Xưa con có một đứa con trai nó chết đi, bỏ
con, ngày đêm con nhớ mãi chẳng rời tâm. Rồi con vì nhớ con, tâm ý cuồng
hoặc, chạy khắp Ðông Tây, gặp người liền hỏi: 'Ai thấy con tôi?' Này
Sa-môn Cù-đàm nói thật đúng như thế.
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà,
vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ trong thành Xá-vệ có một Trưởng
giả vừa chết một đứa con trai mà ông rất yêu thương chưa hề xa lìa. Ông ta
thấy con chết liền phát cuồng, đi lang thang khắp nơi, gặp ai cũng hỏi:
- Có thấy con tôi không?
Bấy giờ ông ta đi dần dần đến Tinh xá Kỳ
Hoàn, đến chỗ Thế Tôn và đứng một bên. Bấy giờ, ông ta bạch Thế Tôn rằng:
- Sa-môn Cù-đàm! Có thấy con tôi không?
Thế Tôn bảo Trưởng giả:
- Vì sao mặt mày không vui, các căn rối
loạn?
Bấy giờ Trưởng giả thưa đức Cù-đàm:
- Không như vầy sao được? Vì sao? Tôi chỉ
có một đứa con, nó lại bỏ tôi mà chết. Tôi rất nhớ thương nó, chưa hề rời
mắt, vì thương xót đứa con ấy nên tôi phát cuồng. Nay tôi hỏi Sa-môn, có
thấy con tôi không?
Thế Tôn dạy rằng:
- Ðúng vậy, Trưởng giả. Như lời Ông hỏi:
sanh, già, bịnh, chết là phép thường ở đời; ân ái biệt ly khổ; oán ghét
gặp gỡ khổ. Ðứa con vì vô thường mà bỏ Ông há không nghĩ đến được sao?
Bấy giờ ông ta nghe Thế Tôn nói, không
bằng lòng bèn bỏ đi; đi đường gặp người ông liền nói:
- Sa-môn Cù-đàm nói rằng: 'Ái ân biệt ly
liền có khoái lạc'. Sa-môn nói như vậy, xét có đúng không?
Người kia đáp:
- Ân ái biệt ly mà vui cái gì?
Ngay lúc đó, cách thành Xá-vệ không xa, có
nhiều người đang đánh bạc với nhau. Bấy giờ, ông ta liền nghĩ rằng: 'Các
ông này thông minh trí tuệ, không việc gì chẳng biết. Nay ta nên đem nghĩa
này hỏi họ'.
Bấy giờ ông ta đến chỗ đánh bạc hỏi mọi
người rằng:
- Sa-môn Cù-đàm bảo tôi rằng: 'Ân ái biệt
ly khổ, oán ghét gặp gỡ khổ. Ðây là khoái lạc'. Nay các Ông nghĩ sao?
Bấy giờ những người đánh bạc đáp ông ta:
- Ân ái biệt ly có gì vui? Nói là khoái
lạc, nghĩa này không đúng.
Bấy giờ ông ta liền nghĩ: 'Xét lời Như Lai
trọn không hư dối. Sao nói xa lìa ân ái lại có vui ư?' Nghĩa này không
đúng.
Bấy giờ người kia vào thành Xá-vệ, đến
ngoài cửa cung kêu lên:
- Sa-môn Cù-đàm dạy rằng: 'Ân ái biệt ly,
oán ghét hội họp. Ðây là khoái lạc.'
Bấy giờ cả thành Xá-vệ và người trong cung
truyền lời này khắp nơi. Ngay lúc đó, đại vương Ba-tư-nặc và phu nhân
Mạt-lợi đang ở trên lầu vui vầy với nhau. Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc bảo phu
nhân Mạt-lợi:
- Sa-môn Cù-đàm thật có lời này: 'Ân ái ly
biệt, oán ghét gặp gỡ. Ðây đều là khoái lạc chăng?'
Phu nhân đáp:
- Tôi nghe Như Lai dạy lời này, nhưng nếu
đúng Như Lai có dạy như thế, cũng chẳng phải là việc hư dối.
Vua Ba-tư-nặc bảo:
- Ví như thầy dạy đệ tử: 'Làm điều này, bỏ
điều này'. Ðệ tử đáp rằng: 'Xin vâng, Ðại sư'. Nay phu nhân Mạt-lợi, Bà
cũng như thế. Sa-môn Cù-đàm kia tuy nói lời này mà Bà ưng thuận nói rằng
như thế chẳng khác, không có hư vọng. Vậy Bà hãy đi mau, đừng có đứng
trước mặt ta.
Bấy giờ phu nhân Mạt-lợi bảo Bà-la-môn
Trúc-bác:
- Nay Ông đến Tinh xá Kỳ Hoàn, tới chỗ Như
Lai, đem tên của ta, quỳ dưới chân Như Lai lấy nghĩa này bạch đầy đủ cho
Thế Tôn rằng: 'Trong thành Xá-vệ và người trong cung có luận bàn điều mà
Sa-môn Cù-đàm nói: 'Ân ái biệt ly, oán ghét hội họp. Ðây đều là khoái
lạc'. Chẳng rõ Thế Tôn có dạy như thế chăng?'. Nếu Thế Tôn có dạy điều gì,
Ông hãy khéo nhận lời rồi về nói lại cho ta.
Bấy giờ Bà-la-môn Trúc-bác nhận sắc lịnh
của phu nhân, tìm đến Tinh xá Kỳ Hoàn. Ðến chỗ Thế Tôn chào hỏi, chào hỏi
xong ngồi một bên. Rồi Phạm chí kia bạch Thế Tôn:
- Phu nhân Mạt-lợi cúi lạy Thế Tôn và thăm
hỏi Như Lai có được nhẹ nhàng dễ chịu, đi đứng có mạnh khỏe không, Giáo
hóa người mê muội có mệt nhọc không. Rồi lại nói rằng: 'Trong thành Xá-vệ
này loan truyền rằng Sa-môn Cù-đàm dạy: 'Ân ái biệt ly, oán ghét hội họp.
Ðây đều là khoái lạc'. Chẳng rõ Thế Tôn có dạy như thế chăng?'
Bấy giờ Thế Tôn bảo Bà-la-môn Trúc-bác
rằng:
- Ở trong thành Xá-vệ này có một Trưởng
giả bị chết mất một đứa con. Ông ta nhớ đứa con này đến cuồng loạn mất
tánh, chạy khắp Ðông Tây gặp ai cũng hỏi: 'Ai thấy con tôi?'. Vậy thì,
Bà-la-môn! Ân ái biệt ly, oán ghét tụ hội khổ. Ðây đều không có hoan lạc.
Ngày xưa trong thành Xá-vệ này, lại có
người mất mẹ già, cũng cuồng loạn chẳng biết gì cả. Lại có người mất cha
già; lại cũng có anh em, chị em thảy đều vô thường. Họ thấy sự biến đổi vô
thường này sanh ra cuồng loạn chẳng biết Ðông Tây.
Này Bà-la-môn! Ngày xưa trong thành Xá-vệ
này, có một người vừa rước một người vợ đoan chánh vô song về. Bấy giờ ông
ta không bao lâu bị nghèo cùng. Cha mẹ vợ ông ta thấy ông ta nghèo liền
nghĩ:
- 'Ta hãy đoạt con gái về gả cho người
khác'.
Người kia rình nghe cha mẹ vợ muốn đoạt vợ
mình để gả cho người khác. Bấy giờ, ông ta dắt dao bên trong áo rồi đến
nhà vợ. Bà vợ ông ta đang ngồi dệt ở ngoài vách. Ông ta bước vào nhà cha
mẹ vợ hỏi:
- 'Nay vợ tôi ở đâu?'
Mẹ vợ đáp:
- 'Vợ con đang dệt ở bóng mát ngoài bờ
tường'.
Ông ta liền đến chỗ vợ hỏi:
- 'Cha mẹ nàng muốn đoạt nàng để gả cho
người khác phải không?'
Vợ đáp:
- 'Thật có lời này, nhưng tôi không ưa
nghe nói vậy.'
Bấy giờ người kia rút dao bén đâm chết vợ,
rồi lại tự đâm vào bụng mình và nói:
- 'Cả hai ta cùng chết'.
Này Bà-la-môn, hãy dùng phương tiện này mà
biết ân ái biệt ly, oán ghét hội họp khổ. Ðây đều là buồn lo thật chẳng
thể nói được.
Bấy giờ Bà-la-môn Trúc-bác bạch Thế Tôn:
- Ðúng vậy Thế Tôn! Có các thứ khổ não này
thực chẳng vui. Vì sao thế? Xưa con có một đứa con trai nó chết đi, bỏ
con, ngày đêm con nhớ mãi chẳng rời tâm. Rồi con vì nhớ con, tâm ý cuồng
hoặc, chạy khắp Ðông Tây, gặp người liền hỏi: 'Ai thấy con tôi?' Này
Sa-môn Cù-đàm nói thật đúng như thế. Việc nước bận rộn, con muốn về nhiệm
sở.
Thế Tôn dạy:
- Nay là đúng lúc.
Bà-la-môn Trúc-bác liền từ chỗ ngồi đứng
lên, nhiễu quanh Phật ba vòng rồi đi. Ðến chỗ phu nhân Mạt-lợi đem việc
này tâu đầy đủ cho phu nhân. Phu nhân Mạt-lợi liền đến chỗ vua Ba-tư-nặc
thưa:
- Bây giờ tôi có chỗ muốn hỏi, mong Ðại
vương nghe rồi trả lời từng việc một. Thế nào? Ðại vương có nhớ vương tử
Lưu Ly chăng?
Vua đáp:
- Rất nhớ, thương xót không rời lòng.
Phu nhân hỏi:
- Nếu vương tử chết đi, Ðại vương có lo
chăng?
Vua lại đáp;
- Ðúng vậy, phu nhân! Như lời bà nói.
Phu nhân hỏi:
- Ðại vương nên biết ân ái biệt ly đều gây
sầu lo. Thế nào? Ðại vương có nhớ Vương tử Y La chăng?
Vua đáp:
- Ta rất yêu kính.
Phu nhân hỏi:
- Ðại vương! Nếu vương tử chết đi, Ðại
vương có sầu lo chăng?
Vua đáp:
- Rất sầu lo.
Phu nhân bảo rằng:
- Hãy lấy phương tiện này mà biết ân ái
biệt ly không có hoạn lạc. Thế nào? Ðại vương có nhớ Tát-la-đà dòng
Sát-lợi không?
Vua đáp:
- Rất yêu kính, nhớ nghĩ.
Phu nhân nói:
- Thế nào Ðại vương, giả sử phu nhân
Tát-la-đà có sự biến đổi, Ðại vương có lo không?
Vua đáp:
- Có lo sầu chứ!
Phu nhân nói:
- Ðại vương nên biết ân ái biệt ly, đây
đều là khổ.
Phu nhân lại nói:
- Vua nhớ thiếp chăng?
Vua nói:
- Ta yêu nhớ Ái khanh.
Phu nhân nói:
- Giả sử thân thiếp biến đổi, Ðại vương có
buồn lo không?
Vua nói:
- Nếu thân Khanh có gì biến đổi, thì ta
buồn lo ngay.
- Đại vương, hãy dùng phương tiện này mà
biết ân ái biệt ly, oán ghét gặp gỡ không có vui vẻ gì.
Phu nhân lại nói:
- Thế nào Ðại vương? Có nhớ nhân dân
Ca-thi Câu-tát-la không?
- Ta rất yêu nhớ nhân dân Ca-thi
Câu-tát-la.
Phu nhân nói:
- Nhân dân Ca-thi Câu-tát-la giả sử biến
đổi, Ðại vương có buồn lo không?
Vua nói:
- Nhân dân Ca-thi Câu-tát-la nếu có biến
đổi thì mạng ta cũng chẳng còn, huống là chỉ buồn lo. Vì sao thế? Ta nhờ
sức của nhân dân nước Ca-thi Câu-tát-la mới được tồn tại. Dùng phương tiện
này biết mạng cũng chẳng còn, hà huống chẳng sanh buồn lo!
Phu nhân nói:
- Lấy đây mà biết: ân ái biệt ly đều có
cái khổ não, không có vui vẻ.
Bấy giờ vua Ba-tư-nặc, quỳ gối phải xuống
đất, chắp tay hướng về Thế Tôn mà nói:
- Thật kỳ lạ! Thật kỳ lạ! Thế Tôn nói được
pháp này. Nếu Sa-môn Cù-đàm đến đây, tôi sẽ cùng bàn luận.
Vua lại bảo phu nhân:
- Từ đây về sau, ta sẽ lại xem trọng Khanh
hơn ngày thường, cho mang đồ phục sức không khác ta.
Bấy giờ Thế Tôn nghe phu nhân Mạt-lợi cùng
Ðại vương lập căn bản luận này, liền bảo các Tỳ-kheo:
- Phu nhân Mạt-lợi rất thông minh. Nếu vua
Ba-tư-nặc hỏi Ta lời này, Ta cũng lấy nghĩa này mà nói cho vua ấy giống
như phu nhân đã nói không khác. Ngài lại bảo các Tỳ-kheo:
- Trong hàng Thanh văn của Ta, Ưu-bà-di
chứng đắc lòng tin kiên cố thuần thành bậc nhất là phu nhân Mạt-lợi.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong,
vui vẻ vâng làm.
(Trích Kinh Tăng Nhất A Hàm)
0 Kommentare:
Post a Comment