"Cho
nên, A-Nan, kẻ tu Thiền-định mà nếu chẳng dứt trừ trộm cắp, thì cũng như người
rót nước vào chén lủng mà muốn cho đầy."
Những kẻ không dứt bỏ tâm trộm cắp mà lại muốn tu tập Thiền-định, thì cũng
chẳng khác gì người muốn rót đầy cái bình lủng, cái ly lủng, hoặc cái tách
lủng. Nó đã bị lủng rồi, thì làm sao mà rót cho đầy được?" Dầu có trải đến trần kiếp, cũng không thể
nào đầy được!" Cho dù người ấy có chịu khó rót nước vào cái chén lủng
nọ trong kiếp số nhiều như bụi bặm đi chăng nữa, thủy chung không bao giờ đầy
chén được, không thể nào làm cho chén lủng đựng đầy nước được cả!"
BỐN ÐIỀU RĂN DẠY VỀ TÁNH THANH TỊNH CHÂN
THẬT, KHÔNG HƯ DỐI
(Vạn Phật Thánh Thành ngày 17 tháng 4 năm
1983)
Hòa Thượng Tuyên
Hóa lược giảng
Ban Phiên Dịch Việt
Ngữ Vạn Phật Thánh Thành
KHÔNG TRỘM CẮP
Kinh Văn:
Hán Việt: "A-Nan! Hựu phục
thế giới Lục-đạo chúng sanh, kỳ tâm bất thâu, tắc bất tùy kỳ sanh tử tương
tục."
Việt: "A-Nan! Lại nữa, nếu chúng sanh trong
Lục-đạo ở các thế giới mà tâm không trộm cắp thì sẽ không bị cuốn theo dòng
sanh tử tương tục."
Giảng nghĩa:
Ðức Phật lại gọi ngài A-Nan lần nữa: "A-Nan! Lại nữa, nếu chúng sanh
trong Lục-đạo ở các thế giới -các chúng sanh ở cõi trời, cõi A-tu-la, cõi
người, cõi ngạ quỷ, cõi địa ngục, cõi súc sanh- mà tâm không trộm cắp thì sẽ không bị cuốn theo dòng sanh tử tương
tục." Không trộm cắp cái gì? Không trộm cắp bất cứ cái gì! Tất cả mọi
thứ--dù hữu hình hay vô hình, có giá trị hay không có giá trị--các chúng sanh
đó đều không trộm lấy, thâm tâm cũng không dấy khởi ý nghĩ trộm cắp, cho nên họ
sẽ không bị cuốn theo dòng sanh tử tương tục.
Nếu không trộm cắp, không dâm dục, không sát sanh, tất
sẽ không bị tùy thuộc vào dòng sanh tử tương tục nữa. Không phải tùy thuộc vào
dòng sanh tử tương tục thì nghiệp quả tương tục sẽ chẳng còn, thế giới tương
tục cũng chẳng tồn tại. Tuy nhiên, cần phải ngay cả cái niệm trộm cắp, cái ý
tưởng trộm cắp cũng không có nữa mới được. Cho dù thân thực sự không ăn trộm,
song thâm tâm lại có ý muốn trộm cắp, thì cũng không được.
Kinh Văn:
Hán Việt: "Nhữ tu
Tam-muội, bổn xuất trần lao, thâu tâm bất trừ, trần bất khả xuất."
Việt : "Ông tu pháp Tam-muội vốn để thoát
trần-lao, nhưng nếu không trừ bỏ tâm trộm cắp thì chẳng thể ra khỏi
trần-lao."
Giảng nghĩa:
"Ông
tu pháp Tam-muội vốn để thoát trần-lao. Nay
ông muốn tu tập pháp môn Chánh-Ðịnh này với ý định ban đầu là để siêu xuất trần
lao, thoát khỏi vòng luân hồi trong Lục-đạo.
Nhưng nếu không trừ bỏ tâm trộm cắp, nếu ông không dẹp bỏ cái ý nghĩ trộm
cắp của mình, thì chẳng thể ra khỏi
trần-lao." "Trần lao" tức là Tam-giới hỏa trạch, ngôi nhà
lửa Tam-giới.
Kinh Văn:
Hán Việt: "Túng
hữu đa trí, Thiền-định hiện tiền, như bất đoạn thâu, tất lạc Tà-đạo--thượng
phẩm tinh linh; trung phẩm yêu mị; hạ phẩm tà nhân, chư mị sở trước."
Việt: "Dầu có đa trí, Thiền-định hiện tiền, mà
nếu chẳng dứt trừ trộm cắp, tất sẽ lạc vào Tà-đạo--thượng phẩm thì làm
tinh-linh, trung phẩm thì làm yêu mị, hạ phẩm thì làm tà-nhân bị chúng mị ám
nhập."
Giảng nghĩa:
"Dầu
có đa trí..." "Dầu có" tức là
"nếu có, cho dù là có đi chăng nữa..." Thật ra, hạng người này vốn dĩ
không có trí huệ, bởi người có trí huệ chân chánh thì sẽ không trộm cắp, không
sát sanh và cũng không dâm dục. Chính vì không có được trí huệ chân chánh nên
người ta mới sát sanh, trộm cắp, tà dâm.
"Ða trí" có nghĩa là "ít nhiều trí
huệ." Có "ít nhiều" tức là cũng có vậy, song không nhiều lắm. Ở
đây, “đa trí” không có nghĩa là rất nhiều, rất nhiều trí huệ, mà chỉ là có
thông minh hơn bình thường chút đỉnh--so với “ít” thì có “nhiều” hơn đôi chút
mà thôi. Tóm lại, nếu người trung bình có một phần trí huệ thì hạng người “đa
trí” này có được độ hai phần, chứ cũng không phải tới ngàn trăm vạn phần đâu.
"Ða trí" chẳng qua chỉ là một tỷ dụ thôi, chứ nói cho ngay thì họ
không có trí huệ--bởi nếu có trí huệ thì đâu có đi ăn trộm?! Có trí huệ thì tại
sao lại còn đi ăn trộm?
"Thiền-định
hiện tiền." Khi ngồi Thiền thì những người
“đa trí” này rơi vào một trạng thái mơ mơ màng màng, có phần nào giống như đang
nhập Ðịnh vậy; nhưng họ lại tự nghĩ: "Ðấy! Quý vị thấy tôi có đáng phục
không? Ở đây chẳng có ai có được thành tích như tôi cả. Công phu tu hành của
mấy người đó không bằng tôi đâu!" Ðầu óc họ chỉ toàn một thứ tri kiến cống
cao ngã mạn!
"Mà
nếu chẳng dứt trừ trộm cắp, tất sẽ lạc vào Tà-đạo." Giả
sử quý vị có được ít nhiều trí huệ và đạt được cảnh giới "Thiền-định hiện
tiền" rồi, tuy nhiên, nếu quý vị tiếp tục tu Thiền-định mà lại không trừ
khử cái tâm trộm cắp thì quý vị vẫn bị đọa lạc như thường. Ðọa lạc vào đâu? Ðọa
lạc vào Tà-đạo! Thế nào gọi là "Tà-đạo"? “Tà đạo” tức là con đường tà
vạy, bất chánh. Những kẻ còn tâm trộm cắp ấy dẫn dắt người ta đi vào con đường
tối tăm, tội lỗi, dạy cho người ta tà tri tà kiến.
"Thượng
phẩm thì làm tinh-linh." Bậc cao nhất của
Tà-đạo là gì? Là tinh-linh. "Tinh" tức là yêu tinh. Thế nào gọi là
"tinh linh"? Mới gặp thì quý vị thấy chúng rất thông minh, nhưng trên
thực tế đó chỉ là giả dối. Các hiệu thuốc ở Trung-Hoa thường có bán một loại
dược thảo gọi là phục-linh; cái
"linh" này của "phục linh" là giả chứ không phải thật.
