Pages

19 October 2015

TRUYỀN THUYẾT QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT

http://phatgiao.org.vn/Images/Contents/tamduchau/20130715/bo-tat-quan-the-am.jpgThấy ngài Quán Âm làm như thế, Long Vương ở dưới biển Đông thấp thỏm lo sợ. Biển Đại Cù rộng lớn diễm lệ vốn là kho báu của Long Vương, làm sao có thể để cho ngài Quán Âm lập đạo tràng ngay bên cạnh kho báu của mình được!
 





BỒ TÁT QUÁN ÂM CHỌN ĐẠO TRÀNG

Sau khi triều bái đức Phật ở Tây phương về, Quán Âm Đại sĩ muốn tìm một chỗ lập đạo tràng để truyền kinh thuyết pháp. Nga Mi Sơn đã có Phổ Hiền Bồ Tát nhanh chân lên trước, Ngũ Đài Sơn thì Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát tuyển dụng, Cửu Hoa Sơn đã có Địa Tạng Bồ Tát ngự trị; Bồ Tát Quán Âm nhất định tìm một thánh địa đủ đẹp để sánh tày với những đạo tràng kia mới nghe.

Hôm ấy, Bồ Tát Quán Âm bước lên đóa mây liên hoa, đến biển Đông Hải, từ trên không nhìn xuống thấy chi chít những quả núi hay hòn đảo với hình thù kỳ quái, giống như từng viên, từng viên ngọc phỉ thúy ẩn hiện trong một tấm thảm nhấp nhô sóng biếc ngàn trùng, quang cảnh quả thật là đẹp! Tuy nhiên, giữa hơn một ngàn hòn đảo ngọc, nên chọn đảo nào là thích hợp nhất?

Bồ Tát Quán Âm dùng trí huệ chọn tới chọn lui, thấy rằng đảo nào cũng được, nhưng lại hình như không có đảo nào hoàn mỹ cả. Ngài nghĩ, phải tìm một hòn đảo có đủ 100 đầu núi, thế mới xứng đáng được gọi là đất thánh cửa Phật.

Cuối cùng, ngài Quán Âm giáng đài sen xuống đỉnh cao nhất của ngọn Cù Sơn. Ngài thấy trên núi khói mây mù mịt, với những cây tùng xanh thẳng tắp, duới chân núi thì chập chùng sóng bạc trên một nền màu xanh ngọc bích, điểm thêm những cánh buồm màu vàng nghệ căng gió. Phong cảnh tú lệ như thế khiến ngài Quán Âm vô cùng đẹp lòng, thế là Ngài đi từ đông sang tây, từ nam lên bắc, và bắt đầu đếm đầu núi.

Thấy ngài Quán Âm làm như thế, Long Vương ở dưới biển Đông thấp thỏm lo sợ. Biển Đại Cù rộng lớn diễm lệ vốn là kho báu của Long Vương, làm sao có thể để cho ngài Quán Âm lập đạo tràng ngay bên cạnh kho báu của mình được!

Thế là Đông Hải Long Vương bèn nổi gió to, dậy sóng lớn, che lấp những đỉnh núi, phá rối khiến cho ngài Quán Âm đếm đi đếm lại mà đếm hoài không xong. Ngài Quán Âm hiểu rất rõ nguyên do, nhưng Ngài cũng không muốn tranh đua cao thấp với Long Vương nên mau mau rời đi chỗ khác. Về sau người ta đặt cho tên đỉnh núi cao ấy là “Quán Âm Sơn”.

Bồ Tát Quán Âm rời Cù Sơn, tiếp tục tiến tới phía trước tìm kiếm, đột nhiên thấy một hòn đảo nhỏ ngay dưới mắt mình, non xanh nước biếc, có những tảng đá linh ngạo nghễ đứng thẳng, thật là một nơi lý tưởng để thuyết pháp truyền kinh. Ngài lập tức thâu mây lành về, bước xuống đài sen ở địa điểm cao nhất của hòn đảo nhỏ, ngồi xếp bằng và cẩn thận đếm những đầu núi. Nhưng từ phải đếm sang trái, từ trái đếm trở về phải, đếm trọn một vòng rồi đếm tới đếm lui, mà cuối cùng vẫn chỉ có 99 đầu núi mà thôi!

Ngài Quán Âm vô cùng tiếc rẻ, quyến luyến không muốn rời, bước lên đài sen cưỡi mây lành đi. Từ trên tận mây cao quay đầu nhìn lại hòn đảo nhỏ, Ngài định thần đếm lại một lần nữa, thì lần này đếm được 100 đầu núi không dư không thiếu! Thì ra ban nãy Ngài không cẩn thận, quên đếm ngọn núi nơi mình đang ngồi! Ngài định quay trở lại, nhưng nghĩ rằng trên biển Đông có hơn một ngàn hòn đảo lớn nhỏ, lẽ nào lại chẳng có chỗ khác làm cho mình mãn ý hơn, nên hướng về phía đông tìm một ngôi Phật địa khác. Hòn đảo này dầu sao cũng được ngài Quán Âm dừng chân, nên người sau đặt tên là đảo Sóng Phật (Phật Ba Đảo).

Ngài Quán Âm rời đảo Sóng Phật, cưỡi mây liên hoa vừa bay vừa nhìn xuống, và cuối cùng đến Phổ Đà Sơn.

Nhìn chung thì thấy núi sông chầu mặt trời, trên núi sương mai lượn lờ, có những cây chương cổ thụ tỏa hương, có những dòng suối biếc róc rách, cát vàng óng ánh trải trên bờ biển. Ngài Quán Âm rất vừa ý, vội thâu mây lại bước xuống chỗ cao nhất của đảo. Lần này Ngài rất thận trọng, bắt đầu đếm từ ngọn núi dưới chân mình, đếm đi đếm lại mấy lần mà cuối cùng vẫn chỉ có 99 đầu núi mà thôi. Ngài nghĩ có thể cũng giống như lần trước mình đã quên đếm đầu núi ngay dưới chân mình chăng? Vì Ngài quá ưa thích hòn đảo này nên chẳng có tâm trí đâu để suy nghĩ kỹ, bèn cộng thêm đầu núi mình đang ngồi với 99 đầu núi kia, thế là gom vừa chẵn 100 đầu!

Ngài hài lòng cười lên, thế là Phổ Đà Sơn được Ngài tuyển chọn. Về sau, chùa chiền am miếu được cất trên đảo càng ngày càng nhiều, có một thời lên đến hơn 300 ngôi! Từ đó, Phổ Đà Sơn trở nên “Quán Âm Đạo Tràng, Hải Thiên Phật Quốc”.

Kỳ thật, Quán Âm Đại sĩ thừa biết rằng đảo Phổ Đà không có đến 99 đầu núi chứ đừng nói gì tới 100 đầu! Chỉ vì Ngài quá ưa thích hòn đảo nhỏ xinh đẹp đầy linh khí này nên mới ở lại, thế thôi!


QUÁN ÂM ĐỘ DI LẶC

Trước khi Bồ Tát Di Lặc thành Phật, ngài là con của một gia đình tài chủ rất giàu có.

Từ nhỏ sinh ra đã trắng trẻo mập mạp, suốt ngày cười hà hà, đặc biệt tốt bụng, luôn luôn đem tài sản trong nhà ra bố thí cho người nghèo. Khi Di Lặc lớn lên thì gia sản kếch sù kia đã bị đem cho hết sạch sành sanh rồi, cuối cùng cả quần áo trên thân cậu cũng bố thí hết, chỉ còn lại cái quần duy nhất. Nhưng cậu không hề hối hận cũng chẳng hề buồn, cả ngày mình trần trùng trục vẫn vui vẻ uỡn bụng mà cười.

Quán Âm Đại Sĩ biết được việc này thì trong tâm rất tán thưởng nhân cách của Di Lặc. Nhưng chuyện tai nghe sao rõ bằng mắt thấy, Ngài muốn tự mình thử thách anh chàng thanh niên này, nếu như danh bất hư truyền thì sẽ hóa độ cho cậu ta về Phổ Đà Sơn thành Phật.

Một hôm, Ngài Quán Âm giả trang thành một cô gái nghèo, tìm đến Di Lặc để cầu xin bố thí. Di Lặc thật là khó xử, trên thân chỉ còn có cái quần, ngoài ra không có lấy một vật gì khác, đứng trước mặt một cô gái làm sao cậu có thể cởi quần đem bố thí cho cô ta được! Cậu xoa bụng cười hề hề mà rằng:

– Cô nương chờ một chút, tôi đến nhà mấy người nhà giàu xin cái gì về cho cô nương nhé!

Nói xong bèn xoay lưng đi ngay. Ngài Quán Âm nhẹ mỉm cười, kêu giật Di Lặc lại:

– Khoan đã! Bần nữ có hai chậu hoa ở đây, tiên sinh một chậu tôi một chậu. Nếu hoa trong chậu của tiên sinh nở trước, thì tôi sẽ không xin tiên sinh bố thí cho gì cả; còn nếu hoa trong chậu của tôi nở trước thì tiên sinh phải cho tôi cái gì của chính tiên sinh, không được đi xin vật gì của ai khác.

Di Lặc nghe xong, không đòi hỏi gì hơn, vui vẻ cười dài, luôn miệng nói “được!”, nhưng thật ra trong tâm thì cậu không có một chủ ý gì.

Ngài Quán Âm và Di Lặc đến một nơi vắng vẻ, cả hai nhắm mắt ngồi bệt xuống đất trước mặt chậu hoa của mình.

Hai giờ trôi qua, Ngài Quán Âm hé mắt ra nhìn thì thấy chậu của mình thì không có lấy một nụ hoa, còn chậu của Di Lặc thì có một đóa hoa đã nở rồi. Bồ Tát Quán Âm vẫn cố tình muốn thử Di Lặc nên mới nhẹ nhẹ đổi chỗ hai chậu hoa, rồi giả bộ làm ra vẻ ngạc nhiên và mừng rỡ kêu lên rằng:

– Hoa trong chậu của tôi đã nở rồi!

Tuy Di Lặc rất thật thà nhắm nghiền đôi mắt nhưng vẫn cảm biết khi Ngài Quán Âm đổi chỗ hai chậu hoa, cậu nghĩ thầm: “Người ta là một đại cô nương, ta phải nhường nhịn cô ta chứ có lý gì mà tị nạnh hơn thua!” Cậu bèn mở banh hai mắt, cười hề hề:

– Tôi thua rồi! Tôi thua rồi!

Bồ Tát Quán Âm thấy dáng điệu của cậu như thế thì cười:

– Tiên sinh thua rồi, bây giờ phải bố thí cái gì cho tôi!

Di Lặc gãi đầu, xoa bụng và cười hì hì:

– Cô nương ơi, cô nương cũng thấy rồi mà, thật ra tôi không có gì để tặng cô nương hết. Tuy nhiên tôi hãy còn cái giải quần này!

Nói xong Di Lặc tháo cái giải quần ra trao cho Ngài Quán Âm, còn mình thì lấy hai tay xách quần, vui vẻ cười hoài.

Ngài Quán Âm rất cảm động nên nói thật cho Di Lặc biết mình là ai, và chủ ý của mình là gì. Di Lặc đồng ý ngay, theo Quán Âm Đại sĩ về Phổ Đà Sơn.

Thần hộ Pháp của Quán Âm viện là ngài Vi Đà, thấy Bồ Tát Quán Âm đã về, đi theo sau có một anh chàng thanh niên mình trần trùng trục lại hai tay xách quần miệng cười hề hề, thì bất giác cau mày, mắt toé lửa, đưa chày hàng ma lên, khí lực hùng dũng uy nghi chận cửa đại điện nhìn Di Lặc hét: “Đứng lại!”

Bồ Tát Quán Âm thấy Di Lặc bị chận ở ngoài đại điện thì vội vàng đến giải thích mọi sự cho ngài Vi Đà nghe, lúc ấy ngài Vi Đà mới ngây người ra để cho Di Lặc bước vào.

Ngài Quán Âm nhìn Di Lặc, rồi lại nhìn ngài Vi Đà, nói rằng:

– Di Lặc miệng luôn tươi cười, có thể đón khách thập phương. Vi Đà uy nghi lẫm liệt, làm Hộ Pháp bảo vệ điện Phật đúng lắm!

Từ đó trở đi, ngài Di Lặc, ngài Vi Đà, và tứ đại Kim Cương cùng nhau thủ hộ chùa chiền ở Thiên Vương Điện. Phật Di Lặc ngồi đối mặt với cửa chính, lúc nào cũng mang bộ mặt vui vẻ tươi cười hỉ hả.

 

Diệu Hạnh Giao Trinh dịch Nguyễn Minh Tiến hiệu đính và giới thiệu

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites