Cũng thế, tâm chúng ta lăng xăng là đục, bao giờ nó lặng được thì
thành trong. Mà trong là sáng, nhà Phật gọi đó là tánh giác. Tánh giác
từ đâu tới? Chỉ sạch đi cặn bã vọng tưởng thì nó hiện ra. Tánh giác sẵn
có nhưng vì lâu nay bị những thứ khác hòa tan, khuấy nhiễu làm cho nó
đục...
HT. Thích Thanh Từ
Trong kinh kể, khi giác ngộ viên mãn, Đức Phật có đầy đủ Tam minh, Lục thông. Tam minh gồm:
1. Túc mạng minh: Phật thấy biết vô số kiếp về trước của mình cũng như của chúng sanh như chuyện mới xảy ra hôm qua.
2. Thiên nhãn minh: Phật thấy suốt những vật hết sức xa và hết
sức nhỏ. Như trong hư không Phật thấy thế giới nhiều như cát sông Hằng.
Lời nói ấy tới ngày nay khoa học, thiên văn học mới tìm được phần nào
thôi, chớ chưa thấy hết. Nhìn vào một bát nước Phật nói có vô số vi
trùng. Vì thế có câu "Phật quán nhất bát thủy, bát vạn tứ thiên trùng",
nghĩa là Phật nhìn trong bát nước, thấy có tám muôn bốn ngàn vi trùng.
Hồi đó không có kính hiển vi mà Ngài vẫn thấy, tới bây giờ không hề lạc
hậu. Nhìn vào thân này, Phật cũng bảo có vô số vi trùng, nguyên chữ Hán
là "Nhân thân chi nội hữu vô số vi trùng, tại trung vi trú", tức trong
thân này có vô số vi trùng.
Cái thấy, cái biết từ sự buông hết loạn tưởng, tâm hoàn toàn an định
gọi là tuệ. Đây là trí tuệ chớ không phải là trí thức. Trí thức là những
gì chúng ta học được từ bên ngoài, còn trí tuệ là cái sáng suốt phát
sinh từ bên trong, do thiền định mà có.
3. Lậu tận minh: Phật thấu suốt do nguyên nhân nào chúng sanh
đi trong luân hồi sanh tử và làm cách nào để thoát khỏi sanh tử. Nên bài
pháp Tứ đế, Ngài nói rõ nguyên nhân và kết quả sanh tử, nguyên nhân và
kết quả của giải thoát sanh tử.
Trong nhà Phật dùng từ trí vô sư, tức trí không có thầy. Trí đó là
tánh giác của mình, nhưng vì ta vô minh nên nó bị khỏa lấp từ lâu. Bây
giờ lóng sạch hết những vọng tưởng lăng xăng, không còn gì che lấp nữa
thì nó sẽ sáng lên. Các nhà bác học khi muốn nghiên cứu một vấn đề gì,
họ phải dồn hết tâm lực vào đó, có khi quên cả ăn ngủ, vợ con. Nhờ tập
trung như vậy mới phát minh được việc này việc nọ. Thử hỏi lúc đó họ học
với ai? Chỉ chú tâm vào một vấn đề, buông hết mọi chuyện chung quanh,
tâm trí tự sáng lên. Cũng thế, trí vô sư có sẵn nơi mình, nhưng ta không
dùng được là tại không biết phát huy.
Đạo Phật đúng ra không phải là một tôn giáo, một triết học, mà là đạo
giác ngộ. Phật là bậc giác ngộ, đạo là phương pháp đưa chúng sanh tới
giác ngộ. Đến với đạo Phật không phải từ lòng tin mà từ trí tuệ. Tin mới
gọi là tôn giáo, tín ngưỡng. Còn triết lý do suy luận mà hiểu, có lúc
sẽ lỗi thời. Đạo Phật dạy chúng ta giác ngộ, từ thâm tâm sáng lên thấy
đúng như thật. Nên người học Phật là người tìm đến chỗ cứu kính như
thật. Muốn tới chỗ cứu kính đó phải quên những vụn vặt lăng xăng, trí
tuệ mới phát sinh. Rõ ràng trí tuệ ấy không phải từ đâu tới, nó có sẵn
nơi mình rồi, nhưng tại ta bỏ quên.
Tôi thường ví dụ, chúng ta múc nước đục đổ vào khạp. Ban đầu nước đục
không xài được. Ta chịu khó lóng phèn hoặc để nó yên lặng một thời
gian, nước trong trở lại mới dùng được. Tại sao nước đục? Tại có chất
nhơ bẩn, đất bụi hòa tan trong đó nên nó đục. Những chất ấy lắng xuống,
chìm lặng hết thì nước trở thành trong. Khi nước đục thì vô dụng, lúc
thành trong là hữu dụng. Đục và trong, công dụng khác nhau. Thử hỏi nước
trong từ đâu tới? Ngay trong nước đục có, chớ từ đâu. Nước đục mà khéo
lóng thì thành trong.
Cũng thế, tâm chúng ta lăng xăng là đục, bao giờ nó lặng được thì
thành trong. Mà trong là sáng, nhà Phật gọi đó là tánh giác. Tánh giác
từ đâu tới? Chỉ sạch đi cặn bã vọng tưởng thì nó hiện ra. Tánh giác sẵn
có nhưng vì lâu nay bị những thứ khác hòa tan, khuấy nhiễu làm cho nó
đục. Bây giờ muốn nó trong trở lại, thì chỉ cần lắng hết tất cả vọng
tưởng tức là định, định rồi phát tuệ. Đó là một lẽ phi thường. Phi
thường mà rất bình thường.
Người ta cứ nghĩ tánh giác và mê lầm, hai cái khác nhau. Nhưng thật
ra không khác. Mê vì loạn, bây giờ bỏ hết loạn thì trở thành giác. Giống
như nước trong là từ nước đục lóng xuống mà có. Như chúng ta thấy sóng
biển vỗ ầm ầm, chú ý nhìn từng lượn sóng nổi lên lặn xuống, nổi lên lặn
xuống. Lúc đó biển chỉ bằng lượn sóng, vì ta thấy có lượn sóng thôi. Nếu
không chú ý vào từng lượn sóng thì thấy biển mênh mông. Tâm mình cũng
vậy, khi ta chạy đuổi theo những lăng xăng thì thấy tâm chỉ là cái vui
buồn thương ghét. Bao giờ lặng hết những lăng xăng kia ta mới thấy nó
thênh thang, bình ổn.
Có cái chân thật mà chúng ta cứ đuổi theo cái hư dối và hài lòng thỏa
mãn với nó, thì đáng thương không? Với mình, thấy không đáng thương vì
ta đang giãy giụa trong đó. Với Phật, Ngài thấy thật đáng thương, cho
nên Phật thương chúng sanh là vậy. Vì thế đạo Phật lấy giác ngộ làm gốc,
xem phương tiện không quan trọng. Chừng nào tìm ra cái thật của mình,
chỉ cho mọi người cùng tìm được, đó mới là trên hết, là tối quan trọng
trong kiếp sống con người. Hiểu rồi mới thấy giá trị của đạo Phật, không
hiểu tu Phật lâu dễ thấy chán.
Đạo Phật dạy phải tu cho tâm lặng xuống, bao nhiêu phiền não lắng
sạch, chừng đó trí tuệ phát sáng, mới giác ngộ. Tu theo đạo Phật là đi
trên con đường giác ngộ, người không giác ngộ không thể gọi là tu theo
đạo Phật. Như vậy tu theo Phật khó hay là dễ, mau hay chậm? Đa số ai
cũng bảo khó. Phải chi bảo chúng ta cầu thần thánh ở đâu đến giúp thì
khó, đằng này Phật dạy bỏ những niệm lăng xăng, là quyền của mình, có ai
rầy phạt đâu, tại sao lại khó? Trong kinh Phật có nói: "Sự tu hành nếu
thấu suốt được rồi, thấy dễ như trở bàn tay, không có gì khó". Đó là
điều thứ nhất.
Thứ hai, tu Phật mau hay chậm? Trung Hoa có kể câu chuyện về chú đồ
tể, làm thịt heo bán. Hôm đó được Thiền sư chỉ dạy, bỗng dưng chú giác
ngộ, làm bài kệ:
Tạc nhật Dạ-xoa tâm,
Kim triêu Bồ-tát diện.
Dạ-xoa dữ Bồ-tát,
Bất cách nhất điều tuyến.
Kim triêu Bồ-tát diện.
Dạ-xoa dữ Bồ-tát,
Bất cách nhất điều tuyến.
Nghĩa là:
Ngày hôm qua tâm Dạ-xoa,
Bữa nay mặt Bồ-tát.
Bồ-tát với Dạ-xoa,
Không cách một đường tơ.
Bữa nay mặt Bồ-tát.
Bồ-tát với Dạ-xoa,
Không cách một đường tơ.
Giác là Bồ-tát, mê là Dạ-xoa. Ngày hôm qua mình thấy thân này thật,
vọng tưởng thật, đó là Dạ-xoa. Bữa nay biết thân này giả, vọng tưởng hư
dối, liền thành Bồ-tát. Như vậy Bồ-tát với Dạ-xoa cách bao nhiêu? Một
sợi tơ. Như tay tôi úp xuống là úp, lật lên là ngửa, chỉ một cái xoay
thôi. Mê cũng mình mà giác cũng mình, chỉ chuyển cái tâm. Cho nên đường
đạo rất gần, rất ngắn, chỉ tại ta lơ mơ, cứ thả trôi hoài nên kéo dài
tới vô số kiếp mới thành Phật. Bây giờ chúng ta tỉnh giác, giả biết giả
không nghi ngờ, chắc chắn sẽ mau đạt đạo. Đó là điều tất cả Phật tử nên
nghiền ngẫm mới thấy giá trị của người tu Phật.
Đức Phật đã nói: "Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành".
Ai cũng có Phật tánh hết, chỉ khác nhau ở chỗ mê với giác thôi. Nếu trên
đường tu chúng ta nỗ lực tiến tới thì con đường Phật đạo không xa. Nói
nỗ lực chớ thật ra không có gì phải nỗ lực. Chỉ cần đổi cái nhìn thôi,
thấy giả với thấy thật có tốn bao nhiêu mồ hôi đâu. Vậy mà chúng ta làm
không nổi, thật cũng không biết nói sao!
Phật đạo là con đường hết sức ngắn, hết sức gần. Nhưng vì chúng ta
chưa nỗ lực, chưa quyết tâm nên lận đận lao đao, chìm nổi trong vòng
luân hồi không có ngày ra. Đó là tại vì mình không can đảm. Nếu can đảm
đổi cái nhìn thì mê biến thành giác ngay, không có gì xa lạ hết. Trong
kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ nói: "Có một trăm chúng sanh thì có một trăm
ông Phật", đâu có lỗ, đâu có thiệt thòi gì. Một trăm chúng sanh bị nhìn,
nó mất thì một trăm ông Phật đang giác hiện ra.
Vọng tưởng dấy lên ta nhìn nó, biết là vọng tưởng không theo. Chú
khác dấy lên cũng thế. Ngồi một giờ thấy một trăm lần như vậy cũng hoan
hỷ như thường, bữa nay mình thắng trận chớ không thua. Ngày xưa vọng
tưởng ta lầm cho là tâm mình, bây giờ vọng tưởng biết vọng tưởng, đó là
đã thắng nó rồi. Ta điểm mặt nó, nó đâu còn quyền làm chủ mình nữa. Cho
nên thấy được vọng tưởng là từng bước ta đang chiến thắng, đừng buồn,
đừng nản. Đó là điều thứ nhất.
Thứ hai, quí vị nhớ người tu thiền lâu hay quên, nhưng đừng sợ điên.
Quên là vì chúng ta không muốn nhớ, chớ không phải quên của người điên.
Pháp tu này nhẹ lắm, chỉ buông thôi, không kiềm chế nên không sợ điên.
Tôi thường ví dụ, như sáng chúng ta đi chợ định mua mấy món đồ. Hồi khởi
sự đi tính năm bảy món. Từ nhà ra chợ hơi xa một chút, trong đầu lại
không muốn nhớ, nên tới chợ quên món này, món khác. Quên là tại vì mình
không muốn nhớ. Cũng vậy, vọng tưởng dấy lên ta buông, buông riết phải
quên thôi. Đó là một lẽ thật. Nhiều người không biết hoảng sợ, nói sao
năm nay tôi ngu quá. Tưởng thế nên hết dám tu. Đầu đuôi gốc ngọn của sự
tu rõ ràng như vậy. Hiểu rồi trên đường tu quý vị yên lòng, không có gì
khó khăn.
Quý vị nghe rồi khéo nhìn, khéo ứng dụng sẽ có lợi lạc lớn. Nếu nghe
mà không thực hành thì việc tu không tiến bước nào. Đó là điều đáng
buồn. Người nào ứng dụng được, tôi tin rằng trên đường tu vị đó sẽ có
bước tiến nhiều hơn mình mong mỏi. Đó là những lời tha thiết của chúng
tôi, xin gởi đến tất cả quý Phật tử.
(Nguồn: vienchieu)
0 Kommentare:
Post a Comment