Thân trung ấm
mặc dù đang rong ruổi ở chốn xa xôi, nhưng một khi nghe ta kêu gọi thì lập tức
trở lại. Vì họ có đủ thứ thần thông của nghiệp lực, có đủ khả năng ghi nhớ
những điều đã trải qua, cũng hiểu rõ được mọi sự lý. Lúc đang sống còn, dù họ
là người kém thông minh, nhưng khi chết rồi thì mọi sự thấy nghe đều sáng suốt,
ngặt nỗi nghiệp duyên lôi cuốn nên không khỏi trở vào sanh tử đó thôi...
Tác giả: Lưu Dịch Nguyên
NỖI LÒNG QUYẾN LUYẾN
Thân Trung ấm khi chưa được giải
thoát, hay chưa trải qua giai đoạn đầu thai, thì thần thức ấy khi mê muội, khi
minh mẫn. Có khi bỗng thấy được bà con, bạn bè vào một nơi nào đó, giống như
gặp nhau trong cảnh mộng. Cho nên, họ sẽ đến trước các người trong cảnh mộng đó
mà nói năng kể lể; nhưng các người đó hoàn toàn không hiểu được. Khi ấy họ buồn
rầu không thể tả xiết, và giận dữ cũng phi thường. Bỗng lại nghe người ta gọi
đến tên mình; liền thấy được bà con bạn bè, đến một bên thây xác của mình than
khóc, hoặc thấy được các phẩm vật đã sắp bày trên bàn thờ. Rồi họ tự nhủ rằng :
"Ta đã chết rồi! Làm thế nào? Làm thế nào?".
Khi đã sanh ra một niệm ấy, thì họ
cảm thấy đau khổ vô cùng, có khác nào con cá mà bị nướng trong lò lửa đỏ!
Nhưng đấy còn là ở trong sự mê mờ,
cho nên khi họ thấy vợ con than khóc liền đến vỗ về an ủi: "Ta còn đây,
không nên khóc!" Tuy nhiên, các người kia cũng vẫn than khóc không chịu
thôi nghỉ. Khi đó, trong lòng họ giận dữ, phẫn uất, cho nên vội vàng bỏ đi.
Nhưng chỉ trong chừng một khoảnh khắc, vì lòng ái kiến vọng chấp chưa trừ cho
nên họ vẫn vội vàng trở lại, để mong sẽ đền bù lại sự tức giận khi trước. Thế
rồi cũng vẫn không vừa ý những cảnh tượng mà mình phải cảm nhận; cho nên họ vẫn
có thái độ bất mãn như trước. Cứ như thế, trải qua đôi ba phen gặp gỡ như thế,
nên nỗi buồn bực càng dập dồn; càng trải qua càng thêm mãnh liệt. Vì lòng phiền
muộn xúi giục quá mạnh mẽ, đến nỗi họ không muốn suy xét đến lành dữ như thế
nào, dù cho có mất giá trị thế nào, họ cũng không cần mến tiếc. Họ chỉ cần có chỗ
nào để thọ sanh, hầu tránh nỗi khổ bơ vơ không nơi nương tựa. Những kẻ đầu thai
vào cảnh giới tội ác đều bởi duyên cớ ấy đã xúi giục, sai khiến cả.
"Thân Trung ấm tuy còn luyến ái
bà con bạn bè, nhưng ngặt nỗi đã bị cách trở nên không làm thế nào được, cho
nên chớ có một mảy may luyến tiếc. Dù có trợ lực chịu lại xác thân tứ đại, thì
cũng ở trong vòng đau khổ của sanh tử mà thôi. Vậy, ngươi hãy dẹp bỏ cái tham
vọng được sống trở lại, chăm lòng niệm Phật A Di Đà và Bồ-tát Quán Thế Âm, để
cầu Ngài cứu độ cho"..
Thiện hữu phải theo như lời đã nói
trên mà khai thị. Gia thuộc phải thành tâm niệm Phật mà cứu độ cho họ.
CẢNH TƯỢNG RÙNG RỢN
Thần thức đã ở vào giai đoạn Trung
ấm, thì mê rồi lại tỉnh, tỉnh rồi lại mê, phải cảm thọ bao điều không yên ổn,
không tự tại. Lại có một thứ gió mãnh liệt, thổi đưa thần thức đi vào nơi vô
định. Ví như mảy lông bị gió cuốn qua, lại, lên, xuống đều tùy theo chiều gió
thổi. Cái Trung ấm thân ấy không do ở ý muốn của mình, mà nó phải phiêu lưu
không định hướng. Bỗng nhiên nó lại gặp một thứ ánh sáng vô cùng mãnh liệt, vùn
vụt chớp lòe sáng chói, không thể mở mắt mà trông được. Thứ ánh sáng ấy, chuyển
biến giống như áng mây mùa thu, hiện ra những hình thái lạ lùng để hăm dọa con
người đã chết. Trong những chỗ mà ánh sáng mạnh mẽ, lớn lao ấy đã xuyên qua,
phát ra một thứ âm thanh rất dữ tợn, không có gì sánh kịp. Nó có thể mạnh gấp
ngàn lần sấm sét. Một khi nghe được càng thêm ghê rợn; có thể làm cho ta tan
gan nát mật.
Lại có một loại quỷ Dạ-xoa thật là
đáng sợ, chúng nắm cầm rất nhiều binh khí, hầm hét dậm đạp đua nhau mà đến, như
muốn giết tính mạng của người đã chết.
Bọn ấy rất đông, giành trước giựt
sau, nhảy nhót mà đi đến. Hoặc hiện ra vô số loài ác thú hung tợn rượt đuổi
theo sau. Hoặc biến thành người tàn bạo để áp bức. Hoặc làm cuồng phong, bão
vũ, sấm chớp, sương mù bao phủ, rồi đem kẻ chết nhốt vào trong đó. Hoặc là núi
lở, bể dậy sóng. Hoặc biến thành luồng lửa mạnh đem đi thiêu đốt. Tất cả những
cảnh tượng đã thấy, âm thinh đã nghe đã nghe, làm cho thân Trung ấm khiếp sợ
muốn ngất, hoảng hốt không chỗ để nương tựa. Cũng không có đường để tránh
thoát, chỉ mong nhờ cuồng phong đưa đẩy để lánh thân mà thôi.
Trong thấm thoát lại bị chúng đuổi
theo lấn áp, rồi chạy đến trên chót núi nhìn xuống thấy có ba cái hố: một
trắng, một đen và một đỏ, hết sức sâu thẳm, rồi lại bị thúc giục, họ toan nhào
đầu xuống. Khi đó thân Trung ấm không thể không quay mình để tìm nơi ẩn núp,
hoặc vào trong hang núi để lánh tai nạn. Thế nên họ phải chuyển sinh đầu thai
làm những loài rắn, muông, lang, beo, cọp v.v... Phải sống mãi ở trong loài thú
vật khổ sở.
Như trên tôi đã thuật, thiện hữu nên
chỉ dạy: "Biến làm nghiệp phong mãnh liệt, biến làm ánh sáng mênh mông,
biến làm âm thinh rùng rợn, v.v..." tất cả hiện tượng ấy đều do nghiệp
duyên mà chiêu cảm. Nếu biết thân Trung ấm không phải là thứ thân huyết nhục,
mà là một cái thân do một thứ vi tế tứ đại tạo thành, thì tuy có cuồng phong,
lửa cháy, sấm sét... cũng không thể hại đến nó được. Như ba cái hố: một đen,
một trắng, một đỏ kia, cũng là do ba độc tính căn bản là: Tham, Sân, Si từ
nhiều đời nhiều kiếp mà hiện ra đó thôi. Trong khi ấy ngươi nên hiểu rằng:
"Bao nhiêu ác tướng kia đều do nghiệp duyên biến hiện, vì không may ta
phải trải qua cảnh giới ấy, chỉ có cách yên lòng không rối loạn, chuyên cần
niệm Phật A Di Đà và Bồ-tát Quán Thế Âm để cầu Ngài đến cứu độ".
Thiện hữu cũng phải theo như trên mà
chỉ dạy. Đại chúng phải niệm Phật để giúp cho họ được tiêu trừ nghiệp chướng.
Như vậy họ sẽ được sinh về Cực Lạc và thoát khỏi sự khổ não.
NHẬN ĐỊNH HÀO QUANG
Vì trải qua nhiều cảnh khổ, nên thân
Trung ấm tự nghĩ rằng: "Ôi! Thương thay! Chỗ cảm thọ của ta vì đâu mà khổ
thế! Ta phải đi tìm chỗ nào có thân thể để sống". Nhân đó mà họ chạy khắp
bốn phương, tâm ý tán loạn vẫn không chịu dừng nghỉ. Có khi thì họ ở nơi cầu
cống, có khi thì họ ở nơi miếu vũ yên lặng và cũng có khi họ ở nơi các lăng
tháp... Nhưng đó chỉ nghỉ tạm trong một lúc chẳng được bao lâu, vì cái thân
Trung ấm rất nhẹ nhàng, khác hẳn cái xác thân lúc sống còn thường làm trở ngại.
Bấy giờ họ không khỏi buồn rầu, vì biết mình đang bấp bênh mất chỗ nương tựa.
Buồn lo quá đỗi, rồi họ lại nghĩ rằng: "Ta nay chỉ muốn được thân người,
dù cho phải đổi bằng một giá thế nào cũng không tiếc". Cho nên họ mới trở
lại tìm cái thi thể của mình trước kia, nhưng thi thể ấy, đã bị bà con bạn bè
đem bỏ vào hòm, hay đã chôn xuống đất, hoặc đã dùng lửa mà đốt rồi. Vì thế,
không có thây nào mà nhập vào, nên họ buồn rầu khôn xiết.
Tâm hồn nguội lạnh như đám tro tàn.
Khi đó lại có những luồng ánh sáng
yếu ớt của lục phàm (sáu loại phàm phu) bỗng nhiên được hiển hiện. Trong đó tùy
theo nghiệp duyên của kẻ chết cảm ứng với cõi nào thì luồng ánh sáng của cõi ấy
sẽ rực rỡ hơn lên. Ánh sáng của cõi Trời thời hơi trắng, ánh sáng của cõi người
thì hơi vàng, ánh sáng của cõi A-tu-la thì hơi lục, ánh sáng của cõi Địa-ngục
thì như khói đen, ánh sáng của cõi Ngạ-quỷ thì hơi đỏ, ánh sáng của cõi Súc-sanh
thì hơi xanh.
Đồng thời, các cõi Phật trong năm
phương cũng phóng ra những đạo hào quang rực rỡ và mạnh mẽ như: hào quang sắc
xanh chói lòa, hào quang sắc trắng trong sạch, hào quang sắc vàng trông bóng
như ngọc, hào quang sắc đỏ mãnh liệt. Như thế có rất nhiều thứ hào quang của
Chư Phật soi sáng lẫn nhau. Nhưng vì nghiệp duyên nên kẻ chết sợ hãi những hào
quang mãnh liệt của Chư Phật đã soi đến, mà chỉ ưa mến những thứ hào quang yếu
ớt trong sáu cõi: thiên, nhơn, A-tu-la, Địa-ngục, Ngạ-quỷ, Súc-sanh đã soi đến
mà thôi. Vì vậy họ phải đầu thai vào lục đạo mà chịu mọi sự khổ não.
"Như trên tôi đã thuật, những
ánh sáng của lục đạo dịu dàng dễ chịu, nên làm cho kẻ chết có những cảm giác
vừa ý, nhưng các ánh sáng ấy không nên tham đắm, cần phải tránh xa. Chỉ nên
chăm lòng thành kính, tự mình phát tâm, phấn khởi tinh thần mà niệm Phật A Di
Đà và Bồ-tát Quán Thế Âm. Phải bỏ cái dễ mà đi đến cái khó, không nên khiếp
nhược, phải đi đến chỗ hào quang mãnh liệt, vì đó là hào quang của Chư Phật, là
hào quang ân huệ, là hào quang giải thoát, là hào quang vượt phàm lên Thánh.
Nếu người chết mà biết nương vào trong đó, thì bước lên cõi Phật và thường
thường an vui, xa lìa mọi khổ não đắm chìm trong lục đạo".
Thiện hữu phải theo như trên mà chỉ
dạy. Trong bốn mươi chín ngày ấy, gia quyến phải tuần tự luân phiên mỗi ngày
niệm Phật ba phen để cứu độ. Bởi vì theo thông lệ của người chết, ai cũng phải
trải qua bốn mươi chín ngày biến vào giai đoạn Trung ấm. Nếu ở trong những ngày
đó mà ta niệm Phật để cứu độ, thì quyết định sẽ có một ngày nào trong những số
ngày ấy, người chết chắc chắn được giải thoát.
PHÂN XỬ CỬA ÂM PHỦ
Người ta lúc sống còn, làm lành hay
làm dữ, đều có Quỷ Thần xem xét. Nếu làm việc lành thì có Thiện thần coi về
việc lành, ghi lại công việc của mình đã làm. Nếu làm việc dữ thì khi đó cũng
có Ác thần coi về việc dữ ghi lại những việc dữ của mình đã làm. Cho nên thân
Trung ấm một phen thấy vị thần kia, không khỏi hết sức lo sợ khủng khiếp, toàn
thân đều run rẩy, nhưng họ vẫn ngoan cố mà nói dối rằng: "Tôi chưa từng
làm những việc như thế". Khi đó vị Quỷ Vương Chủ Mạng bảo với người chết
rằng: "Thì đây, ta có cái gương chiếu nghiệp này, ngươi nên soi vào trong
đấy".
Khi ấy tức thì trong bức gương,
nghiệp lành hay nghiệp dữ đều biểu hiện rõ ràng; cho nên dù có chối cãi cũng
không ích gì. Bấy giờ lại có kẻ làm ngục chủ hình dáng rất dữ tợn, lấy dây buộc
vào cổ người tội mà dắt đi, rồi dùng những cực hình để hành phạt, tra tấn như:
chặt đầu, mổ bụng, moi gan, hút não, ăn huyết thịt, nhai xương,... hết sức đau
đớn nhưng vẫn không chết. Sau khi thân thể đã bị tan nát, rồi dần dần đầy đủ
trở lại như cũ, và người chết lại chịu cực hình tiếp luôn không ngớt.
"Trong khi các vị Thần coi về
việc lành hay việc dữ hiện ra để sát hạch tội lỗi, thì ngươi không nên khiếp
hãi, cũng không nên chối cãi. Ngươi phải biết rằng: thân Trung ấm dù phải trải
qua bao phen tan nát đi nữa cũng không thể chết được. Như bọn Ngục tốt kia cũng
là hình ảnh do nghiệp duyên biến hiện đó thôi. Nếu khi thấy có Quỷ Vương Chủ
Mạng đến, thì ngươi nên tự xưng với Quỷ Vương Chính Trực ấy rằng: "Tôi,
pháp danh ..., quy y với ..." thì bấy giờ dù cho ngươi có chịu cực hình đi
nữa, cũng không đến nỗi tổn hại".
Thiện hữu phải theo như trên mà chỉ dạy. Đại chúng
phải niệm Phật mà cứu độ. Dù cho người ấy phải trải qua bốn mươi chín ngày mà
chưa được vãng sanh đi nữa, cũng vẫn có sẵn cái khả năng đắc độ rồi vậy.
TÌNH TRẠNG THỌ-SINH
Nếu người chết đó lúc còn sống, đối
với Phật pháp chưa có một lòng tin tha thiết, thì thân Trung ấm ấy phải trải
qua đường lối quanh co và dần dà không quyết định. Vì vọng niệm quá bồng bột,
cho nên dù đã trải qua nhiều phen chỉ giáo, người ấy vẫn chưa được vãng sanh.
Hơn nữa, chính trong lúc đó, người chết cũng không tự biết là mình đã gần đến
chỗ thọ sanh. Bấy giờ, thân Trung ấm hoặc gặp phải cuồng phong bão vũ, giá
tuyết, v.v... làm cho họ tối tăm mù mịt, lại có các loài ác thú xua đuổi theo
sau, chỉ trong chốc lát thời chúng sáp đến. Nếu người nào mà nghiệp chướng nặng
nề, thì sẽ bị chúng hăm dọa và vì trốn tránh mà đi vào trong cảnh khổ. Còn ai
có đủ nghiệp lành thì được đi đến chỗ an vui. Trong một khoảnh khắc quan hệ và
mau chóng ấy, nếu đời trước họ chưa có công phu tu tập đoạn dâm, thì họ sẽ thấy
được cảnh tượng hai thân nam, nữ giao hội. Khi đó tà niệm dấy động, sanh lòng
yêu ghét, nên tức thì phải thọ sanh. Hoặc đầu thai vào các loài súc vật, hoặc
đầu thai lại làm thân người, tùy theo nghiệp duyên sai khác của người đã chết
mà cảm thọ.
Nếu người nào về nghiệp đàn ông
nhiều thì thấy đàn bà liền sanh lòng yêu mến. Còn người nào về nghiệp đàn bà
nhiều, thì thấy đàn ông liền sanh lòng yêu mến. Khi đó vì cảm nhận sự dục lạc
nên họ bị tối tăm và mất cả tri giác. Đấy là tình trạng thân Trung ấm đã diệt,
và được sanh vào loài thai sanh hay noãn sanh vậy.
Sau khi đã đầu thai vào một loài
nào, thì cũng phải trải qua đủ những thời gian tương đương với loài ấy rồi mới
được sanh nở.
Nếu phải thọ sanh làm thân loài chó,
thì tìm ổ mà nương tựa cho đến lúc khôn lớn. Nếu làm thân một con lợn, thì đi
đến trong chuồng mà nương tựa cho đến khi khôn lớn. Nếu làm thân một con kiến,
thì bò vào trong hang mà ở đó cho đến khi khôn lớn. Nếu làm thân một con trùng,
một con giòi, một con nghé, một con dê,... đều tùy theo nghiệp duyên sai khác,
đáng sanh vào loài nào thì phải sanh về loài ấy, và phải trải qua ngày tháng và
thọ mạng được bao nhiêu, tất cả đều được tương đương với loài ấy. Một khi đã
thọ sanh những thân hình ấy, thì dù muốn tránh thoát, cũng không làm sao thoát
khỏi được. Còn có những nỗi khổ kịch liệt như đui, điếc, câm, ngọng, ngu si, dơ
dáy, và để mặc cho người ta giết hại, sự đau đớn kia không thể nào kể xiết
được.
Còn có những nỗi khổ sở phải đọa vào
loài Ngạ-quỷ, và trong Địa ngục, v.v... như trong kinh đã nói. Nếu ai được may
mắn thì sanh lên cõi Trời, cõi Người, và A-tu-la, đo là ba cảnh giới hiền lành.
Nhưng các cõi đó còn phải chịu khổ sanh tử luân hồi, không bao giờ được thôi
nghỉ. Cho nên Thiện hữu phải theo những như sau đây mà chỉ giáo:
- "Ôi! Thương thay! Ngươi làm
những ác nghiệp gì mà bị khổ sở như thế" - Ngươi nên hiểu rằng: Từ nhiều
kiếp đến nay, phải đắm chìm trong sanh tử mà vẫn chưa được ra khỏi, đều không
ngoài lý do ác nghiệp đã gây nên. Bây giờ đây, nếu ngươi không tự cứu độ cho
mình, cứ chất chứa những điều ghen ghét thương yêu, thì có khác chi tự hãm mình
vào trong bể khổ; trải qua nhiều kiếp mà không thể ra khỏi đó sao? Ngươi phải
mạnh mẽ mà phấn khởi lên, trừ bỏ cái tà tâm thương ghét đê tiện ấy đi, đừng để
nó sanh khởi làm nhơ nhớp tâm niệm, ngươi phải tự trách và tự răn mình như thế,
phải lập lời thệ nguyện mạnh mẽ, quyết định không dối mình. Như trong kinh đã
nói: "Chỉ có lời thệ nguyện mới có thể đóng bít được thai môn mà
thôi".
SINH LÊN CÕI TRỜI
Vì cái ý niệm mong được thọ sinh của
người chết quá bồng bột, nên dù đã trải qua nhiều phen chỉ giáo, họ cũng vẫn
không trừ được lòng huyễn vọng ấy, cho nên vẫn chưa được vãng sanh Tịnh độ. Khi
đó, thân Trung ấm vì nhờ sức thiện nghiệp mà thấy được cảnh giới chư Thiên (các
cõi trời) nào là kỹ nữ trang nghiêm chơi bời vui thú, biết bao cảnh tượng đẹp
tươi.
Khi đó sanh lòng ưa thích, vội vàng
đi đến cảnh giới ấy. Lại có các vị thiên thần đem thiên y (áo của trời) và kỹ
nhạc đến đón rước họ. Bấy giờ bà con tống táng, dù có than khóc thảm thiết đến
đâu cũng không thể làm lay chuyển lòng họ. Trái lại ta thấy người chết đó mỉm
cười hớn hở và nhan sắc tươi vui, Vì tâm tình của thân Trung ấm đã duyên vào
cảnh giới vui vẻ của chư Thiên, cho nên dù người sống có than khóc thảm thiết,
họ cũng không cần nghĩ đến. Nhưng nếu Sinh ấm (thân sau) chưa thành, thì thân
thuộc khóc than còn có thể lôi kéo được lòng họ.
Sanh lên Thiên giới tuy là vui sướng
hơn ở Nhân gian, nhưng ta vẫn còn trong vòng tam giới: dục giới, sắc giới và vô
sắc giới, chưa khỏi sinh tử luân hồi. Vậy cũng không tránh khỏi được mọi điều
đau khổ, sao bằng sự vui vô lậu hoàn toàn của thế giới Cực Lạc.
SINH VỀ BỐN CHÂU
Thân Trung ấm có một thứ thần thông
ta không thể tưởng tượng được. thứ thần thông ấy do nghiệp duyên của Trung ấm
mà cảm được, họ có thể trong một chốc lát mà đi khắp cả bốn Đại-châu, hoặc
quanh núi Tu-di còn mau chóng hơn trong thời gian cánh tay ta co duỗi một lần.
Tùy theo ý muốn của họ, hễ mống niệm là liền đến; cho đến đủ có những huyễn
pháp biến hiện khác (Chữ châu ở đây nên hiểu là địa cầu).
A. Đông Thắng Thần châu.
Nếu thân Trung ấm được cảm sanh về Đông Thắng Thần châu, thì họ liền thấy
biến thành cái hồ, trong đó có những chim hồng, chim nhạn, họp thành bầy lũ,
trống mái rượt nhau dạo chơi trên mặt nước. Nếu kẻ chết đi đến chỗ ấy, tức phải
sanh về Đông Thắng Thần châu.
Người chết phải cẩn thận chỗ khởi (mống) tâm, phải cương quyết chớ đi đến
châu ấy. Vì đến châu ấy dù được an vui, nhưng đắm theo sự an vui đó mà làm xao
lãng, bỏ mất chỗ tu tỉnh, thì chắc không thể siêu sanh thoát tử được.
B- Nam Thiệm Bộ
châu.
(Nghĩa của nó
là Thắng kim; vì ở châu này có thứ kim sắc đặc biệt).
Nếu thân Trung
ấm được sanh về Nam Thiệm Bộ châu, thì sẽ cảm thấy hiện ra những cung điện huy
hoàng của châu ấy. Thấy được cảnh tượng như vậy tức là họ sẽ sanh về Nam Thiệm
Bộ châu.
Nếu ai chưa hết
cái ý niệm mong được thọ sanh, thì nên cầu sanh về châu này. Vì ở đây hiện có
Phật pháp đang lưu hành, vẫn còn có thể tu trì mà được siêu thoát.
C. Tây Ngưu Hóa
châu.
(Cõi này buôn
bán đổi chác đều dùng bằng trâu, không dùng đến tiền tệ).
Nếu thân Trung
ấm sắp được sanh về Tây Ngưu Hóa châu, thì sẽ cảm thấy có một cái hồ, hai bên
bờ có trâu gặm cỏ.
Thấy cảnh tượng
như vậy tức là sẽ sanh về Tây Ngưu Hóa châu.
Châu này tuy là
giàu có thật, nhưng cũng không nên đến. Vì sự giàu có hay làm tăng trưởng lòng
tham vọng, mà phế bỏ đạo hạnh tu trì, cho nên không nên đến.
D. Bắc Cu Lô
châu.
(Châu này gọi
là Thắng xứ; vì ở đây sung sướng như cõi Trời).
Thân Trung ấm
nếu được cảm sanh về Bắc Cu Lô châu thì sẽ thấy có một cái hồ, và trên bờ cũng
có các loài súc vật, cây cối,... Thấy cảnh tượng như vậy tức là sẽ sanh về Bắc
Cu Lô châu.
Châu này tuy
được sống lâu và sung sướng thật, nhưng ở đây không có Phật pháp lưu hành,
người chết càng không nên đi đến, mà cần phải trở lại gấp.
Thiện hữu nên
đối trước linh sàng, theo như trên mà chỉ giáo, để cho người chết được biết mà
lựa chọn thân sau.
Thân trung ấm
mặc dù đang rong ruổi ở chốn xa xôi, nhưng một khi nghe ta kêu gọi thì lập tức
trở lại. Vì họ có đủ thứ thần thông của nghiệp lực, có đủ khả năng ghi nhớ
những điều đã trải qua, cũng hiểu rõ được mọi sự lý. Lúc đang sống còn, dù họ
là người kém thông minh, nhưng khi chết rồi thì mọi sự thấy nghe đều sáng suốt,
ngặt nỗi nghiệp duyên lôi cuốn nên không khỏi trở vào sanh tử đó thôi. Lại nữa,
Trung ấm là một thứ thân đã thoát khỏi xác thân huyết nhục thô tướng, cho nên
dù là đất, đá, gò, đống, nhà cửa hay lớn như núi Tu-di cũng đều có thể qua lại
tự do. Chỉ có Pháp tọa Kim cang của chư Phật và tử cung trong thân mẹ thì không
thể nào qua khỏi, vì một khi đã vào trong tử cung, tức là sẽ thành thân sau
vậy.
Trong Mật giáo
có nói về cách thức chọn thai rất hay, cho nên thiện hữu phải theo như sau mà
chỉ giáo cho kẻ chết: "Vong linh! Ngươi hãy lắng nghe! Vì ngươi cũng có
chút ít thần thông, thì nên đi khắp trong các châu mà xem xét; nếu thấy châu
nào có Phật pháp lưu hành thì ngươi nên đến đó mà thọ sanh. Nếu sẽ do nơi vật
bất tịnh giao cấu mà thọ sinh (bất tịnh: chỉ chỗ tinh huyết của mẹ cha) thì
ngươi sẽ cảm giác được một thứ hương vị, nghe rồi sanh lòng ham đắm; tức là bị
nó hấp dẫn vào trong thể chất bất tịnh ấy mà thọ thai. Thế nên trong khi đó, dù
có sắc tướng gì hiện ra trước mắt ngươi (đây chỉ cho trạng thái trong thai) thì
ngươi không nên khởi lên cảm giác để phân biệt về sắc tướng của vật đó. Như vậy
đã không nên có tham tưởng, cũng không nên sanh lòng ghen ghét vì thông thường
thiện thai hay nhận lầm là ác thai, và ác thai hay nhận lầm là thiện thai. Thấy
thiện thai cũng không nên sanh lòng ưa đắm, thấy ác thai cũng không nên sanh
lòng chán nhàm, chỉ phải một lòng an trú nơi cảnh vô phân biệt. Nếu trái lại
thì bị hoặc nghiệp tà niệm mà phải đọa vào súc sinh. Bởi lẽ đó, trong khi có
thai tạng (tử cung) nào hiện ra truớc mắt thì ngươi cứ yên tâm không nên lo
lắng, cần phải chăm lòng quy y Tam bảo, phải khởi lên ý niệm như sau: Tôi nay
phát nguyện, nguyện làm vị Quốc Vương hay là Bà-la-môn hoặc làm con vị Trưởng
giả vĩ đại, hoặc làm con bậc Tất địa thành tựu, là dòng dõi rất trong sạch, có
đủ lòng chánh tín về Phật pháp và có đại phúc đức, có thể làm lợi ích cho chúng
sanh.
Sau khi phát
nguyện xong, ngươi hãy đợi đến chừng nào thấy được hào quang sắc trắng của chư
Thiên hay hào quang sắc vàng của loài Người. Trong hào quang ấy hiện ra những
cung điện quý báu, nhà cửa đồ sộ, cho đến vườn tược v.v... thì ngươi hãy buông
lòng quyết tâm mà đi thẳng tới đó, chớ có đoái hoài, lưu luyến cảnh đới. Được
vậy, ngươi sẽ được sanh về thiện đạo".
Thiện hữu phải
theo như trên mà chỉ giáo bảy phen. Nếu phải thọ sanh vào gia đình hạ tiện, thì
người chết sẽ nghe có bao nhiêu âm thanh rộn ràng ức hiếp, sẽ thấy mình đi vào
trong cảnh núi rừng lau sậy, toàn những cảnh tượng không vừa ý. Nếu sẽ được thọ
sanh vào nhà tôn quý, thì họ sẽ lại thấy hoàn toàn yên lặng, hoặc cảm thấy mình
được bước lên cung điện, toàn những cảnh tượng rất hài lòng vậy.
(còn tiếp)
0 Kommentare:
Post a Comment