Pages

19 December 2017

CHỮ CÓ CHỮ KHÔNG CÓ MỘT HAY NHIỀU NGHĨA?

Nghĩa hữu lậu, nghĩa vô lậu là nhiều, chẳng phải là một nghĩa. Vì sao thế? Nghĩa hữu lậukiết sử sanh tử. Nghĩa vô lậu là pháp Niết-bàn. Vì thế cho nên có nhiều nghĩa, chẳng phải một nghĩa...




Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Ma-kiệt, trong núi Ba-sa, cùng năm trăm đại chúng Tỳ-kheo.
Bấy giờ Thế Tôn sáng sớm từ tĩnh thất thức dậy, ra ngoài kinh hành. Khi ấy Sa-di Tu-đà đi kinh hành sau lưng đức Thế Tôn. Thế Tôn quay lại bảo Sa-di rằng:
- Nay ta muốn hỏi Ông về nghĩa. Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ:
Sa-di Tu-đà đáp:
- Xin vâng, bạch Thế Tôn!
Thế Tôn bảo:
- Có sắc thường và sắc vô thường, đó là một nghĩa hay nhiều nghĩa?
Sa-di Tu-đà bạch Phật:
- Sắc thường và sắc vô thường, nghĩa này nhiều, chẳng phải một nghĩa. Vì sao thế? Sắc thường là bên trong; sắc vô thường là bên ngoài. Vì thế cho nên có nhiều nghĩa, chẳng phải một.
Thế Tôn bảo:
- Lành thay, lành thay! Tu-đà! Như lời Ông nói. Khéo nói nghĩa này: Sắc thường và sắc vô thường có nhiều nghĩa chẳng phải một. Thế nào Tu-đà? Nghĩa hữu lậu, nghĩa vô lậu là một hay nhiều nghĩa?
Sa-di Tu-đà đáp:
- Nghĩa hữu lậu, nghĩa vô lậu là nhiều, chẳng phải là một nghĩa. Vì sao thế? Nghĩa hữu lậukiết sử sanh tử. Nghĩa vô lậu là pháp Niết-bàn. Vì thế cho nên có nhiều nghĩa, chẳng phải một nghĩa.
Thế Tôn bảo:
- Lành thay, lành thay, Tu-đà! Như lời Ông nói. Hữu lậu thì sanh tử, vô lậu thì Niết-bàn.
Thế Tôn lại bảo:
- Phạp tụ, pháp tán là một nghĩa hay nhiều nghĩa?
Sa-di Tu-đà bạch Phật:
- Pháp tụ của sắc và pháp tán của sắc, nghĩa này nhiều, chẳng phải một nghĩa. Vì sao thế? Pháp tụ của sắc là thân tứ đại. Pháp tán của sắc là khổ tận đế. Vì thế cho nên có nhiều nghĩa, chẳng phải một nghĩa.
Thế Tôn bảo:
- Lành thay, lành thay, Tu-đà! Như lời ông nói: pháp tụ của sắc, pháp tán của sắc có nhiều nghĩa, chẳng phải một nghĩa. Thế nào Tu-đà? Nghĩa thọ và nghĩa ấm là một hay nhiều nghĩa?
Sa-di Tu-đà bạch Phật:
- Thọ và ấm có nhiều nghĩa chẳng phải một nghĩa. Vì sao thế? Thọ thì không hình dáng, chẳng thể thấy. Ấm thì có sắc, có thể thấy. Vì thế cho nên có nhiều nghĩa, chẳng phải một nghĩa.
Thế Tôn bảo:
- Lành thay, lành thay, Tu-đà! Như lời Ông nói: Nghĩa thọ và nghĩa ấm, việc này có nhiều, chẳng phải một nghĩa.
Thế Tôn bảo:
- Chữ có, chữ không có nhiều hay là một nghĩa?
Sa-di bạch Phật:
- Chữ có, chữ không có nhiều nghĩa chẳng phải một nghĩa. Vi sao thế? Chữ có là sanh kết. Chữ không là Niết-bàn. Vì thế cho nên có nhiều nghĩa, chẳng phải một.
Thế Tôn bảo:
- Lành thay, lành thay, Tu-đà! Như lời ông nói: chữ có là pháp sanh tử, chữ không là pháp Niết-bàn.
Thế Tôn bảo:
- Thế nào Tu-đà? Vì sao mà gọi chữ có là sanh tử, chữ không là Niết-bàn?
Sa-di bạch Phật:
- Chữ có là có sanh, có tử, có chung, có thủy. Chữ không là không sanh, không tử, không chung, không thủy.
Thế Tôn bảo:
- Lành thay, lành thay, Tu-đà! Như lời Ông nói: chữ có là pháp sanh tử, chữ không là pháp Niết-bàn.
Bấy giờ Thế Tôn nói với Sa-di:
- Khéo nói lời này. Nay ta cho Ông làm Đại Tỳ-kheo.
Thế Tôn trở về giảng đường Phổ tập, bảo các Tỳ-kheo:
- Nước Ma-kiệt chóng được lợi lành, khiến Sa-di Tu-đà đi đến cảnh giới này. Nếu có người đem y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc men trị bịnh mà cúng dường thì cũng được lợi lành, cha mẹ Ông ta cũng được lợi lành vì đã sanh được Tỳ-kheo Tu-đà này. Nếu Tỳ-kheo Tu-đà sanh trong nhà nào, nhà ấy liền được may mắn lớn. Nay Ta báo cho các Tỳ-kheo. Hãy học như Tỳ-kheo Tu-đà. Vì sao thế? Tỳ-kheo Tu-đà hết sức thông minh, thuyết pháp không trệ ngại, cũng không khiếp nhược. Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy học như Tỳ-kheo Tu-đà. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm. 

(Trích ĐẠI TẠNG KINH VIỆT NAM - KINH TĂNG NHẤT A HÀM
Việt dịch: Hòa thượng Thích Thanh Từ - Hiệu đính: Hòa thượng Thích Thiện Siêu)

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites