Trong bốn
hành động ác xuất phát từ khẩu nghiệp nơi miệng thì người hay nói dối
dẫn đến kết quả là sống ở đời thường hay bị người ta nói xấu. Vọng ngữ
cũng khiến kẻ đó có khuynh hướng tiếp tục nói dối ở kiếp sau, cũng như
bị người ta lừa gạt hoặc mọi người sẽ không tin dù bạn nói sự thật. Hậu quả ở
kiếp sau của người nói lời gây chia rẽ là cuộc sống cô độc và khuynh
hướng tạo mối bất hòa với mọi người. Lời nói cộc cằn thô lỗ dẫn đến sự
lăng mạ, ngược đãi người khác và khiến họ sanh tâm giận dữ. Người có tật
ngồi lê đôi mách đưa tới hậu quả đời sau khi nói sẽ không có ai nghe và
thường hay nói những câu chuyện nhảm nhí.
Mục đích cuối cùng của những người thực hành theo Phật giáo là đạt đến quả vị hoàn toàn giác ngộ và thấu suốt mọi sự vật của một đức Phật. Phương tiện chúng ta nương vào để tu tập là cái thân người này với một tâm hồn thanh tịnh.
Hầu
hết chúng ta sống một cuộc đời tương đối như những con người lành mạnh.
Thật vậy, theo lời đức Phật dạy trong các kinh điển có được thân người
hôm nay là một phước duyên thù thắng và vô cùng quý báu. Ðó là kết quả
của vô lượng công đức trải qua nhiều kiếp tu hành của chúng ta. Mỗi cá
nhân đã nỗ lực tinh tấn tu hành mới có được cái thân người này.
Tại sao
nó quý báu như vậy? Bởi lẻ thân người giúp chúng ta có nhiều thuận duyên
tu tập phát triển đời sống đạo đức hầu mưu tìm hạnh phúc cho chúng ta
và những người khác. Loài vật không có khả năng thực hành đạo đức như
con người vì chúng đang sống trong cõi vô minh.
Cho nên
chúng ta nên biết quý trọng cái thân người nầy và cố gắng bằng mọi cách
tinh tấn tu hành để mong được tái sinh làm thân người ở kiếp sau. Mặc dù
chúng ta luôn mong ước đạt được sự giác ngộ hoàn toàn, chúng ta nên
biết rằng con đường tu hành để thành Phật là rất dài mà chúng ta muốn
thành tựu cần phải trải qua các khoảng thời gian ngắn để chuẩn bị tu
tập.
Như chúng
ta đã biết để bảo đảm được tái sanh làm người với đầy đủ khả năng có
thể theo đuổi con đường tu tập, hành giả trước tiên phải áp dụng thực
hành đạo đức. Ðiều này, theo giáo lý đức Phật, có nghĩa là con người cần
tránh, không làm mười điều ác. Sự khổ gây ra do mỗi việc làm ác này, có
nhiều mức độ khác nhau. Ðể đưa ra những lý do cho chính bản thân mình
cần tránh các hành động bất thiện đó, chúng ta phải hiểu rỏ về luật Nhân
Quả.
“Nghiệp”
hay “Karma” có nghĩa là “hành động” nhằm chỉ một việc làm chúng ta tham
dự vào cũng như hậu quả của nó. Khi chúng ta nói hành vi sát hại thì
chính tác động đó sẽ dẫn đến việc cướp đi mạng sống của một người. Kết
quả tai hại hơn của hành động giết người này là gây đau khổ cho nạn nhân
cũng như nhiều người thân yêu của họ.
Nghiệp
nhân của việc làm ác đó còn gây ảnh hưởng xấu đến kẻ sát nhân. Những quả
báo này không chỉ giới hạn trong cuộc đời hiện tại mà thôi. Thực ra kết
quả của một hành vi bất thiện sẽ phát triển theo thời gian, cho nên sự
thiếu từ tâm nơi kẻ sát nhân tàn bạo hủy diệt mạng sống con người nói
trên được khởi đầu từ cuộc đời quá khứ của hắn đã từng xem nhẹ mạng sống
mọi người cũng như loài vật và côn trùng.
Một tên
sát nhân không chắc sẽ được tái sinh làm người ở kiếp sau. Những hoàn
cảnh dẫn đến việc giết người sẽ quyết định quả báo khốc liệt mà kẻ sát
nhân sẽ phải gánh chịu. Một tên giết người man rợ, vui sướng khi phạm
tội ác, có lẽ sẽ được tái sinh trong một thế giới mà ta gọi là “Ðịa
Ngục”. Một trường hợp kém tàn ác hơn – ví dụ giết người vì tự vệ – có
thể sẽ được tái sinh nơi “địa ngục” chịu ít đau khổ hơn. Những hành động
thiếu đạo đức với hậu quả không nghiêm trọng lắm có thể khiến cho một
người bị tái sinh làm con vật, thiếu khả năng tu tập cải thiện tâm hồn.
Khi một
người được tái sinh làm người, các hậu quả của những hành vi bất thiện
trong kiếp trước sẽ quyết định hoàn cảnh cuộc sống mới của người đó theo
nhiều cách. Sát sinh nhiều trong đời trước thì kiếp này thọ mạng kẻ ấy
sẽ ngắn ngủi hoặc thường hay bị ốm đau. Nó cũng hướng dẫn người đó có
khuynh hướng giết chóc và chắc chắn họ sẽ chịu quả báo gặp nhiều khổ đau
trong những kiếp tương lai.
Tương tự,
đời trước hay trộm cắp thì kiếp này bị nghèo khổ hoặc bị trộm cướp. Nó
cũng hướng dẫn kẻ ấy tiếp tục có ý tưởng trộm cắp trong nhiều đời sau.
Hành động tà dâm hay ngoại tình dẫn đến hậu quả vợ chồng trong kiếp sau
sẽ không tin cậy lẫn nhau và gặp cảnh khổ vì cuộc sống không chung thủy
hay bị phản bội. Ðây là những quả báo của ba việc làm ác gây ra từ nơi
thân của chúng ta.
Trong bốn
hành động ác xuất phát từ khẩu nghiệp nơi miệng thì người hay nói dối
dẫn đến kết quả là sống ở đời thường hay bị người ta nói xấu. Vọng ngữ
cũng khiến kẻ đó có khuynh hướng tiếp tục nói dối ở kiếp sau, cũng như
bị người ta lừa gạt hoặc mọi người sẽ không tin dù bạn nói sự thật.
Hậu quả ở
kiếp sau của người nói lời gây chia rẽ là cuộc sống cô độc và khuynh
hướng tạo mối bất hòa với mọi người. Lời nói cộc cằn thô lỗ dẫn đến sự
lăng mạ, ngược đãi người khác và khiến họ sanh tâm giận dữ. Người có tật
ngồi lê đôi mách đưa tới hậu quả đời sau khi nói sẽ không có ai nghe và
thường hay nói những câu chuyện nhảm nhí.
Cuối
cùng, quả báo của ba việc làm ác phát xuất từ ý nghiệp là gì? Sau đây là
các tánh xấu bất thiện thông thường nhất của chúng ta. Lòng tham khiến
chúng ta không bao giờ biết đủ và luôn luôn bất mãn. Ác tâm và sân giận
mang lại cho chúng ta sự sợ hãi và dẫn chúng ta đến hành động làm hại
những kẻ khác. Si mê là đặt niềm tin vào điều trái với sự thật, dẫn đến
kết quả là chúng ta không thể hiểu biết, chấp nhận lẽ phải và ngoan cố
bảo thủ, chấp chặt tà kiến.
Trên đây
là một vài ví dụ cho thấy kết quả của các hành động bất thiện. Cuộc sống
hiện tại của chúng ta là kết quả của cái Nghiệp (Karma), việc làm quá
khứ của chúng ta. Hoàn cảnh tương lai, các điều kiện mà trong đó chúng
ta sẽ tái sinh vào, những cơ hội mà chúng ta sẽ có hay không thể có được
để tạo dựng một cuộc đời hạnh phúc tốt đẹp hơn sẽ tùy thuộc vào những
hành động và việc làm hiện nay của chúng ta.
Mặc dù
hoàn cảnh hiện tại của chúng ta được quyết định bởi những hành vi trong
quá khứ, nhưng chúng ta vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hành động của
chúng ta trong hiện tại. Chúng ta có khả năng và trách nhiệm để chọn lựa
phương cách nhằm hướng dẫn mọi việc làm của chúng ta đi theo con đường
đạo đức.
Khi chúng
ta cân nhắc một hành động nào đó xem xét có hợp với đạo lý hay không,
chúng ta nên tìm hiểu động cơ thúc đẩy của hành vi ấy. Một người lấy
quyết định không trộm cắp, nếu anh ta chỉ vì sợ bị bắt hay trừng phạt
bởi luật pháp, vậy thì hành động không trộm cắp của anh ta không phải là
một việc làm đạo đức bởi lẽ những ý tưởng đạo đức không tác động lên
quyết định của anh ta.
Một ví dụ
khác, một người không dám trộm cắp vì sợ dư luận: “Nếu mình trộm cắp
thì bạn bè hay hàng xóm sẽ nghĩ sao về mình? Chắc mọi người sẽ khinh bỉ
và mình sẽ bị xã hội ruồng bỏ”. Mặc dù đó được xem như một quyết định
tích cực nhưng nó vẫn không phải là một hành vi đạo đức.
Bây giờ,
một người cũng có quyết định là sẽ không trộm cắp vì anh ta suy nghĩ
rằng: “Nếu ta trộm cắp tức là ta đã hành động chống lại luật của trời
đất và trái với đạo làm người”. Hoặc là: “Trộm cắp là một việc làm ác,
nó gây cho nhiều người khác bị tổn thất và đau khổ”. Với những động cơ
suy nghĩ như vậy, quyết định của anh ta được xem như một hành vi đạo
đức, hợp luân thường đạo lý. Theo giáo lý đức Phật, khi bạn suy nghĩ cân
nhắc tránh không làm các hành động ác thì bạn sẽ khắc phục được những
phiền não khổ đau. Sự kiềm chế đó của bạn được xem như một việc làm đạo
đức.
