"Quý vị nên nhớ: Tu Ðạo không phải là chuyện dễ. Hễ quý vị muốn tu Ðạo thì có ma tới phá. Ma này không phải chỉ từ một nơi, mà từ bốn phương tám hướng kéo tới. Có thứ là ma bịnh, có thứ là ma phiền não; lại có thiên ma, nhân ma, quỷ ma và cả yêu ma nữa. Chúng ma kéo tới từ chỗ quý vị chẳng ngờ chẳng biết, làm cho Ðạo-tâm của quý vị lung lay, khiến quý vị thối lui trên đường tu tập. Chúng dùng đủ cách để dụ dỗ, uy hiếp, đe dọa, khiến quý vị phải thối chuyển, mất Ðịnh-lực, rồi bỏ tu luôn..."
Hoà Thượng Tuyên Hoá
Trước đây tôi có nói: "Nếu
ai tĩnh tọa được một chốc lát thì còn hơn là xây hằng sa
tháp bảy báu." Có vị ngồi trong Thiền-đường, nghĩ vẩn
vơ rằng: "Tĩnh tọa một giây phút mà công đức còn hơn
xây tháp bảy báu"; rồi nghĩ lui nghĩ tới, nên dù là
một tích tắc cũng chẳng tĩnh tọa đặng, do đó một tí công
đức cũng chẳng có được! Vì sao? Thì cũng giống như nhận
ngón tay làm mặt trăng, chỉ thấy ngón tay chỉ mặt trăng mà
không nhìn thấy mặt trăng, rồi cho rằng có công đức vô
lượng! Vô lượng ư? Quý vị chỉ ngồi đó với vô lượng
vọng tưởng thôi!
Lại nói: "Tôi có thể phóng
hào quang chiếu khắp vũ trụ! Tôi có thể phóng hào quang
chiếu khắp vũ trụ!" Cảnh giới này chẳng cần quý vị
nghĩ tới, chẳng cần quý vị nói ra, mà cần quý vị thực
hành. Nếu quý vị có khả năng chân chính thanh tịnh nhập
Ðịnh thì mới phóng đặng hào quang chiếu khắp vũ trụ.
Không thể nhập Ðịnh, nghĩ ngợi vớ vẩn chẳng ích lợi gì.
Nghĩ lui nghĩ tới thì cũng đều là vọng tưởng, cách xa
thực tại đến tám vạn bốn ngàn dặm.
Lại có vị nghĩ rằng: "Làm sao
để tôi nhập Ðịnh? Làm sao để tôi khai ngộ?" Nếu quý
vị có vọng tưởng đó, thì làm cách gì quý vị cũng chẳng
thể nhập Ðịnh, chẳng thể khai ngộ. Vì sao? Vì quý vị chỉ
dụng công hời hợt ngoài da mà thôi, chứ chẳng phải dụng
công nơi Trí Bát-nhã. Quý vị toàn là hướng ra ngoài tìm
kiếm. Chẳng hướng nội mà tìm, thì mãi mãi chẳng tìm ra.
Quý vị hãy làm bác-sĩ điện liệu
(electrotherapist) để giúp thế gian này. Hãy cứu giúp chúng
sanh đang sống trong bầu không khí ô nhiễm này để họ có
thể thành Phật trong một bầu không khí trong lành. Bây giờ
quý vị phải ngồi tĩnh lặng, đừng có quá nhiều vọng
tưởng, và tôi hy vọng quý vị biết rõ điều đó. Tôi đã
giảng cho quý vị nghe về phương pháp điện liệu làm cho không
khí trong sạch rồi. Quý vị hãy thử xem, coi hiệu quả ra sao?
Hôm nay là ngày thứ hai của
Thiền-thất, quý vị đã "lên đường" chưa? "Lên
đường" có nghĩa là lên con đường Chánh-giác, con
đường Bồ-đề. Quý vị đã đề khởi được câu
"Niệm Phật là ai" chưa? Quý vị đã buông bỏ vọng
tưởng chưa? Nếu chưa đề khởi được câu "Niệm Phật
là ai?" thì hãy mau mau làm đi. Phải tập như "mèo rình
chuột" vậy, kiên nhẫn chăm chú chờ chuột. Lại cũng
giống như "gà mẹ ấp trứng," một lòng một dạ nhớ
nghĩ đến đám gà con sắp nở. Lại cũng giống như "rồng
giữ hạt châu," cẩn thận chuyên nhất giữ chặt hạt
bảo châu. Lúc nào cũng dụng công thì mới hy vọng thành
tựu.
Chúng ta tu hạnh "ngày ăn một
bữa, đêm chẳng nằm mà ngủ" là cách tu khổ hạnh mà
tôi dám nói rằng hay nhất thế giới. Ðặc biệt là lúc
đả Thiền-thất, mỗi ngày ngồi mười hai giờ, đi nhiễu sáu
giờ. Sự thực hành khắc khổ này đòi hỏi Thiền-sinh phải
ăn uống cho đầy đủ. Do đó tại Trung Quốc, khi nào có đả
Thiền-thất, mỗi đêm mọi người đều được cho ăn hai cái
bánh bao lớn nên ai cũng thích thú lắm. Song ở đây không
có cái lệ này. Do đó bữa trưa, quý vị nên ăn thêm một
chút, ăn cho no để đủ sức đi nhiễu hoặc chạy.
Giới luật nhà Phật quy định
"nhật trung nhất thực," tức là mỗi ngày chỉ ăn
một bữa vào giờ ngọ (mười hai giờ trưa) mà thôi. Về
sau, lệ này đổi thành "quá ngọ bất thực," tức
là sau mười hai giờ trưa thì không được dùng bữa, nhưng
buổi sáng có thể ăn cháo điểm tâm. Vì không phải ăn sau
giờ ngọ nên việc này không phải là phạm giới.
Trong khóa Thiền, nếu ăn không đủ
no thì sẽ không có đủ sức ngồi Thiền, đi nhiễu hay chạy,
do đó có thể sinh ra thối chuyển. Vì sao? Nếu quý vị tham
Thiền đến tối, bao tử quý vị sẽ cồn cào và trách quý
vị là đã quá ích kỷ, chỉ biết tu hành, chỉ chú tâm muốn
khai ngộ, chẳng quan tâm đến nó, khiến nó phải đau khổ. Nó
hỏi quý vị tu Ðạo gì mà một chút từ bi cũng không có.
Thế là nó chẳng hợp tác với quý vị nữa, khiến quý vị
dễ thối tâm, không còn muốn tu hành, uổng phí công phu khi
trước. Bởi vậy trong khóa Thiền, quý vị cần phải ăn cho
đủ no mới có năng lực để mưu cầu trí huệ giải thoát.
Hôm nay tôi kể cho quý vị nghe câu
chuyện "Ăn bánh bao lúc đả thất." Ðây là chuyện
có thật, không phải bịa đặt. Ở chùa Thiên Ðồng tại tỉnh
Ninh-Ba bên Trung Quốc, có vị phương trượng tên Mật Vân.
Ngài là một vị Minh nhãn Thiện-tri-thức. Thầy Duy-na cũng là
một vị Minh nhãn Thiện-tri-thức. Song lòng từ bi của Thầy
Duy-na thì quá rộng lớn còn lòng từ bi của Phương-trượng
thì lại hạn hẹp. Ngài Mật Vân thì có tác phong
"Ma-ha-tát chẳng để ý đến ai cả," còn ngài Duy-na
thì chủ trương "Bồ-đề Tát-đỏa thích lo chuyện
người." Vì hai vị có tư tưởng khác biệt nên lối cư
xử cũng xung khắc.
Trong lúc đả Thất, ai cũng dũng
mãnh tinh tấn ngồi Thiền, cầu trí huệ giải thoát. Một đêm
nọ vị Duy-na từ bi này thấy đại chúng vì quá đói bụng
nên chẳng còn tinh thần nào ngồi Thiền được. Có vị bị
hôn trầm, có vị thì tâm tán loạn, hoặc nếu không ngủ gật
thì cũng "ngồi sụm." Bình thường, khi ngồi Thiền
người ta cao khoảng ba thước tây, nhưng vì bụng đói quá,
không ngồi thẳng lưng được, phải khòm xuống nên chỉ còn
cao hơn một thước, do đó gọi là "ngồi sụm." Khi
hiện tượng này xảy ra thì chẳng ai còn tiếp tục ngồi
Thiền được nữa. Thầy Duy-na thấy vậy mới nẩy lòng
thương và muốn giữ sức khỏe cho đại chúng, Thầy bèn
nhập Ðịnh, dùng thần thông vào nhà bếp lấy cắp một ít
cơm cháy đem phân phát cho mỗi người một ít. Khi ngồi Thiền
xong, mọi người mở mắt ra thì thấy trên đùi họ có một
miếng cơm cháy, liền rón rén ăn hết. Bởi vì "người
là sắt, cơm là thép," nên ai ăn vào cũng khôi phục
lại tinh thần. Lúc đi nhiễu, cũng không cảm thấy mệt mỏi.
Chẳng còn như trước, vì bụng đói không thể đi nhiễu
được nên phải ngồi qua một bên để nghỉ mệt.
Sau khi Thầy Duy-na có lòng từ bi
này lấy cắp cơm cháy liên tiếp hai ngày để cho đại chúng
ăn điểm tâm, thì đến ngày thứ ba bị vị Phương-trượng
phát giác ra chuyện ăn cắp nên bị đuổi ra khỏi chùa.
Sự việc này xảy ra như sau: Buổi
sáng ngày thứ ba, Thầy quản lý nhà bếp phát hiện ra rằng
cơm cháy ngày hôm qua đã biến mất và Thầy nghi rằng đã
bị chuột ăn hết. Vì là nhiệm vụ của Thầy, nên Thầy mới
báo cáo chuyện này lên ngài Phương-trượng để xin ý
kiến. Ngài Phương-trượng dạy rằng: "Ðược rồi, phải
bắt con chuột đó!" Ðến tối, ngài Phương-trượng nhập
Ðịnh quán sát mới phát giác là Thầy Duy-na đã trộm cơm
cháy của nhà bếp trong lúc nhập Ðịnh. Nhân đó Ngài mới
đem nhục thân của Thầy Duy-na giấu dưới ghế ngồi. Lúc
Thầy Duy-na xuất Ðịnh thì không thấy "nhà" (nhục
thân) của Thầy đâu nữa. Thầy tìm kỹ khắp nơi thì cuối
cùng mới thấy nhục thân mình nằm ở dưới ghế nên kéo
nó ra. Bấy giờ, Ngài Phương-trượng mới bảo: "Thầy
làm gì vậy? Thầy quả là một con chuột lớn. Thầy dám ăn
cắp cơm cháy ở nhà bếp hả? Thầy có biết là Thầy đã
phạm giới không? Ai phạm giới phải bị đuổi ra khỏi chùa!
Ngày mai Thầy phải đi. Chúng tôi không thể lưu giữ Thầy
ở đây nữa!"
Thầy Duy-na thưa: "Bạch Ngài,
Ngài đuổi tôi thì được rồi, song tôi muốn xin Ngài một
việc, mong Ngài thuận cho."
Vị Phương-trượng hỏi: "Thầy
sắp ra đi, còn muốn yêu cầu gì nữa?"
Thầy Duy-na thưa: "Các Thiền-sinh
nhất định phải được ăn đủ no thì mới có thể dụng
công tu hành. Nếu ăn không no, chắc chắn chẳng thể tu hành
được. Do đó tôi mới vào nhà bếp lấy trộm cơm cháy
để cho đại chúng dùng, chẳng phải để tôi ăn. Tôi hy
vọng Ngài Phương-trượng từ bi, mỗi tối cho mỗi người ăn
hai cái bánh bao. Ðược vậy thì tôi xin cúi đầu đảnh lễ
Ngài. Tôi ra đi rồi, chẳng còn gì thắc mắc nữa!"
Vị Phương-trượng suy nghĩ và thấy
có lý: "Ðược rồi! Tôi sẽ thỏa mãn lời yêu cầu
của Thầy." Từ đó về sau, khi nào đả Thiền-thất, mỗi
người được ăn hai cái bánh bao vào buổi tối.
Thầy Duy-na lại hỏi Phương-trượng:
"Thưa Ngài, tôi nên đi về đâu?"
Phương-trượng đáp: "Thầy hãy
đến tỉnh Tứ-xuyên xây dựng đạo tràng. Các vị hộ pháp
ở đó có thiện duyên với Thầy."
Bấy giờ Thầy Duy-na mới dùng
phép Thần-túc-thông để đến tỉnh Tứ-xuyên. Thầy thấy hai
cây quế cao to, cành lá sum sê, nên ngồi Thiền giữa hai cây
quế ấy. Nhiều vị hộ pháp và cư sĩ thấy Thầy ngồi Thiền
dưới gốc cây, nhận ra Thầy là bậc chân tu, một vị cao
tăng đức hạnh, do đó họ xây một ngôi chùa dưới hai
cây quế ấy lấy tên là "Song Quế Ðường." Tại
đây, Thầy truyền Pháp và thâu nhận đệ tử. Về sau, rất
nhiều người tham Thiền được khai ngộ và Thầy trở thành
vị Tổ đầu tiên.
Tham Thiền cũng như uống nước,
nóng hay lạnh chỉ tự mình biết lấy. Dụng công tới chỗ
vững vàng thì mình tự biết; dụng công mà chưa thành thục
thì cũng chỉ có mình tự hay. Ai dụng công đã vững, đã
thành thục thì cần phải liên tục nỗ lực. Kẻ chưa dụng
công tới đâu cả thì chớ biếng nhác. Trong lúc tham gia
Thiền-thất, quý vị phải buông xả hết mọi thứ. Có câu:
"Ðề khởi được, buông xả được."
"Ðề khởi được" cái gì?
Ðề khởi được câu "Niệm Phật là ai?"
"Buông xả được" thứ gì?
Buông xả được mọi vọng tưởng. Phải buông xả được
vọng tưởng và sự nghĩ ngợi lăng xăng thì trí huệ mới
nảy sinh. Không buông xả được vọng tưởng thì dụng công
sẽ không có kết quả.
Trong bảy ngày này, quý vị phải
dũng mãnh tinh tấn, đừng sinh một mảy may tâm trạng biếng
nhác hay một chút hoài nghi. Hãy cùng nhau dụng công. Khi dụng
công tới chỗ "không thấy có mình, không thấy có
người" thì sẽ khai ngộ. Nếu dụng công tới chỗ "phi
sắc, phi không" thì sẽ hợp nhất với Ðức Như Lai. Nếu
quý vị chưa hiểu được cảnh giới "phi sắc, phi
không" thì thật đáng hổ thẹn.
Vì sao dụng công mà không được
tương ưng? Vì thói quen, tập khí từ vô lượng kiếp đến nay
quá sức sâu dày; do đó, tâm muốn hướng tới con đường
Bồ-đề mà thân thì chẳng chịu tiến tới, cứ muốn thối
lui. Quý vị phải biết rằng hễ tập khí, thói quen quá nặng
nề, nghiệp chướng dày sâu, thì càng cần phải buông xả
vọng tưởng. Buông xả vọng tưởng không khó, quý vị chỉ
cần quên mình đi là vọng tưởng hết ngay. Chỉ vì còn có
cái "tôi" nên quý vị mới không thể quên bẵng
được mình.
Khi tu hành ở Thiền-đường, quý
vị phải tu làm sao cho "trên không biết có trời, giữa
không biết có người, dưới không biết có đất."
Trời, đất, người không còn, đông tay nam bắc cũng tiêu
tan, thì lúc ấy một niệm cũng không khởi và toàn thể
chân-tâm sẽ hiện bày. Quý vị sẽ đắc được "toàn
thể đại dụng."
Nếu suốt ngày khởi vọng tưởng
thì công phu sẽ không tương ưng. Do đó, phải dụng công tới
chỗ không sinh khởi một niệm nào cả. Khi đi, không biết là
mình đang đi; khi đứng, không biết là mình đang đứng; khi
nằm, không biết là mình đang nằm; khi ngồi, không biết là
mình đang ngồi. Ði, đứng, nằm, ngồi đều chẳng hay biết:
Cả ngày ăn cơm, nhưng chưa nuốt một hạt gạo.Cả ngày mặc áo, nhưng chưa mặc một sơi tơ.
Lúc ấy, quý vị với hư không
hợp làm một. Nếu hợp làm một với hư không thì mới
hốt nhiên dung thông; đột nhiên quý vị sẽ hiểu rõ mọi
sự. Ðó là cảnh giới đốn ngộ.
Ðốn ngộ là do bình thường dụng
công, dụng đến chỗ tương ưng thì mới hốt nhiên khai ngộ.
Nếu bình thường không dụng công thì không thể đốn ngộ
được. Cũng như trẻ con sau khi sinh ra, nhờ ngày ngày được
nghe tiếng nói nên tới một lúc nào đó chúng tự nhiên
biết nói. Khi chúng thốt ra lời đầu tiên thì cũng tương
tự như lúc chúng ta khai ngộ. Khi chúng bắt đầu biết đi,
thì bước đầu tiên cũng có thể ví như lúc chúng ta khai
ngộ vậy. Làm sao chúng đi được bước đầu tiên? Do bởi
ngày nào chúng cũng nhìn thấy người lớn đi đi lại lại,
cảnh tượng ấy huân tập vào đầu óc chúng, khiến chúng
tự nhiên tập tễnh bước đi. Chúng ta dụng công cũng phải
như vậy-hôm nay dụng công, ngày mai cũng dụng công. Tiếp
tục như vậy, khi công phu chín muồi, không còn khởi ý
tưởng gì, hết bặt vọng niệm, thì quý vị sẽ khai ngộ.
Sự khai ngộ do ngày ngày dụng
công tu hành hoặc do từng giờ từng phút dụng công tu hành
rồi đến khi công phu đã chín muồi thì chợt khai ngộ, là
sự khai ngộ do dụng công tu hành trong đời này.
Có người hỏi: "Tôi thấy vị
kia chẳng chịu dụng công tu hành gì cả, song tới
Thiền-đường chưa được bao lâu thì bỗng nhiên khai ngộ.
Ðó là vì sao?" Trường hợp này khá đặc biệt đấy.
Ðó là vì kiếp này tuy y không dụng công tu hành, song kiếp
trước y đã tu rồi. Không phải chỉ tu bình thường, mà
từng giờ từng phút y đều tu, và chỉ thiếu một chút nữa
là khai ngộ. Do đó, trong kiếp này gặp được hoàn cảnh y
liền khai ngộ.
Ðốn-ngộ tuy là tức khắc khai
ngộ, song cần phải vun bồi thiện căn từ kiếp trước. Giống
như làm ruộng vậy-mùa xuân gieo giống, mùa hạ cày cấy,
thì mùa thu mới thâu hoạch. Nếu mùa xuân không gieo hạt thì
mùa thu làm sao có thâu hoạch? Có câu:
"Một phần canh tác thì một
phần thâu hoạch."
Người tu Ðạo chúng ta cũng phải
như thế-bất luận là khai ngộ hay chẳng khai ngộ đều phải
dũng mãnh tinh tấn, nỗ lực tiến tới. Hy vọng trong một
phút giây tối hậu chúng ta sẽ đạt kết quả, nhận ra
"bản lai diện mục" của mình.
Vì sao chúng ta không nhận ra được
"bản lai diện mục" của mình? Bởi vì tướng Ngã
(cái "tôi") chưa trừ, lòng ích kỷ chưa dứt. Nếu
không còn tướng Ngã và lòng ích kỷ thì có thể nhận ra
"bản lai diện mục" ngay.
Nếu quý vị không muốn nhận ra
"bản lai diện mục" thì không thành vấn đề-tu cũng
được, không tu cũng xong, bởi vì quý vị chẳng có hy vọng
gì cả. Song, người tu Ðạo nhất định cần phải có hy vọng.
Ðó là hy vọng hiểu rõ mình từ đâu tới, rồi đi về
đâu, muốn biết được mình từ đâu sinh ra và chết rồi
thì đi về đâu. Nếu muốn biết "bản lai diện mục"
của mình ra sao, thì quý vị phải không sợ khổ, sợ khó,
sợ gian nan-như thế thì mới có thể phản bổn hoàn nguyên,
đắc được "thân kim-cang bất hoại."
Chúng ta làm gì trong Thiền-đường?
