"Thì ra cuộc đời nếu được sống xa lìa những bon chen,
hiềm khích, đấu đá, nghi kỵ, ganh ghét... và được thường sống trong
tự tánh thanh tịnh của chính mình – cuộc đời ấy, sự sống ấy mới
thật giá trị và tươi đẹp biết bao...."
Gọi Rằm Tháng Giêng là Ngày Hội có lẽ cũng không
quá, bởi với không ít người Việt cả trong lẫn ngoài nước, để có cơ
hội về nhà chung vui, đoàn tụ, đón xuân bên gia đình vào đúng dịp Tất
Niên là điều không dễ cho mỗi ai. Vì thế ngày Rằm tháng Giêng vốn
được coi (thầm hiểu) là dịp để người chốn xa về đón xuân nơi quê cha,
đất tổ, bên mái ấm gia đình của riêng mình...
Các Phật tử cung nghinh Chư Tăng vào Chánh Điện
khai Lễ Rằm Thượng Nguyên 24.02.2013
Với người Việt xa quê nói chung và người Việt tại
Đức nói riêng, có lẽ hình ảnh những ngày xuân nơi quê hương, hoặc chỉ
còn trong ký ức (những thế hệ thứ nhất, thứ hai), hoặc có chăng
cũng chỉ còn là hình ảnh đôi khi mang tính biểu tượng (giúp cho thế
hệ thứ hai, thứ ba có chút khái niệm): Xuân về phải thế; Xuân về
phải có... Do vậy, từ lâu lắm – Mỗi độ xuân sang – nơi đây – những mái
chùa luôn là nơi chở che, mang lại những hình ảnh, không gian, hương vị
vừa thanh tao, vừa ấm cúng và chan chứa tình người – điều mà hình
như trong xã hội thời công nghiệp hiện đại mọi người (có lẽ) vì mê
mải với cuộc sống thường nhật, và (có thể lắm) vì những cám dỗ
của đời thường lôi cuốn... để rồi chợt lãng quên, hay đánh mất... Vì
thế Rằm tháng Giêng với người Việt nói chung không chỉ đơn thuần là
một ngày Hội để mọi người trở về chung vui, đoàn tụ bên mái ấm gia
đình, sau những ngày vất vả nơi phương xa. Sâu xa hơn – đặc biệt với những
người Phật tử - Trở Về là cả một hành trình nhìn nhận, đúc kết
một chặng đường đời đã đi qua của chính mình, từ đó góp nhặt thêm
cho mình một hành trang cho những chặng đường tiếp nối của cuộc đời...
Trong dân gian có câu: Lễ Phật
quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng vì ngày ấy là ngày trăng tròn đầu
tiên của một năm, thiêng liêng mầu nhiệm vô cùng. Đó là thời gian Chư Thiên giáng lâm xuống mọi chùa chiền
để chứng minh và độ trì cho những ai có lòng chí thành chí kính và thực hành y
giáo pháp của Ngài.
Ngoài
ra, theo niềm tin trong dân gian,thì mỗi năm, mỗi người đều có một vì
sao chiếu. Tùy theo mỗi vì sao hung hay kiết, mà người ta suy đoán là
Vận , Hạn của mình năm đó tốt hay xấu. Ngày mùng 8 tháng Giêng cũng
là ngày Hội của các vì Sao.
Do
đó các chùa thường tụng kinh Dược Sư từ ngày mùng 8 đến ngày Rằm
tháng giêng để cầu nguyện cho quốc thới dân an.
Tóm
lại ngày Rằm tháng Giêng là Ngày Hội bởi không
ít người Việt cả trong lẫn ngoài nước, có cơ hội về chùa lễ
Phật dâng hương cúng sao giải hạn cầu cả
năm dược an lành.
Chánh điện Chùa Phật Huệ
giờ khai Lễ Rằm Thượng Nguyên 24.02.2013
Chùa Phật Huệ – Ngày Rằm tháng Giêng Quý Tỵ, 24.02.2013
năm nay có biết bao điều đáng ghi nhận. Mặc dù tiết đông, giá rét,
tuyết trắng giăng bốn phường trời, vậy nhưng dường như không cản được
bước chân, dòng người nô nức về chùa dâng hương, lễ Phật.
Với những Phật tử ở nơi xa, không có cơ duyên được
thường xuyên về chùa lễ Phật thì đây chính là cơ hội để mình và
những người thân trong gia đình có được những giây phút xum họp bên
nhau, rồi cùng nhau thành kính dâng hương trước bàn thờ Phật, cùng
nguyện cầu cho nhau một năm mới được vạn sự bình yêu và hạnh phúc.
Những giây phút này với không ít người quả là hiếm hoi - hiếm hoi
không phải vì mọi người không có lòng hướng Phật, mà có lẽ, vì
đường xá xa xôi, cách trở, vì công việc... vì thế để có được cơ hội
cả nhà cùng tới chùa dâng hương, lễ Phật, cùng tạm thời xa lánh
cuộc sống vọng động trần tục, để được hưởng những giây phút thanh
lạc cho chính mình, quả là điều hiếm hoi và đáng quý biết nhường
nào.
Đúng 10:30h các Phật tử đã tề tựu đông kín nơi Chánh
Điện chùa Phật Huệ. Thượng Toạ Thích Từ Trí cùng Tăng Đoàn chùa
Phật Huệ đã hướng dẫn các Phật tử tụng kinh Dược Sư để nguyện cầu
cho thế hoà bình, nguyện cho quê hương Việt Nam và nguyện cho chúng
sanh muôn loài đều được sống trong an lạc.
TT Thích Từ Trí cùng các Chư Tăng
khai Lễ Rằm Thượng Nguyên 24.02.2013
Nhìn khung cảnh các Phật tử hàng nối hàng, già,
trẻ, trai, gái, và ngay cả các cháu nhỏ, vai ghé vai, ngồi chăm chú
và thành kính bên bố mẹ, ông bà cùng nhau tụng kinh cầu an, chúng ta
mới thấy những giây phút giá trị đích thực của cuộc đời. Và có
lẽ, nhiều người lắm – những giây phút đó đều có chung một cảm nhận,
một nỗi niềm: Thì ra cuộc đời nếu được sống xa lìa những bon chen,
hiềm khích, đấu đá, nghi kỵ, ganh ghét... và được thường sống trong
tự tánh thanh tịnh của chính mình – cuộc đời ấy, sự sống ấy mới
thật giá trị và tươi đẹp biết bao...
Đến 11:30 là phần cúng
Phật, cúng Tổ và cúng hương linh.
Đến 14:00 Chương Trình
dành cho Lễ Quy Y Tam Bảo.
TT Thích Từ Trí khai thị về ý nghĩa
của việc Quy Y Tam Bảo
Theo thông lệ, vào những dịp Lễ lớn: Tết Nguyên Đán, Đại Lễ Phật Đản; Lễ Vu Lan và Rằm tháng Giêng, chùa Phật Huệ thường tổ chức Lễ Quy Y Tam Bảo cho các Phật tử.
Lễ Quy Y Tam Bảo Rằm tháng Giêng năm nay số người xin
Quy Y lên đến hơn 40 người. Con số đó không chỉ đơn thuần là một dấu
hiệu đáng vui mừng, xa hơn, nó đánh dấu sự trưởng thành trong suy
nghĩ, nhìn nhận và tầm quan trọng của Đạo Phật trong cuộc sống tâm
linh của mỗi người, mọi người. Điều này đã được Thượng Toạ Thích
Từ Trí và BTC chùa Phật Huệ vô cùng hoan hỉ ghi nhận và tán thán.
Trong phần Quy Y Tam Bảo, Thượng Toạ Thích Từ Trí đã
dành khá nhiều thời gian để khai thị về ý nghĩa, tầm quan trọng của
việc Quy Y Tam Bảo đối với người Phật tử, từ đó giúp cho các Phật
tử hiểu rõ, cụ thể và có sự nhận diện sâu sắc hơn về việc Quy Y
của chính mình.
Hình ảnh các Phật tử đang chuẩn bị nhận lễ truyền thọ
Tam Quy Ngũ Giới ngày Rằm tháng Giêng 24.02.2013 tại chùa Phật Huệ
Quy Y chính là sự Trở Về! Trở về đâu? Và tại sao
phải Trở Về? Tam Bảo là gì? Tại sao phải Quy Y Tam Bảo? Trụ Trì Ngũ
Giới là gì? Tại sao người Phật tử phải Trụ Trì Ngũ Giới? Đây là những
mấu chốt vô cùng quan trọng, nó có tính quyết định đến sự
bại-thành trong cuộc đời tu hành của người Phật tử, vì lẽ đó trong các
buổi Lễ Quy Y Tam Bảo hàng năm, Thượng Toạ Trụ Trì Thích Thiện Sơn
và Thượng Toạ Thích Từ Trí đều cặn kẽ giải thích, chỉ bày – nói đúng
hơn là khai thị cho các Phật tử, giúp cho mọi người ý thức rõ hơn
về hành động Quy Y của chính mình.
Một điều vô cùng hoan hỉ trong Lễ Quy Y Tam Bảo đầu
năm nay, BTC chùa Phật Huệ đã tặng cho các Phật tử một món quà vô
cùng quý báu, đó là bức tượng Đức Bổn Sư Thích Ca từ ngọc thạch. Sự
quý báu của món quà có lẽ là chuyện nhỏ, nhưng tấm lòng của các
Chư Tăng Ni chùa Phật Huệ dành cho các Phật tử thật là cao đẹp và đáng
ghi nhận biết nhường nào. Có thể coi đây là một phước duyên vô cùng
lớn mà các Phật tử Quy Y Tam Bảo lần này đã có được. Mặc dù không
nói thành lời, nhưng hình ảnh các Chư Tăng truyền trao bức tượng Đức
Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni giống như một thông điệp, một lời nhắn nhủ tới
các Phật tử: Các con đã nguyện Trở Về để nương tựa bên Đức Bổn Sư,
nay hãy cùng nhau đoàn kết và luôn thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ mà vững
bước trên những đoạn đường còn lại của cuộc đời...
Tượng Phật Ngọc Phật Thích Ca
món quà đầu năm dành cho các Phật tử Quy Y Tam Bảo
Sau phần trao quà, TT Thích Từ Trí đã có một thời
pháp gần gần một giờ đồng hồ để nói sâu hơn về tầm quan trọng của
việc Tam Quy và Trụ Trì Ngũ Giới...
Các Phật tử cung kinh đón nhận lễ
truyền thọ Tam Quy Ngũ Giới ngày 24.02.2013
Trước khi kết thúc thời pháp, TT Thích Từ Trí đã
thay mặt BTC chùa Phật Huệ ghi nhận sự nỗ lực và tinh thần tu học vượt
bậc của các Phật tử xa, gần trong suốt những năm qua. Thượng Toạ
cũng nhấn mạnh về tinh tấn và tiến bộ vượt trội của các Phật tử
trong suốt những kỳ sinh hoạt Phật sự, Pháp sự của chùa trong những
năm gần đây.
TT Thích Từ Trí cũng hy vọng rằng, trong những sinh
hoạt Phật sự và Pháp sự kế tiếp của chùa, các Phật tử sẽ cùng
nhau hoan hỉ về chùa đóng góp công sức và tu học để tạo thêm công
đức cho chính mình.
Lễ Rằm Thượng Nguyên – Ngày Hội Trở Về đã chính
thức khép lại vào lúc 20:30h ngày 24.02.2013.
Ghi nhận từ Lễ Hội Rằm tháng Giêng 24.02.2013 – Thiện
Lợi
Dưới đây là một số hình ảnh ghi lại trong lễ Rằm Tháng Giêng 24.02.2013
0 Kommentare:
Post a Comment