Chữ "tùy duyên" trong nhà Phật phải hiểu cho thật đúng đắn. Chúng ta thường hay lạm dụng những điều Phật dạy để bào chữa cho cái sai lầm của mình. Trong quá trình tu, để thực hành được tùy duyên là rất khó, không khéo sẽ bị mất mình, bị cuốn trôi. Cho nên người tu hành có công phu tốt, đầy đủ bản lĩnh mới dám tùy duyên. Chúng ta còn yếu, mới tập sự thì nên tránh duyên nhiều hơn là tùy duyên.
Sư Cô Hạnh Chiếu
Trích từ quyển "Ánh Sáng Tự Tâm"
Trí Đức Ni, 2014
Trích từ quyển "Ánh Sáng Tự Tâm"
Trí Đức Ni, 2014
Tôi xin mượn tiêu đề một bài thơ chữ Nôm của vua Trần Nhân Tông
"Ở đời vui đạo" làm đề tài chia sẻ với quý Phật tử hôm nay. Đây là bài
thơ vua Trần Nhân Tông làm sau khi Ngài đã thâm hiểu Phật pháp nhưng vẫn
còn sống đời tại gia cư sĩ. Từ sự cuộc sống phức tạp của mình nên đã có
được niềm vui.
Đọc lại lược sử về vua Trần Nhân Tông, chúng ta thấy Ngài là
người có chủng duyên sâu với Phật pháp, vì có chủng duyên nên Ngài muốn
đi tu và nhường ngôi Thái tử cho em trai. Điều này cho thấy thiện căn
của Ngài rất lớn. Thế nhưng hoàn cảnh không cho phép nên Ngài phải miễn
cưỡng lên ngôi.
Phật tử thường hay tâm tình với thầy cô: "Con tiếc là phải chi
con đi tu trước đây mấy chục năm". Tức là đến lúc biết đạo rồi chúng ta
mới thấy tiếc. Tiếc là bởi không ai bắt mình phải chọn con đường khổ,
vậy mà ta chọn. Trong chúng ta có người vì hoàn cảnh bắt buộc phải chọn
như vậy, nhưng cũng có người tự chọn. Đến khi lao vào cuộc sống do chính
mình chọn thì lại không ngờ khổ đến thế. Tuy nhiên, thấy "không ngờ"
thì cũng là một dấu hiệu tốt. Bởi điều đó có nghĩa chúng ta đã thức
tỉnh, thông thường người ta chỉ thức tỉnh khi gặp những điều bất như ý
trong cuộc sống, bấy giờ mới chịu từ bỏ những thú vui tạm bợ của thế
gian, nhận ra cuộc sống thế gian vui ít mà khổ nhiều.
Phàm làm con người thì dù nhà vua hay những người bình thường
như chúng ta cũng đều phải chịu chung những nỗi khổ của một kiếp người.
Cái khổ, về chi tiết thì khác nhau nhưng chất khổ thì giống nhau. Những
ai đã từng khổ đều có thể hiểu được nỗi khổ trong tâm can, sẽ làm bức
xúc chúng ta như thế nào. Có những cái khổ làm người ta da diết. Có
những mất mát, như mất mát con cái, cha mẹ, người thân sẽ làm người ta
đau đớn, xốn xang tới đâu. Những nỗi khổ này con người đều trải nghiệm
giống nhau.
Vua Trần Nhân Tông đã có duyên muốn đi tu nhưng hoàn cảnh bắt
buộc phải lên ngôi. Thời điểm Ngài lên ngôi là khi đất nước bị quân
Nguyên sang xâm lấn. Đây là đội quân hùng mạnh, nước ta lại là một đất
nước nhỏ bé nên trách nhiệm của nhà vua rất nặng nề. Bằng sự khéo léo và
tài năng lãnh đạo, vua Trần Nhân Tông đã cùng với quân và dân ta chiến
thắng quân Nguyên.
Quốc sự đa đoan, trọng trách nặng nề, nhưng nhờ có chủng tử
sâu dày nên nhà vua không quên tâm nguyện xuất gia của mình. Sau khi
chiến thắng quân Nguyên, vua Trần Nhân Tông đã trao ngôi lại cho con là
Thái tử Trần Anh Tông. Tuy trao ngôi lại cho Anh Tông, nhưng vua không
trốn tránh trách nhiệm, không bỏ đi tu liền. Người vẫn ngồi đó để chỉ
dẫn dìu dắt vua con. Ngài lo vua Trần Anh Tông chưa có kinh nghiệm lãnh
đạo đất nước, sợ đất nước vẫn đang bị quân phương Bắc dòm ngó, vì vậy
Ngài lên ngôi Thái thượng hoàng.
Ở trên ngôi vị Thái thượng hoàng, phải chịu trách nhiệm trước
nhân dân đất nước, lại thêm những chuyện phiền phức trong cung cấm...
Vậy mà Ngài vẫn sắp xếp được một thời khóa tu đều đặn, nghiêm cẩn. Ngài
để lại tấm gương cho đời sau, những người đang sống ngoài thế tục, chịu
trách nhiệm với gia đình, xã hội, quốc gia nặng nề, nhưng vẫn tìm cho
mình một lối đi, một lối trở về an vui chân thật.
Khi chúng ta đã buông được cái khổ rồi thì đừng làm mình khổ
nữa, bằng cách phải tìm ra niềm vui. Nếu không có niềm vui sẽ thấy hụt
hẫng, trống trải rồi lao trở lại con đường khổ. Lạ một điều là dường như
con người phải có cái gì đó để bám víu, để nương tựa mới an lòng. Đứng
một mình, không có chỗ dựa thấy lo lắng, cho nên phải tìm chỗ dựa.
Trong đời sống tại gia hay xuất gia tu đạo cũng vậy, nếu không
có niềm vui chúng ta dễ sa ngã. Người hướng đạo thì không còn thích
những thú vui của thế gian, chỉ còn niềm vui trong đạo. Niềm vui của đạo
ở ngay trong cuộc đời này, trong những sinh hoạt gần gũi, cần thiết
hàng ngày của chúng ta, chứ không phải tìm nơi non cao rừng thẩm.
Bốn câu thơ cuối cùng trong bài Cư Trần Lạc Đạo của vua Trần Nhân Tông nói rất rõ về điều này:
Cư trần lạc đạo, thả tùy duyên.
Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo, hưu tầm mích.
Đối cảnh vô tâm, mạc vấn Thiền.
Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo, hưu tầm mích.
Đối cảnh vô tâm, mạc vấn Thiền.
Dịch:
Ở đời vui đạo, hãy tùy duyên.
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền.
Trong nhà có báu, thôi tìm kiếm.
Đối cảnh không tâm, chớ hỏi Thiền.
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền.
Trong nhà có báu, thôi tìm kiếm.
Đối cảnh không tâm, chớ hỏi Thiền.
Ngài bảo muốn ở đời vui đạo thì hãy tùy duyên. Tuy nhiên,
Phật tử đừng hiểu lầm hai chữ tùy duyên trong nhà thiền. Thí dụ buổi
chiều đang ngồi trước nhà, có bạn qua hỏi: "Nhậu không?" "Tùy duyên".
Người bán vé số đi ngang hỏi: "Mua không?" "Tùy duyên. Biết đâu được kỳ
này mình trúng độc đắc, lên nhà lầu". Hiểu tùy duyên như vậy là đang thả
trôi bản thân, sống buông lung theo vọng tưởng, nghiệp tập.
Chữ "tùy duyên" trong nhà Phật phải hiểu cho thật đúng đắn.
Chúng ta thường hay lạm dụng những điều Phật dạy để bào chữa cho cái sai
lầm của mình. Trong quá trình tu, để thực hành được tùy duyên là rất
khó, không khéo sẽ bị mất mình, bị cuốn trôi. Cho nên người tu hành có
công phu tốt, đầy đủ bản lĩnh mới dám tùy duyên. Chúng ta còn yếu, mới
tập sự thì nên tránh duyên nhiều hơn là tùy duyên. Cần biết duyên nào có
thể tùy, duyên nào không thể tùy, không nên cẩu thả làm càn mà rước họa
vào thân.
Như trường hợp của Lục tổ Huệ Năng, khi Ngài đã ngộ đạo, dù
còn hình thức cư sĩ nhưng vẫn được Ngũ tổ Hoằng Nhẫn truyền y bát. Lúc
này, vì tâm ích kỷ nên một số đệ tử của Ngũ Tổ đã rượt theo Lục Tổ để
lấy lại y bát. Ngài phải chạy trốn nhiều nơi, cuối cùng vào rừng ở với
nhóm thợ săn. Ngài mang hình thức cư sĩ không thể nói pháp sớm, đồng
thời để tránh lộ tung tích, tránh bị hại, Ngài phải an nhẫn. Thợ săn
không ăn chay được nên mỗi ngày Lục Tổ đều hái rau về nấu chung với nồi
thịt của họ. Đến bữa ăn, nhóm thợ săn ăn thịt, còn Ngài ăn rau trong nồi
thịt. Tại sao Lục Tổ phải làm như vậy? Bởi vì tùy duyên.
"Tùy duyên tiêu nghiệp cũ, hồn nhiên vận y xiêm". Tùy duyên
tiêu nghiệp cũ, có nghĩa là tùy duyên tiêu trừ nghiệp cũ để giữ sự an ổn
cho thân tâm và để duy trì đạo nghiệp, chứ không phải tùy duyên để thỏa
mãn tâm tham đắm ngũ dục. Lục Tổ không muốn ăn mặn nhưng nếu chấp thà
chết chứ không ăn gì hết, là không biết tùy duyên, sẽ không thành tựu
việc lớn. Nếu ngày xưa Lục Tổ cố chấp nhịn đói, hôm nay chúng ta sẽ
không có dòng thiền đốn ngộ để tu tập rồi.
