Pages

10 September 2015

KINH LÒNG HAM MUỐN DẪN ĐẾN ĐAU KHỔ

http://www.daophatngaynay.com/vn/files/images/2011/quy2/DS007_337379368.jpgPhật bảo các thầy Tỳ Kheo, lại nữa vì lòng ham muốn chấp trước phát sinh, tâm ý loạn động nên cha nói con sai, con nói cha sai, mẹ nói con sai, con nói mẹ sai, anh nói em sai, em nói anh sai, chị nói em sai, em nói chị sai, gia đình giòng họ nói xấu lẫn nhau, đây là sự khổ não của lòng tham dục. Nguyên nhân dẫn đến sự khổ sở đều do đa cầu, tâm ý buông lung, đắm chìm trong dục.



Hán dịch: Tam Tạng Trúc Pháp Hộ
Việt dịch: Thích Nữ Tịnh Quang 
 

Nghe như vầy, một thời Đức Phật ở nước Xá Vệ ở vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc cùng chúng đại Tỳ Kheo năm trăm vị. Bấy giờ các thầy Tỳ Kheo sáng sớm đắp y ôm bát vào thành Xá Vệ.

Lúc này họ gặp các người ngoại đạo dị học, các vị này hỏi các thầy Tỳ Kheo: Này các Sa môn Cồ Đàm, nguyên nhân của đau khổ là gì? Làm sao để nhận ra được chữ khổ của sắc, thọ, tưởng, hành và thức? Đối với các pháp này có gì đặc biệt? Có động lực nào và nhân tố nào tạo thành các pháp đó? Hiện pháp của Sa môn Cồ Đàm là gì? Dùng nhân gì để khai hóa để thuyết giảng?

Các thầy Tỳ Kheo nghe ngoại đạo hỏi như trên thì bỏ đi không trả lời. Khi trở về mỗi vị đều nghĩ rằng: với lời nói như vậy ta phải đến thưa hỏi với Đức Thế Tôn, mong Ngài vì ta mà phân biệt, rồi ta theo đó mà phụng hành.

Lúc các thầy Tỳ Kheo đi khất thực về, dùng cơm xong, bèn sửa sang y phục đến chỗ của Đức Phật, đảnh lễ dưới chân ngài, rồi ngồi qua một bên, và bạch với Đức Thế Tôn một cách trình tự thứ lớp về những lời vấn nạn của các ngoại đạo.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các thầy Tỳ Kheo, điều mà ngoại đạo hỏi các ông là việc của ái dục, các ông nên hỏi lại rằng (vậy theo các người) ái dục có gì an lạc? có gì khổ não? Do đâu mà nó sinh khởi, và tại sao nó biến mất? như thế các ngoại đạo sẽ im lặng không thể trả lời.

Đức Phật bảo, ta không thấy ai có thể giải thích ý nghĩa trên, vì sao vậy? đây chẳng phải là lĩnh vực để người ta hiểu thấu.

Bấy giờ Đức Phật quán sát khắp các cõi chư ma, phạm thiên, phạm chí, chư thần và nhân gian hay phát khởi câu hỏi này, lúc này tâm họ trờ nên vui vẻ và rất muốn được nghe.

Đức Phật dạy, vì dục làm ô nhiễm cho nên tai thích nghe tiếng hay, mũi thích mùi thơm, lưỡi thích vị ngon, thân thích trơn láng, ý niệm tham thích; vì dục khuyấy động, tâm tham các pháp… gồm năm món dục, từ nhân duyên khởi rồi tâm lấy đó làm vui.