Chính là rèn luyện "thân kim-cang bất hoại." Một khi
đã là "thân kim-cang bất hoại," thân ta ắt hẳn
chẳng còn biết khổ sở, chẳng còn biết đau đớn. Do đó
nếu chúng ta cứ sợ khổ sợ đau thì không làm sao thành
tựu được "thân kim-cang bất hoại." Thân bất hoại
này là do rèn luyện mà thành. Và công việc chúng ta đang
làm đây chính là rèn luyện "thân kim-cang bất hoại"-rèn
luyện thân này cho được kiên cố, vĩnh viễn không hư hoại.
Nghe vậy, có vị nghĩ rằng: "Tôi
tu hành không phải vì cái 'túi da thối' này. Rèn luyện nó
thành bất hoại để làm gì chứ?" Không sai! Lý luận
của quý vị đúng lắm; song, "thân kim-cang bất hoại"
mà tôi nói đây không phải là "túi da thối" này.
Vậy thì là gì? Là "thân kim cang bất hoại" của
tự-tánh, cũng là Pháp-thân và huệ-mạng, mà cũng chính
là "thân kim cang bất hoại" của tự-tánh nguyên thủy
thanh tịnh.
Quý vị nên nhớ: Tu Ðạo không
phải là chuyện dễ. Hễ quý vị muốn tu Ðạo thì có ma tới
phá. Ma này không phải chỉ từ một nơi, mà từ bốn phương
tám hướng kéo tới. Có thứ là ma bịnh, có thứ là ma
phiền não; lại có thiên ma, nhân ma, quỷ ma và cả yêu ma
nữa. Chúng ma kéo tới từ chỗ quý vị chẳng ngờ chẳng
biết, làm cho Ðạo-tâm của quý vị lung lay, khiến quý vị
thối lui trên đường tu tập. Chúng dùng đủ cách để dụ
dỗ, uy hiếp, đe dọa, khiến quý vị phải thối chuyển, mất
Ðịnh-lực, rồi bỏ tu luôn.
Quý vị ngồi Thiền tới một trình
độ kha khá thì sẽ có ma tới thử thách xem Ðạo-lực của
quý vị ra sao. Có khi chúng hóa hiện làm kẻ nam hay người
nữ với dáng mạo đẹp đẽ để dụ dỗ-nếu không động
tâm thì quý vị vượt qua được thử thách, nếu động tâm
thì quý vị sẽ đọa lạc. Ðây là điều vô cùng quan trọng,
quý vị hãy nhớ cho kỹ! Hễ sẩy chân lỡ bước là ôm
hận ngàn đời!
Khi cảnh giới hiện ra để thử
thách kẻ tu hành, thì chúng ta cần phải xét xem cảnh giới
ấy là giả hay thật. Dùng phương cách gì? Rất đơn
giản: niệm "A Di Ðà Phật," chuyên nhất không loạn,
chẳng khởi vọng tưởng. Nếu cảnh giới ấy là giả thì nó
sẽ từ từ biến mất. Nếu là cảnh giới thật thì càng
niệm, cảnh ấy càng hiện ra rõ ràng. Ai ngồi Thiền không
hiểu phương pháp này sẽ bị "tẩu hỏa nhập ma" và
Ðạo-nghiệp sẽ tiêu tan. Lại có kẻ tự cho rằng mình đã
nhập ma-cảnh, do đó sẽ bỏ lỡ cơ hội khai ngộ.
Lúc còn trẻ tôi có nghe nói
rằng: "Tu Ðạo thì có ma." Tôi không tin, lại còn
kiêu ngạo nói: "Ma gì tôi cũng không sợ! Tôi chẳng
sợ bất kỳ thứ yêu ma quỷ quái nào!" Tôi cho rằng
nói như thế cũng không sao, chẳng có gì đáng e ngại. Nào
ngờ chẳng bao lâu quả có ma lại phá tôi. Ma gì? Ma bịnh!
Lần ấy tôi bịnh nặng, hôn mê suốt bảy, tám ngày, chẳng
hay biết gì cả. Bấy giờ mới biết là công phu tu hành chưa
đủ nên không vượt qua được thử thách. Yêu ma quỷ
quái, thiên ma ngoại đạo, tôi đều không sợ; chỉ sợ ma
bịnh-không hàng phục được nó, mà cũng không chịu đựng
nổi nó. Do đó, người tu Ðạo chớ có khoe khoang, tự đắc,
nói rằng mình chẳng sợ gì cả. Nếu quý vị tự mãn tự
đắc thì rắc rối sẽ kéo tới ngay!
Người tu Ðạo cần
phải thế nào? Cần phải khiêm nhường, cẩn thận giống như
đang đi trên bờ vực sâu, hay bước trên mặt băng mỏng
vậy. Lúc nào cũng phải hết sức thận trọng, đề cao cảnh
giác, thì mới tu Ðạo được. Nói tóm lại, hãy "nói
ít, ngồi thiền nhiều"; đó là căn bản của việc tu
hành.
Người tu hành thành
tựu được Ðạo-nghiệp là nhờ ai trợ giúp? Chính là ma
đấy! Cũng như muốn cho lưỡi dao được bén thì phải mài,
người tu hành phát huy được ánh sáng trí huệ cũng là
nhờ ma lại giúp. Do đó, quý vị hãy xem ma như là hộ pháp
vậy. Cho nên có câu:
Kiến sự tỉnh sự xuất thế gianKiến sự mê sự đọa trầm luân.(Thấy việc, hiểu rõ: xuất thế gian,Thấy việc, si mê: chịu đọa lạc.)
Nếu quý vị có khả năng giác
ngộ, gặp cảnh liền hiểu thấu suốt, thì quý vị sẽ siêu
xuất thế giới. Nếu quý vị không thể giác ngộ, gặp chuyện
gì thì mê mờ chuyện ấy, ắt sẽ đọa địa ngục. Cho nên,
người tu Ðạo không sợ gặp ma, chỉ sợ chẳng có
Ðịnh-lực. Ma tới là giúp quý vị, thử thách quý vị, xem
quý vị có công phu, có Ðịnh-lực hay không. Nếu quý vị có
công phu, có Ðịnh-lực, thì bất luận là thứ ma gì đi nữa,
chúng cũng không làm quý vị dao động tinh thần được.
Người tu hành lúc nào cũng phải
treo mấy chữ "vấn đề sống chết" ngang mày, lúc nào
cũng nghĩ cách để liễu sinh thoát tử. Quý vị nên biết
rằng không có việc gì trọng yếu hơn "sinh tử sự
đại?uot; cả. Nếu chuyện sinh tử chưa giải quyết, quý vị
sẽ không biết vì sao mình sinh ra và chết rồi thì đi về
đâu. Do đó, chưa chân chính thông suốt "vấn đề sống
chết" thì cần phải nỗ lực dụng công; bằng không thì
sẽ vĩnh viễn bị vòng sinh tử luân hồi ràng buộc, không sao
giải thoát được.
Trên đường Ðạo, quý vị hãy
nghĩ tới "vấn đề sống chết" này, xem chúng ma như
là kẻ hộ pháp giúp mình tu hành. Ai chửi quý vị, đánh
quý vị, chính là giúp đỡ quý vị tu hành. Ai nói thị phi về
quý vị, gây khó khăn cho quý vị, cũng chính là để giúp
quý vị tu hành. Nói tóm lại, khi nghịch cảnh kéo tới, quý
vị cứ thuận theo nó mà nhẫn chịu. Hãy coi chúng như là
những bạn bè tới để trợ giúp cho quý vị thì phiền não
sẽ hết. Hễ hết phiền não thì trí huệ phát sinh. Có trí
huệ chân chính thì tất cả ma quái không còn cách gì làm cho
tâm quý vị dao động nữa.
Vì sao chúng ta bị cảnh giới của
yêu ma làm cho dao động? Bởi vì trí huệ của chúng ta chưa
viên mãn. Vì trí huệ không viên mãn nên gặp việc gì cũng
sinh mê muội, không nhận thức được rõ ràng-ngã
tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng
đều nẩy sinh, và phiền não cũng theo đó mà trỗi dậy. Nếu
quả có trí huệ, thì không có những vấn đề ấy đâu!
Hoà Thượng Tuyên Hoá
0 Kommentare:
Post a Comment