Pages

17 September 2016

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM GIẢNG GIẢI (QUYỂN 1) - PHẦN 12

A-nan, ví như nắm tay của Như Lai, nếu không có bàn tay thì chẳng thành nắm tay. Nếu không có mắt thì ông không thể thấy. Áp dụng ví dụ nắm tay của Như Lai và cái thấy từ mắt ông có giống nhau chăng?






Hoà Thượng Tuyên Hoá Giảng


Kinh văn:

今日乃知雖有多聞,若不修行,與不聞等。如人說食,終不能飽。

Kim nhật nãi tri, tuy hữu đa văn, nhược bất tu hành, dữ bất văn đẳng, như nhơn thuyết thực, chung bất năng bão

Việt dịch:

Ngày nay mới biết, tuy được nghe phật pháp nhiều, nếu chẳng tu hành thì cũng như chưa nghe. Như người chỉ nói đến thức ăn, rốt cục chẳng được no bụng.

Giảng:

Ngày nay mới biết: đến bây giờ con mới nhận ra được điều này, trước đây con chưa từng được biết. Tuy được nghe Phật pháp nhiều, nếu chẳng tu hành thì cũng như chưa nghe.

Nếu con đơn giản chỉ biết một số điều nhưng không đem ra thực hành thì con sẽ giống như người say, chỉ biết nói chứ không thực hành. Nói cách khác, A-nan có thể nhớ nhiều thứ, A-nan là người học rộng và nhớ nhiều, nhưng không chịu dụng công tu hành, không chịu công phu, đem những điều hiểu biết ấy ra thực hành, A-nan thực sự chưa từng làm điều ấy. Nếu A-nan không đem những điều mình hiểu biết ra thực hành, thì cũng giống như A-nan không biết một điều gì cả.

Giống như người chỉ nghe nói đến thức ăn, rốt cục chẳng được no bụng.

Giống như người huyên thuyên nói về thức ăn. Chẳng hạn như những người thích ăn chay nói rằng: “Hãy làm bánh hấp nhân hoa quả, món đó rất ngon.” Hoặc nói: “Hãy làm bánh rán như ở Mãn Châu, bánh này còn ngon hơn.”

Những người thích ăn mặn lại nói: “Nhà hàng Trung Hoa nọ, kia… là tuyệt nhất trong tỉnh, thức ăn ở đó thực là ngon. Chúng ta hãy đi đến ăn món Tàu.” Người Mỹ rất thích ăn cơm Tàu. Thế nhưng họ bàn luận về món ăn thôi, khi không đi ăn thì chẳng có cách nào no cả. Nên có bài kệ:

Chung nhật sổ tha bảo

Tự vô bán phân tiền

Ư pháp bất tu hành

Đa văn diệc như thị.

Nghĩa là: hằng ngày lo đếm tiền cho người khác nhưng riêng mình chẳng được nửa đồng xu. Cũng như không tu hành đúng theo chánh pháp thì dù có được học rộng biết nhiều thì cũng như người đếm tiền cho kẻ khác vậy. Bất luận là quý vị hiểu biết được giáo pháp gì, nếu quý vị không tu hành theo chánh đạo thì cũng giống như người đếm tiền cho kẻ khác. Quý vị chẳng có phần trong đó. Nếu quý vị không thật sự hạ thủ công phu tu tập thì sẽ chẳng có kết quả nào từ sự nỗ lực dụng công đó cả.

Kinh văn:

世尊,我等今者,障所纏,良由不知,寂常心性。唯願如來哀愍窮露,發妙明心,開我道眼

Thế tôn, ngã đẳng kim giả, nhị chướng sở triền, lương do bất tri, tịch thường tâm tánh. Duy nguyện Như Lai ai mẫn cùng lộ, phát diệu minh tâm, khai ngã đạo nhãn.

Việt dịch:

Bạch Thế tôn, nay chúng con đều bị trói buộc bởi hai thứ chướng ngại, do chẳng biết tâm tánh vốn thường hằng vắng lặng. Cúi mong Như Lai thương xót kẻ nghèo cùng cơ cực, làm phát khởi tâm nhiệm mầu sáng suốt, mở bày mắt đạo cho chúng con.

Giảng:

A-nan lại thưa: Bạch Thế tôn, nay chúng con đều bị trói buộc bởi hai thứ chướng ngại.

Mọi người trong đại chúng đều bị trói buộc bởi hai thứ chướng ngại. Thứ nhất là phiền não chướng, Thứ hai là sở tri chướng.

Phiền não chướng sinh khởi do chấp ngã. Sở tri chướng sinh khởi do chấp pháp. Về sở tri chướng, nếu quý vị nghĩ: “Tôi biết rất nhiều” thì đó là một chướng ngại. Chẳng phải là người ta càng học thì hiểu biết càng gia tăng đâu, mà trái lại họ càng học nhiều thì họ lại càng bị chướng ngại bởi những gì họ biết. Vì sao mà kiến thức là chướng ngại? Vì nó làm cho người ta kiêu ngạo và thường nghĩ: “Quý vị nhìn tôi xem. Tôi biết mọi thứ mà không ai trong các ông biết được. Tôi vượt xa các ông. Tôi chẳng thể nào so sánh với các ông được. Các ông đều là kẻ ngu đần. Nhưng còn tôi, tại sao sở học của tôi lại có một không hai trên thế gian này, đời này thật là hiếm có.”

Ngay khi tâm kiêu mạn này trổi dậy thì đó chính là sở tri chướng.

Khi chấp ngã, sẽ làm sinh khởi nên phiền não chướng. Bất luận điều gì xảy ra, quý vị đều không thể nào nhìn được thông suốt về nó cả, quý vị chẳng phóng xả sự việc đó được, vì thế nên quý vị bị vướng mắc với chúng. Và một khi sự vướng mắc sinh khởi, thì phiền não chướng theo sau liền. Đó là phiền não chướng.

Đây là hai món chướng ngại mà A-nan cho rằng toàn thể mọi người trong hội chúng đều bị ràng buộc. “Trói buộc” nghĩa là không có được tự tại. Họ không có được sự tự do bởi vì họ bị hai thứ chướng ngại này.

Do vì chẳng biết tâm tánh vốn thường hằng vắng lặng.

Con chưa từng biết được chơn tâm thường trụ vắng lặng của con. Bây giờ vì con chưa hiểu được nguyên lý này.

Cúi mong Như Lai thương xót kẻ nghèo cùng cơ cực, làm phát khởi tâm tánh nhiệm mầu sáng suốt, mở bày mắt dạo cho chúng con.

“Xin hãy thương xót con, xin hãy thương xót con.” A-nan vẫn còn ỷ lại vào Đức Phật, vẫn chưa có lập trường riêng của mình. “Nghèo cùng và cơ cực” có nghĩa là chưa đạt được kho tàng Phật pháp quý giá là Thủ-lăng-nghiêm đại định.

A-nan mong muốn Đức Phật sẽ thương xót chỉ bày cho chân tâm sáng suốt nhiệm mầu, ngay đó mở bày con mắt đạo, trí tuệ sẽ được tăng trưởng và chứng được thánh quả. Điều thiết yếu đối với A-nan là được dự vào trong dòng Thánh.

Kinh văn:

即時如來,從胸,涌出寶光,其光晃昱,百千色十方微塵普佛世界一時周遍。遍灌十方,所有寶,諸如來頂 旋至阿難,及諸眾。

Tức thời Như Lai, tùng hung vạn tự, dũng xuất bảo quang, kỳ quang hoảng dục, hữu bá thiên sắc thập phương vi trần phổ Phật thế giới nhứt thời châu biến. Biến quán thập phương sở hữu bảo sát, chư Như Lai đảnh. Tuyền chí A-nan, cập chư đại chúng.

Việt dịch:

Khi ấy từ chữ vạn ở trên ngực Như Lai phóng ra hào quang báu, ánh sáng rực rỡ với trăm ngàn màu sắc, chiếu sáng đồng thời suốt khắp mười phương thế giới chư Phật nhiều như số vi trần. Hào quang ấy rót xuống trên đảnh các đức Như Lai ở các cõi Phật trong khắp mười phương. Xoay về soi đến A-nan và toàn thể đại chúng.

Giảng:

Trong đoạn kinh trước, Đức Phật đã phóng hào quang từ diện môn. Hào quang ấy chiếu sáng như cả trăm ngàn mặt trời. Hào quang ấy biểu tượng cho điều gì? Biểu tượng cho sự phá tan mê lầm: vọng tâm.

Nay một lần nữa, Đức Phật lại phóng hào quang, lần này hào quang được phóng ra từ chữ Vạn1 phía trước ngực của Đức Phật. Điều này biểu tượng cho việc hiển bày chân nghĩa: chơn tâm.

Khi ấy từ chữ vạn trên ngực Như Lai phóng ra hào quang báu.

Quý vị có thể nhìn thấy chữ Vạn ở trên tượng Phật. Chữ vạn biểu tượng cho vô số đức tướng trang nghiêm của Đức Phật, do đức hạnh của Đức Phật đã đạt đến mức hoàn mãn.

Ánh sáng rực rỡ với trăm ngàn màu sắc chiếu sáng đồng thời suốt khắp mười phương thế giới chư Phật, như số vi trần.

Từ chữ Vạn phóng ra đạo hào quang báu chiếu sáng khắp nơi. Đó là đạo hào quang với ánh sáng óng ánh, lấp lánh với trăm ngàn màu sắc, chiếu soi khắp cả, không riêng cõi ta-bà mà đồng thời chiếu khắp các cõi nước của chư Phật. Rồi hào quang ấy rót xuống trên đảnh các Đức Như Lai ở các cõi nước chư Phật trong khắp mười phương. Hào quang ấy chiếu xuống đảnh của các Đức Như Lai ở các Phật độ trong khắp mười phương nhiều như số vi trần. Điều ấy có nghĩa là từ các đảnh của các Đức Phật phóng hào quang chiếu sáng lẫn nhau.

Rồi xoay về soi đến A-nan và toàn thể đại chúng

Sau khi hào quang chiếu soi các Đức Như Lai khắp trong mười phương, hào quang từ Đức Phật phóng ra lại trở về rồi rót xuống đảnh đầu của A-nan và đảnh đầu của các vị đại bồ-tát, đại a-la-hán, đại tỷ-khưu các vị quốc vương, các quan đại thần, các vị trưởng giả trong pháp hội. Đức Phật phóng đạo hào quang này như là dấu hiệu khiến cho mọi người nhận ra được thể tánh thanh tịnh sáng suốt và thường trụ của chân tâm.

Kinh văn:

告阿難言:吾今為汝,建大法幢,亦令十方一切眾生。獲妙微密,性淨明心,得清淨眼。

Cáo A-nan ngôn: Ngô kim vị nhữ, kiến đại pháp tràng, diệc linh thập phương nhứt thiết chúng sanh, hoạch diệu vi mật tánh tịnh minh tâm, đắc thanh tịnh nhãn.

Việt dịch:

Rồi Đức Phật bảo A-nan: Nay Như Lai vì ông dựng lập pháp tràng lớn khiến cho tất cả chúng sinh khắp mười phương đạt được tâm tánh trong sạch, sâu kín nhiệm mầu và đạo nhãn thanh tịnh.

Giảng:

Rồi Đức Phật bảo A-nan “Nay Như Lai vì ông dựng lập pháp tràng lớn khiến cho chúng sinh khắp mười phương đạt được tâm tánh trong sạch, sâu kín nhiệm mầu.

Đức Phật bảo A-nan “Như Lai dựng lập pháp tràng lớn này không phải chỉ cho riêng ông mà cho cả các chúng sinh trong khắp mười phương, để họ có thể đạt được cảnh giới vô cùng vi diệu nhiệm mầu, đó là cảnh giới sâu kín vi mật đã được nói đến trong đề tựa tên kinh.

Sâu kín vi mật vì trước khi Đức Phật chỉ bày thì chẳng có một ai có thể biết được. Cũng như khi các nhà địa chất chưa khám phá ra mạch vàng thì chẳng ai biết có vàng nằm ở trong đó. Một khi đã phát hiện ra vàng thì các nhà địa chất mới đến tại điểm ấy khảo sát, khi biết chắc ở đó có mỏ vàng rồi mới khai thác. Sự “vi mật sâu kín” cũng giống y như vậy.

Như Lai sẽ giúp cho toàn thể chúng sinh đạt được tâm tánh thanh tịnh sâu kín nhiệm mầu và đạt được đạo nhãn thanh tịnh.

Bản tánh vốn thanh tịnh và trong sáng. Chơn tâm vốn thường sáng suốt. Do nhờ tâm tánh trong sạch, sáng suốt, thanh tịnh nên quý vị có được con mắt đạo thanh tịnh. Đó chính là đạo nhãn mà A-nan thỉnh cầu Đức Phật mở bày cho. Đạo nhãn này cũng còn gọi là huệ nhãn (con mắt trí huệ).

“Thanh tịnh” có nghĩa là tự tại thoát khỏi mọi nhiễm ô dù vi tế nhất. Với cái nhìn bằng huệ nhãn thấy đạo lý rất trong sáng và chân thực. Nếu quý vị có đạo nhãn thanh tịnh thì quý vị sẽ không bị chướng ngại và có thể hiểu tường tận mọi đạo lý.

Kinh văn:

,汝先答我,見光明拳,此拳光明,因何所有,云何成拳,汝將誰見?

阿難言:由佛全體閻浮檀金赩如寶山。清淨所生故有光明。我實眼觀五輪指端,示人,故有拳相 .

A-nan, nhữ tiên đáp ngã, kiến quang minh quyền, thử quyền quang minh, nhơn hà sở hữu, vân hà thành quyền, nhữ tương thuỳ kiến?

A-nan ngôn: Do Phật toàn thể diêm-phù-đàn kim, xích như bảo sơn, thanh tịnh sở sanh, cố hữu quang minh. Ngã thật nhãn quan, ngũ luân chỉ đoan, khuất ác[1] thị nhơn, cố hữu quyền tướng.

Việt dịch:

A-nan, trước đây ông đã trả lời rằng thấy nắm tay chói sáng. Vậy nắm tay này nhân đau mà có? Làm sao nắm tay trở nên sáng chói? Ông lấy cái gì để thấy?

A-nan thưa:

Thân của Phật như vàng diêm-phù-đàn sáng ngời như núi báu, do đức tính thanh tịnh sinh ra, vậy nên có hào quang chói sáng. Con thật đã dùng mắt xem thấy năm ngón tay Phật co lại thành nắm tay, đưa lên cho mọi người xem.

Giảng:

Đức Phật lại gọi A-nan

A-nan, trước đây ông đã trả lời rằng thấy nắm tay chói sáng. Vậy nắm tay này nhân đâu mà có? Làm sao nắm tay trở nên sáng chói? Hãy nói cho Như Lai biết tại sao nắm tay của Như Lai lại phát ra ánh sáng? Ông lấy cái gì để thấy? Ông dùng cái gì để thấy?

A-nan thưa:

– Thân của Phật như vàng Diêm-phù-đàn sáng ngời như núi báu. Thân này do đức tính thanh tịnh sinh ra, nên có hào quang chói sáng.

Toàn thân của Đức Phật là màu vàng của diêm-phù-đàn. Diêm-phù-đàn[2] là tiếng Phạn. Tiếng Hán dịch là Thắng kim. Ở phía Nam núi Tu-di có con sông, ở đó có loại cây diêm-phù mọc rất nhiều, quả của cây này khi chín rụng xuống sông thì cát dưới sông nhuốm thành màu vàng, màu vàng này có màu đậm hơn sắc vàng thường. Hạt sa thạch vàng này cũng nặng hơn vàng thường, khi đem một ít hạt vàng này vào để trong phòng tối thì phát ra ánh sáng như ban ngày. Thân của Đức Phật có màu vàng giống như màu của vàng ở sông diêm-phù. Màu vàng nơi thân Phật là hỗn hợp giữa màu vàng và đỏ. Thân thể Đức Phật với dạng hình tướng ấy là kết tinh từ đức tính thanh tịnh nên thân ấy phát ra ánh sáng. Con thật đã dùng mắt xem thấy.

A-nan nói: “con thực sự đã dùng mắt để thấy.” Năm ngón tay của Đức Phật co lại thành nắm tay đưa lên cho mọi người xem.

Kinh văn:

佛告阿難:如來今日,實言告汝。諸有智者,要以譬,而得開悟.

Phật cáo A-nan: Như Lai kim nhật, thật ngôn cáo nhữ. Chư hữu trí giả, yếu dĩ thí dụ, nhi đắc khai ngộ.

Việt dịch:

Đức Phật bảo A-nan: Hôm nay Như Lai chân thật nói với ông, những người có trí cần phải dùng ví dụ mới được khai ngộ.

Giảng:

Đức Phật bảo A-nan: Hôm nay Như Lai chân thật nói với ông.” Bây giờ Như Lai sẽ nói cho ông biết một sự thực tuyệt đối. Ông có lắng nghe không? Những người có trí, cần phải dùng ví dụ mới được khai ngộ.

Hàng trí thức thích dùng những thí dụ để được khai ngộ. Vì khi quý vị thực sự có trí tuệ thì quý vị có thể hiểu được mười điều khi chỉ cần nghe một điều. Tôi chỉ nói một cách mà quý vị có thể suy luận ra mười hay cả một trăm cách. Đó là có trí tuệ chân chính. “Người trí” mà trong kinh văn nói đến không phải là người có trí tuệ chân chánh mà là những người có trí thức thông thường, không cao không thấp. Những người này có thể được giác ngộ thông qua việc sử dụng những thí dụ. Nhưng nếu những người chậm lụt, thiếu trí tuệ, nếu đưa cho họ một ví dụ, họ sẽ không hiểu nổi và sẽ hỏi: “Chuyện gì vậy?”

Kinh văn:

阿難,譬如我拳,若無我,不成我拳。若無汝眼,不成汝見。以汝眼根,我拳理。其義均不?