Đức Phật bảo các thầy Tỳ Kheo, những gì là sự đau khổ của lòng ham muốn? như có một người vì phương tiện sống, lập nghiệp mưu sinh, khởi nhiều ý nghĩ, hoặc làm kỹ thuật, hoặc làm quan lớn, hoặc làm họa sĩ, hoặc đi bói toán, hoặc làm điêu khắc, hoặc làm thợ sơn, hoặc đoán thời tiết… gặp lúc lạnh cóng, hoặc thời tiết nóng đói khát đến chết, hoặc gặp mưa gió, hoặc gặp muỗi nhặng, thân thể biến đổi…họ hướng đến những việc này cũng chỉ vì bản thân tham muốn, mong ước tiền tài, đứng ngồi không yên, tâm ý để nơi của cải rồi buồn rầu khóc la, đấm ngực tức giận: ta đối với tài vật này rất là ngu si, chẳng có kết quả; dù là siêng năng xây dựng sự nghiệp, tạo lập nhà cửa và nhiều của cải, rốt cuộc tạo ra rồi không giữ được.

Người kia khởi không biết bao nhiêu là khổ não đau đớn khi bị vua chúa lấy mất, hoặc bị quan huyện, nước lửa, trộm cướp, oan gia trái chủ tước mất, của cải bỗng chốc tiêu tan, vô thường cuỗm hết, tan hoang nhà cửa, mất mát của cải… người kia vì thế ôm lòng phiền muộn. Lúc bị nước lửa đạo tặc oan gia…xâm đoạt, y bèn đau khổ khóc lóc không kềm chế được: cả đời ta lo gom góp của cải, nay đột nhiên mất trắng, làm sao sống được. Đây chính là nỗi âu lo của lòng ham muốn, bởi do tâm ý loạn động nên dẫn đến sự đau xót này.

Phật bảo các thầy Tỳ Kheo, lại nữa vì lòng ham muốn chấp trước phát sinh, tâm ý loạn động nên cha nói con sai, con nói cha sai, mẹ nói con sai, con nói mẹ sai, anh nói em sai, em nói anh sai, chị nói em sai, em nói chị sai, gia đình giòng họ nói xấu lẫn nhau, đây là sự khổ não của lòng tham dục. Nguyên nhân dẫn đến sự khổ sở đều do đa cầu, tâm ý buông lung, đắm chìm trong dục.

Đức Phật lại bảo các Tỳ Kheo, lại nữa sự đau khổ của lòng tham muốn đều có gốc từ tham ái, tâm ý buông lung, bởi do tham lợi nên cầm binh khí, dương cung nhắm tên, nhập trận chiến đấu, khởi bốn bộ binh: voi, ngựa, xe, bộ để đấu tranh nhau, đây là trận chiến la liệt, vì dục mất thân, thân thuộc cùng thân thuộc, hưng khởi nhân duyên với nhau.

Vì tham mà phạm tội, rong duỗi chẳng an, tìm cầu của cải, hoặc được tài vật, hoặc không đạt được, hoặc mất của cải, đau khổ buồn rầu, vò đầu đấm ngực tỏ ra uất ức: của cải của ta hôm nay mất sạch... Đây là sự khổ não của lòng tham dục, sự đau khổ của luyến ái, bởi tâm ý buông lung đắm chìm trong đó.

Đức Phật bảo các thầy Tỳ Kheo, lại nữa sự khổ đau của dục là vì chấp ái làm gốc, buông lung tâm ý, cha con trách nhau, mẹ con giận nhau, vợ chồng bỏ nhau, chị em hận nhau, anh em bất hòa, thân thuộc trong nhà phỉ báng lẫn nhau; đây là sự khổ não của lòng ham muốn, sự đau buồn của ân ái, bởi do tâm ý buông lung đắm chìm trong dục.

Đức Phật bảo các thầy Tỳ Kheo, lại nữa sự khổ đau của dục là vì chấp ái làm gốc, buông lung tâm ý, tay cầm kiếm sắc, hoặc cầm dao gậy xử lý lẫn nhau, hoặc nơi vắng vẻ đập phá tường thành, trong lòng bừng giận, muốn cướp mạng sống của người, hoặc ném vòng lửa, dầu sôi rưới người; với việc tạo ác này, hoặc gây nên sự thống khổ hoặc dẫn đến cái chết cho người. Đây là sự khổ não của lòng tham dục, sự đau buồn của ân ái, bởi do tâm ý buông lung, đắm chìm trong dục.

Đức Phật lại bảo các thầy Tỳ Kheo, lại nữa, sự đau khổ của lòng ham muốn là do chấp ái làm gốc, buông lung tâm ý, phá cửa nhà của người khác, cắt đứt đường đi, đục tường khoét vách, đêm làm ăn trộm, trốn mình nơi hẻo lánh, hoặc sau khi đấu tranh phóng hỏa thì trốn biệt tích; vua quan biết được, sai người bắt trói đem nhốt vào ngục, rồi bị tra khảo đánh đập, bị cắt tai mũi tay chân, hoặc bị chặt đầu, hoặc bị bắt đứng và dùng hình phạt xiềng chân…ném gạch đá, nhốt trong hang thỏ , hoặc bị bỏ trong nồi đất , hoặc bị nấu trong vạc nước sôi, hoặc bị dầu sôi rưới lên thân…   Đây là kết quả khổ não của lòng tham dục, sự đau buồn của ân ái, bởi do tâm ý buông lung, đắm chìm trong dục.

Đức Phật bảo các thầy Tỳ Kheo, lại nữa sự khổ não của tham dục vì chấp ái làm gốc, buông lung tâm ý,  thân ham muốn các việc xấu, miệng chửi rủa thô kệch, trong lòng thì độc ác, không hộ trì thân khẩu, không nghĩ đến đời sau…đến khi thọ mạng không còn , thần hồn vừa xuất thì rơi vào cảnh giới tối tăm đau khổ, đêm ngày bị đọa đày với hằng năm dai dẳng; đây là sự khổ não của lòng tham dục, nỗi đau buồn của ân ái, bởi do buông lung tâm ý, đắm chìm trong dục.

Đức Phật bảo các thầy Tỳ Kheo, vậy thì làm sao mà xả ly được dục và đoạn được điều ác? Đối với tất cả dục lạc, dứt hẳn hết lòng tham muốn, cắt đứt tơ tình, như thế là xả dục.

Nếu các bậc Sa môn Phạm chí nhận ra được lòng ái dục là nguyên nhân phát sinh đau khổ, và hiểu thấu lòng ái dục vốn như thế rồi thì nên khuyên bảo cho mọi người vượt khỏi sự ham muốn đó; chẳng hạn như khuyến khích cho người khác để tâm ý đến sự giải thoát, với lòng ham thích là muốn vượt đến bờ kia thì không gì hơn cả.

 Nếu các bậc Sa môn Phạm chí còn tham đắm ái dục thì không quán được sự dơ bẩn của ái dục vậy. Nếu người thấu hiểu được dục tình, chẳng hạn như không chạy theo dục tình thì có thể khai hóa mọi người vượt đến được bờ kia, tự độ và độ tha, khi đạt được hai việc này rồi thì tâm an nhiên không cỏn hồ nghi, đó là người có trí.

Điều mà con người ưa thích như vợ của Trưởng giả, vợ của Phạm chí độ tuổi mười bốn, mười lăm, mười sáu, hai mươi, không cao không thấp, không mập không ốm, không trắng không đen, nhan sắc tuyệt đẹp như cây vừa trổ hoa…Phật bảo các thầy Tỳ Kheo, buổi đầu do mắt phan theo nhân duyên rồi khởi lên tâm lý ưa thích…đây là sự đam mê của dục.

Sự khổ đau nào mà sắc là nguyên nhân? ở đây là thấy được tuổi tác của nữ nhân, khi người già tuổi lớn, ở tuổi tám mươi hoặc chín mươi tuổi, một trăm tuổi, hoặc là một trăm hai mươi, đầu bạc răng rụng, mặt nhăn da xệ, thân nặng khí suy, chống gậy lê bước, ốm o mệt mỏi, bước đi khổ sở, thân thể bại hoại…Tỳ kheo, các ông nghĩ thế nào khi chẳng còn gì đoan trang xinh đẹp, khi nhan sắc đến lúc đã như thế? Chư Tỳ kheo đáp: đúng vậy, thưa Thế tôn, đây là sự khổ não của sắc.

Đức Phật lại bảo các thầy Tỳ kheo, lại thấy nữ nhân sau khi chết rồi, một ngày hai ngày, cho đến năm sáu ngày, thân xác biến xanh, sình lên và hôi thúi, hiển lộ sự bất tịnh từ chín lỗ thoát ra, trong thân sinh ra sâu trùng, sâu trùng trở lại ăn thân đó, Tỳ Kheo, các ông nghĩ thế nào, trước kia thì đoan trang, nhan sắc xinh đẹp, nay không còn đẹp, đổi thay như thế đó? Chư Tỳ kheo đáp: Đúng vậy, Bạch Thế tôn. Đức Phật bảo, đây là sự thực đau khổ của sắc thân.

Đức Phật lại bảo, hoặc lại thấy nữ nhân, nằm thúi ở trên đất, chim quạ đến ăn, diều hâu đến mổ, hổ sói cáo chồn ăn thịt và còn rất nhiều loài sâu trùng khác từ thân kia sinh ra trở lại ăn thịt thân đó; Tỳ kheo, ý các ông nghĩ sao, trước kia đoan chánh, nhan sắc xinh đẹp, mất rồi còn đâu, kết cuộc của thân như thế phải không? Chư Tỳ kheo trả lời: Đúng vậy, bạch Đức Thế Tôn. Đức Phật bảo, đây là sự thực đau khổ cuả dục vậy.

Đức Phật bảo các thầy Tỳ kheo, nếu lại thấy nữ nhân, da thịt rời ra, chỉ còn xương trắng, trước kia đoan chánh, nhan sắc xinh đẹp, nay mất đi không còn nữa, kết cuộc thân kia phải như thế không? Chư Tỳ kheo đáp, đúng vậy, bạch Đức Thế Tôn. Đức Phật bảo, đây là sự thực khổ đau của ái dục vậy.

Đức Phật bảo các thầy Tỳ Kheo, hoặc lại thấy nữ nhân các đốt xương rời khỏi tay chân đùi cẳng, mũi tai tréo ngược, khỉu tay đầu cổ…mỗi thứ một nơi; Tỳ kheo ý các ông nghĩ như thế nào, trước kia đoan chánh xinh đẹp, nay sao không thấy, hiện tình có phải là sự thực của khổ não không? Chư Tỳ kheo đáp: Đúng Vậy, bạch Đức Thế Tôn. Đức Phật dạy: Đây là sự thực khổ lụy của dục vậy.

Đức Phật bảo các thầy Tỳ kheo, thấy nữ nhân kia bị bỏ ở mồ cao trãi qua nhiều năm, xương cốt nát nhừ, trắng xanh như ngọc bích, vỡ vụn như bột…Tỳ kheo, ý các ông nghĩ thế nào, trước kia đoan chánh, nhan sắc xinh đẹp, nay sao không thấy, hiện tình có phải là sự thực của khổ não không? Chư Tỳ kheo đáp: Đúng vậy, bạch Đức Thế Tôn. Đức Phật dạy, đây là sự thực ưu khổ của tham dục vậy.

Đức Phật bảo các thầy Tỳ kheo, người nào mà có thể lìa dục, có thể đoạn được sắc dục, dứt trừ được tình sắc, bỏ tham không nhiễm, cho đến không dính mắc vào sắc thì người ấy chính là Sa môn, Phạm chí.

Biết sắc như thế để mà bình thản; nếu thấy được sự thực khổ đau của sắc thân kia thì thấy được khổ đau của sinh tử. Thấu rõ như vậy thì đối với sắc…thức không còn chấp trước và nhân đây mới hóa độ người khác giúp họ vượt đến bờ bên kia. Giả như có người muốn nương vào hình sắc kia để thoát ly nó, sự việc này có thể như vậy.

Nếu Sa môn, Phạm chí, tuỳ hỉ đối với sắc và các dục tình rồi thấy được sự thực đau khổ của sắc, muốn được lìa sắc, rời bỏ các tình thì thấy được như thực. Quán tất cả sắc, khuyến hóa mọi người đến được bờ kia. Biết sắc là đối tượng, vứt bỏ sự tham sắc thì có thể vượt qua đau khổ.

Đức Phật bảo các thầy Tỳ kheo, làm thế nào để những khổ thọ trở thành an lạc? Rũ bỏ các tập (khí), ở đây các Tỳ kheo đã vắng lặng hết các dục, lìa xa các pháp ác-bất thiện, ghi nhớ và suy tư, độc xứ thanh thản là thực hành Đệ nhất thiền.

Nếu Tỳ kheo là người đạt được Đệ nhất thiền rồi thì không còn tham luyến vào bản ngã, không đắm chấp vào sắc thì không còn tâm hơn thua, không ôm lòng hờn giận, đây là Tỳ kheo đối với cảm thọ khổ vui không còn sân nộ.

Khi ta không còn hờn giận làm khổ vui, đó là sở quán của tập nghiệp lạc thọ, lạc thọ kia diệt thì các tưởng lạc (tư tuởng của cảm giác vui thích) và nội niệm đều tịch nhiên và tâm kia ngay đây cũng vô niệm vô hành, rất là vắng lặng an lạc, đây là Đệ nhị thiền.

Nếu Tỳ kheo là người đã thực hành Đệ nhị thiền không còn tham luyến vào bản ngã, không đắm chấp vào tâm khởi diệt kia, quán chiếu sự ham thích của dục kia và không còn khởi niệm về dục, thường an trú thân nghiệp trong thiền định vắng lặng thì có được sự an lạc, thường quán ý định, để đi đến Đệ tam thiền.

Nếu Tỳ kheo thực hành Đệ tam thiền, rõ được sự ưa muốn từ cảm thọ,   người kia sẽ dứt được khổ, đạt được an vui khi đã đoạn hết phiền não, khổ não không còn tái diễn, dù được hay mất tâm cũng chẳng khổ chẳng vui. Quán pháp như trên thì tâm an trụ trong thiền định và đầy đủ sự thanh tịnh.

Nếu Tỳ Kheo hành Đệ tứ thiền, ở đây có  sự an lạc từ việc (xả bỏ) cảm thọ. Lại nữa, Tỳ kheo duyên nơi thọ mà phát sinh sự tham muốn hài lòng, đây là sự vui ở trong cái khổ.

Thế nào gọi là sự ưu khổ của cảm thọ? Nhân cảm thọ mà phát sinh đau khổ, sự lo âu của phiền não, đây là sự ưu khổ của cảm thọ. Hơn nữa, khổ thọ là sự khổ của vô thường, là pháp biệt ly (vô ngã), các pháp này đều là cảm thọ, là sự sinh khởi của pháp vô thường, khổ, cho đến biệt ly (vô ngã), đây là sự đau khổ của các cảm thọ.

Thế nào là từ bỏ cảm thọ? đối với các cảm giác kia dứt hẳn lòng ham muốn, đây là ly dục.

Nếu Sa môn hay Phạm chí nào rõ thấu cảm thọ thì đạt được an lạc. Mọi sự sầu khổ bởi do không xả bỏ những ái dục. Khi đã biết rõ như thực rồi nương vào cảm thọ mà hóa độ mọi người đến được bờ kia, tự mình thành tựu và độ người khác cũng thành tựu được như vậy.

Nếu Sa môn hay Phạm chí nào thấy được chỗ yêu thích của cảm thọ, từ sự yêu thích dẫn đến đau khổ và lìa hẳn ái dục, thấu rõ như thực, quán các cảm thọ mà không bám víu thì khuyến hóa được mọi người vượt đến bờ kia. Tự mình thành tựu và dẫn dắt người khác có thể làm được việc này, đây gọi là sự xả ly ái dục và có được niềm an vui.

Các thầy Tỳ kheo nghe lời dạy như vậy thì rất hoan hỷ.


0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites