Pages

03 July 2016

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM GIẢNG GIẢI (QUYỂN 1) - PHẦN 5

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhcvtYYUNuLWnjioICEyltDActsOmifliqLgA4eL0Dsc5dfJb8O9OT-cJ7_SejayTvtFBisEQkiN1ZCrUKGPd4bbJRkbD3bvHYFLZftu_p_nlVMwv0KO7r6pPigG6kOty9D2o59Qm8yxZY/s200/htth.jpgLúc này A-nan không còn lối thoát nào nữa, chẳng còn cách nào nữa cả. Thế nên, một lần nữa A-nan vận dụng những đạo lý mà Đức Phật đã giảng trước đây vào tình huống hiện tại với một nỗ lực cứu thoát mình ra khỏi bế tắc.






HT TUYÊN HOÁ GIẢNG


Kinh văn:
阿難又汝覺了能知之心,若必有體,為復一體,有多體? 今在汝身,為復遍體,為不遍體?
A-nan, hựu nhữ giác liễu năng tri chi tâm, nhược tất hữu thể, vi phục nhứt thể, vi hữu đa thể?
Kim tại nhữ thân, vi phục biến thể, vi bất biến thể?
Việt dịch:
Lại nữa A nan, nếu tâm hiểu biết của ông có tự thể, thì có một thể hay nhiều thể? Nó ở nơi thân ông là khắp cả thân hay chẳng khắp cả thân?
Giảng:
Đức Phật tiếp tục giảng giải cho đệ tử: Lại nữa, A-nan, nếu tâm hiểu biết của ông là có tự thể. Nếu ông quả quyết cho rằng cái tâm suy lường phân biệt được mọi thứ ấy có tự thể, thì (tâm ấy) có một thể hay có nhiều thể? Cái tâm của ông ấy chỉ có một thể hay có nhiều thể? Tâm ấy ở nơi thân ông, là khắp cả thân hay chẳng khắp cả thân?
Cái thể này nó ở nơi đâu trong thân ông? Nó có ở khắp nơi thân ông hay không?
Kinh văn:
若一體者。則汝以手挃一時。四應覺。若咸覺者,挃應無在。若挃有所,則汝一體,自不能成。
Nhược nhứt thể giả, tắc nhữ dĩ thủ, trất nhứt chi thời, tứ chi ưng giác. Nhược hàm giác giả, trất ưng vô tại, nhược trất hữu sở, tắc nhữ nhứt thể, tự bất năng thành.
Việt dịch:
Nếu tâm chỉ có một thể thì khi ông lấy tay gãi một chỗ trên thân thì lẽ ra các nơi khác trên thân đều có cảm giác. Nếu tất cả thân phần đều có cảm giác, thì chỗ gãi không nhất định. Nếu chỗ gãi nhất định thì nghĩa tâm có một thể là không hợp lý.
Giảng:
Nếu tâm chỉ có một thể thì khi ông lấy tay gãi một chỗ trên thân thì lẽ ra các nơi khác trên thân đều có cảm giác.
Chúng ta hãy giả định rằng nếu như tâm có một thể, cư trú ngay trong tâm mình. Thì khi quý vị dùng tay gãi lên một chỗ trên chân hoặc tay mình, lẽ ra cả hai tay và hai chân đều phải có cảm giác.
Tại sao? Vì quý vị nói rằng chỉ có một tâm duy nhất. Nhưng thực ra, nếu quý vị gãi lên một chi phần thân thể thì lẽ ra chỉ có riêng chi phần ấy có cảm giác thôi, ba chi phần kia phải hoàn toàn không biết chỗ gãi.
Nếu tất cả thân phần đều có cảm giác thì chỗ gãi không nhất định.
Nếu ông nói rằng khi gãi vào một chân, thì chân kia và cả hai tay đều biết, cớ sao ông lại cho rằng chỉ có một chỗ gãi duy nhất trên thân? Vì toàn thân có cảm giác như thể được gãi khắp nơi trên thân.
Nếu chỗ gãi không nhất định, thì nghĩa tâm có một thể không hợp lý.
Nếu quý vị có cảm giác chỗ gãi chỉ là một nơi nhất định trên thân thì quý vị không thể lập luận rằng tâm chỉ là một thể duy nhất trong toàn thân.
Kinh văn:
若多體者,則成多人。 何體為汝?
Nhược đa thể giả, tắc thành đa nhân. Hà thể vi nhữ?
Việt dịch:
Nếu có nhiều thể thì thành ra có nhiều người. Vậy thể nào là của ông?
Giảng:
Nếu có nhiều thể. Đoạn này giải thích tại sao ba chi phần thân thể kia không nhận được cảm giác khi ta gãi ở chi phần thứ tư. Nếu nhận được cảm giác ấy thì thành ra có nhiều người. Nếu tâm ông có nhiều tâm thể thì trong ông không chỉ là một người. Vậy trong trường hợp ấy, Thể nào là của ông?
Kinh văn:
若遍體者,同前所挃。若不遍者,當汝觸頭,亦觸其足。頭有所覺足應無知。今汝不然
Nhược biến thể giả, đồng tiền sở trất; Nhược bất biến giả, đương nhữ xúc đầu, diệc xúc kỳ túc. Đầu hữu sở giác, túc ưng vô tri. Kim nhữ bất nhiên.
Việt dịch:
Nếu ở khắp thân thì như đã nói trước đây (chỗ gãi không nhất định), nếu chẳng khắp thân thì khi ông xoa đầu rồi sờ chân, nếu đầu biết thì chân phải không biết. (Nhưng) trường hợp này không đúng với ông.
Giảng:
Nếu ở khắp thân thì như đã nói trước đây (chỗ gãi không nhất định).
Đức Phật kiên nhẫn nhắc lại lời giải thích ở trước. Nếu ông nói rằng tâm ông là một thể duy nhất biến khắp thân ông thì lẽ ra khi ông gãi ở một nơi thì toàn thể mọi phần thân thể phải nhận được cảm giác.
Nếu chẳng khắp thân thì khi ông xoa đầu rồi sờ chân, nếu khi đầu biết thì chân phải không biết. Nhưng trường hợp này không đúng với ông.
Nhưng nếu ông nói rằng tâm ông không bao trùm khắp thân thì chân ông sẽ không có được cảm giác khi ông xoa đầu. Nhưng dù ông có xoa đầu hay không thì chân ông vẫn có cảm giác khi tiếp xúc với mọi vật. Thế nên không thể nói tâm ở khắp trên thân và cũng không thể nói tâm chẳng bao trùm khắp thân.
Kinh văn:
是故應知,隨所合處,心則隨有,無有是處
Thị cố ưng tri, tùy sở hiệp xứ, tâm tắc tùy hữu, vô hữu thị xứ.
Việt dịch:
Thế nên phải biết, tùy chỗ hòa hợp, tâm theo đó mà hiện hữu là không hợp lý.
Giảng:
Thế nên phải biết, tùy chỗ hòa hợp, tâm theo đó mà hiện hữu là không hợp lý.
Đây là lần thứ năm A-nan cố gắng hết sức mình để xác định tâm mình ở đâu và Đức Phật một lần nữa chỉ bày những lý lẽ của hàng đệ tử đưa ra là không có căn cứ.
Kinh văn:
阿難白佛言:世尊我亦聞佛與文殊等諸法王子談實相時,世尊亦言:心不在,亦不外。
A-nan bạch Phật ngôn: Thế tôn, ngã diệc văn Phật dữ Văn-thù đẳng chư pháp vương tử, đàm thật tướng thời, Thế tôn diệc ngôn: Tâm bất tại nội, diệc bất tại ngoại.
Việt dịch:
A-nan bạch Phật: Bạch Thế tôn, con được nghe khi Thế tôn cùng với ngài Văn-thù-sư-lợi và các vị pháp vương tử bàn về nghĩa thực tướng, Thế tôn nói: Tâm chẳng phải ở trong, cũng không phải ở ngoài.
Giảng:
A-nan lại dùng lời Phật dạy để làm căn cứ cho luận điểm của mình, để chứng minh cho ý kiến của mình là thông lợi.
A-nan bạch Phật: “Bạch Thế tôn con được nghe Thế tôn cùng với Ngài Văn-thù-sư-lợi và các vị Pháp vương tử bàn về nghĩa thực tướng.
“Đây chính là những lời Đức Phật đã giảng giải chứ không phải là những lời con bịa ra. Chính Thế tôn đã nói như vậy.”
Ngay khi A-nan vừa mở miệng trình bày, A-nan liền muốn biện minh cho luận điểm của mình bằng cách viện dẫn lời dạy của Đức Phật. Quả là A-nan có rất nhiều biện tài.
Văn-thù-sư-lợi là Bồ-tát Diệu Cát Tường, còn gọi là Bồ-tát Diệu Đức. Ngài cùng với Bồ-tát Quán Thế Âm, vị Bồ-tát thường lắng nghe âm thanh ở thế gian và Bồ-tát Phổ Hiền, vị Bồ-tát biểu tượng cho nguyện lực vĩ đại, là các vị Đại Bồ-tát, là những Pháp vương.
Thế nào là nghĩa “thực tướng”? Thực tướng nghĩa là tướng chân thực, cũng còn gọi là chân tâm hằng có của chúng ta xưa nay.
Thực tướng có ba nghĩa:
Vô tướng tức là thực tướng. Tức là không có một tướng hư vọng nào cả. Nhưng mà bản thể của nó chẳng phải là không.
Nhưng không có gì là không có tướng. Vô tướng chính là thực tướng. Tức là tùy duyên mà hiện hữu. Hết thảy các sự hiện hữu mầu nhiệm trên thế gian vốn đều chẳng phải là không có tướng.
Nhưng chẳng phải vô tướngthực tướng. Tức là chân không nhưng chẳng ngại diệu hữu. Diệu hữu chẳng ngại chân không. Như thật muốn nói đến sự hiện hữu chân thực, ắt phải dứt tuyệt hẳn các tướng, rời hẳn các danh xưng, vì thực tướng vốn chẳng dính một vật.
Như thật muốn nói đến hết thảy đều là không thì điểm linh quang từ chân tâm vốn chẳng phải mê mờ, ứng dụng thảy đều tự tại.
Thế tôn cùng Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói về thực tướng, nó chẳng phải ở trong, chẳng phải ở ngoài, tức nói về chân tâm vốn không hình tướng, bản nhiên vốn thường thanh tịnh, rời xa tất cả hình tướng.
Chân tâm vốn đã vô tướng, vốn không có nơi chốn, nên không thể nói ở trong hay ở ngoài được. Lại nữa, chân tâm vốn tròn đầy, bao trùm khắp chốn, giống như hư không. Nên tuy không ở nơi nào, nhưng không nơi nào mà chẳng có.
Thế tôn nói: “Tâm chẳng phải ở trong, cũng không phải ở ngoài.”
Hàm ý của A-nan trong câu này là: “Bạch Thế tôn đây chính là lời của Thế tôn từng nói. Nay con chỉ lặp lại. Sao Thế tôn cho đó là sai?”
Kinh văn:
如我思惟,內無所見,外不相知。內無知,內不成。身心相知,在外非義。今相知故,內無見,當在中
Như ngã tư duy, nội vô sở kiến, ngoại bất tương tri, nội vô tri cố, tại nội bất thành, thân tâm tương tương tri, tại ngoại phi nghĩa, kim tương tri cố, phục nội vô kiến, đương tại trung gian.
Việt dịch:
Theo con suy nghĩ, nếu tâm ở bên trong mà không thấy được vật bên trong, còn ở ngoài thì tâm và thân chẳng biết nhau. Vì tâm không biết ở trong, nên nghĩa ở trong không hợp lý. Vì thân tâm biết nhau, nên nói tâm ở ngoài cũng chẳng phải. Nay vì thân tâm biết nhau, và lại cũng không thấy được bên trong, nên tâm chắc chắn ở giữa.
Giảng:
Theo con suy nghĩ: Nay con suy nghĩ kỹ một lần nữa. Nếu tâm ở bên trong mà không thấy được vật bên trong.
Khi nói tâm ở bên trong, phải hàm ý rằng tâm có thể thấy được trong thân.
Còn ở ngoài thì thân và tâm chẳng biết nhau.
Đức Phật đã chỉ rằng nếu tâm ở ngoài thân thì thân tâm lẽ ra chẳng biết nhau.
Vì tâm không biết ở trong, nên nghĩa ở trong không hợp lý.
Do tâm không biết được những gì ở bên trong thân, nên không thể nói được rằng tâm ở trong thân.
Vì thân và tâm biết nhau nên nói tâm ở ngoài cũng chẳng phải.
Thân và tâm cùng chia xẻ với nhau cái biết. Như Đức Phật vừa giảng giải, chỉ ra cho A-nan rõ thân tâm cùng biết nhau khi mắt thấy bàn tay Phật và tâm nhận biết bàn tay ấy. Nếu thân tâm ngoài nhau, thì sẽ không có cùng tánh biết ấy. Thế nên thân tâm không thể ở ngoài nhau được.
Nay vì thân tâm biết nhau, và lại cũng không thấy được bên trong.
Bây giờ con mới hiểu được điều này. Con nhận ra tâm con chắc chắn là ở giữa. A-nan bây giờ quả quyết rằng tâm mình ở giữa. Nói chắc chắn ở giữa là chỗ nào thì A-nan không nói được. Đó là chỗ ở giữa trong thân, hay là ở giữa phía ngoài của thân. Đó là lý do mà Đức Phật tiếp tục gạn hỏi A-nan.
Kinh văn:
佛言:汝言中間,中必不迷,非無所在。今汝推,中何為在? 為復在處,為當在身?
Phật ngôn: Nhữ ngôn trung gian, trung tất bất mê, nhi vô sở tại. Kim nhữ suy trung, trung hà vi tại? Vi phục tại xứ, vi đương tại thân?
Việt dịch:
Đức Phật bảo: Ông nói tâm ở giữa, chỗ ấy hẳn là không phải bỗng dưng mà có, hoặc không có vị trí nhất định. Nay ông phải xét kỹ, điểm giữa ấy là nơi nào? Là tại cảnh bên ngoài, hay là ở trên thân?
Giảng:
Đức Phật bảo: Ông nói tâm ở giữa, chỗ ấy hẳn là không phải bỗng dưng mà có, hoặc không có vị trí nhất định.
Chỗ giữa mà ông nói phải có một nơi chốn nhất định, phải biết chắc chắn về nó. Do vậy nay ông phải xét kỹ điểm giữa ấy là nơi nào?
Phải suy nghĩ về câu hỏi này thật kỹ. Đức Phật nhấn mạnh vào điểm này.
Điểm giữa ấy là nơi nào? Là tại cảnh bên ngoài hay là ở trên thân?
Điểm giữa ấy là một nơi nào đó ở cảnh vật bên ngoài hay là ở nơi thân ông?
Kinh văn:
若在身者,在邊非中,在中同內。若在處者,為有所表,為無所表? 無表同無,表則無定。
Nhược tại thân giả, tại biên phi trung, tại trung đồng nội. Nhược tại xứ giả, vi hữu sở biểu, vi vô sở biểu? Vô biểu đồng vô, biểu tắc vô định.
Việt dịch:
Nếu điểm giữa ấy ở nơi thân, khi ở một bên thân thì chẳng phải là ở giữa, nếu ở giữa thân thì đồng như ở trong thân.
Nếu điểm giữa là nơi cảnh (xứ), thì điểm ấy nêu ra được hay không nêu ra được? Nếu không nêu ra được thì đồng như không có, còn nêu ra được thì điểm ấy không có vị trí nhất định.
Giảng:
Nếu điểm giữa ấy ở nơi thân, khi ở một bên thân thì chẳng phải là ở giữa, nếu ở giữa thân thì đồng như ở trong thân.
Giả sử như điểm giữa mà ông cho là vị trí của tâm là ở trong thân, phải chăng nó ở một bên thân? Thế thì chẳng phải là ở giữa. Phải chăng nó ở giữa thân? Đó là nói tâm ở trong thân và chúng ta đã phủ nhận điều ấy không hợp lý.
Nếu điểm giữa là nơi cảnh thì điểm ấy nêu ra được hay không nêu ra được?
Nếu ông nói điểm giữa ấy là một nơi nào đó thì ông có thể chỉ ra nó ở đâu không? Có một điểm nào cho phép chúng ta có thể liên tưởng đến nó?
Nếu không nêu ra được thì đồng như không có.
Nếu không xác định được sự hiện hữu của điểm giữa ấy, nếu ông không thể nào chỉ ra được nó hiện hữu ở một vị trí nào đó thì nó chẳng tồn tại. Là ông vẫn chưa chỉ được ra điểm giữa ấy.
Còn nêu ra được thì điểm ấy không có vị trí nhất định.
Tại sao Đức Phật lại nói điều này?
Kinh văn:
何以故? 如人以,表為中時。東看則西南觀成北。表體既混,心應雜亂
Hà dĩ cố? Như nhơn dĩ biểu, biểu vi trung thời, đông khán tắc tây, nam quan thành bắc. Biểu thể ký hỗn, tâm ưng tạp loạn.
Việt dịch:
Tại sao? Ví như có người cắm cây nêu để làm điểm giữa, nếu nhìn từ phương Đông thì cây nêu ở phía Tây, nếu nhìn từ phương Nam thì cây nêu ở phía Bắc. Tiêu điểm đã không rõ ràng thì tâm ông cũng thành rối loạn.
Giảng:
Tại sao?
Ví như có người cắm cây nêu. Có người cắm một dấu hiệu trên mặt đất rồi nói: “Nơi đây là điểm giữa.
Nếu nhìn từ phương Đông thì cây nêu ở phương Tây. Nếu nhìn từ phương Nam thì cây nêu ở phương Bắc.
Tiêu điểm ấy có thể nói là “ở giữa.” Nhưng nếu khi ông đứng ở phía Đông của cây nêu thì tiêu điểm ấy lại ở phía Tây của ông. Làm sao nói nó ở giữa được? Còn khi ông phải đứng ở phía Nam của tiêu điểm ấy thì điểm ấy lại nằm ở phía Bắc của ông. Điểm này cũng không phải là ở giữa. Điều cốt yếu là như tôi đã nói trước đây, cả mười phương đều không thực có. Quý vị có thể cho rằng nơi nào đó là ở phía Nam của quý vị nhưng nếu khi quý vị đi về hướng Nam của điểm ấy thì nó trở thành phía Bắc, nhưng khi quý vị đi về hướng Bắc của điểm ấy thì nó lại nằm ở phía Nam. Thế nên điểm ấy là ở hướng nào? Không có cách nào xác định được. Nghĩa lý trong đoạn kinh này cũng tương tự như vậy.
Tiêu điểm đã không rõ ràng thì tâm ông cũng thành rối loạn.
Tiêu điểm không biểu thị cho một điều gì hết thảy, nó không thể xác định cho một vị trí ở giữa. Nếu tâm ở giữa, nó cũng sẽ không xác định được, cũng như tiêu điểm ấy, sẽ bị nhầm lẫn.
Nói rốt ráo, nơi nào là điểm giữa? Chẳng có nơi nào là điểm giữa cả. Thế nên điểm giữa mà ông đề cập đến cũng là sai lầm.
Kinh văn:
阿難言:我所說中.非此二種,如世尊言,緣生於眼識。眼有分別,色塵無知。識生,則為心在。
A-nan ngôn: Ngã sở thuyết trung, phi thị nhị chủng, như Thế tôn ngôn, nhãn sắc vi duyên, sanh ư nhãn thức. Nhãn hữu phân biệt, sắc trần vô tri. Thức sanh kì trung, tắc vị tâm tại.
Việt dịch:
A-nan thưa: Con nói điểm giữa, chẳng phải là hai thứ ấy. như Thế tôn dạy, mắt gặp sắc trần, duyên sanh nhãn thức. Mắt thì có phân biệt, còn sắc trần thì vô tri. Thức phát sinh trong khoảng giữa ấy, đó chính là tâm con.
Giảng:
A-nan thưa: Con nói điểm giữa, chẳng phải là hai thứ ấy.
"Không xác định được tâm là trong hay ngoài. Bạch Thế tôn, ý con muốn nói là như vậy."
Như lời Thế tôn dạy: Mắt gặp sắc trần, duyên sanh nhãn thức.
"Bạch Thế tôn đó chính là điều Thế tôn đã giảng giải trước đây."
A-nan vẫn vận dụng những lời Thế tôn đã giảng giải từ trước để làm luận điểm cho mình.
"Bạch Thế tôn, Thế tôn đã từng nói rằng khi mắt thấy sắc trần, thức liền sinh khởi trong khoảng trung gian."
Mắt thì có phân biệt. Tại sao có sự duyên sinh của nhãn thức và của cái thấy khi mắt gặp sắc trần? Bởi vì mắt khởi phân biệt
Sắc trần thì vô tri, thức phát sinh trong khoảng giữa ấy đó chính là tâm con.
Sắc trần tự nó không thể biết, nhưng khi mắt tiếp xúc với sắc trần, tâm phân biệt liền sinh khởi ở trong khoảng trung gian (của sắc trần và mắt). Nơi đó chính là tâm con. Khoảng giữa mà con nói đến ấy là nơi mà mắt và tâm tiếp xúc với nhau làm sinh khởi nhãn thức. Đó chính là tâm.
Kinh văn:
佛言:汝心若在根塵之中,此之心體,為復兼二為不兼二?
Phật ngôn: Nhữ tâm nhược tại căn trần chi trung, thử chi tâm thể, vi phục kiêm nhị, vi bất kiêm nhị?
Đức Phật bảo: Tâm ông nếu ở khoảng giữa căn và trần, vậy tâm thể ấy gồm cả hai bên, hay không gồm cả hai bên.?
Giảng:
Đức Phật lắng nghe A-nan trình bày luận giải của A-nan và phản bác: “Tâm ông nếu ở khoảng giữa căn và trần, vậy tâm thể ấy gồm cả hai bên hay không gồm cả hai bên”
Giả sử như ông nói, tâm ở giữa mắt và sắc trần. Vậy tâm bao gồm cả hai bên, tâm nằm ở một bên hay nằm cả hai bên?
Kinh văn:
若兼二者,物體雜亂。物非體知,成敵兩立。云何為中? 兼二不成,非知不知,即無體性。中何為相?
Nhược kim nhị giả, vật thể tạp loạn. Vật phi thể tri, thành địch lưỡng lập, vân hà vi trung? Kiêm nhị bất thành, phi tri bất tri, tức vô thể tánh. Trung hà vi tướng?
Việt dịch:
Nếu gồm cả hai bên thì căn trần lẫn lộn. Trần thì không biết, căn thì có biết, hai thứ đối lập nhau. Chỗ nào gọi là điểm giữa? Gồm cả hai bên cũng không được, vì không phải có biết và cũng không phải không có biết, tức là không có thể tánh. Điểm giữa ấy lấy gì làm tướng?
Giảng:
Nếu gồm cả hai bên–Nếu tâm ông, cái tâm ông nói nằm ở điểm giữa, nó bao gồm cả căn và trần thì căn trần lẫn lộn. Thế thì bên nào là thể của tâm (căn) ông và bên nào là vật (trần)? Ông có phân biệt rõ được không? Nếu không thể phân biệt được thì nó là một hỗn hợp rối loạn, tập hợp với nhau một cách vô trật tự.
Trần thì không biết, căn thì có biết, hai thứ ấy đối lập nhau.
Trần (vật) thì không biết gì cả, trong khi nhãn căn của ông có một tâm thể. Hai điều ấy mâu thuẫn nhau.
Chỗ nào gọi là điểm giữa?
Điểm giữa mà ông nói là ở đâu? Có phải tâm ông ở giữa–nhãn căn? Hay ở giữa vật mà con mắt ông đã thấy được?
Gồm cả hai bên cũng không được vì không phải có biết và cũng không phải không có biết tức là không có thể tánh.
Nếu tâm ông không bao gồm cả hai bên mắt (nhãn căn) và sắc trần thì sẽ không biết được điều gì cả. Vậy tâm ấy không có được tánh biết. “Điểm giữa” ấy lấy gì làm tướng?
Phân tích đến chỗ cùng cực. Đâu là tâm ông?
Kinh văn:
是故應知當在中間無有是處.
Thị cố ưng tri, đương tại trung gian, vô hữu thị xứ.
Việt dịch:
Thế nên phải biết tâm ở chặng giữa là không có lý.
Giảng:
Thế nên phải biết tâm ở chặng giữa là không có lý.
Này A-nan từ những lý do đã nêu trên, ông nên biết rằng những lập luận của ông, cho rằng tâm ở chặng giữa là không đứng vững, không có nguyên lý nào như vậy cả.
Kinh văn:
阿難白佛言世尊。我昔見佛與大目連。須菩.富樓那, 舍利弗四大弟子,共轉法輪。常言覺知分別心性,既不在,亦不在,不在中,俱無所在。一切無著,名之為心。則我無,名為心不 ?
