Hiện nay trên thế giới có rất nhiều người câm; vì sao
họ bị câm? Vì họ phạm tội vọng ngữ quá nhiều, quá nghiêm trọng, cho nên
đến khi được làm người trở lại thì không thể nói được. Ðó cũng có thể xem như
một lời cảnh cáo : "Quý vị muốn lừa gạt người khác thì cứ việc lừa
gạt, để xem lừa gạt được ai, hay là chỉ lừa được chính mình, khiến mình trở
thành kẻ không biết nói?"
Tại sao người câm không nói được? Vì lưỡi của họ
đã bị cắt! Quý vị thấy họ tuy có lưỡi, nhưng cái lưỡi ấy không có
"tánh," cho nên họ không nói được!
BỐN ÐIỀU RĂN DẠY VỀ TÁNH THANH TỊNH CHÂN
THẬT, KHÔNG HƯ DỐI
(Vạn Phật Thánh Thành ngày 17 tháng 4 năm
1983)
Hòa Thượng Tuyên
Hóa lược giảng
Ban Phiên Dịch Việt
Ngữ Vạn Phật Thánh Thành
Không Nói Dối
Kinh Văn:
Hán Việt: "A-Nan! Như
thị thế giới Lục-đạo chúng sanh, tuy tắc thân tâm vô sát đạo dâm, tam hạnh dĩ
viên, nhược đại vọng ngữ, tức Tam-ma-địa bất đắc thanh tịnh, thành ái kiến ma,
thất Như Lai chủng."
Việt: "A-Nan! Chúng sanh trong Lục-đạo ở các
thế giới tuy thân và tâm không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục, ba hạnh
ấy đã viên mãn nhưng nếu còn đại-vọng-ngữ thì phần Tam-ma-địa chẳng được thanh
tịnh, trở thành ma ái-kiến, làm mất chủng tử Như-Lai."
Giảng nghĩa:
"A-Nan!
Chúng sanh trong Lục-đạo ở các thế giới tuy thân và tâm không sát sanh, không
trộm cắp, không dâm dục, ba hạnh ấy đã viên mãn..." "Ba
hạnh" tức là hạnh không sát sanh, hạnh không trộm cắp và hạnh không tà
dâm. Giả sử các chúng sanh trong sáu nẻo của thế giới này thân không phạm tội
sát sanh, trộm cắp, dâm dục, và tâm cũng chẳng dấy khởi những ý nghĩ về sát
sanh, trộm cắp, dâm dục--cả ba hạnh ấy đều đã hoàn hảo--"nhưng nếu còn đại-vọng-ngữ, còn thói nói dối về những điều
nghiêm trọng, thì phần Tam-ma-địa, phần
Ðịnh-lực mà họ đạt được, chẳng được
thanh tịnh."
Khi chẳng còn thanh tịnh nữa thì họ trở thành gì? Họ
sẽ phải "trở thành ma ái-kiến,
loại ái-ma hoặc kiến-ma, làm mất chủng
tử Như-Lai." Tại sao hạt giống Như-Lai lại có thể bị mất được? Vì họ
chuyên môn nói lời gian dối, không chân thật!
Kinh
Văn:
Hán Việt: "Sở vị vị đắc
vị đắc, vị chứng ngôn chứng, hoặc cầu thế gian tôn thắng đệ nhất, vị tiền nhân
ngôn: Ngã kim dĩ đắc Tu-đà-hoàn quả, Tư-đà-hàm quả, A-na-hàm quả, A-la-hán đạo,
Bích-chi Phật thừa, Thập-địa, Ðịa tiền chư vị Bồ-tát, cầu bỉ lễ sám, tham kỳ
cúng dường."
Việt: “Họ chưa đắc mà nói đắc, chưa chứng mà nói
chứng, hoặc cầu mong được làm bậc tôn-thắng, đệ nhất ở thế gian; họ đối trước
mặt người khác mà nói rằng: ‘Tôi nay đã đắc quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả
A-na-hàm, quả A-la-hán, Bích-chi Phật thừa, hoặc các quả vị của chư Bồ-tát
Thập-địa và Ðịa-tiền’; để tham cầu sự lễ sám và đồ vật cúng dường của kẻ
khác."
Giảng nghĩa:
Các chúng sanh ấy phạm loại vọng ngữ nào? Những lời
nói dối thông thường, vô hại thì không đáng kể. Vậy, thế nào là đại vọng ngữ?
"Họ
chưa đắc mà nói đắc." Họ vốn chưa đắc Ðạo
và về mặt tu hành thì họ hoàn toàn mù tịt, chẳng hiểu một mảy may. Họ không
biết cách niệm Phật, không biết cách trì Giới, và cũng chẳng biết ngồi Thiền là
như thế nào nữa. Họ làm việc gì thì thoạt trông đều có vẻ như biết cách vậy,
nhưng thực sự lại không biết gì cả; còn nói thì nghe dường như cũng đúng đấy,
nhưng trên thực tế thì rõ ràng là không đúng. Nghe người ta giảng đạo lý thì họ
lại cắt ngang: "Cái đó tôi biết từ lâu rồi!"; hoặc nói: "Tôi đã
đắc Ðạo rồi! Tôi khai ngộ rồi! Tôi thành Phật rồi!" Ðó gọi là "chưa
đắc mà nói đắc" vậy.
"Chưa
chứng mà nói chứng." Họ chưa chứng quả
vị gì cả và cũng không biết Sơ-quả A-la-hán, Nhị-quả A-la-hán, Tam-quả
A-la-hán, Tứ-quả A-la-hán là gì nữa. Họ hoàn toàn không biết gì cả nhưng lại
khoác lác: "Quý vị biết tôi là ai không? Tôi là A-la-hán đấy!"; “Tôi
là Phật đấy!"; hoặc, "Tôi là Bồ-tát đấy!"
Vì sao họ lại nói như vậy ? Có lẽ vì họ "cầu mong được làm bậc tôn-thắng, đệ
nhất ở thế gian." Giống như hôm nọ có người nói với đệ tử của tôi:
"Ông thuộc tông phái nào vậy? Chúng ta đều cùng một tông phái thì nên đứng
chung với nhau, cùng nhau chung vai sát cánh. Tôi là ‘số một’, tôi là lãnh tụ
tối cao. Tôi là người khai sáng nền Phật-giáo Hoa-Kỳ. Tôi
là thủy tổ, là tổ sư đời thứ nhất của Phật-giáo Hoa-Kỳ !" Ðó gọi là
"cầu mong được làm ‘số một’" vậy !
"Họ
đối trước mặt người khác mà nói rằng : Tôi nay đã đắc quả Tu-đà-hoàn, quả
Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán !" Họ
nói với những người đang vây quanh họ: "Quý vị có biết tôi là ai chăng?
Tôi đã chứng được Sơ-quả A-la-hán, tôi hiện là một vị Tu-đà-hoàn." Lại e
rằng địa vị Sơ-quả Tu-đà-hoàn chưa đủ cao, nên một chốc sau họ lại nói :
"Bây giờ thì tôi chứng được Nhị-quả rồi !" Năm phút sau họ lại tuyên
bố : "Chỉ chốc lát là tôi lại chứng được Tam-quả nữa rồi." Và
một vài giây sau, họ nói là đã chứng được Tứ-quả ! Tự cho mình chứng
Tứ-quả rồi, họ lại nghĩ : "Như vậy là mình vẫn còn là La-hán, chứ
chưa phải là cao nhất !" Thế thì, quý vị nghĩ thế nào ? Lên tới
Tứ-quả A-la-hán mà họ vẫn chưa "biết đủ," chưa thấy thỏa mãn !
"Bích-chi
Phật thừa hoặc các quả vị của chư Bồ-tát Thập-địa, Ðịa-tiền."
Bích-chi Phật thì cao hơn A-la-hán một bậc; cho nên bây giờ họ lại tuyên
bố : "Tôi là Bích-chi Phật !" Hoặc xưng mình là Bồ-tát Thập
Ðịa hoặc Ðịa-tiền. "Ðịa tiền" (trước Thập-địa) tức là Thập-trụ,
Thập-hạnh và Thập Hồi-hướng--Tam Hiền.
"Để
tham cầu sự lễ sám và đồ vật cúng dường của kẻ khác." Vì
sao hạng người ấy tự xưng là A-la-hán, Bích-chi Phật và Bồ-tát ? Ðó chẳng
phải là lừa dối người khác, là phạm tội đại vọng ngữ sao ? Họ lừa dối
người khác để làm gì ? Ðể làm cho người ta tin tưởng họ ! Không ai
tin họ thì họ không có tiền để thu vô; có người tin theo tức là có đồ cúng
dường đến ! Vì tham đồ cúng dường nên họ không sợ phạm tội vọng ngữ, không
sợ đọa địa ngục Bạt-thiệt (rút lưỡi). Kẻ phạm tội vọng ngữ sau khi chết sẽ bị
đọa địa ngục, ở đó có móc sắt để kéo lưỡi tội nhân ra và có dao để cắt lưỡi--đó
là hình phạt ở địa ngục Bạt-thiệt do tội nói dối. Ðể coi khi vào địa ngục
Bạt-thiệt rồi còn ai dám phạm tội đại vọng ngữ, dám gian dối nữa hay
không ?
Hiện nay trên thế giới có rất nhiều người câm; vì sao
họ bị câm ? Vì họ phạm tội vọng ngữ quá nhiều, quá nghiêm trọng, cho nên
đến khi được làm người trở lại thì không thể nói được. Ðó cũng có thể xem như
một lời cảnh cáo : "Quý vị muốn lừa gạt người khác thì cứ việc lừa
gạt, để xem lừa gạt được ai, hay là chỉ lừa được chính mình, khiến mình trở
thành kẻ không biết nói ?"
Tại sao người câm không nói được ? Vì lưỡi của họ
đã bị cắt ! Quý vị thấy họ tuy có lưỡi, nhưng cái lưỡi ấy không có
"tánh," cho nên họ không nói được !
Tại sao có nhiều người bị mù ? Vì họ đã coi
thường người khác ! Họ cảm thấy họ tài giỏi hơn ai hết, thông minh hơn ai
hết, chẳng có người nào bằng họ, nên bây giờ họ chẳng thấy được ai cả. Bây giờ
thì họ phải tự hỏi lại xem họ có thực sự hơn người khác hay không !
Trường hợp người điếc cũng vậy, quý vị có biết tại sao
họ bị điếc không ? Vì họ chuyên môn thích nghe trộm chuyện người khác. Khi
người ta nói chuyện trong phòng thì họ ở ngoài áp sát tai vào tường để nghe
lén. Hiện nay những kẻ làm đặc vụ rình nghe người khác nói chuyện, thì tương
lai có thể phải thành người điếc cả.
Tuy nhiên, nếu biết sai mà sửa đổi, từ rày về sau
không lộng ngôn nữa, thì sẽ không bị làm người câm; không coi thường người khác
nữa, thì sẽ không bị làm kẻ mù lòa; và không nghe trộm nữa, thì sẽ không bị
điếc. Cho nên, đui mù câm điếc là những quả báo do phạm tội phỉ báng Tam-Bảo.
Kinh
Văn:
Hán Việt: "Thị
Nhất-điên-ca, tiêu diệt Phật chủng, như nhân dĩ đao, đoạn Ða-la mộc, Phật ký
thị nhân, vĩnh vẫn thiện căn, vô phục tri kiến, trầm Tam Khổ hải, bất thành
Tam-muội."
Việt: "Hạng Nhất-điên-ca này làm tiêu diệt
Phật-chủng thì cũng như người lấy dao chặt cây Ða-la vậy. Phật nói những người
ấy đã vĩnh viễn chặt đứt thiện căn, không còn tri-kiến nữa, phải trầm luân
trong biển Tam-khổ, không thành tựu Tam-muội được."
Giảng nghĩa:
"Hạng
Nhất-điên-ca này..." Những người phạm tội
đại vọng ngữ ấy--chưa chứng mà nói là mình đã chứng, chưa đắc mà nói là mình đã
đắc, việc mình chưa hiểu mà nói là đã hiểu—được gọi là hạng Nhất-điên-ca.
"Nhất-điên-ca" hoặc "Nhất-xiển-đề" vốn là tiếng Phạn; dịch
sang tiếng Trung-Hoa là "đoạn thiện căn," có nghĩa là chặt đứt căn
lành. Hễ thiện-căn bị chặt đứt thì đương nhiên ác-căn sẽ tăng trưởng.
"Làm
tiêu diệt Phật-chủng." Hạng người dùng đại
vọng ngữ để lường gạt người đời ấy tự hủy diệt chủng tử thành Phật của chính họ, "thì cũng như người lấy dao chặt cây
Ða-la vậy." Những người ấy chặt đứt Phật-chủng của họ thì cũng giống
như người dùng dao mà chặt cây Ða-la, sau đó đều không thể sanh trưởng nữa. Cây
Ða-la, thường thấy ở Ấn-độ, vốn mọc rất cao, nhưng nếu bị chặt ngang thì nó
không mọc tiếp nữa.
"Phật
nói những người ấy đã vĩnh viễn chặt đứt thiện-căn, không còn tri-kiến
nữa." Phật thấy trước được rằng hạng người ấy sẽ mãi mãi
chịu luân lạc bởi vì họ đã chặt đứt thiện căn của chính họ. Họ đã đánh mất mọi
tri giác, không còn khả năng nhận thức, cũng chẳng có trí huệ.
"Phải
trầm luân trong biển Tam-khổ, không thành tựu Tam-muội được." Họ
bị đọa lạc trong Tam đồ, chìm đắm trong biển Tam-khổ vĩnh viễn không thoát ra
được; và cũng không thể nào đạt được Ðịnh-lực. "Tam-đồ" tức là
đao-đồ, huyết-đồ, hỏa-đồ; đó gọi là Tam-đồ hải. Họ bị đọa vào ba loại địa ngục
là địa ngục Ðao-đồ (đao kiếm), địa ngục Huyết-đồ (toàn thân rướm máu), và địa
ngục Hỏa-đồ (lửa cháy).
Kinh
Văn:
Hán Việt: "Ngã diệt độ
hậu, sắc chư Bồ-tát cập A-la-hán, ứng thân sanh bỉ Mạt Pháp chi trung, tác
chủng chủng hình, độ chư luân chuyển."
Việt: "Ta có sắc lệnh cho các Bồ-tát và
A-la-hán rằng sau khi Ta diệt độ, hãy ứng thân sanh vào
thời Mạt Pháp, thị hiện vô số hình tướng để độ những kẻ còn trong vòng luân
chuyển."
Giảng nghĩa:
"Ta
có sắc lệnh cho các Bồ-tát và A-la-hán rằng sau khi Ta diệt độ, hãy ứng thân
sanh vào thời mạt Pháp." Ta có ra lệnh cho tất
cả các Bồ-tát và các A-la-hán rằng sau khi Ta nhập Niết-bàn rồi, thì họ hãy
dùng ứng-thân và hóa-thân mà đến thế giới đầy khổ não này.
"Thị
hiện vô số hình tướng để độ những kẻ còn trong vòng luân chuyển." Trong
thời Mạt Pháp, sẽ có các vị Bồ-tát và A-la-hán ứng hiện dưới nhiều hình tướng
khác nhau, như làm thân người, thân súc sanh, hoặc bất cứ hình tướng nào
khác... Các ngài sẽ hằng thuận chúng sanh, hòa mình với chúng sanh, để phổ độ
tất cả những kẻ còn trong vòng luân chuyển.
Các bậc Bồ-tát cũng thị hiện làm thân súc sanh vậy.
Quý vị chớ vội nghĩ rằng nói như vậy là có ý bất kính. Bồ-tát sở dĩ mang thân
súc sanh là vì muốn thực hành hạnh Bồ-tát, muốn giáo hóa các loài súc sanh;
cũng như Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni trong một kiếp ở quá khứ đã từng làm thân nai
chúa (lộc-vương) để cứu độ loài nai vậy.
Kinh
Văn:
Hán Việt: "Hoặc tác
Sa-môn, bạch-y cư-sĩ, nhân, vương, tể-quan, đồng nam, đồng nữ, như thị nãi chí
dâm nữ, quả phụ, gian, thâu, đồ, phán, dữ kỳ đồng sự, xưng tán Phật thừa, linh
kỳ thân tâm nhập Tam-ma-địa."
Việt: "Hoặc làm thầy Sa-môn, người bạch-y
cư-sĩ, nhân vương, tể quan, đồng nam, đồng nữ, như vậy cho đến làm dâm nữ, quả
phụ, kẻ gian, kẻ cắp, đồ tể, kẻ buôn hàng lậu, rồi đồng sự với những hạng người
đó để xưng tán Phật-thừa, khiến cho thân tâm họ đều nhập Tam-ma-địa."
Giảng nghĩa:
Các vị Bồ-tát và A-la-hán ấy có thể hóa thân "hoặc làm thầy Sa-môn, Tỳ-khưu xuất gia, hoặc làm người bạch-y cư-sĩ."
Thế nào gọi là "cư-sĩ"? "Cư-sĩ" là người tại gia học Phật,
hộ trì Tam Bảo. Người xuất gia thì:
Không
canh tác nhưng cần phải có cái ăn,
Không
dệt vải nhưng cần phải có y phục mặc.
(Bất
canh nhi thực, Bất chức nhi y.)
cho nên cần có sự cúng dường của người cư-sĩ tại gia.
“Nhân
vương, tể quan.” Các ngài cũng có thể hiện thân
làm "nhân vương,” tức là làm vua hay hoàng đế ở cõi nhân gian; hoặc làm
quan lớn, giữ chức vụ quan trọng; hoặc làm “đồng nam, đồng nữ, như vậy cho
đến làm dâm nữ, quả phụ, kẻ
gian, kẻ cắp, đồ tể, kẻ buôn hàng lậu.” “Dâm nữ” tức là kỹ nữ. “Quả phụ” là
đàn bà góa chồng. “Kẻ gian” là người phóng đãng, có những hành vi rất không
chánh đáng, không có quy củ. “Đồ tể” (thợ
thịt) tức là người lấy việc sát sanh làm kế sinh nhai. Các ngài thậm chí có thể
phương tiện thị hiện làm kẻ ăn chơi trác táng, trộm cướp, giết súc vật, buôn
lậu nha phiến hoặc buôn người.
"Rồi
đồng sự với những hạng người đó…” "Đồng sự"
tức là làm cùng công việc, làm việc chung. Vì sao chư Bồ-tát và A-la-hán lại
hóa thân làm những người này? Vì các ngài muốn cứu độ họ. Ðể thực hiện hạnh
nguyện này, các ngài phải ứng dụng Tứ Nhiếp Pháp. Thế nào gọi là Tứ Nhiếp Pháp?
Tứ Nhiếp Pháp là bốn phương pháp để thâu nhiếp, thu phục chúng sanh; đó là bố-thí, ái ngữ, lợi hành
và đồng sự.
1) Bố-thí.
Các ngài có thể thâu nhiếp chúng sanh bằng hạnh bố thí. Có ba loại bố thí là
tài thí, Pháp thí, và vô-úy thí. Có tiền, đem tiền ra bố thí, đó gọi là tài
thí. Hiểu được Phật Pháp rồi đem giảng cho người khác nghe, đó là Pháp thí. Có
người sợ hãi, khủng hoảng, quý vị bèn đến bảo vệ, trấn an, khuyên lơn làm cho
họ không còn khiếp sợ nữa; đó là vô-úy thí--ban phát sự không sợ hãi.
Tuy nhiên, người thực hành hạnh bố thí không nên tham
lam, mong cầu sự báo đáp; chớ nên nghĩ rằng: "Bây giờ mình bố thí cái này
thì trong tương lai mình sẽ được nhiều lợi lộc!" Qúy vị đừng nên có tâm
thái ấy! Bố thí là bố thí. Bố thí xong rồi thì hãy quên đi, coi như mình không
hề bố thí vậy. Phải hiểu "tam luân thể không"--không thấy có người bố
thí, không thấy có người thọ nhận, và không thấy có vật được đem cho hoặc vật
được thọ nhận. Ở giữa phải không có cái gọi là "năng thí sở thí, năng thọ
sở thọ"; tất cả đều không có. Phải nghĩ rằng mình bố thí là vì đó là việc
mà mình nên làm. Ðừng bao giờ nghĩ rằng mình làm được việc thiện này, thì một
mai, công đức mình "thu hoạch" được sẽ "sinh sôi nảy nở,"
phước báo mình được hưởng hẳn phải rất to lớn. Quý vị chớ nên nuôi dưỡng cái
tâm ấy. Cần phải "vô tâm bố thí"-- bố thí một cách vô tư mới được!
Pháp thí (bố thí Pháp) cũng tương tự như vậy--khi nói
Pháp cho người khác nghe, quý vị chớ nên có cái tâm "mình đang thuyết Pháp
cho người ta nghe," cũng đừng tự phụ: "Phen này tôi tạo được công đức
lớn lắm; quý vị phải biết cúng dường cho tôi!" Tuyệt đối không nên có thứ
tâm thái ấy. Phàm làm hạnh bố thí thì không nên nghĩ đến lợi ích cá nhân, cũng
đừng quan niệm rằng phải có lợi cho bản thân thì mình mới bố thí, còn nếu không
có lợi lộc gì cho mình thì không làm.
2) Ái ngữ. Chư Bồ-tát và A-la-hán thường dùng lời lẽ
hòa nhã, dịu dàng để thâu nhiếp chúng sanh. Thí dụ, Ðức Phật có nhiều lúc đã
khen ngợi ngài A-Nan: "Lành thay! Hay thay!"; và chư Bồ-tát cũng
khuyến dụ chúng sanh như thế: "Các con là những đứa trẻ ngoan ngoãn, thông
minh. Các con thật là có thiện căn!" Ðó là bố thí ái ngữ.
3) Lợi hành. Các ngài cũng có thể dùng sự lợi lạc để
thâu nhiếp chúng sanh. "Lợi hành" tức là làm lợi ích cho người khác,
chứ không phải cho cá nhân mình.
4) Ðồng sự. Các ngài cũng có thể thâu nhiếp chúng sanh
bằng cách hòa mình với họ, cũng làm những công việc giống như họ vậy.
"Ðồng sự" tức là người ta làm việc gì thì mình cũng làm việc nấy. Có
thể có vị Bồ-tát muốn cứu độ người dâm nữ có nhiều thiện căn và thấy căn cơ của
cô ta cũng đã thành thục -- điển hình là trường hợp người con gái của
Ma-Ðăng-Già được đề cập trong bộ Kinh này. Tuy con gái của Ma-Ðăng-Già trước
kia là một kỹ-nữ song căn cơ đã thành thục, vì thế khi ngài A-Nan quay trở về
Vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc thì cô cũng chạy theo. Nhưng vừa được nghe Ðức Phật
giảng Pháp là cô ta lập tức chứng đắc Tam-quả A-la-hán; và về sau cô ta cũng
chứng được Tứ-quả A-la-hán.
Vậy, để độ những dâm nữ, chư Bồ tát có thể hiện thân
làm dâm nữ, bởi nếu các ngài làm cùng công việc và là bạn bè của họ thì họ mới
tin lời các ngài. Thí dụ, một sinh viên Ðại-học nói với chúng bạn: "Tôi
tin theo đạo Phật. Giáo Pháp do Ðức Phật tuyên thuyết là thâm áo nhất, vi diệu
nhất. Chúng ta hãy cùng nhau nghiên cứu Phật Pháp, tìm hiểu kinh điển!"
Những sinh viên khác nghe nói như thế đều hưởng ứng: "Chúng tôi cũng vậy.
Chúng tôi cũng muốn tìm hiểu kinh điển!" Và thế là mọi người cùng nhau
nghiên cứu Kinh Lăng Nghiêm.
Trong số những người đó, quý vị không thể nào biết
được ai là Bồ-tát, ai là La-hán cả. Tuy nhiên, nếu quý vị là một vị Bồ-tát hoặc
A-la-hán, quý vị chớ nói với người khác: "Tôi là Bồ-tát! Mọi người phải
nghe theo tôi!" Vì sao ư? Vì Ðức Phật không cho phép!
Vậy, bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự được gọi
chung là Tứ Nhiếp Pháp.
"Ðể
xưng tán Phật-thừa, khiến cho thân tâm họ đều nhập Tam-ma-địa." Chư
Bồ-tát và A-la-hán cùng làm công việc giống như những hạng người ấy, hòa mình
với họ, nhưng trong lúc làm việc hễ có cơ hội là các ngài liền giảng Phật Pháp
cho họ nghe, đồng thời ca ngợi: "Phật Pháp thật hết sức kỳ diệu, không có
gì sánh bằng!" Bằng cách này, các ngài làm cho họ cảm thấy bị lôi cuốn,
say mê, như được ăn kẹo vậy. Phật Pháp có thể ví như viên kẹo, các ngài khiến
cho những kẻ làm việc chung với mình cứ muốn ăn thêm cái kẹo nữa: "Hãy
giảng thêm chút nữa! Hãy giảng cho tôi nghe một chút!"
Giảng đến đây tôi lại nhớ đến một công án:
Thuở trước, ở Trung-Hoa, có một vị Hòa-thượng tên là
Ðỗ-Thuận. Ngài vận dụng vô số phương pháp để giáo hóa chúng sanh--giảng Kinh
thuyết Pháp, dạy tĩnh tọa tham Thiền, dạy niệm danh hiệu Phật... Ngài có thâu
một đệ tử, và người đệ tử này theo ngài xuất gia, học Phật Pháp đã được hơn
mười năm. Trong suốt hơn mười năm trời, ngày ngày người đệ tử đều chú tâm quan
sát mọi hành vi của Sư-phụ mình, để xem ngài là một vị Bồ-tát, A-la-hán, hay là
Phật.
Cuối cùng, sau hơn mười năm theo học Phật Pháp và dò
xét Sư-phụ, người đệ tử nhận thấy ông Sư-phụ này--Hòa-thượng Ðỗ-Thuận--cũng
bình thường, không có gì khác lạ--người ta ăn cơm thì ông cũng ăn cơm, người ta
mặc y phục thì ông cũng mặc y phục, người ta ngủ thì ông cũng ngủ, chẳng có gì
gọi là kỳ đặc so với mọi người cả. Do đó, người đệ tử đi đến kết luận rằng thầy
mình không phải là Phật, không phải là Bồ-tát, và cũng chẳng phải là La-hán;
nên quyết định từ biệt Sư-phụ để ra đi. Ði đâu? Ði lên núi Ngũ-đài-sơn bái kiến
Bồ-tát Văn-Thù, cầu xin Ðức Bồ-tát khai mở trí huệ cho mình, để được khai ngộ.
Người đệ tử nọ đến bái biệt Hòa-thượng Ðỗ-Thuận và
thưa rằng: "Bạch Sư-phụ! Con ở đây học đã hơn mười năm rồi, nhưng con cảm
thấy mình không học hỏi được gì cả. Con thấy hổ thẹn vì mình quá ngu si, cái gì
cũng không hiểu cả, nên nay con muốn đi lạy Bồ-tát Văn-Thù để xin Ngài giúp con
khai mở đôi chút trí huệ."
Hòa-thượng Ðỗ-Thuận nói: "Tốt lắm! Con muốn hành
hương lên núi; đó là việc đáng làm, vậy con hãy đi đi! Ta có hai phong thư gởi
cho hai người bạn, con hãy giúp ta mang đến cho họ." Ðó là thư gởi cho Trư
Lão-mẫu (bà mẹ heo) và Thanh Nương-tử (cô Thanh).
Người đệ tử vì thuận đường nên tới chỗ ở của Thanh
Nương-tử trước. Ðến nơi, sau khi dọ hỏi thì biết được Thanh Nương-tử vốn là một
kỹ nữ, người đệ tử nọ chợt sanh lòng hoài nghi: "Ủa, sao Thầy mình lại
giao thiệp với một kỹ nữ? Chẳng lẽ cô ta là tình nhân của Thầy mình và đây là
thư tình của Thầy gởi cho cô ta?" Khi gặp Thanh Nương-tử, người đệ tử nọ
đưa thư cho cô ta và nói: "Thầy tôi là Hòa-thượng Ðỗ-Thuận có nhờ tôi trao
lại cho cô một phong thư."
Thanh Nương-tử nói: "Hòa-thượng Ðỗ-Thuận gởi thơ
cho tôi à? Ðược, đưa tôi xem!" Xem xong, Thanh Nương-tử nói: "Tốt
lắm! Ông ấy đi rồi! Tôi cũng đi luôn!" Nói xong, cô ta ngồi mà chết (viên
tịch, nhập Niết-bàn).
Người đệ tử tự hỏi: "Quái lạ thật! Tại sao cô ta
đọc thư xong lại chết như thế?" Tò mò, người đệ tử giằng lấy bức thư để
xem, thì mới hay Thanh Nương-tử chính là Bồ-tát Quán-Thế-Âm, bởi trong thư
viết: "Quán-Âm! Công việc của tôi nay đã hoàn tất nên tôi sắp ra đi, vậy
ngài hãy mau mau đi theo tôi!" Thì ra vì thế mà Thanh Nương-tử nhập
Niết-bàn!
Người đệ tử than thầm: "Ồ! Nếu biết đó là Bồ-tát
Quán-Thế-Âm thì mình sẽ quỳ trước mặt Ngài mà không chịu đứng dậy, không để cho
Ngài nhập Niết-bàn. Mình sẽ khẩn cầu Ngài dạy cho mình cách khai mở trí huệ,
dạy mình khai ngộ, như vậy thì hay biết mấy! Bây giờ lỡ cơ hội rồi, thật là
đáng tiếc!" Ðó gọi là "đối diện Ðức Quán-Thế-Âm mà không nhận ra
Ngài" vậy.
Sau đó, người đệ tử đi tìm Trư Lão-mẫu để giao phong
thư còn lại. Song le, tìm đến địa chỉ ghi trong thư mà hỏi thăm thì chẳng có
người nào biết Trư Lão-mẫu là ai cả. Bỗng, khi người đệ tử đi ngang qua chuồng
heo của một gia đình nọ, thì có một con heo mẹ ồm oàm nói: "Ông muốn tìm
Trư Lão-mẫu để làm gì?"
Người đệ tử ngoảnh lại nhìn một cách kinh ngạc, tự hỏi
không biết mình đang gặp phải loại quái vật nào; song vẫn bình tĩnh trả lời:
"Tôi tìm Trư Lão-mẫu. Thầy tôi bảo tôi mang thư tới cho Trư Lão-mẫu."
Con heo ấy liền nói: "Tôi chính là Trư Lão-mẫu
đây. Hãy đưa thư cho tôi xem." Trư Lão-mẫu (chẳng rõ có biết chữ hay
không!) đón lấy bức thư, mở ra xem, rồi nói: "Ồ! Ông ấy đã hoàn tất công
việc rồi; tôi cũng phải trở về thôi!"; ngụ ý rằng Hòa-thượng Ðỗ-Thuận đã
làm xong công việc, bây giờ tôi cũng về luôn. Nói dứt lời, bèn ngồi mà viên
tịch ngay tại đó.
Người đệ tử liền lấy bức thư ấy mà xem, mới vỡ lẽ rằng
con heo nầy là hóa thân của Bồ-tát Phổ-Hiền. "Có thật như thế không?"
Người đệ tử bán tín bán nghi, cũng chẳng rõ việc mà thầy mình đã làm xong là
việc gì nữa. Khi người đệ tử đến được Ngũ-đài-sơn thì gặp một vị Hòa-thượng
tuổi tác đã cao, ngài hỏi: "Ông đến đây làm gì?"
Người đệ tử nọ đáp: "Bạch Hòa-thượng, con đến
chiêm bái Bồ-tát Văn-Thù. Con muốn khẩn cầu Bồ-tát Văn-Thù giúp con khai mở trí
huệ, làm cho con được khai ngộ. Ðại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát là bậc có trí huệ
quảng đại nên con đến để xin Ngài khai mở trí huệ cho con."
Vị Hòa-thượng nói: "Ông muốn đảnh lễ Bồ-tát
Văn-Thù ư? Ông đảnh lễ thầy của ông còn hay hơn là đảnh lễ Bồ-tát Văn-Thù gấp
ngàn vạn lần lận đấy!"
Người đệ tử hỏi: "Vì sao, thưa Hòa-thượng?"
"Hòa-thượng Ðỗ-Thuận, Sư-phụ của ông, chính là
Ðức Di-Ðà chuyển thế đấy! Ngài đến cõi này du hý nhân gian để giáo hóa chúng
sanh. Ông là đệ tử của ngài, theo ngài có hơn mười năm, mà sao ông không hay
biết gì cả thế?"
Người đệ tử phân vân hỏi lại: "Thầy con là Ðức
Phật A-Di-Ðà thật ư? Con thấy ông ta không giống chút nào cả!"
Người đệ tử vừa mới quay đi thì vị Lão Hòa-thượng vụt
biến mất, chỉ để lại mấy chữ: "Nay Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát chỉ thị ngươi hãy
mau mau trở về lạy Hòa-thượng Ðỗ-Thuận, Sư-phụ của ngươi. Ngài chính là Ðức
Phật A-Di-Ðà giáng thế để giáo hóa chúng sanh đấy!"
Người đệ tử bây giờ thì tin lắm rồi, bởi đã được gặp
mặt Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát và được Ngài chỉ thị về lạy Sư-phụ mình. Thế là anh
ta cuống quýt chạy về chùa. Về đến chùa mới hay rằng Hòa-thượng Ðỗ-Thuận đã
ngồi mà nhập Niết-bàn được mấy hôm rồi. Ðây cũng là trường hợp “bỏ lỡ cơ hội
trước mắt” vậy. Lạy Ðức Phật A-Di-Ðà làm Sư-phụ, rồi theo Ngài tu học hơn mười
năm, thế mà vẫn không nhận thức được Sư-phụ mình vốn là Phật A-Di-Ðà hóa thân,
nên mới "bỏ gần tìm xa," chạy đi tìm Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát; đến khi
được Ðức Bồ-tát khai thị, tỉnh ngộ quay về tìm Phật A-Di-Ðà, thì hỡi ôi, Ngài
cũng đã ra đi rồi, biết trách ai bây giờ?
Kinh Văn:
Hán Việt: "Chung bất
tự ngôn: 'Ngã chân Bồ-tát, chân A-la-hán,' tiết Phật mật nhân, khinh ngôn vị
học; duy trừ mạng chung, âm hữu di phủ. Vân hà thị nhân hoặc loạn chúng sanh,
thành đại vọng ngữ?"
Việt: "Nhưng không khi nào tự xưng: 'Tôi thật
là bậc Bồ-tát, thật là bậc A-la-hán,' tiết lộ mật nhân của Phật, khinh ngôn với
kẻ vị-học, chỉ trừ lúc mạng chung có di chúc âm thầm cho biết mà thôi. Thế sao
hạng người kia lại mê hoặc chúng sanh mà tạo thành đại-vọng-ngữ như vậy?”
Giảng nghĩa:
"Nhưng
không khi nào tự xưng: 'Tôi thật là bậc Bồ-tát.'"
Bất luận là chư Bồ-tát, chư A-la-hán, hay chư Phật--như Ðức Thích Ca Mâu Ni
Phật, Ðức A-Di-Ðà Phật, Ðức Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư Phật, Ðức Bảo Sanh Phật,
Ðức Thành Tựu Phật--đích thân đến thế giới này thì từ đầu tới cuối chẳng bao
giờ các ngài tự nói rằng: "Tôi đích thật là Bồ-tát. Tất cả quý vị phải tin
tôi bởi tôi là một bậc Bồ-tát thực thụ!!" Các ngài cũng không tự xưng:
"Tôi thật là bậc A-la-hán. Quý
vị có nhận ra tôi không? Quý vị có biết tôi thật ra là ai không? Tôi là một vị
A-la-hán thực thụ, quý vị biết chưa?" Kẻ nào dám tự xưng như vậy thì kẻ đó
chính là quyến thuộc của Ma-vương!
Giả sử có kẻ ca tụng, gọi quý vị là Bồ-tát, là
A-la-hán, thì cho dù có đúng thật là như vậy đi chăng nữa, quý vị cũng không
nên nhìn nhận: "Ðúng, tôi là Bồ-tát!" hay "Tôi là La-hán!"
Vì sao? Vì quý vị không được phép làm "tiết
lộ mật nhân của Phật."
"Khinh
ngôn với kẻ vị học." "Khinh
ngôn" tức là nói năng một cách khinh xuất, hết sức tùy tiện, bừa bãi.
"Ông ấy à, cứ tiết lộ lai lịch của mình một cách tùy tiện như thế sao
được? Phải đợi đến lúc chết mới được tiết lộ. Hễ chưa chết thì chưa được nói
ra!"
Hễ
tiết lộ thì không ở lại; mà ở lại thì không được tiết lộ.
(Tiết
tắc bất trú; trú tắc bất tiết.)
Nếu quý vị tiết lộ lai lịch của mình, là một vị Bồ-tát
hóa thân chẳng hạn, thì quý vị phải ra đi cho mau, phải chết cho lẹ; còn nếu
chưa tiết lộ thì quý vị vẫn có thể lưu lại thêm ít hôm nữa. Vì sao? Bởi nếu quý
vị tiết lộ rồi mà không ra đi, thì quý vị sẽ gặp nhiều sự rắc rối lắm.
"Chỉ
trừ lúc mạng chung, có di chúc âm thầm cho biết mà thôi." Nếu
thật sự là bậc thánh-nhân thì phải tới khi lâm chung mới được phép tiết lộ mình
chính thật là ai. Tuy nhiên, cũng không được nói với tất cả mọi người mà chỉ
được cho một hoặc hai đệ tử nhập thất thân tín nhất của mình biết mà thôi.
"Thế
sao hạng người kia lại mê hoặc chúng sanh mà tạo thành đại-vọng-ngữ như
vậy?" Tại sao hạng người ấy lại có
thể mê hoặc chúng sanh bằng những lời đại vọng ngữ như thế? Chưa đắc mà nói
rằng mình đã đắc, chưa chứng quả vị mà nói là mình đã chứng quả vị--đó đều là
đại vọng ngữ.
Giảng đến đây, tôi lại nhớ tới Ấn-Quang Lão Pháp-sư,
một bậc cao tăng cận đại của Trung-Hoa. Ngài vốn quê quán tỉnh Thiểm-tây,
Trung-Hoa. Sau khi xuất gia, Ngài đi triều bái núi Phổ-đà, đạo tràng của
Quán-Thế-Âm Bồ-tát, và lưu lại nhập thất
tại đó. "Nhập thất" tức là tự giam mình trong một căn phòng nhỏ, thủy
chung không bước chân ra khỏi phòng. Ngài ở trong phòng làm gì? Ngài
"duyệt Tạng," tức là xem Ðại-Tạng Kinh. Xem suốt bộ Ðại-Tạng Kinh từ
đầu đến cuối thì phải mất một thời gian là ba năm. Ngài xem kinh hằng ngày. Từ
sáng đến tối, ngày ngày Ngài đều chuyên chú xem Kinh. Hết ba năm lại thêm ba
năm nữa. Rồi qua ba năm lại thêm ba năm nữa. Cứ thế, Ngài xem đi xem lại trọn
bộ Ðại-Tạng Kinh có đến bảy, tám lần trong mười tám năm ròng rã; và trong suốt
thời gian ấy, Ngài không hề xuống núi.
Sau mười tám năm ấy thì có một nhóm cư sĩ ở Thượng-hải
thỉnh Ngài đến hội Cư-sĩ-lâm để giảng Kinh
A-Di-Ðà. Ấn-Quang Pháp-sư vốn người tỉnh Thiểm-tây nên nói tiếng trọ trẹ,
hơi khó nghe; có lẽ nhiều người nghe mà không hiểu mấy, do đó, chẳng có đông
người đến nghe giảng cho lắm.
Bấy giờ, trong số thính chúng có một nữ sinh đang theo
học bậc Trung-học ở Thượng-hải. Một đêm nọ cô nữ sinh này nằm mộng, mộng thấy
gì? Mộng thấy có người bảo cô nên đến hội Cư-sĩ-lâm nghe Ðại Thế-Chí Bồ-tát
giảng Kinh A Di Ðà. Chiêm bao đêm hôm
trước thì đến sáng hôm sau cô đọc báo quả nhiên thấy có đăng tin Ấn-Quang
Pháp-sư giảng Kinh A-Di-Ðà tại
Cư-sĩ-lâm. Cô phân vân tự hỏi: "Thế nhưng, đó là Ấn-Quang Pháp-sư; sao
mình lại nghe là Ðại Thế-Chí Bồ-tát?" Thế là cô quyết định đi nghe
Ấn-Quang Pháp-sư giảng Kinh.
Nghe giảng xong, đợi mọi người ra về hết rồi, cô nữ
sinh mới đến liêu phòng của Ấn-Quang Pháp-sư thỉnh hỏi: "Bạch Thầy, con
chiêm bao thấy nói Ðại Thế-Chí Bồ-tát giảng Kinh
A-Di-Ðà tại đây, nhưng trong báo lại đăng là Ấn-Quang Lão Pháp-sư. Như vậy
phải chăng Thầy chính là Ðại Thế-Chí Bồ-tát?"
Nghe qua, Ấn-Quang Lão Pháp-sư tỏ vẻ rất không hài
lòng, nói: "Con không được nói nhăng nói càn. Không nên nói bậy bạ như
thế!" Vì thế, cô nữ sinh không dám kể cho ai nghe về giấc mơ của mình nữa.
Về sau, cô xin quy y với ngài.
Ba năm sau, Lão Pháp-sư viên tịch. Trong thời gian ba
năm ấy, cô nữ sinh nọ chẳng dám hở môi với ai về giấc mộng của mình. Ðợi đến
sau khi Lão Pháp-sư viên tịch rồi, cô mới kể lại giấc mơ ấy cho mọi người biết,
thì ai nấy đều trách cô: "Sao cô không nói sớm? Phải chi cô nói sớm một
chút thì chúng tôi có thể thỉnh Lão Pháp-sư giảng thêm chút Pháp!"
Cô đáp: "Đó là vì Lão Pháp-sư không cho phép tôi
nói ra!"
Từ sự kiện này mọi người mới biết được Ấn-Quang Lão
Pháp-sư là hóa thân của Ðại-Thế-Chí Bồ-tát. Sau khi thiêu hóa, ngài để lại rất
nhiều xá lợi.
Cho nên, phải đợi đến lúc lâm chung mới được biểu thị
đôi chút, song không được nói: "Quý vị biết tôi là ai đây không? Tôi là
Ðại Thế-Chí Bồ-tát đấy!" Tuyệt đối không được nói như thế. Có thể biểu thị
bằng cách báo mộng, hoặc bảo người khác gợi ý đôi chút, báo trước sơ sơ thôi,
chứ không được tự xưng mình là Bồ-tát giáng thế. Nếu nói ra thì nên chết đi,
không nên ở lại thế gian này nữa. Do đó, người đời nay công nhiên tự xưng mình
là Phật, như thế là hoàn toàn tương phản với Kinh Lăng-Nghiêm. Ðành rằng "tất cả chúng sanh đều là
Phật," nhưng phải tu hành thì mới thành Phật được; còn chẳng tu hành thì
không chừng là thành súc sanh, ngựa, bò, dê, gà, chó, … hoặc là làm ngạ quỷ,
hoặc phải đọa địa ngục.
Không được nói: "Tôi là Phật!" Ông
là Phật, vậy tôi là gì ? Tôi chưa là Phật, còn ông là Phật rồi, thật là lạ
lùng !
Kinh Văn:
Hán Việt:
"Nhữ giáo thế nhân tu Tam-ma-địa, hậu phục đoạn trừ chư đại vọng ngữ, thị
danh Như Lai, tiên Phật Thế Tôn, Ðệ Tứ Quyết Ðịnh Thanh Tịnh Minh Hối."
Việt : "Vậy ông dạy người đời tu pháp
Tam-ma-địa, sau nữa là phải đoạn trừ các thứ đại vọng-ngữ. Ðó là lời mình huấn
quyết định thứ tư về tánh thanh tịnh của Như-Lai và chư Phật, Thế-Tôn thuở
trước."
Giảng nghĩa :
"Vậy ông dạy người đời tu pháp
Tam-ma-địa, A-Nan, ông nghe rõ chưa? Bây giờ ông hãy giáo hóa
những người đang tu tập Ðịnh-lực rằng : Sau nữa là phải đoạn trừ các thứ đại vọng-ngữ. » Hãy ghi nhớ
là chớ nên tự xưng: "Tôi đã khai ngộ rồi!"hoặc: "Tôi đã chứng
quả vị rồi!" hoặc: "Tôi là Phật đây! Tôi là Bồ-tát đây! Còn tôi là
La-hán đây !" Sao những vị La-hán, vị Bồ-tát mà lại chẳng chút giá
trị, quý báu, và lại nhan nhản ở khắp nơi ? Quý vị không nên xúi bảo người
khác vọng ngữ, nói lời giả dối.
« Ðó
là lời minh huấn quyết định thứ tư về tánh thanh tịnh của Như-Lai và chư Phật,
Thế-Tôn thuở trước. » Ðó là lời quyết định
thứ tư về tánh thanh tịnh của Như-Lai ở đời hiện tại cũng như của chư Phật và
Thế-Tôn trong đời quá khứ.
Kinh Văn :
Hán Việt: "Thị cố A-Nan,
nhược bất đoạn kỳ đại vọng ngữ giả, như khắc nhân phẩn vi chiên đàn hình, dục
cầu hương khí, vô hữu thị xứ !"
Việt : "Vậy nên A-Nan, nếu chẳng dứt trừ
đại vọng-ngữ thì cũng như chạm phẩn người làm hình chiên-đàn, cầu cho có hương
thơm, đó là điều không thể có được!"
Giảng nghĩa :
Ðức Phật dạy : " Vậy nên, A-Nan, Ta sẽ nêu ra một ví dụ nữa cho ông hiểu rõ. Ông
phải biết rằng nếu chẳng dứt trừ đại
vọng-ngữ thì cũng như chạm phẩn
người làm hình chiên-đàn, cầu cho có hương thơm.» Như có kẻ dùng phân người
mà khắc lên đó một cái hình tượng của cây chiên đàn, rồi cầu mong có mùi hương
chiên đàn. Quý vị muốn tìm mùi hương
chiên đàn từ cái hình cây chiên đàn khắc trên phân người, thì «đó là
điều không thể có được,» hoàn toàn không hợp lý !
Quý vị phạm tội vọng ngữ thì trở thành thối tha, đây
là so sánh với việc quý vị tu Thiền-định rồi nói là mình đã thành Phật. Quý vị
nói vọng ngữ thì chẳng khác gì phân người. Quý vị muốn nói dối mà được thành
Phật, thì cũng giống như quý vị dùng phân người khắc hình cây chiên đàn mà chạm
trổ tượng Phật vậy, nói rằng phân người là chiên đàn, có một mùi hương thơm
ngát--lý lẽ này hoàn toàn không thể có được ! Phân người thì hôi hám thối
tha, cho dù quý vị có khắc chạm hình Phật lên đó thì nó cũng vẫn thối như
thường, không thể nào có mùi thơm được cả ; cho nên nói "vô hữu thị
xứ" là vì vậy !
Kinh Văn :
Hán Việt: "Ngã
giáo Tỳ-khưu, trực tâm đạo tràng ; ư tứ oai nghi, nhất thiết hành trung
thượng vô hư giả, vân hà tự xưng đắc Thượng-nhân Pháp ?"
Việt : "Ta dạy chúng Tỳ-khưu lấy tâm ngay
thẳng làm đạo tràng, đối với bốn oai nghi và tất cả các hạnh còn không được giả
dối, thì sao lại tự xưng là đã đắc Thượng-nhân Pháp?"
Giảng nghĩa:
"Ta
dạy chúng Tỳ-khưu." Phật dạy tất cả các
thầy Tỳ-khưu. Ở đây không phải chỉ đơn thuần nói về các vị Tỳ-khưu mà thôi, mà
là bao gồm luôn cả cư-sĩ tại gia nữa. Không thể nói rằng chúng tôi hiện tại là
cư-sĩ tại gia, và Phật không dạy chúng tôi phải làm theo như thế. Không phải đâu !
Ở đây Phật chỉ nhắc tới Tỳ-khưu chỉ vì Tỳ-khưu là đại biểu của Phật Pháp, cho
nên tất cả cư sĩ tại gia đều được bao gồm trong đó.
"Lấy
tâm ngay thẳng làm đạo tràng." Chúng ta cần phải giữ
tâm ngay thẳng, nói chuyện cũng phải thẳng thắn, chớ nên nói vòng vo, quẹo sang
đông rẽ sang tây, cũng đừng "rào trước đón sau," nói xa nói gần, nói
bóng nói gió. Cần phải trực tâm, thẳng thắn, "trực tâm tức là đạo
tràng"! Quý vị không giữ trực tâm, thì cũng như muốn lấy phân người mà
chạm khắc hình dạng chiên đàn vậy.
"Ðối
với bốn oai nghi." Mỗi oai nghi đi,
đứng, ngồi, nằm lại có 250 oai nghi, nên tổng cộng là 1.000 oai nghi. Bốn oai
nghi đi, đứng, ngồi, nằm này "và
các hạnh còn không được giả dối, đều phải làm một cách chân thật, lúc nào
cũng phải thật thà mà tu hành, thì sao
lại tự xưng là đã đắc Thượng-nhân Pháp?" Làm thế nào quý vị lại dám
nói: "Tôi chứng quả vị Bồ-tát rồi! Tôi đắc quả A-la-hán rồi!" sao lại
dám nói như thế được chứ? Không được đâu! Chúng ta không nghe Kinh nên mới nói
bậy nói bạ một cách tùy tiện, bừa bãi, thích gì nói đó: "Tôi là Phật. Tôi
là Bồ-tát." Song, như thế là không được. Vì sao? Quý vị nói như thế tức là
phạm tội đại vọng ngữ. Phạm tội vọng ngữ tất phải đọa vào Ðịa ngục Bạt-thiệt
(rút lưỡi). Ở đó, tội nhân sẽ bị móc sắt móc vào lưỡi và kéo lưỡi ra; lưỡi bị
kéo ra rồi thì kiếp sau sẽ bị câm, không còn nói được nữa. Ai biểu quý vị nói
dối, ai biểu quý vị lừa gạt người khác, tự xưng là mình đã được Thượng-nhân
Pháp?
Kinh Văn :
Hán Việt: "Tỷ như cùng
nhân vọng hiệu đế vương, tự thủ tru diệt; huống phục Pháp-vương, như hà vọng
thiết? Nhân địa bất chân, quả chiêu hu khúc, cầu Phật Bồ-đề, như phệ tế nhân,
dục thùy thành tựu."
Việt: "Ví như kẻ cùng-đinh mạo xưng đế-vương
mà tự chuốc lấy tội tru diệt ; huống hồ là danh vị Pháp-vương, sao dám
trộm lấy? Nhân địa đã chẳng chân thật tất phải chiêu cảm cái quả báo cong vạy,
dầu muốn cầu đạo Bồ-đề của Phật thì cũng như người tự cắn rốn, há có ai thành
tựu?"
Giảng nghĩa:
"Ví
như kẻ cùng-đinh mạo xưng đế-vương." Thí
dụ có một kẻ nghèo cùng nhất ngông cuồng nói: "Tôi chính là hoàng đế
đây!" Anh ta "coi trời bằng vung," dám cho rằng mình là vua của
một nước! "Mà tự chuốc lấy tội tru
diệt." Anh tavừa tuyên bố như thế thì liền bị Hoàng-đế biết được, nên
lập tức cho bắt về và xử "tru diệt cửu tộc," bị giết cả chín họ. Bà
con thân thích của anh ta ư? Giết! Bạn bè của anh ta ư? Cũng giết! Gia đình của
anh ta, già trẻ bé lớn đều bị giết sạch, đều bị tiêu diệt. Quý vị nói làm vua
như vậy là làm vua ở nơi nào? Quý vị chưa đắc Ðạo, chưa chứng quả vị, mà nếu
quý vị tự xưng là mình đã chứng quả vị rồi, thì cũng y hệt gã bần cùng tự phong
cho mình làm vua, tương lai nhất định sẽ bị họa diệt vong.
"Huống
hồ là danh vị Pháp-vương, sao dám trộm lấy?” Ở
cõi nhân gian còn không được tùy tiện tự phong vương cho mình, huống gì vọng
xưng là Phật nữa? Ðối với quả vị của Phật, sao quý vị có thể ngông cuồng tự đến
cướp đoạt cho được?
"Nhân
địa đã chẳng chân thật, khi còn đang tu Ðạo ở
nhân địa, quý vị đã không hướng theo sự chân thật mà làm, tất phải chiêu cảm cái quả báo cong vạy, tương lai đến lúc kết
thành quả thì cũng sẽ "quanh co, vòng vèo," rất nhiều trắc trở, khúc
mắc, chứ không thể chứng quả vị một cách suông sẻ liền được. Cho nên, nếu quý
vị cứ tiếp tục tu hành như thế, thì có tu bao nhiêu đại kiếp cũng không thể nào
thành công được.
Những hạng người như thế mà lại "muốn cầu đạo Bồ-đề của Phật thì cũng như người tự cắn rốn."
Qúy vị lấy thứ hành vi này--chuyên môn nói dối, khoác lác--mà cầu quả vị Bồ-đề
của Phật, thì chẳng khác gì muốn dùng miệng tự cắn lấy lỗ rốn của chính mình
vậy. "Há có ai thành tựu?" Làm
sao mà thành công được? Bất luận thế nào cũng không thể cắn tới được; miệng quý
vị không thể nào với tới rốn được!
Kinh Văn:
Hán Việt: "Nhược chư
Tỳ-khưu, tâm như trực huyền, nhất thiết chân thực, nhập Tam-ma-địa, vĩnh vô ma
sự. Ngã ấn thị nhân, thành tựu Bồ-tát Vô-thượng Tri-giác."
Việt: "Nếu tâm của các Tỳ-khưu thẳng như dây
đờn, tất cả đều chân thật, có thể nhập Tam-ma-địa, vĩnh viễn không gặp các ma
sự, thì Ta ấn chứng những người ấy sẽ thành tựu được Bồ-tát Vô thượng Tri
giác."
Giảng nghĩa:
"Nếu
tâm của các Tỳ-khưu thẳng như dây đờn, nếu
tất cả các thầy Tỳ-khưu và hết thảy cư-sĩ mà tâm thẳng như dây cung, chứ không
phải cong cong giống như vành cung, tất
cả đều chân thật, bất luận chuyện gì cũng đều phải thành thật, ngay thẳng,
chớ nên nói dối; bởi:
Sai
một ly, đi một dặm.
Quý vị ở đây nói dối một câu, thì sự thành Phật sẽ
phải trễ đến mấy vạn vạn đại kiếp; quý vị xem, như thế thì ai bị thiệt thòi?
“Nếu họ lại có
thể nhập Tam-ma-địa, đạt được Chánh-định, vĩnh viễn không gặp các ma sự, luôn luôn không bao giờ có ma sự
hoặc ma chướng xảy ra, thì Ta ấn chứng
những người ấy, những người nào? Đó là những thầy Tỳ-khưu chân thật và tâm
của họ thẳng như dây cung, sẽ thành tựu
được Bồ-tát Vô-thượng Tri-giác." Họ có thể được thành tựu tri giác vô
thượng của bậc Bồ-tát--thứ trí huệ, thứ giác ngộ cao nhất, không gì sánh bằng
của bậc Bồ-tát.
Kinh văn:
Hán Việt: "Như ngã thử
thuyết, danh vi Phật thuyết. Bất như thử thuyết, tức Ba-Tuần thuyết."
Việt: "Như lời Ta nói đây mới gọi là lời Phật
nói; nếu chẳng nói như vậy, tức là lời của Ma Ba-Tuần."
Giảng nghĩa:
"Như
lời Ta nói đây mới là lời Phật nói. Những đạo lý như Ta
giảng đây mới chính thật là đạo lý của Phật thuyết giảng. Nếu chẳng nói như vậy, tức là lời của Ma Ba-tuần. Nếu chẳng y
chiếu theo đạo lý Ta giảng, đi ngược lại những đạo lý Ta giảng đây, thì là lời
nói của Ma-Ba-Tuần. Ba-Tuần tức là Ma-vương. Như thế, đó chính là đạo lý của
Ma-vương vậy."
(Hết phần Tứ Chủng Thanh Tịnh Minh Hối, quyển
6, Kinh Lăng-Nghiêm)
0 Kommentare:
Post a Comment