Tham có nghĩa là thấy cảnh bèn dấy lòng yêu thích.
Chúng sanh trong Dục Giới đều do dâm dục mà sanh. Dâm dục do ái sanh. Nếu có thể
quán sát mỗi mỗi kỹ càng thân mình, thân người từ ngoài vào trong thì chỉ thấy
hờm đất, mồ hôi, đờm rãi, tóc, lông, móng, răng, xương, thịt, máu, mủ, đại tiện,
tiểu tiện, thối như xác chết, bẩn như chuồng xí, ai có thể sanh lòng tham ái đối
với vật này cho được
(Trích Ấn Quang Văn Sao Tinh Hoa Lục)
Còn là phàm
phu, ai không phiền não? Phải đề phòng trước trong lúc bình thời; tự nhiên gặp
cảnh chạm duyên, phiền não chẳng đến nỗi bộc phát. Dẫu có phát cũng sẽ nhanh
chóng giác chiếu khiến phiền não bị tiêu diệt.
Cảnh
khởi phiền não, nào phải chỉ một, nhưng kể ra những cảnh gây nên phiền não
nhiều nhất chỉ có mấy thứ như tài sắc và thuận - nghịch mà thôi. Nếu
biết của cải vô nghĩa, hại quá rắn độc, sẽ chẳng lâm vào cảnh phiền não vì lấy
của cẩu thả. [Biết] tạo phương tiện cho người, rốt cuộc vẫn là tạo tiền trình
cho chính mình, khi gặp kẻ cùng quẫn, cấp bách, hoạn nạn cầu cứu, sẽ không bị
phiền não bởi tiếc của rồi chẳng chịu giúp cho. Về sắc thì dẫu đối trước dung
mạo như hoa, như ngọc, tâm thường giữ ý tưởng coi như chị, như em. Dẫu nhìn
thấy kỹ nữ, vẫn nghĩ như thế, sanh lòng thương xót, sanh tâm độ thoát, sẽ không
bị phiền não “thấy sắc đẹp động lòng ham muốn”. Vợ chồng kính trọng nhau như
khách, coi thê thiếp như ân nhân giúp mình có con nối dõi, chẳng dám coi họ như
món đồ thỏa dục hành lạc thì không bị phiền não “do ham sắc dục đến nỗi diệt
thân, vợ không thể sanh, con không thể trưởng thành”. Dạy dỗ, uốn nắn con cái
từ nhỏ sẽ không có phiền não “con cái ngỗ nghịch đối với cha mẹ, bại hoại môn
phong”. Còn như gặp kẻ ngang ngược, hãy nên sanh lòng thương xót, thương nó vô
tri, không biết suy xét.
Lại nên
nghĩ do mình đời trước từng não hại nó nên nay mới gặp cảnh này hòng trả nợ
xưa, tâm sanh hoan hỷ, sẽ không có phiền não báo thù ngang trái. Nhưng những
điều vừa nói trên đây là dành dạy cho kẻ sơ cơ. Nếu là bậc đại sĩ tu lâu đã hiểu rõ Ngã Không thì vô tận phiền não đều hóa thành
đại quang minh tạng. (Ấn
Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 1, Thư trả lời cư sĩ Cao
Thiệu Lân - 4)
* Con người hằng ngày khổ sở
trong phiền não, vẫn chẳng biết là phiền não. Nếu biết là phiền não thì phiền
não sẽ tiêu diệt. (Tâm vốn là Phật, nhưng do phiền não chưa trừ, oan uổng
làm chúng sanh. Nhưng nếu có thể tiêu diệt phiền não thì Phật tánh sẵn có sẽ tự
nhiên hiển hiện. Xin xem lá thư trả lời cư sĩ Viên Văn Thuần trong bộ Ấn Quang
Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên). Ví như tưởng lầm gã
trộm cắp là người nhà thì tất cả của cải trong nhà đều bị hắn trộm mất. Nếu
biết là giặc, hắn liền trốn đi. Vàng chẳng luyện chẳng ròng, đao chẳng mài
chẳng bén; chẳng từng trải phiền não thì gặp cảnh phiền não tâm thần sẽ tán
loạn. Biết nó chẳng có thế lực gì, chuyện nhọc tâm mệt trí nẩy sanh đều do ta
tự chuốc lấy.
Kinh
dạy: “Nếu biết Ngã Không, ai bị hủy
báng?” Nay phỏng theo đó, nói: “Nếu
biết là vô ngã, phiền não nào sanh?” Thí dụ của ông rất có đạo lý. Cổ nhân nói: “Vạn cảnh
bổn nhàn, duy tâm tự náo. Tâm nhược bất sanh, cảnh tự như như” (Muôn cảnh
vốn nhàn, chỉ có tâm tự rộn. Nếu tâm không sanh, cảnh tự như như). (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên,
quyển 1, Thư trả lời cư sĩ Trần Phi Thanh - 4)
* Tam Chướng là Phiền Não Chướng, Nghiệp Chướng,
Báo Chướng. Phiền Não chính là vô minh, còn gọi là Hoặc, tức là chẳng hiểu lý ([“chẳng hiểu lý”] chính là tham - sân - si), lầm lạc khởi lên các thứ tâm niệm chẳng
thuận lý (Muốn diệt những tâm niệm chẳng thuận
lý, trước hết phải hiểu rõ hết thảy các pháp đều là Khổ, là Không, là Vô Thường,
là Vô Ngã, thì ba độc tham - sân - si không cách gì dấy lên được. Hãy xem lá
thư gởi cho ông Tạ Dung Thoát trong Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên).
Nghiệp tức là do cái tâm “tham - sân - si phiền
não” bèn làm những chuyện ác giết - trộm - dâm v.v… vì thế gọi là Nghiệp. Nghiệp
đã thành, thì tương lai nhất định phải chịu các thứ khổ báo. Tam Đồ: Đồ (途) là đường, là nẻo, có nghĩa thông với nhau. Do các ác nghiệp giết - trộm -
dâm nên sẽ chịu ác báo trong Tam Đồ là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng
Chánh Biên, quyển 1, Thư trả lời cư sĩ Ninh Đức Tấn - 6)
* Tham có nghĩa là thấy cảnh bèn dấy lòng yêu thích.
Chúng sanh trong Dục Giới đều do dâm dục mà sanh. Dâm dục do ái sanh. Nếu có thể
quán sát mỗi mỗi kỹ càng thân mình, thân người từ ngoài vào trong thì chỉ thấy
hờm đất, mồ hôi, đờm rãi, tóc, lông, móng, răng, xương, thịt, máu, mủ, đại tiện,
tiểu tiện, thối như xác chết, bẩn như chuồng xí, ai có thể sanh lòng tham ái đối
với vật này cho được! Tham ái đã dứt thì tâm địa thanh tịnh. Dùng tâm thanh tịnh
niệm danh hiệu Phật, như chất ngọt được trộn lẫn, như vải trắng ăn màu, dùng
Nhân Địa Tâm khế hợp Quả Địa Giác, sự giảm được nửa mà công gấp bội, lợi ích
khó thể nghĩ suy! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh
Biên, quyển 4, Dạy những nghĩa lý về pháp môn Tịnh Độ và cách đối trị nóng giận)
* Sân tâm chính là tập tánh từ đời trước, nay
nghĩ mình đã chết, mặc kệ người ta dao cắt hay hương bôi, chẳng ăn nhập gì đến
mình. Đối với tất cả những cảnh trái ý, cứ nghĩ như mình đã chết, ắt sẽ chẳng
khởi tâm sân được nữa! Đấy chính là tam-muội pháp thủy do đức Như Lai đã truyền
để rửa sạch khắp các kết nghiệp của hết thảy chúng sanh, chứ không phải là
Quang tự ý bịa ra đâu nhé! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng
Chánh Biên, quyển 2, Thư trả lời cư sĩ Cừu Bội Khanh – 2)
* Tâm sân nếu khởi lên thì vô ích cho người, tổn hại cho
mình, nhẹ thì cũng khiến cho tâm ý bực bội, xáo động; nặng thì gan lẫn mắt đều
bị tổn thương. Hãy nên giữ sao cho trong tâm thường có một khối nguyên khí thái
hòa thì bệnh tật tiêu diệt, phước thọ tăng trưởng. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 4, Dạy những nghĩa lý
về pháp môn Tịnh Độ và cách đối trị nóng giận)
* Ngu si nghĩa là hoàn toàn không có tri thức, tức là nói
thế nhân đối với cảnh duyên thiện - ác chẳng biết đấy đều là do túc nghiệp chuốc
lấy, do hành vi trong hiện tại cảm lấy, lầm lạc bảo là không có nhân quả, báo ứng,
và những chuyện đời trước, đời sau v.v… Hết thảy chúng sanh không có con mắt Huệ, nếu không chấp Đoạn thì lại chấp
Thường. Chấp Đoạn là nói con người bẩm thụ khí chất của cha mẹ mà sanh ra, trước
lúc được sanh ra vốn chẳng có vật gì, đến lúc chết rồi, hình hài đã mục nát thì
hồn cũng phiêu tán; làm gì có đời trước cũng như đời sau! Những nhà Nho câu nệ,
hẹp hòi cõi này đa phần nói như thế. Chấp Thường là nói con người thường làm
người, súc vật thường làm súc vật; chẳng biết nghiệp do tâm tạo, hình tùy tâm
chuyển.
Thời cổ có kẻ cực độc từ ngay nơi thân ấy biến thành mãng
xà, có kẻ cực tàn bạo, ngay từ chính nơi thân ấy biến thành cọp. Ngay trong lúc
nghiệp lực đang mạnh mẽ, dữ dội, còn có thể biến đổi được hình thể, huống chi
nhằm lúc sau khi chết đi, trước lúc được sanh ra, thức do nghiệp lôi kéo mà
chuyển biến ư? Do vậy, đức Phật nói mười hai nhân duyên chính là lời luận bàn
xuyên suốt cả ba đời. Nhân trước ắt cảm lấy quả sau, quả sau ắt phải có nhân
trước. Báo ứng thiện - ác, phước - họa xảy đến đều do tự mình làm, tự mình chịu,
nào phải trời giáng xuống! Chẳng qua do hành vi của người ấy mà trời đứng ra
làm chủ mà thôi[1]. Sanh tử tuần hoàn chẳng có cùng cực, muốn khôi phục bổn
tâm để liễu sanh tử mà bỏ tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì chẳng thể
được! Ba thứ Tham - Sân - Si là
căn bản của sanh tử. Ba thứ Tín - Nguyện - Hạnh chính là diệu pháp để liễu sanh
tử. Muốn bỏ ba thứ ấy thì cần phải tu ba pháp này. Ba pháp này tu đắc lực thì
ba thứ ấy tự tiêu diệt. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 4, Dạy những nghĩa
lý về pháp môn Tịnh Độ và cách đối trị nóng giận)
* Quý vị nói chuyện đời ràng buộc, không cách gì thoát khỏi được thì ngay
trong lúc bị ràng buộc ấy, chỉ cần không bị chúng xoay chuyển thì ràng buộc
liền thành cởi gỡ, như gương chiếu hình tượng, hình đến chẳng cự tuyệt, hình đi
chẳng giữ lại. Nếu không biết nghĩa này, dẫu có trừ sạch mọi chuyện thế tục
không còn có chuyện gì phải lo toan, cũng vẫn bị cái tâm vọng tưởng, tán loạn,
ràng buộc kiên cố, chẳng thể gột rửa, thoát khỏi. Người học đạo phải hành xử
thuận theo địa vị, tận hết bổn phận của mình. Như thế thì dù suốt ngày việc đời
ràng buộc, nhưng suốt ngày vẫn cứ tiêu dao ngoài vật. Câu
nói “nhất tâm vô trụ, vạn cảnh đều nhàn,
chẳng ghét lục trần, vẫn đồng Chánh Giác” chính là nói về điều này vậy. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao
Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2, Thư trả lời cư sĩ Từ Ngạn Như và Từ Dật Như)
[1] Tức là đứng ra
làm người thực hiện họa phước ứng với nhân quả chứ không phải trời cố ý giáng
họa hay ban phước!
0 Kommentare:
Post a Comment