A-nan, thí như ngã quyền, nhược vô ngã thủ, bất thành ngã quyền, nhược vô nhữ nhãn bất thành nhữ kiến. Dĩ nhữ nhãn căn, lệ ngã quyền lý, kỳ nghĩa quân phủ?

Việt dịch:

A-nan, ví như nắm tay của Như Lai, nếu không có bàn tay thì chẳng thành nắm tay. Nếu không có mắt thì ông không thể thấy. Áp dụng ví dụ nắm tay của Như Lai và cái thấy từ mắt ông có giống nhau chăng?

Giảng:

A-nan, ví như nắm tay của Như Lai, nếu không có bàn tay thì chẳng thành nắm tay. Cũng như một biểu hiện khác. Nếu không có mắt thì ông không thể thấy. Áp dụng ví dụ nắm tay của Như Lai và cái thấy từ mắt ông có giống nhau chăng? Đức Phật hỏi A-nan có phải chúng ta đang so sánh hai sự việc giống nhau hay không?

Kinh văn:

阿難言: 唯然,世尊。既無我,不成見。以我眼根,例如來拳,事義相類。

A-nan ngôn: Duy nhiên, Thế tôn. Ký vô ngã nhãn, bất thành ngã kiến. Dĩ ngã nhãn căn, lệ Như Lai quyền, sự nghĩa tương loại.

Việt dịch:

 A-nan thưa: Bạch Thế tôn, đúng như vậy. Nếu không có mắt thì không thành cái thấy. Nếu đem ví dụ nắm tay của Phật so với cái thấy từ mắt của con, nghĩa ấy như nhau.

Giảng:

A-nan không có thời gian để suy nghĩ kỹ. Bây giờ A-nan không cần suy nghĩ.

A-nan thưa: “Bạch Thế tôn, đúng như vậy. Nếu không có mắt thì không thành cái thấy. Nếu đem ví dụ nắm tay của Phật so với cái thấy từ mắt của con, nghĩa ấy như nhau.

Thưa vâng, Bạch Thế Tôn, nếu Thế tôn so sánh hai trường hợp này, ý nghĩa không khác.

Kinh văn:

佛告阿難:汝言相類,是義不然。何以故? 如無手人,拳畢竟滅,彼無眼者,非見全無。

Phật cáo A-nan: Nhữ ngôn tương loại, thị nghĩa bất nhiên. Hà dĩ cố? Như vô thủ nhân, quyền tất cánh diệt, bỉ vô nhãn giả, phi kiến toàn vô.

Việt dịch:

Đức Phật bảo A-nan: Ông nói giống nhau, nghĩa ấy không đúng. Sao vậy? Nếu một người không có tay thì hẳn nhiên là không có nắm tay, nhưng những người mù, chẳng phải họ hoàn toàn không có cái thấy.

Giảng:

Ở đây Đức Phật phê bình A-nan, báo cho A-nan biết ý tưởng của A-nan không đúng.

Đức Phật bảo A-nan: “Ông nói giống nhau, nghĩa ấy không đúng.”

Ông cho rằng cả hai trường hợp ấy trong ví dụ đưa ra đều giống nhau. Không phải.

Sao vậy? Nếu một người không có tay thì hẳn nhiên không có nắm tay. Nếu người không có bàn tay thì họ cũng không có nắm tay. Nhưng những người mù, chẳng phải là họ hoàn toàn không có cái thấy. Nhưng nếu người không có mắt thì đó chẳng phải là trường hợp họ không thấy được cái gì hết, họ vẫn có thể thấy được. Người không có mắt có thể thấy được. Quý vị tin không?




1 c: wan-myriad; s: svastika.
[1] Hòa thượng Bích Liên phiên âm ốc.
[2] Diêm-phù-đàn 閻浮檀 (s: jambūdana-suvara). Hán dịch là Lưu kim diêm phù 流金閻浮. Do chữ Jambū: diêm-phù, có nghĩa là dòng sông chảy qua rừng cây; Dana đàn: là sinh ra loại vàng quý Thắng kim. Ở giữa núi Hương tuý (s: Gandhamadana) và dãy Hy-mã-lạp-sơn có sông chảy qua rừng cây Diêm phù, vàng phát ra từ sông này gọi là Diêm-phù-đàn kim. Theo thần thoại Ấn Độ, sông Diêm-phù là một trong 7 nhánh của sông Hằng, sông này không có thật, nên Diêm-phù-đàn kim và Diêm-phù đại thọ là những vật tưởng tượng cho thuyết Tu-di bốn châu.


(còn tiếp)

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites