Đó là, này A-nan! Có loại hương này mà lại bay ngược gió,
cũng bay thuận gió, cũng bay ngược gió thuận gió. Các mùi hương có trên
thế gian, thì ba loại hương này tối thắng, tối thượng, không gì bằng,
không gì bì kịp. Ví như do bò có sữa, do sữa có lạc, do lạc có tô, do tô
có đề hồ, mà đề hồ này tối thắng, tối thượng, không gì bằng, không gì
sánh kịp. Đây cũng như thế, các mùi hương có trong thế gian, ba loại này
tối thắng, tối thượng không thể bì kịp.
Trong sự nghiệp tu học theo giáo pháp của Thế Tôn, dù có vô lượng căn cơ và pháp môn sai khác nhưng tựu trung vẫn không ngoài mục tiêu căn bản là thành tựu giới-định-tuệ. Có thể nói, tu tập theo Phật pháp mà thiếu vắng ba môn vô lậu này thì chắc chắn hành giả đã chệch hướng Chánh pháp, dù cho họ có nhân danh bất cứ pháp môn hay dòng truyền thừa nào.
Nền tảng của ba môn học vô lậu ấy chính
là giới hạnh hay đức hạnh. Nhân giới sanh định, nhân định phát tuệ là
biểu thức căn bản giúp chúng ta thấy rõ tầm mức quan trọng của giới đức.
Vì lẽ ấy, Thế Tôn luôn ca ngợi người giữ giới, tôn vinh người đức hạnh.
Người có giới hạnh cao khiết thì trời người kính trọng, tiếng tốt đồn
xa. Không như hương các loài hoa chỉ xuôi theo chiều gió, hương đức hạnh
thì không có gì chướng ngại, luôn tỏa ngát mười phương.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Tôn giả A-nan ở chỗ
vắng vẻ, liền nghĩ rằng: 'Ở thế gian, có loại hương nào vừa bay ngược
gió, vừa bay thuận gió, vừa bay cả thuận gió, ngược gió chăng?'.
Tôn giả A-nan liền từ chỗ ngồi đứng lên đến chỗ Thế Tôn cúi lạy rồi ngồi một bên.
Tôn giả A-nan bạch Thế Tôn:
- Con ở chỗ vắng vẻ chợt
nghĩ rằng: 'Thế gian có mùi hương nào vừa bay ngược gió, vừa bay thuận
gió, vừa bay cả thuận gió, ngược gió chăng?'.
Thế Tôn bảo A-nan:
- Có loại diệu hương này mà mùi thơm cũng bay ngược gió, cũng bay thuận gió, cũng bay cả trong gió thuận và ngược.
A-nan bạch Thế Tôn:
- Đấy là mùi hương nào mà hương cũng bay ngược gió, cũng bay thuận gió, cũng bay cả trong gió thuận và ngược?
Thế Tôn bảo:
- Có hương này mà sức của mùi thơm cũng bay ngược gió, cũng bay thuận gió, cũng bay cả trong gió thuận và ngược.
A-nan bạch Phật:
- Đây là hương nào, cũng thơm ngược gió, cũng thơm thuận gió, cũng thơm cả trong gió thuận và ngược?
Thế Tôn bảo:
- Ba loại hương này cũng bay ngược gió, cũng bay thuận gió, cũng bay cả trong gió thuận và ngược.
A-nan bạch Thế Tôn:
- Ba loại nào?
Thế Tôn bảo:
- Giới hương, văn hương và
thí hương. Đó là, này A-nan! Có loại hương này mà lại bay ngược gió,
cũng bay thuận gió, cũng bay ngược gió thuận gió. Các mùi hương có trên
thế gian, thì ba loại hương này tối thắng, tối thượng, không gì bằng,
không gì bì kịp. Ví như do bò có sữa, do sữa có lạc, do lạc có tô, do tô
có đề hồ, mà đề hồ này tối thắng, tối thượng, không gì bằng, không gì
sánh kịp. Đây cũng như thế, các mùi hương có trong thế gian, ba loại này
tối thắng, tối thượng không thể bì kịp.
Thế Tôn liền nói kệ:
Mộc mật và chiên-đàn,
Ưu-bát và các hương,
Và các thứ mùi hương,
Giới hương là hơn hết.
Giới này làm thành tựu,
Vô dục, không chỗ nhiễm,
Đẳng trí mà giải thoát,
Chỗ đi mà chẳng hay.
Hương này tuy là diệu,
Và các hương đàn, mật,
Hương giới là vi diệu,
Mười phương thảy đều nghe.
Chiên đàn tuy có hương,
Ưu Bát và hương khác,
Trong các thứ hương này,
Văn hương tối đệ nhất.
Chiên-đàn tuy có hương,
Ưu-bát và hương khác,
Trong các thứ hương này,
Thí hương tối đệ nhất.
Đó là ba loại hương này
cũng thơm ngược gió, cũng thơm thuận gió, cũng thơm cả thuận gió ngược
gió. Thế nên, A-nan, nên cầu phương tiện thành tựu ba loại hương này.
Như vậy, A-nan, nên học điều này!
Bấy giờ A-nan nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Địa chủ,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.429)
Không chỉ có một mình hương giới mà cả hương văn và hương thí cũng tỏa ngát mười phương, tối thắng, tối thượng, các loại hương thế gian không thể bì kịp.
Văn
chính là nghe giáo pháp, tức năng lực tìm học, nghiên tầm và thấu hiểu
Chánh pháp. Nghe pháp rồi tư duy, tư duy rồi thực hành giáo pháp để thể
nhập. Phật từng dạy ai thấy Pháp thì người ấy thấy Phật. Cho nên, người
thấu triệt giáo pháp và nhiệt thành hoằng dương Chánh pháp sâu rộng
trong nhân gian có công đức vô lượng, tiếng lành trùm khắp pháp giới
mười phương.
Thí
là bố thí và cúng dường. Thí xả mà đạt đến đỉnh cao ba-la-mật thì có
thể khiến cho tham ái và chấp thủ diệt tận, chứng đắc Niết-bàn. Người
nào thực hành bố thí và cúng dường bền bỉ, sâu rộng và thoát ly mọi chấp
thủ thì chắc chắn tiếng tốt đồn xa, danh thơm lừng khắp.
Như vậy, ba
loại hương của giới hạnh, nghe pháp, bố thí chính là hương thơm quý giá
nhất trong đời. Đặc biệt là cả ba loại hương này mỗi người đều có thể
chế tác được nhờ nỗ lực tu tập của chính mình. Không chỉ tỏa hương thơm
khắp mười phương, ba loại hương vi diệu này cũng chính là nền tảng của
giải thoát, an lạc.
Quảng Tánh
(Nguồn: Thư Viện Hoa Sen)
(Nguồn: Thư Viện Hoa Sen)
0 Kommentare:
Post a Comment