Pages

26 January 2017

MỪNG XUÂN ĐINH DẬU 2017

Xuân cũng đến rồi Xuân cũng đi. Hoa có nở rồi hoa cũng tàn. Thế nhưng trong những cái tàn-nở, đến-đi, được-mất… vẫn còn đó sự không thay đổi mà chân thật, uyên nguyên mà diệu dụng, đơn giản mà mầu nhiệm vô cùng.




"Ô hay, xuân đến bao giờ nhỉ!
Nghe tiếng hoa khai bỗng giật mình.
Sáng nay thức dậy choàng thêm áo
Vũ trụ muôn đời vẫn mới tinh."
(Thơ Huyền Không)
 
Mùa xuân là đề tài muôn thuở cho những ai có tâm hồn lắng đọng, mẫn cảm, yêu quý thiên nhiên. Sự chuyển biến của đất trời, vạn vật đầy tinh tế và sinh động sau những chuỗi ngày giá rét, mưa gió bão bùng; tươi mới hơn, năng động hơn, rộn ràng hơn, đáng yêu hơn…, luôn mang đến cho nhiều người những xúc cảm khác nhau. Dường như trong tự nhiên, luôn có một sự đợi chờ trong lạnh lùng ảm đạm rồi bùng nổ huy hoàng, có một sự kiên nhẫn trong khắc nghiệt đến độ điêu tàn và rồi tỏa sáng lung linh. Tất thảy như hàm chứa một thứ tình thức đầy năng lượng chứ không phải là vô tình vô cảm như thường thấy.
 
Tình thức ấy ở đâu? Ở trong vạn vật hay ngoài vạn vật? Chẳng phải trong chẳng phải ngoài bởi làm sao tách bạch được trong ngoài. Chẳng phải một chẳng phải khác, bởi không có một thì không có khác, không có cái này thì chẳng có cái kia. Vậy là Duyên sinh, vậy là nương nhau mà có mặt. Và cũng lại là Không bởi tất cả đều do Tâm mà ra. Tâm thì duyên cảnh mới sinh, thế thì đến Tâm cũng không, vậy cái gì ở đó để gọi rằng có sự hiện hữu của vạn pháp? Đó là ‘diệu hữu,’ sự hiện hữu nhiệm mầu của vạn pháp trong trạng thái tương quan bất tận. Một đóa hoa, một cành cây ngọn cỏ cho đến một hạt bụi,… đều là những hiện hữu nhiệm mầu của Tính Không.
 
Vị thiền sư bất giác cảm nhận mùa xuân đến vì một thứ âm thanh không có âm thanh, tiếng hoa khai. Cảm nhận Xuân đến nhưng lại không biết đến từ lúc nào, bởi hình như chẳng có đến mà cũng chẳng có đi bao giờ. Trong một khoảng không tâm tưởng mà biên giới giữa âm thanh và hình sắc, động và tĩnh, có và không, trước và sau... hết sức mờ nhạt, nhà thơ đột nhiên nghe thấy tiếng những đóa hoa đang nở. Cái tiếng từ vô thanh, cái tiếng từ cõi Không huyền diệu. Đó phải là một sự thức tỉnh khác thường!
 
Vâng, đến sự ‘Tỉnh thức khác thường’ đó lại là thành quả của nhiều công phu khắc niệm, cũng như cành mai kia phải kinh quá tiết trời khắc nghiệt mới tỏa hương phô sắc tuyệt vời như thế. Thì đó chính là sự cần chuyên rèn luyện của người tu học. Phải có thật nhiều tinh lực của Chánh Niệm trong mỗi giây mỗi phút trong cuộc sống hàng ngày thì mới có đủ năng lượng của Định để mở ra một cánh cửa mới, một con mắt mới, con mắt Tuệ, trực quán vào thực tại để thấy được sự thật muôn đời vốn đầy những nhiệm mầu và tinh anh.
 
Cái gì có đến thì có đi. Xuân cũng đến rồi Xuân cũng đi. Hoa có nở rồi hoa cũng tàn. Thế nhưng trong những cái tàn-nở, đến-đi, được-mất… vẫn còn đó sự không thay đổi mà chân thật, uyên nguyên mà diệu dụng, đơn giản mà mầu nhiệm vô cùng. Đó cũng là những ý nghĩa sâu sắc mà nhiều người vẫn tâm đắc mỗi khi Tết đến Xuân về bằng cách thể hiện qua nét bút thư pháp chữ Hán đầy nội lực những câu thơ Thiền tuyệt ý của Mãn Giác Thiền Sư:
“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.”


Nhân đầu xuân năm mới Đinh Dậu – 2017, Kính chúc các Phật Tử:
Thân Tâm An Lạc, Vạn Sự Cát Tường.
 
Thích Thanh Hương

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites