Hoặc có người muốn cùng vọng tưởng thách đấu bỏ
mạng, và quyết định tử chiến với chúng, mà hùng hổ cung tay nộ khí, ưỡn
ngực trợn mắt, như gần bị giết
Việc khó và dễ trong khi tu
đạo của người mới dụng công và người tu hành lâu năm.
a/ Việc khó và dễ của người
mới dụng công.
Bịnh nặng của người sơ cơ là xả bỏ vọng tưởng,
tập khí không nổi. Vô minh, cống cao ngã mạn, ghen ghét, chướng ngại, tham
lam, sân hận, tình ái, giải đãi, là những món ăn ngon. Thị phi nhân ngã
chứa đầy cả bụng, thì làm sao tương ưng cùng đạo? Có các vị xuất gia,
vốn xuất thân từ hàng công tử tiểu thơ nhà giàu, nên khó lòng bỏ tập khí
kiêu căng tự thị. Bị oan ức đôi chút, không thể nhẫn nổi, thì nói gì đến
dụng công tu đạo? Họ chẳng biết rằng Phật Thích Ca Mâu Ni vốn là thái tử,
nhưng xả bỏ tất cả để xuất gia tu đạo. Hoặc có vài người biết đôi chút
văn tự chữ nghĩa, nghiên tầm văn chương, trích luận kệ cú, giải thích luận
bàn thi cú cổ kim. Tuy tự chính mình không thể nào viết lách hay liễu giải
được, nhưng lại sanh tâm cống cao ngã mạn. Khi bị bệnh nặng, kêu khổ thấu
trời. Hoặc nhằm vào ngày ba mươi tháng chạp, tay run chân loạn; tri giải
thường ngày, chẳng dùng được chút nào, hối hận sao kịp!
Người có chút tâm đạo, nhưng chẳng biết chỗ hạ thủ
công phu. Lại có người, rất sợ vọng tưởng; họ cố dẹp trừ mãi mà chẳng
được, nên phiền não cả ngày, rồi tự oán than là nghiệp chướng nặng nề,
khiến thối tâm tu đạo. Hoặc có người muốn cùng vọng tưởng thách đấu bỏ
mạng, và quyết định tử chiến với chúng, mà hùng hổ cung tay nộ khí, ưỡn
ngực trợn mắt, như gần bị giết. Song, không thể nào thí mạng với vọng
tưởng được, nên tức giận lồng lộng, hộc máu phát điên cuồng.
Hoặc có người sợ lạc vào không, tức phải nên biết
tự chính mình đã phát sanh "con quỷ" chấp không. Muốn không mà
không chẳng được. Muốn ngộ mà ngộ cũng chẳng xong.
Hoặc có người mang tâm cầu giác ngộ, tức phải nên
biết đem tâm cầu đạo, nghĩ tưởng thành Phật, đây là đại vọng tưởng.
Cát không thể nấu thành cơm, dẫu cầu đến năm con lừa quyết chẳng ngộ đạo
được.
Hoặc có người ngồi được một hai cây hương, rồi
sanh tâm vui mừng, giống như rùa mù, ngẫu nhiên mà vớt được bọng cây khô
trên biển, chứ chẳng phải là công phu chân thật, nên khiến ma vui mừng che
lấp tâm tánh.
Hoặc có người trong tịch tĩnh, cảm giác rất thanh
tịnh, nên không muốn tu lúc ở trong động. Vì vậy, chỉ thích lẫn trốn nơi
tịch tĩnh mà tu, nhưng chẳng biết đã làm quyến thuộc của hai con ma vương
chấp động tĩnh.
Những bệnh tật khi tu thiền rất nhiều loại. Nói chung,
người sơ cơ khi chưa đến đầu đường thì thật là khó; như có giác mà
không chiếu soi, thì dễ sanh tán loạn, khiến tâm không thể bình lặng được.
Hoặc có chiếu soi mà không có giác, tức là khi ngồi thiền bị nước chết xâm
nhập giết hại.
Tuy bảo rằng dụng công là khó, nhưng khi đến đầu
đường rồi thì rất dễ. Tại sao sơ tâm dụng công dễ dàng? Vì chưa có thiện
xảo chi hết, nên xả bỏ muôn sự rất dễ. Xả bỏ cái gì? Tức là xả bỏ hết
vô minh phiền não. Làm thế nào để xả bỏ? Như lúc chư tăng làm lễ cầu
vãng sanh cho người quá cố, nếu quý vị chửi mắng vài câu thì tử thi chẳng
hề động đậy, nổi khí giận hờn. Hoặc đánh vài gậy, người đó chẳng dùng
tay chống cự. Lúc sống, thường khởi vô minh, nhưng ngày nay không còn khởi
được nữa. Bình thường thích danh mến lợi, mà nay không còn muốn. Bình
thường có bao loại tập khí ô nhiễm, nhưng nay lại không còn. Lại nữa,
người đó không còn phân biệt gì cả. Việc gì cũng xả bỏ được hết.
Quý vị đồng tham học! Trút hơi thở cuối cùng, thân
liền trở thành xác chết. Sở dĩ chúng ta xả bỏ mọi việc không được là vì
coi trọng xác thân này, nên sanh thị phi mình người, thương ghét thủ xả.
Nếu xem rõ xác thân này như thây chết, không quý mến nó, không cho nó là
mình, thì việc gì lại không thể xả bỏ được! Chỉ cần xả bỏ được thân
xác này, thì trong mười hai thời, cho dầu đi đứng nằm ngồi, động tịnh bận
rộn rảnh rỗi, trong ngoài thân chỉ có một niệm nghi. Bình bình hòa hòa nghi
tình không gián đoạn, và không xen lẫn tạp niệm khác lạ. Khi đó, dùng câu
thoại đầu, như cầm kiếm thiên trường, ma đến chém ma, Phật đến chém Phật;
không sợ vọng tưởng gì cả, thì ai làm trở ngại, ai phân biệt động tĩnh, ai
chấp có chấp không? Nếu sợ vọng tưởng, thì lại khiến gia tăng thêm một
tầng vọng tưởng. Biết thanh tịnh, tức đã không thanh tịnh. Sợ lạc vào
không, tức lạc nơi có. Muốn thành Phật thì bị nhập vào đường ma. Vì thế
bảo rằng gánh nước chặt củi, không chi là đạo vi diệu. Cuốc đất trồng rau,
đều là thiền cơ. Không phải xếp bằng, ngồi thiền cả ngày mà tính là dụng
công tu đạo.
b/ Việc khó và dễ của người tu
hành lâu năm.
Tại sao lại khó? Người tu hành lâu năm, dụng tâm
đến lúc nghi tình chân thật hiện ra, phải có giác có chiếu mới vượt qua
sanh tử. Không giác không chiếu tức là lạc vào không vọng. Ðạt đến cảnh
giới đó thật rất khó. Song, nhiều người đạt đến đó, lại hoảng hốt không
thể giải thoát, chỉ đứng trên ngọn tre trăm thước, mà không thể tiến thêm
một bước. Có nhiều người khi đạt đến cảnh giới này, thì ngay trong định
phát được chút ít trí huệ, khiến am hiểu thấu đáo vài công án của người
xưa, liền xả bỏ nghi tình, rồi tự cho là đã đại triệt đại ngộ, nên làm
thơ viết kệ, nháy mắt giương mày, xưng là thiện tri thức, nhưng chẳng biết
chính mình là quyến thuộc ma vương.
Lại nữa, có người hiểu sai lầm ý nghĩa các câu kệ
của Ðạt Ma Tổ Sư "Ngoài ngưng các duyên, trong chẳng cấp bách, tâm như
tường vách, mới có thể nhập đạo", cùng lời dạy của Lục Tổ "Không
nghĩ thiện, không nghĩ ác. Lúc đó, bổn lai diện mục của thượng tọa Minh là
gì?"
Lúc ấy, thật như ngồi trên cây khô đá cuội, người
này nhận hóa thành làm bảo sở và lầm nhận đất lạ là quê mình. Bà già
đốt am chỉ vì muốn chửi những kẻ tử Hán chấp trước.
Sao gọi là dễ dàng dụng công? Bấy giờ, chớ nên tự
mãn, và chớ dừng lại nửa đường, mà phải liên tục thầm thầm lặng lặng tu
hành. Trong liên tục thầm lặng lại tăng thêm sự liên tục thầm lặng. Trong vi
tế lại thêm vi tế. Khi thời điểm đến thì thùng gỗ tự nhiên sẽ bị lủng.
Nếu không, phải nhờ đến thiện tri thức nhổ đinh tháo chốt.
Ðại sĩ Hàn Sơn viết kệ:
"Trên đảnh núi cao vút
Bốn bề rộng vô biên
Tĩnh tọa không người biết
Trăng đơn chiếu suối ngàn
Trong suối chẳng có trăng
Trăng treo trên trời xanh
Ngâm nga bài ca này
Ca ngâm chẳng là thiền."
Hai câu đầu nói về sự đơn độc chân thường của
muôn việc, chẳng chướng ngại hay dính một vật, chiếu sáng chói lòa khắp
đại địa. Bốn câu kế, bàn về chân như diệu thể mà phàm phu không thể hiểu
được. Ba đời chư Phật cũng không thể tìm cầu nơi chốn của cái ngã, nên
bảo là không người biết. Câu "trăng đơn chiếu suối ngàn", ngài
Hàn Sơn tự dùng thí dụ làm phương tiện để diễn đạt cảnh giới của mình.
Hai câu cuối, vì sợ người lầm ngón tay là mặt trăng, nên đặc biệt cảnh
tỉnh chúng ta. Một khi còn ngôn ngữ lời nói thì chẳng phải là thiền.
Kết Luận
Những điều tôi vùa nói, chỉ để gỡ bụi cây dính
chùm, dẹp bỏ rắc rối. Nếu còn lời nói thì chẳng phải nghĩa chân thật. Các
bậc cổ đức tiếp người bằng cách không đánh thì cũng mắng, tức khai ngộ
cho họ bằng những cử chỉ hành động rất bình dị. Người tu hành hiện nay
không thể bì được với sự tu hành của người xưa. Chớ nên nhận lầm ngón
tay là mặt trăng. Quý vị đồng tham thiền! Hãy xem coi ngón tay ấy chính là
ai? Mặt trăng là ai? Hãy tham khán!
Hoà Thượng Hư Vân
0 Kommentare:
Post a Comment