Cho nên, phải biết vì đại sự mà bỏ tiểu tiết, như vậy mới là
tùy duyên. Tuy bỏ tiểu tiết nhưng vẫn giữ vững lập trường, cương lĩnh
của chúng ta. Cương lĩnh ở đây chính là tâm tỉnh giác, tâm thanh tịnh.
Đối với những bậc đã đạt đạo thì tùy duyên không sao, chẳng hạn như Lục
Tổ tùy duyên, ta không thấy lo ngại cho Ngài. Nhưng nếu mình bắt chước
làm theo như vậy thì đáng sợ đấy. Bữa nào đang ăn chay, bất thình lình
bỏ rau vô nồi thịt của người ta, rồi nói: "Tôi là con cháu Lục Tổ" thì
nguy. Chỉ khi nào tham sân si đã chấm dứt chúng ta mới làm như vậy được.
Các bậc trưởng lão thường hay quở: "Người thời nay có bệnh tu chưa tới
đâu mà hay nói cao làm càn".
Chúng ta phải tập sống thanh thản, sống tùy thuận với người
khác, cho dù không có chánh kiến, quan điểm. Những điểm khác đó người
thế gian gọi là tánh tình, trong đạo gọi là tập khí hay thói quen. Có
người thích ăn nóng, có người thích ăn nguội. Chúng ta thích ăn nguội mà
hôm nào đó, tất cả các món ăn trên mâm cơm đều nóng, chúng ta tùy duyên
bằng cách không cằn nhằn, chịu khó cầm bát lên thổi, chừng nào nguội
hãy ăn. Như vậy mình vẫn ăn theo sở thích mà không làm thương tổn người
khác. Đây gọi là khéo tùy duyên.
Trong gia đình, có khi hai người không cùng một ý với nhau.
Những mâu thuẫn trong gia đình nói riêng và trong cuộc đời này nói
chung, đều phát xuất từ những ý kiến riêng, không ai tùy thuận ai. Phải
hiểu rõ tùy thuận khác với việc người ta làm gì mình cũng làm theo, bất
kể đúng hay sai. Tùy thuận có nghĩa là ta tôn trọng ý của người khác,
không kích bác hay khó chịu, việc ai nấy làm, ta không hẳn làm theo khi
họ sai. Nếu người kia có nói những điều không hay, chúng ta quán xét
lại. Tiện thì nói cho họ thông cảm, không tiện thì chờ cơ hội khác, sẽ
nói cho họ hiểu. Không nên phản kháng ý kiến của người khác ngay lập tức
hoặc quá kịch liệt. Như vậy ta không giải quyết được sự việc mà còn tạo
cú sốc cho người. Bởi tất cả chúng ta đều còn phàm phu, đều có bản ngã.
Nghệ thuật sống của cuộc đời như một vũ điệu. Người này bước
tới thì người kia phải bước lui. Như vậy mới nhịp nhàng, ăn khớp. Có câu
chuyện thế này:
Một người nọ có đời sống gia đình rất hạnh phúc. Bạn bè đến hỏi:
- Tôi nghe nói anh rất hạnh phúc, có đúng không?
Anh trả lời:
- Vâng, tôi có hạnh phúc.
Người kia hỏi:
- Tại sao chúng tôi không có hạnh phúc, anh hãy chỉ cho chúng tôi một thủ thuật.
Anh nói:
- Thủ thuật của tôi rất đơn giản. Như một điệu múa vậy. Khi
người nhà bước tới thì tôi bước lui, người nhà bước lui thì tôi bước
tới. Lúc nào cũng ăn nhịp với nhau.
Nguyên tắc chỉ vậy thôi. Nếu cùng bước tới một lượt thì sẽ
đạp lên nhau, hoặc cùng bước lui thì rã hùn. Nghĩ cũng lạ, người ta hay
cùng nói một lượt rồi lại nín một lượt. Cho nên, hết chiến tranh nóng
lại tới chiến tranh lạnh. Nói một lượt là nóng, nín một lượt là lạnh.
Nóng lạnh liên miên như vậy thì nhà tan cửa nát là chuyện đương nhiên
rồi. Đây gọi là không tùy duyên.
Cuộc sống thiếu an vui là vì người ta không thông cảm, không
nhường nhịn, không sáng suốt. Muốn sống tùy duyên thì phải có trí tuệ và
lòng từ bi. Thường xuyên thực tập lời Phật dạy, chúng ta mới có thể
sống tùy duyên đúng nghĩa. Khi nghe vấn đề gì, ý thức liền phân biệt
nhanh chóng. Lúc đó chúng ta khoan nói, nói nhanh dễ bị huốt. Người tu
giỏi là người có cặp thắng tốt. Khi xuống dốc mà cặp thắng không ăn thì
rất nguy hiểm.
Chúng sanh đang sống trong ngũ dục, con đường này nhiều hiểm
họa. Khi gặp chuyện, nếu không có cặp thắng tốt, không thắng kịp, chúng
ta sẽ gặp tai nạn. Tai nạn nhẹ thì bị thương, nặng thì chết. Huynh đệ
xích mích chút đỉnh còn xin lỗi được, gây gổ căng thẳng quá không kết
nối lại nổi, thế là đổ vỡ tình thân. Từ những phiền não ấy dần dần thối
chuyển tâm bồ-đề muốn bỏ tu. Thế là tiêu tan đạo nghiệp. Thật đáng
thương và đáng sợ!
Mỗi khi quý thầy cô về các đạo tràng giảng dạy, đều thăm hỏi
sách tấn Phật tử tiến tu, đại chúng vui vẻ phấn phát thấy rõ. Những lúc
bận nhiều Phật sự thầy cô không về được, Phật tử xuống tinh thần muốn
nghỉ tu. Đó là quý vị không tự thắng mà nhờ thầy cô thắng giùm. Thật ra
thì xe ai nấy thắng, chứ không thể nào người này đang chạy mà người kia
đưa tay thắng giùm được. Khi ý nhanh thì miệng phải chậm, thân cũng
chậm. Phật tử nữ hay nói thì xin giữ cái miệng chậm lại, Phật tử nam hay
động tay động chân thì xin giữ thân và tay chân chậm lại. Chúng ta thử
thực tập, khi vừa nảy ra một ý nào thì khoan nói, bởi vì không lâu sau
mình sẽ nảy ra ý khác. Hãy lắng nghe trở lại và quán chiếu sâu hơn để
thấy chậm một chút lại rất hay.
Con người thường gây nhau vì ai cũng cho mình đúng. Chúng ta
đừng bắt người khác phải nghĩ giống mình, trong khi chính mình cũng muốn
bảo vệ lập trường riêng. Nếu có người không đồng chánh kiến ta vẫn cứ
trân trọng, sau đó nhẹ nhàng trao đổi và luôn nhớ tùy duyên. Chữ "tùy
duyên" của vua Trần Nhân Tông đã nói trong bài thơ "Ở đời vui đạo" có ý
nghĩa rất sâu xa. Ở đây chúng ta chỉ nói trong phạm vi nhỏ mình đang
sống. Nói cao quá mà không ứng dụng được thì không có giá trị.
Trong đời sống tại gia, quý Phật tử không thể tùy duyên đói
ăn, khát uống, mệt ngủ theo kiểu tập khí được. Vì tùy duyên như vậy sẽ
dẫn đến tình trạng buông lung. Phật tử nên biết hạn lượng của mình mà
tu, như vậy sự tu mới không phiêu bồng. Chúng ta không biết mức mà đi
quá lượng thì sẽ phiêu bồng. Muốn có đời sống an vui thì bỏ hết, đừng
nuôi nấng vọng tưởng, nuôi nấng những kiến chấp sai lầm. Tâm đơn giản,
ít phân tích chia sẻ, cuộc sống sẽ dễ chịu.
Niềm vui nằm ngay nơi đây, không tìm kiếm đâu xa. Khi chúng
ta nhìn vào một sự việc, vẫn thấy vẫn nghe rõ ràng nhưng không để tâm
duyên theo, không dùng ý thức phân biệt. Đó chính là tâm chân thật rõ
biết. Biết bằng tâm này thì không bao giờ phiền não. Như khi nghe ai nói
chuyện, họ nói tới đâu ta nghe tới đó, không hiểu thì bỏ qua, giữ lòng
thoải mái. Chỗ này là chỗ vui trong đạo. Vui được chỗ này thì trăm ngàn
cái vui thế gian ta bỏ dễ dàng. Đây là chỗ thực tu thực nghiệm, không
thể ráng hiểu theo kiểu sáo ngữ mà được.
Cho nên, người biết tu thì quá khứ cũng chính là hiện tại. Ba
thời không thật, nhưng ba thời cùng hiện hữu trong một niệm đang là.
Hiện tại này ai biết? Chúng ta biết, mắt thì thấy, tai nghe, mũi ngửi,
lưỡi nếm, thân xúc chạm và ý biết. Thí dụ ta đã từng đi thiền viện Trúc
Lâm. Bây giờ, nhớ lại hình ảnh của thiền viện Trúc Lâm cách nay ba
tháng. Đây là hình ảnh trong quá khứ, nhưng mình đang nhớ lại trong giây
phút hiện tại. Cho nên, trong một sát-na mà gồm cả ba thời.
Hiện tại là cái đang có mặt, nghĩ về quá khứ thì quá khứ đó
cũng đang diễn ra trong hiện tại. Đã là hiện tại thì không phải quá khứ.
Khi ta ngồi đây mà nhớ về một hình ảnh ba tháng trước, là đã đánh mất
hiện tại, mà cũng chẳng thể trở lui về quá khứ. Cho nên buông bỏ ký ức,
sống trở về với thực tại là việc chân thật. Thấy chỉ thấy, nghe chỉ
nghe. Rất đơn giản, không cần suy nghĩ gì hết. Tổ Tăng Xán nói: "Chí đạo
vô nan", chỗ tột của đạo không khó. Khó là chúng ta quen chạy lòng
vòng, quán đủ thứ nên không yên. Muốn yên ổn, tĩnh lặng chỉ cần dừng
nghỉ.
Một khi phiền não khởi lên trời ta mới quán chiếu là đã đứt
thắng. Chịu khổ quá nhiều, sau đó mới nói: "Giờ con chỉ muốn tu thôi,
không còn ham muốn gì ngoài thế gian nữa". Thật ra không phải không còn
ham muốn ở thế gian, mà là ham muốn không được, tiêu tan hết rồi, đâu
còn gì nữa để ham muốn. Nói không ham muốn là ngay từ đầu không chạy
theo, không bám víu, không mưu cầu. Đằng này bám vào rồi bị hất ra mới
nói "không cần", tâm trạng này thật đau đớn, thật đáng thương.
Tánh giác hay tánh biết luôn luôn đi trước rồi mới tới sự
phân biệt. Nhưng thường chúng ta chạy theo ý thức phân biệt mà quên mình
có tánh giác. Thí dụ trước khi phân tích người này đen hay trắng, ốm
hay mập thì ta phải thấy họ trước. Thấy đối tượng trước mới phân tích
sau. Vậy, tánh thấy bình thường đi trước. Thấy mà không cần động não,
không cần dụng công. Đây chính là chỗ tu hành. Chúng ta không biết cách
tu nên thường dụng công phí sức mà không có kết quả. Phật, Tổ đi đúng
đường, không dụng công mà sử dụng ngay cái gốc ban đầu. Tánh thấy ban
đầu mới là căn bản, cho nên nói Đại Trí Văn Thù là trí căn bản, nghĩa là
trí ốc. Cho nên, bản kinh nào cũng đưa Bồ-tát Văn Thù đi đầu, vì đó là
trí căn bản.
Nhìn sự vật rồi phân tích là thói quen nhiều đời của tất cả
chúng sanh. Sự phân tích ấy thường hay thái quá. Bởi đôi khi sự việc
không đến như thế, mà người ta ráng nghĩ cho tới hoặc vượt qua hạn lượng
của nó, nên gọi là thái quá. Việc gì quá sức thì làm không nổi, cuối
cùng mất sức và không thành tựu được gì hết. Phân tích trên sự kiện hay
con người là đã vượt qua cái hiện thực, như vậy là quá sức thứ nhất. Dựa
trên sự phân tích đó, tính chuyện này chuyện kia, là quá sức thứ hai.
Hai lần quá sức làm sao đảm đang nổi việc gì.
Chúng ta thực tập ai nói gì nghe đó, không vướng chuyện hôm
nay, chuyện ngày mai. Sống như vậy không khỏe sao! Sống như vậy nhà Phật
gọi là sống vừa sức. Niềm vui đạo nằm ở ngay đây. Tu cách này không
phải dụng công gì. Tại sao? Vì dụng công vào chỗ nào, vừa thấy là thấy
rồi, vừa nói là nghe rồi, lấy cái gì dụng công. Cho nên giác ngộ không
phải làm cái gì hơn, chỉ có bấy nhiêu thôi.
Như nghe người ta nói "bà điên", mình nghe "bà điên" rồi là
xong, không cần nghĩ thêm nữa. Tiếng "bà điên" do ai nói và nói ai, mình
không cần biết, không cần phân tích thêm. Nghe rõ "bà điên" mà không
cần phân tích là người không điên, còn nghe xong liền cãi lại là chứng
tỏ có điên. Bởi không điên thì hơi sức đâu mà cãi với người nói bậy. Đây
là cách đóng chuồng trước khi mất trâu. Cách này không cần thông minh,
không cần dụng công, người chậm lụt nhất cũng có thể làm được. Đôi khi
người chậm lụt lại dễ tu hơn, vì ít suy nghĩ điều gì. Nghĩ nhanh quá có
khi nói bậy.
Như vậy mới thấy chúng ta sống quá xa với cái chân thật. Tánh
giác là gì? Là cái hay biết. Sống đạo là gì? Là sống thực. Sống thực là
sao? Duyên tới đâu sống tới đó. Tất cả muôn pháp đều đến và đi, chỉ còn
lại cái hay biết là không thay đổi. Sống được chỗ này thì coi như vào
vị "bất động địa", không ai làm xúc não mình được.
Cái hay nghe, hay biết vốn không dính trần cảnh nhưng chúng
ta lại bỏ quên. Khi đã theo cảnh thì tánh thật ẩn khuất nên có cũng như
không. Do đó nổi trôi trong sanh tử, chìm lặn trong sáu đường. Phật tử
thử thực hành xem điều này có khó làm không. Ví dụ sau một ngày tu tập,
về tới nhà lòng thảnh thơi nhẹ nhàng, mở cửa bước vào. Người nhà hỏi:
- Đi đâu mà về tối dữ vậy?
- Đi nghe pháp.
- Thiệt không?
- Thiệt.
- Nói dóc.
- Không nói dóc.
Nói xong, lên giường ngủ. Trả lời rõ ràng mà tâm bình thường
không xao động. Rất giản dị, rất dễ thương. Đó là hay nghe, hay thấy mà
không có phiền não. Điều này chúng ta thực tập được chứ! Đâu có khó, khó
là vì ta không nhớ làm, không làm nên không quen.
Pháp tu thật ra không khó, vì chúng ta hay chạy theo ngoại
cảnh nên chư Phật phải phương tiện dẫn chúng ta đi đường vòng. Chúng
sanh thích ở cõi nước có nhiều lầu các, điện ngọc, dây báu treo trên
tường, lan can cũng bằng dây báu, sáng hái hoa bay đi cúng Phật... Con
người vốn cứ mơ tưởng về một hình ảnh khác nên đánh mất hiện thực. Phật
biết bệnh của chúng sanh là tham nên khuyến dụ: "Ráng lên con, ráng nhất
tâm niệm Phật để được về Cực Lạc". Đến khi niệm Phật nhất tâm rồi thì
chính Phật hiện tiền và trở về chỗ vô niệm.
Cái vui trong đạo rất đơn giản. Như thấy người than đói khổ,
ta liền lấy một chén cơm cho họ ăn mà lòng không cảm thấy thi ân bố đức.
Vì vậy, tâm thanh thản. Chính sự thanh thản này đem đến cho ta một đời
sống ổn định. Chính sự ổn định này làm cho chúng ta sử dụng được năng
lực một cách tốt nhất. Đây là sự thật. Cái ổn định khác với tâm không
dám động niệm, hay thấy, hay biết của chúng ta chính là trí dụng, biết
mà không động.
Chúng ta có sẵn tánh hay thấy, nhưng không tả được vì nó
không có hình tướng. Nhờ tánh hay thấy mới thấy được các pháp. Gốc là
tánh biết nhưng ở con mắt thì gọi tánh thấy, ở tai gọi tánh nghe, ở mũi
gọi tánh ngửi... Vị nào nhãn căn bị khuyết, tánh biết sẽ tinh thông hơn ở
tai, tức là nhĩ căn.
Tánh hay biết này tả không được nhưng luôn hiện hữu. Chỗ này
không nên tìm hiểu, biết thì liền biết, không biết thì thôi. Biết không
được thì nó vẫn nằm đó, chứ không mất đi đâu. Mặc dù chúng ta quên nó,
đánh mất nó cũng không mất. Ngược lại ta càng đánh mất nó, càng đau khổ
trong cuộc đời thì nó càng hiện rõ hơn. Tại sao? Như khi mình buồn, ai
biết buồn? Chính cái tâm biết nhưng nó không phải là nỗi buồn. Nó biết
rõ trạng thái buồn khổ đang làm chúng ta mệt mỏi khó chịu vô cùng. Tuy
biết nhưng nó không can thiệp vào việc chúng ta chạy theo hay không chạy
theo nỗi buồn. Nếu dấy niệm chạy theo thì khổ, không dấy niệm chạy theo
thì hết khổ. Vậy thôi.
Như nước sạch cũng ướt, nước dơ đục cũng ướt. Vậy, nước sạch
không phải là thể của nước, nước dơ cũng không phải là thể của nước.
Tánh ướt mới là thể của nước, thể của nước là ướt. Như vậy khi nước đang
dơ, nó vẫn có thể, vì nó ướt. Cũng thế, khi chúng ta sân, tánh biết
cũng có nhưng mình đang chạy theo đối tượng sân hoặc chạy theo sự việc
đang sân, mà quên là mình luôn biết. Vì vậy, khi vừa biết mình đang sân
thì cơn sân sẽ giảm ngay. Bởi lúc đó chúng ta trở về vị trí hay biết.
Cái hay biết thì không sân.
Khi không có công phu tu mà chúng ta giận thì sẽ bị trôi theo
cơn giận và tạo nhiều nghiệp xấu. Người có công phu tu, khi giận, đang
nói nửa chừng, chợt biết là mình nói quá lời, liền nhớ: "Sao mà giận dữ
vậy?" Đến đây dừng được một bước. Tiến thêm một bước nữa, biết "Mình
đang giận, đang sân là đang bị nghiệp dẫn", tới đó thì trạng thái sân sẽ
hạ xuống. Đến đây nhảy thêm một nhảy nữa là quán chiếu rõ cái sân ấy
không thật, mình không thật, người không thật, thì nó sẽ dần dần tiêu
tan.
Người biết tu thì ít phí sức, không chờ lên bồ đoàn tọa cụ
mới tu. Phật tử công ăn việc làm quá nhiều, thời khóa không giữ được
đều. Nói như vậy không có nghĩa là dung túng cho mình được phép bỏ ngồi
thiền, bỏ tụng kinh. Nhưng trong trường hợp không thể thực hiện được
thời khóa thì phải tỉnh ngay trong hoàn cảnh hiện tại. Bởi chúng ta tiếp
xúc với thực tại liên tục, vì vậy cơ hội chuyển hóa và trực nhận cũng
liên tục. Phiền não tới đâu thì Bồ-đề tới đó. Tỉnh là Bồ-đề, mê là phiền
não. Muốn vui đạo thì phải như vậy mới vui được trong cuộc đời.
Chúng ta đừng mất niềm tin nơi mình. Điều này không khó, chịu
khó tập sẽ được. Như bây giờ ngồi nghe pháp thì biết đang nghe pháp, về
tới nhà mở cửa biết rõ đang mở cửa. Rồi rửa mặt, rửa tay, rửa chân, làm
tới đâu biết tới đó. Nếu chưa ăn cơm thì vào bếp kiếm cơm ăn. Có cơm
thì ăn cơm, không có cơm thì ăn qua loa cái gì đó hoặc lấy ly nước bỏ
một ít đường vào uống, rồi đi ngủ. Những chuyện này làm không cần suy
nghĩ. Ai sống được như vậy rất khỏe.
Cũng có lúc ta dễ thương vậy mà người ta vẫn không để cho
mình yên. Họ kiếm chuyện gây. Gây thì gây một mình đi. Ta vẫn cứ nằm im
gật đầu, ai cằn nhằn mặc kệ. Nghe rất rõ nhưng không tức giận. Nổi giận
thì hết ngủ, thì thua. Đó là cách ở đời vui đạo, hãy tùy duyên
của vua Trần Nhân Tông chỉ dạy cho chúng ta. Có nhiều cách để sống tùy
duyên, miễn sao không kẹt duyên cũng không trôi theo duyên. Chúng ta
sống theo cái của mình. Đó là gì? Là hạt châu vô giá. Vô giá vì dùng
liên tục mà không bao giờ hết, dùng được cả cho mình và mọi người.
Tại sao cho cả mọi người? Chúng ta nhớ lại hình ảnh đức Phật
bị Đê-bà-đạt-đa và vua A-xà-thế hại. Về phía vua A-xà-thế thì đã giết
được vua cha Bình Sa Vương, còn Đề-bà-đạt-đa thì chưa giết được đức
Phật. Vì vậy, Đề-bà-đạt-đa đã phục rượu một con voi cho say. Sau đó chờ
đúng thời điểm đức Phật sắp sửa đi qua thì ông thả voi ra. Con voi vừa
dữ tợn, vừa cuồng loạn, phóng chạy thẳng về phía đức Phật. Lúc này, đức
Phật thấy rõ con voi đang say và chạy như điên tới trước mặt Phật. Với
trí tuệ của Phật cùng với năng lực của lòng từ, Ngài đã rải tâm từ ra:
"Con đang rất khổ vì sự bức bách. Con cũng có tánh biết như Như Lai, vì
rượu hành nên con chạy. Vì vậy, Như Lai sẽ dùng lòng từ này chan rải,
phủ khắp lên thân tâm con".
Khi lòng từ của đức Phật trải ra thì biến thành một năng lực
chuyển hóa rất lớn. Tình thương của đức Phật đối với con voi say lớn tới
mức thay vì nó quấn lấy Ngài thì nó lại sụp xuống và hai dòng nước mắt
chảy ra. Trên lầu cao Đề-bà-đạt-đa và vua A-xà-thế thấy như vậy, hết sức
bất ngờ. Tại sao đức Phật có được năng lực đó? Bởi đức Phật luôn luôn
dùng tâm hiện tiền, biết rõ cảnh vật hiện tiền, tất cả đều trong trí tuệ
và tình thương, nên muôn sự muôn vật đều cảm nhận và đón trả lại cho
Ngài cũng bằng chính tâm thanh tịnh ấy.
Ở thiền viện Linh Chiếu có một bầy chó, trong đó có một con
khó dạy nhất. Ban đêm, bầy chó được thả ra để giữ chùa, ban ngày thì
nhốt lại vì sợ nó sủa khách thập phương. Hàng ngày, theo lệ khi cho ăn
xong thì cô nuôi chó sẽ nói "Vô chuồng", thế là mạnh con nào con nấy tự
vô chuồng. Tám đứa tám cái chuồng, nhưng có một con lại sợ vô chuồng.
Mỗi lần nói vô chuồng thì nó đi lòng vòng, liếc liếc cô chủ, nếu cô
không để ý là nó đi chơi luôn. Cô này biết cái tật đó, nên mỗi lần kêu
vô chuồng, cô không để ý con nào mà chỉ để ý nó. Thế là cả hai cứ liếc
liếc nhau.
Có bữa cô năn nỉ "Vô đi con", nói năm lần bảy lượt nó mới
chịu vô. Bữa đó nhiều việc, cho ăn cơm xong cô không có thời gian năn
nỉ. Biết con này sẽ quần quần bên ngoài, nên vừa nói vô chuồng là tay cô
chụp liền cái roi quất nó. Con chó chẳng những không vô mà chạy mất
dạng luôn. Cô không có thì giờ nên cho nó chạy luôn. Tới giờ ăn trưa,
kêu tám đứa ra ăn thì thấy thiếu nó. Biết nó đi mất rồi, mấy cô vừa
thương vừa sợ nó ra đường bị bắt, nên chia nhau đi tìm khắp nơi mà không
có.
Bữa đó tôi có việc đi xuống vườn chuối. Xuống tới nơi thấy nó
nằm tròn vo trong một gốc phủ đầy lá chuối, cặp mắt rất tội nghiệp. Vừa
nghe tiếng sột soạt nó dòm lên. Thấy nó tôi mừng quá: "Trời ơi, con ở
đây hả? Hồi sáng giờ mấy cô kiếm con quá chừng"!. Tôi vuốt ve thế là nó
bắt đầu nhõng nhẽo, vẫy cái đuôi thật dễ thương. Sau đó tôi nhắn cô coi
chó ra. Vừa thấy cô, nó đứng dậy tính bỏ chạy. Cô hét lên một tiếng:
- Đứng lại!
Con chó run không dám nhìn cô. Tôi nói:
- Em ơi. Chị không phải là chó mà cũng thấy sợ quá.
Lúc đó, gương mặt của cô đằng đằng sát khí vì giận con chó. Tôi can:
- Em muốn cho nó ăn thì phải dịu xuống đi. Đừng giận nó nữa. Nó đang sợ lắm.
Cô nói:
- Nó lì lắm. Giả bộ đuôi vậy chứ không có sợ ai đâu. Nó làm bộ với cô đó. Con biết mà.
Tôi bảo:
- Sao cũng được, nhưng bây giờ muốn nó về chuồng ăn thì em phải dịu giọng xuống trước đã.
Cô bắt đầu đổi giọng, nhưng con chó vẫn còn sợ. Bởi nó cảm
nhận được cô đổi giọng là để dụ nó thôi, chứ vẫn chưa yên đâu.
Tôi nói:
- Em ơi, ngoài đổi giọng, em cũng đổi luôn cái bụng nữa. Đừng giận con chó thiệt tình đi.
Nghe vậy, cô đã bớt giận. Lần thứ hai, cô gọi con chó theo
đúng giọng thường ngày hay gọi nó, con chó liếc liếc nhìn cô từ đầu đến
chân, nhưng vẫn chưa dám chui ra.
Tôi động viên:
- Em phải thật lòng mới được.
Cô phì cười một cái thì con chó tự động chạy vô lòng cô liền.
Vậy mới biết, chỉ có ánh mắt thật sự yêu thương của chúng ta
mới làm cho loài vật cảm được. Ánh mắt đó khi đã bị sân si che mờ thì
không ai dám đến gần mình. Năng lực của tâm thật lớn. Tâm của Phật không
còn phiền não nữa, chỉ còn tình yêu thương muôn loài, thấy con voi tội
nghiệp quá, Ngài nhìn trong ánh mắt yêu thương đến độ con voi phải quỳ
xuống, rơi lệ. Nó tin tưởng Ngài sẽ bảo bọc nó, không hại nó như những
người khác.
Tất cả chúng ta đều có tâm Phật, nhưng mình cứ chạy theo
những lao lự toan tính nên không dùng được tâm ấy. Bây giờ hãy buông hết
những nghi ngờ, toan tính, những hiểu lầm lẫn nhau để nhìn bằng trực
tâm. Lúc đó, ta không muốn an thì cuộc đời vẫn an. Được như vậy thì Đối cảnh không tâm, chớ hỏi thiền.
Thật tiếc thay! Khi mình có cái hiện tiền đầy đủ mà không
dùng đến. Chúng ta hãy nhớ cái gì là cái của mình để dùng cho đúng, cho
chính đáng. Cái không phải của mình thì đừng đụng tới. Tất cả chuyện
trên thế gian không phải là của mình. Nó là của duyên, duyên hợp thì sẽ
tan. Nhưng nhờ thấy duyên mà chúng ta nhận ra được cái thật. Cho nên
người biết tu biết sống thì mọi buồn phiền bỏ hết. Sự nghiệp ở thế gian
vẫn làm bình thường nhưng trong tâm không vướng mắc. Mọi thứ đều không
thật. Cái thật luôn bên mình nhưng không sắc tướng nên ta không nhận ra,
cứ chạy theo cảnh theo người theo vật, theo tất cả những thứ của thế
gian, thành ra quá sức và mất sức. Từ đó, làm thương tổn cả thân lẫn
tâm.
Bây giờ vâng lời Tổ dạy, chúng ta cùng nhau quay lại nhận lấy gia bảo nhà mình mà sống tùy duyên "ở đời vui đạo" vậy!
0 Kommentare:
Post a Comment