Pages

26 November 2016

PHẬT NÓI PHÁP TRỪ SẦU ƯU



 Đại vương, chớ quá lo sầu, vì tất cả chúng sanh đều qui về cái chết. Tất cả mọi pháp đều biến dịch. Cho nên, nếu muốn không biến dịch, quyết không có việc này. Đại vương nên biết, pháp của thân người giống như nắm tuyết, tất sẽ tan chảy. Cũng như nắm đất, rồi cũng vỡ vụn, không thể giữ lâu; Cũng như quáng nắng,[iii] huyễn hoá, hư nguỵ không thật; cũng như nắm tay không, dùng để gạt con nít






Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc ra lệnh quan phụ tá sửa soạn xe lông chim. Vua muốn ra xem đất, giảng đường, ngoài thành Xá-vệ. Trong lúc đó, mẹ vua[i] Ba-tư-nặc vừa qua đời. Bà sống đến một trăm tuổi, rất là suy yếu, vua rất tôn kính nhớ thương chưa từng rời mắt. Lúc đó, bên cạnh vua Ba-tư-nặc có đại thần tên Bất-xà-mật, tài cao cái thế, được mọi người tôn trọng. Đại thần suy nghĩ: “Mẹ của vua Ba-tư-nặc này vừa đúng tuổi trăm, hôm nay mạng chung. Nếu nghe được vua rất lo sầu, quên ăn bỏ uống mà bị bệnh nặng. Nay ta phải tìm cách nào khiến vua không lo sầu cũng không bị bệnh.”

Bấy giờ, đại thần chuẩn bị năm trăm voi trắng, năm trăm ngựa tốt; lại cách đặt năm trăm lính bộ, năm trăm kỹ nữ, năm trăm lão mẫu, năm trăm bà-la-môn, và có năm trăm sa-môn; lại chuẩn bị năm trăm bộ y phục, năm trăm thứ trân bảo làm cỗ quan tài lớn đẹp cho người chết, vẽ vời thật là tinh xảo; treo phướn lọng, trổi kỹ nhạc, không thể kể hết được, rồi đưa ra khỏi thành Xá-vệ. Lúc đó, vì có chút việc, vua Ba-tư-nặc trở vào lại trong thành. Từ xa, vua nhìn thấy có người chết, hỏi tả hữu:

«Đây là ai mà cúng dường đến thế?»

Bất-xà-mật tâu:

«Trong thành Xá-vệ này có mẹ Trưởng giả vô thường. Đó là vật dụng của họ.»

Vua lại hỏi:

«Những voi, ngựa, xe cộ này lại dùng để làm gì?»

Đại thần tâu:

«Năm trăm lão mẫu này, dùng để dâng lên vua Diêm-la để chuộc mạng.»

Vua liền cười và nói:

«Đây là cách của người ngu. Mạng cũng khó mà giữ, làm sao có thể đổi được? Như có người rơi vào miệng cá ma-kiệt, muốn mong thoát ra lại thật khó được. Ở đây cũng vậy, đã rơi vào chỗ vua Diêm-la, muốn cầu ra khỏi thì thật khó có thể được.»

«Năm trăm kỹ nữ này cũng dùng để chuộc mạng.»

Vua bảo:

«Điều này cũng khó được.»

Đại thần tâu:

«Nếu những kỹ nữ này không thể được, thì sẽ dùng cách khác để chuộc.»

Vua bảo:

«Điều này cũng khó được.»

Đại thần tâu:

«Nếu điều này không thể được, thì phải dùng năm trăm trân bảo để chuộc.»
Vua bảo:

«Điều này cũng khó [638b01] được.»

Đại thần tâu:

«Nếu điều này không thể được, thì dùng năm trăm y phục để chuộc.»
Vua bảo:

«Điều này cũng khó được.»

Đại thần tâu:

«Nếu y phục này không thể được, thì phải dùng chú thuật của năm trăm bà-ma-môn này làm chú thuật để lấy lại.»

Vua bảo:

«Điều này cũng khó được.»

Đại thần tâu:

«Nếu năm trăm bà-la-môn này không thể được, thì lại phải đem những vị sa-môn tài cao thuyết pháp này để chuộc.»

Vua bảo:

«Điều này cũng không thể được.»

Đại thần tâu:

«Nếu thuyết pháp không thể được, thì sẽ tập họp binh chúng gây trận đánh lớn để chiếm lại.»

Lúc này, vua Ba-tư-nặc cười lớn mà nói:

«Đây là cách của người ngu, vì đã rơi vào miệng cá ma-kiệt, thì quyết không thoát được.”

Vua nói tiếp:

«Ngươi nên biết, có gì sinh mà không chết ư?»

Đại thần tâu:

«Điều này thật không thể được.»

Vua bảo:

«Thật không thể được, chư Phật cũng dạy: ‹Phàm có sinh thì có chết, mạng cũng khó được.›»

Lúc đó, Bất-xà-mật quỳ tâu vua:

«Cho nên, Đại vương chớ quá sầu lo. Tất cả chúng sanh đều qui về cái chết.»
Vua bảo:

«Sao ta phải sầu lo?»

Đại thần tâu vua:

«Vua nên biết, hôm nay, mẹ Đại vương đã mất.»

Cho nên, vua Ba-tư-nặc nghe những lời này xong, thở dài tám chín lần, rồi bảo đại thần:

«Lành thay, như những gì ông nói, là hay biết dùng phương tiện khéo léo.»

Sau đó, vua Ba-tư-nặc trở vào thành, sắm sửa các thứ hương hoa cúng dường vong mẫu. Cúng dường vong mẫu xong, liền trở lại xe, đến chỗ Thế Tôn. Đến nơi, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, Thế Tôn hỏi:

«Đại vương, vì sao người dính đầy bụi bặm?»

Vua bạch Thế Tôn:

«Mẹ con qua đời, vừa đưa ra ngoài thành. Nay con đến chỗ Thế Tôn để hỏi lý do ấy. Lúc còn sống, mẹ con trì giới tinh tấn, thường tu pháp thiện, tuổi vừa một trăm, nay đã qua đời, nên đến chỗ Thế Tôn. Nếu con phải đem voi để mua mạng được, con cũng sẽ dùng voi để mua. Nếu phải dùng ngựa để chuộc mạng được, con cũng sẽ dùng ngựa để chuộc. Nếu phải dùng xe cộ để chuộc mạng được, con sẽ dùng xe cộ để chuộc. Nếu phải dùng vàng bạc trân bảo để chuộc được, con cũng sẽ dùng vàng bạc trân bảo để chuộc. Nếu phải dùng nô bộc, tôi tớ, thành quách, đất nước để chuộc mạng được, thì con cũng sẽ dùng nô bộc, tôi tớ, thành quách, đất nước để chuộc. Nếu phải dùng nhân dân đất nước Ca-thi[ii] để [638c01] chuộc mạng được, con cũng sẽ dùng nhân dân đất nước Ca-thi để chuộc, không để cho mạng mẹ con mất»

Thế Tôn bảo:

«Đại vương, chớ quá lo sầu, vì tất cả chúng sanh đều qui về cái chết. Tất cả mọi pháp đều biến dịch. Cho nên, nếu muốn không biến dịch, quyết không có việc này. Đại vương nên biết, pháp của thân người giống như nắm tuyết, tất sẽ tan chảy. Cũng như nắm đất, rồi cũng vỡ vụn, không thể giữ lâu; Cũng như quáng nắng,[iii] huyễn hoá, hư nguỵ không thật; cũng như nắm tay không, dùng để gạt con nít. Cho nên, Đại vương, chớ mang sầu lo, trông cậy vào thân này. Đại vương nên biết, có bốn điều rất sợ hãi này, sẽ mang đến thân này không thể ngăn che được, cũng không thể dùng ngôn ngữ, chú thuật, thuốc men, phù thư để có thể trừ khử. Những gì là bốn? Một là già làm bại hoại tráng niên khiến không nhan sắc. Hai là bệnh làm bại hoại hết người không bệnh. Ba là chết làm bại hoại hết mạng căn. Bốn là vật hữu thường trở về vô thường.

«Đại vương, có bốn pháp này không thể ngăn che được, không dùng sức để hàng phục. Đại vương nên biết, giống như bốn hướng có bốn núi lớn, từ bốn hướng dồn ép đến chúng sanh, chẳng phải sức để loại bỏ. Cho nên, này Đại vương, chẳng phải vật kiên cố, không thể nương tựa. Do đó, Đại vương nên dùng pháp để cai trị, chớ nên dùng phi pháp. Vua cũng không còn bao lâu sẽ đến biển sinh tử. Vua cũng nên biết những người dùng pháp để cai trị, thân hoại mạng chung sẽ sinh về nơi thiện, trên trời. Nếu người nào dùng phi pháp để cai trị, thân hoại mạng chung sẽ sinh vào địa ngục. Cho nên, này Đại vương, nên dùng pháp để cai trị, chớ nên dùng phi pháp. Đại vương, hãy học điều này như vậy.»

Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc, bạch Thế Tôn:

«Pháp này có tên là gì? Nên phụng hành thế nào?»

Thế Tôn bảo:

«Pháp này tên là trừ sầu ưu.»   
Vua bạch Phật:

«Thật vậy, Thế Tôn, sở dĩ như vậy, vì con nghe pháp này rồi, mọi sầu lo có được hôm nay đã trừ. Thế Tôn, việc đất nước bề bộn, con muốn trở về cung.»
Thế Tôn bảo:

«Nên biết đúng thời.»

Vua Ba-tư-nặc liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân, rồi lui đi.

Vua Ba-tư-nặc sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.


[i] . Cf. Tạp (Việt) 1031: Tô mẫu (bà nội). Pāli, S. 3 22: ayyakā.
[ii] . Ca-thi 加尸. Pāli: Kāsi, thời Phật, thuộc quyền cai trị của vua Ba-tư-nặc.
[iii] . Hán: dã mã 野馬.


(Trích Kinh Tăng Nhất A Hàm)

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites