Phật độ tất cả chúng sanh mà không thấy một chúng sanh
nào được diệt độ, đó chính là phát tâm khiến cho tất cả người tu Bồ tát
đạo, khiến tất cả người lìa khổ được vui, khiến tất cả người đều được
thành Chánh giác. Dầu độ chúng sanh nhưng không có tướng độ chúng sanh.
Độ sanh lìa tướng, lìa tướng độ sanh, không dính mắc vào tướng mà nói:
"Chúng sanh này là của tôi độ, chúng sanh kia cũng của tôi độ, độ một
người, cho đến mười người, tôi độ được mười chúng sanh". Độ chúng sanh
phải là không tính số, có tính số thì có chấp trước, không tính số thì
không chấp trước. Độ mà không độ, không độ mà độ, đó mới thiệt là độ
chúng sanh.
Kinh Phật Thuyết A Di Đà
Hán Văn: Dao Tần Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập
Giảng Giải: Vạn Phật Thánh Thành, Tuyên Hóa Thượng Nhân
II. Hiển Thể
Kinh A Di Đà là lập thể chỉ cho theo người, là Kinh mà
Đức Phật không ai thưa thỉnh, tự nói ra, lấy Thật tướng làm Thể, Thật
tướng tức Không tướng, nhưng lại không chỗ nào chẳng có tướng. Nhơn
không tướng cho nên là Chơn không; lại không chỗ nào chẳng có tướng, tức
là Diệu hữu; tất cả tướng đều Thật tướng, cho nên Thật tướng mới là Vô
tướng mà không chỗ nào chẳng có tướng. Vô tướng cũng chính là không chỗ
nào chẳng có tướng, tức là không có một tướng hoặc không có tướng, cả
hai đều không chấp trước. Kinh này lấy Thật tướng làm bản thể. Thật
tướng tức Chơn như, cũng chính là Nhứt chơn pháp giới. Kỳ thực, Như Lai
tạng tánh cũng chính là Chơn như thật tánh, chỉ có tên gọi khác nhau mà
thôi.
Tín, Nguyện, Hạnh là ba thứ tư lương của người tu theo
pháp môn Tịnh độ, như người trước khi đi xa cần phải dự bị lộ phí và
lương thực. Bạn muốn đi sang thế giới Cực Lạc cũng phải chuẩn bị ba thứ
tư lương; trước tiên phải có lòng tin, nếu không thì sẽ không có duyên
với thế giới Cực Lạc. Trừ việc tự tin nơi chính mình, cũng phải tin ở
người khác, tin nhơn, tin quả, tin sự, tin lý.
Thế nào là tin ở chính mình? Đó là tin ở tự mình quyết
định có thể vãng sanh về thế giới Cực Lạc phương Tây, đừng nên khinh
thường tự ti mà nói: "Tôi tạo rất nhiều tội, làm sao có thể sanh về thế
giới Cực Lạc ở phương Tây được?" Nghĩ như thế tức là không tin ở chính
mình. Không luận là mình đã gây tạo ác nghiệp như thế nào đi nữa, đều có
thể có cơ hội đới nghiệp vãng sanh về thế giới Cực Lạc phương Tây,
nhưng mà nghiệp mang theo là nghiệp cũ chớ không phải nghiệp mới. Tội
nghiệp đời trước có thể mang đi, nhưng chẳng thể mang đi ác nghiệp tương
lai được. Những ác nghiệp gây tạo trước đây hiện tại đều cần phải sửa
đổi; sau khi cải ác hướng thiện mới có thể vãng sanh về thế giới Cực Lạc
phương Tây. Người nào sau khi niệm Phật, lại không chịu sửa lỗi, vẫn
tiếp tục tạo nghiệp, chẳng những không thể đới nghiệp vãng sanh, mà ngay
cả thế giới Cực Lạc phương Tây cũng không đi được. Cho nên niệm Phật,
lạy Phật là gieo trồng nhơn lành để tương lai có thể thành Phật, chẳng
phải là nói hiện đời mà được. Sở dĩ người tin theo Phật, chẳng nên biết
rồi mà cố phạm. Khi chưa quy y Tam Bảo và tin Phật, đã lỡ tạo ác nghiệp
còn có thể tha thứ. Nhưng sau khi tin Phật và quy y Tam Bảo rồi mà còn
gây tạo tội nghiệp thì tội ấy nặng thêm một bực, là do biết mà còn phạm.
Cho nên phải tin nơi chính mình có khả năng "cải hóa tự tân", thì chắc
chắn sẽ được vãng sanh thế giới Cực Lạc phương Tây.
Tin người khác (tín tha) là tin theo lời Phật nói, chắc
chắn có thế giới Cực Lạc ở phương Tây cách đây mười vạn ức cõi nước
Phật. Cõi nước Phật này là do Tỳ-kheo Pháp Tạng thuở xưa (tức Phật A Di
Đà bây giờ) phát nguyện mà thành tựu. Tất cả chúng sanh ở mười phương
nếu muốn sanh về Tịnh độ này thì có thể vãng sanh như ý nguyện, đã không
phí việc, lại không tốn tiền, chẳng hao sức, dễ dàng lại đơn giản,
phương tiện mà viên dung, chỉ cần chuyên tâm niệm "Nam mô A Di Đà Phật"
mà thôi. Đây quả là một pháp môn cao tột vô thượng. Tin như thế tức là
tin người khác.
Tin quả, tin nhơn (tín nhơn tín quả). Chúng ta cũng cần
phải tin vào chính mình đã từng gieo trồng nhơn lành từ quá khứ, nhờ có
căn lành nên đời này mới gặp pháp môn niệm Phật này. Ngoài ra, đời này
cần phải vun trồng Tín, Nguyện, Hạnh, thì căn lành mới có thể thêm lớn
mà thành tựu quả vị. Cho nên tin có nhơn quả là tự tin mình thuở xưa đã
từng gieo trồng nhơn Bồ-đề và ở tương lai nhất định sẽ thành tựu quả
Bồ-đề. Nhưng kết quả đó muốn đạt được thì phải kinh qua sự vun tưới và
chăm sóc mới có thể thêm lớn được. Có người nói: Tôi không biết mình có
căn lành gì?"
Bạn làm sao biết mình có hay không có căn lành? Thường
thường có người hỏi tôi: "Thầy xem tôi có căn lành không?" Tôi trả lời:
"Bạn xem tôi có căn lành hay không?" Người ấy nói: "Tôi không biết!" Tôi
nói: "Bạn không biết mình có căn lành hay không thì làm sao tôi biết
được? Nhưng mà tôi có cách biết. Nếu bạn không có căn lành thì đời này
sẽ không thể nào gặp được Phật, pháp, cho nên bạn phải tự hiểu về đạo lý
này".
Người không biết được Phật pháp, hoặc có thể là không có
căn lành, giả sử có gặp được, cũng không thể có duyên. Chỉ vì căn lành
là phải được gieo trồng, nếu không gieo trồng thì hoàn toàn không có căn
lành; cho nên có căn lành hay không việc đó không quan trọng. Quan
trọng nhất là đời này mình phải nương theo Phật pháp mà tu hành, vun
bồi, chăm sóc căn lành của chính mình. Chớ nói Phật pháp dạy người không
nên uống rượu mà mình lại đi uống rượu bạt mạng, cho đến phạm cả những
tội sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối nữa. Sau khi tin Phật rồi, đã
biết rõ mà cố phạm, cho đó là những lỗi nhẹ không hề chi. Chính vì ý
nghĩ "không hề chi" đó mà người ta phải sa vào địa ngục, làm ngạ quỷ,
chuyển thân súc sanh. Tất cả đều nhơn cái hại của câu nói "không hề chi"
này. Cho nên phải tin vào chính mình đời nay gieo trồng căn lành, đời
sau mới có quả lành.
Tin lý, tin sự. Tin rằng Đức Phật A Di Đà cùng chúng ta
có nhơn duyên lớn, tương lai nhất định có thể tiếp dẫn chúng ta thành
Phật. Đây tức là Sự. Tại sao nói Đức Phật A Di Đà có nhơn duyên lớn đối
với chúng ta? Nếu không có nhơn duyên thì đời nay chúng ta đâu gặp được
pháp môn Tịnh độ. Tất cả chúng sanh tức là Phật A Di Đà, Phật A Di Đà
tức là tất cả chúng sanh. Phật A Di Đà nhơn niệm Phật mà thành, tất cả
chúng sanh nếu hay niệm Phật, cũng có thể thành Phật, đây tức là Lý.
Người nương Sự Lý mà tu hành như tông Hoa Nghiêm đã lập, tức "Sự vô ngại
pháp giới, Lý vô ngại pháp giới, Lý Sự vô ngại pháp giới, Sự sự vô ngại
pháp giới".
"Lý sự vô ngại pháp giới" chúng ta cùng Tự tánh Phật A
Di Đà căn bản là một. Cho nên chúng sanh đều có tư cách thành Phật. Sao
gọi là Sự lý? - Xin đưa ra một việc dễ hiểu, phàm sự tướng đều có sự
biểu hiện của nó, như cây gỗ có thể làm nhà, đây tức là Lý; làm thành
phòng nhà rồi, tức là Sự; đó là nghĩa Sự Lý. Chúng ta hiện tại có Lý
thành Phật này, mà cũng có Sự thành Phật nữa. Chúng ta nếu có: Tín,
Nguyện, Hạnh, Trì danh, thì tương lai sẽ đạt đến sự thành Phật.
Phật A Di Đà là Phật A Di Đà trong tâm chúng sanh, chúng
sanh cũng là chúng sanh trong tâm Phật A Di Đà, sự quan hệ này cũng có
sự và lý, nhưng đạo lý này cần phải có lòng tin và sự thực hành không
được biếng trễ. Ví như niệm Phật phải mỗi ngày một tăng lên, không nên
mỗi ngày một ít đi. Khi chúng ta niệm "Nam mô A Di Đà Phật", thì trong
nước Bát công đức của ao thất bảo nơi thế giới Cực Lạc phương Tây sẽ mọc
lên một hoa sen. Niệm Phật càng nhiều thêm thì hoa sen càng lớn dần,
nhưng vẫn chưa nở. Đợi đến lúc chúng ta mạng chung thì đương nhiên chúng
ta sẽ sanh vào trong hoa sen ở thế giới Cực Lạc. Sở dĩ chúng ta muốn
biết phẩm vị của mình cao hay thấp, là Thượng phẩm thượng sanh, Trung
phẩm trung sanh hay hạ sanh, thì phải xem công phu niệm Phật của chúng
ta nhiều hay ít. Mình càng niệm Phật nhiều thì hoa sen càng nở lớn ra.
Mình niệm Phật ít đi thì hoa sen nở nhỏ lại. Nếu không niệm, hoặc có lúc
niệm rồi không niệm nữa, thì hoa sen kia sẽ khô rụi đi. Cho nên điều
cần thiết là bạn phải tự tranh thủ lấy quả vị của chính mình: Niệm Phật
càng nhiều, trì danh, tin sâu không dời đổi, nguyện thiết tha, thực hành
mãi không biếng lười. Không nên nói ngày nay ngủ nhiều một tí, ngày mai
sẽ tu tiếp. Việc này không thể nào chấp nhận được. Tu hành thì không
thể biếng lười, mà phải siêng năng tinh tấn thì mới có thể thành công.
Thế nào gọi là Nguyện? - Nguyện là ý nguyện, tức là chỗ ý
hướng đến, tâm nghĩ điều gì đó rồi phát ra lời nguyện. Nguyện có bốn
thứ tức là:
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ,
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn,
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học,
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
Chư Phật cùng Bồ tát thuở quá khứ, chư Phật, Bồ tát ở
hiện tại; chư Phật, Bồ tát trong tương lai cũng đều y theo bốn hoằng thệ
nguyện này mà tu hành chứng quả. Bốn hoằng thệ nguyện này là y theo bốn
đế mà phát ra. Bốn Đế là: Khổ Đế, Diệt Đế, Tập Đế và Đạo Đế.
Y theo Khổ đế thì phát ra lời nguyện: "Chúng sanh vô
biên thệ nguyện độ"; y theo Tập đế thì phát lời nguyện "Phiền não vô tận
thệ nguyện đoạn"; y theo Đạo đế thì phát ra lời nguyện "Pháp môn vô
lượng thệ nguyện học"; y theo Diệt đế thì phát ra lời nguyện "Phật đạo
vô thượng thệ nguyện thành." Hơn nữa, bốn hoằng thệ nguyện cũng là chiếu
theo ba khổ: Khổ khổ, Hành khổ, Hoại khổ của chúng sanh mà phát ra. Khổ
khổ chính là những nghèo cùng khốn khổ của chúng sanh. Hoại khổ chính
là chúng sanh dù được giàu sang, nhưng sự giàu sang đó hư hoại đi. Hành
khổ chính là đã không phải bị khổ sở vì nghèo thiếu, cũng không phải là
giàu sang bị hư hoại, mà là hành khổ của vô thường biến đổi. Từ nhỏ đến
lớn, từ lớn đến già, từ già đến chết, suốt cả một đời niệm niệm đổi dời,
cho nên có ba khổ.
Tám khổ: Sanh, già, bệnh, chết, ái biệt ly, oán tắng
hội, cầu bất đắc, ngũ ấm xí thạnh. Sanh là khổ, già là khổ, có bệnh là
khổ, lúc chết lại càng khổ, sanh già bệnh chết đều là khổ; Đức Phật
Thích Ca Mâu Ni nhơn nhìn thấy khổ sanh già bệnh chết liền phát tâm xuất
gia, tu hành. Ái biệt ly khổ là nỗi khổ đối với người mình yêu thích mà
vì hoàn cảnh nào phải xa lìa. Yêu mà phải xa lìa là một thứ khổ, mà
không yêu lại thường hội tụ ở một chỗ cũng là một thứ khổ, đó gọi là Oán
Tắng hội khổ. Ví dụ: Mình không thích người ấy, ở một nơi nào đó lại
chạm mặt với người ấy và cùng làm việc chung với họ, nỗi ấy gọi là Oán
tắng hội khổ. Lại có một thứ gọi là Cầu bất đắc khổ, nghĩa là không toại
lòng mong muốn, mong muốn được mà không thể được. Khi chưa được thì lo
lắng cho được, khi đã được rồi thì sợ mất mát. Nhưng cái thứ khổ lo được
lo mất không kể gì lợi hại, chính là Ngũ ấm xí thạnh khổ. Ngũ ấm là
Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Năm thứ này giống như là ngọn lửa cháy bừng
bừng. Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, năm ấm này giờ giờ khắc khắc đều đi
theo trên thân thể chúng ta gây nên vô vàn sự thống khổ.
Ngoài tám khổ ra còn có vô lượng vô biên khổ nữa. Tại
sao có quá nhiều khổ như vậy? Đó là vì chúng ta trong đời quá khứ gieo
trồng quá nhiều nhơn khổ, cùng làm bạn bè với chúng mà không muốn xa
lìa, vì thế gieo trồng nhơn duyên của khổ này mà nhận lấy khổ quả.
Cho nên nói:
Muốn biết nhơn đời trước, hãy xem đời nay nhận quả gì.
Muốn biết quả đời sau, hãy xem đời này gieo nhơn gì.
Vì thế gieo trồng nhơn lành thì sẽ hưởng kết quả lành,
gieo trồng nhơn ác thì sẽ nhận kết quả ác, lúc quả thành thục thì lòng
rất sợ hãi. Bồ tát thì sợ nhơn chớ không sợ quả; còn chúng sanh thì sợ
quả chớ không sợ nhơn. Sợ tức là sợ hãi. Bồ tát thì sợ nhơn chớ không sợ
quả, cho nên cẩn thận, dè dặt, không trồng nhơn khổ, vì thế các Ngài
không có quả khổ. — thời quá khứ, khi chưa rõ đạo lý, các Ngài cũng gieo
trồng nhơn khổ; hiện tại quả khổ đến, các Ngài vui vẻ tiếp nhận, vì
hiểu rõ rằng thọ khổ thì hết khổ, hưởng phước thì hết phước. Nhưng chúng
sanh sợ quả mà không sợ nhơn, khi gieo trồng nhơn bất kể là nhơn tốt
hay xấu, nhơn thiện hay ác, cứ cho là việc nhỏ không ăn thua gì, cho nên
mặc tình gây tạo, không để tâm cẩn thận một tí nào. Nhơn gì cũng gieo,
nên khi họ khổ thì thọ hoài không hết, rồi than van rằng: "Sao mà gặp
cái thứ hoàn cảnh trớ trêu như vậy?" Đã sợ nhận lấy quả khổ, thế thì
trước kia đừng gieo trồng nhơn khổ có hơn không? Sanh về thế giới Cực
Lạc ở phương Tây thì không có nổi khổ, chỉ thọ các điều vui. Không có
một chút khổ nào là vì người ở đó đều thanh tịnh, không có tâm tranh
đua, tham dục, si mê và ba ác đạo. Vì không có ba độc tham sân si cho
nên không có ba thứ ác đạo. Ba ác đạo là do ba độc biến hiện ra.
Phật độ tất cả chúng sanh mà không thấy một chúng sanh
nào được diệt độ, đó chính là phát tâm khiến cho tất cả người tu Bồ tát
đạo, khiến tất cả người lìa khổ được vui, khiến tất cả người đều được
thành Chánh giác. Dầu độ chúng sanh nhưng không có tướng độ chúng sanh.
Độ sanh lìa tướng, lìa tướng độ sanh, không dính mắc vào tướng mà nói:
"Chúng sanh này là của tôi độ, chúng sanh kia cũng của tôi độ, độ một
người, cho đến mười người, tôi độ được mười chúng sanh". Độ chúng sanh
phải là không tính số, có tính số thì có chấp trước, không tính số thì
không chấp trước. Độ mà không độ, không độ mà độ, đó mới thiệt là độ
chúng sanh. Chúng sanh bên ngoài dĩ nhiên là đáng độ. Chúng sanh trong
tự tánh cũng phải đáng độ. Trong tự tánh có tám mươi bốn ngàn chúng
sanh, càng cần phải độ cho nó tu hành thành Phật, nhập Niết bàn. Độ
chúng sanh, có độ là độ phiền não của chúng sanh, không độ thì chúng
sanh vẫn còn phiền não, mà phiền não có tám mươi bốn ngàn thứ. Hàng Nhị
thừa dứt được Kiến hoặc và Tư hoặc, nhưng vẫn còn Trần sa hoặc. Bồ tát
có Vô minh hoặc. Vô minh là thứ nặng nề nhứt. Chúng sanh trừ được Kiến
tư hoặc, Trần sa hoặc, nhưng vẫn còn Vô minh hoặc. Bồ tát Đẳng giác dứt
được Trần sa hoặc, khi sắp thành Phật, hãy còn một phần Sanh tướng vô
minh rốt sau, cũng giống như tám mươi bốn ngàn sợi lông chỉ còn thừa lại
một sợi, chỉ cần nhổ được sợi lông đó là xong. Bồ tát Đẳng giác dứt
được Sanh tướng vô minh, liền chứng Diệu giác, tức thành Phật.
Sao gọi là Kiến hoặc? - Kiến là đối cảnh khởi tâm tham
ái. Đối cảnh giới khởi tâm tham cùng tâm ái, không thấy rõ cảnh giới
này mà nhận rằng tất cả là thật có. Vì nhận cho là thật nên ăn cơm cũng
là thật, ngủ nghỉ cũng là thật, không có bạn bè cũng cho là thật, đó
chính là không rõ ràng. Thấy (kiến), cho là tốt đẹp, rồi sanh ra tham ái
vô cùng vô tận, không bao giờ biết đủ biết chán, đó chính là Kiến hoặc,
đối cảnh khởi tâm tham ái.
Sao gọi là Tư hoặc? - Tư hoặc chính là mê lý khởi tâm
phân biệt, đối lý không thấu suốt mà khởi ra phân biệt. Không biết vị
Pháp sư đó giảng có đúng không? Có chỗ nào hay không? Có lợi ích gì cho
mình không? Không lợi ích thì không muốn làm. Việc mình làm nhất định
phải có lợi ích, chỉ thấy trước mặt ba tấc, mà chẳng thấy được trước mặt
bốn tấc. Chỉ thấy cảnh trước mắt mà chẳng thấy được nơi chốn xa xôi
kia. Đó đều là Tư hoặc.
Tư hoặc chính là những tư tưởng không rõ ràng, mơ mơ
hồ hồ. Không đúng cho là đúng. Vừa rồi tôi nói nhận cho ăn cơm là thật,
mặc áo cũng là thật, nếu không bạn xem phải là giả thì cái gì là thật
chớ? Mặc áo, ăn cơm, ngủ nghỉ đều là quá trình của đời người. Bạn không
cần chấp trước phải nhận chân là thế nào. Nếu bạn không chấp trước thì
có thể nhẹ nhàng tự tại. Còn nếu chấp trước thì sẽ bị thống khổ. Nếu cho
là tất cả đều không thật, thì sẽ không có tham ái, giống như trong
chiêm bao làm những việc lung tung. Nghĩ ra như thế bạn sẽ buông bỏ hết,
mọi sự tình rồi sẽ qua đi. Nếu bạn bỏ không được thì có chấp trước, mọi
sự tình sẽ không qua được. Đó là Kiến hoặc. Có tám mươi tám phẩm Kiến
hoặc và tám mươi mốt phẩm Tư hoặc. Phá được Kiến hoặc trong ba cõi thì
chứng được Sơ quả A-la-hán. Kiến hoặc không phá được thì không thể nào
chứng quả được. Đối với tất cả cảnh giới bạn có tâm ái không? Có tâm
tham không? Đối với cảnh có khởi tâm tham ái không? Đối với cảnh giới
vừa lòng có khởi tâm tham ái không? Đối với cảnh giới không vừa lòng có
khởi tâm giận ghét không? Bạn có thể trừ bỏ được tâm tham ái không? Nếu
bạn thiệt không có, thì rốt cuộc nó sẽ không còn tồn tại. Làm sao biết
"bạn không có tham ái?" Bởi vì bạn còn biết mình không có cho nên bạn
nói tôi không tham không ái, nhưng đó là còn có cái "Tôi." Vì chưa chứng
Sơ quả nên chưa phá được. Việc đó không phải nói không là không một
cách dễ dàng.
Ngũ lợi sử là: Thân kiến, Biên kiến, Tà kiến, Kiến thủ
kiến, Giới cấm thủ kiến. Sao gọi là Lợi? -Lợi là đến nhanh chóng, trái
với Độn là đến chậm chạp.
1. Thân kiến: Chấp trước đây là thân thể của ta. Thân thể của ta gầy đi, cảm thấy ăn không ngon, mặc không vừa ý, ở không thoải mái. Thân thể ta như thế thì làm sao an toàn được? Suốt ngày từ sáng tới tối cứ lo nghĩ về mình.
2. Biên kiến: Chính là chấp đoạn chấp thường. Chấp đoạn thì cho rằng người ta chết đi trở về với hư không, không còn gì nữa, như dầu hết đèn tắt. Chấp thường thì cho là con người chết đi, thì sao? Vẫn làm người nữa; chó mãi mãi làm chó, mèo cứ làm mèo hoài; người luôn luôn làm người, chớ không đổi làm chó mèo được. Những kiến chấp như trên lạc vào nhị biên nên gọi là Biên kiến, không hợp với Trung đạo. Đời này làm người, đời sau vẫn làm người. Cỏ vẫn là cỏ, cây vẫn là cây, người không thể làm súc sanh, cũng không thể làm quỷ. Đó chính là Biên kiến.
3. Tà kiến là thế nào? - Tà kiến là cho rằng làm lành không có quả báo lành, làm ác cũng không có quả báo ác. Họ bác không nhơn quả, hoàn toàn không nhơn không quả. Họ không tin làm lành được phước, làm ác phải tội.
4. Giới cấm thủ kiến: Dạy người giữ giới bò, giới chó. Giữ giới bò là bắt chước theo bò ăn cỏ. Tại sao thế? Nhơn vì họ thấy biết sai lầm, thấy bò được sanh lên trời cho nên bắt chước theo bò, thấy chó được sanh lên trời cho nên bắt chước theo chó.
Giới kiến: Không phải nhơn chấp là nhơn, cũng là giới
thủ. Người xuất gia giữ giới có tâm chấp trước này, họ chấp rằng ta hay
giữ giới, giới này là giới của ta giữ, có một thứ tâm hay giữ giới và
những giới được giữ. Họ không biết rằng bản thể của giới xưa này vốn là
rỗng không, không nên chấp trước. Hễ có chấp trước thì biến thành Giới
thủ.
5. Kiến thủ kiến: Không phải quả chấp là quả. Không phải là quả rốt ráo, họ cho đó là quả rốt ráo. Họ cho Tứ Thiền Thiên và Tứ Không Xứ là Niết bàn, đó gọi là "không phải quả chấp là quả".
Tứ Thiền: Sơ thiền thiên, Nhị thiền thiên, Tam thiền thiên, Tứ thiền thiên.
Người tọa thiền lên đến cảnh giới Sơ thiền có thể
không còn thở nữa, không có sự hô hấp. — cảnh giới này tuy không còn hô
hấp nhưng vẫn có một niệm động, một khi phát sanh niệm động này thì hô
hấp sẽ trở lại. Đó là Sơ thiền.
Nhị thiền là mạch ngừng lại, khi hô hấp không còn nữa
thì mạch cũng ngừng luôn, giống như người chết. Tuy mạch ngừng đập nhưng
không phải chết. Đó là cảnh giới của Nhị thiền.
Tam thiền là ngồi cho đến ý niệm cũng ngừng bặt. — Sơ
thiền, Nhị thiền không còn hô hấp nữa, mạch cũng ngừng đập, nhưng lại
còn ý niệm, đến Tam thiền thì ý niệm đó cũng không còn nữa vì thường ở
trong định.
Đến Tứ thiền thì chỉ còn thức mà thôị Tam thiền không
có ý niệm là không có ý niệm thô, nhưng ý niệm tế vẫn còn; đến Tứ thiền
cả ý niệm tế cũng dứt luôn. Cảnh giới này chỉ là con đường cần phải kinh
qua của người tu Thiền, chớ không phải là quả chứng. Không chỉ nói Tứ
thiền, mà ngay cả Tứ không xứ: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở
hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ cũng chẳng qua chỉ là một thứ định,
chớ không phải là quả chứng; nếu có chấp lấy (Kiến thủ) thì có thể cho
cảnh giới này là Niết bàn và cho là chứng đắc quả A-la-hán thứ tư. Như
Vô Văn Tỳ-kheo cho Tứ thiền là Tứ quả, đó là vì y không thông hiểu.
Những Kiến hoặc...ở trên là Ngũ lợi sử.
Tư hoặc... là Ngũ độn sử. Độn tức là đến chậm chạp.
Ngũ độn sử là tham, sân, si, mạn, nghi. Tại sao người ta có phiền não? -
Đó là vì có vô minh. Sau khi Vô minh sanh ra thì có Trần sa hoặc. Trần
sa hoặc còn gọi là Vô minh hoặc, tức là không có hiểu biết đứng đắn. Tư
hoặc cũng có thể gọi là Vô kiến hoặc, tại vì sau khi Vô minh sanh ra bèn
có tham, nghĩ rằng phải có được cái gì đó, bèn sanh ra tâm tham, rồi
sanh ra các thứ phiền não; phiền não một khi sanh ra, sẽ sanh ra tâm
Sân; tâm Sân một khi sanh ra thì chỉ biết về mình mà chẳng biết có người
khác. Vì chỉ biết có mình, cho nên khi tâm sân hận sanh ra thì muốn hạ
thấp giá trị của người khác. Có thứ tâm này chính là ngu si, không phân
biệt được phải quấy trắng đen, bất kể tất cả. Nguyên do chính là không
biết đạo lý, ngay đến ngu si, phải quấy, cong ngay, đen trắng đều không
nhận ra. Vì ngu si mới sanh ra tâm kiêu mạn. Vì có tâm kiêu mạn nên lại
sanh ra nghi ngờ, không tin đạo lý do bất cứ ai giảng giải. Thiệt cũng
không tin, giả càng không tin nữa. Sanh ra mọi thứ hoài nghi, đó chính
là Tư hoặc. Do Kiến hoặc, Tư hoặc, Trần sa hoặc mà thành các thứ Vô minh
phiền não. Cho nên các thứ phiền não vô cùng vô tận không có lúc nào
hết. Trước tình hình này người tu hành phải nương vào Tứ đế mà phát lời
thệ nguyện: "Phiền não vô tận thệ dứt trừ".
"Pháp môn vô lượng thệ nguyện học", nghĩa là người tu
hành cần phải hiểu rõ các thứ pháp môn. Các thứ pháp môn nhiều vô lượng
vô biên, cũng chính là một thứ pháp môn để tu hành. Nếu không rõ biết
phương pháp thì không thể tu hành được, vì muốn tu hành thì phải hiểu rõ
phương pháp. Phương pháp này rất nhiều, nhiều đến vô lượng vô biên, cho
nên phải nương theo Đạo đế mà phát nguyện lực: "Pháp môn vô lượng thệ
nguyện học".
Sao gọi là pháp môn vô lượng? Vô lượng pháp môn từ đâu
mà có? - „y là: Phật nói tất cả pháp nhơn vì tất cả tâm của chúng sanh.
Nếu không tất cả tâm, thì cần gì tất cả pháp? Tất cả pháp đều do tâm
chúng sanh mà có, vì tâm chúng sanh có ngàn sai muôn khác, các thứ không
giống nhau, tâm của mỗi con người đều không giống nhau, cho nên pháp
môn cũng có nhiều thứ không đồng. Tóm tắt lại pháp có ba thứ: Phật pháp,
tâm pháp và chúng sanh pháp. Ba pháp này sanh ra Tứ đế, Lục độ, mười
hai nhơn duyên, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo... Cho nên nói: "Pháp môn vô
lượng thệ nguyện học".
Pháp môn có rất nhiều, giống như chúng ta giảng bộ
kinh này xong lại giảng đến bộ kinh khác, đó không phải là do vô lượng
hay sao? Chúng ta hiện tại giảng kinh cũng như một giọt nước trong biển
cả mà thôi! Chớ không là tất cả nước trong biển cả đều được hết. Chúng
ta học Phật pháp để làm gì? Tại sao phải học Phật pháp? Nhơn vì học Phật
pháp chính là muốn được thành Phật.
Nhưng thành Phật có phải là vọng tưởng không?
-Thành Phật không phải là vọng tưởng đâu, tại vì vị
Phật là quả vị xưa nay sẵn có của chúng ta, mọi người đều có thể thành
Phật, vì thế chúng ta phải nhanh một bước để sớm thành quả Phật, và y
theo Diệt đế mà phát lời nguyện: "Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành".
Diệt đế chính là đạt đến Niết bàn, đạt đến quả vị rốt
ráo thanh tịnh bất sanh bất diệt, cho nên nói là "Phật đạo vô thượng thệ
nguyện thành". Chúng ta đối với sự kiện thành Phật không cần phải hoài
nghi nữa; nhưng nếu có hoài nghi, cũng có thể thành Phật, duy có điều
chậm một chút mà thôi. Nếu không có tâm hoài nghi thì sẽ thành Phật sớm
hơn. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có thể làm Phật, nhưng
không thể nói: "Tất cả chúng sanh đều là Phật". Nếu chịu tu hành thì mới
có thể thành Phật, nếu không chịu tu hành thì tất cả chúng sanh vẫn chỉ
là chúng sanh mà thôi, không thể thành Phật được. Làm Phật là lý, nhưng
cũng có một cái "Đạo thành Phật", với điều kiện là phải nương theo pháp
tu hành. Nếu không nương theo pháp tu hành thì các tâm tham, sân, si,
mạn, nghi đều không từ bỏ được, không thể nào mau thành Phật được. Vì
thế nên phải phát bốn hoằng thệ nguyện. Chúng ta bất luận là làm việc gì
cũng cần phải phát lời nguyện trước, rồi sau mới theo lời nguyện mà
thực hành. Có thế mới đạt đến mục đích, hy vọng mới có thể thành tựu
được.
Nói đến đây, tôi nhớ lại một công án: Có một lần Đức
Phật Thích Ca Mâu Ni mang theo rất nhiều đệ tử đến một nước nọ để giáo
hóa chúng sanh. Người trong nước này thấy Phật đến liền đóng cửa lại,
không có ai chịu bố thí, cũng không ai đến cung kính chào hỏi. Phật đã
đến nước ấy rồi, không có ai ra đón rước, vì không có duyên với các đại
thần và nhơn dân ở đó. Nhưng khi ngài Mục Kiền Liên đến thì cả quốc
vương, đại thần và nhơn dân đều hướng về Ngài cung kính đảnh lễ, tranh
nhau đến cúng dường. Các đệ tử Phật thấy thế, nhưng không biết tại sao,
bèn hỏi Phật: "Tại sao Phật đến nước này không ai chịu cúng dường cả, mà
Ma Ha Mục Kiền Liên, đệ tử Phật, đi đến đây lại được mọi người tranh
nhau cúng dường?" Phật đáp: "Đó là do nhơn duyên đời trước".
Từ vô lượng kiếp về trước, Mục Kiền Liên cùng Phật ở
chung một chỗ, Mục Kiền Liên lên núi đốn củi, còn Đức Phật xuống dưới
núi sửa đường và rất ghét bầy ong, mà Mục Kiền Liên lại rất thích chúng.
Đức Phật Thích Ca lúc ấy, khi còn tu nhơn, thường lấy khói hun đốt
chúng, mà Mục Kiền Liên lại bị chúng đốt đau nhức. Tuy bị đau nhức,
nhưng Mục Kiền Liên không dùng lửa để hun đốt, trái lại còn phát nguyện:
"Về sau tôi đắc đạo sẽ độ trước bầy ong có nhiều tánh A-Tu-la này". Đời
đời kiếp kiếp về sau, bày ong này biến thành ra người trong một nước.
Ong chúa là vua, các ong thợ là dân. Ngày xưa Phật Thích Ca nhơn vì ghét
chúng, từng dùng khói hun đốt chúng, nên bây giờ đến nước ấy không có
ai ra đón tiếp, quốc vương, đại thần, nhơn dân cũng không chịu cúng
dường Ngài. Trái lại, Ngài Mục Kiền Liên đã có phát nguyện sau khi đắc
đạo sẽ độ bầy ong này, cho nên đời này gặp lại nhau thì quốc vương và
nhơn dân nước ấy tranh nhau đến cúng dường. Do đây chúng ta biết rằng
nhơn quả rất trọng yếu, vì thế nhất định phải phát nguyện.
(Nguồn: thuvienhoasen)
(còn tiếp)
0 Kommentare:
Post a Comment