Lại nữa, khi Như Lai xuất hiện ở đời giảng rộng giáo
pháp dẫn đến Niết-bàn, chúng sanh này tuy sinh ở trung tâm đất nước, nhưng sáu
căn không đầy đủ, cũng lại không phân biệt được pháp thiện ác. Đó gọi là nạn
thứ sáu...
Hán Dịch: Tam tạng Cù-đàm Tăng-già-đề-bà
Việt dịch: Thích Đức Thắng Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ
TÁM PHÁP
42 . PHẨM
TÁM NẠN
KINH SỐ 1[1]
[747a07] Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây
Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Kẻ phàm phu không nghe, không biết thời tiết mà pháp
được thuyết. Tỳ-kheo, nên biết, có tám thời tiết mà lúc đó con người không
nghe, không được tu hành. Những gì là tám?
“Khi Như Lai xuất hiện ở đời giảng rộng giáo pháp, dẫn
đến Niết-bàn, sở hành của Như Lai, nhưng chúng sanh này ở trong địa ngục nên
không nghe, không thấy. Đó gọi là nạn thứ nhất.
“Khi Như Lai xuất hiện ở đời giảng rộng giáo pháp,
nhưng chúng sanh này ở trong loài súc sanh nên không nghe, không thấy. Đó gọi
là nạn thứ hai.
“Lại nữa, khi Như Lai xuất hiện ở đời giảng rộng giáo
pháp, nhưng chúng sanh này ở trong loài ngạ quỷ nên không nghe, không thấy. Đó
gọi là nạn thứ ba.
“Lại nữa, khi Như Lai xuất hiện ở đời giảng rộng giáo
pháp, nhưng chúng sanh này sanh lên trời Trường thọ nên không nghe, không thấy.
Đó gọi là nạn thứ tư.
“Lại nữa, khi Như Lai xuất hiện ở đời giảng rộng giáo
pháp, nhưng chúng sanh này sanh ở biên địa, phỉ báng Hiền Thánh, tạo các tà
nghiệp. Đó gọi là nạn thứ năm.
“Lại nữa, khi Như Lai xuất hiện ở đời giảng rộng giáo
pháp dẫn đến Niết-bàn, chúng sanh này tuy sinh ở trung tâm đất nước, nhưng sáu
căn không đầy đủ, cũng lại không phân biệt được pháp thiện ác. Đó gọi là nạn
thứ sáu.
“Lại nữa, khi Như Lai xuất hiện ở đời giảng rộng giáo
pháp đạt đến Niết-bàn, chúng sanh này sinh ở trung tâm đất nước, tuy sáu căn
lại hòan tòan, không có thiếu sót; nhưng chúng sanh này tâm thức tà kiến, cho
rằng không có người cho, không có vật bố thí, không có người nhận, không có quả
báo thiện ác, không có đời này, đời sau, cũng không có cha mẹ; đời không có
sa-môn, bà-la-môn nào thành tựu được A-la-hán, tự thân chứng ngộ mà và an trú.
Đó gọi là nạn thứ bảy.
“Lại nữa, [747b] Như Lai không xuất hiện ở đời, không
nói giáo pháp dẫn đến Niết-bàn, dẫu chúng sanh này sinh ở trung tâm đất nước,
đầy đủ sáu căn, có thể thọ nhận giáo pháp, thông minh tài giỏi, nghe pháp liền
hiểu, tu hành chánh kiến, tin có vật bố thí, có người bố thí, có người nhận, có
báo thiện ác, có đời này, đời sau, đời có sa-môn, bà-la-môn, tu chánh kiến, tác
chứng đắc A-la-hán. Đó gọi là nạn thứ tám, khiên đồng phạm hạnh không thể tu
hành. Tỳ-kheo, đó gọi là có tám nạn này, khiến phạm hạnh không thể tu hành.
“Ở đây, Tỳ-kheo, có một pháp thời tiết mà người phạm
hạnh có thể tu hành. Một ấy là gì? Ở đây, Như Lai xuất hiện ở đời giảng rộng
giáo pháp đạt đến Niết-bàn, mà người này sinh ở trung tâm đất nước, thế trí
biện thông, đối vật đều sáng tỏ, tu hành chánh kiến, có thể phân biệt pháp
thiện ác, tin có đời này, đời sau, đời có sa-môn, bà-la-môn tu chánh kiến, tác
chứng, đắc A-la-hán. Đó gọi là một pháp khiến người phạm hạnh có thể tu hành,
đắc đến Niết-bàn.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Tám nạn chẳng một loại,
Khiến người không đắc đạo.
Như nay thời hiện tại,
Thế gian rất khó gặp.
Nên hãy học chánh pháp,
Chớ mất cơ hội này.
Nhớ lại về quá khứ,
Đã từng sinh địa ngục;
Nên đoạn trừ, vô dục,
Mà tư duy chánh pháp.
Lâu dài trong thế gian,
Không khi nào dứt tuyệt;
Nên đoạn trừ, vô dục,
Mà tư duy chánh pháp.
Đọan hẳn nguồn sinh tử
Lâu dài trong thế gian.
Nay đã được thân người,
Phân biệt pháp chánh chơn.
Những người không đắc quả
Tất sống trong tám nạn.
Nay nói có tám nạn,
Yếu hành của Phật pháp.
Một nạn vẫn nguy kịch,
Như ván nổi ngoài biển.
Tuy sẽ lìa một nạn,
Dẫu cho có lý này;
Nếu lìa một, bốn đế,
Vĩnh viễn lìa chánh đạo.
Cho nên phải chuyên tâm
Tư duy lý vi diệu;
[747c] Chí thành nghe chánh Pháp
Đạt đến chỗ vô vi.
“Cho nên, Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện xa lìa nơi
tám nạn, chớ mong ở trong đó.
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ
phụng hành.
0 Kommentare:
Post a Comment