"Nếu như quý vị muốn vãng sanh về thế giới Tây phương Cực
lạc thì ứng một niệm là lập tức đi ngay, muốn giương thuyền từ để cứu
độ chúng sanh thì từ thế giới Tây phương Cực lạc chỉ ứng một niệm là bạn
đến ngay thế giới Ta bà và khắp tất cả pháp giới..."
Niệm Phật Giống Như Điện Thoại
Hoà Thượng Tuyên Hoá
Việt dịch: Thích Thuận Nghi
Mỗi niệm chân thành mỗi niệm thông
Tịch lặng cảm ứng tịch lặng trong
Cho đến non cao nước cùng tận
Rong choi pháp giới khắp Tây Đông
Tịch lặng cảm ứng tịch lặng trong
Cho đến non cao nước cùng tận
Rong choi pháp giới khắp Tây Đông
Có ai trong pháp hội hiểu ý nghĩa bài kệ này không? Chữ “niệm”
thứ nhất là niệm phải từ nơi tâm phát ra, chữ “niệm” thứ hai là từ nơi
miệng phát ra, niệm phải từ nơi tâm rồi phát ra nơi miệng. Nếu chỉ
“niệm” bằng miệng thì chẳng phải chân thành niệm Phật. Cho nên, niệm
Phật hoặc niệm danh hiệu Bồ tát tâm miệng phải tương ưng, thiết tha chân
thành. Quý vị niệm đến tâm-khẩu hợp nhất, một mà chẳng thấy hai, cũng
chẳng phải niệm theo kiểu tùy hứng, cũng không phải tán loạn mà niệm,
lại cũng chẳng phải xen tạp vọng tưởng mà niệm. Làm được những điều
trên, mới gọi là niệm Phật “chân thành”.
Niệm một cách chân thành mới có sự cảm ứng. Cảm ứng này như thế
nào? Chính là tâm phàm phu cùng với ánh quang minh của Phật và Bồ tát
tương thông, nên nói “Quang quang tương chiếu, khổng khổng tương thông”,
tức là ánh sáng quang minh của Phật, Bồ tát hòa với bản tâm sáng suốt
xưa nay của bạn, đến từng lỗ chân lông trên toàn thân thể của bạn. Sao
lại có cảm ứng này? Giống như gọi điện thoại, khi gọi đúng số thì bên
kia “Alô!”, bắt đầu giao tiếp liên lạc với nhau. Niệm Phật, niệm Bồ tát
cũng giống như gọi điện thoại, khi làn sóng bạn phát đi thì bắt gặp làn
sóng của Bồ tát và ở bên kia các Ngài cũng hỏi bạn: “Người nam lành,
người nữ lành kia, bạn muốn cầu gì nào?” Thì biết, lúc đó bạn có sự cảm
ứng rất mầu nhiệm.
Niệm Phật mà chẳng thành tâm thành ý thì giống như điện thoại
có năm số mà bạn chỉ bấm gọi ba số, thế làm sao gọi được? Niệm Phật và
Bồ tát cũng như thế. Nếu như bạn niệm một lúc rồi không niệm nữa, thiếu
sự chuyên tâm thành ý thì nhất định chẳng thông được. Khi quý vị tu tập
thành tâm thành ý, thì trong người quý vị sẽ phát ra một loại ánh sáng,
ánh sáng đó giao cảm với ánh sáng quang minh của chư Phật và Bồ tát.
Muốn được điều này, mỗi vị trong chúng ta phải cố gắng tu tập. Giống như
gọi điện thoại thì biết rõ ràng tiếng nói của đầu dây bên kia, mắt thịt
phàm phu không thể nhìn và nghe xa được, cho nên nói “Lặng lặng cảm ứng
lặng lặng trong” là vậy.
Câu “Cho đến non cao nước cùng tận” nghĩa là đạt đến trình độ
“Trăm đầu sào chỉ một bước chân, giơ tay nắm hết cả càn khôn”. Khi niệm
đến chỗ “Sơn cùng thủy tận”, đó thật là niệm mà chẳng phải niệm, kết
thành một khối, niệm thành một phiến. Đến đó quý vị “Rong chơi pháp giới
dạo Tây Đông”. Nếu như quý vị muốn vãng sanh về thế giới Tây phương Cực
lạc thì ứng một niệm là lập tức đi ngay, muốn giương thuyền từ để cứu
độ chúng sanh thì từ thế giới Tây phương Cực lạc chỉ ứng một niệm là bạn
đến ngay thế giới Ta bà và khắp tất cả pháp giới. Chỉ cần bạn ứng một
niệm là đi ngay. Nên nói “Rong chơi khắp Đông Tây”, tức là dạo khắp tất
cả. Hoặc “Nhất như ý nhất thiết như ý, nhất tự tại nhất thiết tự tại”
tức là bạn đại tự do đại tự tại rồi.
Do đó, chúng ta là người học Phật, mỗi nơi mỗi chỗ đều phải
chân thành, không hư ngụy. Hư ngụy thì như “Hoa không nở, quả không
kết”. Người học Phật phải ghi nhớ điều này, đừng bao giờ lừa dối với
chính mình. Kế nữa, người xưa nói: “Quân tử cầu nơi mình, tiểu nhơn cầu
nơi người”. Chúng ta không quan tâm ỷ lại, nên biết cảm ứng là tự mình
nỗ lực chứ chẳng phải tự nhiên đến được.
Có người nói: “Niệm Phật được sanh về Tịnh độ, phải nương nhờ
vào Phật lực tiếp dẫn”. Câu nói này, nếu không khéo hiểu, sẽ bị sai lầm,
vì sao vậy? Bởi vì câu nói là đối cơ mà nói, tức đối với người chưa
hiểu biết gì cả. Chư Tổ phương tiện tạo ra sự ham thích cho chúng sanh
khởi tâm niệm Phật, hy vọng có thể dụng công ít mà thu hoạch lại lớn,
giống như buôn bán kinh doanh, bỏ vốn ra ít mà thu vào thì nhiều. Vì vậy
chư Tổ tùy cơ ứng biến, nói có Phật lực tiếp dẫn, mục đích là khích lệ
cho chúng sanh nỗ lực niệm Phật.
Thực ra, người niệm danh hiệu Phật và Bồ tát mà được vãng sanh
Tịnh độ, hoàn toàn có niềm tin rất lớn nơi chính mình. Vì sao vậy? Có
phải niệm Phật là Phật niệm thay bạn được không? Niệm một câu danh hiệu
Bồ tát là Bồ tát hiện ra không? Nếu nói không phải, sao nói nương dựa
vào tha lực của các Ngài? Giống như Phật và Bồ tát phóng ánh hào quang
gia hộ cho bạn, đó là do công đức của chính bạn đã trì niệm danh hiệu
Phật Bồ tát, cho nên mới có cảm ứng như thế. Thí dụ như điện thoại, nếu
như bạn chẳng gọi, thì có ai đầu dây bên kia nói chuyện với bạn được
không? Cho nên người niệm Phật cũng như gọi điện thoại là vậy. Lý lẽ ở
chỗ này. Tâm hy vọng trông mong nương tựa vào năng lực của Phật để tiếp
dẫn mình vãng sanh Tịnh độ, thật ra đó chính là tâm tham, tâm ỷ lại,
không thể được. Chúng ta tu hành, chính yếu là phải tự lực, tinh thần
phải mạnh mẽ dũng khí, tinh tấn, được kết quả chẳng phải tự dưng do
người khác ban tặng cho. Niệm Phật, có thể nói không nên trông mong và
nương tựa vào sự tiếp dẫn của Phật.
Cổ nhân nói: “Làm tướng vốn không phải là cha truyền con nối,
nam nhi nên tự cường”. Chúng ta là người học Phật nên có ý thức câu nói
này: “Làm Phật vốn không phải Phật ban cho thành Phật, chúng sanh nên tự
cường”. Nếu chẳng được như thế, thì cả ngày cứ ỷ lại Phật lực tiếp dẫn,
giống như con em nhà giàu ỷ lại sản nghiệp của cha mẹ, rốt cuộc tự làm
hại chính mình. Mọi người nên tỉnh giác chỗ này!
(còn tiếp)
0 Kommentare:
Post a Comment