Ngũ
giới, thập thiện trong nhà Phật là pháp căn bản. Rời khỏi ngũ giới,
thập thiện thì người này đang hành tà đạo. Không luận bạn tu học pháp
môn nào, không luận là sơ học, A La Hán hay là đẳng giác Bồ Tát, nếu như
bạn rời khỏi ngũ giới, thập thiện thì bạn đang hành tà đạo, vậy thì làm
gì gọi là Phật pháp?
Thái Thượng Cảm Ứng Thiên tập 01
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: 1999
Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ
Xin chào các vị đồng tu, xin chào mọi người!
Gần
đây, có một số đồng tu yêu cầu tôi giảng lại Thái Thượng Cảm Ứng Thiên
lần nữa và mong muốn đưa đến đài truyền hình phát sóng. Đây là một việc
tốt, thế nhưng thời gian giảng lại cũng tương đối dài. Chúng ta ở đây đã
khai giảng đồng thời kinh Hoa Nghiêm, kinh Vô Lượng Thọ và kinh Địa
Tạng. Ba bộ kinh này đã là nhiều rồi, nay lại thêm một loại nữa, tôi cảm
giác phân lượng quá nặng, cho nên nghĩ tới nghĩ lui, tôi tranh thủ thời
gian nửa giờ vào buổi sáng sớm, chúng ta dự định từ hai đến ba tháng sẽ
giảng viên mãn giáo trình này.
Giáo
trình này thực tế mà nói là rất trọng yếu. Cuối đời Thanh, đầu đời
Minh, Ấn Quang đại sư đặc biệt đề xướng pháp môn này. Cuối đời nhà
Thanh, Ấn Quang đại sư đang ở núi Phổ Đà, lúc đó tri huyện Định Hải
(trào nhà Thanh gọi là tri huyện) lên núi lễ thỉnh Ấn Quang đại sư đến
huyện Định Hải giảng kinh hoằng pháp. Đại sư là người Sơn Tây, khẩu âm
địa phương rất nặng nên có trở ngại về mặt ngôn ngữ, Ngài liền phái một
vị pháp sư khác đến huyện Định Hải để giảng kinh. Pháp sư giảng kinh gì
vậy? Dường như là giảng “Văn Xương Đế Quân Âm Trắc Văn”. Ở trên Văn
Hiến, chúng ta xem được những tư liệu này thì rất kinh ngạc. Trưởng quan
địa phương thỉnh pháp sư giảng kinh, nhưng pháp sư không giảng Phật
kinh mà giảng kinh điển của Đạo giáo. Ngài một đời cực lực đề xướng
những loại thư tịch như Liễu Phàm Tứ Huấn, Cảm Ứng Thiên, cho nên người
đời sau phê bình đối với Ấn Tổ rất nhiều. Đây đều là tri kiến của phàm
phu.
Trong Phật pháp, tôi nghĩ rất nhiều vị đồng tu đều biết được có câu nói như thế này: “Viên nhân thuyết pháp, vô pháp bất viên”, và có lẽ cũng có người đã nghe qua một câu nói khác: “Pháp nào không phải là Phật pháp?”.
Chúng ta thử nghĩ, hai câu nói này là ý gì? Thực tế cái gọi là thế pháp
cùng Phật pháp, từ chỗ nào mà phân biệt vậy? Từ ở nơi tâm của bạn mà
phân biệt. Ở nơi pháp, không có cái gì là thế gian pháp và xuất thế gian
pháp, không có phân ra. Nếu như tâm của bạn có vọng tưởng, phân biệt,
chấp trước, thì đó gọi là thế gian pháp, cho dù bạn học Đại Phương Quảng
Phật Hoa Nghiêm Kinh thì đó cũng là thế gian pháp. Tại sao vậy? Vì
không ra khỏi tam giới. Nếu như rời khỏi phân biệt chấp trước thì hết
thảy tất cả pháp đều có thể liễu sanh tử, xuất tam giới. Cho nên, pháp
nào mà không phải là Phật pháp? Chúng ta cần phải hiểu rõ đạo lý này.
Hôm qua, chúng tôi đi thăm viếng Thiên Chúa giáo, có một vị tiên sinh hỏi tôi một vấn đề: “Trong Thiên Chúa giáo gọi là linh hồn, nếu so cùng pháp tánh mà Phật giáo nói thì sự khác biệt ở chỗ nào?”. Tôi nói với ông ấy một cách đơn giản là có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước gọi linh hồn; không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước gọi là pháp tánh.
Ông ấy liền hiểu được, có thể thể hội được. Có phải đó là một sự việc
hay không? Chỉ là một. Một cái có phân biệt chấp trước, còn cái kia là
rời khỏi phân biệt chấp trước. Có phân biệt chấp trước thì pháp pháp đều
có chướng ngại, rời phân biệt chấp trước thì vạn pháp viên dung. Cho
nên chúng ta phải biết, hư không pháp giới tất cả chúng sanh là một pháp
tánh, kinh Hoa Nghiêm nói là một pháp thân, “mười phương ba đời chư Phật cùng đồng một pháp thân”.
Câu nói này các vị nghe cũng đã thuộc lòng. Đã cùng đồng một pháp thân,
bạn thử nghĩ xem, pháp nào không phải là Phật pháp? Cảm Ứng Thiên làm
sao có thể là ngoại lệ? Cũng là phật pháp, huống hồ là Cảm Ứng Thiên và
Âm Trắc Văn, từ đầu đến cuối, mỗi câu mỗi chữ đều là phát triển của ngũ
giới, thập thiện.
Ngũ
giới, thập thiện trong nhà Phật là pháp căn bản. Rời khỏi ngũ giới,
thập thiện thì người này đang hành tà đạo. Không luận bạn tu học pháp
môn nào, không luận là sơ học, A La Hán hay là đẳng giác Bồ Tát, nếu như
bạn rời khỏi ngũ giới, thập thiện thì bạn đang hành tà đạo, vậy thì làm
gì gọi là Phật pháp? Ngũ giới, thập thiện muốn giảng được viên mãn,
giảng được thực tế thì Cảm Ứng Thiên cùng Âm Trắc Văn là giáo trình tốt,
nhất là ở giai đoạn hiện tại này của chúng ta. Ấn Quang đại sư nói rất
rõ ràng, thế gian này có động loạn, có tai nạn, nếu muốn cứu vãn tai nạn
này chỉ có một phương pháp là hoán tỉnh tất cả chúng sanh chân thật
giác ngộ, đoạn ác, tu thiện, cho dù tai nạn này không thể hoàn toàn hóa
giải nhưng cũng làm cho tai nạn giảm nhẹ, thời gian của tai nạn được rút
ngắn. Việc này chúng ta khẳng định có thể làm được.
Các
vị đồng tu ở Đài Loan đến hỏi tôi, ở ngay trong đại kiếp nạn, Đài Loan
có thể tránh được không? Tôi khẳng định là được. Người Đài Loan tạo tội
nghiệp rất nặng, thế nhưng bạn nghĩ xem, họ bắt đầu tạo tội nghiệp từ
lúc nào? Chẳng qua là hai mươi năm gần đây. Chúng ta nhớ lại hai mươi
năm trước, người Đài Loan rất quy củ, rất giữ gìn phép tắc. Nếu nói đến
ba mươi năm trước, phong khí của Đài Loan có thể nói là tốt nhất Đông
Nam Á, nhân tâm thuần hậu hiền lương. Người Đài Loan tạo tội nghiệp là
trong vòng hai mươi năm gần đây, phong khí xã hội này hoàn toàn thay
đổi. Cho dù có tạo tội nghiệp, nhưng người tạo tội nghiệp không nhiều
lắm, thời gian cũng không xem là quá dài, huống hồ người Đài Loan niệm
Phật rất nhiều, người thiện tâm cũng rất nhiều, cho nên dù có kiếp nạn
cũng sẽ không lớn lắm. Người Nhật Bản tạo tội nghiệp rất nặng, có thể
nói là vô cùng nặng. Ở ngay trong đại nạn, quả báo mà họ nhận lấy phải
nặng hơn Đài Loan gấp mười lần. Chúng ta từ trong đạo lý Cảm Ứng này mà
nói, trồng nhân thiện được quả thiện; tạo nhân ác nhất định được ác báo,
đây là chân lý của Cảm Ứng. Cho nên, Ấn Tổ cực lực đề xướng ba quyển
sách này, đây là trí huệ chân thật, cứu vãn kiếp nạn của thế giới. Đại
sư Ngài cả đời cực lực đề xướng, người thật sự hiểu được lại không
nhiều. Ấn Tổ vãng sanh rồi, người có thể kế tục Ngài phát dương quãng
đại việc này càng ít.
Năm 1977, lần đầu tiên tôi tiếp nhận lời mời của các đồng tu Hồng Kông,
đến bên ấy giảng kinh Lăng Nghiêm. Lần đó thời gian tôi ở lại Hồng Kông
tương đối dài, ở hết bốn tháng. Hai tháng đầu, tôi ở thư viện Trung Hoa
Phật Giáo của Đàm Hư Pháp Sư, khu vực Cửu Long; hai tháng sau, ở đạo
tràng của Thọ Dã lão Hòa Thượng, Quang Minh giảng đường của Lam Đường
đạo. Ở thư viện, tôi thấy được những thư tịch của Ấn Quang Đại Sư do
Hoằng Hóa Xã xuất bản, nơi đó họ thâu tập được rất nhiều. Tôi cùng Ấn Tổ
có quan hệ rất mật thiết, chúng tôi có quan hệ sư thừa. Thầy tôi, lão
cư sĩ Lý Bỉnh Nam là học sinh của Ấn Tổ. Do đó, tôi đối với giáo huấn
của Ấn Tổ cũng như sách của Hoằng Hóa Xã xuất bản liền tự nhiên có cảm
tình rất sâu sắc. Trong thư viện nhỏ này đã cất giữ sách của Hoằng Hóa
Xã, tôi toàn bộ thảy đều xem qua nên phát hiện ba quyển sách Cảm Ứng Thiên Hội Biên, An Sĩ Toàn Thư và Liễu Phàm Tứ Huấn
được Hoằng Hoá Xã in rất nhiều, sách in rất tốt. Thư viện Trung Hoa
Phật Giáo cất giữ số lượng sách này cũng không ít. Tôi liền lấy một
phần, mỗi thứ lấy một quyển mang trở về Đài Loan. Tôi xem mặt sau tờ bản
quyền của ba quyển sách này, mỗi bản số lượng in ít nhất là mười ngàn
quyển, nhiều nhất là năm mươi ngàn quyển và đã in [tái bản] mấy mươi
lần. Tôi thống kê khái quát, số lượng của ba quyển sách này vượt hơn ba
triệu bản. Việc này khiến cho tôi vô cùng kinh ngạc. Hoằng Hóa Xã in các
thư tịch khác, mỗi một bản chỉ có một ngàn bản, hai ngàn bản, vì sao ba
loại sách này in nhiều đến như vậy? Điều này dẫn khởi sự chú ý của tôi.
Tôi bình tĩnh suy nghĩ tỉ mỉ, Ấn Tổ khổ tâm muốn cứu tai nạn này, cứu
kiếp nạn này, ba loại sách này là rất tốt.
Tại
rất nhiều nhà sách, các vị đồng tu đều có thể xem thấy lời dự ngôn cổ
lão của phương Tây. Có rất nhiều chủng loại, tôi đã xem qua mười mấy
loại, đều nói năm 1999 là ngày tàn của thế giới. Đại kiếp nạn này có
tính hủy diệt, hơn nữa thời gian kiếp nạn này rất dài, đại khái phải kéo
dài hơn hai mươi năm. Hơn hai mươi năm này chính là bắt đầu từ năm
1990, đại khái phải đến năm hai ngàn mười mấy, tai nạn này mới xem là có
thể qua được. Những sách này của phương Tây chỉ nói rõ có những tai nạn
này là do chúng sanh tạo ác nghiệp, thượng đế tức giận nên trừng phạt
thế nhân, muốn đem thế giới này sửa đổi lại từ đầu. Đây là một “Túc Mạn
Luận”, còn xa mới bằng Liễu Phàm Tứ Huấn cùng Cảm Ứng Thiên, vì những
thư tịch này có phương pháp cứu vãn, còn họ chỉ đề xuất kiếp nạn mà
không có biện pháp cứu vãn. Trong dự ngôn phương Tây có một loại gọi là
Thánh Kinh Mật Mã, cái này so với dự ngôn còn cao minh hơn. Bên trong
kết luận cuối cùng nói là do lòng người, nếu như nhân tâm có thể hồi
đầu, nhân tâm có thể hướng thiện, thì kiếp nạn này có thể hóa giải. Thế
nhưng chỉ nói một câu chung chung như vậy, còn làm thế nào để hồi đầu,
làm thế nào để đoạn ác tu thiện thì không nói rõ một cách cụ thể, vẫn
còn kém xa ba loại sách này. Ba loại này, không luận là nói lý, không
luận là nói về sự, đều nói được rất thấu đáo.
Thực
tế mà nói chúng ta giác ngộ quá chậm, cũng là vì chúng sanh thế giới
này phước báo kém một chút. Vì sao nói chúng ta giác ngộ quá chậm vậy?
Vì chúng ta không có đem mấy loại sách này phiên dịch sang chữ nước
ngoài, để lưu thông trên toàn thế giới. Chúng ta không hiểu được tính
trọng yếu này. Nếu ba loại sách này có thể dịch thành nhiều thứ tiếng
với số lượng lớn, được lưu thông trên toàn thế giới thì sẽ có sự giúp đỡ
rất lớn. Chúng ta không hiểu rõ, bây giờ biết được, chân thật đã không
còn kịp nữa. Thế nhưng “mất bò mới lo làm chuồng”, chúng ta vẫn phải
làm. Hy vọng mọi người phát tâm. Chúng tôi dẫn đầu để đi làm, tận khả
năng đem nó dịch thành văn tự nước ngoài để có thể lưu thông đến toàn
thế giới. Ai có duyên đọc được quyển sách này là người có phước. Hơn
nữa, chúng ta có trách nhiệm, có sứ mạng khuyên bảo mọi người đọc tụng
thọ trì, y giáo phụng hành, không những có thể chuyển biến nghiệp báo
của chính họ mà còn có thể an định xã hội, giúp đỡ tất cả chúng sanh thế
gian này tiêu tai giải nạn.
Từ
Hồng Kông trở về Đài Loan, tôi đề xướng quyển Cảm Ứng Thiên Hội Biên.
Tôi in lần đầu tiên, đến nay tổng cộng đã in qua rất nhiều lần, đại khái
số lượng cũng sắp gần một triệu bản. Năng lực của chúng ta rất có hạn,
đã in Cảm Ứng Thiên hội biên, An Sĩ Toàn Thư và Liễu Phàm Tứ Huấn. Ở Đài
Loan tôi đề xướng phiên dịch lưu thông, hơn nữa ba loại sách này cũng
đều đã giảng qua mấy lần, bao nhiêu lần tôi không nhớ rõ. Lúc đó tôi
giảng Cảm Ứng Thiên là dùng quyển này, cho nên bên trong sách có viết
ghi chú, chỗ quan trọng đều đã đánh dấu. Mấy ngày trước, khi các vị đồng
tu yêu cầu tôi giảng, tôi liền tìm cho ra quyển này. Tìm được thì ít
tốn công, bởi vì khi giảng giải tôi không cần phải chuẩn bị nữa. Hy vọng
các vị đồng tu nên xem trọng vấn đề này, chân chính đoạn tất cả ác, tu
tất cả thiện. Ấn Tổ dùng ba loại này để bù đắp giới hạnh thiếu sót của
chúng ta.
Pháp
môn niệm Phật, Tổ sư đại đức thường dạy bảo chúng ta là trì giới niệm
Phật. Niệm Phật mà không trì giới, không hành thiện thì không thể vãng
sanh. Cổ nhân đã nói: “Miệng niệm Di Đà tâm tán loạn, đau mồm rát họng chỉ uổng công!”.
Cho nên tối trọng yếu là giữ tâm thiện, nói lời thiện, làm việc thiện.
Đây cũng là kết luận cuối cùng của Cảm Ứng Thiên. Giữ tâm thiện, lời nói
thiện, việc làm thiện, trong Cảm Ứng Thiên nói là bạn sẽ được thiện
thần bảo hộ, trong Tịnh Độ nói là bạn niệm Phật mới được vãng sanh. Thế
gian hiện nay tai nạn rất nhiều, nếu chúng ta gặp phải tai nạn thì không
nên khiếp sợ.
Ngày
hôm qua, chúng tôi thăm viếng viện dưỡng lão. Chúng tôi nhìn thấy có
hai mươi mấy vị, những người già này bị bệnh ung thư thời kỳ cuối. Tôi
nói với các nữ tu ở đây, đối với những người già nầy cần phải cho họ hy
vọng, không nên để họ bị tổn thương, nên lấy giáo dục tôn giáo để khai
mở dẫn dắt họ. Con người không có “chết”, sanh tử là việc bình thường,
là chúng ta chuyển đổi đến một hoàn cảnh khác. Khi quan niệm được chuyển
đổi lại, thì họ đối với việc sanh tử liền sẽ xem nhẹ, tâm của họ sẽ
được bình lặng. Đây là điểm chuyển ngoặc, chúng ta sẽ chuyển vào một
hoàn cảnh tốt hơn, một đời sống tốt hơn. Cho nên, giáo dục tôn giáo rất
là quan trọng. Họ chăm sóc nhi đồng, bạn xem những đứa trẻ khuyết tật
này còn cá biệt dạy dỗ. Đối với người già cũng phải làm như vậy, làm sao
có thể lơ là được? Người già cần phải khai thị một cách cá biệt, thường
phải thăm hỏi an ủi họ, so với dạy bảo trẻ nhỏ trọng yếu như nhau.
Những người già này cần phải có người thường xuyên nói chuyện với họ,
đem đại đạo lý này nói cho họ nghe, giúp đỡ họ thoát khỏi thống khổ sanh
tử. Nếu là người học Phật nhất định khuyên dạy họ cầu sanh thế giới Tây
Phương Cực Lạc. Thiên Chúa giáo, Ki Tô giáo, bạn cũng khuyên dạy họ,
nhất định phải cầu sanh thiên đường. Thiên đạo so với nhân đạo thù thắng
hơn nhiều. Đây là giáo dục. Không chỉ giúp đỡ những người già trên đời sống vật chất, mà trên đời sống tinh thần nhất định không
thể khiếm khuyết. Mặt giải trí tiêu khiển cũng phải tăng cường. Ngày
hôm qua, những vị nữ tu đó nói với tôi, có một số thanh niên đến đây ca
hát, phục vụ biểu diễn cho các cụ xem nhưng người già không thích nghe.
Tôi nói, đương nhiên là vậy, người già nghe loại âm nhạc bây giờ rất
chán ghét, họ làm sao có thể nghe lọt vào tai được? Tôi nói, các vị cần
phải hiểu được tâm tình của người già, các vị cần phải mở phát âm nhạc
từ ba mươi năm trở về trước, họ liền sẽ thích nghe. Những bài ca cũ của
bốn mươi năm trước, sau khi họ nghe rồi biết là lúc trẻ họ đã ca, trong
lòng họ liền bị cảm động. Tôi nói rồi, họ mới nghĩ đến. Tôi nói, các vị
cần phải tìm những thứ này, những biểu diễn ca vũ bây giờ người già
không thích xem, phải cho họ xem kịch Triều Châu, kịch xưa. Khi các vị
đem những thứ này đến thì họ liền hoan hỷ. Họ là người của thời đại nào,
bạn phải dùng những thứ của thời đại đó thì họ liền thích ứng. Đây là
việc mà chúng ta đều phải nghĩ đến. Cần phải thường nói chuyện với người
già, để biết họ thích gì, họ hy vọng thứ gì thì chúng ta chuẩn bị giúp
họ. Đây mới thật sự là chăm sóc người già, để người già được vui lòng,
để người già sống được rất tự tại, như vậy các vị mới tận hết được trách
nhiệm.
Tối
hôm qua, tôi đã nói những sự việc này với Lý Mộc Nguyên cư sĩ. Lý cư sĩ
nói, chúng ta sẽ tận lực đi tìm những bài ca cũ, tìm những hý kịch.
Chúng ta tìm những băng ghi âm này được rồi liền tặng ngay cho họ. Trong
số họ, người Trung Quốc rất nhiều. Cách làm này có thể nói đều là thực
hiện việc đoạn ác, tu thiện.
Quyển
sách nhỏ Thái Thượng Cảm Ứng Thiên này rất tốt. Vừa rồi tôi đã xem qua,
họ chỉ in có một ngàn quyển, rất ít. Quyển này đọc tụng rất tốt, mang
theo thuận tiện, chúng ta nên thường xuyên đọc. Phía sau còn có “Văn
Xương Đế Quân Âm Trắc Văn”, hai thứ này đều ở bên trong, cuốn này rất lý
tưởng. Vậy trong hai, ba tháng này, chúng ta dùng nửa giờ của buổi cơm
sáng, cùng mọi người nghiên cứu quyển sách nhỏ này.
Các
vị đồng tu! Hôm nay, chúng ta bắt đầu cùng nhau học tập Thái Thượng Cảm
Ứng Thiên. Thiên văn chương này cũng không dài lắm, chỉ có hơn một ngàn
ba trăm chữ. Đề bài gọi là Thái Thượng Cảm Ứng Thiên.
“Thái
Thượng”, hai chữ này là tôn xưng, hàm ý rất sâu. Phật Bồ Tát vì chúng
ta giảng kinh nói pháp hoàn toàn là lưu xuất từ tự tánh, cho nên không
phải một người nào đó nói. Nếu như chúng ta cho rằng Phật kinh là Thích
Ca Mâu Ni Phật nói thì sai rồi! Trong rất nhiều kinh luận chúng ta xem
thấy, Phật tự mình nói là Ngài cả đời chưa từng nói kinh, Ngài cả đời
chưa từng nói qua một chữ. Lời nói này là lời thật, không phải khiêm
tốn, cũng không phải tùy tiện nói. Phàm phu chấp trước có ta, cho nên
khi nói pháp thì nói: “Ta nói” hoặc “Ông nói”. Chư Phật Bồ Tát là vô
ngã, trong kinh Kim Cang nói rất rõ ràng, không những là vô ngã tướng,
vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng, mà ngay đến ý niệm
cũng không có, gọi là vô ngã kiến, vô nhân kiến, vô chúng sanh kiến, vô
thọ giả kiến. Kiến là kiến giải, không những không chấp trước ý niệm,
mà ngay cả ý niệm cũng không có. Ngài từ nơi nào nói vậy? Là lưu xuất từ
chân tánh. Chân tánh không phải là chân tánh của người khác, mà là chân
tánh của chính chúng ta, đạo lý này chúng ta nhất định phải hiểu. Lưu
xuất của tự tánh, đây là chân thật, còn nếu như từ tâm ý thức (ý thức là
của cá nhân) thì lời nói này không thể tin cậy. Thánh nhân xuất thế
gian, trong Phật pháp thường nói: “Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”.
Thế gian cũng có thánh nhân, những người này có kiến tánh hay không, có
thành Phật hay không? Phật có phương tiện ngữ nói, thánh nhân thế gian
chưa thể kiến tánh. Đây là lời nói phương tiện, nói lời chân thật. Trong
Đại Thừa kinh luận nói được rất nhiều, chư Phật Như Lai ứng hóa ở thế
gian là tùy loại hóa thân, tùy cơ nói pháp. Làm thế nào biết họ không
phải là chư Phật Như Lai hóa thân thị hiện? Lúc trước có người nói Khổng
Tử là Đồng Nho Bồ Tát. Có người đến hỏi tôi, họ nói lời nói này có đáng
tin hay không? Chúng ta y theo lệ quen trả lời của tổ sư, không thể
giới hạn có hay không, bởi vì bạn nói ông ấy là Bồ Tát nhưng tìm không
có chứng cứ thì chúng ta không thể tùy tiện nói. Nếu bạn nói ông ấy
không phải là Bồ Tát, từ trên nguyên lý mà nói, Bồ Tát ứng hóa ở thế
gian cũng có khả năng mà. Nếu như thật sự khế nhập cảnh giới thì tất cả
chúng sanh, người nào không phải là Bồ Tát, người nào không phải là Như
Lai? Đề tựa này cũng là như vậy, bổn văn cũng là như vậy, vừa mở đầu thì
đề lên hai chữ “Thái Thượng”. Các vị đồng tu học Phật chúng ta phải nên
hiểu rõ, đề lên hai chữ này là lưu lộ của tự tánh, tánh đức, là chí cao
vô thượng. Nói cách khác, chúng ta có thể lý giải, có thể phụng hành
chính là thuận theo tánh đức. Thuận theo tánh đức chính là chân thiện,
trái với tánh đức gọi là ác. Đây là tiêu chuẩn tối cao của thiện và ác,
là tiêu chuẩn tuyệt đối của thiện và ác. Hai chữ này đề lên ở đây để
chúng ta phải cảnh giác, không thể lơ là, dụng ý là ở chỗ này.
Kế
tiếp là “Cảm” và “Ứng”. “Cảm”, người xưa có một thí dụ giống như trồng
trọt, “Ứng” là khai hoa kết quả. Dùng hai chữ này làm tên gọi cho một
tác phẩm văn chương, chính là nói có cảm tất nhiên có ứng.
Đây là đạo lý gì? Cảm ứng đều là y theo tự tánh mà sanh khởi. Tự tánh
biến tất cả mọi nơi, biến tất cả thời, ngày nay chúng ta nói thời gian
và không gian. Trong tự tánh không có phân ra, thời gian và không gian
là một mảng, cho nên có cảm tất có ứng. Trên thân thể chúng ta, chúng ta
nói là “nhổ một sợi tóc, làm động toàn thân”.
Một sợi tóc bé nhỏ không đáng kể, nếu như chúng ta kéo thẳng nó thì
toàn thân liền cảm thấy khó chịu. Bạn động đến một sợi tóc, đây là cảm;
toàn thân khó chịu, đó là ứng. Do đây có thể biết, khởi tâm động niệm,
lời nói, hành động của chúng ta không nên cho rằng đây là chuyện nhỏ,
không hề gì. Một ý niệm nhỏ nhất đều có thể chấn động hư không pháp
giới, nhưng chúng ta không biết, không nhận ra. Giống như một sợi lông
tơ trên thân chúng ta vậy, chúng ta nhổ một sợi lông tơ thì toàn thân
đều có thể cảm nhận được. Cái này mọi người đều biết, đây là một thân
thể chúng ta. Thế nhưng bạn không thể liễu giải được hư không pháp giới,
tất cả chúng sanh là pháp thân thanh tịnh của chính mình, đều là một
thể. Chính bởi vì nó là một thể, cho nên cảm ứng là bất khả tư nghì. Có
cảm ắt có ứng, tùy cảm tùy ứng. Cảm ứng cũng có thể nói là quan hệ của
nhân quả. Chúng sanh có cảm là nhân; chư Phật, Bồ Tát, Long Thiên, Quỷ
Thần liền có ứng là quả. Hiểu rõ đạo lý, hiểu rõ chân tướng sự thật này,
bạn mới hiểu được lời cổ đức đã nói: “Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu”. Thí dụ này ý nghĩa rất sâu, nói với chúng ta rằng, “trồng nhân thiện nhất định được quả thiện, trồng nhân ác nhất định không thể tránh khỏi ác báo”.
Tất cả chúng sanh từ vô thỉ kiếp đến nay đã tạo tác nhân thiện ít, nhân
ác nhiều. Ngay một đời này, nếu chúng ta lặng lẽ tư duy, tỉ mỉ mà quán
sát thì thấy ở chung quanh chúng ta ác duyên nhiều, thiện duyên ít.
Thiện duyên thì xúc tiến đạo nghiệp, xúc tiến hạnh thiện của chúng ta,
còn ác duyên làm tăng trưởng ác niệm, tăng trưởng ác hạnh của chúng ta.
Tương lai có quả báo thế nào thì tự mình chẳng phải rất rõ ràng, rất
minh bạch hay sao? Đây đều là đạo lý của cảm ứng. Cổ nhân thường nói: “Lưới trời lồng lộng, một mảy trần cũng không lọt”. Hai câu nói này cũng là đạo lý của cảm ứng. Đây là chân lý, là chân tướng sự thật.
Tổng cương lĩnh của tác phẩm này chính là bốn câu phía trước:
Họa phước vô môn,
Duy nhân tự chiêu;
Thiện ác chi báo,
Như ảnh tùy hình.
Những
văn tự phía sau đều là phát triển bốn câu này, nói rõ tỉ mỉ của bốn câu
này mà thôi. Chúng ta học tập phải nắm được cương lĩnh của bốn câu này.
Khởi tâm động niệm, lời nói tạo tác có tương ưng cùng với tánh đức hay
không? Nếu tương ưng với tánh đức thì chúng ta có thể nghĩ như vậy, có
thể làm như vậy; còn nếu trái với tánh đức, chúng ta phải biết không thể
nghĩ như vậy, không thể nói như vậy, cũng không thể làm như vậy.
Phật
ở trong tất cả kinh luận dạy bảo chúng ta, đặc biệt là chúng sanh thời
mạt pháp, nếu muốn đạo nghiệp thành tựu, điều kiện thứ nhất là thân cận
bạn hữu, điều này xếp ở hàng thứ nhất.
Trong kinh Tiểu Thừa cũng không ngoại lệ. Trước đây chúng ta đã đọc qua
A Nan Vấn Phật Sự Kiết Hung, câu đầu tiên trên kinh này là Phật dạy bảo
chúng ta phải “thân cận minh sư”. Thân cận
minh sư chính là thân cận thiện hữu, thiện tri thức mà trên Đại Thừa
kinh đã nói. Kinh Địa Tạng nói, phàm phu trong lục đạo tánh thức bất
định, cũng giống như trong ngạn ngữ thường nói “gần mực thì đen, gần đèn
thì sáng”. Câu này ý nói, chúng ta nhất định bị ảnh hưởng của hoàn
cảnh, bị ảnh hưởng bởi thế giới bên ngoài. Chúng ta làm không được “cảnh
tùy tâm chuyển”. Thực tế mà nói, chúng ta là “tâm tùy cảnh chuyển”. Vì
vậy, hoàn cảnh đối với chúng ta rất quan trọng.
Từ
xưa đến nay, các tổ sư đại đức, những người chân chính có tu hành, có
công phu của định huệ, họ có thể chuyển cảnh giới, họ không bị cảnh giới
chuyển. Thế nhưng họ dạy học sinh, dạy đồ đệ vẫn cứ phải lựa chọn hoàn
cảnh. Tại sao vậy? Vì những người này là phàm phu, không thể chuyển được
cảnh, nhất định sẽ bị ngoại cảnh ảnh hưởng, cho nên không thể không
chọn lựa hoàn cảnh. Trong hoàn cảnh tu học, thiện hữu là điều kiện thứ
nhất. Bạn có thể thường xuyên thân cận thiện tri thức, thân cận lão sư
tốt, thân cận đồng tham đạo hữu tốt, điều này nhất định có sự giúp đỡ
cho đạo nghiệp của bạn.
Trong
Cao Tăng Truyện hoặc trong Cư Sĩ Truyện chúng ta thấy được, từ xưa đến
nay, những vị đại đức thân cận thiện hữu mười mấy năm, hai hay ba mươi
năm, có khi cả đời đều không rời khỏi. Họ học xong rồi thì có thể rời
khỏi lão sư, nhưng vì sao họ vẫn không chịu rời khỏi? Đó là làm tấm
gương tốt cho đời sau, hầu bên cạnh lão sư làm trợ giáo cho lão sư, tiếp
dẫn các bạn đồng học đến sau. Đến khi lão sư vãng sanh, viên tịch rồi,
họ mới rời khỏi và đi giáo hóa một phương. Chúng ta xem, từ xưa đến nay,
Tổ Sư đại đức, người làm cách này rất nhiều, cũng là chân thật thực
hiện lời dạy bảo của Thế Tôn, trừ khi là duyên không đủ, vậy thì không
phải bàn. Thế nhưng cũng cần phải tự mình đạo nghiệp thật sự có thành
tựu thì mới có thể rời khỏi. Như thế nào gọi là thành tựu? Trong Phật
pháp có một tiêu chuẩn, từ giải môn trí huệ mà nói, bạn có thể phân biệt
chân-vọng, tà-chánh, thị-phi, thiện-ác, lợi-hại, xác thực có năng lực
nhận biết. Điều kiện thứ hai, bạn có định công, không bị quấy nhiễu của
ngoại cảnh, cũng chính là nói không thể bị dụ hoặc bởi ngoại cảnh,
“ngoài không dính tướng, trong không động tâm”. Đầy đủ hai điều kiện này
thì mới có thể rời khỏi lão sư; không đầy đủ hai điều kiện này, rời
khỏi lão sư thì rất nguy hiểm, bởi vì bên trong bạn có phiền não, bên
ngoài có dụ hoặc, bạn chống không lại dụ hoặc, bạn liền sẽ đọa lạc. Thế
nhưng ngày nay sư đạo đã không còn nữa, chúng ta muốn thân cận thiện tri
thức, nhưng thế gian này không còn thiện tri thức thì làm thế nào đây?
Nếu như có thể tìm được mấy người đạo hữu chí đồng đạo hợp, mọi người có
thể cùng nhau học tập, khích lệ lẫn nhau, lấy đại đức xưa làm thiện tri
thức. Tôi giới thiệu cho các vị, lấy A Di Đà Phật làm thiện tri thức. A
Di Đà Phật ở đâu vậy? Trong kinh Vô Lượng Thọ, trong Tịnh Độ Ngũ Kinh.
Mỗi ngày đọc tụng, giảng giải, mỗi ngày cùng nhau học tập, như vậy chúng
ta không rời khỏi thiện tri thức. Tôi ở nơi đây dùng internet kết duyên
với các vị đồng tu, đối với mọi người cũng có được một chút chỗ tốt. Cự
ly chúng ta tuy là xa, lợi dụng phương pháp khoa học bây giờ làm cho
gần lại, chúng ta có thể mỗi ngày cùng nhau học tập.
Bốn
câu nói mở đầu này phải thường thường ghi nhớ trong lòng để đề cao cảnh
giác. Mỗi người có báo ứng của mỗi người, gia đình có báo ứng của gia
đình, xã hội quốc gia cho đến thế giới đều trốn không khỏi định luật
này. Ngày nay xã hội động loạn, thế giới bất an, chúng ta biết là do
cộng nghiệp chiêu cảm. Nếu như có thể hóa giải kiếp nạn này, chỉ cần mọi
người giác ngộ, hiểu rõ những chân tướng sự lý này thì kiên quyết có
thể thay đổi được. Đoạn tất cả ác, tu tất cả thiện, buông bỏ tự tư tự
lợi của chính mình, tất cả đều vì xã hội vì chúng sanh, kiếp nạn này
liền có thể hóa giải. Thiên tai nhân họa đều là do ác nghiệp chiêu cảm
mà ra. Rời khỏi ác nghiệp, không những tai nạn do con người làm ra không
còn nữa, mà tai hại của thiên nhiên cũng không còn. Vì sao nói tai hại
thiên nhiên không còn? Vì trên kinh Đại Thừa thường nói là “cảnh tùy tâm chuyển”. Chỉ có sâu sắc thấu đáo đạo lý này thì họ mới chịu tin tưởng, họ mới chịu làm.
Bài
văn này đoạn khúc, tầng thứ rất rõ ràng, cổ nhân phân thành mấy đoạn
lớn. Chúng ta nhìn thấy “trực giải”. Trong “trực giải” phân làm mười
đoạn. Chúng ta ở đây cùng nhau học tập, chúng ta cũng đem nó phân đoạn,
giống như trong kinh điển phân khoa phán giáo. Tương lai khi chúng ta
giảng đến chỗ nào, tôi đem đoạn khác nói với các vị rõ ràng, dặn dò minh
bạch, để các vị biết rõ đoạn này là nói sự việc gì. Bốn câu mở đầu là
tổng cương lĩnh của toàn kinh, tổng cương lĩnh của toàn thiên văn
chương.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến đây.
A Di Đà Phật!
Thái Thượng Cảm Ứng Thiên tập 01
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: 1999
Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Phật tử Diệu Hương, Phật tử Diệu Hiền
0 Kommentare:
Post a Comment