Pages

28 March 2018

THOÁT VÒNG SỐNG CHẾT - PHẦN 6



 Nếu muốn cúng tế, thì nên dùng đồ chay, hương, hoa, sữa, bánh và đồ trái, chớ dùng những đồ uế tạp và sát hại sanh vật. Như trong Kinh Địa Tạng đã nói: "Làm những việc sát hại, cho đến bái tế quỷ thần; đã không có một mảy may phúc đức, không có lợi gì cho kẻ chết mà còn kết thêm tội lỗi càng sâu dày...




CÁCH LÀM VIỆC PHÚC

Cái yếu điểm của việc phước thiện, ta phải lấy hạnh bố thí làm gốc. Nếu đem di sản của người chết mà làm việc bố thí thì tốt hơn hết. Trường hợp họ không có thì sẽ lấy của cải, tài sản của bà con bạn bè mà giúp vào cũng được, hầu để làm những việc phúc đức; thì người chết chắc chắn sẽ được lợi lạc. Như trong Kinh Vô thường đã nói: "Một khi người nào tính mạng đã lâm chung, thì nên lấy y phục mới mẻ của người chết, hoặc lấy những vật thọ dụng của kẻ còn sống mà chia làm 3 phần, vì người chết đó mà cúng dường Phật-đà, Đạt-ma và Tăng-già (Tam bảo). Nhờ công đức ấy thì người chết dù cho có nghiệp nặng cũng trở thành nhẹ nhàng và sẽ được công đức phúc lợi thù thắng. Không nên đem những y phục tốt đẹp mà mặc cho người chết, để đem đi tống táng. Vì sao? Vì không có lợi ích gì cho họ vậy". 

Đấy là cái lệ thường làm ngày xưa bên Ấn Độ. Còn như ở hiện đại, thì ta nên đem di sản ấy mà đổi lấy tiền tệ; hoặc dùng trang nghiêm Phật tượng, ấn tống kinh điển, cúng dường Tăng-già. Ngoài ra ta có thể làm những việc như: tế bần, phóng sinh, hoặc làm những việc gì có ích cho xã hội.

Nhờ những công đức do ta làm các việc phúc thiện đó, thì người chết dù phải đọa vào Ngạ-quỉ, cũng được hưởng rất nhiều lợi ích. Trong Kinh Ưu-bà-tắc có nói: "Nếu người cha chết rồi bị đọa vào loài Ngạ-quỉ, thì người con nên vì họ mà làm những việc phúc đức, nên biết rằng người cha sẽ do đó liền được hưởng thọ sự lợi lạc. Nếu người chết ấy được sanh lên cõi Trời thì họ không nghĩ đến vật dụng trong cõi người nữa. Vì sao? Vì trên cõi Trời đã được đầy đủ mọi thứ bảo vật thù thắng vậy. Nếu người chết bị đọa vào Địa-ngục, thì thân họ phải chịu bao nhiêu nỗi khổ đau, cũng không được rảnh rang để nhớ nghĩ, vậy cho nên họ không được hưởng thọ. Ai đọa vào Súc-sanh, ta nên biết cũng như thế. Nếu muốn biết tại sao ở trong Ngạ-quỉ vẫn được hưởng thọ sự lợi ích; thì ta nên biết rằng vì người ấy có sẵn có lòng tham lam bỏn xẻn, cho nên mới phải đọa vào Ngạ-quỉ. Nhưng khi làm thân Ngạ-quỉ thì biết thường hay hối hận tội lỗi ngày trước, suy tính muốn được mọi điều lợi lạc, bởi thế mà được thọ hưởng".
Đấy là Đức Phật dạy rõ chỗ lợi lạc của loài Ngạ-quỷ. Còn đối với công phu chúng ta làm việc phúc thực không luống uổng. Vì không những kẻ chết được hưởng, mà bà con hiện tại cũng chung phần phước lợi. Như trong Kinh nói: "Nếu người chết đã được thọ sanh vào các cảnh giới khác, nhưng còn có bao nhiêu kẻ bà con còn đang đọa trong Ngạ-quỉ; nếu ta có làm việc phúc thiện, tức thì họ cũng đều được lợi ích. Vậy nên, người có trí, nên vì loài Ngạ-quỉ mà siêng năng làm việc phước đức".
Khi lấy di sản của kẻ chết mà làm việc phúc đức, để cứu độ cho họ. Trước hết ta phải xét rõ người ấy lúc còn sống, tính họ có bỏn xẻn hay không. Nếu trong lúc còn sống mà lòng họ hay bỏn sẻn, thì khi thấy được bà con đem di sản của mình mà làm Phật sự hay bố thí, vật dụng của họ mà bây giờ thành sở hữu của kẻ khác, tất nhiên liền sanh lòng giận hờn tiếc nuối. Nhân đó mà khởi lên tà niệm xấu xa, rồi liền bị nghiệp duyên dắt vào cảnh ác đạo. Cho nên Thiện hữu hay là gia quyến của họ phải chỉ giáo cho họ những lời như sau đây:
"Vong linh! Nay ta vì ngươi mà đem di sản của ngươi để làm Phật sự hay làm việc phúc đức. Làm như thế, tức là đem của cải hữu lậu mà làm việc vô lậu, nhờ ở công đức này, ngươi sẽ được siêu sanh về Tịnh độ. Ngươi phải chăm lòng thành kính niệm Phật A Di Đà cầu Ngài đến cứu độ cho. Đối với di sản ấy ngươi cần phải rời bỏ chớ nên bận lòng, phải hoàn toàn không mến tiếc tham đắm đê tiện mới được. Vì những thế tài (tài sản thế gian) dù có hoàn toàn để lại cho ngươi, ngươi cũng không thể thọ dụng được nữa. Như thế, đối với ngươi nó đã thành vô dụng rồi vậy".

CÚNG TẾ VONG LINH

Về cách sắp đặt cúng tế, thì rất kỵ việc sát sanh, vì ta việc sát sanh càng làm liên lụy khổ quả cho người đã chết. Thế nên thân Trung ấm nếu một phen thấy được việc ấy tức thì bảo thôi, nhưng ngặt nỗi âm, dương cách trở, người còn sống không thể nào nghe được. Vì thế kẻ đang sống còn, vẫn làm sát sanh như thường, người đã chết không thể ngăn nổi sân niệm khởi lên. Đã thế, nếu một phen sân tâm khởi lên, liền phải đọa vào Địa-ngục; cho nên người sắp đặt cúng tế cần phải chú ý.
Nếu muốn cúng tế, thì nên dùng đồ chay, hương, hoa, sữa, bánh và đồ trái, chớ dùng những đồ uế tạp và sát hại sanh vật. Như trong Kinh Địa Tạng đã nói: "Làm những việc sát hại, cho đến bái tế quỷ thần; đã không có một mảy may phúc đức, không có lợi gì cho kẻ chết mà còn kết thêm tội lỗi càng sâu dày. Dù kẻ chết đó, về đời sau hoặc trong đời này của họ có thể chứng được Thánh quả, hoặc sanh lên Trời; nhưng khi lâm chung bị bà con làm ác nhân ấy (tức là nhân sát hại), cũng làm cho họ phải liên lụy nhiều bề, chậm sanh về cõi giới an lành. Huống chi kẻ chết đó, khi sống còn chưa từng làm một chút phước thiện, chỉ một bề nương theo gốc nghiệp mà tạo tác, tất nhiên họ phải đọa vào cảnh khổ, nỡ nào bà con lại gây thêm nghiệp cho họ?
Trong luật Thuận Chánh Lý, quyển thứ ba nói: "Có một loài quỷ tên là Hy-tự, chúng hành động được tự do, có thể đi khắp các phương dễ dàng cũng như chim bay giữa trời, qua lại không ngăn ngại.
Sở dĩ nó phải đọa làm thân quỷ, duyên cớ ấy có hai:
1 - Là lúc bình sanh của nó, mê say theo lối bàn luận của thế tục, chắc rằng: chết rồi quyết phải thành Quỷ. Cho nên luôn luôn mong mỏi sau khi chết rồi, sẽ được con cháu đem đồ ăn đến cúng tế. Vì chấp chặt tà kiến ấy, và nhờ có căn lành đời trước, nên mới đọa vào loài Quỷ này, luôn luôn mong mỏi thờ cúng, bởi thế nên gọi là Quỷ Hy-tự.
2 - Là lúc bình sanh hay ưa gần gũi giao thiệp và vì muốn được giàu có, cho nên chỉ biết tích trữ của cải cho mình, ôm lòng bẩn chật, bỏn sẻn, dù cho dư dật cũng không chịu bố thí. Vì ác nghiệp ấy, nên phải đọa vào loài quỷ này. Rồi vì lòng ưa mến của cải ở đời, cho nên thường hay nương náu chung quanh nhà cửa hoặc những nơi nhơ nhớp uế tạp. Bởi thế, nếu bà con, bạn bè cúng tế, thì sanh lòng cảm khái và hối hận sự bẩn chật hẹp hòi của mình ngày trước. Do cái niệm lành ấy, nên chúng được cải phước là được hưởng thọ sự cúng tế".
Trong Kinh Quán Đảnh, quyển thứ sáu cũng có nói: "Những kẻ trong lúc bình sanh không làm lành, cũng không làm dữ; thì sau khi chết rồi không có quả báo gì xuất hiện, cho nên sẽ làm loài quỷ và được tự do. Nhưng loài quỷ này thường hay nương náu nơi mồ mả của mình hoặc mồ mả của kẻ khác; dựa theo cái dư khí của cốt tủy mà được hiển linh. Cho nên nếu ai có cúng tế, thì cũng được hưởng thụ. Đến khi xương tủy đã mục nát, thì mất chỗ nương tựa, tức liền tìm đến chỗ nào xương tủy chưa mục nát và vô chủ để nương tựa".

Trong Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ, quyển thứ 16 cũng nói: "Có một loài quỷ tên là Hy-vọng, vì trong lúc sống còn, hay ưa buôn bán tính toán, chẳng kể gì đến phải chăng, gạt người lấy của, làm như thế mà tự cho là vừa ý. Còn những việc bố thí, thành tín, phúc đức, giới cấm v.v... thì không bao giờ chúng nghĩ đến. Vì đem lòng bỏn xẻn ganh tỵ, không ưa gần gũi bạn lành. Cho nên, đến khi lâm chung phải đọa vào làm quỷ này. Loài quỷ này mặt mày đen xám, thường hay rơi lụy, tay chân lở loét, tóc tai bù xù, đói khát thèm thuồng, phải chịu bao nỗi đắng cay, kêu gào thảm thiết. Nếu như được con cháu có lòng nghĩ đến tiên linh mà cúng tế, thì quỷ này mới được dịp uống ăn. Ngoài ra, không bao giờ chúng được hưởng thọ". 

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites