Cơm Chay |
Khi nói đến ăn chay, không ít người thường hay nghĩ ngay đó là món ăn dành cho các nhà Sư - Những người tu hành theo kiểu ép xác, khổ hạnh trong các Đền, Chùa, Miếu, Tự… Làm thế nào để hiểu và nhận diện ý nghĩa của việc Ăn Chay một cách chính xác, cho tới nay vẫn một vấn đề mang tính thời sự, gây nhiều sự tranh luận, bàn cãi cả trong Đạo lẫn Đời. Nhưng có một điều ai ai cũng đã dần dần phải nhận thấy: Từ nhiều thập niên tới nay, vấn đề Ăn Chay đang ngày càng được phổ cập hoá trong khuân hình của mọi xã hội (phương Đông và phương Tây), mặc dù hình thức Ăn Chay trong xã hội Đông-Tây vẫn còn có nhiều sự khác biệt, nhưng ý nghĩa tối thượng của Ăn Chay dường như đang dần dần qui về một mối: Tăng trưởng lòng từ bi đối với các chúng sanh; giảm bớt các ác báo nghiệp sát sanh; Giảm bớt sự tham đắm sắc dục và bệnh tật...
1. Ăn Chay làm tăng trưởng lòng từ bi với các chúng sanh
Trong Kinh Lăng Già Đức Phật Thích Ca đã nói với Ðại Huệ Bồ Tát như sau: "Những người ăn thịt đoạn hết hạt giống đại từ. Ta xem chúng sanh luân hồi trong sáu nẻo, đời đời làm cha mẹ anh em chồng vợ con cái lẫn nhau. Chúng sanh ăn thịt nhau, toàn là ăn thịt lục thân quyến thuộc của mình. Thế mà loài hữu tình mơ màng không biết, thường sanh lòng giết hại, làm cho nghiệp khổ thêm lớn, khiến nên mãi bị lưu chuyển trong đường sanh tử, không được thoát ly. Kẻ không ăn thịt, sẽ được vô lượng công đức tụ. Nếu tất cả mọi người không ăn thịt, thì không ai giết hại chúng sanh. Do có người ăn thịt tìm hỏi để mua, nên mới có kẻ vì cầu tài lợi giết chúng sanh để bán. Cho nên kẻ ăn thịt cùng người giết chúng sanh để bán thịt, cả hai đều có tội".
Ni Sư Thích Nữ Diệu Hạnh giới thiệu cách nấu món chay
Quán chiếu những lời Phật dạy thì từ vô lượng kiếp sanh tử tới nay chúng ta cũng đã từng, hoặc có vô số kiếp từng bị đọa xuống làm súc sanh, rồi cũng từng bị những chúng sanh khác banh da, xẻ thịt hoặc giết hại. Những nỗi khổ và đớn đau ấy chỉ có chúng ta – những kẻ bị giết hại lúc đó mới có thể cảm nhận được. Và điều chắc chắn khi chính mình bị kẻ khác xâm phạm, đày đoạ, đuổi cùng, giết tận ấy, không thể nói trong lòng chúng ta không mảy may không cảm thấy sợ hãi, oán giận và đớn đau. Đây cũng chính là điều mà Đức đã khuyến cáo và nhắc nhở: "Thế mà loài hữu tình mơ màng không biết, thường sanh lòng giết hại, làm cho nghiệp khổ thêm lớn, khiến nên mãi bị lưu chuyển trong đường sanh tử, không được thoát ly". Và Đức Phật nói: "Kẻ không ăn thịt, sẽ được vô lượng công đức tụ". Tại sao lại có công đức tụ? Phật chỉ ra rằng: "Nếu tất cả mọi người không ăn thịt, tất sẽ không ai giết hại chúng sanh". Không giết hại=không tạo ác nghiệp=không bị lưu chuyển trong đường sanh tử luân hồi. Bởi thế gian còn nhiều người muốn ăn thịt chúng sanh, nên thế gian vẫn còn những người tìm cách phải giết thịt chúng sanh để mưu cầu cuộc sống và danh lợi. Do vậy Phật mới kết luận: Kẻ ăn thịt và kẻ giết thịt chúng sanh, cả hai đều có tội.
Khi nói tới điều này, không ít người sẽ cười và bảo rằng: Cuộc đời ngắn ngủi, có bao thứ được tận hưởng, rượu ngon, thịt bổ tội gì không hưởng lạc; Hoặc: có những loài gia súc, sinh ra là để cho con người giết thịt. Nghĩa là: Số phận của loài súc sanh đó đã được định đoạt như vậy rồi; mình không ăn nó, không thịt, không giết hại nó thì cũng có người khác giết thịt. Vả lại hãy thử hình dung nếu những chúng sanh đó không bị giết thịt, vậy thì trái đất này lấy đâu ra chỗ để chứa những loài gia súc ấy…v.v. Nói như vậy là dùng sự suy xét giản đơn của người đời (người phàm), chứ không dựa trên cái lý của nhân-quả tuần hoàn mà Đức Phật thường nhắc nhở chúng ta. Điều này có thể lấy ngay chúng ta làm ví dụ: Ai sinh ra rồi cũng già, bệnh tật, rồi chết. Đó là quy luật sanh tử không thể chối từ. Các loài súc sanh cũng không lọt ra ngoài vòng quay đó. Phật nói: Ta là Phật đã thành, tất cả các chúng sanh là Phật sẽ thành. Nếu coi ta (chúng ta) là một chúng sanh=Phật; vậy thì tất cả các chúng sanh khác cũng đều là Phật tương lai cả. Bây giờ Phật-Phật hạ sát, giết thịt lẫn nhau để hưởng lạc, vậy thế gian này đâu còn thiên lý? Đâu còn những chuyện nhân quả báo ứng và sanh tử luân hồi nữa.
2. Ăn Chay là giảm ác báo của nghiệp sát sanh
Trong Kinh Niết Bàn có ghi lại như sau: "Tội sát sanh có ba bậc: thượng, trung, hạ. Nghiệp sát bậc hạ, là giết từ loài kiến cho đến tất cả bàng sanh. Người tạo tội nầy phải bị đọa vào tam đồ, chịu sự khổ về bậc hạ. Tại sao thế? Bởi loài nhỏ dù là con kiến, con muỗi cũng có chút căn lành, nếu giết nó thì phải chịu tội báo. Nghiệp sát bậc trung là giết từ phàm phu trong loài người cho đến bậc A Na Hàm. Người tạo tội nầy phải bị đọa vào địa ngục, ngạ quỉ, bàng sanh, chịu sự khổ về bậc trung. Nghiệp sát bậc thượng là giết từ cha mẹ cho đến bậc A La Hán, Bích Chi Phật. Người tạo tội nầy, phải bị đọa vào đại địa ngục A Tỳ, chịu sự khổ về bậc thượng".
Như vậy cả ba nghiệp sát sanh: Thượng-Trung-Hạ đều là những nguyên nhân để dẫn đến những nghiệp báo sau này cả. Những nghiệp quả nặng hay nhẹ, nhiều hay ít, lành hay dữ… vốn tuỳ thuộc vào những nghiệp sát sanh trước đây mà tính đếm. Câu nói:
Rằng ai muốn biết nhân xưa
Xét xem hoàn cảnh bây giờ chịu đây
Muốn biết quả báo sau nàyXét điều tội phước ta nay đang làm.
Dường như đã nói lên tất cả và đáng để chúng ta phải suy ngẫm.
Ni Sư Thích Nữ Diệu Hạnh và Ni Sư Thiền Châu đang chuẩn bị món ăn
3. Ăn Chay để giảm bớt sự tham đắm dục lạc và tật bệnh
Điều này nếu suy ngẫm đôi chút tất ai trong chúng ta cũng đều dễ dàng nhận ra. Khi cuộc sống của con người còn quá khó khăn, vất vả. Những bữa ăn hàng ngày vốn rất thanh đạm, thường chỉ có rau, dưa hay những loại hoa quả thực vật khác… tâm của con người thời ấy dường như tịnh khiết hơn và hiền lương hơn. Nhiều người sẽ bảo: Ăn khổ quá, người thiếu đủ thứ chất, lo tồn tại không xong, còn hơi đâu để suy ngẫm chuyện thế thái nhân tình khác. Thực tế không phải vậy. Bởi ăn khổ hay ăn sướng con người vẫn phải suy nghĩ và hành động. Tuy nhiên, khi những bữa ăn thanh đạm được dần dần thay thế bằng những bữa ăn thịt-cá, rồi nâng cấp đến những bữa ăn đầy đủ các sơn, hải vị... (ăn mặn) khác thì những suy nghĩ và hành động của con người lúc này sẽ không còn thanh tịnh và hiền lương như thủa còn nghèo khó nữa. Nguyên nhân: Những thức ăn mặn đã kích thích sự thụ hưởng dục lạc trong thân thể của con người, từ sự kích thích ấy buộc con người phải không ngừng suy nghĩ, tạo ra mọi phương tiện, của cải, vật chất để đáp ứng cho sự hưởng thụ những dục lạc đó. Dục lạc càng lớn thì các nghiệp (thân-khẩu-ý) càng thêm nặng và trầm trọng. Đây cũng chính là nguyên nhân tại sao thời nay tội ác, tật bệnh xảy ra càng nhiều, và mức độ mỗi lúc càng thêm gia tăng và nghiêm trọng hơn.
Những giây phút hoan hỉ khi một món ăn được hoàn tất
Sẽ có nhiều người bảo: Đành biết là thế, nhưng mình không ăn thịt chúng sanh thì người khác cũng ăn; Vả lại bao đời nay ăn mặn, rồi ngày ngày bia, rượu, thịt, cơm gà, cá gỏi… nó quen mất rồi, giờ chuyển sang ăn chay, mồm miệng khô khốc như nhai rơm; Rồi ăn chay không đủ chất, lấy đâu ra sức để học tập, lao động…. Hơn thế, nhiều người ăn chay, người ngợm, mặt mũi xanh rờn như tàu lá, sống thế nào được. Những kiến định trên không phải không có cơ sở, tuy nhiên nó mới chỉ dừng lại ở những kiến định mang tính cá nhân, thiếu sự xét đoán sâu sắc. Nghĩa là: nhìn vào thói quên, tập tục xa xưa, sự thất bại của người xung quanh, rồi lấy đó làm động cơ cho chính mình.
Thực ra ăn chay vốn không hề làm giảm sức khoẻ và trí tuệ như nhiều người thường suy luận và lo sợ. Vậy thực chất của Ăn Chay là gì? Làm thế nào để mọi người thực hiện Ăn Chay mà không ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt cá nhân, gia đình và xã hội? Đây là một đề tài vô cùng lớn và phong phú và cũng vô cùng quan trọng, bởi người Ăn Chay phải ý thức được: Ăn Chay để làm gì? Ăn Chay như thế nào mới đúng? Làm thế nào để Ăn Chay trở thành những nét đẹp trong sinh hoạt, ăn uống trong từng cá nhân và mọi nhà…
Xuất phát từ những ý nghĩa tối thượng trên mà từ hơn 4 năm nay, hàng năm tại Chùa Phật Huệ, đường Hanauer Landstr.443, 60413 Frankfurt am Main Germany, Ni Sư Thích Nữ Diệu Hạnh, Trụ trì Chùa Phật Bảo Barntrup đều tổ chức những khoá dạy học "Nấu Đồ Ăn Chay + Phương Pháp Định Tâm" để tạo những cơ duyên cho tất cả đại chúng người Việt cũng như người bản xứ có được cơi hội tham gia, học hỏi và nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc Ăn Chay trong cuộc sống đời thường.
Trong khoá học và hướng dẫn "Nấu Đồ Ăn Chay + Phương Pháp Định Tâm" tổ chức vào lúc 11:00 giờ đến 14:30 giờ ngày thứ bảy, 05.11.2011 tại chùa Phật Huệ lần này đã có gần 20 người Đức tham gia.
Sau đôi phút giới thiệu và làm quen, Ni Sư Thích Nữ Diệu Hạnh đã giới thiệu đôi nét sơ lược về Chùa Phật Huệ, về ý nghĩa quan trọng của việc Ăn Chay trong cuộc sống thường nhật, đặc biệt là trong cuộc sống của thời công nghiệp hiện đại này nay… Kế đó Ni Sư Thích Nữ Diệu Hạnh đã cùng với các Chư Tăng Ni Chùa Phật Huệ đã giới thiệu cho các khách chúng người Đức hiểu tường tận về những gia liệu, cách thức để chế biến những món Ăn Chay đơn giản, nhưng cũng vô cùng cầu kỳ và quan trọng hơn cả là vẫn giữ được nét độc đáo – Những món ăn truyền thống mang đậm hình ảnh của dân tộc Việt nhưng cũng mang đầy hương vị thanh tao của văn hoá Đạo Phật.
Sau hơn hai tiếng được chứng kiến tận mắt, lại được sự hướng dẫn tận tình của Ni Sư Thích Nữ Diệu Hạnh cùng sự hỗ trợ đắc lực của các Chư Tăng Ni trong chùa Phật Huệ, các khách chúng người Đức đã tự tạo được cho mình những món Ăn Chay rất đơn giản, nhưng lại rất đẹp mắt và thơm ngon. Rồi lại tự thưởng thức những món ăn do chính bàn tay mình vừa tạo ra.
Nhìn gương mặt các khách chúng người Đức khi thưởng thức những món Ăn Chay vừa đẹp mắt, vừa thơm ngon, nóng, ròn được các Chư Tăng Ni lần lượt chuyển ra, mặc dù không hỏi, nhưng ai cũng có thể nhận ra được sự rạng rỡ, vô cùng hoan hỉ và sự cảm thụ tinh thông những món Ăn Chay đặc sắc này.
Khoá dạy "Nấu Đồ Ăn Chay" đã được khép lại sau gần 2 tiếng thực hành và thưởng thức những món ăn do chính mình tạo ra. Các chúng khách người Đức hoan hỉ bước vào Chánh Điện để Ni Sư Thích Nữ Diệu Hạnh hướng dẫn thêm về cách Toạ Thiền và Phương Pháp Định Tâm nhằm giảm bớt những áp lực trong cuộc sống sinh hoạt trong gia đình cũng như cuộc sống lao động đời thường.
Đúng 14:30 giờ cùng ngày, các chúng khách người Đức đã chia tay và ra về trong tâm trạng thực sự hoan hỉ và an lạc.
Hy vọng những món Ăn Chay mang đậm quốc hồn, quốc tuý của dân tộc, đặc biệt là những nét đẹp thanh tao của văn hoá Đạo Phật sẽ mãi mãi in đậm, nhân rộng trong lòng khách chúng người Đức và trong lòng người con dân đất Việt.
Để đại chúng cùng được thưởng thức những món Ăn Chay đơn giản nhưng cũng rất kỳ công và hấp dẫn này, Ban Tri Sự Chùa Phật Huệ xin đăng tải cụ thể những giản liệu và cách thức nấu ăn, trình bày để quí vị cùng có cơ hội thưởng thức những món Ăn Chay này.
Các món ăn gồm: Phở; Gỏi cuốn bánh phồng tôm; Chả giò chiên; Cơm gạo tẻ với đậu hũ chiên nước sốt gừng
1. Món Phở
Gia liệu: Củ cải trắng; Xu hào; Đậu rá; Hành củ; Hành lá; Rau ngò; Húng quế; Cà rốt; Gừng; Quế; Hoa hồi, Bánh phở; Ớt tươi; Chanh tươi; Súp rau xanh; Dầu thực vật.
Chuẩn bị: Đổ hai lít nước vào nồi. Kế đó cho củ cải trắng, xu hào và cà rốt đã gọt vỏ sẵn, thái nhỏ, cho vào nồi, luộc chín, kế đó hầm nhừ, nhỏ lửa. Trong lúc chờ hầm nồi nước phở, ngâm bánh phở trong nước ấm. Gừng tươi sát mỏng, thái vừa nhỏ, quế, hành củ thái mỏng, cùng hoa hồi, kế đó nướng trên mặt bếp cho tới lúc có màu nâu đen (lưu ý: không bị cháy đen).
Sau 15-20 phút, cho các gia vị vừa nướng cùng gia vị phở, muối, súp rau xanh và dầu thực vật vào vào nồi nước phở đang hầm, rồi nếm nước gia vị. Nếu nước gia vị đạt yêu cầu, đun tiếp nồi nước phở khoảng chừng 5 phút nữa.
Trong lúc chờ nước phở, đổ nước vào một nồi khác, đun sôi, sau đó cho bánh phở đã ngâm sẵn trong nước ấm vào nồi nước đang sôi, luộc bánh phở chừng 10 phút, kế đó phải đổ bánh phở vào một chiếc rá, để bánh phở ráo nước.
Chuẩn bị ăn: Nếm lại nước phở. Kế đó thái nhỏ rau ngò, húng quế, hành lá để chuẩn bị cho bữa ăn. Khi nồi nước phở đạt yêu cầu, cho bánh phở vào bát, cho rau gia vị đã thái nhỏ cùng rá đỗ lên trên bánh phở, rồi chêm nước dùng vào bát. Để bát phở được thơm, ngon theo ý muốn, quí vị có thể dùng thêm chanh, ớt vắt thêm vào bát nước phở.
2. Chả giò chiên
Nguyên liệu:
1. Bánh tráng (bánh đa nem)
2. Mộc nhĩ (nấm tai mèo)
3. Một bìa đậu hũ (đậu phụ)
4. 500g cà rốt
5. 800g bắp cải trắng
6. Hành khô, chiên sẵn
7. 25g miến
8. Hai muỗng đường
9. Một chút hạt tiêu
10. Hai muỗng dầu thực vật
11. Hai muỗng bột canh Đài Loan
Chuẩn bị:
Mộc nhĩ và miến ngâm trong nước sôi khoảng 20 phút. Trong khi chờ đợi, thái nhỏ cà rốt và bắp cải trắng thành sợi dài. Rán bìa đậu hũ, kế đó để nguội rồi bóp nhỏ. Mộc nhĩ và miến thái, cắt nhỏ rồi cho các gia vị vào chậu, trộn đều.
Cuốn bánh tráng:
Bánh tráng để lên một vỉ nhựa khô, kế đó cho nhân vào giữa bánh tráng rồi cuốn tròn lại. Cuốn xong, cho lên chiên ròn cùng dầu.
3. Cơm gạo tẻ cùng đậu hũ chiên với nước sốt gừng
Nguyên liệu:Đậu hũ; Gừng; Hạt mè trắng; Nước tương; Đường; Dầu; Tỏi tây và hành lá.
Chuẩn bị:
- Cơm nấu sẵn.
- Đậu hũ thái thành từng lát hoặc hình hộp nhỏ, kế đó cho dầu vào chảo, chiên ròn. Khi chín vàng, vớt ra, để ráo dầu rồi xếp lên đĩa.
- Hành lá, tỏi tây thái nhỏ, sào với dầu, nêm chút gia vị lên cho thơm.
- Gừng giã nhỏ, cho vào bát, pha với nước tương, chanh, đường.
- Múc cơm và xếp đậu chiên lên đĩa. Cho hành lá cùng tỏi tây đã sào thơm lên trên cơm, rắc hạt mè đã rang chín, rồi thưởng thức cùng với nước sốt gừng.
4. Gỏi cuốn bánh phồng tômNguyên liệu: Bánh phồng tôm; Cà rốt; Bắp cải trắng; Chanh tươi; Đường, Muối; Hành; Rau bạc hà; Gừng; Dầu ô lưu; Dầu mè; Rong biển.
Chuẩn bị:
- Bánh phồng tôm chiên sẵn.
- Các loại rau xanh rửa sạch và thái dạng sợi nhỏ, kế đó trộn lẫn cùng các gia vị có sẵn rồi nêm thử cho đạt yêu cầu rồi thưởng thức cùng với bánh phồng tôm.
Trên đây là những món Ăn Chay đơn giản lại dễ thực hiện, nhưng cũng không kém phần tinh khiết. Hy vọng những món ăn này sẽ góp phần tạo nên những món Ăn Chay thông thường trong mỗi gia đình người Việt cũng như trong những dịp hội hè, hay lễ Tết.
Để biết thêm về những món Ăn Chay và cách chế biến, quí Phật tử có thể liên lạc trực tiếp với Ni Sư Thích Nữ Diệu Hạnh qua số điện thoại:
Telefon: 069-48449812 / 069-48449819
hoặc liên lạc theo địa chỉ hòm thư điện tử của Chùa Phật Huệ:chuaphathue2010@yahoo.com
0 Kommentare:
Post a Comment