"Chúng ta thường có tánh đổ thừa
kẻ khác, kể cả ông bà cha mẹ, đã tạo nghiệp, rồi cháu con phải lãnh hậu
quả, chứ không bao giờ chịu nhìn nhận "chính mình đã làm", đã gây ra những lỗi lầm trong kiếp trước, cho nên kiếp này "chính mình gánh chịu"..."
Tác giả: Tỳ Kheo Thích Chân Tuệ
Có người không muốn nhìn nhận sự thực đó, tự kỷ ám thị, tự lừa dối mình, cho rằng cuộc đời là vui đẹp, là đáng hưởng thụ, với mục đích tạm quên đi những đau khổ, bất hạnh trong cuộc sống, không biết ngày mai mình sẽ ra sao, không biết làm sao cho đời bớt khổ, cho đời hết khổ.
Khi gặp hoàn cảnh khổ đau, khi
có điều bất trắc, bất như ý, bất toại nguyện, con người chỉ biết than
trời trách đất, hoặc trách cứ tổ tiên, trách cứ ông bà cha mẹ, ăn ở bất
nhơn thất đức, cho nên cháu con mới ra nông nổi này!
Ðôi khi, có người chỉ biết đặt
niềm tin nơi đấng thiêng liêng nào đó, để cầu nguyện, van xin, khấn vái
cho được tai qua nạn khỏi, cho được bình an, mà không chịu tìm hiểu hư
thực, không chịu tìm hiểu Chân Lý, không chịu học hỏi Chánh Pháp, cho
nên những người biết lợi dụng lòng mê tín dị đoan dễ gạt gẫm, dễ lợi
dụng, dễ sai khiến, hậu quả khó mà lường trước được.
Thường thường khi thấy người nào
gặp hoàn cảnh không may, gặp điều bất hạnh, bất như ý, đau khổ hoặc ngộ
nạn, có người xúc động, tỏ lòng thương xót, thốt lên: "Tội nghiệp quá!". Ðiều này có nghĩa là khi ở trong trạng thái "tâm bình thường", con người ai cũng có sẵn "tâm từ bi bác ái", thấy người đau khổ thì động lòng trắc ẩn, xót thương.
Cũng trong trường hợp đó, người khác lại nói: Ðáng đời chưa! Gieo gió thì gặt bảo! Làm tội thì phải đền tội! Cũng có người nói: Nghiệp của họ nặng quá, nên họ mới khổ nạn như vậy! Hoặc có người khác nói: Trời phạt họ đó! Những sự suy nghĩ như vậy do tập quán, thói quen mà thốt nên lời.
Vậy chúng ta hãy thử tìm hiểu:
Tội là gì? Nghiệp là gì? Tội báo là gì? Nghiệp báo là gì?
Làm gì mà phải "tội nghiệp"? Làm sao cho hết "tội nghiệp"?
Làm sao "dừng nghiệp và chuyển nghiệp"?
Theo luật nhân quả, chúng ta biết rằng: "gieo nhân nào thì gặt quả nấy".
Thí dụ như gieo nhân là hạt cam, chúng ta sẽ được cây cam và gặt quả
cam. Khoa học đã thí nghiệm và chứng minh điều này rõ ràng, không có gì
đáng nghi ngờ cả. Nghĩa là làm thiện gặp thiện, làm ác gặp ác, ở hiền
gặp lành, gieo gió gặt bão, có lửa có khói, sinh sự sự sinh.
Tuy nhiên, cũng có thắc mắc: Tại
sao có người gieo thật nhiều gió mà chẳng thấy họ gặt bão, hay nói cách
khác, những người đó làm nhiều điều bất thiện, gây nhiều tội ác, mà tại
sao họ vẫn bình yên, an ổn, ăn nên làm ra, sống trong cảnh giàu có sung
sướng? Trái lại, có người làm thật nhiều việc phước thiện phước
đức, như bố thí cúng dường, hùn công góp của ấn tống kinh sách, quyên
góp cho các hội từ thiện, xây cất chùa chiền, lập nhà thương trường học,
đắp đường xây cầu, mà tại sao chẳng thấy phước báo đâu, chỉ thấy quả
báo xấu, gặp nhiều nạn tai, gặp nhiều điều bất trắc, bất như ý, bất toại
nguyện?
Chúng ta biết rằng: có những
hạt giống gieo trồng, thì gặt được quả sớm, nhưng cũng có những hạt
giống gieo trồng xong, phải đợi một thời gian sau, hay một thời gian lâu
sau, mới gặt được quả. Cũng vậy, có những việc chúng ta làm đời
trước, đời này mới nhận kết quả hay hậu quả. Có những việc chúng ta làm
đời này, đời sau mới có kết quả hay hậu quả. Do làm ác đời trước, nên
con người gặp khổ đau đời này, chớ có oán hận, than trời trách đất, bởi
lẽ "mình làm mình chịu", không có ông trời nào, thượng đế nào trừng phạt mình, một cách tùy tiện, một cách vô căn cứ cả.
Chúng ta thường có tánh đổ thừa
kẻ khác, kể cả ông bà cha mẹ, đã tạo nghiệp, rồi cháu con phải lãnh hậu
quả, chứ không bao giờ chịu nhìn nhận "chính mình đã làm", đã gây ra những lỗi lầm trong kiếp trước, cho nên kiếp này "chính mình gánh chịu".
Còn những việc phước thiện, phước
đức mình làm trong đời này, vì quá ít quá nhỏ, chưa kịp có kết quả. Hoặc
đôi khi việc phước thiện, phước đức đã có kết quả, đã làm cho nhẹ bớt
đi những nạn tai, mà mình phải gánh chịu, chỉ tại mình không biết đó
thôi. Nếu không biết làm những việc thiện tạo phước báu như thế, để bù
đắp những tội lỗi đã gây ra trước kia, con người có thể đã gặp nhiều
phiền não khổ đau hơn, nhiều tai nạn nặng nề hơn. Nếu việc phước thiện
đã làm nhiều hơn tội lỗi đã tạo, chắc chắn con người được hưởng sự sung
sướng, sự may mắn. Nghĩa là sự sung sướng, sự may mắn do phước báo chính
mình đã tạo ra, từ nhiều kiếp trước hay kiếp này, chứ không do ông
trời, hay thượng đế nào thương mình, mà ban cho cả.
Như vậy, chúng ta phải hiểu luật nhân quả được áp dụng trong ba thời: quá khứ, hiện tại và vị lai.
Cũng có những quả báo nhãn tiền, tức là kết quả hay hậu quả có ngay
trước mắt, gieo nhân đời này, gặt quả cũng trong đời này. Thí dụ như ăn
trộm thì bị bắt, ở dơ thì sanh bệnh, làm biếng thì nghèo khó, đánh người
thì người đánh, hại người thì người hại, kiện thưa thì tốn tiền, tiết
kiệm thì có dư, chăm học thì đỗ đạt, siêng năng, chăm chỉ, cần cù, nhẫn
nại, nếu không thành công thì cũng thành nhân.
Chúng ta thữ nghĩ xem: Tội là gì?
Tội lỗi là những điều bất thiện,
những việc ác do chính mình nói, chính mình làm, chính mình suy nghĩ,
chính mình gây ra, chính mình tạo tác, do thân khẩu ý của chính mình.
Tội lỗi cũng do sự sai khiến, xúi giục, chỉ dẫn, bày cách cho người khác
làm, thi hành, thực hiện những điều bất thiện, những việc ác. Tội lỗi
cũng do sự vui mừng, tán đồng, khen ngợi, khi thấy kẻ khác làm những
điều bất thiện, những việc ác.
Nghĩa là: "Nhược tự tác, nhược giáo tha tác, kiến tác tùy hỷ",
đều tội lỗi như nhau. Tại sao vậy? Bởi vì chính mình làm, chỉ bảo người
khác làm, hay thấy người khác làm mà vui theo, những điều bất thiện,
những việc ác, thì tâm của chúng ta đều bị náo động, đều bị hoen ố, đều
ghi nhận chủng tử sanh tử luân hồi như nhau.
Ðạo Phật luôn luôn chú trọng đến "tâm", chính là cái "thực tướng"
bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm của con
người, chứ không quan trọng đến cái giả tướng khác biệt bên ngoài của
mỗi người. Cái giả tướng khác biệt đó chỉ là cái thân tứ đại sanh diệt,
nay còn mai mất, chúng ta đang mượn tạm, trong kiếp sống này mà thôi.
Bởi vậy cho nên, đọc kinh điển của đạo Phật, muốn hiểu được pháp vô
lượng nghĩa, pháp vô thượng thậm thâm vi diệu, chúng ta hãy tìm hiểu qua
lăng kính của một chữ, đó là chữ: "TÂM".
Chư Tổ có dạy:
"Tâm tức Phật, Phật tức Tâm", chính là nghĩa đó vậy.
Ðức Phật là bậc vô thượng y vương, vô thượng dược vương chuyên trị "tâm bệnh" của tất cả chúng sanh, chứ không phải "thân bệnh".
Ðức Phật hiểu rõ tâm bệnh của tất cả chúng sanh, vì sao con người trôi
lăn trong sanh tử luân hồi, cho nên Ðức Phật chỉ dẫn con đường thoát ly
sanh tử luân hồi. Ðó mới chính là trọng tâm cốt yếu của đạo Phật.
Sách có câu:
"Tướng tự tâm sanh, tướng tùng tâm diệt".
Bất cứ ai giải quyết được tâm
bệnh, thì thân bệnh có còn gì đáng nói nữa đâu. Cái thân tứ đại giả tạm
này chỉ có tuổi thọ một trăm năm hay hơn chút đỉnh là nhiều. Còn cái tâm
bất sanh diệt của tất cả mỗi chúng ta có tuổi thọ vô lượng mà Ðức Phật
đã chỉ bày trong các kinh điển thì ít người hiểu thấu!
Người nào chỉ hiểu kinh điển nhà
Phật qua nghĩa đen: cầu bình an, cầu siêu sanh, là những người chỉ đứng
bên ngoài cổng rào, chứ chưa vào được đến trong sân chùa, nói chi đến
ngưỡng cửa nhà Phật. Người nào chỉ hiểu đạo Phật qua các hình thức cúng
kiến, lễ nghi thường thấy, là người chưa hiểu đạo Phật là gì cả!
Thậm chí, có người đến với đạo
Phật, vì muốn cầu gì được nấy, muốn vạn sự như ý, muốn tùy tâm mãn
nguyện, muốn buôn may bán đắt, muốn nhất bổn vạn lợi, muốn thi đâu đậu
đó, muốn sở cầu như nguyện, muốn tình duyên may mắn, muốn đủ thứ chuyện
trên trần đời, thì than ôi, đạo Phật còn gì là Phật đạo nữa! Thật đáng
thương xót! Thật đáng "tội nghiệp" lắm thay!
Trong Kinh Hoa Nghiêm, Ðức Phật có dạy:
"Nhất thiết duy tâm tạo".
Nghĩa là chúng ta nên biết tội lỗi
nặng hay nhẹ tùy theo tâm trạng, tâm tánh của con người khi tạo tác.
Thí dụ như một người nghèo khó đi câu con cá, để ăn qua ngày, tội nhẹ
hơn người no đủ, đi câu con cá vì thú vui. Con người vì si mê nên cảm
thấy vui thích trên sinh mạng của chúng sanh! Khi xưa, những người có
quyền thế, xem việc giết người, giết dân chúng hay giết tù nhân, như thú
vui tiêu khiển. Ngày nay, ở các nước gọi là văn minh, con người xem
việc săn bắn thú vật như là môn thể thao, coi cảnh đấu bò giết bò như là
trò giải trí!
Thật đáng "tội nghiệp" lắm
thay! Con người đang hưởng phước ở các xứ văn minh, lại tìm cách tạo tội
tạo nghiệp vì vô minh. Một người giết một con thú dữ để tự vệ trong
hoàn cảnh sợ hãi, tội nhẹ hơn một đứa bé tay cầm cây cầm roi, thi đua
với các đứa bé khác, đánh đập một con gà, rụng lông tơi tả, máu đổ dầm
dề, cho đến chết, một cách nhanh nhứt, để được khen thưởng, để được lãnh
giải, trong cuộc thi do người lớn tổ chức!
Dĩ nhiên, kẻ chủ tâm cố ý giết
người vì tư thù, vì quyền lợi, tội nặng hơn kẻ sát nhân trong cơn điên
loạn, hãi hùng hay vô ý thức. Kẻ giết con vật lớn như trâu bò, tội nặng
hơn kẻ giết côn trùng, con gián, con kiến. Giết người, giết con vật lớn,
con vật có nhiều linh tánh hơn, tức nhiên, kẻ giết phải có chủ ý, dụng
tâm, dụng công, dụng sức nhiều hơn, nên tội nặng hơn. Giết côn trùng,
con gián, con kiến không do cố ý, không do thích thú, bởi vì con người
không thể sống chung với những sinh vật này được, theo phép vệ sinh
chung của xã hội, nên nhẹ tội hơn. Tuy nhiên, tìm giết vô cớ con gián,
con kiến ngoài đồng, ngoài đường lại là chuyện khác.
Việc trộm cắp cũng vậy. Người trộm
cắp vì nghèo túng, phải giúp gia đình qua cơn đói khổ, vì tạm thời,
không còn phương cách nào khác, tội nhẹ hơn một kẻ cố ý chủ tâm dùng thủ
đoạn, dùng luật pháp, để chiếm đoạt tài sản, sang đoạt bản quyền của
người khác, thưa kiện người khác với mục đích kiếm tiền, muốn mình sung
sướng, làm giàu nhanh chóng, người khác thì đau khổ vì sạt nghiệp!
Việc nói dối để an ủi, giúp đỡ
tinh thần người đang bị bệnh, người đang khổ đau, khủng hoảng, sợ hãi,
không thể đem so sánh với việc nói dối để gạt gẫm người khác vì ích kỷ,
vì tư lợi, vì thù oán hại người, vì muốn kết bè kết đảng.
Càng tệ hại hơn nữa vì tự ái, vì
tự lợi, vì danh dự hão, vì chính nghĩa cuội, vì công lý một chiều, vì lẽ
phải phiến diện, vì mê tín dị đoan, vì quá khích, có người đặt điều vu
cáo vu khống, phỉ báng mạ lỵ người khác, lộng giả thành chơn, nước lã
khuấy nên hồ, để ám hại người khác, viết bài đả kích, khen mình khinh
người, lôi kéo phe phái, thì những người đó làm sao tránh khỏi luật nhân
quả, làm sao thoát khỏi "lưới trời" lồng lộng, tuy thưa mà không lọt, tuy không thấy mà chẳng sai chạy! Trong nhà Phật, "lưới trời" đó chính là "quả báo" con người phải lãnh, vì các việc đã làm, đã nói, đã nghĩ, trước đây.
Chúng ta thường nghe nói đến chữ "nghiệp"
trong cuộc sống hằng ngày, cũng như trong đạo Phật, như là: nghề
nghiệp, tội nghiệp, nghiệp báo, nghiệp chướng, nghiệp nhân, nghiệp quả.
Vậy chúng ta thử tìm hiểu: "Nghiệp" là gì?
Nghiệp là thói quen hành động, nói
năng hay suy nghĩ hằng ngày của chúng ta trong cuộc sống, trong khi làm
việc, trong khi giao tiếp, ở tại nhà, ở tại sở làm hay bất cứ nơi đâu.
Nghĩa là: nghiệp do thân hành
động, khẩu nói năng và ý suy nghĩ, nên thường được gọi là tam nghiệp:
thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp.
Theo nguyên tắc, có hai loại nghiệp: thiện và bất thiện. Tuy nhiên, khi nói đến chữ "nghiệp", người ta thường nghĩ đến những nghiệp ác hay nghiệp bất thiện.
1) "Thân nghiệp" là
những thói quen hành động, do thân tạo tác hằng ngày. Có người luôn luôn
thích giúp đỡ kẻ khác, làm việc phước thiện, làm việc xã hội. Có người
luôn luôn thích đi chùa, lễ Phật, tụng kinh, đi nhà thờ xem lễ, cầu
nguyện. Cũng có người luôn luôn thích đánh nhau, đánh đập súc vật, giết
hại sinh mạng chúng sanh, chơi đấu bò, đi câu cá, đi săn bắn, như thú
vui tiêu khiển. Có người luôn luôn thích hút thuốc, uống rượu, bài bạc.
Có người luôn luôn thích việc trộm vặt dù họ không túng thiếu. Có người
luôn luôn thích kiện tụng, thích xúi người khác thưa kiện để thủ lợi. Có
người luôn luôn thích hăm dọa người khác, theo thói chưa đậu ông nghè
đã đe làng tổng, họ gửi bài đăng báo, tòa báo không đăng nguyên văn, sửa
bản thảo, họ bảo xin lỗi, viết thư dọa làm con kiến đi kiện củ khoai!
2) "Khẩu nghiệp" là những điều mình thường nói ra hằng ngày, có khi ngọt ngào dễ nghe, có khi chanh chua chát khế, kinh khủng khiếp luôn!
Cổ nhơn có dạy:
Lời nói chẳng mất tiền mua.
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Có người luôn luôn thích nói
chuyện đạo lý, chuyện ích lợi cho người. Có người luôn luôn thích thuyết
pháp, tụng kinh, niệm Phật. Có người luôn luôn thích an ủi, khuyên lơn,
đem sự an ổn tâm thần đến cho người khác. Có người luôn luôn nói lời
hòa nhã, êm ái, dịu dàng, ai ai cũng thích nghe, thích gặp mặt, thích
trò chuyện.
Ðó là những người lựa lời mà nói
cho người an vui, và đang tu theo hạnh Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát, hay tu
theo hạnh Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ Tát.
Cũng có người luôn luôn thích nói
suốt ngày, không biết mệt, không ngừng nghỉ. Có người luôn luôn thích
nói chuyện thị phi, chuyện thiên hạ, chuyện phải quấy, chuyện hơn thua,
chuyện tranh chấp, chuyện kiện tụng, chuyện thưa gửi, chuyện phiền não,
chuyện khổ đau. Có người luôn luôn thích văng tục, chửi thề, bới móc
người khác, kê tủ đứng vào miệng người khác, móc họng cho người ói ra,
mỗi khi khai khẩu, mỗi khi mở miệng. Có người thốt xong một lời, người
nghe phải đi xức dầu cù là, hoặc uống thuốc nhức đầu, thậm chí ngất xỉu,
hay giã từ luôn cõi đời. Có người thốt xong một lời, người khác phải đi
tù, gia đình xào xáo, vợ chồng chia ly, lục đục, cãi vã, nghi ngờ lẫn
nhau, tiêu tan hạnh phúc.
Bởi vậy, chúng ta mới biết khẩu
nghiệp nặng nề biết bao, lời nói độc hại đến chừng nào, lời nói có khả
năng hại người còn hơn vũ khí. Ðó là lời nói của những kẻ "lựa lời mà nói cho người giết nhau", hoặc là những kẻ "lựa lời mà nói cho người tiêu luôn"!
Những người biết tu tâm dưỡng tánh rất dè dặt với khẩu nghiệp, không dám phát ngôn bừa bãi, luôn luôn nhớ lời cổ nhơn dạy: "Lời nói là bạc, im lặng là vàng". Có người bèn áp dụng tu pháp môn "tịnh khẩu",
suốt ngày không muốn nói bất cứ chuyện gì, với bất cứ ai. Tuy nhiên,
bên ngoài phẳng lặng, mà trong lòng dậy sóng, thì cũng như không! Có khi
nói năng để truyền bá Chánh Pháp, lời nói đầy pháp vị, nói lời chuyên
chở đạo lý. Có khi sự im lặng cũng đúng Chánh Pháp, cũng đượm nhuần đạo
lý.
Cổ nhơn có dạy: "Ngữ ngôn đạo đoạn".
Nghĩa là còn phải dùng lời nói,
thì không thể diễn tả được đạo lý một cách tột cùng, khi lên tiếng thì
đạo mất rồi. Người hiểu đạo là người có tâm cảm thông sâu sắc, không cần
dùng lời nói, có thể thấu hiểu mọi sự mọi việc một cách dễ dàng, không
có gì ngăn ngại.
Trong kinh sách có câu: "Ðạo cảm ứng giao nan tư nghì" chính là nghĩa đó vậy.
Cũng có câu: "Ðạo bổn vô ngôn".
Nghĩa là gốc của đạo không thể
dùng lời lẽ của thế gian mà diễn tả được. Ðạo là chỗ cứu kính tuyệt đối
bất khả tư nghì, đạo cảm thông không thể nghĩ bàn được. Ðó chính là chỗ
im lặng của Cư sĩ Duy Ma Cật thời Ðức Phật còn tại thế, đó chính là sự
lặng thinh của Nhị Tổ Huệ Khả, khi trình kiến giải lên Sơ Tổ Bồ Ðề Ðạt
Ma vậy.
3) "Ý nghiệp" là
quan trọng hơn cả. Chính ý nghiệp chủ động điều khiển thân nghiệp và
khẩu nghiệp. Tại sao vậy? Bởi vì nếu như tư tưởng luôn luôn có ý nghĩ
thế nào thì hành động và lời nói sẽ y theo đó mà ra, không sai khác chút
nào. Chính tư tưởng phát xuất ra hành động và lời nói. Thí dụ nếu trong
tâm ý chúng ta nghi ngờ người nào ăn cắp đồ, thì từ hành động cho đến
lời nói của người đó đều có vẻ khả nghi, đáng ngờ, và hành động cũng như
lời nói của chúng ta đều không bình thường đối với người đó.
Thí dụ nếu chúng ta luôn luôn có
tư tưởng, có ý nghĩ là kẻ nào ác thì phải bị tiêu diệt, phải bị đọa địa
ngục, phải bị trừng phạt nặng nề, cho nên khi có cơ hội, có phương tiện,
có quyền hành, có thế lực, chúng ta sẽ dễ dàng mắng chửi, mạt sát, giết
hại, trừ khử, thanh toán kẻ đó không chút xót thương, không chút bận
tâm! Nghĩ như vậy, nói như vậy, làm như vậy, tâm của chúng ta không từ
bi, không bác ái chút nào, và như vậy chúng ta có khác gì kẻ ác kia đâu?
Giết người phải đền mạng, có luôn luôn hẳn là lẽ công bằng tuyệt đối
chăng, có giúp nạn nhân sống lại chăng, có giúp xã hội an ninh, trật tự
chăng, có giúp tình người thêm tốt đẹp chăng? Con người thường nhân danh
cái thiện, nhân danh thế thiên hành đạo, để thi hành, thực hiện việc
ác, việc trả thù ngay sau đó. Chính vì vậy mà oan oan tương tục không
biết đến bao giờ mới dứt được. Thiệt là "tội nghiệp" thay!
Trên thế gian này, sân hận không
bao giờ dập tắt sân hận. Duy có tình thương, tâm từ bi mới diệt được tâm
sân hận. Ðó là định luật trường cửu.
Cho nên, trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật có dạy:
Lấy oán báo oán, oán nghiệp chập chùng.
Lấy ân báo oán, oán nghiệp tiêu tan.
Ðây là cách dừng nghiệp và chuyển
nghiệp hữu hiệu nhất. Thí dụ vì nghiệp duyên đời trước, có người nào đó
khi gặp chúng ta, liền không có cảm tình, không ưa thích, có thái độ thù
nghịch, chống đối. Nếu như chúng ta không hiểu luật nhân quả, bèn có
thái độ tương ứng đáp lại, thì càng ngày quan hệ giữa chúng ta và người
đó càng tệ hại thêm mà thôi. Còn nếu như khi họ gặp hoàn cảnh không may
nào đó mà mình có thể giúp được và thực tâm giúp đỡ họ, thì có phải "oán nghiệp" trước đây tiêu tan hay không?
Thí dụ trong gia đình, nếu người
cha hay người mẹ, vì tức giận người con đối xử tệ bạc với mình, không
như mình mong ước, nên cũng đối xử lạnh lùng, hằn học, bực dọc đáp lại,
thì thử hỏi câu chuyện sẽ đi đến đâu, sẽ kết thúc ra sao? Nếu cha mẹ có
lòng từ bi, không chấp chặt những điều đó, vẫn thương yêu, chăm sóc
người con, như lúc con còn nhỏ dại, thì ít ra còn hy vọng người con
chuyển đổi tâm ý, gia đình hòa vui trở lại.
Chuyện này "nói ra thì dễ, làm được mới khó". Nhưng thử hỏi chuyện gì trên đời này mới là chuyện dễ làm đây?
Trích từ: "Tội Nghiệp"
của Tỳ khưu Thích Chân Tuệ
của Tỳ khưu Thích Chân Tuệ
0 Kommentare:
Post a Comment