Nếu bạn hiểu rõ mọi khía cạnh chi tiết của luật nhân quả thì bạn được gọi là người có trí tuệ thông suốt mọi việc. Kiến thức thông thường của chúng ta không thể thấu triệt đầy đủ về luật nhân quả.
Muốn sống đúng theo luật nhân quả mà đức Phật đã dạy, chúng ta cần tin
tưởng vào giáo lý của Ngài. Khi Ngài dạy sát sinh dẫn đến chịu sự đoản
mệnh, trộm cắp phải gặp cảnh nghèo túng, thực sự không có cách nào để
chứng minh được những lời Ngài nói là đúng với thực tại. Tuy nhiên,
những điều đó chúng ta cũng không nên tin tưởng một cách mù quáng. Trước
tiên chúng ta cần phải có một niềm tin mạnh mẽ nơi đức Phật và giáo lý
của Ngài. Chúng ta nên dùng lý trí, tìm hiểu thấu đáo trước khi tin
những lời dạy của đức Thế Tôn.
Bằng cách
nghiên cứu những đề tài của Phật Pháp được thiết lập bởi những suy luận
hợp lý – như những lời dạy của đức Phật về tánh không và vô thường của
cuộc đời mà chúng ta sẽ khảo sát ở chương mười ba về “Trí Tuệ” – và nhận
thấy rằng chúng thật sự là chính xác thì niềm tin của chúng ta nơi giáo
lý về luật nhân quả – sẽ tự nhiên tăng lên.
Khi chúng
ta muốn tiếp nhận một lời khuyên, chúng ta đi tìm gặp một người nào đó
xứng đáng đề hướng dẫn giúp đỡ chúng ta. Lời khuyên của họ càng rõ ràng
hợp lý, chúng ta càng quý trọng tin tưởng vào lời chỉ dẫn ấy. Nhằm phát
triển: “đức tin sáng suốt”, đối với những lời dạy của đức Phật chúng ta
cũng nên có sự tin tưởng như vậy.
Tôi tin
rằng chúng ta cần phải có một ít kinh nghiệm và phấn khởi trong sự thực
hành để có được một niềm tin sâu xa và thành khẩn trong lòng. Hình như
có hai loại kinh nghiệm khác nhau. Với những người sùng đạo họ có những
kinh nghiệm mà chúng ta không thể có được. Và có những kinh nghiệm thế
tục mà chúng ta đạt được qua sự tu tập hằng ngày.
Chúng ta
có thể phát triển nhận thức, hiểu biết về sự ngắn ngủi, tạm bợ và vô
thường của cuộc đời. Chúng ta có thể nhận thấy bản chất tàn phá của
những cảm xúc khổ đau. Chúng ta có thể có được lòng từ bi quảng đại đối
với mọi người hoặc nhiều kiên nhẫn hơn khi chúng ta đứng xếp hàng chờ
đợi.
Những
kinh nghiệm thực tế như vậy mang lại cho chúng ta cảm giác của nguồn vui
và sự mãn nguyện. Hơn nữa, niềm tin của chúng ta vào những lời giảng
dạy mà chúng ta đã được nghe cũng tăng lên. Ðức tin của chúng ta vào bậc
thầy của mình, người đã truyền cho chúng ta những kinh nghiệm này cũng
được phát triển: Lòng tin vào học thuyết mà vị thầy của chúng ta đang
theo đuổi sẽ được củng cố.
Từ những
kinh nghiệm xác thực đó, chúng ta có thể tiên đoán rằng việc thường
xuyên tu tập của chúng ta sẽ giúp chúng ta thành đạt những kết quả phi
thường như các Thánh Nhân đã thực hiện lưu danh ngàn đời trong quá khứ.
Niềm tin
sáng suốt như vậy có được do tinh thần tu tập của hành giả, sẽ giúp
chúng ta củng cố lòng tin vào giáo lý Nhân Quả của đức Phật. Và điều này
còn giúp chúng ta quyết tâm chừa bỏ không làm các việc ác mà chúng sẽ
gây đau khổ cho chúng ta.
Niềm tin
đó cũng hỗ trợ chúng ta cố gắng tập trung thiền định, thấu triệt đề mục
chúng ta nghiên cứu, và sau cùng nhận biết rằng chúng ta có được trí tuệ
này cũng như hiểu rõ tuệ giác đó xuất phát từ đâu. Sự phản chiếu ấy
được xem như một phần trong quá trình tu tập thiền định của chúng ta. Nó
giúp chúng ta củng cố đức tin vào ngôi Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng và tinh
tấn trong việc tu tập. Nó cũng giúp chúng ta có thêm nghị lực để tiếp
tục dũng tiến trên đường đạo.
Nguyên tác: Đức Dạt Lai Lạt Ma
Chuyển ngữ: HT Thích Trí Chơn
Trích từ sách: An Open Heart
Chuyển ngữ: HT Thích Trí Chơn
Trích từ sách: An Open Heart
0 Kommentare:
Post a Comment