Đến Chùa nào cũng nghe quý Thầy, Cô than
phiền là khói hương nhiều quá, ai cũng bệnh phải thay phiên nhau mỗi
người vài giờ lên Chánh điện để phát lộc Xuân cho Phật tử. Gặp những
Chùa ít tu sĩ thì những vị ấy phải chịu trận suốt, rồi sau Tết phải bệnh
dài dài. Là Phật Tử, là khách viếng Chùa ta thử nghĩ lại xem. Viếng
Chùa lễ Phật là để mong cầu thái bình cho thiên hạ, cầu phước đức cho
mình và gia đình. Thái bình đâu không thấy chỉ thấy khói hương mịt mù
như khói súng giữa trận mạc, phước đức đâu chưa thấy chỉ thấy mang bệnh
tật cho chư tăng ni và mấy Phật Tử phải nhiều ngày công quả ở Chùa. Tội
nghiệp lắm! Ấy là chưa nói: ta còn gây bệnh cho chính ta và gia đình ta,
ta làm tường chùa ố, tượng Phật nám nữa chứ.
Tác giả: Văn Đạo Nguyên Công Tuấn
Trầm hương đốt xông ngát mười phương…
Mùa hè tôi về thăm quê, nhân tiện ghé
Viện Phật Học Vạn Hạnh để thăm và đảnh lễ Cố Đại Lão Hòa Thượng Minh
Châu. Sau khi vào Tổ Đường Hòa Thượng Chơn Nguyên thắp hai cây hương và
trao cho tôi. Hai cây hương rất lạ, dài gần gấp tư cở thường mua ở chợ
bây giờ và tỏa mùi thơm ngào ngạt. Tôi vốn đã bị bệnh dị ứng nhiều năm
nay, thường ngửi mùi hương là phải hách xì liên miên. Ở nhà, ngay cả
những hộp hương thơm có người mang từ Nhật về biếu hay mua tại các cửa
hàng bên Mỹ, loại hương cây ít khói, đựng trong hộp và không có que bên
trong; thế mà khi thắp lên trong phòng lúc ngồi thiền, chỉ chừng hai
phút sau khi khói hương tỏa quyện là tôi bắt đầu hắt hơi, nước mắt nước
mũi chảy ra và phải đi ra ngoài. Dĩ nhiên không vì thế mà thôi bỏ thiền,
thường tôi chỉ thắp một ngọn đèn cầy rất nhỏ, loại người Đức dùng để
giữ nóng bình trà (Teelicht) đựng trong một chân đèn thủy tinh xinh xắn
để cúng Phật. Đó là phương tiện để tôi „giao duyên“ với chư Phật chư Tổ
khi ngồi thiền hay tụng kinh.
Quay lại chuyện hai cây hương ở Vạn Hạnh
hôm ấy. Dù cầm trên tay hai cây hương to tướng, dễ chừng bằng gấp mười
cây hương trong hộp ở nhà tôi, nhưng lạ thay tôi có cảm giác rất dễ
chịu. Sau khi cắm một cây lên bát hương trên bàn thờ và cung kính lạy
tôn tượng Ôn, Hòa Thượng Chơn Nguyên lại đưa tôi cây hương kia và hướng
dẫn tôi đi đảnh lễ Tháp, cách đó chừng ba mươi mét. Cầm cây hương trên
tay và thỉnh thoảng khói hương bay vào mặt vào mũi nhưng không thấy khó
chịu. Sau đó hỏi lại tôi mới biết được đây là những cây hương trầm được
làm tại Huế, không pha trộn bất cứ một loại hóa chất nào. Loại hương này
ngày xưa lúc còn ở Việt Nam tôi thường quen thuộc lắm.
Nguyện đem lòng thành kính, gởi theo đám mây hương,
Phưởng phất khắp mười phương, cúng dường ngôi Tam bảo.
(hay chữ Hán-Việt: Nguyện thử diệu hương vân,
biến mãn thập phương giới, cúng dường nhất thế Phật …)
Những bài niêm hương tán Phật ấy ai đi
Chùa mà chưa từng có lần đã nghe, chưa từng quỳ cung kính chắp tay dõng
tai theo tiếng khấn nguyện trầm ấm của vị chủ lễ (có khi là một vị tu sĩ
hay cũng có khi là một cư sĩ) mắt đang lim dim với ba nén hương cung
kính trên tay. Nghi thức tụng niệm thiền môn quy ước một trật tự thật
tuyệt vời: người chủ lễ niêm hương, duyệt chúng khỏ mõ, duy na đánh
chuông, đại chúng chỉ chắp hai tay và tụng theo. Ấy là lễ, ấy là nhạc.
Từ thời nào hương (hay nhang) vẫn là cái
gạch nối giữa những lời khấn nguyện của chúng sanh với chư Phật, với
chư Tổ, chư hiền Thánh Tăng, với thần linh và những đấng khuất mặt khuất
mày, với những người thân đã qua đời. Người xưa cung kính gọi nó là nén tâm hương.
Hương làm bằng một ít mạt cưa xay nhuyển, pha trộn với bột xay từ trầm
và quế nên rất thơm, sau này người ta có sáng kiến xay những loại trái
và vỏ cây khác hoàn tàn thiên nhiên để trộn thêm vào tạo thành những mùi
khác nhau. Sau khi đã pha trộn với nước cho bột dẽo lại, người ta ngồi
một tay cầm cây que hương bằng tre, tay kia cầm một miếng gỗ có tay cầm
phía trên và lăn qua lăn lại nhuần nhuyễn để bột hương bám đều vào que
tre. Lúc đó họ mới dựng đứng miếng gỗ và xắn đứt bột ở ngay đầu cây que,
lại phủ một lớp bột khô bên ngoài rồi đem phơi khô. Một việc làm vô
cùng tỉ mỉ và đòi hỏi khéo tay. Thông thường ở quê thì những cụ bà lớn
tuổi hay có khi những cháu bé phụ vào, phải sạch sẽ và tinh khiết. Những
phụ nữ đang có tháng không phụ được. Nhồi bột hương là việc rất nặng,
nhưng phải dùng tay để nhồi chứ không dùng chân đạp, vì như thế thần
linh sẽ quở. Thành ra, cây hương trong quá trình thành hình tự nó đã
chuyên chở một nỗi niềm cung kính với thần linh, với kẻ khuất mặt khuất
mày đang ở bên kia thế giới.
Bây giờ, thời hiện đại, mọi quy trình
sản xuất đã khác, thì sản xuất hương cũng bị vạ lây theo. Dĩ nhiên vẫn
còn một vài nơi vẫn còn „xe nhang“ theo lối thủ công nghệ quý hóa kia.
Nhưng tiếc thay, số hương này quá hiếm, khó tìm mua được ở các của tiệm Á
đông. Mua nhân sâm, tổ yến, hay cả vàng bạc kim cương còn dễ hơn. Hương
bây giờ người ta sản xuất công nghiệp, khỏi phải làm tay chân. Bột cũng
xay (có khi bằng cây nhưng rất thường là những gỗ tạp hay phế phẩm từ
gỗ), pha trộn bằng máy. Ác hại thay, để có chút mùi (chứ không phải mùi
thơm) người ta pha chế hóa chất vào. Mà hóa chất tạo mùi này là gì? Ai
biết được? Trên bao hương không ghi gì để ta có thể truy tìm. Cũng có
thể chính các nhà sản xuất cũng không biết được những kiện hóa chất mà
họ đặt mua ấy làm bằng các nguyên liệu gì. Thông thường hiện nay, những
mùi vị trong kỹ nghệ thực phẩm thường xử dụng chất Gelatine làm từ các
bộ phận của động vật, ví dụ như để tạo mùi trái cây cho da-ua (Yoghurt)
hay nước giải khát người ta dùng một phần da và mỡ heo, xương bò…. Tôi
không rành về hóa học, chỉ có lần xem truyền hình thấy họ phân tích như
thế. Ngoài ra cây chân hương cũng được tẩm màu và hóa chất để chống mốc
hay con mọt nên rất độc hại nếu đem cắm vào thức ăn hay trái cây trên
các mâm cúng.
Kỹ nghệ sản xuất đã thế, người khấn lễ
cầu nguyện cũng hùa theo. Có thể do hương kỹ nghệ bây giờ quá rẻ tiền dễ
mua nên khi cúng người ta không đốt ba „nén tâm hương“ mà đốt ba bó,
mỗi bó chừng ba mươi cây! Họ làm như thần linh ở không ngồi đếm số gốc
chân hương mà trả công khấn nguyện! Thêm vào đó, không phải chỉ một
người chủ lễ mà mọi người, từ nam đến nữ, từ người già đến em bé, ai
cũng hai, ba bó… Ấy là một tai họa, ấy là đại nạn!
Tai họa gì, đại nạn gì?
Tạp Chí Khoa Học Châu Á (Asian
Scientist) đăng tải vào ngày 20.08.2014 bản công bố về kết quả một công
trình của đoàn nghiên cứu thuộc Đại Học Y Khoa Duke-NUS tại Singapore do
Giáo sư Koh Woon-Puay cầm đầu. Nhóm nghiên cứu đã theo dõi khảo sát
63.257 người Hoa sống tại Syngapore trong lứa tuổi từ 45 đến 74 thường
xử dụng hương mỗi ngày và đã thu thập dữ kiện về những đối tượng này
trong suốt 20 năm. Kết quả cho thấy là những bệnh nhân này dễ bị các
chứng bệnh ung thư về đường hô hấp và tim mạch, dễ bị các biến chứng đột
quỵ (Schlaganfall). Ngoại trừ một số trường hợp người chết mà không
khai báo (việc ấy rất thường ở Á Châu), con số chính thức ghi nhận là
12% chết vì đột quỵ, 8% chết vì bệnh tim. (1)
Đó là chuyện bên châu Á. Còn Âu châu thì sao?
Tờ báo Khoa Học Thời Sự (Wissenschaft Aktuell) viết là: khói hương có thể gây nên bệnh ung thư.
Báo Sueddeutsche, ngày 22.05.2010 trích dẫn nhiều tài liệu và xác quyết
rằng, trong hương có chất Benzol gây nên ung thư và chất Formaldehyd
làm hại mắt và đường hô hấp. Như đã thưa ở trên, tôi không rành lắm về
những công trình nghiên cứu y khoa hay sinh hóa. Tôi chỉ đọc thấy thế và
ghi ra đây, may có vị nào chuyên môn trong lãnh vực này thì bổ sung
giúp thêm.
Đề tài Hạt bụi vi tế (hay hạt
bụi mịn – Đức: Feinstaub – Anh: fine particles) là một đề tài thảo luận
rất nhiều ở Đức trong gần suốt mười lăm năm qua. Cơ quan Bảo Vệ Môi
Trường (Umwelt Bundesamt) của Chính quyền Liên bang Đức đã quy định giới
hạn cho hạt bụi vi tế, chủ yếu cho ngành giao thông như sau: Giới
hạn là 50 µg/m3 trong một ngày và không được vượt quá 35 ngày trong một
năm. Số bình quân cho suốt năm là 40 µg/m3. Từ tháng 1/2015 đến 2020
phải cố gắng đạt đến 20 µg/m3. Thông thường bụi này tạo ra từ động
cơ xe hơi (nhất là xe chạy Diesel) và bộ phận thắng xe cũng như bánh xe
là nhiều nhất. Sau đó mới kể đến các hệ thống lò sưởi cũng như một số
máy móc trong nông nghiệp. Nhiều nghiên cứu trong năm 2003 cũng đã xác
định rằng, những hạt bụi vi tế nhỏ dưới 10 µm (Mikrometer) gây ra nhiều
căn bệnh. Ở đây ta cần lưu ý và so sánh thêm: Chính quyền Đức quy định
giới hạn cho phép của bụi vi tế ở theo quy định ở Âu Châu là 50 µg/m3,
đó là những bụi vi tế nói chung trong một mét khối không khí. Trong
phòng thí nghiệm người ta đo được số lượng bụi khi thắp hương lên đến gấp ba lần giới hạn được cho phép
ấy, và đây là những hạt bụi có chứa mùi hóa chất. Hạt bụi vi tế có thể
gây ra các căn bệnh suyển, bệnh đường phổi và khí quản, bệnh dị ứng cũng
như bệnh tim.
Không những chính quyền và giới truyền
thông cảnh báo mà chính các Tổ chức Bác sĩ Y khoa ở Đức cũng đã lên
tiếng. Xin trích dịch sau đây bài đăng trên tạp chí „Bác Sĩ Nội Khoa Trên Mạng“ của Hiệp Hội Bác Sĩ Nội Khoa Đức Quốc (BDI – Bundesverband Deutscher Internisten e.V.).
Hương có thể gây ung thư
Hương có thể gây hại đường hô hấp và có thể gây ra ung thư. Đặc
biệt khói hương có thể tạo nên những thoái hóa cho các tế bào biểu mô
(Epithelzellen) ở vào phần bên trên của đường hô hấp (tức khí quản).
Hiệp Hội các Bác Sĩ Nội khoa yêu cầu phải cảnh báo điều này cho những
người đốt hương.
Dựa theo một công bố mới của một công trình nghiên cứu thì các
khói hương, khói đèn… có thể tạo nguy cơ ung thư cho phần bên trên đường
hô hấp (trích dẫn từ Cancer 2008, doi:10.1002/cncr.23788). Ngoài ra còn
có nguy cơ về ung thư phổi nữa. Theo các khám nghiệm thì nguy cơ xuất
phát từ việc hít thở các khói và khói ấy bám vào các vách của bộ phận hô
hấp. Hậu quả này tìm thấy ở những người thường xuyên và ở lâu trong
những căn phòng có đốt hương, thường được gọi là ung thư tế bào biểu mô
(Plattenepithelkarzinome). Khói hương có chứa chất gây ra bệnh ung thư.
Giáo sư Reiner Hartenstein của BDI cảnh báo: „Những công trình
nghiên cứu này xác nhận rằng, những sản phẩm tạo khói từ Á đông có tác
dụng tạo ra bệnh ung thư. Tương tự như người hút thuốc gián tiếp phải
hít những khói thuốc trong vùng không khí chung quanh mình“. Khói có
chứa nhiều chất gây ung thư, tuy nhiên tới thời điểm bây giờ người ta
vẫn chưa liệt kê chính xác sản phẩm gây khói nào là sản phẩm gây hại sức
khỏe.
Hương đốt từ Á Châu dần dần đã trở nên rất phổ biến ở Đức. Giáo
sư Hartenstein còn nhấn mạnh thêm rằng: “Nếu bạn thỉnh thoảng chỉ đốt
một nén hương thì điều này không đáng lo ngại lắm. Những người đốt hương
liên tục ở nhà hay những người dùng những sản phẩm châu Á tạo khói
trong khi làm việc, thì phải xem đây là nguồn tạo ra nguy cơ bệnh ung
thư. Cho đến nay trên bao bì những sản phẩm này vẫn chưa hề thấy ghi một
lời cảnh báo là có thể tạo nên bệnh ung thư. Những nhà sản xuất phải có
nghĩa vụ ghi ra đó cho người tiêu dùng biết, giống như trường hợp bao
thuốc lá vậy.
Vậy bây giờ phải làm sao?
Bài học ta rút ra được về vấn nạn giao
thông ở Đức là gì? Do phương tiện sinh sống, vận chuyển, người ta vẫn
phải cứ xử dụng lò sưởi, vẫn phải lái xe hơi đi lại (xe diesel phải đặt
bộ phận lọc bụi vi tế gọi là partikelfilter) dù biết rằng những phương
tiện này tạo ra bụi vi tế, nhưng phải biết những hạn chế, không vượt quá
những giới hạn cho phép. Phật Tử chúng ta đi Chùa cũng nên như thế. Khi
cúng lễ ta cũng có nhu cầu đốt hương để khấn vái cầu nguyện nhưng cũng
nên biết đủ. Trong lãnh vực giao thông công cộng, nếu
ta không tuân thủ theo những quy định thì bị phạt tiền hay truy tố ra
tòa nên ai cũng sợ. Cửa Phật từ bi, Phật chỉ cười và Thầy cũng không dám
nói, chỉ chịu đựng hít thở những khí độc hại ấy rồi yên lặng đi thu
nhặt những bó hương khổng lồ để nhúng vào các xô nước tắt đi sau khi
người cúng lễ rời khỏi chánh điện. Hết xô này lại đến xô khác. Khổ lắm!
Cho đến bây giờ các cơ quan trách nhiệm
chưa nói gì đến các hoạt động tâm linh tôn giáo. Nhưng khi trao đổi với
một vài vị có trách nhiệm ở nhà thờ Thiên Chúa Giáo, các vị ấy cũng nói
rằng, đã có vài tổ chức bảo vệ môi trường và sức khỏe khuyên nhà thờ nên
hạn chế việc xông hương (Weihrauch) trong các Thánh lễ. Trong thực tế
thì chỉ có Thánh lễ lớn, gọi là lễ kính và lễ trọng họ mới xông hương.
Tuy nhiên, số lượng khói tỏa ra trong một dung tích to lớn của các Thánh
đường nếu đem so sánh tỉ lệ này với các Chánh điện Chùa của chúng ta
vào các dịp Tết thì thật là không đáng kể. Ta thử tưởng tượng, nếu tự
chúng ta không biết hạn chế để bảo vệ môi trường, ngày nào đó chính
quyền bắt chúng ta phải đặt các hệ thống lọc bụi vi tế (partikelfilter)
tại các lư hương trong Chánh điện Chùa – giống như trong các cơ xưởng –
thì còn gì là nét đẹp truyền thống của mình. Việc đáng để ta suy ngẫm
lắm thay!
Trong những năm qua vào dịp Tết nguyên
đán tôi hay cùng người thân hay lái xe đi một vòng lễ Phật bốn năm Chùa.
Ở Việt Nam hay cả tại Mỹ, Úc bà con mình thường đi lễ thập tự. Ở Đức
chúng tôi chỉ mong được phân nửa là mừng, là phải lái xe chạy vài ngàn
cây số trong hai, ba ngày liền. Đến Chùa nào cũng nghe quý Thầy, Cô than
phiền là khói hương nhiều quá, ai cũng bệnh phải thay phiên nhau mỗi
người vài giờ lên Chánh điện để phát lộc Xuân cho Phật tử. Gặp những
Chùa ít tu sĩ thì những vị ấy phải chịu trận suốt, rồi sau Tết phải bệnh
dài dài. Là Phật Tử, là khách viếng Chùa ta thử nghĩ lại xem. Viếng
Chùa lễ Phật là để mong cầu thái bình cho thiên hạ, cầu phước đức cho
mình và gia đình. Thái bình đâu không thấy chỉ thấy khói hương mịt mù
như khói súng giữa trận mạc, phước đức đâu chưa thấy chỉ thấy mang bệnh
tật cho chư tăng ni và mấy Phật Tử phải nhiều ngày công quả ở Chùa. Tội
nghiệp lắm! Ấy là chưa nói: ta còn gây bệnh cho chính ta và gia đình ta,
ta làm tường chùa ố, tượng Phật nám nữa chứ. Chỉ khi tôi ghé đến Chùa
Tây Tạng thì thấy dễ thở hơn, họ chỉ thắp vài ngọn đèn cầy và cúng Phật
bằng nhiều chén đựng nước trong thanh khiết là đủ.
Nhưng nói như thế không có nghĩa là ta
không đốt hương, không có nghĩa là ta gạt bỏ một truyền thống lâu đời
của ta, nhưng … chỉ nên vừa phải thôi.
Thế nào là vừa phải?
Cuối năm 2011 tôi có dịp về quê và thăm
Chùa Linh Ứng Bải Bụt nằm ngay trên bờ biển Đà Nẵng. Tình cờ thấy trong
sân Chùa có một lư cắm hương bằng xi măng lớn, đường kính khoảng hai mét
và đặt trước các bậc cấp lên chánh điện (chứ chưa phải vào trong chánh
điện). Ấy vậy mà dưới đất ngay trước lư hương có một tấm bảng cạc tông
khoảng gần hai mét vuông viết sơ sài mấy câu thơ vè độc đáo nên tôi vội
lấy máy ảnh ra chụp ngay:
Một nén hương thơm thấu Cửu trùng
Đâu cần đốt nạm
cắm tứ tung
Tâm thành nhất nguyện
Trên chứng giám
Nên cắm vào Lư chỉ một cây ./.
(Xin cảm ơn)
Tôi tâm đắc mấy câu ấy lắm.
Xét về mặt văn chương, câu thơ không có
gì đặc sắc. Đó là bốn câu thể thất ngôn. Câu thứ nhất nghe rất bác học,
câu thứ hai nghe ra có phần dân giả. Câu ba cố gắng nối kết hai câu trên
lại, câu thứ tư hơi lạc vận nhưng nói thẳng thừng ngay việc muốn nói!
Cuối cùng còn lich sự mở ngoặc ghi thêm: Xin cám ơn. Ấy vậy mà khi tôi
chỉ tấm hình này cho một số thân hữu xem thì ai cũng gật gù đắc ý. Cấu
trúc bốn câu thơ không văn hoa mà chính là cấu trúc thành thật của một
câu ca dao, nghĩ sao nói vậy. Có thể một vị cư sĩ công quả nào đó ở chùa
lo việc quét dọn, hằng ngày cứ phải thu dọn hoài những que nhang cắm
lung tung nên tức cảnh sanh tình viết ra như vậy chăng? Tôi chắc như
thế, ngôn phong ấy là của một người có chất tu, chất từ bi. Ngoài đường
phố Việt Nam bây giờ có ai ghi là „nên“ đâu mà chỉ ghi là „cấm“, nghe
rất chướng tai. Ca dao tục ngữ là những câu nói xuất phát từ bình dân,
từ những triết lý sống thông thường nhất, chỉ khuyên chứ không ép buộc.
Văn chương ca dao không cần văn cú chương mục gì cả, không cần lý luận
cao siêu, không cần xếp loại là thơ hay là vè. Người bình dân nghĩ như
thế và nói ra như thế, miễn sao suông miệng thì thôi, chỉ mong hợp đạo
lý. Tiếng nói của ca dao là tiếng nói của đa số, của những con người
mong muốn xã hội, muốn cộng đồng tốt đẹp hơn. Biết đâu được vài mươi năm
nữa bốn câu thơ trên không trở thành câu ca dao dạy về cách đốt hương
khi đi lễ chùa, được ghi vào sưu tập ca dao Việt Nam. Nếu vậy thì bốn
câu thơ ấy mang ý nghĩa gì? Thưa, đó là thông điệp xác định rằng: đa số
Phật Tử đi chùa đều thích dâng cúng „một nén hương“ lên chư Phật, còn số
người „thắp nạm cắm tứ tung“ chỉ là thiểu số chưa rành những phép tắc
trong nhà chùa, và chưa hiểu nhiều về chuyện bảo vệ môi trường. Giờ biết
rồi thì xin không nên tiếp tục nữa, làm phiền nhà chùa và khách hành
hương khác lắm !
Đến giữa năm 2014 tôi quay lại viếng
Chùa lần nữa. Tôi vội cố ý tìm ngay đến lư hương kia để xem có còn câu
thơ vè trên không. Tôi ngạc nhiên thấy bản viết bây giờ được viết cẩn
thận và nghiêm túc hơn bản phác thảo trước kia. Chắc bây giờ Thầy Trụ
trì thấy hay và có hiệu quả nên cho viết thành bảng đàng hoàng hơn. Tôi
cũng lại chụp ngay để giữ làm tài liệu:
Ngay phía bên phải của bảng vẽ bằng sơn, có chân đứng hẵn hòi còn có một bảng trang trọng khác ghi bốn câu thơ:
Lên Chùa đốt một nén hương
Thành tâm lễ Phật mười phương hộ trì
Thắp nhiều vô ích làm chi
Khói đen ám tượng vậy thì phước đâu!
Tôi chợt thấm ý câu thơ. Ngoài sân chùa
thoáng khí, chỗ lư hương này đâu thấy có tượng Phật nào đâu mà lại lo
khói đen ám (hay nám?) tượng. Vậy thì tượng đó chính là tượng Phật trong
tâm của ta. Ta thắp nhiều hương làm khói ra nhiều quá, Phật trong tâm
ta cũng bị ám, bị mờ đi. Mình dâng hương cầu nguyện để cho tâm sáng ra
chứ ai muốn mờ đi đâu, phải vậy không?
Lời kết
Truyền thống đốt hương cúng Phật, cúng vái thần linh hay ông bà cha mẹ đã có từ bao nhiêu đời, đã thấm vào tận xương tủy người Việt mình. Nhưng sự việc cầm cả hai ba bó hương mà lâm râm van vái xin trúng áp phe thì hơi xa với truyền thống, không thấy ghi trong nghi thức kinh kệ nào cả, xem ra giống như đang mặc cả gì đó với Phật, Tổ và Thần linh.
Ta lại cũng không thể chỉ cầm ngọn đèn trong tay như người Phật tử Tây Tạng mà xướng rằng: Nguyện đem lòng thành kính, gởi theo đám mây hương … trong khi tay ta chẳng cầm cây hương nào cả. Nếu muốn thế thì phải xin Giáo Hội đổi lời câu kệ là: Nguyện đem lòng thành kính, gởi theo ngọn tâm đăng (nghe sao lạ tai quá!). Hoặc là ở nhà lúc niêm hương ta chỉ cung kính chắp tay và xướng: Nguyện đem lòng thành kính, gởi theo nén tâm hương thay vì mây hương – nhưng chuyện này là chuyện ngoài thẩm quyền cá nhân.
Nhưng suy nghĩ cho cùng, đây chỉ là câu
hỏi vụng về của chúng ta, những Phật tử người chưa hiểu đạo rốt ráo. Các
bậc cao tăng tu chứng có khi chỉ cần một ly nước lạnh, hay một ngọn
đèn, hoặc có khi một cành hoa, một ngọn cỏ, cành tre… họ cũng có thể
dâng cúng chư Phật chư Bồ Tát với cả lòng thành, họ vẫn có thể có những
cách cảm ứng với những bậc linh thiêng mà không đòi hỏi nhiều phương
tiện vật chất như người phàm phu chúng ta.
Thật thiên nan vạn nan, vậy biết làm sao đây?
May quá, tôi có cách – tôi có túi gấm mang theo, gặp khi cùng đường thì mở túi gấm ra.
Tôi gặp ngay bốn câu thơ tuyệt vời này của tác giả Sông Thu trong tập thơ Hạt Cát Mịn
(chứ không phải hạt bụi mịn). Nhà thơ Sông Thu làm thơ dễ dàng như
giảng Pháp, viết Pháp đơn giản đọc như kể chuyện³, tu hành ở trình độ
bậc Thầy, bước đi tự tại trong giáo lý nhiệm mầu nhẹ ngàng như ta đi dạo
mát. Vị ấy gần 60 năm tu tập hành đạo trong chốn thiền môn, công phu
vào hàng đại tăng, chính là Hòa thượng Thích Bảo Lạc ở Úc. Bốn câu thơ
ấy như sau:
[…]
Chư Bồ Tát rộng độ sanh chứng đạt
Pháp không môn ngào ngạt khắp mười phương
Không cõi nào chẳng quyện tỏa ngát hương
Nguyện dẫn dắt soi đường cho vạn loại.
(Sông Thu – Trầm Hương / Hạt Cát Mịn, tr.92, Úc, Pháp Bảo, 2014)
Bạn nghe ra đấy chứ! Sao vẫn cứ còn thắc mắc loanh quanh chuyện một nén (hay một bó) hương? Pháp không môn ngào ngạt khắp mười phương, Không cõi nào chẳng quyện tỏa ngát hương…
Trí tuệ lớn mới nhìn thấy được như thế.
Nếu chẳng may mình còn vô minh, vẫn
không hay chưa thấy được vậy, thì chỉ nên dâng một nén hương thôi (hay
nhiều nhất là ba), bạn nhé!
Nghinh Xuân Ất Mùi
Nguyên Đạo Văn Công Tuấn
www.vancong.com
—
Chú thích:
(1) Bản tiếng Anh: http://www.asianscientist.com/2014/08/health/incense-linked-cardiovascular-disease-2014/).
(2) Trích dịch từ: http://www.internisten-im-netz.de/de_news_6_0_424_r-ucherst-bchen-k-nnen-krebs-ausl-sen.html)
(3) Tác phẩm: Kiến thức Căn Bản Phật Giáo của Hòa Thượng Thích Bảo Lạc viết năm 1981 là cuốn sách tra khảo về giáo lý căn bản Phật Giáo tôi vẫn xử dụng thường xuyên mấy chục năm nay. Có thể xem online ở đây: http://quangduc.com/a34053/kien-thuc-can-ban-phat-giao
(1) Bản tiếng Anh: http://www.asianscientist.com/2014/08/health/incense-linked-cardiovascular-disease-2014/).
(2) Trích dịch từ: http://www.internisten-im-netz.de/de_news_6_0_424_r-ucherst-bchen-k-nnen-krebs-ausl-sen.html)
(3) Tác phẩm: Kiến thức Căn Bản Phật Giáo của Hòa Thượng Thích Bảo Lạc viết năm 1981 là cuốn sách tra khảo về giáo lý căn bản Phật Giáo tôi vẫn xử dụng thường xuyên mấy chục năm nay. Có thể xem online ở đây: http://quangduc.com/a34053/kien-thuc-can-ban-phat-giao
(Nguồn: nguyencongtuan.com)
0 Kommentare:
Post a Comment