Hãy quán sát thật kỹ
điểm này. Tại sao Như Lai đưa cánh tay sắc vàng của Ngài lên rồi co năm ngón
tay lại? Đó là Như Lai muốn khai thị cho A-nan
thấy được thường trụ chân tâm, tánh tịnh minh thể được hiển bày qua nhãn
căn, qua tánh thấy.
HT TUYÊN HOÁ GIẢNG GIẢI
Giảng:
HT TUYÊN HOÁ GIẢNG GIẢI
Giảng:
Thứ hai là nguyên thể thanh tịnh
của bồ-đề niết-bàn từ vô thỉ.
Chẳng có khởi đầu nên
Đức Phật gọi là “vô thỉ”; ngay cả những
gì xảy ra trước lúc khởi đầu.
Bồ-đề là tiếng Phạn (bodhi), dịch nghĩa là giác ngộ được đạo lý. Có ba nghĩa:
1. Chơn tánh bồ-đề: tức là Phật tánh mà mọi chúng sanh đều vốn có sẵn.
Thông thường mọi chúng sanh đều có chơn
tánh bồ-đề này.
2. Thật trí bồ-đề: tức là trí tuệ chân chính chẳng phải là tà tuệ.
3. Phương tiện bồ-đề: Tức là phương tiện của những người sau khi đã chứng
đạo, họ quán sát căn cơ, nghiệp lực của chúng sinh mà có phương cách thích hợp
để giáo hóa.
Ba dạng bồ-đề này có
thể xem là một, phân ra gọi là ba, thực ra chỉ là một. Cả ba chính là chân tánh bồ-đề và do nơi chân tánh bồ-đề
mà có được. Thật trí bồ-đề và phương tiện bồ-đề.
Rốt ráo, bồ-đề do đâu
mà có? Bồ-đề chẳng từ đâu mà có mà cũng chẳng đi về đâu. Mỗi người chúng ta xưa
nay vốn đã từng có sẵn tánh bồ-đề trong mình rồi. Chẳng người nào có tánh bồ-đề
ít hơn hay nhiều hơn người kia. Tánh bồ-đề ấy không tăng thêm không giảm bớt;
không sinh ra, không mất đi chẳng thanh tịnh, chẳng dơ uế.
Nhiều người nghĩ rằng
sau khi chết mới chứng được niết-bàn. Nhưng thực ra không nhất thiết phải
sau khi chết mới đạt được cảnh giới niết-bàn.
Niết-bàn chính là sự chứng đạo,
Niết-bàn (nirvana) là tiếng Phạn dịch nghĩa là “không sinh, không diệt.” Do không sinh không diệt nên sinh tử
không còn nữa. Một người chứng được niết-bàn
là khi họ đạt đến tình trạng không bị đối kháng bởi vấn đề sống và chết nữa.
Nhưng niết-bàn không chỉ có nghĩa là sự nhập diệt của Đức Phật. Khi Đức
Phật nhập diệt gọi là Ngài nhập niết-bàn, Đức Phật chứng nhập vào niết-bàn với đầy đủ bốn đức: thường, lạc, ngã, tịnh.
Có một số người học
Phật có cái nhìn chưa rõ ràng, cho rằng niết-bàn
chính là chết nhưng niết-bàn là
còn nhấn mạnh đến cái không phải chết.
Những ai vướng mắc vào quan điểm này chưa phải là người thông hiểu Phật pháp.
Đó chính là thức
tinh nguyên minh của ông.
Chữ “nguyên” có nghĩa
là cội gốc của bản thể thanh tịnh. Nghĩa là cái mà chẳng phải nhiễm ơ, chẳng phải
thanh tịnh, không thêm, không bớt. Ánh sáng của nó vốn thường soi chiếu khắp
nơi. Chữ “thức” ở đây không phải là tám thức, chẳng phải mạt-na hay a-lại-da thức.
Nó chẳng liên quan gì đến tám thức ấy cả. Nó chính là cái tối tinh, tối diệu của
thức, thể tánh của nó bản nguyên thanh tịnh, nó chỉ là tên gọi khác của bồ-đề niết-bàn. Cụm từ được dùng ở đây là
nhờ vào lối văn chương bóng bẩy tránh sự lặp lại. Nó chính là khía cạnh rất
tinh vi và mầu nhiệm của thức, của Phật tánh bản hữu của chân tâm thường trụ,
tánh tịnh minh thể.
Hiện nay hay sinh khởi các duyên mà bị ông quên mất.
Vì những nhân duyên
này sinh khởi, nên quý vị phải bị đẩy đi xa, xa mãi nơi quý vị muốn trở thành,
cũng giống như người càng chạy càng xa mãi nơi mình đứng. Tôi đã từng nói trước
rằng A-nan càng trả lời những vấn nạn của Đức Phật thì càng đi xa dần mục tiêu
cần nhắm đến đó sao?
Tất cả các duyên này
đều lưu xuất từ thức tinh nguyên minh mà có, nhưng sau một thời gian dài chấp
giữ các duyên này, nên dường như bỏ quên mất thức tinh nguyên minh.
Cái gì bị bỏ quên?
Chẳng cái gì cả. Thực
vậy. Thức tinh nguyên minh dường như bị bỏ quên nhưng không phải như vậy. Bản
thể bổn nguyên vốn thanh tịnh. Bồ-đề niết-bàn
là của báu chân thực trong nhà quý vị. Cơ bản là nó ở ngay bên cạnh quý vị
nhưng quý vị không biết cách sử dụng nó để làm lợi ích cho mình. Bởi vì quý vị
không biết cách sử dụng của báu ấy nên nó dường như bị bỏ quên. Như thể quý vị
có một viên ngọc quý vô giá mà quý vị đem cất giấu vào nơi rất kín đến nỗi sau
một thời gian dài quý vị không còn nhớ mình cất giấu viên ngọc ở đâu nữa. Khi
quý vị đã quên không biết nó ở đâu thì không thể biết cách sử dụng nó cho có lợi
ích. Mặc dù quý vị bị khốn quẫn nhưng không thể nào sử dụng được viên ngọc và
hưởng được lợi ích từ viên ngọc quý ấy. Cũng giống như thể viên ngọc không có ở
trong nhà quý vị vậy. Nên quý vị phải dùng thứ gì để thay thế? Quý vị dùng vọng tưởng của quý vị, dùng tâm phan duyên của mình để thay thế.
Trong khi quý vị quên mất chơn tâm của mình và một khi chơn tâm đã bị bỏ quên thì nó cũng hoàn toàn giống như bị mất. Đây chính
là lý do tại sao quý vị không thể thành Phật, thay vì vậy lại bị trói buộc
trong vòng sinh tử, do vì quý vị không nhận ra chơn tâm.
Kinh văn:
由諸眾生遺此本明,雖終日行,而不自覺,枉入諸趣。
Do chư chúng sanh di thử bổn minh, tuy chung nhật
hành, nhi bất tự giác, uổng nhập chư thú.
Việt dịch:
Do các chúng sinh bỏ quên tánh bản minh này, tuy
trọn ngày mình sử dụng nó mà chẳng tự biết, nên bị trôi lăn oan uổng trong
các cõi.
Giảng:
Do các chúng sinh bỏ quên tánh bản minh này.
Chúng sinh dường như
bỏ quên thể tánh thường trụ thanh tịnh sáng suốt của chơn tâm. Nhưng thật sự
chơn tâm không mất.
Tuy trọn ngày mình sử dụng mà chẳng
tự biết.
Chúng
sinh sống trong thể tánh thanh tịnh, trong chân tâm thường trú hằng ngày. Bởi
vì vọng tưởng vốn xuất phát từ chơn tâm, đó chính là tâm phan duyên lưu xuất từ
một niệm sinh khởi từ vô thỉ. Tất cả mọi hiện tượng đều chỉ là sự biểu hiện từ
chân tâm và niệm khởi này theo sát quý vị từ sáng đến tối, nhưng quý vị không
thể nào nhận biết được niệm ấy. Quý vị chỉ biết làm thế nào để vận dụng tâm vọng
tưởng của mình mà thôi.
Chơn tâm được biểu hiện
qua tánh thấy, tánh nghe, tánh ngửi, tánh nếm, tánh biết.
Có người từng hỏi:
“Phật tánh là gì?”
Đức Phật Thích Ca Mâu
Ni đáp:
– Tại mắt gọi là tánh thấy
– Tại tai gọi là tánh nghe
– Tại mũi gọi là tánh ngửi
– Tại lưỡi gọi là tánh nếm
– Tại thân gọi là tánh biết (do xúc chạm)
– Tại nơi ý gọi là
tánh nhạy bén linh lợi
Đức Phật đã trả lời
như vậy.
Cái gì là Phật tánh? Đó là tánh thấy, tánh nghe… Đó là cách thế tự nhiên
như khi tay mình cầm đồ vật. Tất cả những điều này đều là biểu hiện sự vi tế, bất
khả tư nghì của chân tâm. Nhưng không
ai biết được điều này. Bây giờ A-nan
vẫn còn mê mờ, thế nên Đức Phật dùng rất nhiều cách ví dụ để giảng giải cho
A-nan.
Nên bị trôi lăn oan uổng trong các cõi.
Vì chúng sinh mãi chấp
cứng vào tâm phan duyên nên phải trôi lăn vào trong các cõi mà chẳng biết những
nghiệp mình tạo ra hằng ngày. Nơi thọ sanh là nơi mà quý vị mong mỏi nhắm đến.
Quý vị đi thẳng một mạch đến đó. Rồi quý vị sẽ kết thúc đời mình ở nơi đâu? ở trong
các cõi. Đó là trong sáu nẻo luân hồi. Có ba cảnh giới lành là: cõi trời,
a-tu-la và cõi người. Có ba cảnh giới không lành là súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục.
Bất kỳ quý vị tạo ra nghiệp gì, thì quý vị phải nhận chịu quả báo của việc ấy.
Do không nhận ra được chân tâm bổn tánh, nên chấm dứt đời mình trong sáu nẻo
luân hồi, dù không muốn vào đó mà cũng vẫn phải vào.
Cảnh giới a-tu-la có
khi được xem như cảnh giới không lành. A-tu-la được gọi là những kẻ thích đánh
nhau. Họ luôn luôn sẵn sàng cãi vã, nổi nóng với tất cả mọi người. a-tu-la (asuras) là tiếng Phạn, tiếng Hán dịch
là vô thù 無
酬–không
có rượu–cũng có nghĩa là tác bất đoan
chính 作不端正 là làm những việc không đúng đắn.
A-tu-la vốn thích uống
rượu, nhưng khi họ sống ở cõi trời họ không có rượu để uống.
Còn nghĩa tác bất đoan chính, là có liên quan đến
các vị a-tu-la nam, họ có thân hình xù xì, mặt mày xấu xí, môi sứt, răng vẩu.
Nhưng a-tu-la nữ thì rất đẹp. Ngọc hoàng Thượng đế một khi gặp a-tu-la nữ đẹp lộng
lẫy như thế liền lấy làm vợ.
Một hôm Ngọc hoàng
Thượng đế tức Đế thích (sakra), muốn
đi nghe Đức Phật giảng kinh, ông ta có thể biến thành thân người để đến thế giới
ta-bà này để nghe Đức Phật giảng kinh. Nhưng bà vợ a-tu-la đanh đá chua ngoa của
ông ta lại nổi cơn ghen: “Ông chỉ được đến đó mỗi một ngày thôi. Chẳng biết
loài yêu mỵ hay hồ ly tinh nào đã hớp hồn ông. Ông đang chạy theo con hồ ly
tinh nào phải không?” Bà ta buộc tội ông chồng léng phéng với một phụ nữ khác.
Không chỉ phụ nữ ở thế gian là giới duy nhất biết ghen tuông với chồng của họ.
Cuối cùng bà vợ của Đế
thích quyết định tự mình theo dõi chồng để xem thử ông làm gì (thời đại ấy chưa
có thám tử tư để thuê mướn làm việc ấy, nên bà ta phải tự mình tiến hành cuộc
điều tra). Khi Đế thích vào trong pháp hội nghe kinh ông ta đảnh lễ cung kính
Pháp sư rồi tìm chỗ ngồi. Thật tình cờ, hôm ấy có một người phụ nữ ngồi bên cạnh
Đế thích. Khi người vợ a-tu-la thấy vậy, bà ta liền hiện nguyên hình đối diện với
Đế thích rồi ca thán: “Thảo nào ngày nào ông cũng đến đây kết bè bạn với đám phụ
nữ này.”
Ngọc đế rất giận dữ:
“Tôi đến đây để nghe giảng kinh, bà lại chen vào quấy rầy làm náo động cả đạo
tràng. Bà gây chướng ngại thật là trầm trọng.” Nói xong Ngọc đế đánh bạt tai
vào bà ta, bà ta khóc chạy đi tìm cha của mình, đòi ly dị và không trở về nhà
chồng nữa. Cha bà ta liền bênh vực và hứa sẽ tiến hành cuộc chiến tranh với Ngọc
đế. “Ta sẽ đánh bại hắn ta và chiếm ngôi.” Ông an ủi con mình “Đừng bận tâm gì
cả!”
Chiến tranh xảy ra. Mỗi
ngày vua a-tu-la đều đánh nhau với Ngọc hoàng. Ngọc hoàng trưng dụng hết biểu
chương của mình (gồm vương miện, quả cầu và nghi trượng) nhưng lực lượng dữ dội
hung bạo của a-tu-la chế ngự được cả ba thành phần này của Ngọc hoàng, dần dần
Ngọc hoàng bị đánh bại, ông ta bị mất vị thế rất nhanh. Là một Phật tử có tín tâm,
Ngọc hoàng đến đảnh lễ Đức Phật cầu cứu. Đức Phật ban cho ông tấm y ca-sa và bảo
ông:
"Mang y ca-sa
này về rồi cắt rọc ra thành từng giải băng nhỏ, phát cho mỗi người lính của ông
một giải, ra lệnh họ cột vào cánh tay, rồi bảo họ đọc câu: “Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật-đa” (Trí tuệ cao tột để đưa qua bờ giải
thoát).
Ngọc Hoàng làm đúng
như lời Phật dạy. Toàn bộ lính trời đều học thuộc lòng câu “Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật-đa.” Khi cuộc chiến kế tiếp xảy ra, vua
a-tu-la bị lính trời đánh bại. Họ hoàn toàn không tiên liệu được sức mạnh của đạo
quân trời như vũ bão, chấp nhận thua cuộc một lần và mãi mãi.
A-tu-la còn được gọi là “làm những việc không đúng đắn.” Họ có phước báu ở cõi
trời, nhưng không có quả báo về đức hạnh. a-tu-la không những chỉ có trong cõi
trời mà ở cõi nhân gian cũng có. Quân đội, thổ phỉ và trộm cướp là a-tu-la ở
trong cõi người. Nhưng ở đây phải có một sự phân biệt rõ. Ở quốc độ này (nước
Mỹ) quân đội là một nghĩa vụ mà mọi người dân bắt buộc phải tham gia. Nên một số
binh lính không phải là a-tu-la. Một số người này bị buộc vào quân đội lúc còn
quá nhỏ tuổi. Mười tám tuổi họ đã phải vào lính, với lứa tuổi ấy, họ chưa có được
một chút ít định lực nào cả. Chỉ nghe nói đến chiến tranh, họ đã hoảng sợ rồi.
Quân đội chiến đấu được
huấn luyện năm năm, thông thường, họ được hai mươi ba tuổi nếu vào lính năm mười
tám tuổi và được huấn luyện năm năm, với khoảng thời gian ấy, họ có một ít định
lực và Kinh nghiệm, nếu ra chiến trường, họ cũng có được một ít can đảm để đối
phó. Nếu họ quá trẻ, định lực chưa được mạnh, thiếu kinh nghiệm, không có được
can đảm và quyết tâm. Thế nên tôi nghĩ tình trạng quân đội hiện nay, không phải
người lính nào cũng là a-tu-la. Thời xưa, ai mà thực sự muốn làm lính hoặc muốn
làm thổ phỉ mới được liệt vào hàng a-tu-la.
Ngoài binh lính thổ
phỉ ra còn có một loại a-tu-la khác. Chẳng hạn những người có tính nóng nảy,
luôn luôn xung đột với người khác, những người ấy cũng mang bản tính của
a-tu-la. Nói chung, a-tu-la là những kẻ có tập khí nóng nảy.
Ngựa
hoang là một loại a-tu-la. Trong giới quỷ đói (ngạ quỷ) cũng có a-tu-la.
Phần
nhiều chúng sinh phải đọa vào bốn đường ác này. Đây là ý chính của đoạn kinh
văn này.
Một
số chúng sinh không quên mất chân tánh của mình nên sinh lại trong loài người
hay loài trời, nhưng đó vẫn là “trôi lăn
vào trong các cõi mà không hề biết.” Nghĩa là quý vị đã chọn lầm đường mà
không biết.
Kinh văn:
阿難,汝今欲知奢摩他路,願出生死,今復問汝。即時如來舉金色臂,屈五輪指,語阿難言:
汝今見不? 阿難言:見。
A-nan ! Nhữ kim dục tri xa-ma-tha lộ, nguyện xuất
sanh tử, kim phục vấn nhữ.
Tức thời Như lai cử kim sắc tý, khuất ngũ luân
chỉ, ngứ A-nan ngôn ! Nhữ kim kiến phủ? A-nan ngôn: Kiến.
Việt dịch:
A-nan, nay ông muốn biết con đường tu tập thiền định
(samatha), với ước nguyện được thoát khỏi sinh tử, tôi lại hỏi ông. Như Lai
đưa cánh tay sắc vàng lên, co năm ngón tay lại rồi hỏi A-nan:
- Ông có thấy chăng?
A-nan thưa :
– Bạch Thế tôn, con có thấy.
Giảng:
Như Lai đưa cánh tay sắc vàng lên.
Khi Như Lai sắp hỏi A-nan, Như Lai đưa cánh tay sắc vàng
lên phía trước và co năm
ngón tay lại rồi hỏi A-nan.
Ông có thấy chăng?
Quý vị có thể thấy
cách Đức Phật đối xử với A-nan như
trẻ con, bằng cách hỏi A-nan một
câu quá đơn giản là có thấy Như Lai đưa
cánh tay lên rồi co năm ngón tay lại hay không.
Những ngón tay của Đức
Phật được gọi là luân chỉ 輪 指 vì nơi bàn tay và
bàn chân của Phật có thiên bức luân tướng
千幅輪 相–nhiều vân tay như hình bánh xe. Quý vị
có thể cho rằng “luân chỉ” có nghĩa
là khi co năm ngón tay lại lần lượt từng ngón: một-hai-ba-bốn-năm.
Đó là điều mà mọi người
đều có thể thấy được. Tại sao Đức Phật lại hỏi một câu đơn giản như thế? Bây giờ
thì quý vị có thể cho câu hỏi đó là đơn giản, nhưng thực ra thì không phải như
vậy. Càng chiêm nghiệm sâu vào câu hỏi của Đức Phật trong phần kinh văn, càng
thấy nghĩa thâm sâu vi diệu hơn. Đó chính là động dụng bình thường hàng ngày mà
quý vị có thể nhận ra từ Phật tánh vốn có sẵn bên trong. Những giác quan thường
nghiệm mà quý vị giao tiếp hằng ngày với trần cảnh đều là biểu hiện của Phật
tánh. Nhưng quý vị không hiểu rõ được rằng những biểu hiện ấy một khi đi qua sự
cảm nhận của quý vị, những gì sai dường như có vẻ đúng, những gì đúng thì dường
như sai, những gì không mất thì dường như mất. Nhưng cơ bản là quý vị chưa từng
đánh mất nó mà dường như nó bỏ rơi quý vị. Vốn quý vị chưa từng
quên mất nó, nhưng mà quý vị hoàn
toàn không thể nào nhớ đến nó cả. Thế
nên của báu trong nhà quý vị, là sự tĩnh lặng trên mảnh đất tâm mà quý vị không
dễ gì nhận ra được. Sao vậy? Vì từ vô thỉ đến nay, cội gốc sinh tử – tâm phan duyên đã quá mạnh. Nếu tâm phan duyên biến mất, liền ngay đó
quý vị nhận ra Phật tánh sẵn có của mình liền.
A-nan
thưa: Bạch Thế tôn, con có thấy.
Hãy quán sát thật kỹ
điểm này. Tại sao Như Lai đưa cánh tay sắc vàng của Ngài lên rồi co năm ngón
tay lại? Đó là Như Lai muốn khai thị cho A-nan
thấy được thường trụ chân tâm, tánh tịnh minh thể được hiển bày qua nhãn
căn, qua tánh thấy. Và đó là lý do Như Lai chú tâm trong việc khai triển ý
nghĩa của cái thấy trong đoạn kinh văn tiếp theo. Đức Phật muốn khai thị cho A-nan được giác ngộ bản tâm thông qua
tánh thấy.
Thế nên các vị Tổ
Trung Hoa, các bậc Đại đức cao tăng trong Thiền tông thường đưa lên một ngón
tay khi có người xin được khai thị. Đó cũng là một cách khai thị cho môn đệ được
chứng ngộ thông qua tánh thấy. Có khi
quý vị thỉnh cầu được khai thị, chư Tổ chỉ đưa mắt tròn xoe nhìn trừng trừng
không nói. Qua đó, họ ngầm ý bảo quý vị phải ngay nơi tánh thấy, phải trực
tiếp nhận ra tất cả mọi vấn đề. Thế nên trong Thiền tông, các vị Tổ thường có
cái nhìn rất là dữ dội. Các vị Thiền sư thường có những cử chỉ những hành động
để giúp cho đệ tử của mình đạt được giác ngộ. Nếu quý vị nhận ra, thì quý vị tức
khắc được chứng ngộ nếu không thì đành bỏ lỡ cơ hội. Đa số các vị Tổ Trung Hoa
đã vận dụng lối khai ngộ đệ tử như vậy. Nhưng họ là những người đã chứng ngộ,
nên họ hoàn toàn thích ứng khi dùng cách dạy người như vậy. Còn quý vị thì
không thể nói: “Tôi nghe các vị Tổ chỉ cần đưa một ngón tay, thế nên ai gặp
tôi, chỉ cần tôi đưa lên một ngón tay là họ ngộ liền.”
Quý vị đã ngộ chưa? Nếu
quý vị chưa ngộ thì làm sao dạy họ như thế được. Nếu quý vị chưa giác ngộ, thì
quý vị không nên giúp người khác trong khi không biết được một sự thực là chính
mình vẫn còn trong vòng hữu lậu. Cố gắng
cứu giúp người khác trong khi trước hết, chẳng thèm để ý mình là người đã thành
tựu đạo nghiệp chưa. Cũng giống như một vị bồ-tát bằng đất sét đi
qua sông, vị này đã có một thời gian rất nghiêm túc để phòng hộ cho chính mình.
Cho đến trước khi cố gắng tìm cách vượt sông, vị ấy vẫn còn toàn vẹn, nhưng
ngay khi vị ấy gặp nước, vị ấy bị phân ra và tiêu tán mất.
Nếu quý vị chưa đạt đến
tình trạng vô lậu, mà quý vị lại thích đi ra giúp đỡ mọi người thì quý vị sẽ bị
cuốn hút bởi môi trường xã hội, quý vị sẽ thấy mình bị đắm chìm ở trong đó. Quý
vị sẽ bị môi trường thế gian xoay chuyển mình chứ mình không thể nào chuyển hóa
người khác được. Quý vị sẽ bị dục lạc thế gian xoay chuyển chứ không xoay chuyển
được thế gian. Thế nên trước khi quý vị chứng ngộ, có được năng lực vô lậu thì quý vị luôn luôn còn ở trong
tình trạng nguy hiểm.
Chẳng hạn như đối với
kinh này, nếu chính tôi không thông hiểu ý chỉ của kinh thì tôi sẽ không thể
nào giảng giải cho quý vị được. Tôi không dám nói rằng tôi hiểu thông suốt ý
kinh, nhưng thành thực mà nói, tôi hiểu rõ ý kinh hơn quý vị. Do vì tôi hiểu rõ
hơn quý vị, nên tôi giảng nói những gì tôi biết để cho quý vị cũng được biết
theo. Nhưng dù vậy, tôi cũng chỉ giảng nói một phần ít thôi. Nếu tôi giảng hết
những gì tôi biết, sợ sẽ không có đủ thời gian, nên tôi chỉ đưa ra những điểm
chính yếu.
Kinh văn:
Phật ngôn: Nhữ hà
sở kiến? A-nan ngôn: Ngã kiến Như lai cử tý khuất chỉ, vi quang minh quyền, diệu
ngã tâm mục. Phật ngôn: Nhữ tương thuỳ kiến? A-nan ngôn: Ngã dữ đại chúng đồng
tương nhãn kiến.
Phật cáo A-nan: Nhữ kim đáp ngã, Như lai khuất chỉ,
vi quang minh quyền, diệu nhữ tâm phục. Nhữ mục khả kiến, dĩ hà vi tâm, đương
ngã quyền diệu?
Việt dịch:
Đức Phật hỏi:
– Ông thấy cái
gì?
A-nan đáp:
– Con thấy Như Lai đưa
cánh tay lên và co năm
ngón lại thành nắm tay sáng chói chiếu vào tâm và mắt của con.
Đức Phật hỏi:
– Ông lấy cái gì để thấy?
A-nan thưa:
– Cả đại chúng và con đều thấy bằng mắt.
Đức Phật bảo
A-nan;
– Như ông vừa trả lời, nói rằng Như Lai co năm ngón
lại thành nắm tay sáng chói chiếu vào tâm và mắt ông. Mắt ông có thể thấy được, nhưng ông lấy gì làm tâm để cho nắm tay sáng chói chiếu vào?
Giảng:
Đức Phật hỏi:
– Ông thấy cái gì?
Đức Phật vẫn đang còn
giảng pháp. Ngài chưa nhập định.
A-nan
đáp:
– Con thấy Như Lai đưa cánh tay lên và co năm ngón lại
thành nắm tay sáng chói chiếu vào tâm và mắt của con.
Bạch
Thế Tôn, con thấy Ngài duỗi cánh tay ra, co năm ngón lại thành nắm tay chói
sáng. Những ánh sáng ấy quá chói chang chiếu vào mắt con khiến con không mở mắt
ra được. Tâm con cũng bị chói chang như vậy.
Đức Phật hỏi:
– Ông lấy cái gì để thấy?
Ông thấy bằng cái gì?
A-nan
thưa:
– Cả đại chúng và con đều thấy bằng mắt.
A-nan không trả lời chỉ
cho riêng mình mà cho tất cả mọi người trong đại chúng. Ông ta còn đưa ra những
nhân chứng. Như cách các luật sư trong tòa án trưng bày những chứng cớ để chứng
minh cho bị cáo không phải là kẻ cắp. Họ viện dẫn cả bạn bè và người thân đóng
vai nhân chứng. Thế nên nếu A-nan
chỉ trả lời cho riêng một mình ông thôi, xác định rằng ông thấy là do chính mắt
của ông thì câu trả lời vẫn có thể sai lạc với câu hỏi. Thế nên A-nan lôi kéo thêm người ủng hộ bằng
cách gom vào cả đại chúng. “Mọi người trong đại chúng đều cho rằng mắt thấy, họ
đều dùng mắt để nhìn thấy.”
Đức Phật bảo A-nan:
– Ông vừa trả lời câu hỏi, nói rằng Như Lai co năm ngón lại thành nắm tay sáng chói chiếu
vào tâm và mắt ông. Mắt ông có thể thấy được, nhưng ông lấy cái gì làm tâm để
cho nắm tay sáng chói chiếu vào?
Điều đó là sai lầm, mắt
ông có khả năng thấy được, nhưng ông cho cái gì là tâm để nó bị chiếu bởi nắm
tay sáng chói của Như Lai?
Ông nhận cái gì làm tâm? Đức Phật tiến sang một bước khác.
(còn tiếp)
0 Kommentare:
Post a Comment