"Bồ
tát vì thương tưởng chúng sanh trong thời mạt pháp vốn nhiều chướng nạn như
thân đa tật bịnh, trí tuệ kém cỏi hoặc lỡ đã tạo các ác nghiệp sâu dày… nên
Ngài đối trước Phật tuyên nói thần chú, để giải trừ các hoặc nghiệp cho chúng
sanh..."
Thích Nguyên Liên
Theo
kinh Chuẩn Đề Đại Minh Đà La Ni, Bồ tát Chuẩn Đề là hóa thân của Đức Quán Thế
Âm, thị hiện vào trong sáu đường sanh tử để hóa độ chúng sanh. Ngài là vị Bồ
tát có thệ nguyện hộ trì Phật pháp và hộ mạng cho những chúng sanh nào trí tuệ
kém cỏi, nghiệp chướng sâu dày, thân nhiều tật bệnh, thọ mạng ngắn ngủi…
Mật
tông rất tôn sùng Bồ tát và xếp Ngài vào một tôn vị trong Quan Âm bộ. Trong Mạn
đà la của Thai tạng giới, tôn vị này ở tận cùng bên trái của Viện Biến tri.
Phái Thai mật của Phật giáo Nhật Bản xếp Bồ tát Chuẩn Đề vào Phật mẫu, là một
tôn vị trong Phật bộ.
Chuẩn
Đề, Phạn ngữ là Cundi, dịch nghĩa Năng hành, Thành thực hay Thanh tịnh. Năng
hành nghĩa là Bồ tát có thệ nguyện rộng lớn, trí tuệ sâu xa, đầy đủ mọi năng lực
để làm bất cứ việc gì cũng đều đem đến sự lợi ích cho chúng sanh; Thành thực có
nghĩa Bồ tát có công năng vi diệu, từ nơi pháp Không tưởng quán ra pháp Giả,
khiến chứng đắc cảnh giới Niết bàn, bạt trừ mọi vọng huyễn sanh tử; Thanh tịnh
nghĩa là Bồ tát đã chứng đắc được bản tâm, khéo an trụ trong tự tánh thanh tịnh.
Chuẩn Đề gọi đủ là Thất câu chi Phật mẫu Chuẩn Đề. Theo Nhị khóa hiệp giải thì
Câu chi nghĩa là trăm ức, Thất câu chi là bảy trăm ức, Phật mẫu là mẹ sanh ra
chư Phật. Danh hiệu Thất Câu Chi Phật Mẫu Chuẩn Đề có nghĩa thời quá khứ đã có
bảy trăm ức Bồ tát do tu pháp môn Chuẩn Đề tam muội mà chứng quả Vô thượng Bồ đề
và chúng sanh đời sau muốn thành tựu Phật quả cũng phải nương vào pháp môn này
để tu hành.
Theo
kinh Thất Câu Chi Phật Mẫu Sở Thuyết Chuẩn Đề Đà La Ni, kim thân của Bồ tát có
thân màu vàng nhạt, ngồi kiết già trên tòa sen, toàn thân có hào quang, mặc áo
lụa trắng mỏng hoặc thiên y, dây thần thông, chuỗi anh lạc, đầu đội mũ, trên mặt
có ba mắt, mười tám cánh tay đeo vòng xuyến, trên mỗi tay đều có pháp khí. Hai
tay trên cùng bắt ấn thuyết pháp. Kế đến, phía bên phải, tay thứ hai bắt ấn thí
vô úy, tay thứ ba cầm kiếm, tay thứ tư cầm tràng báu, lòng bàn tay thứ năm nắm
trái cầu duyên, tay thứ sáu cầm búa, tay thứ bảy cầm móc câu, tay thứ tám cầm
chày kim cương, tay thứ chín cầm chuỗi anh lạc. Phía bên trái, tay thứ hai cầm
cờ báu như ý, tay thứ ba cầm hoa sen hồng nở, tay thứ tư cầm cái bình, tay thứ
năm nắm dải lụa, tay thứ sáu cầm bánh xe pháp, tay thứ bảy cầm vỏ ốc, tay thứ
tám cầm hiền bình, lòng bàn tay thứ chín nắm hộp kinh Bát Nhã chữ Phạn. Những
pháp khí Bồ tát cầm nắm ở hai tay trái phải khác nhau mang ý nghĩa thâm sâu
trong diệu dụng độ sanh của Ngài.Tayphía bên phải, Bồ tát nắm những khí vật
hung dữ như chày, móc câu, búa… là những vật dụng để hàng phục chúng sanh cang
cường, khiến họ quy hướng Chánh pháp. Còn tay phía bên trái lại gồm các vật báu
như hoa sen, dải lụa, hộp kinh… có nghĩa sau khi đã hàng phục lại ban phát cho
chúng sanh những thánh tài Phật pháp để họ có thể tu tập giải thoát. Hình ảnh Bồ
tát cầm nắm pháp khí sai khác như thế là nhằm biểu lộ uy lực vĩ đại trong việc
hàng trừ ma chướng và công năng mầu nhiệm ủng hộ người tu của Ngài.
Bồ
tát vì thương tưởng chúng sanh trong thời mạt pháp vốn nhiều chướng nạn như
thân đa tật bịnh, trí tuệ kém cỏi hoặc lỡ đã tạo các ác nghiệp sâu dày… nên
Ngài đối trước Phật tuyên nói thần chú, để giải trừ các hoặc nghiệp cho chúng
sanh. Kinh Chuẩn Đề có nói: “Bấy giờ Đức Phật trụ tại vườn cây của hai ông Kỳ
Đà, Tu Bạt, được bốn chúng và tám bộ cung kính vi nhiễu, lúc đó Bồ tát Chuẩn Đề
vì thương tưởng đến chúng sanh thời mạt pháp nghiệp dày phước mỏng, nên Ngài
vào định Chuẩn Đề tam muội, rồi thuyết pháp, thuật lại thần chú này là chỗ bảy
trăm ức Đức Phật đã nói: Nam mô tát đa nẫm, tam miệu tam bồ đà, câu tri nẫm đát
điệt tha. Án chiết lệ chủ lệ Chuẩn Đề ta bà ha”.
Oai
lực của thần chú Chuẩn Đề là bất khả tư nghì, như đã nói, bảy trăm ức Đức Phật
quá khứ nhờ trì niệm thần chú này mà thành tựu Phật đạo. Cũng theo kinh Chuẩn Đề:
“Người trì tụng thần chú này đủ chín mươi muôn biến, có thể diệt được các tội
thập ác, tứ trọng và ngũ nghịch. Nhẫn đến các nhà thế tục nào bất luận tịnh hay
uế, chỉ cần chí tâm trì tụng thần chú, liền được tiêu trừ tai nạn, bệnh hoạn và
tăng nhiều phước thọ. Tụng đủ bốn mươi chín ngày, liền được Bồ tát sai hai vị
Thánh giả để thường phò hộ người ấy trong những lúc đi đứng nằm ngồi”.
Người
nào cầu trí tuệ, hoặc mong tiêu trừ chướng nạn, hoặc cầu được pháp thần thông,
hoặc cầu Vô thượng Bồ đề… chỉ cần y theo pháp này thiết đàn, tụng đủ một trăm
muôn biến, thì những người này liền đặng ở nơi Tịnh độ của chư Phật, được nghe
pháp mầu chứng quả Vô sanh.
Bồ
tát Long Thọ – một trong bốn vị Bồ tát có công lớn chấn hưng Phật giáo Đại thừa,
khi sanh tiền Ngài chuyên trì tụng thần chú này. Ngài có làm bài kệ tán thán Bồ
tát Chuẩn Đề để mọi người mỗi khi đọc tụng thần chú này được thêm phần tín tâm,
tăng trưởng lòng ngưỡng mộ và dễ thành tựu sự ngưỡng mộ và dễ thành tựu sự cảm ứng,
gia hộ của Ngài.
Khể thủ quy y Tô tất đế
Đầu diện đảnh lễ Thất câu chi
Ngã kim xưng tán Đại Chuẩn Đề
Duy nguyện từ bi thùy gia hộ.
(Cúi đầu lạy pháp Tô tất đế
Chân thành đảnh lễ bảy ức Phật
Con nay ca ngợi Đức Đại Chuẩn Đề
Xin Ngài duỗi lòng từ bi gia hộ).
Bài
kệ bốn câu, câu đầu kính lạy Pháp bảo, câu hai kính lạy Phật bảo và câu ba kính
lạy Tăng bảo mà đại diện là Bồ tát Chuẩn Đề, câu bốn là cầu xin Tam bảo thùy từ
gia hộ cho mình khi trì tụng thần chú này được thành tựu mọi công đức từ bi và
trí tuệ như Bồ tát Chuẩn Đề.
Kinh
Duy Ma nói: “Bồ tát vốn không có bệnh, nhưng sở dĩ bệnh là vì chúng sanh bệnh”.
Chúng sanh ở thời mạt pháp nghiệp chướng nặng nề. Vì thế, trong các pháp hội
lúc Phật thuyết pháp, có rất nhiều vị Bồ tát đã đối trước Phật phát nguyện hộ
trì Chánh pháp và ủng hộ chúng sanh tu tập trong đời mạt pháp về sau.
Bồ
tát Chuẩn Đề cũng là một trong các vị Bồ tát phát nguyện hộ trì người tu tập
trong thời mạt pháp gặp nhiều chướng ngại. Do vậy, mỗi hành giả trên bước đường
tu cần đặt trọn vẹn niềm tin và tâm thành kính lễ, trì niệm thần chú Chuẩn Đề để
cầu Bồ tát gia hộ, ngõ hầu vượt thoát mọi chướng duyên là điều không thể thiếu
trong các thời khóa công phu tu niệm hàng ngày của bản thân mình.
Đức Chuẩn Đề vốn là Thất Cu Chi Phật Mẫu.
Ngài
thường thuyết kinh Đà La Ni, nguyện cầu cho tất cả trong thế gian và xuất thế
gian đều thành tựu những sự nghiệp tu tập. Vì tấm lòng từ bi vô hạn của ngài với
quần sanh như mẹ thương yêu đám con khờ, nên kêu là Phật Mẫu. Ngài thường diễn
nói rằng: “Chân như thiệt và tánh chân thường của tất cả chúng sanh xưa nay đều
sẵn có trong bản giác chư Phật vậy, nên trong đó gồm đủ các đức dụng khắp cõi
hà sa. Nhưng ngặt vì cứ hủy báng chánh pháp, chẳng tin lời của Phật, tự mình tổn
cho mình, nên phải trầm luân đoạ lạc, dẫu cho ngàn vị Phật ra đời cũng khó mà cứu
chữa đặng.” Ngài thấy vậy nên mới sanh lòng từ mẫn, lập pháp môn phương tiện mà
điều phục các việc trần cấu của người sơ cơ nhập đạo, và muốn đồng với chư Phật
một nguồn giác, để dứt chỗ vọng mà quy về nơi chân.
Nay
xin tuyên dương bửu tượng của đức Chuẩn Để ra đây, đặng cho những người mộ đạo
chiêm ngưỡng và lễ bái, thì được phước vô lượng vô biên.
Bửu
tượng của ngài có nhiều vẻ quang minh tốt đẹp, đều chiếu diệu cả mình, còn thân
tướng thì sắc vàng mà có lằn điển quang trắng. Ngài chỉ ngồi kiết già, trên thì
đắp y, còn dưới thì mặc xiêm đều trọn một sắc trắng mà có bông, lại có đeo chuỗi
anh lạc và trên ngực có hiện ra một chữ vạn. Còn hai cườm tay có đeo hai chiếc bằng
ốc trắng, hai bên cánh tay trỏ có xuyến thất châu coi rất xinh lịch, lại hai
trái tai có được ngọc bửu đương và trong các ngón tay đều có đeo vòng nhỏ.
Trên
đầu thì đội mão hoa quang, trên mão ấy có hóa hiện ra 5 vị Như Lai.
Nơi
mặt ngài có 3 con mắt, trong mỗi con mắt ấy coi rất sắc sảo, dường như chăm chỉ
ngó các chúng sanh mà có ý sanh lòng từ mẫn vậy.
ẤN CHUẨN ĐỀ
Toàn
thân của ngài có mười tám cánh tay, mỗi bên chín cánh.
Hai
bàn tay ở trên hết thì kiết ấn Chuẩn Đề, như tướng đương lúc thuyết pháp.
Tay
trái thứ hai cầm lá phướn như ý, còn tay mặt kiết ấn thí vô uý.
Tay
trái thứ ba cầm một bông sen đỏ, còn tay mặt cầm cây gươm.
Tay
trái thứ tư cầm một bình nước, còn tay mặt cầm một xâu chuỗi Ni ma bửu châu.
Tay
trái thứ năm cầm một sợi dây kim cang, còn tay mặt cầm một trái la ca quả.
Tay
trái thứ sáu cầm một cái bánh xa luân, còn tay mặt cầm một cái búa.
Tay
trái thứ bảy cầm cái pháp loa, còn tay mặt cầm cái thiết câu.
Tay
trái thứ tám cầm một cái bình như ý, còn tay mặt cầm một cái chày kim cang.
Tay
trái thứ chín cầm một cuốn kinh Bát Nhã Ba La Mật, còn tay mặt cầm một xâu chuỗi
dài.
Ngài
ngồi trên tòa sen, dưới có hai vị Long Vương ủng hộ. Đó là bửu tượng của ngài đại
lược như vậy, nếu ai có lòng trì niệm, muốn chiến vọng mà quán tưởng, thì vọng
niệm chẳng sanh mà chân tâm hiển hiện.
Nếu
công phu thuần thục lâu rồi, chẳng có chút gì gián đoạn, thì sẽ đặng phước quả
rất rộng lớn, có ngày đạt tới nơi cực quả Bồ Đề nữa.
Song
đương thời kỳ mạt pháp, những người sơ cơ hành giả, tam nghiệp chưa thuần, chẳng
hay làm theo phương pháp chư quán, nên tâm sanh biếng nhác, thì tự nhiên phải mất
hẳn hột giống bồ đề. Nếu ai nương theo kinh pháp của ngài mà thọ trì, thì mau đặng
chỗ linh nghiệm. Đương lúc quán tưởng thần chú của ngài, thì cần nhất phải
tương phù, thì nẻo sanh tử nào mà ra chẳng khỏi, chỗ niết bàn nào mà chứng chẳng
đặng!
Vậy
nên phải ân cần chuyên chú mà tu tập theo yếu pháp của ngài, thì sẽ thấy rõ các
việc hiệu quả. Nghĩ coi, từ đời vô thủy trải vô lượng số kiếp nhẫn nay, chúng
sanh chỉ bị màn vô minh che lấp, mắt chánh nhãn phải lu mờ, rồi vọng tâm phấn
khởi, thường tạo nghiệp đa đoan, cho nên phải bị luân hồi trong vòng lục đạo và
đọa lạc vào nẻo tam đồ.
Ai
là người có chí nguyện muốn ra khỏi cái nạn khổ ấy, đặng mau đến chỗ diệu quả
vô thượng bồ đề, thì phải nhất tâm chân thật đến trước thánh tượng, mà đứng cho
ngay và chấp tay đảnh lễ, chí tâm quán tưởng tôn dung của ngài và chuyên niệm
thập phương Phật, Pháp, Tăng, Tam Bảo, thi thể của ta như hư không, chẳng có chỗ
nào là chỗ chướng ngại, và tánh lại thường trụ, đoạn trừ đặng các tướng qua lại
động tịnh. Hễ có cảm thì có ứng là lẽ tất nhiên như vậy. Bởi vì ngài thường mẫn
niệm các chúng sanh trong đời vị lai, phước căn thiển bạc và ác nghiệp dãy đầy,
nên mới lập ra một pháp môn quán tưởng có chín chữ Phạm là: “Chiết lệ chủ lệ
chuẩn đề ta bà ha.” Nếu vẽ chín chữ ấy thành như cái mặt “Viên minh bố liệc
phạm thơ đồ” rồi mỗi đêm thường quán tưởng, thì các tội đều tiêu diệt và sẽ được
tăng ít phước điền nữa. Chí như người tại gia hay là người xuất gia mà tu
tập theo hạnh chân ngôn nơi trên đây, và tụng trì chú Đà La Ni cho đủ chín mươi
muôn biến, dẫu cho vô lượng kiếp đến nay có tạo những tội thập ác, ngũ nghịch
và tứ trọng, phải mắc vào ngũ vô gián tội đi nữa, thì cũng thảy đều tiêu diệt tất
cả.
Chú
Đà La Ni chép y dưới đây:
Nam mô tát đa nẫm, tam miệu tam bồ đà, câu chi nẫm, đát
điệt tha: Án Chiếc Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha.
Nếu
trì tụng được như vậy, thì đến ngày thọ chung đặng thác sanh vào chỗ thiện
duyên và hưởng nhiều sự khoái lạc nữa.
Nói
về phần hiệu quả của những người tại gia, tu theo pháp tam quy ngũ giới, một
lòng kiên cố, chẳng có chút nào thối chuyển, mà lại có lòng xu hướng và trì tụng
chú Đà La Ni, thì kiếp sau sẽ sanh về cõi trời, hưởng phước đức đời đời, hay là
sanh trong cõi nhana gian, hoặc làm vị quốc vương, hoặc làm bậc công hầu… thường
gần gũi với các vị thánh hiền mà chư thiên hay ái kính, thường hết lòng ủng hộ
gia trì, chẳng khi nào bị đọa vào đường ác thú.
Còn
nếu những người ấy ra kinh doanh trong trường thế cuộc, thì không có tai hại
gì, cho đến nghi dung cũng đoan chánh, lời nói rất ôn hòa, tâm không phiền não,
an nhàn tự tại, lui tới thong dung, hưởng phước một đời, rất nên mỹ mãn.
Nói
về phần hiệu quả của các vị xuất gia, nếu giới cấm đã hoàn toàn, công hạnh đã
thuần phục, mỗi ngày ba thời tụng niệm, rồi y theo giáo pháp của đức Chuẩn Đề
mà tu hành, và chí nguyện cầu đến chỗ tất địa xuất thế gian của chư Phật, thì tự
nhiên tâm không sát ngại, tánh lại viên minh, một màu thanh tịnh, không còn trước
nhiễm nơi cảnh hữu vi, chỉ thấy định huệ hiện tiền. Chừng đó sẽ chứng đặng quả
địa Ba La Mật rất viên mãn, rồi có ngày sẽ chứng đến quả vô thượng chánh đẳng Bồ
đề. Thoảng như quán tưởng thấu đáo tới chỗ thâm lý, thì đương lúc hiện tại cũng
chứng được Phật quả đại thừa. Có phải là pháp môn của đức Chuẩn Đề rất vi diệu
và rất thuần túy hay không?
Tuy
chân ngôn từ ngữ như vậy, chớ toàn thị là vô tướng pháp giới, mà lục độ và vạn
hạnh cũng là từ trong pháp giới lưu bố ra. Nói tóm lại, đức Chuẩn Đề Phật Mẫu
là một vị pháp thân Bồ tát ở cõi trang nghiêm thế giới, không có giáng sanh nơi
cõi nhân gian. Song giáo pháp của ngài rất bí mật mà nay được rõ biết đây, là
nhờ đức Thích Ca giải rõ chỗ lý địa và hình tướng, nên người sau mới biết công
đức và họa bửu tượng mà thờ như vậy.
0 Kommentare:
Post a Comment