Hằng năm,khi các loạt pháo hồng liên hồi nổ, người
con Phật bắt đầu lên chùa lễ Phật đầu năm. Giờ phút ấy, trước Điện
Phật khói nhang nghi ngút nhưng chúng ta không thể không bắt gặp tượng Đức
Phật Di Lặc với nụ cười tươi thắm trên môi. Chúng ta cũng được biết
ngày mồng một Tết là ngày Vía của Ngài. Có ý nghĩaa gì về nụ cười
và ngày Vía của Phật Di Lặc trong ngày Tết dân tộc?
Đức Di Lặc được thờ qua ba hình tượng:
- Tượng Ngài ngồi một mình, áo hở ngực, bụng phệ.
- Tượng Ngài ngồi như trên nhưng chung quanh Ngài có 6 em
bé - tượng trưng cho Lục tặc.
- Tượng Ngài đứng, tay vác bị lớn, tượng này được gọi
là Bố Đại Hòa Thượng (hoá thân của Ngài ở Trung Hoa).
Di Lặc, tiếng Phạn là Maitrya, theo nghĩa dịch là Từ Thị.
Di Lặc là họ, còn chính tên là A Dật Đa (Aadjita), dịch là Vô Năng Thắng.
Ngài thuộc dòng dõi Bà La Môn, Nam Thiên Trúc (Ấn Độ).Theo kinh Di Lặc thì
Đức Phật Thích Ca thọ ký Ngài là vị Phật tương lai ở cõi Sa Bà này
và hội của Ngài là Hội Long Hoa. Cho nên khi lễ Ngài chúng ta thường
xưng "Nam Mô Long Hoa Giáo Chủ Di Lặc Tôn Phật" hay " Nam Mô
Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật".
Ngày đầu một năm thật quan trọng. Tất cả mọi việc làm,
cử chỉ phải thật nhẹ nhàng, thận trọng. Từng lời ăn, tiếng nói phải
vui vẻ, hòa nhã. Tập quán đó để nói lên lòng ao ước một năm an vui, cát
tường. Trong bối cảnh của ngày Xuân như thế, Đức Phật Di Lặc đến với
chúng ta với nụ cười vui tươi thì thật đầy ý nghĩa.
Trước hết, nụ cười của Ngài là bài học quý báu về
đức hỷ, xả trong đạo Phật. Có hỷ, xả chúng ta mới nở nụ cười
vui tươi chân thật, hạnh phúc. Có hạnh phúc thì cuộc sống mới có ý
nghĩa và thật đáng sống.
Hỷ tức là vui theo việc làm tốt của người, danh từ Phật
học gọi là "Tùy hỷ công đức". Thông thường chúng ta hay có chứng
bệnh "trầm kha": Thấy ai hơn mình, như đẹp hơn, giàu hơn, học
giỏi hơn..., thì sinh tâm đố kỵ, ghen ghét, không vui. Chính chứng bệnh
này đã làm cho nụ cười đầu Xuân héo đi và thay vào đó khuôn mặt ủ
rũ chiều thu. Muốn chữa căn bệnh đó chúng ta phải luôn luôn tâm niệm:
Thí dụ trong xóm có một người bạn học giỏi hơn thì ta mong có thêm
hai, ba, bốn,... bạn học giỏi hơn ta. Như thế thì trình độ dân trí sẽ
cao và cuộc sống cũng theo đó mà phát triển. Nếu ngược lại, nghĩa là
chúng ta không vui theo, thì chúng ta không những tự hành hạ chúng ta, tự
cô lập chúng ta mà vô hình trung chúng ta đã ngăn chận bước tiến của
nhân loại. Một lỗi lầm thật to lớn. Nếu hiểu được như thế thì nụ
cười tự nhiên vui tươi nở trên môi bạn và đó là mùa Xuân rồi đó.
Không cần phải gỡ hết 365 tờ lịch mới là ngày Xuân.
Xả tức là bỏ, bỏ tất cả những điều phiền muộn do
người tạo ra cho ta. Nếu chúng ta không xả được những điều phiền muộn
ấy thì cũng như chúng ta không tiêu hóa được cặn bã của thực phẩm
trong cơ thể. Do đó chúng ta chỉ cứ than thân trách phận. Suy cho cùng, sở
dĩ chúng ta ôm ấp những điều phiền não đó là vì chúng ta từ vô thủy
kiếp đến nay cứ chấp có cái TA đáng yêu, cái TA chân thật, thường tồn
cho nên nếu ai đụng đến, nói xấu...,thì chúng ta sinh ra buồn rồi ôm mối
hận. Hình ảnh Đức Di Lặc với 6 em bé (Lục tặc) cho thấy rằng: Muốn
chiến thắng ngoại cảnh, nhứt là nghịch cảnh, chúng ta phải thực hành
pháp quán "Chư pháp vô ngã". Khi quán được các pháp đều vô ngã
thì ta thấy không có ai gây ra hành động và cũng không có ai thọ lãnh
hành động đó cả, cả bản thân của hành động đó cũng chỉ là hư ảo.
Trong kinh Pháp Cú, Phật dạy:" Người kia lăng mạ tôi, đánh đập tôi,
phá hoại tôi và cướp đoạt của tôi. Ai còn ôm ấp tâm niệm ấy thì sự
oán giận không thể nào dứt hết". Oán giận không dứt hết thì ngay
đến cành mai tronh ngày Xuân cũng úa tàn chứ đừng nói gì đến nụ cười
trên môi.
Chính nhờ nụ cười hỷ xả này mà người phương Tây đã
tặng Đức Di Lặc (qua hình ảnh Bố Đại Hòa Thượng) một từ ngữ khiêm
tốn, giản dị:" Người Trung Hoa hạnh phúc". Không phải cuộc sống
trong đạo, mà ngay ngoài đời, nụ cười giữ một vị trí rất quan trọng,
nên ông Fletcher đã nói:" Nụ cười bồi dưỡng kẻ mệt nhọc, là
hình ảnh bình minh cho kẻ ngã lòng, là nắng Xuân cho kẻ buồn rầu, và
là thuốc mầu nhiệm nhất của tạo hóa để chữa lo âu".
Ngày mồng một Tết là ngày mà chúng ta hoạch định
chương trình cho một năm tới. Lễ Vía Phật Di Lặc trùng với ngày đầu
tiên của một chương trình sống 365 ngày là để nhắc nhở chúng ta phải
thực hành đức hỷ xả để hướng đến một đời sống an vui, hạnh phúc.
Tương lai, chắc chắn chúng ta sẽ được gặp Phật Di Lặc trong Hội Long
Hoa. Đó cũng là mùa Xuân mà Đức Phật đã tặng chúng ta trong ngày Xuân,
ngày Xuân của bất sanh, bất diệt:
- "Mạc vị Xuân tàn, hoa lạc tận,
- Đình tiền tạc dạ nhất chi mai"
- (Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết,
- Đêm qua sân trước một nhành mai).
- (Mãn Giác Thiền sư)
- (Nguồn: http://www.buddhismtoday.com/viet/xuan/008-conson.htm)
0 Kommentare:
Post a Comment