"Trung
phẩm thì làm yêu mị." "Yêu"
tức là yêu tinh, yêu quái. Loài yêu mị có thần thông và có thể ám hại người.
"Hạ
phẩm thì làm tà-nhân bị chúng mị
ám nhập." "Mị" tức là quỷ mị. Mấy
hôm trước đã có giảng về "yểm mị quỷ," tức là Cưu-bàn-trà rồi. Quỷ
yểm-mị thì thừa lúc người ta đang ngủ đến đè lên người họ (bóng đè); còn loại
quỷ mị này thì không đợi người ta ngủ mà ngay trong lúc họ còn thức, chúng cũng
có thể nhập vào thân họ, mượn thân họ để nói chuyện và làm những điều chúng
muốn. Những người như thế được gọi là "tà-nhân" (người tà); ở
Trung-Hoa thì gọi họ là "thầy cúng," hay "cô đồng." Ngoài
ra, họ lại còn một tên khác nữa là "khiêu thần" (thần nhảy múa). Tại
sao gọi là "khiêu thần"? Bởi họ lắc lư, nhảy nhót, múa may một hồi
thì "lên đồng," có "thần" nhập vào thân họ; đó cũng
bởi đời trước họ chuyên môn trộm cắp, nên bây giờ phải nhận lãnh quả báo này.
Tại nước Mỹ này tôi có gặp một người thuộc loại ấy.
Ông ta là người Mỹ và tự xưng mình là Jesus, là Thiên-Chúa ! Ông nói rằng
Thiên-Chúa đến và mượn thân ông để nói chuyện: "Thiên-Chúa nói chuyện với
tôi !" Rồi một lát sau ông lại tuyên bố là Jesus đến: "Jesus
muốn nói chuyện với tôi !" Ðó là chuyện của năm năm về trước. Lúc đó,
ông ta đến tìm tôi và bị tôi mắng cho một trận nên thân, tôi nói: "Ông ấy
à, thật là chính mình còn chưa biết được mình ! Ông sở dĩ ra nông nỗi này
là hoàn toàn do ma quỷ sai khiến, tác oai tác quái đấy." Vì tôi gọi ông ta
là "ma quỷ" nên ông phật ý, không muốn nghe, bèn bỏ đi. Ban đầu ông
ta muốn đến đây để nghiên cứu đạo lý với tôi, nhưng lại bị tôi mắng cho một
trận nên về sau không dám tới nữa. Tôi nghĩ con người tôi thật đúng là không
biết hóa độ chúng sanh--gặp được một vị Jesus, một đấng Chúa Trời, mà sao lại
mắng cho đến nỗi "ngài" phải bỏ đi?
Ðó là thí dụ điển hình về hạng tà-nhân. Vì sao những
người đó phải chịu nghiệp báo làm tà-nhân? Là vì kiếp trước họ đã phạm tội trộm
cắp! Bởi không dứt trừ tâm trộm cắp nên họ bị đọa lạc--hạng cao nhất thì bị đọa
làm tinh-linh, hạng trung bình thì bị đọa làm yêu quái, và hạng thấp nhất thì
bị đọa làm tà-nhân, bị các tà ma quỷ quái nhập vào thân họ mà nói chuyện.
Hạng tà-nhân này ở Trung-Hoa có bản lãnh rất lớn. Có
kẻ có thể cầm dao chém một nhát vào đầu mình rồi cứ để dính như thế, đó gọi là
"quái giáp." Chém dính con dao vào đầu như thế vẫn không làm chết
người. Đến khi “thần” muốn "thăng" thì “thần” lâm râm niệm chú, rồi
lấy con dao ra khỏi đầu mà không chảy máu gì cả. Có nhiều kẻ thì đóng hai cái
đinh sắt lớn vào hai bên vai, rồi mỗi bên treo một lưỡi cuốc (thứ lưỡi cuốc
dùng để cuốc cỏ bên Trung Hoa) nặng chừng mười mấy ki-lô. Họ có thể treo tới
bốn cái như thế và đứng quay vòng vòng--bốn lưỡi cuốc đung đưa qua lại trông
rất oai phong mà cũng rất rùng rợn, dễ sợ.
Tôi đã từng gặp những hạng tà ma ngoại đạo có bản lãnh
rất ghê gớm. Bây giờ xem tới đoạn kinh văn này trong Kinh Lăng Nghiêm, quý vị
hẳn cũng thấy Ðức Phật đã sớm giảng rõ về tất cả mọi thứ cũng như về từng loại
người trên thế giới này rồi. Do đó, chúng ta nghe Kinh Lăng Nghiêm thì cần phải
nhận thức được tất cả.
Bây giờ quý vị đang học về Tứ Chủng Thanh Tịnh Minh
Hối. Ðây là phần kinh văn hết sức quan trọng, vô cùng thiết yếu trong Kinh Lăng
Nghiêm. Do đó, tất cả mọi người đều phải đặc biệt chú ý nghe giảng bộ Kinh này.
Phải nhớ rằng: Không trừ khử cái tâm trộm cắp mà lại muốn thành Phật là chuyện
chẳng thể nào xảy ra được! Nay đã hiểu đạo lý này rồi, vậy người nào có tâm
trộm cắp thì phải mau mau sửa đổi, cải thiện cái tâm ấy. Không có tâm trộm cắp
thì càng tốt, song, nhớ đừng để cho cái tâm ấy nảy sanh; như thế tất sẽ tương
ưng với Ðạo.
Kinh Văn:
Hán Việt: "Bỉ đẳng quần tà
diệc hữu đồ chúng, các các tự vị thành Vô-thượng Ðạo."
Việt: "Những bọn tà ấy cũng có đồ chúng, tất
cả đều tự xưng đã thành tựu Ðạo Vô-thượng."
Giảng nghĩa:
"Những
bọn tà ấy cũng có đồ chúng." "Những bọn tà
ấy" tức là bè lũ tà ma ngoại đạo, yêu ma quỷ quái, lỵ mị vọng lượng, những
kẻ chuyên môn hại người. Trên thế gian này, loại nào cũng có đồ chúng riêng của
loại đó; có câu:
Thiện một nhóm, ác một bầy,
Người thế nào thì tìm bạn thế ấy.
Người thích làm việc thiện thì giao hảo với người
thích làm việc thiện, người ưa làm điều ác thì kết bạn với người quen làm điều
ác. Cho nên, bọn yêu ma quỷ quái, tà ma ngoại đạo này cũng có các yêu ma quỷ
quái, tà ma ngoại đạo giống như chúng hùa theo, kết bè kết đảng với nhau--kẻ
nào cũng có đồ chúng cả.
"Tất
cả đều tự xưng đã thành tựu Ðạo Vô-thượng." Bọn
chúng đều nói rằng đạo của chúng là hay nhất, và chúng đã đạt được lẽ Ðạo tối
cao, không gì sánh bằng. Thậm chí chúng còn mượn danh Phật mà nói rằng: "Ồ!
Chúng tôi đều đã thành Phật cả rồi!" Quý vị mới thấy thì tưởng chúng có
nhiều thần thông như thế, song trên thực tế thì chúng toàn là yêu ma quỷ quái,
toàn là một bọn bất chánh mà thôi!
Kinh Văn:
Hán Việt: "Ngã diệt độ
hậu, Mạt Pháp chi trung, đa thử yêu tà xí thạnh thế gian, tiềm nặc gian khi,
xưng Thiện-tri-thức, các tự vị kỷ đắc Thượng-nhân Pháp, huyên hoặc vô thức,
khủng linh thất tâm, sở quá chi xứ, kỳ gia hao tán."
Việt: "Sau khi Ta diệt độ, trong thời Mạt Pháp
sẽ có nhiều thứ yêu tà ấy hiện ra đông đảo ở thế gian, âm thầm lừa dối mọi
người, xưng là bậc Thiện-tri-thức, và kẻ nào cũng tự nói là đã đắc Thượng-nhân
Pháp. Chúng mê hoặc, lường gạt những kẻ không hiểu biết, khiến cho họ khủng
hoảng đến thất tâm. Chúng đi đến nơi nào thì nơi ấy đều bị hao tổn."
Giảng nghĩa:
Trước kia, tôi đã từng gặp những loại ma quỷ như vậy.
Người Tây phương có lẽ chưa biết là có những sự việc kỳ quái như thế. Không
phải vì người Trung-Hoa tin quỷ tin thần nên mới có những chuyện đó, mà là lâu
ngày thì những sự việc quái dị trong trời đất tự nhiên nhiều thêm.
Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy: "Sau khi Ta diệt độ, trong thời Mạt Pháp sẽ có nhiều thứ yêu tà ấy
hiện ra đông đảo ở thế gian." Sau khi Ðức Phật nhập Niết-bàn, những
bọn yêu mị tà đạo này sẽ đông đúc vô cùng, chúng có mặt nhan nhản ở khắp mọi
nơi. Chúng ta không thể vì chưa nhìn thấy tận mắt nên không chịu tin là có sự
hiện hữu của chúng. Thế gian này có quá nhiều sự việc mà con người chưa hề thấy
qua, do đó nếu đòi hỏi phải chứng kiến tận mắt mọi sự mọi vật thì xem cả đời
cũng không xuể. Bởi xem cả đời cũng không sao xem cho hết được nên chúng ta
cũng sẽ chẳng biết được gì nhiều cho lắm!
Bọn yêu tà ấy ví như đám lửa thiêu chết tất cả loài
người ở thế gian. Những kẻ không nhận biết được chúng đích thực là yêu ma quỷ
quái thì đều hùa theo bọn chúng. Chúng lợi hại như lửa vậy, có thể thiêu hủy
hết những người ấy.
"Âm
thầm lừa dối mọi người." Đó là “tiềm nặc gian
khi”—“tiềm” tức là tiềm phục, tiềm tàng, giấu kín; “nặc” là tàng nặc, trốn
tránh, che đậy; “gian khi” tức là gian dối, lừa gạt. Vậy, bọn chúng lừa dối mọi
người song lại xảo quyệt, khéo léo che đậy sự lường gạt, không để ai hay biết. "Xưng là bậc Thiện-tri-thức." Bọn
chúng ai nấy đều tự xưng mình là bậc "minh nhãn Thiện-tri-thức," thấu
suốt tất cả mọi sự.
"Và
kẻ nào cũng tự nói là đã đắc Thượng-nhân Pháp."
"Thượng nhân" tức là Bồ-tát. Kẻ nào trong bọn chúng cũng tự cao tự
đại, khoe rằng mình chính là Bồ-tát--đó chính là tà tri tà kiến.
Trong Phật giáo, cho dù quý vị là Bồ-tát hay là Phật
đi chăng nữa, thì ngay trong khi còn có sanh mạng, quý vị không được công bố:
"Tôi là Phật!", "Tôi là Bồ-tát!" hay "Tôi là
A-la-hán!". Tuyệt đối không được nói ra như vậy ! Kẻ nào nói lời như
vậy thì kẻ ấy là ma, giống như hạng người đang được mô tả trong phần kinh văn
này vậy. Thế thì phải đợi đến lúc nào mới được nói ra? Đợi đến sau khi quý
vị chết ! Quý vị chết rồi thì không ngại cho người ta biết rõ thân thế của
mình; song le, lúc quý vị còn sống, khi chưa chết, thì dứt khoát không được để
cho người khác biết quý vị là ai. Bởi, quý vị nói mình là Phật, là có dụng ý
gì? Quý vị công bố mình là Bồ-tát với ý đồ chi? Tại sao phải xưng mình là Phật?
Tại sao phải xưng mình là Bồ-tát? Tại sao phải xưng mình là La-hán? Chẳng lẽ
không phải là để cho người ta tin theo mình sao? "Tin theo tôi" là ngụ
ý gì? Phan duyên! Chính thế, đó chẳng
qua chỉ là một hình thức phan duyên, trục lợi mà thôi. Nếu không phải với dụng
ý phan duyên, thì quý vị nói với mọi người quý vị là Phật để làm gì? Quý vị là
Bồ-tát ư? Ừ, Bồ-tát thì Bồ-tát, quý vị công bố cho ai nấy đều biết để làm gì?
Giảng đến đây tôi nhớ lại một câu chuyện xảy ra ở
Trung-Hoa mà trước kia tôi cũng đã có lần nhắc đến. Có một vị Thái-thú nọ đến
chùa Quốc-Thanh trên núi Thiên-thai để bái kiến Hòa-thượng Phong-Can. Thái-thú
là một chức quan; còn tên ông ta là gì thì quý vị đừng hỏi tôi vì tôi đã quên
bẵng rồi. Nói tóm lại thì đó là một viên quan đương triều, mà cũng có thể là
quý vị hoặc là tôi không chừng--chẳng có cái tên nhất định.
Vậy, có ông quan Thái-thú nọ đến thăm Hòa-thượng
Phong-Can và hai người cùng nhau đàm đạo. Vị quan nói với Hòa-thượng Phong-Can:
"Bạch Thầy! Trước kia thường có rất nhiều Bồ-tát đến thế gian này, nhưng
nay thì chẳng có ai cả. Tôi ao ước được gặp một vị Bồ-tát chân chánh mà cũng
không gặp được!"
Hòa-thượng Phong-Can nói: "Ông muốn gặp Bồ-tát ư?
Ở đây chúng tôi có hai vị Bồ-tát, để tôi giới thiệu với ông. Ông có thể đi gặp
họ đấy!"
"Cái gì? Hai vị Bồ-tát? Ở ngay tại đây? Hai vị
Bồ-tát đó là Bồ-tát gì? Phải chăng Thầy muốn nói hai ông Bồ-tát bằng đất sét
hoặc bằng gỗ?"
Hòa-thượng Phong-Can đáp: "Không phải! Hai vị này
là nhục thân Bồ-tát, là Bồ-tát sống hẳn hoi!" "Hoạt Bồ-tát" hay
"Bồ-tát sống," tức là vị Bồ-tát bằng xương bằng thịt, là người thật.
Quan Thái-thú hỏi lại: "Bạch Thầy, Thầy nói thật
chứ?"
Hòa-thượng Phong-Can từ tốn: "Tôi mà nói gạt ông
sao? Tôi là Phương-trượng của chùa, những gì tôi nói với ông đương nhiên đều là
sự thật cả."
Quan Thái-thú hỏi: "Thế họ là những ai, thưa
Thầy?"
Hòa-thượng Phong-Can đáp: "Chùa chúng tôi có hai
người lo công việc dưới nhà bếp--một người nấu cơm, một người nấu nước--một
người tên là Hàn-Sơn, và một người tên là Thập-Ðắc. Họ là hóa thân của Bồ-tát
Văn-Thù và Bồ-tát Phổ-Hiền. Cả hai vị Bồ-tát đều tu khổ hạnh, làm những việc
lao động cực nhọc trong chùa này. Hai ngài sẵn sàng làm những việc khó nhọc mà
không ai muốn làm. Ông muốn gặp hai vị ấy thì cũng dễ thôi, ông chỉ việc đến
thẳng nhà bếp là thấy ngay!"
Thế là vị Thái-thú nọ liền nhờ thầy Tri-khách--vị Sư
lo việc tiếp khách--dẫn đến nhà bếp. Tới nơi thì thấy quả có hai ông Sư lôi
thôi, lếch thếch đang làm việc ở đó. Cả hai người trông giống như những kẻ
hippy đời nay--râu tóc để dài và rối bù, mặt mày nhem nhuốc, mình mẩy dơ
dáy--nhưng vì Hòa-thượng Phong-Can đã nói đó là hai vị Bồ-tát nên quan Thái-thú
chẳng dám coi thường, mới tiến đến dập đầu đảnh lễ.
Hai vị Hàn-Sơn và Thập-Ðắc liền hỏi: "Ông làm gì
thế? Sao ông lại lạy chúng tôi?"
Thái-thú đáp: "Bạch ngài, Hòa-thượng Phong-Can
nói hai ngài đây là hóa thân của Bồ-tát Văn-Thù và Bồ-tát Phổ-Hiền, nên con đến
để đảnh lễ hai ngài."
Hàn-Sơn, Thập-Ðắc xua tay nói: "Phong-Can lắm
lời! Phong-Can lắm lời!" Ý nói Hòa-thượng Phong-Can thật là lắm chuyện,
nói quá nhiều!
Khi quan Thái-thú đảnh lễ thì cả hai vị Sư đều đi lùi
lại, họ đi thụt lui không biết được bao nhiêu bước, chẳng phải chỉ một bước, bốn
bước, mà có thể cả mấy trăm bước cũng không chừng. Khi lui đến chỗ vách đá sau
lưng chùa thì hai vị Sư ấy bảo Thái-thú: "Phong-Can thật lắm lời! Còn ông
thì vì sao Ðức Di-Ðà không lạy mà lại đi lạy chúng tôi làm chi?"
Thái-thú sửng sốt: "Bạch ngài, chẳng hay ai là
Ðức Di-Ðà?"
Hai vị Sư đáp: "Hòa-thượng Phong-Can chính là Ðức
Phật A-Di-Ðà hóa thân đến nước Trung-Hoa làm Phương-trượng chùa Quốc-Thanh trên
núi Thiên-Thai này đấy! Ông hãy đến đảnh lễ ngài đi, đừng lạy chúng tôi làm
gì!"
Trong lúc Thái-thú còn đang sững sờ vì kinh
ngạc--giống như sắp nhập Ðịnh vậy--thì hai vị Sư rách rưới, lôi thôi nọ lùi
thêm một bước nữa và biến vào vách đá, không để lại dấu vết gì cả. (Trên núi
Thiên-Thai có vách đá gọi là Nguyệt-Quang Nham, đó chính là nơi ẩn thân của hai
vị Hàn-Sơn và Thập-Ðắc.)
Quan Thái-thú vội vã quay về tìm Hòa-thượng Phong-Can,
hóa thân của Ðức Phật A-Di-Ðà; nhưng về đến chùa Quốc-Thanh thì mới hay
Hòa-thượng đã ngồi mà viên tịch rồi ("viên tịch" tức là vãng sanh,
nhập Niết-Bàn)! Khi quan Thái-thú biết được Hòa-thượng Phong-Can là hóa thân
của Ðức Phật A-Di-Ðà, thì đã quá muộn, không thể gặp ngài được nữa. Ông đã để
vuột mất cơ hội trước mắt--Ðức Phật A-Di-Ðà đã ra đi!
Phải tới khi Hòa-thượng Phong-Can viên tịch rồi thì
quan Thái-thú mới được biết, chứ trong lúc Hòa-thượng còn tại thế thì chẳng ai
biết được ngài chính là hóa thân của Ðức Phật A-Di-Ðà cả.
Vì sao khi chư Phật và chư Bồ-tát thị hiện đến, các
ngài không muốn cho mọi người biết các ngài thật sự là ai? Bởi vì nếu người ta
biết được thì sẽ hết người này tới người khác tìm đến để đảnh lễ các ngài, quấy
rầy các ngài suốt ngày, khiến cho các ngài không có thì giờ dụng công tu hành!
Trong Phật giáo, khi Phật hoặc Bồ-tát đến thế giới này, các ngài không bao giờ
nói: "Tôi là Bồ-tát!", "Tôi là Phật!"; cũng chẳng hề khoe
khoang: "Xem nè, tôi khai ngộ rồi!" hoặc "Quý vị biết không, tôi
là Phật đây này!" Những kẻ huênh hoang như thế thì có gì khác biệt so với
hạng người đang được đề cập đến trong phần kinh văn trên?
Từ trước đến nay tôi chưa từng gặp một người nào có tu
hành mà lại công khai thừa nhận là mình đã khai ngộ rồi cả. Ngay như Hư-Vân Lão
Hòa-thượng hoặc bất cứ vị Hòa-thượng nào ở Trung-Hoa mà đã khai ngộ cũng vậy,
nếu quý vị hỏi các ngài là có phải các ngài đã khai ngộ rồi hay không, thì chắc
chắn không một vị nào khẳng định: "Ừ, tôi khai ngộ rồi!" Trong
Phật-giáo chân chánh không có hạng người tự xưng mình đã khai ngộ, trừ khi đó
là một thứ "Tân Phật-giáo" (Phật-giáo tân thời).!!!
Bọn yêu tà này đều cho rằng chúng là bậc Thượng-nhân:
"Quý vị biết tôi đây là ai không? Tôi là một vị Bồ-tát hóa thân tới chốn
này. Tôi chính là Quán-Thế-Âm Bồ-tát. Quý vị chớ để lỡ dịp may hiếm có, hãy mau
mau lạy tôi làm thầy đi! Nếu không muốn lạy tôi làm thầy thì lạy sư phụ của tôi
làm thầy cũng được! Tôi sẽ cấp cho quý vị một tờ 'giới điệp' làm giấy chứng
nhận. Cứ trả sáu mươi lăm đồng mỗi người thì tôi truyền cho một cái pháp!"
"Chúng
mê hoặc, lường gạt những kẻ không hiểu biết."
Bọn chúng chuyên lừa dối, dụ dỗ những kẻ vô tri thức, kém cỏi, không hiểu biết
gì cả. Hạng người như thế tôi gặp rất nhiều; song không phải chỉ có thế thôi mà
còn thật là hết sức đê tiện nữa kia. Chúng gạ gẫm: "Nếu bà tin theo tôi
thì sẽ muốn gì được nấy. Tôi có ‘pháp bảo’, bây giờ tôi nhường bớt cho bà một
cái thôi, ba trăm đồng một cái đấy. Tại tôi quý bà lắm nên mới để lại cho bà,
bằng không thì tôi không đưa ra đâu! Ðây là tôi đặc biệt để dành cho bà
đấy." Thế là đệ tử đưa thầy 300 đồng để đổi lấy một "pháp
bảo"!!! Có "pháp-bảo" không phải chỉ trị giá 300 đồng mà tới cả
vài ngàn đồng, không nhất định. Do đó, túi tiền của thầy cứ phình to dần lên!
Ở Trung-Hoa, vào thời chiến tranh chống Nhật, có một
người tên Lưu-Kim-Ðồng quy tụ được rất đông đồ chúng; khắp thiên hạ đâu đâu
cũng có đệ tử của ông ta. Người ta kháo nhau rằng trong tương lai, sau khi Nhật
chiếm cứ địa phận này, thì ông sẽ lên làm Hoàng-đế; do đó, ai muốn làm quan thì
phải đưa tiền cho ông để giữ chỗ trước. Rất nhiều người muốn mua một chức quan
lớn--kẻ này thì mua chức Thừa-tướng, kẻ kia thì muốn chức Bộ-trưởng Bộ
Ngoại-giao... Muốn chức Bộ-trưởng Bộ Ngoại-giao thì phải đưa mấy vạn đồng, mua
chức Thừa-tướng thì phải trả trước mấy vạn bạc ... Ông ta thâu vào tiền nhiều
không biết cơ man nào mà kể, phải dùng xe lửa để chở tiền từ cửa ải ngoài (quan
ngoại, phía đông Sơn Hải-quan) tới ải trong (quan nội, phía tây Sơn Hải-quan).
Những chuyện như thế mà lại có rất nhiều người tin theo, trong khi giảng cái
pháp chân thật, khuyên người ta chớ nên sát sanh, chớ nên trộm cắp, chớ nên tà
dâm thì chẳng có ai tin cả. Hễ nghe có cái gì đó sẽ đem lại lợi lộc gì gì đó...
thì người ta lập tức chạy theo ngay. "Lấy tiền! Lấy! Lấy!" Hạng người
như thế tôi đã gặp rất nhiều.
"Khiến
cho họ khủng hoảng đến thất tâm." "Khủng"
tức là khủng hách, đe dọa. Bọn yêu tà này đe dọa, làm cho trí huệ chân chánh
của quý vị không còn nữa--làm cho quý vị bị mê muội, đánh mất phần trí huệ mình
có.
"Chúng
đến nơi nào thì nơi ấy bị hao tổn."
Bất luận chúng đến nơi nào, tiền bạc cũng đều chạy vào túi chúng--chúng làm cho
bao nhiêu tiền tài sản nghiệp của người khác đều chui vào túi của chúng cả, xem
ra chúng còn lợi hại hơn cả Ðảng Cộng-sản nữa!
Kinh Văn:
Hán Việt: "Ngã giáo
Tỳ-khưu tuần phương khất thực, linh kỳ xả tham, thành Bồ-đề Ðạo. Chư Tỳ-khưu
đẳng, bất tự thục thực, ký ư tàn sanh, lữ bạc Tam-giới, thị nhất vãng hoàn, khứ
dĩ vô phản."
Việt: "Ta dạy các Tỳ-khưu khất thực tuần tự
theo phương hướng nhằm khiến họ xả bỏ lòng tham để thành Ðạo Bồ-đề. Các thầy
Tỳ-khưu khỏi tự lo sự nấu ăn, chỉ gởi tạm cái thân sống thừa nơi Tam-giới. Đó
biểu thị họ là những bậc ‘nhất vãng hoàn,’ đi rồi thì không trở lại nữa."
Giảng nghĩa:
"Ta
dạy các Tỳ-khưu khất thực tuần tự theo phương hướng nhằm khiến họ xả bỏ lòng
tham." Ðức Phật dạy các thầy Tỳ-khưu
rằng mỗi người phải đi theo một hướng nhất định nào đó và theo thứ tự đến từng
nhà mà khất thực. Người này đi khất thực ở hướng nam, người kia thì đi khất
thực ở hướng bắc; mỗi người mang bình bát đi hóa duyên ở một nơi khác nhau.
Vì sao Phật lại dạy các thầy Tỳ-khưu cầm bình bát ra
ngoài hóa duyên, khất thực? Thứ nhất, vì qua việc cúng dường thực phẩm cho
người xuất gia, chúng sanh sẽ gieo trồng được phước lành, dứt trừ được khổ não.
Thứ hai, để người xuất gia khỏi phải chuẩn bị ẩm thực và hễ xin được thức gì
thì ăn thức nấy--được ngon thì ăn ngon, gặp dở thì ăn dở--nhờ đó mà dứt bỏ được
lòng tham.
Nếu tự mình lo cơm nước, thì hôm nay nấu món này không
ngon tất ngày mai sẽ muốn nấu món khác thật ngon; rồi tới ngày mốt nấu món khác
ngon hơn, sang ngày kia lại muốn nấu món gì càng ngon hơn nữa; thật là bất tận!
Ði ra ngoài hóa duyên thì được thức gì ăn thức nấy, không thể kén chọn, không
thể phân biệt ngon dở; không thể nói: "Hôm nay hóa duyên được cơm chay
ngon ghê," rồi vui vẻ ăn hết, ăn đến no căng bụng; rồi đến hôm sau xin
nhằm thức ăn dở quá thì không thèm ăn--như vậy là không được! Ngon hay dở thì
cũng đều phải ăn như nhau, miễn sao no bụng thì thôi! Ðó là để dứt bỏ lòng tham
dục.
"Ðể
thành Ðạo Bồ-đề." Có câu:
“Người
quân tử lo chuyện Ðạo, chứ không lo chuyện ăn.”
(Quân
tử mưu Ðạo bất mưu thực.)
Người tu Ðạo chỉ tự hỏi đạo nghiệp của mình đã thành
tựu hay chưa chứ tuyệt nhiên không hề bận tâm về thức ăn ngon dở, cho nên, quý
vị đến đây nghiên cứu Phật Pháp thì tôi báo cho quý vị biết là chớ nên để ý tới
vấn đề ăn ngon ăn dở.
"Các
thầy Tỳ-khưu khỏi tự lo sự nấu ăn."
Tất cả những người xuất gia này đều không phải bận rộn về việc nấu nướng thức
ăn.
"Chỉ
gởi tạm cái thân sống thừa nơi Tam-giới." Họ
chỉ cần ăn để duy trì cái sanh mạng này, cái thân thể này mà thôi; miễn sao
sống còn là được rồi. Chúng ta sống ở thế giới này, dù trên đất liền hay trên
sông nước, thì cũng như người khách tạm trú nơi quán trọ mà thôi, vì vậy, chớ
nên chấp trước vào ba cõi Dục-giới, Sắc-giới và Vô-sắc-giới.
"Ðó
biểu thị họ là những bậc 'nhất vãng hoàn', đi rồi thì không trở lại nữa." Ðiều
này biểu thị cái gì? Các thầy Tỳ-khưu đã dứt bỏ tâm tham lam, cho nên khi sanh
mạng tạm bợ của đời này trong Tam-giới kết thúc, họ sẽ không phải trở lại nữa:
"Nơi này là chốn không thanh tịnh nhất, cho nên tôi sẽ không bao giờ trở
lại đây nữa!" Ngay cả nước Mỹ, dù có nhà vệ sinh đẹp đẽ, nhà cửa sang
trọng như thế, mà đến một lần cũng thấy đủ rồi, không cần phải đến thêm lần
nữa. Chớ nên tham luyến cái “nhà vệ sinh”! Ở đó dơ dáy, thối tha lắm, quý vị
còn tham luyến nó làm chi? Thật ra, cả thế giới này đều thối tha. Quý vị đừng
cho rằng nó sạch sẽ--thế giới này chính là một cái nhà vệ sinh đấy!
Kinh Văn:
Hán Việt: "Vân hà tặc
nhân, giả ngã y phục, tỳ phán Như Lai, tạo chủng chủng nghiệp, giai ngôn Phật
Pháp? Khước phi xuất gia, cụ giới Tỳ-khưu, vi Tiểu-thừa Ðạo. Do thị nghi ngộ,
vô lượng chúng sanh, đọa Vô-gián ngục."
Việt: "Cớ sao bọn trộm cắp kia giả mặc y phục
của Ta, mua bán Như-Lai, tạo ra vô số nghiệp mà lại nói đó đều là Phật Pháp?
Chúng phỉ báng người xuất gia và xem các thầy Tỳ-khưu đã thọ Cụ-túc Giới là
hàng Tiểu-thừa. Do sự nghi ngờ và ngộ nhận mà vô lượng chúng sanh phải đọa địa
ngục Vô-gián."
Giảng nghĩa:
"Cớ
sao bọn trộm cắp kia giả mặc y phục của
Ta?" Những kẻ cướp ấy
dám mặc y phục của người xuất gia theo đạo Phật, cũng mặc áo tràng dài và đắp y
cà-sa, và đến nơi nào cũng oang oang: "Tôi là Pháp-sư. Tôi có thể giảng
kinh thuyết Pháp. Tất cả mọi người hãy tin tưởng ở tôi."
"Mua bán Như-Lai." Bọn họ lại còn buôn bán Phật Pháp của Như-Lai,
coi Phật Pháp là món hàng để kiếm chác, lợi dưỡng.
"Tạo ra vô số nghiệp mà lại nói đó đều là Phật
Pháp?" Họ chỉ biết tìm đủ
mọi cách để moi tiền của thiên hạ, kêu gọi người khác bố thí cho cá nhân mình
để lợi dưỡng. Họ còn nói rằng: "Mọi thứ đều là Phật Pháp. Khiêu vũ là Phật
Pháp; uống rượu là Phật Pháp. Tất cả đều nằm trong tám vạn bốn nghìn pháp môn
của Phật." Họ lý luận trơn tru, nói đâu ra đó, có bài bản, có lớp lang thứ
tự, nghe thật hấp dẫn, thú vị: "Hút thuốc là Phật Pháp; uống rượu là Phật
Pháp; cờ bạc là Phật Pháp. Quý vị có thể làm bất cứ điều gì mình muốn." Họ
rất dễ dãi, đến nỗi tất cả những gì quý vị làm thì họ đều bảo là không sao,
không thành vấn đề.
"Chúng
phỉ báng người xuất gia và xem các thầy Tỳ-khưu đã thọ Cụ-túc Giới là hàng
Tiểu-thừa." Bọn trộm cắp ấy vốn
không phải là hàng xuất gia, không phải là những bậc Tỳ-khưu đã thọ Cụ-túc
Giới. Nếu hỏi họ: "Chẳng hay các ông đã thọ những giới gì? Các ông đã thọ
Cụ-túc Giới chưa?"; thì họ sẽ ngơ ngác: "Ồ, Cụ-túc Giới là cái gì
thế?" Ðừng nói là Cụ-túc Giới, ngay cả Năm Giới (Ngũ Giới) họ cũng không
hiểu, Tám Giới (Bát Giới) họ cũng chẳng thông. Mười Giới (Thập Giới) thì càng
khỏi hỏi tới; còn Mười Trọng Giới và Bốn Mươi Tám Khinh Giới thì, ôi thôi, miễn
bàn! Chỉ vì một chút lòng phan duyên nho nhỏ, muốn giữ mối quan hệ xã hội với
người khác để trục lợi, mà họ chê bai những người xuất gia chân chánh, coi
thường các thầy Tỳ-khưu đã thọ Cụ-túc Giới, nói rằng các thầy là thực hành pháp
Tiểu-thừa.
"Do
sự nghi ngờ và ngộ nhận mà vô lượng chúng sanh phải đọa địa ngục Vô-gián."
Bọn trộm cắp ấy gieo rắc sự nghi hoặc nơi người khác,
và bản thân họ thì hoàn toàn không hiểu rõ; do đó, vô lượng chúng sanh vì lầm
lẫn mà bị đọa vào địa ngục Vô-gián. Những chúng sanh này vốn muốn học điều hay
điều tốt, nhưng không may gặp phải ông thầy hồ đồ, ù ù cạc cạc, giống như ở
trên đã có nói:
Hồ
đồ dạy hồ đồ,
Dạy
rồi chẳng ai hiểu,
Sư-phụ
đọa địa ngục,
Ðệ-tử
cũng xuống theo!
Vậy là rốt cuộc tất cả đều phải đọa địa ngục Vô-gián.
"Vô gián" tức là không gián đoạn, không ngừng dứt. Tại địa ngục
Vô-gián, dù có một người hay nhiều người thì địa ngục cũng chật đầy như nhau.
Có một người thì địa ngục này không có chỗ trống, không dư chỗ; mà có nhiều
người thì địa ngục này cũng đủ chỗ, chứ chẳng chật chội, chen chúc. Bất luận là
một người hay nhiều người, địa ngục này đều không có "gián," không có
dư chỗ trống. Một khi đã bị đọa địa ngục Vô-gián thì vĩnh viễn không thoát ra
được, vì thế mọi người cần phải thận trọng!
Kinh
Văn:
Hán Việt: "Nhược ngã
diệt hậu, kỳ hữu Tỳ-khưu phát tâm quyết định tu Tam-ma-đề, năng ư Như Lai hình
tượng chi tiền, thân nhiên nhất đăng, thiêu nhất chỉ tiết, cập ư thân thượng
nhiệt nhất hương chúc, ngã thuyết thị nhân, vô
thủy túc trái, nhất thời thù tất, trường tổn thế gian, vĩnh thoát chư lậu. Tuy
vị tức minh Vô-thượng Gíác lộ, thị nhân ư Pháp dĩ quyết định
tâm."
Việt: "Sau khi Ta diệt độ, nếu có những thầy
Tỳ-khưu nào phát tâm quyết định tu pháp Tam-ma-đề, và có thể đối trước tượng
Như-Lai mà thắp một ngọn đèn nơi thân, hoặc đốt một lóng ngón tay, hoặc nhen
cháy một viên hương trên thân thể, thì Ta nói những người ấy, bao nhiêu nợ nần
từ vô thủy đến nay đều trả xong trong một lúc, xa lìa hẳn cõi thế gian và vĩnh
viễn thoát khỏi các lậu, tuy tức thời chưa hiểu rõ con đường Vô-thượng Giác, mà
cái tâm của họ đối với Pháp đã quyết định rồi."
Giảng nghĩa:
"Sau
khi Ta diệt độ, vào cõi Niết-bàn, nếu có những thầy Tỳ-khưu nào phát tâm
quyết định tu pháp Tam-ma-đề, và có thể đối trước tượng Như-Lai mà thắp một
ngọn đèn nơi thân, với sự chỉ dẫn đúng đắn và trong một thời điểm thích
hợp, họ dùng dao lóc thịt ra để khoét thành một cái lỗ trên thân mình, rồi đổ
dầu vào và mồi lửa đốt làm đèn (đó gọi là "tại thân thượng nhiên thượng
nhất đăng"--đốt một ngọn đèn trên thân thể); "hoặc đốt một lóng ngón tay, hay hai lóng ngón tay, hoặc nhen cháy một viên hương trên thân
thể, hoặc để một, hai hay ba mẩu hương trên cánh tay mà đốt, thì Ta nói những người ấy, bao nhiêu nợ nần
từ vô thủy đến nay đều trả xong trong một lúc." Ðức Phật Thích Ca Mâu
Ni dạy rằng ngay khi đó, tất cả nợ nần mà các thầy Tỳ-khưu ấy đã trót vay từ vô
thủy kiếp cho đến nay đều được thanh toán hết trong một lúc.
Họ có thể “xa
lìa hẳn cõi thế gian và vĩnh viễn thoát khỏi các lậu." Khi nghiệp báo
đời này đã hết, các thầy Tỳ-khưu ấy sẽ không còn tái sanh ở thế giới Ta-bà này
để chịu đựng vô số khổ não nữa. Họ cũng được xa lìa các nghiệp hữu lậu.
"Tuy
tức thời chưa hiểu rõ con đường Vô-thượng Giác, mà cái tâm của họ đối với Pháp
đã quyết định rồi." Mặc dù các thầy
Tỳ-khưu ấy chưa hiểu liền được sự giác ngộ cao cả không gì sánh bằng này, song
họ đã hạ quyết tâm tu học Phật Pháp, nhất định không chịu thối lui, không cam
chịu đọa lạc.
Kinh
Văn:
Hán Việt: "Nhược bất vi
thử xả thân vị nhân, túng thành vô vi, tất hoàn sanh nhân, thù kỳ túc trái, như
ngã mã mạch, chánh đẳng vô dị."
Việt: "Nếu không tạo cái nhân xả thân như vậy,
thì dầu có tu thành Vô-vi, cũng phải trở lại sanh làm người mà đền trả nợ cũ,
giống như Ta phải ăn lúa ngựa vậy."
Giảng nghĩa:
"Nếu
không tạo cái nhân xả thân như vậy, thì dầu có tu thành Vô-vi, cũng phải trở
lại sanh làm người mà đền trả nợ cũ." Nếu
các thầy Tỳ-khưu đó không gieo trồng cái thiện nhân xả bỏ thân thể như thắp đèn
nơi thân, đốt lóng ngón tay, hoặc đốt hương trên thân, thì dầu có thành Ðạo,
khai ngộ, thậm chí thành Phật đi chăng nữa, cũng vẫn phải lo thanh toán phân
minh những nợ nần vay mượn trong bao kiếp về trước, giống như Ta phải ăn lúa ngựa vậy."
Trong kiếp này, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni đã phải ăn
thức ăn của ngựa ròng rã chín mươi ngày. Tại sao Ðức Phật phải gánh chịu quả
báo đó?
Nhân duyên ấy bắt nguồn từ một kiếp trong quá khứ, khi
Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni là một người Phạm-chí
dạy năm trăm đồng tử tu Ðạo trên núi Phạm-chí. Thuở ấy cũng có Phật xuất thế và
Ðức Phật này cũng đi hóa duyên. Vì có một thầy Tỳ-khưu bị bệnh, không đi hóa
duyên được, nên Ðức Phật này dặn các thầy xin trai chủ thêm một phần thức ăn để
mang về cho thầy Tỳ-khưu đó.
Ðúng lúc các thầy Tỳ-khưu mang bình bát đựng cơm chay
đi ngang qua núi Phạm-chí, vị Phạm-chí ngửi thấy mùi thơm ngào ngạt thì sanh
lòng đố kỵ, nói rằng: "Mấy ông thầy tu đầu trọc kia sao lại được ăn những
thức ăn thơm tho, ngon lành như thế? Mấy ông sư ấy chỉ đáng ăn thứ lúa nuôi
ngựa, chứ không xứng đáng để thọ hưởng thức ăn thơm ngon dường ấy!" Năm
trăm đệ tử cũng đồng thanh phụ họa: "Thầy nói đúng. Bọn họ chỉ đáng ăn thứ
lúa dành cho ngựa mà thôi!"
Thế rồi, sau khi Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni thành Ðạo,
Ngài dẫn năm trăm đệ tử đến một quốc gia nọ kiết hạ an cư. Vị quốc vương nước
ấy đón tiếp phái đoàn của Phật rất long trọng, nhưng sau khi đón vào lãnh thổ
nước mình rồi, nhà vua tuyệt nhiên không cúng dường cho những vị sư này. Bấy
giờ có một người phu giữ ngựa thấy Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni cùng với năm trăm đệ
tử không có gì để ăn cả, bèn lấy lúa của ngựa mà cúng dường.
Vị Phạm-chí khi xưa tu trên núi Phạm-chí nay là Ðức
Phật Thích Ca Mâu Ni, còn năm trăm đồng tử ngày ấy nay là năm trăm vị La-hán và
đều đã chứng quả vị. Tuy nhiên, vì khi còn ở nhân địa trót gieo cái nhân phỉ
báng người khác, cho nên kiếp này dù đã thành Phật, Ðức Phật vẫn phải chịu quả
báo ăn lúa ngựa suốt chín mươi ngày!
Kinh
Văn:
Hán Việt: "Nhữ giáo thế
nhân tu Tam-ma-địa, hậu đoạn thâu đạo, thị danh Như Lai, tiên Phật Thế Tôn, Ðệ
Tam Quyết Ðịnh Thanh Tịnh Minh Hối."
Việt: "Vậy, ông dạy người đời tu pháp
Tam-ma-địa, tiếp đến là phải dứt trừ trộm cắp. Ðó là lời minh huấn quyết định
thứ ba về tánh thanh tịnh của Như-Lai và chư Phật, Thế-Tôn thuở trước."
Giảng nghĩa:
"Vậy, A Nan, ông dạy người đời tu pháp
Tam-ma-địa, và nếu họ thật tâm muốn tu hành thì sau khi đã đoạn trừ tâm dâm
dục và tâm sát sanh rồi, thì tiếp đến là
phải dứt trừ trộm cắp, dứt bỏ cái tâm trộm cắp. Ðó là lời minh huấn quyết định thứ ba về tánh thanh-tịnh của Như-Lai và
chư Phật, Thế-Tôn thuở trước. Ðó chính là lời dạy rõ ràng, không thể cải
biến của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, cùng chư Phật thuở trước."
Kinh
Văn:
Hán Việt: "Thị cố
A-Nan, nhược bất đoạn thâu, tu Thiền-định giả, tỷ như hữu nhân, thủy quán lậu
chi, dục cầu kỳ mãn, túng kinh trần kiếp, chung vô bình phục."
Việt: "Cho nên, A-Nan, kẻ tu Thiền-định mà nếu
chẳng dứt trừ trộm cắp, thì cũng như người rót nước vào chén lủng mà muốn cho
đầy, dầu có trải đến trần kiếp cũng không thể nào đầy được!"
Giảng nghĩa:
"Cho
nên, A-Nan, kẻ tu Thiền-định mà nếu chẳng dứt trừ trộm cắp, thì cũng như người
rót nước vào chén lủng mà muốn cho đầy."
Những kẻ không dứt bỏ tâm trộm cắp mà lại muốn tu tập Thiền-định, thì cũng
chẳng khác gì người muốn rót đầy cái bình lủng, cái ly lủng, hoặc cái tách
lủng. Nó đã bị lủng rồi, thì làm sao mà rót cho đầy được?" Dầu có trải đến trần kiếp, cũng không thể
nào đầy được!" Cho dù người ấy có chịu khó rót nước vào cái chén lủng
nọ trong kiếp số nhiều như bụi bặm đi chăng nữa, thủy chung không bao giờ đầy
chén được, không thể nào làm cho chén lủng đựng đầy nước được cả!"
Kinh
Văn:
Hán Việt: "Nhược chư Tỳ-khưu, y bát chi dư phân thốn bất súc, khất thực dư phần,
thí ngạ chúng sanh; ư đại tập hội, hợp chưởng lễ chúng; hữu nhân chúy mạ, đồng
ư xưng tán; tất sử thân tâm nhị câu tổn xả, thân nhục cốt huyết dữ chúng sanh
cộng; bất tương Như Lai bất liễu nghĩa thuyết, hồi vi kỷ giải, dĩ ngộ sơ học;
Phật ấn thị nhân đắc chân Tam-muội.”
Việt: "Nếu các thầy Tỳ-khưu, ngoài y bát ra
không còn cất giấu phân tấc gì cả; phần khất thực có dư thì bố thí cho các
chúng sanh đói khát; khi ở giữa đại-hội thì chắp tay lễ chúng; nếu bị người
chửi mắng thì xem như sự khen ngợi; có thể khiến cho thân và tâm, cả hai đều xả
bỏ, thân thịt xương máu chung cùng với chúng sanh; chẳng đem cái thuyết 'bất
liễu nghĩa' của Như-Lai trở lại làm cái giải thích riêng của mình khiến cho kẻ
sơ-học hiểu lầm; thì Phật ấn chứng những người ấy sẽ đắc chân chánh
Tam-muội."
Giảng nghĩa:
"Nếu
các thầy Tỳ-khưu, ngoài y bát ra không còn cất giấu phân tấc gì cả." Ngoại
trừ ba món tùy thân là y, bát và ngọa cụ ra thì các thầy Tỳ-khưu không nên cất
giữ, giấu giếm bất kỳ một vật nào khác. Mỗi vị Tỳ-khưu chỉ nên giữ ba tấm y,
một ngọa cụ và một bình bát. Ba tấm y ấy không phải toàn là đại-y, mà là một
tấm ngũ-y (áo cà-sa năm miếng), một tấm thất-y (áo cà-sa bảy miếng) và một tấm
Tổ-y. Ðó gọi là 'tam y-bát-cụ' (ba y, một bát, một ngọa cụ).
"Phần
khất thực có dư thì bố thí cho các chúng sanh đói khát." Ðem
những thức ăn họ xin được mà ăn không hết ra bố thí, phân phát cho những chúng
sanh đang chịu đói khát, không có gì để ăn.
Các thầy Tỳ-khưu ấy, "khi ở giữa đại-hội thì chắp tay lễ chúng." Trong đại-hội
thì các thầy lễ phép chắp tay vái chào mọi người.
"Nếu
bị người chửi mắng thì xem như sự khen ngợi." Nếu
bị người khác chửi mắng, thì các thầy xem như được người ta khen tặng, chứ
không cho rằng đó là người ta trách mắng mình.
Các thầy Tỳ-khưu ấy "có thể khiến cho thân và tâm, cả hai đều xả bỏ, thân thịt, xương,
máu chung cùng với chúng sanh." Cả hai thứ này—thân và tâm-- đều cần
phải buông bỏ, phải không thấy có thân mà cũng chẳng thấy có tâm--thân không
kiêu ngạo mà tâm cũng không kiêu ngạo. Bị ai mắng chửi thì coi như người ta hát
cho mình nghe vậy. Một thầy Tỳ-khưu chân chánh tu hạnh nhẫn nhục thì phải coi
kẻ mắng mình là người đang ca hát cho mình nghe!
Nếu quý vị không mắng người ta mà người ta lại vô cớ
chửi mắng quý vị, thì quý vị nên không hiểu họ nói gì cả--hãy xem như họ đang
nói tiếng Nhật, tiếng Anh, hoặc một thứ ngôn ngữ lạ tai nào đó mà quý vị chưa
hề biết tới! Người Trung-Hoa chưa từng học Anh-ngữ mà nghe tiếng Anh tất nhiên
là không hiểu được; người Tây phương chưa học Hoa-ngữ thì nghe tiếng Trung-Hoa
cũng chẳng hiểu gì cả. Nghĩ như vậy, thì họ mắng quý vị mà quý vị sẽ không giận
dữ mắng lại họ. Cho dù rõ ràng là họ mắng thẳng quý
vị đi nữa, thì quý vị cũng nên xem như họ đang tán tụng mình: "Ồ! Họ đang
nói tốt về mình đấy!" Quý vị cần phải đảo ngược sự việc lại mà nhìn. Nếu
bị người ta đánh, hãy xem như mình đi đứng không cẩn thận nên bị va phải vách
đụng phải tường mà thôi!
Giả sử quý vị vì sơ ý nên đâm sầm vào tường, trán u
lên một cục; chẳng lẽ quý vị xoay người đấm vào tường một cú: "Tại sao mày
đụng tao?" cho hả giận hay sao? Có cần phải làm như thế không? Không cần!
Quý vị đâm đầu vào tường, rồi lại đấm vào tường một cú "trả đũa," như
thế chỉ làm cho quý vị phải chịu đau đớn thêm mà thôi. Do đó, nếu có người đánh
quý vị, quý vị hãy xem như mình rủi ro đi đụng phải tường vậy, đừng cho đó là
người ta đánh mình, được như thế thì sẽ không có chuyện gì xảy ra cả. Cho nên,
người ta mắng mình thì cứ xem như họ hát cho mình nghe cho vui tai vậy.
"Thân thịt, xương, máu chung cùng với chúng
sanh." Ðây không chỉ nói đến bậc Tỳ-khưu chân chánh phát tâm Bồ-tát, mà
nếu có người muốn lấy thịt hoặc xương từ thân thể quý vị, hoặc muốn uống máu
của quý vị, thì quý vị đều nên thí xả cho họ. Người muốn thực hành Bồ-tát Ðạo
cần phải có thể xả bỏ đầu, mắt, nảo, tủy của chính thân mình nếu cần.
Trước đây tôi có kể cho quý vị nghe rằng khi Ðức Phật
Thích Ca Mâu Ni còn ở tại nhân địa, Ngài trông thấy một con cọp sắp chết đói vì
không có gì để ăn, Ngài bèn tự hiến thân mình cho cọp ăn đỡ đói. Cọp là một ác
thú thuộc loại độc ác nhất trên thế giới, thế mà khi còn ở nhân địa, Ðức Phật
Thích Ca Mâu Ni vẫn bố thí thân thể của mình cho cọp như đối với mọi loài khác.
Tôi hỏi một đệ tử rằng anh ta có thể hy sinh như vậy không, thì anh ta chỉ cười
cười không đáp, tôi cũng chẳng biết anh ta có làm được hay không nữa.
Họ "chẳng
đem cái thuyết 'bất liễu nghĩa' của Như-Lai trở lại làm cái giải thích riêng
của mình khiến cho kẻ sơ-học hiểu lầm." Các thầy Tỳ-khưu ấy cũng không
lấy cái thuyết "bất liễu nghĩa," cái pháp Tiểu-thừa, do Ðức Phật
thuyết giảng làm thành lời lẽ của riêng họ. Nói một cách khác, họ không ăn cắp
ý tứ của Phật. "Hồi vi kỷ giải" tức là giáo pháp do Phật tuyên thuyết
mà mình lại mạo nhận là do chính mình nói ra, cố ý không nói rõ đó là của Phật.
Các thầy Tỳ-khưu ấy sở dĩ không làm như thế là vì họ không muốn gây ngộ nhận
cho kẻ sơ cơ.
Ðược như vậy "thì
Phật ấn chứng những người ấy sẽ đắc chân chánh Tam-muội." Phật ấn
chứng cho các thầy Tỳ-khưu ấy rằng họ sẽ có được thứ Ðịnh-lực chân chánh.
Kinh
Văn:
Hán Việt: "Như ngã sở
thuyết, danh vi Phật thuyết; bất như thử thuyết, tức Ba-Tuần thuyết."
Việt: "Như lời Ta nói đây mới gọi là lời Phật
nói; nếu chẳng nói như vậy tức là lời của Ma Ba-Tuần."
Giảng nghĩa:
"Như
lời Ta nói đây mới gọi là lời Phật nói; nếu chẳng nói như vậy, tức là lời của
Ma Ba-Tuần." Những lời lẽ giống
như Ta nói đây đích thực là giáo pháp do chính Ðức Phật tuyên thuyết; còn nếu
không giống như giáo pháp này của Ta thì đều là pháp do Ma-vương nói.
0 Kommentare:
Post a Comment