Pages

22 December 2014

NGOÀI KIA XUÂN ĐÃ VỀ


http://netfamilie.de/wp-content/uploads/Schneeflocken-300x212.jpgMỗi buỗi sáng khi thức giấc chúng ta có cảm giác như vừa thoát khỏi một giấc mơ đêm mà mình không hiểu cũng không giải thích được, đôi khi giấc mơ ấy cũng còn là cả một cơn ác mộng nữa. Vươn vai và cảm thấy sảng khoái, mở cửa sổ, ánh sáng và hơi mát ban mai lùa vào phòng, thế nhưng thật ra chúng ta đang tiếp tục rơi vào một giấc mơ khác, qua những hình thức khác. Cảnh vật chung quanh, các tế bào trên thân xác và các tư duy trong tâm thức, tất cả vẫn tiếp tục vận hành tương tự như những ảo giác hiện ra trong giấc mơ của mình trong đêm qua.
 
Tác Giả: Hoang Phong

Thức giấc sớm tinh sương,
Đứng trước tấm gương soi,
Dù kề mặt thật gần,
Chẳng thấy mình trong gương.

Vội thắp một nén hương,
Chẳng khói cũng chẳng thơm.
Tréo đôi chân ngồi xuống,
Ngỡ như ngồi trong gương.

Cất tiếng niệm câu chú:
Gya tei, gya tei,
Hara gya tei hara so gya tei
Bo ji so wa ka.

Tuy câu chú có thuộc,
Nhưng dường như không lời.
Như chép miệng trong gương.
Tiếng mõ chừng im bặt.

Giật mình nhìn lên bệ,
Cứ ngỡ rằng trong mơ:
Pho tượng Phật đi vắng.
Ngoài kia xuân đã về.


Câu chú: Gya tei, gya tei, hara gya tei hara so gya tei, Bo ji so wa ka, là tiếng Phạn. Câu này được dịch âm từ tiếng Hán là: Yết đế, yết đế, ba-la yết đế, ba-la tăng yết đế, Bồ đề tát bà ha. Xin tạm dịch nghĩa như sau:

Vượt lên, vượt lên,
Hãy cùng nhau vượt lên, đến tận bên kia,
của bên kia bờ Giác Ngộ.

Cách dịch thường thấy của câu này là: hoàn toàn vượt sang bờ bên kia. Thế nhưng bờ bên kia dù là đã hoàn toàn đạt được hay chưa đạt được thì nó cũng vẫn còn là một đối tượng, một chủ đích, một mục tiêu, phản ảnh một vị trí trong không gian và thời gian. Trái lại cách dịch đề nghị trên đây có thể nêu lên được ý nghĩa siêu việt của câu chú này trong Tâm Kinh. Nếu vượt được sang "bên kia của bờ bên kia" thì cũng có nghĩa là đến được một nơi nào đó không còn một mốc không gian hay thời gian nào nữa. Nơi đó sẽ không phải là một sự trống không tuyệt đối mà là một sự tự do hoàn toàn nói lên sự Giải Thoát, phản ảnh tinh thần và ý nghĩa của khái niệm Tánh Không trong Tâm Kinh. Thật ra thì cách dịch này cũng đã được một số các thiền sư của Hội Thiền Học Quốc Tế AZI/Association Zen Internationnale) - trong số này có vị thầy Roland Yuno Rech - đề nghị và đã được dịch sang tiếng Pháp như sau: "Aller, aller, aller ensemble au-delà du par-delà, jusqu'à l'accomplissement de la voie", có thể tạm dịch sang tiếng Anh là: "Go, go, go together beyond the beyond..." . Câu này được hội Thiền Học Zen Hoa Kỳ (AZA/American Zen Association) dịch là: "Go, go, go together, beyond, fully beyond, to the shore of satori".

Mỗi buỗi sáng khi thức giấc chúng ta có cảm giác như vừa thoát khỏi một giấc mơ đêm mà mình không hiểu cũng không giải thích được, đôi khi giấc mơ ấy cũng còn là cả một cơn ác mộng nữa. Vươn vai và cảm thấy sảng khoái, mở cửa sổ, ánh sáng và hơi mát ban mai lùa vào phòng, thế nhưng thật ra chúng ta đang tiếp tục rơi vào một giấc mơ khác, qua những hình thức khác. Cảnh vật chung quanh, các tế bào trên thân xác và các tư duy trong tâm thức, tất cả vẫn tiếp tục vận hành tương tự như những ảo giác hiện ra trong giấc mơ của mình trong đêm qua.

Khi nào dù là đang đứng trước gương nhưng vẫn không trông thấy mình đâu cả, đang nhịp chiếc mõ thật đều nhưng chỉ nghe thấy một sự yên lặng mênh mông, và nén hương đang cháy trước mặt chẳng bốc lên một mùi thơm nào, thì khi ấy các ảo giác mới tan biến hết, và cũng chỉ khi ấy pho tượng Phật mới không còn ngồi im trên bệ nữa mà hiện ra và mỉm cười với mình bên trong con tim mình, và một mùa xuân bất tận sẽ tỏa rộng, êm ả trong tâm hồn mình và rạng rỡ trong không gian chung quanh mình.

Bures-Sur-Yvette, 15.12.1999
 (đọc lại và hiệu đính, 30.11.2014)
Hoang Phong

                                                                                               

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites