Tất nhiên, mình phải thành tâm
sám hối thì mới tiêu tai. Ðừng nên coi là chuyện đùa, ban ngày làm chuyện
ác, ban đêm sám hối, tin rằng có thể tiêu trừ. Nếu như có tư tưởng như
vậy, thì chẳng những tội chẳng tiêu mà còn nặng thêm nữa. Bởi vì sao? Mình
đã biết tội, mà cố phạm nữa thì không thể nào tha thứ được.
Khai Thị của HT Tuyên Hoá
Nếu trong vũ trụ đầy
chính khí an lành, trái đất sẽ không bùng
vỡ.
Thế giới hiện tại là do nhiều
quốc gia hợp thành. Mỗi một quốc gia gồm nhiều gia đình làm nên. Mỗi gia
đình gồm nhiều người tạo thành. Vì vậy mỗi cá nhân có quan hệ liên đới
rất lớn đối với toàn thể thế giới.
Nếu lòng người trên thế gian
thanh tịnh, không có tư tưởng nhiễm ô thì thế giới nhất định sẽ hòa bình
không có chiến tranh. Ngược lại, lòng người ô nhiễm thì thế giới sẽ trở
thành xấu xa. Ðạo lý này con người ai cũng hiểu nhưng họ không thực hành.
Biết mà cố phạm lỗi, đó thực là đáng thương xót vậy.
Sở vị hảo, yếu tòng tâm tác
khởi.
Sở vị hoại, dã tòng tâm tác
khởi,
Nghĩa là:
Ðiều tốt là do tâm tạo ra.
Ðiều xấu cũng từ tâm làm nên.
Thế giới hiện tại đang tới chỗ
sống buổi sáng nhưng không chắc sẽ có buổi chiều. Bởi vì sao? Bởi vì địa
cầu sắp đi đến chỗ bùng nổ, đã đến lúc vô cùng nguy hiểm. Tại sao địa
cầu đi đến chỗ bùng vỡ? Ðó là vì "tham, sân, si," ba thứ ác khí
trùm tỏa khắp mọi nơi. Nếu trái đất bị hủy diệt thì con người chẳng còn
tồn tại được nữa.
Tuy vậy, con người không để tâm
nghiên cứu vấn đề này, suốt ngày cứ sống trong sự mê muội, chết đi trong
mộng mơ. Ðể thời gian trôi đi một cách hồ đồ, không biết rằng sự nguy
hiểm trùng trùng. Có người chỉ quan tâm đến sự nguy hiểm trước mắt, nhưng
không biết nghĩ đến cứu cánh của tương lai. Họ chỉ lo rằng loài người
càng ngày càng đông thêm, sợ rằng không có thực phẩm ăn, không có áo quần
mặc, không có nhà cửa ở, không có tài nguyên, nhiên liệu. Họ cho những vấn
đề này là vấn đề trọng yếu. Kỳ thật những vấn đề đó còn nhỏ, vì tới
lúc ấy, mọi sự tự nhiên sẽ được giải quyết.
Thật ra vấn đề "sanh
tử" của mọi người mới là vấn đề trọng đại. Giây phút này mình còn,
nhưng phút sau không còn nữa, trong chớp mắt mình sẽ ra đi. Cái chết sẽ tới
ngay trên đầu mà mình không hay. Thương thay con người đối với vấn đề
nghiêm trọng như vậy mà rất lãnh đạm, coi như chuyện chiêm bao vậy. "Từ
đâu mình sanh ra, chết đi về đâu?" Không ai biết cả. Cho dù có biết,
mình sẽ làm sao đây? Biện pháp duy nhất là "cải ác hướng thiện"
(sửa bỏ điều ác, chỉ làm điều thiện). Sửa đổi con người chính mình,
đừng sinh lòng ích kỷ, tư lợi, mà phải có lòng từ bi; vì lợi ích tất cả
chúng sinh và phải học tập tinh thần của Bồ-tát.
Hành vi của mọi người là do tâm
chi phối. Bởi vì tâm nên mình biến thành các loài trong mười Pháp-giới. Một
niềm thiện thì sinh lên trời; một niệm ác thì bị đọa địa ngục. Rằng:
Nhất niệm giác tựu thị Phật,
Nhất niệm mê tức chúng sinh.
Nghĩa là:
Một niệm giác ngộ thì là Phật,
Một niệm hồ đồ thì là chúng
sinh.
Nói một cách giản dị là khi có
tư tưởng lợi ích cho kẻ khác, đó là Bồ-tát; một tư tưởng làm lợi ích
cho chính mình, thì đó là chúng sinh. Một ý niệm hồi quang phản chiếu, tìm
giải đáp nơi chính mình, thì đó là A-la-hán và Bích-chi Phật. Một ý niệm
tách rời sự giác ngộ, lăn theo bụi đời đó là phàm phu; một ý niệm xa lìa
bụi đời để trở về với giác ngộ tức là thánh nhân. Cho nên cả hai mặt xoay
qua đổi lại thật dễ như trở bàn tay vậy.
Thế giới tốt hay xấu đều do một
niệm trong tâm mình tạo thành. "Con người ai cũng có lòng lành thì thế
giới sẽ yên trụ mãi mãi; con người có lòng ác thì thế giới sẽ hủy
diệt." Ðó là đạo lý rất hiển nhiên. Ðạo Phật dạy người ta làm điều
thiện, biết rõ nhân quả. Làm điều thiện nhiều, làm công đức nhiều, cũng
có nghĩa rằng đừng có tranh, đừng có tham, không mong cầu gì cả, chẳng ích
kỷ, cũng chẳng tự lợi và không nói láo. Nếu được như vậy thì thế giới
sẽ từ chỗ nguy hiểm mà trở nên an ninh. Cho nên nói: "Nhất thiết duy tâm
tạo." Tức là tất cả mọi thứ đều do tâm mà ra. Tâm tạo ra thế giới,
tâm cũng có thể hủy diệt thế giới. Tâm tạo ra thiên đường, tâm cũng có
thể tạo ra địa ngục.
Gia đình là do mọi người làm
thành, con người là do vọng tưởng mà thành hình. Nếu đem vọng tưởng xấu
sửa đổi thành vọng tưởng tốt lành thì đó là người tốt. Nếu đem ý niệm
thiện mà biến thành ý niệm xấu thì đó là người ác. Ðó là sự khác biệt
giữa người ác và người lành.
Chúng ta là những người tu hành
thì phải "Siêng tu Giới, Ðịnh, Huệ. Trừ bỏ tham, sân, si." Ðó là
điều kiện căn bản của sự tu hành. Là người học Phật-pháp, trước hết mình
phải "không làm điều ác và làm tất cả những điều thiện." Ðó
cũng chính là điều căn bản. Nếu ai cũng làm theo điều này thì thế giới sẽ
trở nên tốt lành; khí lành sẽ gia tăng và ác khí sẽ giảm thiểu. Nếu trong
vũ trụ đầy dẫy những chính khí an lành, thì trái đất sẽ không bùng vỡ.
Làm sao cho thế giới yên ổn, an
lành? Chỉ còn biện pháp duy nhất là mình tới học Phật-pháp nơi đạo tràng
có chính pháp, rồi sửa đổi lỗi lầm của mình để trở thành người mới. Mọi
người ai cũng bỏ điều ác, làm điều lành thì thế giới sẽ không có ba thứ
tai nạn, tám thứ khốn khổ. Con người ai cũng sống trong hòa bình thương yêu
lẫn nhau, không còn tranh, không còn tham nữa. Ðó là thế giới đại đồng.
Hy vọng rằng lúc đó những
người không có tín ngưỡng, tôn giáo cũng sẽ vì gia đình, vì tổ quốc, vì
thế giới bỏ đi những tánh tham lam, làm những việc lợi ích cho xã hội. Mình
cũng nên biết rằng "tài sản là những vật ngoài thân." Sanh ra, mình
không đem chúng tới, chết đi, cũng chẳng mang chúng theo.
Khi sự hắc ám của người ác
được hào quang của người thiện chiếu soi làm tan mất, thì lúc đó thế giới
không còn bị ác khí bao trùm, địa cầu mới không bị hủy diệt. Ðạo lý này
tuy rất giản dị nhưng mình phải biết dụng công thâm hậu thì mới có hiệu
quả được. Quý-vị nên từ nơi "tâm" mà hạ thủ việc tu, cải tạo
thế giới, khiến cho thế giới được bình an.
Vị lãnh tụ của mình, chính là
cái "tâm." Nếu tâm xấu thì thân thể đầy đủ tật bệnh, gặp đủ
thứ tai nạn bất ngờ. Chúng ta cần phải phản tỉnh, kiểm thảo, nếu có tội lỗi
phải mau mau sám hối. Bởi vì:
Di thiên đại tội,
Nhất sám tiện diệt.
Nghĩa là:
Tội lỗi đầy trời,
Một niệm sám hối, hết thảy sạch
tiêu.
Tất nhiên, mình phải thành tâm
sám hối thì mới tiêu tai. Ðừng nên coi là chuyện đùa, ban ngày làm chuyện
ác, ban đêm sám hối, tin rằng có thể tiêu trừ. Nếu như có tư tưởng như
vậy, thì chẳng những tội chẳng tiêu mà còn nặng thêm nữa. Bởi vì sao? Mình
đã biết tội, mà cố phạm nữa thì không thể nào tha thứ được.
HT Tuyên Hoá
0 Kommentare:
Post a Comment