Sau đó trải qua vô lượng vô số kiếp,
Pháp Tạng Bồ Tát tu hành và thực hiện hoàn toàn các điều nguyện trên, và người
đã thành Phật đến nay được mười kiếp hiệu là A Di Đà, hiện đang ngự thuyết pháp
tại Cực Lạc thế giới, cách đây mười muôn ức cõi về hướng Tây...
HT
Thích Trí Tịnh
PHẬT HUYỀN KÝ
Thời mạt pháp
ức ức người tu hành khó có một người đến giải thoát.
Chỉ nương pháp
môn niệm Phật mà được thoát khỏi luân hồi...
KINH ĐẠI TẬP
LỜI NÓI ĐẦU
Cũng
là lời tự thuật
Thời gian qua, tôi từng tự nghĩ:
Ta cùng thập phương chư Phật đồng một bản chơn giác tánh,
Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật há chẳng từng dạy rằng: “Tất cả chúng sanh đều
đầy đủ Như Lai trí huệ đức tướng”([1]) đó ư!
Từ khi sơ thỉ có thân, không phải là ta sau chư Phật. Tại
sao chư Phật, các Ngài đã giải thoát tự tại, đủ vô lượng trí huệ công đức thần
thông, mà ta hiện vẫn bị buộc ràng trong vòng sanh tử, đầy vô biên phiền não
tội nghiệp khốn khổ? Phải chăng là do vì chư Phật sớm chứng ngộ bản chơn, còn
ta mải mê say trần dục! Thật là đáng hổ thẹn! Thật là đáng thống trách!
Tôi lại tự nghĩ:
Đã tự biết rồi, giờ đây ta phải kíp lo sao cho được giải
thoát, và phải giải thoát nơi đời hiện tại này. Nếu trong đời hiện tại này mà
chưa được giải thoát, đời sau quyết khó bảo đảm, và có thể vẫn loanh quanh mãi
trong vòng luân hồi như những đời quá khứ thôi! Vì sao vậy? Có nhiều điều rất
chướng ngại con đường giải thoát của ta ở đời sau:
1.- Do phước lực tu hành hiện đời mà ta sẽ sanh lên các
cõi trời ư? Trong Kinh có lời: Chư Thiên cõi Dục, vì cảnh ngũ dục quá thắng
diệu dồi dào làm cho say mê, lại không có sự thống khổ làm cho thức tỉnh, nên
khó phát tâm chịu nhọc chịu khổ mà tu hành đạo hạnh. Hưởng phước vui mãi mà
không tu, tất có ngày hết phước mà phải sa đọa. Còn chư Thiên trong cõi Sắc và
Vô Sắc lại vì mãi an trụ trong cảnh giới thiền định, khó tấn tu đạo giải thoát,
lúc sức thiền định đã mãn vẫn y nhiên làm kẻ luân hồi.
Vĩnh Gia Thiền sư nói: Người tu phước sanh lên các cõi
trời sẽ chiêu vời quả khổ ở tương lai, như bắn mũi tên lên hư không, khi sức đã
mãn tên lại rơi xuống đất.
Đó là sanh lên cõi trời thời không bảo đảm giải thoát.
2.- Ta sẽ được thân làm người nữa ư? Đui, điếc, câm,
ngọng trên mặt địa cầu rất lắm kẻ; Mán, Mọi, dã man cùng nhiều người; biết bao
xứ không Phật, Pháp, Tăng; nơi nơi đầy ngoại đạo tà giáo. Được thân người mà có
một trong các điều trên đây tất khó mong tu hành chánh đạo, tất sẽ lạc vào tà
ngoại. Ngoài ra nếu ta có phước mà sẽ làm vua, làm quan, làm nhà triệu phú:
“Sang giàu học đạo là khó” lời Phật rành rành trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương.
Hoặc giả đời trước có tu thiền quán mà được thông minh: “Thế trí biện thông” là
một trong bát nạn. Đó là chưa kể đến không biết bao nhiêu người lợi dụng sự
sang giàu tài trí để gây tạo những tội ác tày trời, mà ta thường nghe thường
thấy trong đời…
Dầu cho thân người đời sau của ta do căn lành mà ở ngoài
những chướng nạn ấy, nhưng theo lời Phật, Pháp càng ngày càng đi sâu vào thời
mạt, bậc minh sư thiện hữu chân chính tu hành có đạo lực rất là khó có khó gặp.
Thầy bạn giải thoát đã không, ai là người dẫn đường cho ta đắc đạo. Lại đương
nhằm kiếp giảm, tuổi thọ con người càng lúc càng bớt lần, đời sau tu hành chưa
được gì rồi kế chết, đời thứ ba thứ tư sẽ ra thế nào? Ta sẽ đi vào đâu?
Thế là dầu được sanh làm người trở lại, cũng không thể
bảo đảm là sẽ giải thoát.
3.- Phật nói: “Chúng sanh được thân người như đất dính
móng tay, còn sa vào ác đạo như đất toàn cõi đại địa”. Sau khi bỏ thân này, ta dám cả quyết là không đi xuống ư? Kinh nói:
“Phạm một tội nhỏ (kiết-la) phải đọa địa ngục bằng tuổi thọ của Tứ Thiên
Vương”. Huống là nghiệp chướng từ vô lượng đời đến nay khó có thể lường. E rằng
“Cường giả tiên khiên”, một bước trật chân chắc chắn là lăn xuống đến đáy hố
sâu. Đây là điều lo sợ cho đời sau mãi mãi trầm luân.
Ôi! Thân người khó đặng, Phật pháp khó được nghe. Nay ta
do túc thế thiện căn nên được hưởng ít chút dư âm của Như Lai, võ vẽ biết đôi
đường giải thoát, thật là đại hạnh! Thật là hy hữu! Ta còn chờ gì mà không thẳng bước tấn tu? Ta còn đợi chi mà chẳng kíp đoạn dòng sanh tử?
Và cả nhơn loại kia, cả mọi loài kia cũng đang nổi chìm trong biển khổ không
bờ, ta phải sớm thẳng đến Phật quả, để rồi vận thuyền từ bi nguyện lực cứu vớt
quần sanh, không thể dần dà được.
Rồi tôi tự gẫm:
Y cứ nơi Thánh giáo: Dứt sạch tam giới kiến tư hoặc mới
siêu thoát luân hồi. Nếu phiền não còn mảy may, cội gốc sanh tử vẫn chưa đoạn.
Đây là thông luận của Tiểu thừa và Đại thừa.
Riêng phần Đại thừa, được bảo đảm trên con đường giải
thoát thành Phật, tất phải vào bậc tín tâm bất thoái làm đầu. Chứng bậc này,
theo Khởi Tín Luận, phải là người đủ năng lực thiện căn huân tập, thâm tín nhơn
quả, chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, phát Bồ-đề tâm, đặng gặp chư Phật
gần gũi cúng dường, tu Bồ Tát hạnh. Tu tập như vậy mãi đến đủ một vạn đại kiếp
tín tâm mới thành tựu.
Ôi! Như thế thời thế nào? Ta là chúng sanh thời mạt pháp,
tự thấy mình phước mỏng nghiệp dày, chướng sâu huệ cạn. Chí nguyện được giải
thoát nội hiện đời của ta, chí nguyện đi thẳng đến viên mãn Phật quả của ta, có
thể thành cảnh mộng ư?
Nhưng tôi tự an ủi:
Đức Phật Như Lai có dạy một phương tiện siêu thắng để bảo
đảm sự giải thoát mà cũng để bảo đảm vững chắc đường thành Phật cho tất cả
chúng sanh:
Pháp môn Tịnh độ, Niệm Phật cầu sanh Cực Lạc thế giới!
Theo lời Phật, dầu là hạng cực ác mà chịu hồi tâm tu theo
pháp môn này trong một thời gian rất ngắn (10 niệm) cũng được vãng sanh; đã
được vãng sanh thời là siêu phàm nhập Thánh, thoát hẳn sanh tử, bất thoái Vô
thượng Bồ-đề.
Nương pháp môn này, ắt là ta sẽ được toại bổn nguyện:
giải thoát, thành Phật, độ sanh. Người cực ác tu còn thành tựu thay, huống ta
chưa phải là kẻ ác!
Từ ngày ấy, tôi lập chí kiên quyết nơi Tịnh độ và cố gắng
thực hành. Tôi giao phó pháp thân huệ mạng mình cho Đức Từ Phụ
A Di Đà Phật, coi cõi Cực Lạc là gia hương của mình, bớt lần sự duyên để chuyên tâm niệm Phật…
A Di Đà Phật, coi cõi Cực Lạc là gia hương của mình, bớt lần sự duyên để chuyên tâm niệm Phật…
Dầu rằng sau khi thành Phật, sự độ sanh mới hoàn mãn cứu
cánh, nhưng lòng lợi tha thúc giục, nên cũng tùy phần, đương lúc cố lo tự độ,
đồng thời khuyến tấn người hữu duyên. Muốn tất cả chúng sanh đều được giải
thoát như mình, mong mọi người tấn hóa trước mình, đó là thân tâm của bần tăng
này.
Vì thế nên tôi không quản vụng về quê dốt gom góp những
chỗ những nơi chỉ dạy về “Pháp môn Tịnh độ” của Phật, Bồ Tát và Cổ đức,
trong các Kinh các Luận chính thức, cùng diễn thuật các sự tích của Tăng, tục,
tứ chúng vãng sanh ở những bộ sách chánh truyền, mà tổ hợp thành bộ “Đường
về Cực Lạc” này.
“Đường về Cực Lạc” là con đường pháp dẫn ta và tất cả
chúng sanh từ xứ ác trược Ta Bà về đến thế giới thanh tịnh Cực Lạc. Cũng chính
là “Pháp môn Tịnh độ” nói bằng một cách khác đấy thôi.
Bộ này chỉ là công trình sưu tập. Vì muốn thủ tín và để
giới thiệu các Kinh sách Tịnh độ với mọi người, nên mỗi bài, mỗi đoạn tôi đều
chua rõ trích ở bộ Kinh nào, bộ Luận nào, hay bộ sách nào. Trong đây dầu cũng
có những chỗ phải sửa đổi đôi chút để chỉnh đốn cho liền đoạn hay đổi lời cho
xuôi câu, nhưng tuyệt hẳn không đổi ý. Có thể tín nhiệm rằng: bộ sách này là
lời của Phật, của chư Bồ Tát, của Cổ đức, mà hoàn toàn không phải là ý riêng
của bần tăng này. Tôi còn muốn đặt gì thêm cho thành thừa, một khi mà lời Phật
ý Tổ đã quá đầy đủ trong muôn kinh vạn luận, vả lại kiến thức của hạng phàm đâu
sánh được với trí huệ của bậc Thánh! Gian hoặc có chỗ tôi chua thêm, như những
đoạn “lời phụ” chẳng hạn, bần tăng chỉ diễn thuật lại lời của bài trước cho rõ
nghĩa, nhấn mạnh điểm quan trọng, ghi nhắc điều khẩn yếu, hay khuyến khích sách
tấn, hầu giúp đôi phần lợi ích cho mọi người trong lúc xem lúc đọc mà thôi.
Về phần lược sử của các nhà tu Tịnh độ được vãng sanh,
tôi chọn lấy những truyện tích có ghi rõ công hạnh tấn tu, hay lời chỉ dạy xác
đáng, để có thể làm quy giám cho những người phát tâm tu hành, cùng giúp thêm hạnh
giải cho người đọc.
Đọc kỹ toàn bộ sách này, ngoài sự lợi ích lớn là được
hiểu rõ Tịnh độ và Pháp môn Tịnh độ; được phát khởi tín, hạnh, nguyện nếu ta đã
phát; thành tựu tín, hạnh, nguyện nếu đã tăng trưởng và viên mãn nếu đã thành
tựu, ta lại có thể dùng đây làm ông bạn tốt chỉ chỗ phải, răn điều quấy trong
khi ta hành đạo, vì những căn trí, tâm tánh, những trường hợp, cảnh duyên,
những sự thuận trơn hay những điều thắc mắc của mỗi người trong chúng ta, không
nhiều thời ít, quyết định là có trúng vào các truyện tích trong bộ này.
Tôi chí thành cầu nguyện bộ sách này sẽ đem kết quả tối
thắng lại cho tất cả mọi người, cho tất cả chúng sanh đúng như tên của nó:
“Vãng sanh Cực Lạc, trụ bậc bất thoái Vô thượng Bồ-đề”.
Phật lịch 2497 ngày Phật Đản
Hân Tịnh Sa môn
Thích Trí Tịnh
(1953)
Phật dạy:
“Nếu có người
nào đã phát nguyện, hiện phát nguyện, sẽ phát nguyện, muốn sanh về cõi nước Cực
Lạc của A Di Đà Phật, thời các người ấy đều được chẳng thoái chuyển nơi Vô
thượng Chánh đẳng Chánh giác, và hoặc đã sanh về Cực Lạc rồi, hoặc đương sanh,
hoặc sẽ sanh.
Xá Lợi Phất! Vì
thế các thiện nam tín nữ nếu có lòng tin nên phải phát nguyện sanh về cõi đó”. (KINH A DI ĐÀ)
PHÁP MÔN NIỆM PHẬT
là
thắng phương tiện của Như Lai
Tất cả chúng sanh đều sẵn đủ trí huệ đức tướng như Phật
không khác. Chỉ vì trái giác tánh theo trần lao, nên toàn thể trí đức chuyển
thành vô minh phiền não. Rồi thuận theo phiền não gây tạo những nghiệp hữu lậu
kết thành những quả báo sanh tử trong tam giới. Từ quả báo sanh tử sanh phiền
não rồi lại gây nghiệp hữu lậu... Vì cớ ấy nên chúng sanh từ vô thỉ đến nay,
trải vô lượng vô biên kiếp chịu khổ mãi trong vòng luân hồi sanh tử.
Vì lòng đại bi, Đức Phật xuất thế thuyết pháp độ sanh.
Nguyên bổn tâm của Phật chỉ muốn tất cả chúng sanh đều thoát hẳn sanh tử luân
hồi chứng viên mãn Phật đạo mà thôi. Song vì chúng sanh căn tánh lợi độn không
đồng, trí ngu sai khác nên Đức Phật phải chiều theo cơ nghi mà giáo hóa. Do đó
nên pháp môn của Phật nhiều đến vô lượng.
Với chúng sanh hạng lợi căn đại trí, thời Đức Phật dạy
Phật thừa để đặng liền viên Phật quả. Như Thiện Tài trong pháp hội Hoa Nghiêm,
Long Nữ nơi đạo tràng Diệu Pháp...
Với chúng sanh hạng căn trí kém, thời Đức Phật giảng Bồ
Tát thừa, Duyên Giác thừa và Thanh Văn thừa, để cho hạng ấy lần lượt tu tập, tuần
tự chứng quả.
Với chúng sanh trình độ quá thấp, thời Đức Phật nói Thập
thiện Ngũ giới, Thiên thừa và Nhơn thừa, cho hạng ấy nương theo để khỏi sa đọa
vào ác đạo, đặng còn thân nhơn thiên mà vun bồi thiện căn lần lần. Tương lai
nương nơi căn lành ấy mà tấn tu Thánh đạo; hoặc học Bồ Tát thừa tu lục độ vạn
hạnh mà chứng pháp thân, hoặc y theo Duyên Giác thừa hay Thanh Văn thừa ngộ
duyên sanh cùng Tứ đế mà đặng đoạn phiền não chứng Niết bàn...
Tất cả những pháp môn ấy, bất luận là Đại thừa hay Tiểu
thừa, Tiệm giáo hay Đốn giáo, nơi hành giả đều phải tự lực tu tập cho đến đoạn
thật hết phiền não mới ra khỏi vòng sanh tử luân hồi. Nếu kiến hoặc tư hoặc
còn chừng mảy tơ thời cội gốc sanh tử vẫn chưa dứt hẳn. Như tam quả Thánh
nhơn (A-na-hàm) sau khi sanh lên Bất Hoàn Thiên, còn phải trải qua nhiều thời
gian mới chứng quả A-la-hán. Chứng A-la-hán rồi mới là thật dứt hẳn cội gốc
sanh tử.
Nhưng A-la-hán chỉ là bậc Thánh Tiểu thừa còn cần phải
hồi tâm tu Đại thừa mà cầu Phật đạo: rèn bi nguyện hiện thân trong lục đạo, tu
hành lục độ vạn hạnh, trên cầu thành Phật, dưới cứu khổ mọi loài, lần lượt
chứng các bậc: Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa và Đẳng Giác Bồ
Tát. Bậc Đẳng Giác lại phải dùng Kim Cang trí phá một phần sanh tướng vô minh,
mới viên mãn chủng trí mà chứng Phật quả (Diệu giác).
Giáo pháp của Đức Phật chỉ dạy, từng bậc tu chứng từ phàm
lên Thánh, từ Thánh đến Phật, quyết không thể vượt ngoài tuần thứ kể trên.
Đức Bổn Sư của chúng ta biết rằng nếu chúng sanh chỉ
dùng tự lực để liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập Thánh thời rất khó đặng,
nên ngoài vô lượng pháp môn chỉ thuộc tự lực, Ngài dạy một pháp môn tự lực
nương tha lực rất viên đốn, rất huyền diệu, dễ thực hành mà thành công cao,
dùng sức ít mà mau có hiệu quả, tất cả căn cơ đều hạp, tất cả Thánh phàm
đồng tu. Chính là Pháp môn Tịnh độ, niệm Phật cầu vãng sanh vậy.
Do vì Đức Phật A Di Đà có bổn thệ nguyện lực nhiếp thủ
chúng sanh niệm Phật. Nên người dùng tín nguyện mà niệm Phật (tự lực) thời cảm
thông với nguyện lực của Phật, nương nguyện lực của Phật nhiếp thủ (tha lực)
liền đặng siêu thoát sanh tử luân hồi mà sanh về Cực Lạc Tịnh độ. Đã được vãng
sanh tức là cao thăng và bậc Thánh lưu bất thoái, nên gọi là rất viên đốn,([2])
rất huyền diệu,([3])
và thành công cao.
Nơi pháp môn này, phương pháp thực hành rất giản tiện,
mọi người đều có thể tùy phần tùy sức mà hành đạo. Chỉ cần chỗ tu cho đúng pháp
thời chắc chắn là thành tựu cả, nên gọi là dùng sức ít, dễ thực hành và mau có
hiệu quả. Tổ Thiện Đạo cho rằng nghìn người tu không sót một. Vĩnh Minh Đại sư
công nhận là mười người tu, được cả mười...
Với Pháp môn Tịnh độ này, không luận là kẻ trí hay ngu,
không luận là Tăng hay Tục, không luận là sang giàu hay nghèo hèn, không luận
là già trẻ nam nữ, không luận là sĩ, nông, công, thương... Tất cả các giới
trong xã hội đều có thể tu tập và đều có thể thành tựu được cả.
Văn Thù Bồ Tát nói: Các môn tu hành không môn nào qua môn
niệm Phật. Niệm Phật là “Vua” trong các pháp môn.
Đức Quan Thế Âm bảo: Tịnh độ pháp môn hơn tất cả hạnh
khác.
Mã Minh Đại sĩ cho rằng: Chuyên tâm niệm Phật là phương
tiện siêu thắng của Đức Như Lai.
Long Thọ Tôn giả nói: “Niệm Phật Tam muội” có đại trí
huệ, có đại phước đức, hay đoạn trừ tất cả phiền não, hay độ được tất cả chúng sanh, “Niệm Phật Tam muội” hay sanh vô
lượng Tam muội cho đến “Thủ lăng nghiêm Tam
muội”.
Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát nói: Pháp môn niệm Phật là tâm
tông của chư Phật, là con đường giải thoát tắt nhứt của mọi loài.
Ấn Quang Đại sư từng nói: Vì nương Phật lực nên tất cả
mọi người, không kể là nghiệp hoặc nhiều hay ít, không kể là công phu hành đạo
cạn cùng sâu, miễn tin cho chắc, nguyện cho thiết, thời quyết muôn người
tu muôn người vãng sanh không sót một. Còn nếu là bậc đã đoạn hoặc chứng nhơn
mà cầu vãng sanh thời đốn siêu Thập Địa. Bậc Thập Địa mà cầu sanh thời mau viên
Phật quả. Vì thế nên Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ v.v... các đại Bồ Tát
đều nguyện vãng sanh([4]).
Đến như những kẻ tạo ác cả đời sắp đọa địa ngục, hồi tâm niệm Phật cũng được
giải thoát, như các ông: Trương Thiện Hòa, Trương Chung Húc, Hùng Tuấn, Duy
Cung v.v...([5])
Hạng người phạm tội ác ấy mà còn được thành
tựu thay, huống là những người chưa quá ác, huống là những người lành!
Do đây nên thấy rằng Pháp môn Tịnh độ này nhiếp cả Thánh
phàm, nhiếp cả thiện ác, nhiếp cả chúng sanh, như biển lớn gồm thâu muôn dòng
vậy.
Vì Pháp môn Tịnh độ với chúng sanh có sự lợi ích rộng lớn
như thế, nên muôn kinh vạn luận luôn luôn nhắc đến, chư Thánh chư Hiền đồng
nguyện cùng về.
Thật là:
Cửu giới chúng sanh([6])
rời pháp môn này thời chẳng thể viên thành Phật quả.
Thập phương chư Phật bỏ pháp môn này quyết không thể độ
khắp quần sanh.
Trong Kinh Đại Tập, Đức Phật có lời huyền ký: “Thời mạt
pháp, muôn ức người tu hành, khó có một người được giải thoát, chỉ nương nơi
pháp môn niệm Phật mà được thoát khỏi luân hồi”.
Đó là Phật bảo chúng ta phải tín
hướng và thật hành
Pháp môn Tịnh độ này vậy. Chúng ta há chẳng phải là người thời mạt pháp đó ư!
Vì những lẽ như trên mà biết rằng:
Ngoài môn “niệm Phật cầu sanh Tây phương Cực Lạc thế
giới”, quyết định chúng ta hiện đời không thể siêu sanh thoát tử được. Còn
đúng theo pháp môn “niệm Phật cầu sanh” này mà tu, chắc chắn một đời
hiện tại này chúng ta đặng vãng sanh Cực Lạc Tịnh độ và bảo đảm trên đường
thành Phật.
Tổng quát rằng: “Thiệt vì sanh tử phát Bồ-đề tâm, dùng tin sâu và nguyện thiết mà chuyên trì hồng danh A Di Đà Phật”. Đây là tông
thú chủ chánh của Pháp môn Tịnh độ này. Tâm hạnh đúng theo đây gọi là tu đúng
pháp.
Khi chúng ta được nghe giáo pháp của Đức Phật dạy về môn
Tịnh độ, chúng ta tự nghĩ rằng: Cõi Ta Bà là chốn ngũ trược ác thế, tam giới
như nhà lửa, cõi Dục mà chúng ta hiện ở đây khác nào một cái hố sâu đầy sình.
Ta và mọi người cho đến muôn loại, hiện tại cũng như dĩ vãng, nhiều đời nhiều
kiếp mang lấy không biết bao nhiêu là sự thống khổ trong vòng sanh tử luân hồi.
Ngày nay, ta được thân làm người lại được nghe biết pháp môn giải thoát mau tắt
siêu thắng, ta phải kíp quyết chí y pháp tu hành, để mình và mọi người đồng
thoát ly sanh tử khổ, đồng chứng chơn thường lạc”. Đây là “Thiệt vì sanh tử
mà phát Bồ-đề tâm vậy.
Rồi ta tự nhận rằng: Thân cùng cảnh ở Ta Bà này đủ điều
chướng đạo: dễ sanh phiền não, dễ đắm nhiễm, dễ gây ác nghiệp; nội những sự
già, bệnh, chết, vô thường thiên biến cũng đủ ngăn trở con đường giải thoát của
ta. Còn thân cùng cảnh ở Cực Lạc rất là lợi đạo: thường được thấy Phật, luôn
nghe pháp âm nên tâm thanh tịnh mà định huệ thành; ở chung với chư Đại Bồ Tát
thượng thiện nhơn thời Thánh nghiệp ngày tăng, chánh hạnh ngày tấn; không già
không bệnh, thọ mạng vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp, nên nội một đời một thân
thẳng lên đến bậc Đẳng giác bổ xứ thành Phật.
Ta lại nhận định: Nguyện lực của Đức Từ Phụ A Di Đà Phật
rộng lớn bất tư nghị, nay ta đúng theo pháp môn niệm Phật cầu sanh Tịnh độ mà
tu, quyết đặng Phật nhiếp thọ, quyết đặng vãng sanh, đã đặng vãng sanh tức là
trụ bậc Bất thoái mau thành Phật đạo, chỉ có nguyện lực của Phật là chiếc
thuyền từ có thể đưa ta ra khỏi biển khổ thôi! Chỉ có cõi Cực Lạc là đại học
đường có thể đem ta đến bờ Đại Giác thôi!
Tự nhận như thế rồi bền chặt một lòng: nguyện thoát ly Ta
Bà ác trược, như người tù muốn ra khỏi ngục tối không chút quyến luyến; nguyện
về đến Cực Lạc thanh tịnh, dường như trẻ thơ đi lạc mong mỏi được về nhà không
chút dần dà.
Nhận định như vậy, lập nguyện như vậy, đó là “Tin sâu
cùng nguyện thiết” đấy.
Bắt đầu từ đây cho đến trọn đời, tùy trường hợp, tùy hoàn
cảnh, tùy sức tùy phần, chí tâm trì niệm sáu chữ hồng danh “Nam mô A Di Đà
Phật”, coi đó như là một công vụ hết sức khẩn yếu phải tận lực mà làm. Nếu
là người rảnh rang vô sự thì ngày liền đêm, lúc đi đứng cũng như lúc ngồi nằm,
giữ chặt chánh niệm: Phật không rời tâm, tâm không rời Phật; hoặc niệm ra tiếng hoặc niệm thầm, nhiếp cả sáu căn,
Phật hiệu nối luôn: đây là tương tục chấp trì; niệm như vậy lâu lâu sẽ tự chứng
Tam muội: hiện tiền thấy Phật thọ ký, lâm chung cao thăng thượng phẩm. Còn nếu
là người đa đoan công việc: việc nước, việc nhà v.v... không nhiều giờ rảnh,
thời nên tối và sáng sớm, thực hành phương “Thập niệm”, giữ mãi trọn đời không
sót không bỏ cũng được vãng sanh([7]).
Vì Đức Từ Phụ có bổn nguyện: “Chúng sanh ở mười phương nghe danh hiệu Ta rồi
chí tâm tin muốn, nguyện sanh về cõi nước của Ta nhẫn đến mười niệm, nếu chúng
sanh ấy không được sanh, thời Ta không ở ngôi Chánh giác”.([8])
Ngoài ra những người nào ở vào trường hợp chặng
giữa, thời châm chước phân thời định khóa mà thọ trì. Tất cả đều phải cung
kính, chí tâm, kỹ chắc trong lúc trì niệm, là điều kiện khẩn yếu. Hành trì như
vậy gọi là “chuyên trì Hồng danh A Di Đà”, và đây là chánh hạnh.
Người niệm Phật cầu sanh Tây phương Cực Lạc thế giới còn
cần phải làm những
điều lành: có lòng từ bi giới sát hộ sanh, bố thí, cứu tế, trì trai, giữ giới, hiếu thảo cha mẹ, kính thờ Sư trưởng, phò trì Tam bảo, lợi mình lợi người, dẹp lòng ngã mạn tham sân, thêm lớn hòa vui nhẫn nhục, sâu tin nhơn quả, mở mang chánh kiến... dùng đây làm trợ hạnh([9]).
điều lành: có lòng từ bi giới sát hộ sanh, bố thí, cứu tế, trì trai, giữ giới, hiếu thảo cha mẹ, kính thờ Sư trưởng, phò trì Tam bảo, lợi mình lợi người, dẹp lòng ngã mạn tham sân, thêm lớn hòa vui nhẫn nhục, sâu tin nhơn quả, mở mang chánh kiến... dùng đây làm trợ hạnh([9]).
Tín nguyện đã có, chánh trợ đã đủ, đến lúc lâm chung, chắc
chắn được Đức Từ Phụ cùng Thánh chúng thừa bổn nguyện lực đích thân đến tiếp
dẫn vãng sanh Cực Lạc.
Dầu Tín, Nguyện và Hạnh phải đủ cả ba mới được vãng sanh,
như cái đảnh ba chân, thiếu một thời ngã, nhưng nên hiểu thêm rằng: được vãng
sanh là do lòng tin sâu chắc, chí nguyện cho tha thiết để cảm thông với
nguyện lực của Phật, còn nơi công hạnh: ít thời quả thấp, nhiều thời phẩm cao.
Do vì công hạnh không hạn cuộc mà chú trọng nơi tín và nguyện như vậy, nên đoạn
trước có nói: “Tất cả người trong tất cả các giới ở xã hội đều có thể thật hành
và đều có thể thành tựu được cả”([10])
vì tín sâu và nguyện thiết hạng người nào cũng có thể lập được, thập
niệm niệm Phật ở trường hợp nào cũng đều thực hành được.
Nội dung của bộ “Đường về Cực Lạc” này cũng không ngoài phạm vi “Tín nguyện hạnh”.
Các chương đầu thuật lại tiền thân của Đức A Di Đà Phật
và tả rõ chánh báo cùng y báo trang nghiêm của Cực Lạc thế giới để mọi
người đối với Đức Phật và Tịnh Độ được sự nhận thật, đã nhận thật tức là tin
chắc và chí nguyện tha thiết sẽ do đó mà lập được. Đến các chương kế thuật lược
sử của chư Bồ Tát, chư đại Tổ sư tự thân tu Tịnh độ mà được thành công, cùng
những lời dạy vẽ khuyên nhắc của các ngài, để mọi người bền vững tín tâm, kiên
quyết chí nguyện, cùng hiểu rõ phương pháp hành trì để thẳng tấn tinh tu. Nhẫn
đến các chương về Tứ chúng vãng sanh, và cuối cùng, chương thích nghi cũng cùng
một mục đích ấy.
Phật dạy:
“Nếu người nào được nghe lời này nên phải phát nguyện:
nguyện sanh về Cực Lạc thế giới”
KINH A DI ĐÀ
Phật dạy:
Chúng sanh nào được nghe lời ta đã nói, nên phải phát
nguyện cầu sanh về cõi nước ấy (Cực Lạc).
Vì đặng cùng với các bậc thượng thiện nhơn như thế (Bổ xứ Bồ Tát) câu
hội một chỗ...”
(KINH A DI ĐÀ)
[1] Lời của Phật
trong phẩm “Như Lai xuất hiện” Kinh Hoa Nghiêm
[2] Mau siêu phàm nhập Thánh, liền trụ bậc bất thoái.
[3] Phật lực bất tư nghị
[4] Đều có lược sử ở tập 1 này
[5] Đều có truyện tích ở tập sau
[6] Địa ngục giới, ngạ quỷ giới, súc sanh giới, tu la giới,
nhơn giới, thiên giới: 6 giới phàm; Thanh Văn giới, Duyên Giác giới, Bồ Tát
giới: 3 giới Thánh. Cả 9 giới đối với Phật đều là chúng sanh.
[7] Phương này là của Từ Vân Sám chủ dạy cho các triều thần
quá nhiều công vụ: Nếu ở chỗ có thờ Phật thời kính lễ 3 lạy, rồi lấy hơi dài
chí tâm niệm Phật không luận là bao nhiêu câu cứ mãn một hơi thời kể một niệm,
mãn mười hơi là đủ mười niệm; kế thiết tha hồi hướng cầu sanh Cực Lạc rồi lễ
Phật mà lui. Còn nếu chỗ ở không có thờ Phật xoay mặt về hướng Tây cung kính
chắp tay xá rồi niệm và phát nguyện. Phương này là mượn hơi thở mà nhiếp tâm
vậy. Nếu ở chỗ không thờ Phật thời cung kính hướng về hướng Tây mà niệm.
[8] Một trong 48 điều nguyện trong Kinh Vô Lượng Thọ Phật.
Điều nguyện thứ 18.
[9] Trong bộ sách này sẵn đủ lời chỉ dạy của chư Thánh chư
Hiền, nơi đây chỉ nói những điều đại khái thôi.
[10] Nhiều trăm truyện tích vãng sanh của bộ Đ.V.C.L. này đủ
chứng thật.
*************
CHƯƠNG THỨ NHỨT
TIỀN
THÂN CỦA CỰC LẠC GIÁO CHỦ A DI ĐÀ PHẬT
Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
đã là một đấng lịch sử trong cõi Ta Bà, ngoài mấy nghìn năm, hình ảnh Ngài vẫn
in sâu nơi ký ức của nhơn loại, do truyện ký cùng di tích, nhứt là nét vàng rực
rỡ trong Tam tạng. Đức Từ Phụ A Di Đà Phật cũng là một đấng hoàn toàn
lịch sử ở thế giới Cực Lạc, trên vài mươi thế kỷ, hồng danh mãi vang lên nơi
miệng, nơi tâm của tất cả, y cứ nơi kim ngôn của Đức Bổn Sư, đấng chơn thật
ngữ.
Đức Bổn Sư trước khi hiện thân thành
đạo Vô thượng ở cội Bồ-đề, để rồi trở nên vị Giáo chủ cao cả của cõi Ta Bà,
Ngài là Thiện Huệ Bồ Tát dâng hoa trải tóc cúng dường Phật Nhiên Đăng và
là Hộ Minh Bồ Tát ngự ở cung trời Đâu Suất, v.v...
Đức Từ Phụ cũng thế, trước khi viên
thành quả Chánh giác giữ ngôi Pháp Vương ở Cực Lạc thế giới, Ngài cũng có nhơn
địa của Ngài : Vua Vô Tránh Niệm thời kỳ Phật Bảo Tạng, Vương tử
Thắng Công Đức trong pháp hội của Phật Bảo Công Đức, Bồ Tát Sa Di
con trai của Đức Đại Thông Trí Thắng Phật v.v...
Trước khi nói đến thân và cõi hiện tại
của Đức Từ Phụ, ta cần nên rõ nhơn địa của Ngài, để biết rằng kết quả Vô thượng
đây, tất do nơi nhơn thù thắng thuở trước vậy.
I- BỒ TÁT SA DI
Trích thuật theo Kinh Pháp Hoa
phẩm Hóa Thành Dụ thứ 7
Đức Đại Thông Trí Thắng Phật khi còn ở ngôi Quốc vương,
có 16 người con trai. Lúc Quốc vương bỏ ngai vàng xuất gia thành Phật, thời 16
vị Vương tử đồng vào pháp hội xin xuất gia làm Sa di. Trải qua một thời gian tu
học, 16 vị Sa di chứng ngộ diệu lý, đều đặng thần thông trí huệ.
Sau khi giảng Kinh Diệu Pháp Liên
Hoa cho đại chúng trong pháp hội, Đức Đại Thông Trí Thắng Phật liền nhập
tịnh thất trụ trong đại định.
Thời gian Đức Phật ngồi yên lặng nơi tịnh thất, 16 vị Bồ
Tát Sa di đều thăng pháp tòa giảng rộng nghĩa lý Kinh Pháp Hoa cho đại chúng.
Mỗi vị Bồ Tát Sa di độ được sáu trăm tám mươi muôn ức na-do-tha hằng hà sa
người.
Mười sáu vị Sa di đó hiện nay đều đã
thành Phật cả, đang ngự trong đạo tràng ở mười phương thế giới. Vị Sa di thứ 16
thành Phật ở cõi Ta Bà hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Và vị thứ 9 hiện tại thành
Phật ở Cực Lạc thế giới, tức là Đức Từ Phụ A Di Đà Phật.
II- THÁI TỬ THẮNG CÔNG ĐỨC
Trích
thuật theo Kinh
“Nhứt
Hướng Xuất Sanh Bồ Tát”
Về thuở quá khứ có ông Thái tử tên là Bất Tư Nghị Thắng
Công Đức. Năm 16 tuổi, Thái tử được nghe Kinh “Pháp Bổn Đà-la-ni” nơi Đức Phật Bảo Công Đức Tinh Tú Kiếp Vương Như Lai.
Nghe Kinh xong, Thái tử tinh tấn tu tập
trong bảy muôn năm, không ngủ nghỉ, mà cũng không nằm không dựa. Nhờ sức dũng
mãnh ấy, nên lần lần Thái tử được gặp chín mươi ức trăm nghìn Đức Phật. Bao
nhiêu Kinh pháp của chư Phật dạy truyền, Thái tử đều có thể thọ trì tu tập cả.
Về sau Thái tử xuất gia làm Sa môn, lại tu tập “Pháp Bổn Đà-la-ni” chín muôn
năm và giảng truyền Chánh pháp cho mọi người.
Tinh tấn tu hành và cần mẫn giáo hóa,
trong một đời hoằng pháp Thái tử độ được tám mươi ức na-do-tha người phát Bồ-đề
tâm, trụ bậc bất thoái chuyển.
Thái tử Thắng Công Đức là tiền thân của
Đức Từ Phụ A Di Đà Phật.
III-
VUA VÔ TRÁNH NIỆM VÀ HAI VƯƠNG TỬ
Trích thuật theo Kinh Bi Hoa
Vô lượng hằng hà sa kiếp về trước, ở thế giới San Đề Lam,
con trai của Phụ tướng Bảo Hải xuất gia thành Phật, hiệu là Bảo Tạng Như Lai.
Bấy giờ, Quốc vương Vô Tránh Niệm cùng
đi với Phụ tướng Bảo Hải, các vị Vương tử và thần dân, đến đạo tràng cúng dường
Đức Phật Bảo Tạng.
Sau khi nghe Đức Phật giảng dạy, Vua
cùng Phụ tướng đồng phát Bồ-đề tâm. Đức vua thời nguyện trang nghiêm Tịnh độ
để nhiếp thọ chúng sanh. Quan Phụ tướng thời nguyện thành Phật ở uế độ hầu ngự
phục mọi loài.(A)
Đức Phật Bảo Tạng phán rằng : “Quá trăm
nghìn muôn ức Phật độ về phương Tây có thế giới của Tôn Âm Vương Như Lai, một
hằng hà sa a-tăng-kỳ kiếp sau, thế giới đó sẽ đổi tên là Cực Lạc; bấy giờ vua
sẽ thành Phật nơi ấy hiệu là Vô Lượng Thọ Như Lai. Và quan Phụ tướng Bảo Hải sẽ
thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni ở Ta Bà thế giới”.
Quan Phụ tướng là tiền thân của Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni
Phật. Đức vua Vô Tránh Niệm là tiền thân của Từ Phụ A Di Đà Phật.
Lúc vua Vô Tránh Niệm phát nguyện và được thọ ký xong,
Thái tử Bất Huyền, trưởng tử của vua, phát nguyện rằng : “Sau này, thời gian
tôi tu Bồ Tát hạnh, có chúng sanh nào gặp phải các sự khổ não khủng bố v.v...
sầu lo cô cùng không ai cứu hộ, không chỗ cậy nương, kẻ ấy nhớ đến tôi, xưng
danh hiệu của tôi, được thiên nhĩ tôi nghe đến, thiên nhãn tôi thấy đến, nếu
những chúng sanh đó chẳng được thoát khỏi các sự khổ não khủng bố, thời tôi thề
trọn không thành bậc Chánh giác. Và khi vua cha thành Phật ở Cực Lạc thế giới,
thời tôi thường ở Cực Lạc thực hành Bồ Tát đạo và hộ trì Chánh pháp”.
Đức Bảo Tạng Như Lai phán với Thái tử : “Ông quan sát tất
cả chúng sanh mà sanh lòng đại bi, muốn dứt tất cả sự khổ não của chúng sanh,
và muốn làm cho chúng sanh đều được an lạc, nay nên đặt hiệu cho ông là Quan
Thế Âm. Về sau lúc Đức Vô Lượng Thọ Phật nhập Niết-bàn, cõi Cực Lạc đổi tên là
Nhứt Thiết Trân Bửu Thành Tựu thế giới, ông sẽ thành Phật nơi ấy hiệu là Biến
Xuất Nhứt Thiết Quang Minh Công Đức Sơn Vương Như Lai”.
Bấy giờ Vương tử Ni Ma, con thứ của vua, phát nguyện đem
tất cả công đức hồi hướng Vô thượng Bồ-đề, và lúc Thái tử Bất Huyền thành Phật,
người sẽ là vị Bồ Tát thỉnh chuyển pháp luân trước nhứt, cũng thường ở luôn một
bên Sơn Vương Như Lai giúp Phật hoằng hóa.
Đức Bảo Tạng Như Lai liền thọ ký cho Vương tử Ni Ma sẽ
được toại nguyện, lúc Sơn Vương Như Lai nhập Niết-bàn, người sẽ hộ trì Chánh
pháp và sau cùng sẽ thành Phật nơi thế giới ấy, hiệu là Thiện Trụ Công Đức Bửu
Vương Như Lai. Quang minh, thọ mạng, quốc độ, cùng tất cả Phật sự đều đồng như
đức Sơn Vương Như Lai.
Thái tử Bất Huyền là tiền thân của Quan Thế Âm Bồ Tát, và
Vương tử Ni Ma là tiền thân của Đại Thế Chí Bồ Tát.
(A) LỜI PHỤ – Liên Trì Đại sư từng cho rằng giáo pháp của
Đức Phật có hai môn : 1.- Chiết phục. 2.- Nhiếp thọ.
Phật dạy : Đây là tam đồ lục đạo, tam
giới như : nhà lửa, sanh già bệnh chết vô lượng sự khổ, vô thường sanh diệt
rình rập hại người, dục vọng phiền não trùm
phủ tâm người, cùng những phương pháp diệt khổ, để mọi người sanh lòng
nhàm lìa thân cảnh ô trược khốn khổ này, mà cầu mong được thoát khỏi v.v... Đây
là môn “Chiết phục”.
Đức Phật chỉ cõi Tịnh độ hoàn toàn an
vui cứu cánh thanh tịnh giải thoát, cùng những pháp môn Tịnh độ, để người ham
mộ nguyện về; đây là môn “Nhiếp thọ”.
Lời phê phán của Đại sư rất hiệp với
bổn nguyện của hai Đức Phật : “Thích Ca Mâu Ni Phật nguyện ở uế độ để ngự phục
chúng sanh cang cường. A Di Đà Phật nguyện trang nghiêm tịnh độ để nhiếp thọ
chúng sanh thanh tịnh”.
*
Và dưới đây là truyện tích của một nhà
sư tu Tịnh độ được thân nghe những lời trên của Đức Từ Phụ.
SƯ HUỆ CẢNH
Trích ở bộ
:
“Tam
Bảo Cảm Ứng Yếu Lược”
Sư Huệ Cảnh người Lưu Châu, ở chùa Ngộ Chơn. Sư ưa
khổ hạnh, thích Tịnh độ, tự tạo hai tượng Thích Ca và Di Đà để hằng ngày cúng
dường lễ bái.
Năm Sư 67 tuổi, đêm Rằm tháng Giêng,
thoạt thấy một thầy Sa môn thân ánh màu huỳnh kim hiện đến bảo rằng : “Ông muốn
thấy Tịnh Độ không ?”. Sư đáp : “Tôi muốn
thấy lắm”. Sa môn thân vàng lại hỏi :
“Ông muốn thấy Phật không ?”. Sư đáp : “Tôi mong được thấy”. Sa môn liền
đưa bát ra bảo nhìn. Sư vừa nhìn vào lòng bát, bỗng thấy hiện ra cảnh giới cực
kỳ trang nghiêm rộng lớn : đất toàn vàng
ròng, dây vàng giăng phân đường sá, lưới báu phủ cây vàng, cung điện đền
đài trùng trùng điệp điệp đều bằng thất bảo sáng chói rực rỡ, Đức Phật đang thuyết pháp cho vô số Bồ Tát Thánh chúng.
Bấy giờ, Sa môn thân vàng đi trước, Sư
theo sau, bước lần đến trước Phật. Sa môn bỗng biến mất, Sư chắp tay đứng trước
Phật. Đức Phật bảo rằng : “Ông biết vị Sa môn dắt ông đến đây đó là ai không ?
Chính là Thích Ca Mâu Ni Phật đấy ! Còn ta đây là A Di Đà Phật. Thích Ca như
ông cha, ta đây như bà mẹ, chúng sanh ở Ta Bà như con thơ. Ví như con thơ lọt
xuống hố bùn lầy, cha lội xuống lầy đem con lên bờ, mẹ đón bồng lấy con đem về
nuôi nấng dạy dỗ, làm cho con thơ vĩnh viễn không còn lạc lầm sa xuống hố nữa.
Phật Thích Ca đem pháp môn Tịnh độ truyền
dạy cho chúng sanh nơi cõi trược, còn ta thời tiếp dẫn chúng sanh về
Tịnh Độ trụ bậc bất thoái chuyển”.
Sư nghe Đức Phật phán xong, lòng vui
hớn hở, liền rập đầu lễ Phật, bỗng không còn thấy nữa, như người nằm mộng tỉnh
giấc. Từ đó Sư càng tin hướng Tịnh độ hơn.
Ít lúc sau, Sư lại thấy vị Sa môn thân
vàng khi trước hiện đến bảo rằng : “12 năm sau ông sẽ được sanh về Cực Lạc”.
Quả thiệt đúng 12 năm sau, Sư Huệ Cảnh
viên tịch. Thọ 79 tuổi. Giờ Sư tịch, ông Tăng ở gần thấy vô số Thánh chúng từ
phương Tây bay đến rước Sư, và mọi người đồng nghe tiếng nhạc réo rắt trên hư
không.
IV- PHÁP TẠNG BỒ TÁT
Trích
thuật theo Kinh
“Phật
Thuyết Vô Lượng Thọ”,
cũng gọi
là “Đại Bổn A Di Đà Kinh”
Một hôm, nhơn thấy dung nhan của Đức
Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tươi tắn sáng rỡ khác hẳn ngày thường, Tôn giả A
Nan bèn ra lễ Phật rồi bạch hỏi duyên cớ.
Đức Bổn Sư tán thán lời bạch hỏi đây,
công đức lớn hơn công đức cúng dường vô lượng vị Thanh Văn cùng Duyên Giác, mà
cũng lớn hơn công đức bố thí cho vô lượng hàng chư Thiên, nhân dân cầm súc
trong nhiều kiếp. Vì chư Thiên, nhân dân nhẫn đến các loài cầm súc đều nhờ lời
bạch hỏi này mà được đạo pháp giải thoát.
Rồi Đức Bổn Sư cho biết rằng, hôm nay
Ngài đang nghĩ đến bổn sự, bổn nguyện và bổn hạnh của Đấng giáo chủ Cực Lạc
thế giới, Đức Phật A Di Đà.
Đức Bổn Sư phán tiếp :
Vô lượng vô số kiếp về trước, nhằm lúc
Đức Thế Tự Tại Vương Như Lai xuất thế giáo hóa chúng sanh, có một Quốc vương
nghe Đức Phật thuyết pháp lòng rất vui thích, liền phát Bồ-đề tâm, từ bỏ ngai
vàng xuất gia làm Sa môn hiệu là Pháp Tạng.
Sa môn Pháp Tạng đến đảnh lễ Phật Thế
Tự Tại Vương, và sau khi thuyết tụng ca ngợi
Đức Phật, người cần cầu Đức Phật truyền dạy công hạnh trang nghiêm Tịnh
độ nhiếp thủ chúng sanh, để người y theo tu hành.
Rõ biết Sa môn là bậc cao minh, chí
nguyện sâu rộng, Đức Phật Thế Tự Tại Vương vì Sa môn Pháp Tạng mà giảng nói y
báo và chánh báo của hai trăm mười ức thế giới, đồng thời lại hiện tất cả ra
cho thấy.
Khi nghe và được thấy y báo chánh báo
trang nghiêm của các quốc độ xong, Sa môn Pháp Tạng phát khởi tâm nguyện thù
thắng vô thượng. Rồi trong thời gian năm kiếp, người suy gẫm chọn lấy công hạnh
trang nghiêm thanh tịnh Phật độ. (Bổn Sư nói với A Nan : Thời kỳ ấy, Đức Phật
thọ mười kiếp).
Khi tu tập xong, Sa môn Pháp Tạng đến
đảnh lễ Đức Thế Tự Tại Vương Như Lai và cầu Đức Phật chứng giám cho người thuật
48 điều đại nguyện mà người đã lập thệ quyết thực hiện để tiếp độ tất cả chúng
sanh([1]).
Lúc Pháp Tạng Bồ Tát đối trước Đức Phật
Thế Tự Tại Vương thuật 48 điều đại nguyện xong, thời khắp cõi đất đều rung
động, hoa báu mưa xuống trên mình người, và giữa hư không tự nhiên tiếng nhạc
vang lừng : “Quyết chắc sẽ thành Phật”.
Sau đó trải qua vô lượng vô số kiếp,
Pháp Tạng Bồ Tát tu hành và thực hiện hoàn toàn các điều nguyện trên, và người
đã thành Phật đến nay được mười kiếp hiệu là A Di Đà, hiện đang ngự thuyết pháp
tại Cực Lạc thế giới, cách đây mười muôn ức cõi về hướng Tây.
[1] Xem 48 điều nguyện ở chương “Hoằng nguyện” thứ ba
(Nguồn: Thư Viện Hoa Sen)
(Còn tiếp)
0 Kommentare:
Post a Comment