Pages

15 March 2019

7 LỜI KHUYÊN CỦA HOÀ THƯỢNG TỊNH KHÔNG


Tâm niệm Phật là tâm thanh tịnh. Khi niệm Phật khởi vọng tưởng (vọng niệm), tâm chẳng thanh tịnh. Chúng ta niệm Phật để tu điều gì? Tu tâm thanh tịnh. Quý vị phải hiểu rõ đạo lý này. Do vậy, người niệm Phật phải thấy thấu suốt và buông xuống thân tâm, thế giới, bớt một phần tham luyến, bớt một phần chấp trước, sẽ nắm vững vãng sanh thêm một phần. Điều này rất quan trọng...


"Nhìn Thấu, Buông Xả, Tự Tại, Tùy Duyên, Niệm Phật"

1. Duyên hợp duyên tan, khi hợp thì không sanh tham luyến, khi tan thì cũng không bi thương, mãi mãi gìn giữ tâm bình thường của bạn. Bình là bình đẳng, không khởi sóng động, thường là vĩnh viễn giữ gìn cái tâm bình lặng đó của bạn, tâm thanh tịnh không khởi sóng động, trong nhà Phật có một danh từ gọi là Tam muội (chánh định), cũng gọi thiền định. Cho nên thiền định không nhất định ngồi chéo chân quay mặt vào vách, thiền định chân thật chính là mỗi giờ mỗi phút đều giữ gìn tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, đó là chánh định, nên gọi là đi đứng nằm ngồi đều ở trong định. Vào được cảnh giới này, trong Phật Pháp gọi là Thánh Nhân, đó là Phật Bồ Tát, vậy thì không phải là người thông thường. Người thông thường luôn là có tâm tư, tâm tư luôn là không tránh khỏi tham-sân-si-mạn, những phiền não này đang làm chủ.

2. Phiền não tập khí quá sâu, quá nặng, chẳng thể sửa đổi trong một sớm, một chiều, nhưng nhất định phải thay đổi. Thay đổi là gì? Mỗi năm một nhẹ hơn, mỗi tháng một nhẹ hơn, đó là hiện tượng tốt. Nếu hoàn toàn chẳng thay đổi, chắc chắn vãng sanh bị chướng ngại. Nếu càng học Phật, càng ngạo nghễ, ngã mạn, càng cảm thấy chính mình phi phàm, phiền phức lớn lắm, chẳng những không thể vãng sanh, mà sợ rằng trong đời này, còn chuốc phải ma chướng. Vì thế, đối với chúng sanh phải cung kính.

Đối với hết thảy các thứ văn hóa, nghệ thuật trong thế gian phải buông xuống, những thứ ấy là chuyện để sướng mắt khoái lòng trong thế gian, tăng trưởng cái tâm tham, tăng trưởng sự si luyến của con người. Vì thế, phải buông xuống, chớ nên chấp trước (dính mắc). Có thể xem, nhưng quyết định đừng chấp trước. Một bức danh họa, một tác phẩm nghệ thuật, một món đồ cổ mấy ngàn năm, trong nhà quý vị cất giữ những món đồ quý báu. Thôi rồi! Lòng quý vị vướng mắc nơi đó, sẽ chẳng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới được đâu! A Di Đà Phật đến tiếp dẫn quý vị, quý vị còn vương vấn đồ cổ, làm sao đi được? Vậy là không xong rồi! Vì thế, người học Phật đối với hết thảy các pháp trong thế gian chớ nên yêu mến, hễ có món gì yêu mến sẽ đều là chướng ngại. 

3. Tâm thanh tịnh của chúng ta, tâm từ bi của chúng ta vĩnh hằng không thay đổi, phải làm cho nó ngày ngày thêm lớn, mỗi năm tăng trưởng; nguyện của chính mình, bổn nguyện thanh tịnh, vì tất cả chúng sanh phục vụ, mỗi niệm vì người khác không vì chính mình, phải vĩnh hằng mà kiên trì. Đó gọi là trị gốc. Cái thế gian này tai nạn có nhiều hơn, bạn cũng không nhiễm phải, vì sao vậy? Bạn không có tạo cái nghiệp này. Ôn dịch cũng là oan nghiệp, bạn không kết với chúng cái nghiệp này thì chúng sẽ không tìm bạn, bạn cùng với những chúng sanh kết cái oán này thì họ sẽ tìm đến bạn, đó là cảm ứng tương thông, không sót mảy trần. Chúng ta thường hay tụng kinh niệm Phật hồi hướng cho tất cả chúng sanh khổ nạn, chúng không thể chuyển, chúng ta hồi hướng cho chúng là trị ngọn, chính chúng ta thì phải trị gốc, chúng ta không có gốc thì chúng ta không có đủ sức mạnh để trị ngọn, rất khó có ra hiệu quả. Chính chúng ta chân thật có tu hành, chân thật quay về thanh tịnh, vậy thì hồi hướng của chúng ta đích thực sẽ sanh ra sức mạnh, sẽ có sự giúp đỡ đối với xã hội. 

4. Tâm của bạn không thanh tịnh, tâm không lương thiện thì bạn chắc chắn không thể vãng sanh, bạn phải ghi nhớ. Không thể nói niệm Phật thì có thể vãng sanh, không hề có việc dễ dàng như vậy.
Niệm Phật là phương tiện. Phải niệm đến tiêu chuẩn nào thì mới có thể di dân qua được? Phải niệm đến tâm thanh tịnh, tâm từ bi. Tâm thanh tịnh và tâm từ bi đều là chân tâm. Tâm địa của bạn không thanh tịnh, tâm địa không từ bi, người xưa nói, cho dù bạn một ngày niệm mười vạn danh hiệu Phật, có câu là: "Đau mồm rát họng cũng chỉ uổng công". Đây chính là người thông thường nói: "Tu học nhà Phật là trọng thực chất, không trọng hình thức", hình thức không quan hệ gì. Thực chất là gì? Tâm thanh tịnh, tâm từ bi của bạn. Chúng ta tổng hợp Kinh Giáo Đại Thừa dạy bảo chúng ta, chúng ta viết hai mươi chữ: "Chân Thành, Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Chánh Giác, Từ Bi"; "Nhìn Thấu, Buông Xả, Tự Tại, Tùy Duyên, Niệm Phật". Quả nhiên chúng ta đầy đủ những điều kiện này thì chắc chắn vãng sanh, khi lâm chung một niệm - mười niệm đều được sanh. Cho nên, làm việc, đối nhân xử thế tiếp vật ngay trong cuộc sống thường ngày, chúng ta phải dùng tâm chân thành, phải dùng tâm thanh tịnh. Chân thành thì chắc chắn không có hư ngụy, chắc chắn không có hư giả. Tâm thanh tịnh thì chắc chắn không có vọng tưởng (vọng niệm), phân biệt, chấp trước (dính mắc). Có chấp trước thì không thanh tịnh, có phân biệt thì không bình đẳng, có vọng tưởng thì không chân thành. Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng chính là thảy đều đoạn hết vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. 

5. Chúng ta niệm A Di Đà Phật, niệm A Di Đà Phật là phương pháp tu định, điểm này các bạn nhất định phải hiểu cho rõ ràng. Sự tu hành của Phật Pháp, bất kể Đại Thừa, Tiểu Thừa, Tông môn, Giáo Hạ, Hiển giáo, Mật giáo, tất cả đều là tu thiền định, pháp môn nào cũng không thể lìa khỏi Giới Định Huệ. Định là điểm then chốt của tu hành. Nếu như phương pháp tu học của họ mà trái ngược với giới định huệ, đây chắc chắn không phải Phật Pháp. Nếu như là Phật Pháp, bất kể pháp môn nào, nhất định là tương ưng với giới định huệ, chỉ là phương pháp tu giới định huệ không giống nhau, cách thức không như nhau, nhưng phương hướng và mục tiêu chắc chắn là nhất trí. Đây là Phật Pháp. Cho nên, Kinh Điển Phật Pháp gọi là tam tạng Kinh-Luật-Luận, sao có thể trái ngược tam tạng? Tương ưng với tam tạng, đó là phước huệ song tu. Một câu A Di Đà Phật này, bạn niệm đến tâm địa thanh tịnh, tham sân si mạn không khởi, đây là huệ, bên trong có định, có huệ. Bạn đem tâm đại từ bi ở trong tự tánh thanh tịnh của mình niệm ra rồi. Nếu như nói cạn một chút, đây là đem Từ Bi Hỷ Xả, Tứ Vô Lượng Tâm ở trong tâm tánh của mình niệm ra rồi. Đây là phước báo. Thiên nhân Sơ Thiền đã đem Từ Bi Hỷ Xả niệm ra rồi.Càng lên trên nữa thì Tứ Vô Lượng Tâm này sẽ càng là đích thực vô lượng. Không cần người khác mời gọi, vẫn toàn tâm toàn lực vì chúng sanh phục vụ. Khởi tâm động niệm, lời nói việc làm, không có gì không phải vì lợi ích chúng sanh, giúp đỡ chúng sanh lìa khổ được vui, đây là tu phước. Chúng ta niệm Phật, cách niệm này mới gọi là phước huệ song tu, mới có thể thọ dụng được đất phước của Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Bản thân chúng ta có phước, đất phước người phước ở. Người có phước mới có thể vãng sanh Thế giới Cực Lạc, người không có phước không thể vãng sanh. Nghĩ đến chỗ này chúng ta mới hiểu rõ, biết mình cần phải làm như thế nào.
6. Nếu như bạn tu hành không thể thành tựu, hay nói cách khác, ý niệm tự tư tự lợi bạn không thể quên đi, danh vọng lợi dưỡng, tham-sân-si-mạn không hề xả bỏ. Vì sao vậy? Bên trong chỉ cần có những thứ này tồn tại, bên ngoài hoàn cảnh nhân sự sẽ nhiễu loạn bạn, chướng ngại bạn, hoàn cảnh vật chất cũng sẽ quấy nhiễu bạn, cũng sẽ chướng ngại bạn, vậy thì bạn không thể thành tựu. Nếu như bên trong bạn thanh tịnh, thì người và sự vật bên ngoài quấy nhiễu đều không khởi được tác dụng. Phàm hễ bạn bị quấy nhiễu từ bên ngoài là do bên trong có nội tặc, có nội ứng. Nếu bên trong không có nội ứng thì thế lực bên ngoài có lớn hơn, nó cũng không có cách nào quấy nhiễu bạn. Nội tặc của chúng ta chính là phiền não, chính là phải quấy nhân ngã, tham-sân-si-mạn không thể buông xả. Cho nên sóng động nho nhỏ bên ngoài mà chúng ta không thể giữ vững thì liền bị chướng ngại. Đây là nguyên nhân khiến chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay, đời đời kiếp kiếp tu hành không thể thành công. Ngay trong đời này bạn tường tận rồi, có thể đem nhân tố không thể thành công này tiêu trừ đi, con đường vãng sanh Tịnh Độ của bạn chẳng phải không có chướng ngại hay sao? Ổn định, vững vàng, thuận lợi, bền chắc thì thành tựu rồi.

Thân thể này của chính mình vẫn chưa rời khỏi, tận lượng đem pháp môn niệm phật này giới thiệu cho người khác. Chúng ta hy vọng chính mình vãng sanh Cực Lạc, luôn là muốn dẫn thêm nhiều người cùng đi. Nếu chỉ có một mình ta đi đến bên đó thì thật là hổ thẹn, cho nên dẫn được càng nhiều người thì càng thù thắng. Dẫn đi bằng cách nào? Trước tiên chính mình phải y giáo phụng hành. Đây là khuyên bảo người khác phải dùng thân giáo, còn chính ta phải thật làm thì người khác mới chịu tin tưởng. Ta chính mình không thể y giáo phụng hành, dùng lời nói để khuyên người khác, người khác chưa chắc tin tưởng, “Anh nói được hay như vậy, tại vì sao anh không làm? Anh bảo tôi làm, tại vì sao anh không làm?”, họ sẽ nghi hoặc. Vì vậy bạn làm rồi thì mới nói, như vậy thì mọi người không có lời gì để nói, chân thật có thể khuyên người. Cho nên, ý niệm bố thí cúng dường mỗi giờ mỗi phút phải có, không thể không có cái tâm này, không thể không có cái ý niệm này. Nếu nói được rõ ràng hơn một chút, ý niệm tận tâm tận lực giúp đỡ người khác. Quan trọng nhất ngay trong tất cả giúp đỡ, pháp cúng dường là cao nhất.

Trong "Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm" nói được rất rõ ràng, rất tường tận: "Bố thí bảy báu đại thiên thế giới đều không sánh bằng cúng dường pháp bốn câu kệ". Vì sao vậy? Cúng dường pháp có thể khiến cho chúng sanh giác ngộ. Cúng dường tài có nhiều hơn, họ không thể giác ngộ, họ không đạt được lợi ích chân thật, hay nói cách khác, họ không thể ra khỏi sáu cõi luân hồi, không thể ở ngay trong một đời này thành Phật, không thể ở ngay trong một đời giải thoát, vậy thì sự cúng dường đó không phải là chân thật. Đạo lý này chúng ta nhất định phải hiểu. Cho nên, chúng ta phải biết tu pháp cúng dường. Pháp cúng dường chính là đem Kinh Điển này (Kinh Vô Lượng Thọ), phương pháp tu hành này (pháp môn niệm phật) giới thiệu cho người khác. Người khác không tiếp nhận cũng không hề gì, một lần không tiếp nhận thì mười lần, mười lần không tiếp nhận thì một trăm lần, một ngàn lần, một vạn lần, đến sau cùng cũng sẽ miễn cưỡng tiếp nhận.

Một câu A Di Đà Phật chúng ta niệm đến cùng, quyết không thay đổi. Chúng ta làm như vậy và cũng dạy người khác làm như vậy. Niệm câu Phật hiệu này nhất định có chỗ tốt. Họ hỏi bạn: "Tốt ở chỗ nào vậy?". Nếu có thể nói thì nói cho họ nghe, còn không thì bạn có thể nói với họ: "Bạn cứ niệm đi thì nhất định có chỗ tốt, sau này bạn chính mình sẽ biết được”, vậy thì được rồi. Lời nói này đều là thật, không hề giả chút nào. 

7. Người tu Tịnh Độ phải đặc biệt chú ý tâm tịnh. Tu điều gì? Tu tâm thanh tịnh. Tâm tịnh, ắt cõi Phật sẽ tịnh.

Tâm thanh tịnh là gì? Trong tâm có phiền não bèn chẳng thanh tịnh. “Phiền não” chỉ thất tình, ngũ dục, tham, sân, si, mạn, có thị phi (phải quấy), nhân ngã (ta người), có phân biệt, chấp trước (dính mắc) là chẳng thanh tịnh! Tâm thanh tịnh khó lắm! Tuy khó, chẳng thể không tu! Dẫu cho thời gian giữ được thanh tịnh không dài, nhưng hằng ngày quý vị phải đạt thanh tịnh trong một thời gian ngắn. Cái tâm niệm Phật là tâm thanh tịnh. Trong tâm quý vị chỉ có một câu A Di Đà Phật, đó là tâm thanh tịnh. Một câu Phật hiệu tương ứng với đại nguyện lực của Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật. Quý vị phải nhớ: Tâm niệm Phật là tâm thanh tịnh. Khi niệm Phật khởi vọng tưởng (vọng niệm), tâm chẳng thanh tịnh. Chúng ta niệm Phật để tu điều gì? Tu tâm thanh tịnh. Quý vị phải hiểu rõ đạo lý này. Do vậy, người niệm Phật phải thấy thấu suốt và buông xuống thân tâm, thế giới, bớt một phần tham luyến, bớt một phần chấp trước, sẽ nắm vững vãng sanh thêm một phần. Điều này rất quan trọng.
Tác giả: Pháp sư Tịnh Không

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites