Pages

21 February 2017

QUY SƠN CẢNH SÁCH - PHẦN I

biết rõ cuộc đờivô thường, mạng sống chỉ trong hơi thở, phải nổ lực tiến tu, chẳng lẽ ngồi chơi nhàn nhã cho qua ngày tháng, chẳng là ngu dại lắm ư!
 
 
 
 
 
QUI SƠN CẢNH SÁCH
Thiền Sư Linh Hựu
Hòa Thượng Thích Thanh Từ Việt dịch

TỰA

Quyển Qui Sơn Cảnh Sách là một quyển luận của Thiền sư Linh Hựu. Do Ngài ở tại núi Qui, người đương thời nể trọng đức hạnh không dám gọi tên, nên dùng tên núi để gọi Ngài ; vì vậy Ngài có tên là Qui Sơn. Quyển luận này nhằm mục đích nhắc nhở người xuất gia phải nổ lực tu hành, để được giải thoát nên được đề tựa là Cảnh Sách; “Qui Sơn Cảnh Sách” là luận Cảnh Sách của Ngài Qui Sơn.
Đây là bộ luận mà trong thiền môn nói riêng, giới xuất gia nói chung, coi như kinh của Phật. Thế nên ai xuất gia vào chùa, trong thời gian đầu học làm Sa Di, đều phải học thuộc lòng ba quyển gọi là Phật Tổ Tam Kinh; Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Kinh Di Giáo, Qui Sơn Cảnh Sách.
Hai quyển đầu là lời Phật dạy được gọi là kinh thì đúng. Quyển Cảnh Sách của Ngài Qui Sơn đáng lý phải gọi là luận, tại sao lại gọi là kinh? Các vị thuở xưa thấy lời chỉ dạy sách tấn của Ngài rất thiết yếu, vừa thích hợp với chân lý, vừa phù hợp với căn cơ mọi người, nên các vị xem như lời Phật dạy, vì vậy mà gọi là kinh. Quyển Qui Sơn Cảnh Sách đối với tất cả những người xuất gia còn trẻ, trong thời tập sự đã phải học thuộc lòng rồi. Nhưng hôm nay tôi đem ra giảng, vì đây là tác phẩm của một thiền sư (Tổ Qui Sơn) thuộc đời thứ tư sau Lục Tổ:
1.Nam Nhạc Hoài Nhượng
2.Mã Tổ Đạo Nhất
3.Bá Trượng Hoài Hải
4.Qui Sơn Linh Hựu
Ngài sinh năm 771 tịch năm 853. Quyển sách này ra đời vào khoảng cuối thế kỷ thứ tám hoặc đầu thế kỷ thứ chín. Ngài giáo hóa trên núi Qui, nơi đây có hơn 1500 thiền sinh qui tụ tu tập, nên Ngài có lời cảnh sách để răn nhắc chung toàn chúng. Lời Ngài chẳng những có giá trị về đạo lý, mà còn có giá trị về văn chương, nên được trong thiền môn dùng để sách tấn toàn thể Tăng Ni. Bởi có giá trị như thế nên sau này có nhiều nhà giải thích:
1.Đời Tống, Ngài Thủ Toại chú đề tựa là “Qui Sơn Cảnh Chú” (1 quyển)
2.Đời Minh, Ngài Đạo Bá giải đề tựa là “Qui Sơn Cảnh Sách Chỉ Nam” Quyển này nằm trong bộ Phật Tổ Tam Kinh (1 quyển)
3.Đời Minh, Ngài Hoàng Tán chú, Ngài Khai Quýnh ký, đề tựa là “Qui Sơn Cảnh Sách Cú Thích Ký” (2 quyển). Tập sách này được các chùa đặc biệt dùng, vì cho lời giải của hai vị này đầy đủ nhất.
4.Đời Minh, Ngài Đại Hương chú giải đề tựa là “Cảnh Sách Chú” (1 quyển).
Dịch từ Hán sang Việt , có các vị:
1.Hòa Thượng Hành Trụ dịch từ quyển “Qui Sơn Cảnh Sách Cú Thích Ký” của Ngài Hoàng Tán và Khai Quýnh.
2.Pháp sư Kiểu dịch bản “Qui Sơn Cảnh Sách Chỉ Nam” của Ngài Đạo Bá.
3.Hòa Thượng Trí Quang dịch đề tựa là “Qui Sơn Cảnh Sách Văn” in trong tập luật Sa diSa di ni.
4.Thầy Hoàn Quan dịch trong Phật Tổ Tam Kinh.
Chánh văn “Qui Sơn Cảnh Sách” vừa cô đọng vừa có âm điệu, nên ở đây tôi giảng chánh văn để quí vị thấy giá trị văn chươngý nghĩa cô đọng trong lời Ngài dạy. Trước giải thích tên luận.


PHẦN 1
Qui Sơn Cảnh Sách

“Qui Sơn” là ngọn núi Qui, nơi Thiền Sư Linh Hựu giáo hóa bốn chúng. “Cảnh Sách” . Cảnh là đánh thức những người đang mê chưa ngộ. Người tu chúng ta tuy đã phát tâm xuất gia học đạo, song còn mê say trong dục lạc, thường quên lãng việc tu hành. Nên Ngài dùng phương tiện đánh thức chúng ta nhớ lại bổn phận và trách nhiệm củangười xuất gia để nổ lực tiến tu, đó là cảnh. Sách nghĩa là roi da. Thường người cỡi ngựa muốn cho ngựa chạy nhanh, dùng roi da tróc tróc cho nó chạy. Cũng vậy, muốn sách tấn thúc đẩy người ta cũng phải dùng lời đểrăn nhắc cho tiến. Tông chỉ của bộ luận này, chủ yếu của Tổ là đánh thức người tu chúng ta nổ lực tiến tới chổ cứu cánh của người xuất gia.
Chánh Văn:
“Phù nghiệphệ thọ thân , vị miển hình lụy. Bẩmphụ mẫuchi di thể, giả chúng duyên nhi cộng thành. Tuy nãi tứ đại phù trì, thường tương vi bội. Vô thường lão bịnh bấtdữ nhân kỳ. Triêu tồn tịch vong, sát na dị thế. Thí như xuân sương, hiểu lộ, thúc hốt tức vô; ngạn thọ, tỉnh đằng, khởi năng trường cửu. Niệm niệm tấn tốc, nhất sát na gian, chuyển tức tức thị lai sanh. Hà nãi yến nhiên không quá?”.
Dịch:
Bởi do nghiệp trói buộc mà có thân, tức chưa khỏi khổ lụy về thân. Bẩm thụ tinh cha huyết mẹ, tạm mượn các duyên hợp thành. Tuy nhờ tứ đại giử gìn, nhưng chúng thường trái nghịch.Vô thường, già, bịnh chẳng hẹn cùng người. Sáng còn tối mất, chỉ trong khoảng sát na đã qua đời khác. Ví như sương mùa xuân, mốc sáng sớm, phút chốc liền tan. Cây bên bờ vực, dây trong miệng giếng há được lâu bền. Niệm niệm qua nhanh, chỉ trong khoảng sát na, chuyển hơi thở đã là đời sau, sao lại an nhiên để ngày tháng trôi suông vô ích?.
Giảng:
“Phù nghiệp hệ thọ thân, vị miển hình lụy”. Do nghiệp trói buộc lôi cuốn nên chúng ta phải thọ nhận thân này. Sau khi thọ nhận thân này rồi thì sao? “Vị miển hình lụy”, tức chưa khỏi được cái khổ lụy về thân. Ngài nói có sự trùng hợp với Lão Tử: “Ngô hữu đại hoạn vị ngô hữu thân”, vì ta có thân nên có họa lớn. Lão Tử thấy do có thân nên có họa, song chưa nói đến nguyên do nào mà có thân.Tổ Qui Sơn nhìn theo con mắt của nhà tu Phật. Ngài thấy thân chúng ta sở dĩ có đây không phải ngẩu nhiên mà có, mà là do nghiệp chướng buộc lôi kéo chúng ta ra đây thì không thể nào tránh khỏi đau khổ. Đó là Ngài chỉ rõ nguyên nhân của sự đau khổ khi mang thân này. Nhưng tại sao nghiệp lôi mình được và sao mình dại dột để cho nghiệp lôi? Vấn đề này tôi sẽ dẫn vài thí dụ nhỏ để quý vị thấy. Đây là chúng ta tìm tột cùng cái nguyên nhân thuở trước, khi chúng ta chưa có thân này, do cái gì thúc đẩy lôi cuốn chúng ta có thân? “ Cái thúc đẩy lôi cuốn” trong nhà Phật gọi là “ nghiệp”. Nhưng nó lôi cuốn bằng cách nào? Kinh Phật nói, con ngườiba nghiệpthân nghiệp, khẩu nghiệpý nghiệp. Thân, miệng, ý tạo tác thành nghiệp rồi, thì nghiệp thúc đẩy lôi cuốn chúng ta phải thọ thân sau và tùy theo nghiệp thiện hay ác mà dẫn chúng ta đến chỗ tốt hay xấu. Vậy nghiệp là gì? Nghiệp là động tác của thân, miệng, ý; động tác ấy lập đi lập lại nhiều lần thành thói quen, và khi đã thành thói quen, thì nó có sức mạnh chi phối, dắt dẫn con người theo nó. Với mắt phàm tục thì không thấy biết nghiệp, nhưng đối với bậc thánh giả thì thấy có bạchnghiệp và hắc nghiệp. Nên khi nhìn người, bậc thánh giả biết người ấy có chủng nghiệp lành hay dữ. Do trước kia tạo nghiệp lành hay dữ, khi sanh thân hoặc khổ hoặc vui; đó là nói theo tương đối thế gian. Còn nói theo đây thì dù cho thân sang hèn nghèo giàu gì cũng đều khổ hết, đó là tinh thần khổ đế của đạo Phật. Như vậy, do tạo nghiệp mà phải thọ thân sau, nên quí vị không lấy làm lạ, khi nghe các vị tu hành đắc đạo nói quá khứ, vị lai của một người nào đó, là do mắt huệ của các Ngài thấy được thiện nghiệp hay ác nghiệp của vị đó, và cũng không làm lạ đối với những nhà tướng số, căn cứ trên phước tướng nhiều ít mà đoán đúng hậu vận của con người. Thế nên nhiều người cho rằng mình có sẵn số mạng như thế nên thầy coi trúng. Nhưng trúng với ai và trật với ai? Chỉ trúng với những người dung thường, khi sanh ra họ cứ theo nghiệp cũ mà sống, không biết chuyển đổi nghiệp. Nhưng đối với những người hơi phi thường thì số mạng có đổi; chẳng hạn như những người xuất gia. Tử vi của mọi người chung chung là lớn lên lập gia đình có con cái, có chức phận v.v… Nhưng với người khoảng 15 tuổi xuất gia thì không có gia đình, không có con, không có chức phận, như vậy là đã cải số rồi. Nếu cho số mạng là cái định sẵn mà mọi người phải y theo đó để sống, không thể chuyển đổi thì quá lầm lẫn. Nghiệp có thể chuyển được, chuyển từ nghiệp dữ thành nghiệp lành và ngược lại. Thế nên có lắm người trước thì say mê trong dục lạc, sau bừng tỉnh xa lìa dục lạc trở thành người cao thượng, và cũng có người tốt, gặp duyên bạn bè hư đốn quyến rủ chạy theo làm điều xấu ác. Nói đến nghiệp là nói đến động tác của thân, khẩu, ý và động tác ấy có thể chuyển đổi từ xấu trở thành tốt và từ tốt trở thành xấu.
Nay nên biết nghiệp chi phối lôi kéo con người như thế nào? Thí dụ một người có thói quen mở radio nghe nhạc, vào mỗi tối lúc 8 giờ, đêm nào cũng thế, thành thói quen. Bỗng một hôm radio hư không nghe được nhạc, người ấy cảm thấy buồn buồn, ngay lúc đó nhà hàng xóm mở radio, thói quen thúc đẩy người ấy tìm tới để nghe nhạc. Thói quen (nghiệp) không có hình tướng nhưng có sức mạnh thúc đẩy, chi phối con người làm theo nó. Đó là thói quen của tai. Bây giờ là thói quen của miệng, có ngườikhi nghe nhạc thì miệng huýt sáo ca hát, tay chân nhịp theo điệu nhạc. Một hôm đến chỗ trang nghiêm. Lý đáng phải ngồi nghiêm chỉnh, nhưng ngồi một hồi cảm thấy buồn bèn nhịp đùi huýt sáo, vì đã thành thói quen rồi. Còn có những thói quen tệ hơn nữa là hút thuốc, ăn trầu, uống rượu, hút á phiện v.v… Vậy động lực nào bắt con người hút thuốc, ăn trầu, uống rượu? Có phải tại thói quen chăng? Thói quen trở thành tập nhiễm và có sức mạnh thôi thúc khiến con người làm theo nó. Nhà Phật gọi đó là nghiệp, chính nghiệp mình tạo rồi trói buộc và mình đi thọ sanh mà mình không hay biết, tưởng lý do này lý do kia bắt mình sinh ra đời, bắt mình chịu khổ. Tất cả chỉ là cái duyên bên ngoài, mà động lực chính là nghiệp lành hay nghiệp dữ khiến cho mình khổ hay vui. Điều mà mọi người phải ghi nhớ là thân không tạo nghiệp ác mà tạo nghiệp thiện, miệng không nói lời hung dữ mà nói lời lành, ý không nghĩ ác mà nghĩ thiện; cứ như thế mà chuyển nghiệp thì mình làm chủ được mình không bị nghiệp sai sử. Và chúng ta có đủ can đảm, đủ sức mạnh xây dựng, sắp đặt cho cuộc sống ngày mai của chính mình và chịu đựng những gì xảy đến, mà không than trách ai cả. Nếu không hiểu như thế cứ để cho dòng định mệnh lôi cuốn tới đâu thì tới. Người hiểu rõ nghiệp và biết tu thì phải gắng mà chuyển nghiệp, người tu là những con thuyền vững lái, gió mặc gió, nước mặc nước, chúng ta cứ nhắm đích mà tiến, chớ để gió dập nước cuốn. Nói đến nghiệp là nói đến sức mạnh tự chủ, không phải là thái độ yếu đuối phó mặc cho số mệnh, để rồi việc không xong, hỏng thì đổ thừa cho nghiệp.
Đây, Tổ Qui Sơn chỉ cho chúng ta thấy cái nhân có thân này là do nghiệp, hoặc nghiệp lành nghiệp dữ; nếu thọ thân trong cảnh tốt được sung sướng an vui là do tạo nghiệp thiện, còn thọ thân trong cảnh xấu chịu khổ đau là do tạo nghiệp ác. Biết được khổ vui là do nghiệp mình tạo, để gan dạ chịu, không than oán khi gặp khổ, và cố gắng chuyển nghiệp ác thành nghiệp thiện, nếu ta còn luân hồi. Hoặc gan dạ cắt dứt mọi trói buộc của nghiệp để được tự tại trong tam giới, đó là tu. Ngược lại biết rõ nghiệp, mà vẫn đầu hàng, phó mặc cho nó chi phối lôi trì, là không biết tu vậy. Còn taọ nghiệp là phải thọ thân, mà có thân thì khổ, vì thân này vô thường hoại diệt, dù là vua chúa hay ăn mày cũng không thoát khỏi vô thường, nên gọi là hình lụy. Có thân là có đủ các nỗi khổ nào là sanh, già, bịnh, chết, thương yêu xa lìa, thù oán gặp gỡ… Chỉ khi nào cắt dứt nghiệp thì không thọ thân và dứt luân hồi sanh tử. Không thọ thân không có nghĩa trở thành hư không, mà lúc ấy muốn độ ai thì tùy nguyện đến cứu giúp họ. Khi làm xong việc rồi đi một cách tự tại, chớ không bị nghiệp chi phối ép ngặt.
“Bẩm phụ mẫu chi di thể, giả chúng duyên nhi cộng thành”. Chúng ta do nghiệp mà có thân. Vậy có thân bằng cách nào? Do sự luyến ái giữa cha mẹ, mà tinh cha huyết mẹ hợp lại thành bào thai, rồi do nghiệp thúc đẩy thần thức gá vào bào thai. Bào thai ấy nhờ tứ đại bên ngoài bồi bổ từ từ qua sự hô hấp ăn uống của mẹ, lớn dần thành hình tướng, đầy đủ các bộ phận. Và sau khi ra khỏi lòng mẹ, lại cũng nhờ tứ đại bên ngoài bồi bổ nuôi dưỡng lớn lên.
“Tuy nãi tứ đại phù trì, thường tương vi bội”. Tuy rằng thân này do tứ đại phụ giúp để nó được tồn tại. Nhưng trong khi gìn giữ nó vẫn thường trái nhau. Vì đất không ưa gió, nước không ưa lửa, lửa gặp nước lửa tắt, đất gặp gió đất rung rinh. Nếu bốn đại mất quân bình thì thân không an. Khi gió thạnh thì thân đau nhức, khi đất thạnh thì hơi không thông, khi nước nhiều lửa ít thì thân ốm gầy… Con người tuy có nhiều bịnh, song chỉ do bốn đại bất hòa mà ra. Muốn cho thân an ổn phải điều hòa bốn đại, nếu thấy đại nào mạnh thì hạn chế, đại nào yếu thì bồi bổ thêm, khéo điều hòa thì nó tồn tại, không khéo điều hòa thì nó tan rã. Trong sự chung hợp đó luôn có sự chống trái nhau, không bao giờ an ổn, chẳng khác nào kẻ nuôi giặc trong nhà. Đã nuôi giặc trong nhà thì dù chúng ta có khôn ngoan thế mấy, cũng không tránh khỏi chuyện nổi loạn. Vì vậy mà từ xưa đến nay có nhiều người Ấn Độ tập Yoga, và ở Trung Hoa thì vận khí công luyện đơn, để giữ cho thân này sống lâu. Tuy mọi người cố duy trì mạng sống lâu dài, nhưng chẳng mấy ai được như ý. Nếu khéo giữ lắm chỉ được vài trăm năm rồi cũng mất. Biết là giặc trong nhà mà muốn giữ nó còn mãi mãi, thì đó là quan niệm sai lầm. Chúng ta chẳng khác nào kẻ đi biển bị chìm thuyền, vớ được gốc cây mục, nương theo nó để vào bờ. Nếu nghĩ rằng nhờ gốc cây này mà mình khỏi chết chìm, rồi ôm gốc cây giữnó mãi, đó là quan niệm sai lầm. Đạo Phật không có quan niệm đặt nặng thọ mạng dài ngắn, mà chỉ biết ngày nay có thân, phải biết lợi dụngtiến tu cầu giải thoát. Chỉ cần nương nó để tới bờ an ổn, khi tới bờ rồi nó trở thành vô nghĩa. Chúng ta phải hiểu rõ đạo Phật lấy giác ngộ làm chính, chớ không phải giữ thân sống lâu làm chính. Còn những pháp tu ngoại đạo thì đặt nặng sự duy trì thọ mạng lâu dài, nên ai cũng thích, nhưng đâu ngờ ái thân là gốc của luân hồi. Thế nên đạo Phật không bao giờ đề cập đến sống lâu, mà cốt làm sao cho giác ngộ, nghĩa là phải dứt ái, vì gốc của ái là chấp ngã. Nên trong khi tu nếu bị bệnh, nhờ cái bịnh đó thấy thân này sắp hư hoại, không còn luyến ái nó, sẽ được thoát khỏi luân hồi. Đó là chủ yếu của sự tu hành. Vì thế, mở đầu Tổ Qui Sơn chỉ cho chúng ta thấy có thân là có khổ, vì nó là cái bại hoại.
“Vô thường lão bịnh bất dữ nhân kỳ”.Vô thường ở đây chỉ cho già bịnh chết. Cái già, cái bịnh, cái chết nó chẳng hẹn với người. Chẳng hạn như tôi đây lo tu, lo làm Phật sự nhìn lại thì đầu đã bạc, răng đã rụng! Hòa Thượng Giám Đốc cũng đã từng nói: Tôi còn hai việc phải làm là sửa sang lại Đại Tòng Lâmxây dựng cơ sở phiên dịch, thế mà tuổi tác không cho phép tôi làm. Ngài muốn làm lắm, song thấy vô thường sắp đến không còn làm kịp, vô thường chẳng hẹn với ai cả. Hiện tại tôi hứa hướng dẫn quí vị tu học ba năm, nhưng biết đâu nửa chừng bị ngã bịnh, hoặc cái chết nó đến. Đã biết rõ vô thường không hẹn, thế nên hôm nay làm được việc gì hãy làm, chớ hẹn ngày mai. Đừng nghĩ tôi mới hai mươi tuổi vội gì tu, tôi có thể sống tám mươi tuổi kia mà, chừng già tu cũng chẳng muộn. Nhưng có ngờ đâu mới ba mươi tuổi lăn đùng ra chết, chết rồi làm sao tu? Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương Phật nói điều này rất rõ ràng. Phật hỏi một vị Tỳ Kheo:
-Mạng người sống được bao lâu?
Tỳ Kheo trả lời:
-Mạng người sống được vài hôm.
Phật nói:
-Ông chưa rõ đạo.
Phật hỏi vị khác, vị ấy trả lời
-Mạng người sống chừng bữa ăn.
Phật cũng nói:
-Ông chưa thấy đạo
Phật lại hỏi vị khác nữa, vị ấy trả lời:
-Mạng người chỉ trong hơi thở
Phật nói:
-Ông đã thấy đạo.
Chúng ta thở ta hít vô được thì còn sống, nếu thở ra mà không hít vô thì chết ngay. Đó là một lẽ thật, tất cả mọi người đều chết như vậy. Trong nửa chừng bữa ăn, nếu thở ra mà không hít vô cũng ngã ra chết, thì đâu trọn bữa ăn. Thường chúng ta nghĩ cuộc sống là chặng đường dài bảy tám mươi năm, nếu ngắn nhất là đôi ba ngày hoặc chừng bữa ăn. Nhưng dưới mắtPhật, mạng sống chỉ trong hơi thở. Thế nên còn thở ra hít vô được, thì chúng ta ráng tu, kẻo ngày nào đó thở ra mà không hít vô, thì tu không kịp. Nếu cứ lo tính chuyện trăm năm là kẻ si mê không thấy đạo, đức Phật đã chỉ cho chúng ta một lẽ thật. Thấy được lẽ thật là tỉnh giác, không thấy lẽ thật là si mê. Mạng người đã không lâu bền tại sao chúng ta lại hẹn? Nên nhớ rằng vô thường không hẹn với mình, thì mình cũng không có quyền hẹn với ai hết. Ngày nào còn sống là ngày đó phải hạ thủ công phu để tự lợi, lợi tha cho đầy đủ. Chớ nói ba năm nữa hãy bắt đầu làm việc này việc nọ đó là si mê. Chúng ta phải luôn luôn giác ngộ lẽ này.
“Triêu tồn tịch vong, sát na dị thế. Thí như xuân sương, hiểu lộ, thúc hốt tức vô; ngạn thọ, tỉnh đằng khởi năng trường cửu”. Ngài diễn tả cảnh vô thường sớm còn chiều mất, chỉ trong khoảng sát na, đã qua đời khác giống như sương mùa xuân buổi sáng long lanh trên ngọn cỏ, nhưng nắng vừa lên là đã tan rồi. Sự sống của chúng ta chẳng khác chi sương đọng trên đầu cành, mới long lanh đó liền khô mất. Ví như cây dựa vực thẳm; có những cây đứng sát bờ sông sâu, chỉ một cơn gió là lật nhào xuống nước, chẳng có chút gì bảo đảm. Mạng sống lại giống như dây bò qua giếng. Trong kinh, Phật dụ có một người phạm tội, bị vua xử voi giày. Khi voi rượt, người ấy cắm đầu chạy, đến một cái giếng liền nhảy xuống vì sợ voi đạp. Giếng sâu người ấy thấy sợi dây mọc qua thành giếng, liền nắm dây tuột xuống, giữa chừng, lại gặp ba con rồng phun lửa lên hừng hực, đành bám chặt sợi dây ở lưng chừng. Người ấy tính dựa vào thành giếng để có điểm tựa bảo đảm, song nhìn thấy có bốn con rắn độc lè lưỡi. Bấy giờ kẻ tử tội chỉ đeo sợi dây lơ lửng, lên xuống qua lại đều chẳng được. Oái oăm thay có hai con chuột một trắng một đen thay nhau gặm sợi dây, sắp đứt. Mạng sống của người tử tội thật mong manh làm sao! Thế mà, trong khi bối rối, người ấy ngửa mặt lên bỗng có năm giọt mật rơi vào miệng, vị ngọt của mật làm cho người ấy thích thú quên hết nỗi nguy nan khổ sở mà mình đang đối diện. Thử hỏi người ấy mê đến bực nào? Phật dùng ví dụ này để diễn tả sự say mê của chúng sanh. Voi rượt kẻ tử tội, dụ cho hành khổhoại khổ, tức là vô thường đang bức bách con người đi đến cái chết. Sợi dây bên giếng, dụ cho mạng sống con người quá mỏng manh. Ba con rồng phun lửa, dụ cho ba độc tham, sân, si đang thiêu đốt con người. Bốn con rắn độc, dụ cho bốn đại, đất, nước, gió, lửa không hòa hợp rã tan bất cứ lúc nào. Hai con chuột đang gặm mòn sợi dây, dụ cho ngày và đêm; mỗi giây phút trôi qua là sinh mạng mòn dần…Năm giọt mật dụ cho ngũ dục lạc là tài, sắc, danh, thực, thùy, mà người đời đang say đắm, quên đi cái khổ vô thường to lớn đang bức bách con người. Chư Phật và Bồ Tát mười phương nhìn thấy chúng sanh say mê ngũ dục, không nhớ vô thường đang bức bách hoành hành, các Ngài khởi lòng từ bi phương tiện tế độ. Trong kinh Pháp Hoa dụ chúng sanh say mê ngũ dục, như những trẻ con đang ở trong nhà lửa cháy hừng hực, mà cứ mãi mê vui đùa không chịu ra. Ông cha muốn cứu các con khỏi nạn lửa, bèn dụ bằng các món đồ chơi đẹp lạ, các con vì ham đồ chơi, mới chịu ra khỏi nhà lửa. Ở thế gian này có ai nhận thấy mình đang say mê, hay vẫn cứ vỗ ngực xưng ta là người tri thức khôn ngoan? Đang si mê mà chẳng biết mình si mê mới thật là đại si mê. Nếu si mêbiết mình đang si mê, thì khả dĩ lóe được chút ít trí tuệ. Mạng sống của con người mong manh chẳng khác chi sương đầu ngọn cỏ, cây đứng bên vực sâu, dây bò qua thành giếng, chẳng có chi lâu bền mà tự đắc vui sướng trong cảnh đó. Kẻ nào tự đắc và hài lòng trong cảnh ấy là kẻ đại si mê, không mảy may thức tỉnh. Thế nên Tổ đánh thức cái mê lầm ngàn đời của chúng ta.
“Niệm niệm tấn tốc, nhất sát na gian, chuyển tức tức thị lai sanh. Hà nãi yến nhiên không quá”. Mỗi niệm mỗi niệm qua nhanh, chỉ trong thời gian ngắn nhất là một sát na (một niệm), nếu chuyển hơi thở là qua đời sau rồi. Thở ra mà không hít vào thì thân hiện tại này không còn hoạt động nữa; gió (hơi thở) làm cho cơ thể hoạt động, gió ngừng, hoạt động cũng theo gió mà đứng, tim không đập, máu ngừng chảy, thế là qua một đời. Vậy mà người đời cứ ngồi yên để cho ngày tháng trôi qua. Tổ sách tấn chúng ta: biết rõ cuộc đờivô thường, mạng sống chỉ trong hơi thở, phải nổ lực tiến tu, chẳng lẽ ngồi chơi nhàn nhã cho qua ngày tháng, chẳng là ngu dại lắm ư!
 
Tóm lại, Tổ chỉ cho chúng ta thấy rõ nguyên nhân đưa đẩy con người sanh ra đời, là do nghiệp dẫn, nên không thể tránh khỏi sự đau khổ về nỗi vô thường hư hoại của thân. Sở dĩ con người có ra và tồn tại là nhờ các duyên chung hợp, bốn đại hỗ tương. Nhưng bốn đại vẫn chống đối nhau khiến thân này tiêu mòn dần…chỉ trong khoảng sát na, một hơi thở ra không hít vào là đã qua đời khác. Vậy thì: “Đâu thể an nhiên để ngày tháng qua suông vô ích”. Lời trách cứ này của Tổ, chẳng khác nào ngọn roi quất mạnh, khiến chúng ta thức tỉnhcố gắng tu.

(còn tiếp)

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites