Pages

02 November 2016

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM GIẢNG GIẢI (QUYỂN 1) - PHẦN 15


Các ông chấp chặt vào thân tâm các ông, cho đó là ông chủ của mình. Các ông dùng thức tâm phân biệt làm suy nghĩ của mình. Niệm tưởng từ thức tâm là chủ thể của sinh diệt...









Hoà Thượng Tuyên Hoá Giảng Thuật


Kinh văn:
,盼佛光,左右動頭,為汝頭動,為復見動?世尊,我頭自動,而我見性,尚無有止,誰為搖?
A-nan! Nhữ phán Phật quang, tả hữu động đầu, vi nhữ đầu động, vi phục kiến động?
Thế tôn! Ngã đầu tự động, nhi ngã kiến tánh, thượng vô hữu chỉ, thuỳ vị diêu động?
Việt dịch:
A-nan, khi ông nhìn hào quang của Như Lai, đầu ông xoay qua hai bên vai, thì đầu ông động hay cái thấy của ông động?
– Bạch Thế tôn, chính đầu con động, bởi tánh thấy của con còn không có ý niệm dừng chỉ, làm sao có động?
Giảng:
Đức Phật lại hỏi A-nan
A-nan, khi ông nhìn hào quang của Phật rồi đầu ông xoay qua hai bên vai thì đầu ông động hay cái thấy của ông động?
Khi xoay chuyển qua về, thì đó là đầu ông di động hay tánh thấy của ông di động?
– Bạch Thế tôn, chính đầu con động. Bởi tánh thấy của con còn không có ý niệm dừng chỉ, làm sao có động?
A-nan trả lời là chính đầu ông ta lay động. Bởi vì tánh thấy, nơi lưu xuất khả năng thấy thì nó vốn đã không có tính chất dừng chỉ nữa. Nghĩa này y như đoạn trước. Nếu tánh thấy siêu việt hẳn tính chất dừng chỉ–hoặc có thể nói là không còn có tính chất yên tĩnh nữa thì nó cũng không thể nào còn tính chất diêu động. Đây là ý mà A-nan muốn trả lời cho Đức Phật: tánh thấy là hoạt dụng của tâm thái như như bất động.
Kinh văn:
佛言如是!
Phật ngôn: Như thị!
Việt dịch:
Đức Phật nói: Đúng như vậy!
Giảng:
Đức Phật bảo: “Những gì ông vừa trả lời là đúng.” Đức Phật nói: Đúng như vậy! Ông vừa hiểu được đạo lý một cách đúng đắn. Trước đây, ông đã nhận lầm giặc làm con khi ông cứ khăng khăng nhận vọng tưởng làm chân tâm. Nhưng bây giờ ông đã hiểu rằng tánh thấy của ông không hề lay động. Nay đã có chút ít hy vọng về ông.”
Như thế Đức Phật hài lòng lặp lại với lời khen ngợi.
Kinh văn:
於是如來普告大眾:若復眾生以搖動者,之為塵。以不住者,名之為客。
Ư thị Như Lai phổ cáo đại chúng: Nhược phục chúng sanh dĩ diêu động giả danh chi vi trần, dĩ bất trụ giả danh chi vi khách.
Việt dịch:
Khi ấy Đức Phật lại bảo khắp đại chúng: Giả sử có người khác gọi cái động là trần, cái không dừng trụ gọi là khách.”
Giảng:
Lúc này, Đức Phật nói với đại chúng “Nay quý vị đã nghe Như Lai giải thích về ý nghĩa này. Chắc chắn là các ông đã hoàn toàn hiểu rõ ràng rồi. Như Lai không cần thiết phải nói nhiều nữa. Nhưng “giả sử có người khác gọi cái động là trần”, cái không dừng trụ là khách. Có khi những chúng sinh khác gọi là trần là những thứ dao động, còn gọi những gì không dừng trụ một nơi gọi là khách. Như thế là tại sao?
Kinh văn:
汝觀阿難,頭自動搖,見無所動。又汝觀我手自開合見無舒卷。
Nhữ quan A-nan, đầu tự diêu động, kiến vô sở động, hựu nhữ quan ngã, thủ tự khai hiệp, kiến vô thư quyển.
Việt dịch:
Các ông lưu ý rằng chính đầu của A-nan dao động chứ cái thấy không dao động. Các ông cũng để ý rằng tay Như Lai có co mở, chứ cái thấy không co mở.
Giảng:
Các ông lưu ý rằng chính đầu của A-nan dao động chứ cái thấy không dao động. Trong đại chúng đều nhìn thấy rõ đầu của A-nan quay qua quay lại và A-nan cũng đã xác nhận là tánh thấy không hề dao động.
Các ông cũng để ý rằng tay Như Lai có co mở, chứ cái thấy không co mở.
Chẳng phải tánh thấy có sự mở ra rồi nắm lại.
Kinh văn:
云何汝今,以動為身,以動為境? 從始洎終,念念生滅。
Vân hà nhữ kim, dĩ động vi thân, dĩ động vi cảnh? Tùng thủy kịp chung, niệm niệm sanh diệt,
Tại sao nay các ông vẫn còn nhận cái động làm thân và nhận các cảnh làm hiện thể? Nên từ đầu đến cuối, các ông ở trong niệm niệm sinh diệt.
Giảng:
Đoạn này, Đức Phật quở trách đại chúng. Ngài bảo: “Nay các ông đã thấy rõ ràng tánh thấy không dao động. Thế tại sao nay các ông vẫn nhận cái động làm thân và nhận các cảnh làm hiện thể. Quý vị không thể nào nhận ra được tánh thấy chân thật của chính mình. Quý vị nhận sắc thân vật chất của mình và các cảnh chung quanh cho đó làm thực thể. Quý vị ứng xử với sự dao động của sắc thân và cảnh vật môi trường chung quanh như thể là nó đều có thực. Những cái dao động này vốn hoàn toàn ở bên ngoài. Nó là thứ vốn không thuộc về tánh thấy của quý vị.
Nên từ đầu đến cuối các ông đều ở trong niệm niệm sinh diệt.
Các ông chấp chặt vào thân tâm các ông, cho đó là ông chủ của mình. Các ông dùng thức tâm phân biệt làm suy nghĩ của mình. Niệm tưởng từ thức tâm là chủ thể của sinh diệt. Niệm đầu tiên sinh rồi diệt, niệm tưởng kế tiếp theo nhau sinh diệt. Sinh diệt tiếp nối sinh diệt. Quý vị hết sức chú tâm vào cảnh giới sinh diệt nên không có được sự hiểu biết chân chính về tánh thấy.
Kinh văn:
遺失真性,顛倒行事。性心失真,物為己。輪迴是中,自取流轉.
Di thất chơn tánh, điên đảo hành sự. Tánh tâm thất chơn, nhận vật vi kỷ, luân hồi thị trung, tự thủ lưu chuyển.
Việt dịch:
Các ông bỏ mất chân tánh, làm những việc điên đảo. Đã đánh mất tâm tánh chân thật rồi, còn nhận vật làm chính mình, nên chính mình bị trôi lăn theo vòng lưu chuyển.
Giảng:
Bây giờ Đức Phật quở trách mọi người trong đại chúng là sai lầm.

Các ông bỏ mất chân tánh
Từ vô thỉ đến nay, quý vị đã hoàn toàn quên mất chân tánh của mình. Không phải quên thực sự, chỉ dường như quên mà thôi. Tại sao vậy? Vì chúng sinh không nhận ra được cảnh giới không hề dao động của tự tánh. Thế nên họ không thể nào hiểu được lý này. Nên chân tánh dường như bị mất.

Làm những việc điên đảo
Cơ bản là mỗi khi làm việc gì, quý vị thường làm rất tốt, nhưng khi quý vị liên tục làm hỏng công việc thì đó gọi là làm việc một cách điên đảo. “Điên đảo” có nghĩa là gì? Tôi sẽ đưa ra một ví dụ. Một người gọi là điên đảo khi đầu ở dưới chân và chân thì ở phía trên đầu. Hay nói khác hơn chân mang giày, đầu đội nón nhưng quý vị lại đem giày dép mang vào trên đầu và mang mũ vào dưới chân. Đó cũng gọi là điên đảo. Khi mọi người đang tìm cách dỗ giấc ngủ mà quý vị làm huyên náo, la hét khiến họ không thể ngủ được đó là quý vị đang làm chuyện điên đảo. Nói chung, mọi việc không phù hợp với lợi ích chung được gọi là điên đảo. Đó là quay lưng hẳn với Đạo. Quý vị muốn đi về hướng Nam Cựu Kim Sơn nhưng quý vị lại bước chân về phía Bắc Cựu Kim Sơn. Đó là bị điên đảo và đi ngược lại phía sau.

Đã đánh mất tâm tánh chân thật rồi, lại còn nhận vật làm chính mình.
Vì quý vị tự mình hành xử theo lối điên đảo nên tâm tánh của quý vị không hòa hợp với nhau, thế nên quý vị đánh mất dấu tích của tâm tánh chân thực. Quý vị nhân lầm cảnh vật bên ngoài là chính mình, có nghĩa là nhận quán trọ của mình làm chính mình. Quý vị không nên nghĩ rằng quán trọ là mình. “Vật” có nghĩa là tất cả “tiền trần.”
Nên tự mình bị trôi lăn theo vòng lưu chuyển.
Vì quý vị nhận vật làm chính mình nên quý vị làm sinh khởi nhiều thứ chấp trước. Quý vị không nhận được tường tận mọi tướng trạng của vật. Quý vị chưa thông suốt đạo lý, vì thế nên quý vị bị dính mắc và trôi lăn trong luân hồi –có nghĩa là trong vòng sinh tử –chính quý vị sẽ bị dính mắc trong ấy cho đến chết. Quý vị hãy quán sát sinh tử thật kỹ, nếu chính mình không điên đảo, không nhận lầm giặc làm con và không nhận vật làm chính mình, thì quý vị sẽ chấm dứt được sinh tử.
Nếu quý vị muốn chấm dứt sinh tử, đó là việc rất dễ làm. Tất cả mọi việc cần phải làm là chính mình quay ngược lại. Nếu quý vị hướng về phía trước thì sẽ đối diện ngay với sinh tử. Còn nếu quý vị quay ngược lại hướng khác, thì quý vị sẽ chấm dứt sinh tử. Điều ấy không khó. Quý vị sẽ có kết quả ngay khi dõng mãnh thực hành như vậy. Chỉ cần quý vị quay ngược lại, quay đầu lại và quay tâm niệm của mình lại. Đó là tất cả những điều cần yếu nhất. Bởi có câu:

Khổ hải mang mang
Hồi đầu thị ngạn.”
 “Biển khổ mênh mông, quay đầu là bờ.”

HẾT QUYỂN MỘT
                                                                                                                     
Thích Nhuận Châu
Tịnh Thất Từ Nghiêm
Đại Tòng Lâm dịch



KỆ HỒI HƯỚNG


Nguyện đem công đức nầy
Trang nghiêm cõi Phật tịnh
Trên báo bốn trọng ân
Dưới cứu ba đường khổ
Nếu có ai nghe thấy
Tất phát bồ-đề tâm
Đến khi mạng nầy hết
Đồng sinh Cực lạc quốc.

(còn tiếp)

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites