Cúng Phật một số lễ vật, tiền của nào đó rồi
mong cầu Phật phải độ cho mình điều này điều nọ. Phật phải giúp cho thân nhân
mình siêu, giúp cho mình an, thỏa được những việc muốn của mình trong cuộc
sống. Mua may bán đắt, tai qua nạn khỏi, gia đạo yên lành, con cái nên danh nên
phận v.v... biết bao nhiêu việc mình đòi hỏi ở đức Phật với một mớ lễ vật như
vậy?
Hoà Thượng Thích Thanh Từ
Tu là gì? Là
sửa.
Vậy phật tử
có tu chưa?
Phật tử đi
chùa cúng Phật để làm gì?
Việc ấy có
gọi là tu không?
Cúng Phật để xin cầu an hay cầu siêu? Ðó là việc của Phật tử?
Từ việc này
hỏi lại Phật tử. Thí dụ: Phật tử có con cái nó về thăm mình, cho tiền cho quà
rồi nó đòi hỏi mình phải đáp ứng lại nó việc này, việc nọ... thì hỏi mình có
vui mà nhận quà của chúng không? Chúng là con cái mình mà lại đặt điều kiện với
mình buộc mình phải thỏa mãn cho chúng khi mình nhận tiền của, lễ vật của
chúng?
Con cái như
vậy là có tốt với cha mẹ không? Phải là con hiền con thảo không? Một bậc cha mẹ
nghiêm chỉnh đúng đắn có chấp nhận yêu sách vô lối như vậy của con cái không?
Ở đây việc
cúng kiến của Phật tử cũng vậy. Cúng Phật một số lễ vật, tiền của nào đó rồi
mong cầu Phật phải độ cho mình điều này điều nọ. Phật phải giúp cho thân nhân
mình siêu, giúp cho mình an, thỏa được những việc muốn của mình trong cuộc
sống. Mua may bán đắt, tai qua nạn khỏi, gia đạo yên lành, con cái nên danh nên
phận v.v... biết bao nhiêu việc mình đòi hỏi ở đức Phật với một mớ lễ vật như
vậy?
Như vậy đó là mình đã tu chưa?
Tu là sửa. Ở đây mình có sửa gì
không? Mình chỉ có tham thôi, không có sửa gì cả, phải vậy không? Mà tham tức
là trái với sự tu rồi. Tu là sửa. Sửa là sửa tham sân si để lần hồi tham sân si
không còn nữa. Như vậy mới gọi là tu! Chứ tu gì mà mỗi ngày lòng tham thêm
nhiều.
Ðem nải
chuối, ốp nhang cúng Phật cầu được việc, mừng quá, sau đem hai nải, hai ốp cầu
thêm nữa... như vậy đó là mỗi ngày lòng tham thêm lớn. Và lúc nào việc cầu
không còn linh nữa, kiếm chùa khác, Phật khác linh hơn.
Việc cúng
kiến đi chùa như vậy ở Phật tử , đó là cái duyên dễ bước vào tà đạo, bước vào
mê tín dị đoan. Nghe ở đâu có gì linh thiêng hiển hách, có gì lạ một chút là rủ
nhau kéo đến xin xỏ nọ kia v.v... gặp tà ma dẫn dụ là đi vào đạo tà mất nhân
chánh giáo.
Ðó là chỗ
đáng tiếc cho quí Phật tử. Ðã có tâm tốt mà gieo nhân không chính xác, không
cần hiểu Phật pháp ra sao. Thành ra cũng đồng làm một việc mà người hiểu biết
thì có kết quả tốt, còn người không hiểu biết thì kết quả chẳng ra gì.
Cũng chỉ một
ốp nhang nải chuối mà người hiểu được Phật pháp thì gặt được pháp lành an vui,
còn người không hiểu thì chỉ thêm sự rối rắm đau buồn, nếu không nói là hoài
công vô ích.
Nói như vậy
để Phật tử thấy rỏ chỗ tu chớ không phải nhằm trách cứ gì Phật tử. Thật ra cái
lỗi không phải ở Phật tử, mà nếu có nói thì đó là lỗi của những Tăng Ni nào đó.
Các vị ấy đã vô tình hay cố ý đưa các Phật tử vào chỗ nhận thức lệch lạc.
Người Phật
tử đến chùa xin cúng 100 đồng. Vị trụ trì hay người có trách nhiệm thâu tiền
liền hỏi:
- Phật tử
muốn cầu gì? (hỏi và hướng dẫn) Cầu an hay cầu siêu?
Và lắm lúc
vị đó còn tâm lý hơn, tìm hiểu về gia đình của Phật tử, biết có chuyện gì đó
không ổn thì gợi ý cầu nguyện cho v.v... Phật tử thiếu hiểu Phật pháp liền đó
nghe mình được người Thầy chăm sóc cẩn thận, bèn thích ý. Và cứ vậy, nhờ Thầy
giúp cho việc này, việc nọ qua cúng kiến, cầu an, cầu siêu...
Tại sao khi
Phật tử cầm tiền, dâng lễ vật cúng kiến, nếu người Thầy có hỏi cầu gì? Phật tử
lại không trả lời rằng:
- Con không
cầu gì khác, chỉ cầu cho tam bảo trường tồn để độ thoát chúng sanh trầm nịch.
Vì vậy việc
Phật tử đi chùa, cúng Phật, lễ Phật phải được đặt lại. Việc tu ở Phật tử phải
được đặt lại.
Trước hết
Phật tử đến chùa để cúng dường Tam Bảo. Việc cúng dường này có nghĩa là góp một
phần tài lực để duy trì ngôi Tam Bảo cho còn mãi mãi ở đời. Mà đại diện ngôi
Tam Bảo là Tăng Bảo. Như vậy, cúng dường Tam Bảo có nghĩa là cúng dường cho
Tăng Bảo. Khi cúng lòng những mong sao cho ngôi Tăng Bảo có được nguồn sống mà
duy trì Phật Bảo, Pháp Bảo. Chư Tăng có sống thì ngôi Tam Bảo mới thường trụ ở
thế gian và làm ngọn đèn sáng cho chúng sanh hướng tới để tiêu trừ bao nỗi vô
minh hắc ám.
Phải biết
việc khai mở đạo mầu là quý báu vô lượng, vì việc ấy mà cúng dường nên phước
đức theo đó cũng vô lượng. Cúng dường như vậy là không vì việc riêng mà chung
cho cả Tam Bảo, cho cả chúng sanh, nên dù không cầu gì khác mà phước đức vẫn to
tát. Việc cúng dường này không phải nhằm chuyển đổi lòng tham, không phải
chuyển từ cái tham lệch lạc thành cái tham chính đáng, đã tham thì không cái
nào chính đáng. Ở đây nói là nhằm hướng dẫn để xác định về nhận định chính đáng
trong việc làm, nhằm xây dựng cho Phật tử có được chánh kiến, có được cái nhìn
đúng đắn khi đi vào ngôi nhà Phật pháp.
Như đã nói:
Trước là giữ vững ngôi Tam Bảo. Giúp Tăng Bảo được sống còn để tiếp nối ngọn
đèn chánh pháp của Phật. Kế đó Phật tử phải chịu khó học hỏi nghe pháp.
Ðến chùa,
nếu chỉ một bề lo cúng dường cơm áo (tứ sự) không, chưa đủ. Người Phật tử phải
trau giồi thêm Phật pháp với chư Tăng Ni nữa. Có vậy, việc Phật pháp mới sáng
ra và việc tu theo đó mới có lối vào, khi hành không sai lạc.
Ðó là việc
chính yếu, Phật tử phải chú ý. Tu mà không học là tu mù. Vả lại đó cũng là trợ
duyên cho Tăng Ni tự trau giồi để đáp ứng lại chỗ cầu học của Phật tử. Chứ
không, không ai hỏi gì hết, khiến Tăng Ni có người cũng lơ là sự tu học Kinh
điển. Ðể rồi qua ngày đoạn tháng, chỉ làm một việc cúng kiến lặt vặt có chừng.
Như vậy, uổng phí cho cả đời xuất gia học đạo.
Phật tử đến
chùa, phải cầu học Phật pháp, và chỉ nên nói về những vấn đề Phật pháp, chớ nên
đem việc thế sự lạm bàn. Chỉ mất thời giờ vô ích và làm rối tâm người tu.
Phật tử học tu là tu thế nào?
Có ai hỏi:
Là Phật tử, sau khi chết đi về đâu? Phật tử sẽ trả lời làm sao?
Nếu mình tu
cầu về cõi Phật, mà đạo nghiệp chưa tròn, Phật và Thánh chúng không rước thì
mình về đâu?
Mình sẽ ú ớ
về điều này! Vì vậy Phật tử chưa nắm vững đường lối tu.
Phải biết
trong Phật giáo có chia ra làm ngũ thừa, là năm thừa, năm từng bậc để người tu
hướng đến.
Năm thừa là: Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa,
Bồ Tát thừa.
Với nghiệp
nhân cho các thừa cũng phải biết qua. Thí dụ ở Nhân thừa, tu nhân gì sẽ được
sanh về cõi người? Muốn sanh về cõi người phải giữ năm giới làm căn bản. Ở
Thiên thừa, muốn sanh về cõi trời phải tu Thập thiện v.v... Người Phật tử phải
biết qua những điều như vậy để xác định hướng đi của mình, để biết rồi mình sẽ
đi về đâu.
Như bây giờ
mình không đủ điều kiện sanh về cõi Phật mà bình sinh mình khéo giữ được năm
giới, thì biết chắc là sau khi chết mình sẽ sanh lại làm người. Và do tu pháp
lành nên thành người có đức hạnh được vào hàng tôn quý, giàu có sang trọng
v.v... Biết được vậy, không sanh (tâm) nghi ngờ, an tâm tu tập pháp lành.
Phật tử tu pháp lành của phần mình là tu làm sao?
Ðây là việc
tu của người Phật tử tại gia. Phật tử đã thọ quy giới rồi. Giới thứ nhất, không
giết hại, Phật tử phải vâng giữ không nên giết người, không nên giết các loài
sinh vật bừa bão. Phải giới hạn tối đa trong hoàn cảnh điều kiện của mình, cố
tránh nợ sanh mạng càng nhiều càng tốt.
Giới thứ
hai, không trộm cắp, Phật tử đã vâng giữ rồi không nên tái phạm. Không được
trộm cắp của người bằng bất cứ hình thức nào, hoặc gián tiếp hay trực tiếp cũng
đều không nên.
Giới thứ ba,
không tà dâm. Phật tử phải thể hiện đời sống lứa đôi một cách chơn chánh, tránh
các trường hợp lang chạ, ngoại tình.
Giới thứ tư,
không nói dối, Phật tử phải thành thật, dù trong công việc mua bán đổi chác,
không nên lừa lận người. Buôn bán làm ăn thì phải có thịnh có lời, nhưng đồng
thời phải nhắm trên công sức, trên mồ hôi trí tuệ mình. Tránh mọi trường hợp
nhằm bóc lột tài lực, nhân lực người. Cắt giá ăn tiền, tráo trở mặt hàng, lật
lọng giao kèo hợp đồng, bội tín trong công việc làm ăn v.v... Uy tín người Phật
tử được xác định phần lớn trên việc này.
Giới thứ
năm, không uống rượu, điều nay quan trọng đối với người nam. Người Phật tử nam
phải khá chinh phục mình về việc này. Trong cuộc sống, không tránh khỏi giao
tế, nhưng đối với việc rượu chè, phải khéo linh động làm sao không phải vướng
vào. Hay ít ra hoặc vướng vào cũng phải biết đường ra. Uy tín con người nằm
trên chỗ tỉnh và say. Phật tử phải khéo chế ngự mình. Ðã thấy rõ tác hại của
rượu trên mọi mặt thì nên tránh xa càng tốt. Phật tử lúc nào cũng phải tỉnh
sáng. Có tỉnh sáng mới thấy được vấn đề phức tạp khác đang bao quanh cuộc sống
của mình. Nhất là màn tối vô minh hãy còn dày đặc, Phật tử hãy thoát ra khỏi
mọi sự nghiện ngập!
Là Phật tử,
còn tại gia Cư Sĩ không phải tu gì nhiều hơn, nếu có đủ duyên tiến xa hơn càng
tốt. Nếu không, chỉ giữ chừng ấy việc là đã quý lắm rồi.
Phật tử
ngoài chiều tu tiêu cực (chỉ lo cho mình đừng phạm năm giới) còn phải phát huy
trên chiều tích cực. Tức nhằm giúp người, tạo duyên cho người cũng được như
mình. Việc này cần phải khéo làm trong tin thần cởi mở, chân thành vì người,
không một ý đồ vụ lợi riêng tư nào. Làm thế nào, nơi nào có bóng dáng Phật tử
là nơi đó có cuộc sống tươi mát, có sự ấm êm hạnh phúc. Gia đình có Phật tử thì
gia đình hạnh phúc. Láng giềng có Phật tử thì láng giềng thêm vui. Người đời có
Phật tử thì có sự ấm áp, có được yên lành.
Phật tử phải
là hiện thân Phật pháp sống đi vào cuộc đời. Chớ nhìn Phật pháp trên hình tượng
Phật, hãy nhìn Phật pháp ở nơi mình, và ở ngay trong lòng cuộc sống. Phật pháp
phải là pháp sống, không thể là pháp chết được.
Phật tử muốn
tuyên dương Phật pháp, hãy tự mình sống đúng như Phật pháp. Ðó là sự cúng dường
cao tột nhất. Chư Phật sẽ nhất tâm tùy hỷ cho người có trình độ sống như vậy.
Và từ đó mọi rối rắm của cuộc sống sẽ lần hồi được giải quyết ổn thỏa. Ðó là đã
được pháp lực gia hộ. Một sự gia bị bất khả tư nghì. Âúy cũng từ nơi mình nỗ
lực quyết sống vì Phật pháp mà thôi, không có gì huyền hoặc, thần bí.
Phật tử đã
có gan sống như Phật pháp, thì không cầu an mà được an. Vì đã là người Phật tử
chân chánh thì thấy nguy nào khác gì an. Nguy cũng là tướng, an cũng là tướng.
Mà đã là "tướng" tức là hư vọng thì an hay nguy thảy đều hư vọng. Thế
nên Phật tử ngay đó mà bình an. Một sự bình an như vậy mới thật là bình an lớn.
Và từ niềm bình an ấy, Phật tử có đủ tỉnh táo sáng suốt chuyển nguy thành an
theo cái nhìn của cuộc đời. Chuyển được hoàn cảnh xấu thành tốt.
Vô lý, tu
hành là chỉ để "cầu an" . Tu là đối kháng lại ma quân thì làm sao an
được? Mà hễ không an thì thối lui, đó có phải là người tu chưa? Lui thì ai tiêu
trừ ma quân? Ma quân mà còn thì an làm sao an? Dù muốn an có được không?
Vậy nên
người tu không thể chấp nhận được sự "cầu an" như vậy. Không thể cầu
an bằng cách thối, không chiến đấu với ma quân, bằng cách làm nô lệ ma quân,
hay bằng cách bám theo chân đức Phật, núp trong hào quang ẩn quanh cội Bồ đề.
Không! Người
đã nghĩ đến chuyện tu không thể như vậy được.
Phải biết,
đức Phật cũng đã là người từng chiến đấu với ma quân. Nay Ngài đâu chấp nhận lũ
"hậu duệ" chỉ biết núp bóng trốn vây quanh bên Ngài.
Không được,
dù muốn dù không cũng phải chiến đấu. Ðã chấp nhận chiến đấu, quyết một mất một
còn thì làm sao mà an được. Thế nên dù có cầu an cũng là điều vô ích. Ma quân
có chịu cho ta cầu an không? Có thể nó chỉ chịu khi nào nó cảm thấy núng thế
trước ta, tức có nghĩa ta phải trên đà thắng chúng mới chịu để ta an, mới chấp
nhận sự cầu an.
Hãy chiến
đấu! Là đệ tử Ðức Ðiều Ngự thì không có quyền chùn bước. Nguyện đời đời không
khiếp nhược để cầu an. Chỉ cầu an khi nào ma quân trở thành nô lệ dưới tay kiếm
này.
Là Phật tử,
tức là dòng giống của trí tuệ, là dòng kiếm Bát Nhã muôn đời. Người Phật tử hãy
đón nhận lưỡi kiếm mầu, cầm vững trong tay linh hoạt tiếp đón lũ ma quân. Sự
cầu an trên ánh kiếm lướt qua đầu vạn lũ ma quân. Ðó là sự cầu an đích thực
nhất.
Việc tu hành
như vậy ở một Phật tử thuần thành, biết tin tưởng Phật pháp đúng lẽ thật, sẽ
thấy rõ điều ấy không phải một sớm một chiều mà được. Việc tu như vậy phải trải
qua nhiều đời nhiều kiếp. Cả ba đại a tăng kỳ kiếp.
Nói như vậy
không phải nhằm gây chán nàn một công trình có vẻ dài lâu. Mà ta thấy rõ một sự
thật không phải đơn giản, không phải là một chuyện dễ dàng gì. Một cái nghề
nghiệp thông thường ở thế gian thôi, mà muốn đạt trình độ tinh sảo cũng phải
đến cả đời người. Huống chi đây là một việc mờ mờ, ảo ảo, khó nghe, khó thấy,
khó thực hiện thì hỏi với số thời giờ phù du của ba vạn lẻ ngàn ngày là mấy, sẽ
dùng vào đâu được. Thật chẳng có vào đâu, chỉ trong một đời người.
Việc tu hành
mà đem thời gian ba vạn sáu ngàn ngày để ấn định thì thật chẳng đáng gì!
Ở nhà Thiền
nói: Phải gắng đời này cho xong. Ðây là một lời nêu cao ý chí, khích lệ kẻ
trượng phu. Kỳ thực, làm sao xong được chỉ trong một đời. Có được chăng là
những bậc đã tu qua nhiều đời, đến đời này một nghe ngàn ngộ, thì gọi là xong.
Xong căn cứ đời này mà nói. Hay xong là quyết trong đời này, không còn lầm nữa.
Ðối với chân lý đã sáng tỏ rõ ràng. Chứ công hạnh làm sao mà tròn được. Và nếu
có được, thì chỉ là xong phần nhân, nhân thành Phật. Ðó là trường hợp Long Nữ
trong Kinh Pháp Hoa. Nàng vừa được Ngài Văn Thù điểm hóa, thoát liền thành
Phật. Phật ấy mới là Phật nhân thôi. Tuy là nhân quả đây mang tính đồng thời.
Ðồng thời là cùng lúc đồng lớn lên cả nhân và quả. Chớ không phải liền đó nẩy
nở đúng mức. Cũng như hạt sen và gương sen, đồng có một lượt, cùng nẩy nở, để
rồi mới lớn lên; chứ không có nghĩa ngay khi có hạt, gương là liền thành quả
lớn trọn vẹn đúng mức.
Vậy, phải
hiểu điều này chớ có lầm lẫn. Không vì lâu xa mà nản, không vì mau chóng mà hấp
tấp xem thường. Dù thời gian lâu hay mau, cũng không nên xem thường hay nản
chí. Mà phải biết đây là một việc đòi hỏi một ý chí phi thường, một sự kiên tâm
không bờ mé.
Tuy vậy, đối
với người khéo tu thì luôn luôn giữ được sự thảnh thơi trong lúc dụng công. Cho
nên dù chưa đạt được quả vị cuối cùng, cũng giữ được tính chất giải thoát an
nhàn.
Phật tử khéo
tu như vậy, dù chưa tới đâu, nhưng khi nhận đúng pháp, tu đúng đường lối thì
việc tu cũng được nhẹ nhàng thư thới. Như nếu thật là ăn cơm, thì vừa ăn là vừa
no, vừa khoan khoái. Cứ vậy mà ăn, càng ăn càng no, càng khoan khoái.
Nếu khác vậy
thì phải soát lại, xem đường lối mình có đúng như pháp không. Pháp Phật là pháp
giải thoát thì từ đầu đến đuôi cũng phải mang tính giải thoát mới được.
Có những
Phật tử khi tu không được hướng dẫn đúng pháp, khiến ra công trở nên trì trệ và
có nhiều điều đáng tiếc cho cá nhân và người chung quanh. Thay vì tu để có được
an vui giải thoát thì lại sanh gắt gỏng vô lý, tạo nhiều nỗi bất an cho mình và
cho người, gây xáo trộn cuộc sống vô lối, tạo nhiều ràng buộc, những dính mắc
không đâu.
Vậy nên Phật
tử phải hiểu rằng tu theo Phật pháp là nhằm tạo cho đời sống giữa mình và người
đồng được an vui. Hay ít ra chính mình phải được an vui đúng như pháp.
Làm thế nào
khi chưa biết đi chùa thì gia đình lục đục rối loạn. Ðến khi biết đi chùa thì
gia đình trở nên êm ấm hạnh phúc. Như vậy mới là một Phật tử tốt.
Người Phật
tử như vậy là người khéo học đạo. Biết vận dụng đời sống đạo vào đời sống thế
tục. Ðể tóm kết, người Phật tử tại gia cư sĩ phải nhận định rõ ràng về những
việc của mình khi đến trong Phật pháp:
- Cần nhận định đúng đắn về việc cúng dường.
- Phải xây dựng nhân tu theo nhân quả. (Quả: vô tham. Nhân: phải lìa tham)
- Tu không phải để cầu an. Tu là chiến đấu với ma quân.
- Tu không phải một ngày một buổi.
- Tu là phải thảnh thơi.
0 Kommentare:
Post a Comment