Pages

29 April 2014

Thái Thượng Cảm Ứng Thiên - Phần 4


Chúng ta ở thời đại này tu hành, có thể thật sự làm được năm giới mười thiện, thành thật niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh Độ thì nhất định được vãng sanh. Người muốn sanh Tịnh Độ rất nhiều, nhưng tại sao đi không được? Đi không được đương nhiên là vì ta có chướng ngại. Chướng ngại gì? Thế duyên không buông bỏ! Điều này rất quan trọng. Phàm là người chân thật cầu vãng sanh thì phải buông bỏ tất cả, quyết định không tiêm nhiễm. 





Thái Thượng Cảm Ứng Thiên (tập 04)

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore

Thời gian: 1999
Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ


Xin chào các vị đồng tu!

Ngày hôm qua, chúng ta đã giảng hai câu đầu của Cảm Ứng Thiên là “Họa phước vô môn, duy nhân tự chiêu”. Trong Hội Biên đã nêu ra những công án nhiều đời, sự chứng thực nhiều không kể xiết, mỗi việc đều phải nên đọc thuộc, nghĩ sâu. Vì thời gian hạn chế, chúng ta không thể giới thiệu từng điều, từng điều, mà chỉ có thể lựa chọn vài điều, đem trọng điểm nói rõ ràng với mọi người.

Phật trong đại kinh thường bảo với chúng ta: “Mất thiết thuyết tùng cảm tưởng sanh”, đây là Phật tri, Phật kiến. “Duy nhân tự chiêu” cũng chính là ý này. Cổ đức nói với chúng ta người phàm vọng tưởng quá nhiều. Ở trong rất nhiều vọng tưởng có thể phân làm ba loại là quá khứ vọng tưởng, hiện tại vọng tưởng và vị lai vọng tưởng.

Thường thường nghĩ đến quá khứ, vinh nhục của quá khứ, những ân oán quá khứ đã kết với mọi người, bi-hoan, ly-hợp. Loại này đều thuộc về vọng tưởng quá khứ, nhất là người có tuổi tác lớn, luôn nghĩ đến những sự việc thời thiếu niên của họ, sự việc cứ nghĩ đi nghĩ lại, vĩnh viễn cứ lập đi lập lại những việc xưa. Đây là thuộc về vọng tưởng quá khứ.

Có những sự việc ở trước mặt, hoặc là phải làm, hoặc là không nên làm, luôn luôn do dự, không quyết định. Loại này thuộc về vọng tưởng của hiện tại.

Loại thứ ba là nghĩ đến tương lai. Những sự việc của tương lai thực tế là những lời nói chưa thể dự liệu. Có những việc không thể có, nhưng họ cũng nghĩ đến được, hoặc là tiền của, địa vị, quyền thế. Loại này thuộc về vọng tưởng vị lai.

Ba loại vọng tưởng này là vô lượng vô biên, niệm niệm không hề gián đoạn, một vọng niệm tiếp theo một vọng niệm. Những vọng niệm này chúng ta không thể xem thường, cho rằng những vọng niệm này không có quan trọng, vậy thì ta sai rồi. Một vọng niệm chính là một nghiệp nhân. Nghiệp nhân gặp được duyên thì quả báo liền hiện tiền. Thiện niệm có thiện báo; ác niệm nhất định cảm đến ác báo. Quả báo thiện ác một mảy lông cũng không lọt, đây chính là căn nguyên của kiết hung họa phước mà thiên văn chương này đã nói. Thánh hiền thế xuất thế gian thường dạy bảo chúng ta, chúng ta phải nên ghi nhớ, phải nên suy nghĩ sâu, phải nên gắng thực hiện.

Trong Hội Biên có nêu ra một câu chuyện (câu chuyện này trong Liễu Phàm Tứ Huấn cũng có). Thời Tống triều có một người tên Vệ Trung Đạt, câu chuyện của người này lưu truyền rất rộng, không chỉ có rất nhiều người thời đó biết được, mà người đời sau biết được cũng rất nhiều, do lưu truyền ghi chép ở trên sách. Năm đó ông nhận chức ở Hàn Lâm Viện, có một hôm bị vua Diêm La bắt đi. Sự việc này người bây giờ nghe qua dường như là thần thoại, rất khó bảo người tin theo, nhưng kỳ thật, sự việc này là thật. Tôi lúc nhỏ gặp một việc, tôi ghi nhớ rất rõ ràng, quê hương chúng tôi là một thành thị nhỏ. Thành thị này là thành cổ, xây dựng thời nhà Hán đến ngày nay đã có 2000 năm lịch sử. Lúc nhỏ, tôi có một khoảng thời gian ngắn ở dưới thôn quê, cách xa thành phố có đến hai mươi lăm dặm đường. Lúc đó muốn lên thành là phải đi bộ, đại khái phải đi hơn hai giờ, cũng không xem là quá xa. Tôi ở nhà của ông ngoại. Cách nhà ngoại tôi đại khái một hay hai căn, có một người bị bệnh nặng. Người bệnh nói: “Thành Hoàng muốn kéo ông đi làm người hầu”. Người ta hỏi: “Thành Hoàng bắt ông làm những việc gì?” Ông nói: “Đi gánh đồ”. Hỏi: “Tại vì sao phải gánh đồ?” Ông nói: “Thành Hoàng lão gia muốn dọn nhà, bắt rất nhiều người đi gánh đồ, và cũng muốn bắt ông đi”. Người nhà hỏi: “Vậy thì phải làm sao?” Ông nói: “Các người có thể đốt giấy tiền vàng bạc cho tôi, để tôi đi thuê người khác, vậy thì tôi không cần phải đi”. Cho nên người trong nhà liền đốt giấy tiền vàng bạc, người giấy, ngựa giấy cho ông rất nhiều. Sau khi ông đi thuê người làm xong, bệnh của ông liền khỏi. Chúng tôi nghe rồi liền cảm thấy rất kỳ lạ, tại sao Thành Hoàng muốn dọn nhà? Sau đó ba ngày, miếu Thành Hoàng bị quân đội chiếm lấy. Quân đội lấy miếu Thành Hoàng làm doanh trại, những thần tượng bên trong đều bị hủy hoại. Lúc này mới vỡ lẽ ra miếu Thành Hoàng bị quân đội chiếm lấy. Thành Hoàng lão gia ba ngày trước đã dọn nhà đi rồi, đây là sự thật mà chúng tôi chính mắt nhìn thấy. Cho nên, “ngẩng đầu ba thước có thần minh”, cho dù ta tin hay không tin, ta tin là có, ta không tin vẫn là có. Người bây giờ không đọc sách thánh hiền, không tin tưởng lời khuyên dạy trung thật. Những sự việc chính mắt tôi nhìn thấy rất nhiều, cho nên đối với những điển tích ghi chép của người xưa, tôi đều tin sâu, không nghi. Những tiểu thuyết thần thoại như Liêu Trai Chí Dĩ, Duyệt Vi Thảo Đường bút ký, Tử Bất Ngữ, tuyệt đại đa số là sự thật, không phải là bịa đặt không chứng cứ, không phải là chuyện ngụ ngôn.

Vệ Trung Đạt bị Diêm Vương bắt đi. Sau khi bắt đi, phán quan liền điều tra việc thiện ác mà cả đời ông đã tạo. Kết quả án kiện, những việc ác mà ông đã tạo chất đầy một đống to như núi, còn việc thiện chỉ có một quyển, nói cách khác, cả đời ông đã tạo chỉ có một việc thiện. Sau khi nhìn thấy, ông liền nói với phán quan: “Tôi vẫn chưa đến 40 tuổi, làm gì mà tôi đã tạo nhiều việc ác đến như vậy?”. Phán quan liền nói với ông: “Những việc tạo tác này là khởi tâm động niệm của ông. Ông khởi lên một ác niệm thì trong âm tào địa phủ liền có án kiện lưu giữ ở đó, chẳng phải đợi ông tạo tác. Nếu ông tạo tác thì tội ông càng nặng, càng sâu. Khởi lên một niệm ác liền lưu lại một án kiện”. Ông liền hỏi: “Vậy một ý niệm thiện của tôi, đó là gì?”. So sánh việc thiện ác của ông trước đây, xem thấy ác niệm nhiều đến như vậy, vua Diêm La rất tức giận, nói: “Mang cân đến đây để cân thử”. Khi vừa cân lên, lỗi lầm của ông nhiều đến như vậy thế mà nhẹ; còn một việc thiện này của ông vậy mà nặng. Vua Diêm La liền rất hoan hỷ. Ông liền hỏi Diêm Vương: “Việc thiện đó của tôi, rốt cuộc là việc thiện gì vậy?”. Diêm Vương nói: “Lúc đó Hoàng đế muốn xây dựng một công trình, nhưng công trình này có thể không cần phải làm, tốn tiền của của nhân dân. Ông dâng lên một tờ tấu sớ, khuyên Hoàng đế không nên làm. Đây là do ông dụng tâm chân thành, thật tâm dâng lên tấu sớ”. Ông nói: “Nhưng Hoàng đế không nghe”. Diêm vương nói: “Nếu như Hoàng đế nghe theo thì phước báu của ông còn lớn hơn. Vua không nghe, nhưng nhờ lòng chân thành của ông, nên ông có được cái ý niệm này. Đây là một việc thiện nên rất nhiều việc ác của ông đều bị đè xuống”. Công án này rất đáng để chúng ta phản tỉnh. Diêm vương nói với ông, bởi vì cái ác của ông đã tạo quá nhiều, nên tiền đồ của ông sẽ có chướng ngại. Vốn dĩ trong số mệnh ông làm đến tể tướng, nhưng nay thừa tướng ông cũng không có phần. Chức quan của ông chỉ làm đến sử bộ thượng thư (sử bộ thượng thư tương đương với bây giờ là bộ trưởng chủ quản dân chính, thông thường gọi là bộ trưởng bộ nội chánh), làm đến được địa vị này, vậy là bị giáng xuống một cấp. Cho nên tạo tác thiện ác, chúng ta thường gọi là ba nghiệp. Chúng ta từ sớm đến tối, thân ngữ ý đều đang tạo nghiệp. Động tác của thân thể, lời nói trong miệng, ý niệm trong lòng, nếu tương ưng với mười thiện là thiện, trái nghịch với thiện là ác. Đây là tiêu chuẩn lớn, còn những việc nhỏ thì nhiều không kể xiết.

Giới luật oai nghi ở trong nhà Phật, thực tế mà nói bây giờ không có người nào làm được. Liên Trì đại sư, Ngẫu Ích đại sư đời nhà Minh cực lực đề xướng “Sa Di Luật Nghi”, vì chúng ta đã đem tiêu chuẩn của thiện giáng xuống thấp rồi. Chúng ta có thể đem “Sa Di Luật Nghi” mười giới điều, hai mươi bốn oai nghi làm đến được, thì ta chính là đệ tử chân chính của Phật. Thế nhưng, ngày nay đời sống vật chất nâng cao, quan niệm đạo đức bị xuống thấp, nên mười giới, hai mươi bốn oai nghi đều không làm được. Các vị đồng tu đều biết, Hoằng Nhất đại sư cả đời phụng trì ngũ giới, thập thiện. Đối với người, ông tự xưng là xuất gia Ưu Bà Tắc. Ngài đầy đủ đức hạnh, cả đời làm người đoan chánh, làm đến được danh xứng đối với thực. Tỳ Kheo là giả, không phải chân thật, Tỳ Kheo chân thật không làm đến được. Cho nên, làm một cư sĩ xuất gia còn có thể làm được, thọ trì năm giới mười thiện, vậy thì danh xứng với thực. 


Kỳ thực, dùng xuất gia Ưu Bà Tắc không phải bắt đầu từ Hoằng Nhất đại sư. Chúng ta xem thấy ở trong sách, dùng cái danh phận này là Thành Thời, học trò của Ngẫu Ích đại sư. Ngẫu Ích đại sư tu hành rất chăm chỉ. Sau khi thọ xong ba đại giới đàn, Ngài đem giới Tỳ kheo xả đi. Tại vì sao Ngài xả bỏ giới Tỳ Kheo? Tỳ Kheo giới đích thực làm không được, hơn nữa truyền thừa của giới Tỳ Kheo không đúng pháp, chính là không thể đắc giới Tỳ Kheo. Cho nên Ngẫu Ích đại sư nói, Trung Quốc từ sau đời Nam Tống không có Tỳ Kheo, đến cuối đời nhà Minh làm sao có thể đắc giới Tỳ Kheo? Đây là hữu danh vô thực. Vì vậy, sau khi thọ giới rồi thì Ngài thoái giới. Ngài tự mình cả đời phụng trì Bồ Tát giới, Sa Di giới, tự mình xưng là Sa Di Bồ Tát giới, việc này có thể làm được. Lão sư xưng là Sa Di, nên học sinh không dám xưng Sa Di, Thành Thời (đồ đệ của Ngài) tự xưng là xuất gia Ưu Bà Tắc. Tôi xem trong sách, Thành Thời là người đầu tiên xưng là xuất gia Ưu Bà Tắc, gần đây xem thấy Hoằng Nhất đại sư cũng dùng xưng hô này. Danh xứng với thực!

Chúng ta ở thời đại này tu hành, có thể thật sự làm được năm giới mười thiện, thành thật niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh Độ thì nhất định được vãng sanh. Người muốn sanh Tịnh Độ rất nhiều, nhưng tại sao đi không được? Đi không được đương nhiên là vì ta có chướng ngại. Chướng ngại gì? Thế duyên không buông bỏ! Điều này rất quan trọng. Phàm là người chân thật cầu vãng sanh thì phải buông bỏ tất cả, quyết định không tiêm nhiễm. Chúng ta ở thế gian này, nếu như tự mình có duyên phận, có thể thay thế xã hội, có thể thay thế đại chúng làm một chút việc tốt thì tận sức mà làm. Trong Phật pháp thì rộng kết thiện duyên.

Các vị xem Hư Vân lão Hòa Thượng đời cận đại (mọi người chúng ta đều rất quen thuộc), lão Hòa Thượng dùng pháp duyên cùng sức ảnh hưởng của Ngài đến khắp nơi kiến lập đạo tràng, giúp đỡ người xuất gia trẻ tu hành. Sau khi đạo tràng xây xong liền giao ngay, trước sau không hề hỏi qua. Đây là tu đại phước báu, chúng ta phải nên học tập. Sức ảnh hưởng của ta rất yếu kém, không thể so với lão Hòa Thượng, chúng ta khuyên dạy rất nhiều vị đồng tu có năng lực phát tâm xây dựng đạo tràng loại nhỏ. Tịnh Tông Học Hội ngày nay trên toàn thế giới cũng có năm, sáu chục cái. Mỗi một Tịnh Tông Học Hội đều độc lập. Chúng ta dùng sức ảnh hưởng thúc đẩy tới thành công. Sau khi thành tựu rồi, có còn hỏi đến nữa hay không? Không hỏi qua nữa. Nếu như ta còn muốn hỏi qua, nghĩa là ta vẫn còn bận tâm, vậy thì không thể vãng sanh. Phải buông bỏ triệt để thân tâm thế giới, nhất trần bất nhiễm thì chúng ta nhất định nắm chặt phần vãng sanh, điểm này rất trọng yếu. Cho nên, có thể vãng sanh hay không vẫn là ở chính nơi ta, không ở ngoại cảnh. Danh vọng lợi dưỡng, ngũ dục lục trần quyết không thể tiêm nhiễm.

Phật ở trên kinh nói rất hay: “Tài- sắc- danh- thực- thùy, địa ngục ngũ điều căn”, còn vướng một điều là ta không thể tránh khỏi địa ngục, ta làm sao có thể vãng sanh? Điều này phải nghiêm túc ghi nhớ, không thể tham trước. Cả đời ta nên tùy duyên, không phan duyên. Tùy duyên hoan hỷ, thế nào cũng tốt, mỗi ngày ăn được no, mặc được ấm, một lòng hướng đạo. Tôi cả đời chính là làm cái việc này, giảng kinh thuyết pháp, hoằng pháp lợi sanh, tất cả cái khác đều không hỏi, cả đời không có đạo tràng, cả đời cũng không có đồ chúng. Ngày trước, những người xuất gia là Hàn Quán Trưởng nhận, không phải tôi nhận; đặt pháp danh, đều là Hàn Quán Trưởng đặt, không phải là tôi đặt. Tôi mong muốn mọi người cố gắng tu học. Tôi bây giờ tuổi tác đã lớn, người xưa nói đến lúc phải nên chết rồi, bảy mươi ba, tám mươi bốn Diêm Vương không  mời  cũng tự mình đi, còn có cái  gì đáng lưu luyến? Cả đời không quản người, không quản việc, không quản tiền, đến lúc già rồi vẫn còn quản thì đặc biệt sai lầm. Thân tâm thế giới tất cả buông bỏ, sống một ngày vì Phật Bồ Tát làm việc một ngày.

Năm nay lớp bồi dưỡng khóa thứ năm chúng ta có thể sẽ khai giảng. Phòng ốc của trường ở nơi Dương Thố cảng, sau khi lấy lại thì số người có thể tăng thêm. Tôi liền nghĩ đến dạy học khóa thứ năm, các vị học trò hiện tại đều có thể làm thầy giáo. Một thầy giáo dạy hai học sinh, chế độ này của chúng ta rất đặc thù là một người dạy hai học sinh. Bây giờ các vị cần phải chuẩn bị hết mức, chuẩn bị “Nội Điển Giảng Tòa Chi Nghiên Cứu” và “Thật Dụng Giảng Diễn Thuật”, hai khóa mục này phải cố gắng nghiên cứu. Tương lai mỗi một vị dẫn dắt hai học sinh, nhiều nhất là ba học sinh, phương pháp dạy học của chúng ta rất đặc thù. Khi kết thúc khóa học, tôi sẽ đến nghiệm thu. Học sinh luyện tập giảng kinh, toàn bộ kinh nghiệm của các vị đều có thể truyền thụ cho họ. Chọn tài liệu, kinh luận thế nào, việc này có thể chăm chước. Trong khoảng thời gian này, chuẩn bị nhiều một chút, dùng kinh Vô Lượng Thọ cũng được, dùng kinh A Di Đà cũng được, thậm chí ngắn một chút như kinh Bát Đại Nhân Giác, kinh A Nan Vấn Phật Kiết Hung. Hiện nay chúng ta đều có tư liệu, tư liệu rất nhiều, có đến mấy chục loại. Các vị muốn dùng loại nào đều phải chuẩn bị trước. Rất nhiều thứ bây giờ đều có bộ phận văn tự, đây là tư liệu tham khảo rất tốt.

Kinh văn: “Họa phước vô môn,

Duy nhân tự chiêu;

Thiện ác chi báo,

Như ảnh tùy hình”.

Bốn câu mở đầu là tổng cương của toàn văn. Văn tự về sau đều là thuyết minh nói rõ bốn câu này. Hai câu trước là “Họa phước vô môn, duy nhân tự chiêu”, đây là tổng cương, nói nguyên lý của cảm ứng. Hai câu tiếp theo là “Thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình”, đây là nói rõ chân tướng sự thật của báo ứng. Quan trọng là bốn câu này đều có lý, có sự. Hư không pháp giới, y chánh trang nghiêm là một quả báo cảm ứng lớn. Một thế giới, một xã hội là một báo ứng nhân quả loại nhỏ. Nói đến một người, một gia đình thì đây là nghiệp nhân quả báo nhỏ nhất. Tất cả kinh Phật nói, cũng không rời khỏi nguyên lý này, trong kinh Hoa Nghiêm nói: “Ngũ châu nhân quả”, kinh Pháp Hoa nói: “Nhất thừa nhân quả”. Do đây có thể biết, thế xuất thế pháp chính là một nhân duyên, nhân quả rõ ràng. Cho nên nhà Phật thường nói: “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không”.

Ngày hôm qua, chúng ta đọc đến câu chuyện Vệ Trung Đạt đời nhà Tống. Trên thực tế là nêu ông ra để làm chứng cứ, một con người nào, một chúng sanh nào mà không là như vậy. Cả đời chúng ta đã tạo vô lượng vô biên tội nghiệp, đặc biệt là người hiện đại. Người thời xưa tạo nghiệp là lấy Vệ Trung Đạt ra nói, ông đã tạo ác nghiệp quá nhiều, thế nhưng so lại với người hiện tại chúng ta thì ông tạo nghiệp vẫn còn ít. Ác nghiệp mà người hiện tại đã tạo, so với ông chí ít phải nhân thêm trăm lần, ngàn lần. Nguyên nhân gì vậy? Người thời xưa từ nhỏ đã tiếp xúc qua giáo dục của thánh hiền, cho nên tất cả ác nghiệp mà Vệ Trung Đạt đã tạo là ác nghiệp trong ý niệm, chưa trở thành hành vi tạo ác, ý niệm ác tuy có, nhưng sự việc ác không dám làm. Tại vì sao không dám làm? Do lời giáo huấn của thánh hiền. Người bây giờ không những có ác niệm mà còn dám làm, tội nghiệp lớn nhất là bất hiếu cha mẹ, làm nhục Tam Bảo. Sự việc này chúng ta nghĩ xem, chúng ta tự mình có làm hay không? Cả đời chúng ta khởi tâm động niệm, hành vi tạo tác tự mình nghĩ xem có xứng đáng với cha mẹ hay không? Có xứng đáng với Tam Bảo hay không? Tội nghiệp này thật quá mức, huống hồ còn các thứ khác nữa. Trong kinh Vô Lượng Thọ nói rất hay: “Tiên nhân vô tri”, hay nói cách khác, cũng không thể quá trách cứ họ, có thể lượng thứ một chút cho người tạo các tội nghiệp, đây là tâm của bậc chánh nhân quân tử. Phật Bồ Tát có thể lượng thứ cho ta, thế nhưng quỷ thần không thể lượng thứ. Thiện ác đáo đầu chung hữu báo, chỉ là đến sớm hay muộn mà thôi.

Quả báo, sự việc này lý rất sâu, sự rất phức tạp. Chúng ta không chỉ thấy trước mắt, mà còn phải có trí tuệ chân thật mới có thể nhìn thấy được việc này, phàm phu thì không thể nào thấy được việc trước mắt. Người khác cố tình tạo tác, ta phải xem thấy kết cuộc của họ, sau đó ta mới thật sự hiểu được quả báo như bóng theo hình.

Nhà Phật nói quả báo có ba loại.

Loại thứ nhất là “Hiện báo”. Phàm là quả báo đều có nhân, có duyên, nhân duyên quả báo. Nhân là đời quá khứ đã tạo, duyên là hiện tiền. Bây giờ gặp được duyên, đem những nghiệp nhân này trong A Lại Da thức lôi kéo ra, thế là biến thành quả báo của hiện tiền. Quả báo thiện nhất định có chủng tử thiện, chủng tử là nhân, gặp được duyên thiện. Duyên có hai loại tăng thượng duyên là thuận cảnh tăng thượng duyênnghịch cảnh tăng thượng duyên. Nếu như nhân của ta tốt, nghĩa là trong A Lại Da thức có nhân thiện, chủng tử thiện, thì cho dù thuận hay nghịch tăng thượng duyên đều có quả báo rất tốt. Còn nếu như trong A Lại Da thức của ta là nhân ác, chủng tử ác, gặp được thiện duyên cũng sẽ biến thành việc ác, quả báo ác liền hiện tiền. Những chân tướng sự thật này, chúng ta chỉ cần bình lặng quan sát thì sẽ thấy rất rõ ràng, rất tường tận.

Đời tôi đã gặp qua cả những thiện duyên và ác duyên, các vị đồng tu cùng theo tôi rất nhiều năm đều có thể thấy được rất rõ ràng. Về thiện duyên, tôi gặp được mấy vị lão sư tốt như Phương Đông Mỹ tiên sinh, Ngài tiếp dẫn tôi vào cửa Phật; Chương Gia đại sư đặt nền móng cho tôi; Lý Bĩnh Nam cư sĩ thành tựu cho tôi. Đây là thiện duyên, thiện nhân. Về sau, trong quá trình hoằng pháp của tôi, đạo tràng mà tôi tự mình xuất gia không thể dung nạp tôi, tôi bị đuổi đi, đây là ác duyên. Bạn thử nghĩ lại xem, quả báo về sau tốt hay không tốt? Quả báo tốt! Vì nếu tôi không bị đuổi đi, một đời này của tôi không thể thành tựu, nguyên nhân gì vậy? Sự thành tựu phải ở trên giảng đài qua trăm nghìn thử thách. Đạo tràng đó của tôi cho dù đối với tôi có tốt hơn, họ cũng không chịu để tôi giảng kinh, tôi không có cơ hội lên giảng đài. Cho nên ác duyên này, quả báo về sau tốt.

Sau đó tôi gặp được Hàn Quán Trưởng. Cả cuộc đời bà trong suốt ba mươi năm, bà đã giúp đỡ tôi, thành tựu tôi, cho tôi cơ hội giảng kinh. Quyền quản lý đạo tràng, bà hoàn toàn nắm lấy. Có rất nhiều người kể cả xuất gia, tại gia nói với tôi là Hàn Quán Trưởng đoạt quyền. Tôi chỉ cười, “có người quản việc, không phải tốt hơn sao? Tôi không cần phải lo lắng”. Phần đông người nhìn thấy đều cho rằng đây là nghịch duyên, làm sao tôi gặp phải một người như vậy? Đối với tôi mà nói đó là thiện duyên, vì bà thành tựu cho tôi. Bất cứ thứ gì bà cũng muốn, còn tôi, bất cứ cái gì cũng đều cho bà, vì vậy tham sân si của tôi dứt hẳn. Cho nên, nhân thiện của ta gặp phải duyên ác, quả báo vẫn là thiện. Tôi có thành tựu ngày nay là nhờ bà. Người khác nói bà không tốt, còn tôi cảm đại ân đại đức của bà, đây là điều phàm phu thế gian thông thường không thấy được.

Sau khi xây dựng đạo tràng, dùng danh nghĩa của bà. Sau khi bà vãng sanh, con trai của bà kế thừa sản quyền của đạo tràng. Chúng tôi không còn cách gì, không thể không rời khỏi. Quả báo này tốt hay không tốt? Tốt! Tôi rất cảm kích Cao Quí Dân, vì sao? Nếu như Cao Quí Dân tiếp tục giống như mẹ của ông, hộ trì tôi như vậy, các vị thử nghĩ xem, tuổi tác của tôi lớn rồi, đi lại nhiều thì tương đối khổ cực. Sau khi Hàn Quán Trưởng vãng sanh, thời gian của tôi phân phối là Mỹ ba tháng, Đài Loan ba tháng, Úc châu ba tháng, Singapore ba tháng. Tôi chạy đến, chạy đi khu vực lớn đến như vậy tương đối khổ cực. Khi ông ấy tiếp thu toàn bộ lại hết, chúng tôi thảy đều rời khỏi. Cho nên Đài Loan, tôi có thể không đi; nước Mỹ, tôi cũng có thể không đi, không cần chịu khổ cực nhiều đến như vậy. Tâm tôi định ở Singapore, nên tôi có thể giảng được bộ kinh lớn như vậy, tôi làm sao không cảm kích ông ấy? Tôi không cần phải vất vả bôn ba, hoàn toàn định lại. Ở nơi này tôi làm khách, không làm chủ. Chủ nhân nơi này là Lý Mộc Nguyên cư sĩ. Mọi thứ tôi đều không cần phải lo, tôi chỉ chuyên tâm dạy học, chuyên tâm giảng kinh. Tôi vẫn là tam bất quản, “không quản người, không quản việc, không quản tiền”. Tất cả bao đỏ cúng dường, tôi đều không xem, toàn bộ đem đến thôn Di Đà, một xu tôi cũng không lấy. Các vị nghĩ xem, tôi tự tại đến mức nào? Tôi làm sao không cảm kích Cao Quí Dân? Nghiệp nhân quả báo, chỉ có người chân chánh có trí huệ mới có thể nhìn thấy được rõ ràng, minh bạch. Tối trọng yếu là tồn tâm của ta. Tâm là nhân, bên ngoài là duyên. Tâm của bạn tốt, tức nhân tốt, gặp phải ác duyên, về sau kết quả vẫn là tốt. Trồng nhân thiện được quả thiện, tạo nhân ác nhất định có ác báo. Đạo lý này, trên quyển sách này đã hiển thị rất rõ ràng, rất minh bạch. Cho nên, quả báo có “Hiện báo”. Hiện báo là nhân của bạn mạnh và duyên cũng thù thắng.

Loại thứ hai gọi là “Sanh báo”. Sanh báo là cả đời này không thấy được quả báo, mà quả báo ở đời sau. Chúng ta ở thế gian này cũng nhìn thấy rất nhiều sự việc loại này, có thiện báo, có ác báo, dường như chẳng phải cái nhân của cả một đời này. Con người này là thiện nhân, là người tốt, thế nhưng quả báo của họ không tốt, đời sống khó khăn; còn người kia là người ác, lại phát tài lớn, đại phú, đại quý. Điều này chúng ta nên biết, nhân phú quý của họ là do trồng từ đời trước, ở ngay đời này được chín muồi nên họ hưởng. Tội nghiệp mà cả đời này đã tạo, đời sau sẽ chịu quả báo. Quả báo thông ba đời.

Loại thứ ba gọi là “Hậu báo”. Đời thứ ba về sau, không nhất định là lúc nào, có khi là cách xa nhiều đời, khi nhân duyên hội đủ thì quả báo liền sẽ hiện tiền. Hiểu rõ đạo lý này thì khởi tâm động niệm của chúng ta phải thuần tịnh, tâm địa nên hiền lương. Người có tâm địa hiền lương thì nhất định có phước về sau; người có tâm địa không tốt thì nhất định có hung tai. Chân tướng sự thật đạo lý này chúng ta phải nên hiểu.

Trong chú giải có một đoạn nói: “Tạo tác thiện thiện ác ác, báo ứng như ảnh tùy hình”. “Như ảnh tùy hình” là tỉ dụ. Hình là thân thể chúng ta. Thân thể ở dưới ánh sáng thì có cái bóng. Bóng thì nhất định đi theo thân hình của ta, không thể tách rời, nói rõ báo ứng cũng là như vậy. Cho nên vạn nhất không nên hiểu lầm, tạo ác không nhìn thấy quả báo ác, thế là liền mất đi tín tâm. Người xưa nói, người tạo tác tội ác bây giờ không chịu quả báo, là do phước báo đời trước của họ chưa hưởng hết, họ hưởng thụ là phước báo của đời trước. Phước báo đời trước hưởng tận rồi, tội ác chất chồng thì quả báo của họ liền hiện tiền. Đồng một đạo lý này, tâm thiện, hành thiện mà không thấy phước báo hiện tiền, thậm chí còn nhìn thấy chính bản thân họ, gia đình họ gặp phải rất nhiều hung tai, thì nhiều người đối với việc nhân quả báo ứng không còn tin nữa. Họ không thể hiểu được những hung tai ngày nay phải chịu là dư báo của ác báo trong đời quá khứ. Đợi đến dư báo của ác báo này thọ hết rồi thì phước liền hiện tiền, nên gọi là “thiện quả viên thành”. Thiện tâm, thiện hạnh của chúng ta quyết không suy thoái, không luận ở trong bất cứ nghịch cảnh, nghịch duyên nào, tín tâm của ta vẫn kiên định, thiện hạnh của ta không thể thoái chuyển thì chúng ta chân chính có phước báo.

Ngày trước, khi chúng tôi ở Đài Trung cầu học, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam dạy chúng tôi học “Ngũ Chủng Di Qui” do Trần Hoằng Mưu biên soạn. Trong “Ngũ Chủng Di Qui” có một thiên là “Tâm Tướng Thiên” của Trần Hy Di, lão sư đặc biệt quan tâm. Ngài bảo chúng tôi phải cố gắng học tập, suy nghĩ tường tận, nỗ lực phụng hành sửa đổi. Người chân chính tu hành là mỗi ngày phải kiểm điểm lỗi lầm của chính mình, mỗi ngày có thể phát hiện được lỗi lầm, điều này nhà Phật gọi là khai ngộ. Mỗi ngày bạn có thể đem những lỗi lầm sửa đổi lại, đây gọi là chân thật tu hành, đây là công phu chân thật, hậu phước vô lượng vô biên. Cải lỗi nhất định phải từ nơi tâm mà cải. Tâm là gốc của họa phước. Một niệm thiện là gốc của phước, một niệm ác là gốc của họa, cho nên “họa phước vô môn, duy nhân tự chiêu”.

Thời trước, ở trong nhà có cha mẹ dạy, đi học có thầy dạy. Thực tế mà nói đời này của chúng ta, chúng sanh rất là bất hạnh, vì không có người dạy. Tuổi tác này của tôi còn nếm được một ít duyên muộn, lúc nhỏ thì cha mẹ dạy, khi đi học thì thầy giáo dạy, nếm được một ít giáo dục. Khi đến Đài Loan, tôi còn nếm được một ít biên duyên sư thừa, đây thật là vạn hạnh mà trong Phật pháp thường nói “bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ”. Tôi thân cận lão sư, người thông thường cũng thân cận rất nhiều, học sinh của Phương Đông Mỹ tiên sinh rất nhiều, đồ chúng của Chương Gia đại sư rất nhiều, học sinh của Ngài Lý Bĩnh Nam cũng rất nhiều, nhưng vì sao thành tựu không giống nhau? Tôi đã từng nói với các vị, nguyên nhân do hiếu học. Ta có khả năng hiếu học, gặp được những thiện tri thức này ta liền có thành tựu. Ta tự mình không hiếu học, gặp được cũng như không vậy. Hiếu học là cái nhân của chính mình, gặp được những đại thiện tri thức này là thiện duyên. Cho nên, trọng yếu nhất vẫn là nhân hạnh của chính mình, tự mình cần có nhân hạnh sâu dầy. Nhân hạnh này là đời đời kiếp kiếp trong quá khứ tích lũy, là đời đời kiếp kiếp trong quá khứ tu hành mà được, không phải chỉ là nhân hạnh đời này. Rất nhiều học sinh cùng gặp được lão sư tốt, nhưng số người thật sự có thành tựu thì không nhiều, đạo lý là ở chỗ này. Duyên đồng nhau, nhân không giống nhau, nên quả báo cũng không giống nhau. Chúng ta hiểu rõ đạo lý này, tường tận chân tướng sự thật thì liền biết được tự mình phải nên tu học như thế nào.

Ngày nay, các vị đều hiểu được thế gian sẽ có tai nạn. Không chỉ là dự ngôn cổ xưa của Đông, Tây phương đã nói như vậy, mà chúng ta còn có thể nhìn thấy được. Từ chỗ nào nhìn ra được? Từ nhân tâm. Trong sách cổ Trung Quốc đã nói rất nhiều, nhân tâm hậu đạo thành thật thì xã hội an định, nhân dân có phước. Nếu như thế nhân đều tràn đầy ngờ vực, hiềm nghi, tham-sân-si-mạn, thị phi nhân ngã, thì xã hội này không thể an định, thế giới này không thể thái bình. Nếu muốn cứu vãn kiếp nạn này, thực tế mà nói Liễu Phàm Tứ Huấn cùng Cảm Ứng Thiên, hai bộ sách này rất có hiệu quả. Chúng ta mỗi ngày đọc tụng, thọ trì, y giáo phụng hành, lão thật niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, ta nhất định có thể làm Phật. Cho nên, các vị đồng tu yêu cầu tôi giảng hai bộ sách này, tôi cũng rất hoan hỷ. Hai bộ này giảng ở thời nay rất khế hợp thời cơ, nhà Phật gọi khế cơ, khế lý.

Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.

A Di Đà Phật!

Thái Thượng Cảm Ứng Thiên (tập 04)

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore

Thời gian: 1999

Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Phật tử Diệu Hương

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites