi
lại già hơn khi hai mươi tuổi. Nay đã sáu mươi hai tuổi, so với lúc năm mươi tuổi,
rõ ràng lúc năm mươi tuổi cường tráng hơn.
Giảng:
“Vì sao? Sao con dần dần trở nên lụ khụ già yếu như thế?
Già đến nỗi chân không nhấc nổi khi muốn bước đi, và tay run khi muốn ăn. Lúc hai mươi tuổi, tuy tuổi còn nhỏ, nhưng sắc mặt đã già hơn lúc 10 tuổi. Khi hai mươi tuổi, con không còn là đứa bé lên
mười nữa, con đã là một người thanh niên trưởng thành. Đến khi
ba mươi tuổi lại già hơn khi hai mươi tuổi. Nay đã sáu mươi hai tuổi, so với
lúc năm mươi tuổi, rõ ràng lúc năm mươi tuổi cường tráng hơn. Khi ba mươi tuổi, con đã già hơn khi tuổi hai
mươi, và lúc năm mươi tuổi, con thấy mình còn mạnh hơn bây giờ nhiều. Lúc năm
mươi tuổi, con có thể nhấc bổng 100 pounds[5] bằng tay không, nhưng bây giờ khó có thể mang
được ba hay bốn chục pounds.” Ở đây vua Ba-tư-nặc nhận ra rằng tuổi già đã đẩy
ông ta vào tình trạng vô dụng.
Kinh văn:
世尊,我見密移雖此殂落。其間流易且限十年。若復令我微細思惟。其變寧唯一紀二紀,實為年變。豈唯年變亦兼月化。何直月化兼又日遷。
Bạch Thế tôn! Con thấy
nó âm thầm dời đổi, tuy cái già nua nầy thay đổi trong vòng mười năm. Nếu con
suy nghĩ kỹ hơn, chẳng những nó thay đổi trong khoảng một kỷ, hai kỷ, mà thực
ra nó thay đổi trong mỗi năm; chẳng những nó thay đổi trong từng năm, mà thực
ra nó thay đổi trong từng tháng; chẳng những nó thay đổi trong từng tháng, mà
thực ra nó thay đổi trong từng ngày.
Giảng:
Vua Ba-tư-nặc lại thưa với Đức Phật: “Bạch Thế
tôn! Con thấy nó âm thầm dời đổi. Con nhận thấy rằng giáo lý về sự âm thầm biến hóa dời đổi nầy thực
không thể nào dễ biết được. Tuy cái già nua nầy thay đổi
trong vòng mười năm. Nếu con suy nghĩ kỹ hơn, chẳng những nó thay đổi trong khoảng
một kỷ, hai kỷ, mà thực ra nó thay đổi trong mỗi năm. Từng ngày con bị già đi trong một tiến trình như dòng nước liên tục
chảy mãi. Nên nói: “Ánh sáng thời gian trôi qua, mạng sống giảm dần.[6]” Thời gian đã làm cho con
trở nên già nua. Bây giờ thử so sánh theo từng kỷ, nếu Ngài yêu cầu con suy gẫm
chi tiết, thực sự thấy rằng sự thay đổi không chỉ diễn ra trong một kỷ (12 năm)
hoặc 2 kỷ (24 năm), mà thay đổi từng năm. Chẳng những nó thay đổi
trong từng năm, mà thực ra nó thay đổi trong từng tháng. Lẽ nào nó chỉ thay đổi trong từng tháng? Chẳng những nó
thay đổi trong từng tháng, mà thực ra nó thay đổi trong từng ngày. Mỗi ngày, con thấy mình già đi hơn trước nhiều.
Kinh
văn:
沈思諦觀剎那剎那。念念之間不得停住。故知我身終從變滅.
Chiêm nghiệm thật sâu, quán
sát thật kỹ, thấy nó thay đổi trong từng sát-na, trong từng mỗi niệm, không hề
dừng nghỉ. Thế nên con biết thân nầy cuối cùng phải chịu sự biến đổi và hoại diệt.
Giảng:
“Chiêm nghiệm thật sâu, quán sát thật kỹ, thấy nó
thay đổi trong từng sát-na, trong từng mỗi niệm, không hề dừng nghỉ.
Lắng lòng suy nghĩ kỹ càng, con tự hỏi, vì sao mình trở nên già nua?
Ngày nào năm nào, tháng nào, lúc nào mình trở nên già cỗi?”
“Sát-na” là gì? Trong Kinh
Bát-nhã Hộ quốc Nhân Vương giải thích rằng trong mỗi niệm, vắn tắt là trong
mỗi suy nghĩ, có 90 sát-na. Trong 1 sát-na có 900 lần sinh diệt. Không dễ dàng
hiểu, không dễ dàng gì nhận ra được. Giải thích đến mức nầy cần phải đi vào nhiều
chi tiết vi tế. Ngay cả trong cực vi của mỗi sát-na, tiến trình già nua vẫn
không dừng nghỉ. Thế nên bây giờ tôi trở nên già cỗi. Tôi trở thành vô dụng. Ăn
uống chẳng thấy mùi vị gì; khi ngủ tôi thấy da mình rời khỏi thịt và rất đau nhức,
biểu hiện của tuổi già thật là đau khổ!
“Thế
nên con biết ...” vua Ba-tư-nặc đã giải thích xong đạo lý sinh diệt–thế nào là
mỗi khoảnh khắc đều là ở trong trạng thái luân chuyển, để biết tính chất sinh
diệt luôn luôn có trong mọi hiện tượng– ông nói rằng ông đã biết thân mình “cuối
cùng phải chịu sự biến đổi và hoại diệt.”
(còn tiếp)
0 Kommentare:
Post a Comment