A-nan bạch Phật ngôn: Thế tôn, ngã tích kiến Phật dữ đại Mục-kiền-liên, Tu-bồ-đề, Phú-lâu-na, Xá-lợi-phất tứ đại đệ tử, cộng chuyển pháp luân. Thường ngôn giác tri phân biệt tâm tánh, kí bất tại nội, bất tại trung gian, câu vô sở tại. Nhất thiết vô trước, danh chi vi tâm. Tắc ngã vô trước danh vi tâm phủ ?
Việt dịch:
A-nan bạch Phật: Bạch Thế tôn, xưa nay con thấy Phật cùng bốn vị đệ tử lớn là ngài Đại Mục-kiền-liên, Tu bồ-đề, Phú-lâu-na, Xá-lợi-phất cùng chuyển pháp luân. Đức Phật thường nói: tâm tánh hiểu biết phân biệt không phải ở trong, không phải ở ngoài, không phải ở chặng giữa, đều không có nơi chỗ. Hết thảy đều không dính mắc, đó gọi là tâm.
Vậy cái không dính mắc của con có được gọi là tâm chăng?
Giảng:
Người ta cho rằng A-nan bắt đầu lúng túng khi nghe Đức Phật phản bác lập luận của A-nan lại một lần nữa.
A-nan đã cạn kiệt hết kiến thức của mình đến mức hết biện bác được nữa. Lúc này A-nan không còn lối thoát nào nữa, chẳng còn cách nào nữa cả. Thế nên, một lần nữa A-nan vận dụng những đạo lý mà Đức Phật đã giảng trước đây vào tình huống hiện tại với một nỗ lực cứu thoát mình ra khỏi bế tắc.
A-nan bạch Phật: “Bạch Thế tôn xưa nay con thấy Phật cùng bốn vị đệ tử lớn là Ngài Mục-kiền-liên. Hán dịch là “Thái thúc thị”, nghĩa là người con của dòng họ chuyên ăn rau đậu.”
Tu-bồ-đề (Subhuti), Hán dịch là “Không sinh.”
Phú-lâu-na (Purna), Hán dịch là “Mãn từ tử”, nghĩa là người con của lòng từ.
Xá-lợi-phất cùng chuyển pháp luân.
Chuyển pháp luân có nghĩa là đem giáo pháp Đức Phật đã giảng dạy mà giáo hóa chúng sinh, làm cho giáo pháp ấy được lưu truyền bằng cách này hoặc bằng cách khác ở khắp mọi nơi. Cũng như đạo lý trong kinh Thủ-lăng-nghiêm nay được giảng giải khắp mọi đạo tràng vậy. Đó là lý do được gọi là pháp luân “bánh xe pháp.” Việc chuyển bánh xe pháp khiến cho đạo lý được hiển bày và quét sạch thiên ma ngoại đạo. Khi những tà phái ngoại đạo nào gặp bánh xe pháp này, những tà kiến đó liền bị nghiền nát.
Đức Phật thường giảng trong tạng A-hàm và Phương đẳng[1] rằng: “Tâm tánh hiểu biết phân biệt không phải ở trong, không phải ở ngoài, không phải ở chặng giữa, đều không có nơi chỗ.
Nếu bản tánh của tâm tính toán, hiểu biết, phân biệt ấy không ở phía trong, chẳng ở bên ngoài, có lẽ nó ở giữa hai vị trí ấy, nhưng mà cũng không ở một nơi chốn nhất định, chẳng có một nơi chốn nào cả.
Hết thảy đều không dính mắc, đó gọi là tâm.
Cái tâm hiểu biết ấy không hề dính mắc. Cái tâm mà con đang đề cập tới cũng không dính mắc. Nhưng con không biết người ta có gọi đó là “tâm” không?
A-nan nghĩ rằng nếu mình hỏi với cách như thế, chắc có lẽ Đức Phật sẽ đồng ý với điều mà A-nan cho là “tâm.” Vì chính Đức Phật cũng đã nói như vậy.
Nhưng những điều Đức Phật đã nói trước đây chỉ khế hợp với pháp thế gian. Giáo pháp của Đức Phật vào thời ấy tương hợp với sự hiểu biết của căn cơ người nghe vào thời ấy. Căn cơ hàng Tiểu thừa không hiểu được giáo pháp Đại thừa nếu nói về chơn tâm mà không có lời giảng giải cho họ thì họ không thể nào tin được, thế nên Đức Phật giảng nói cho họ về thức tâm (tâm phân biệt).
Đức Phật tùy thuận theo pháp thế gian, nhưng nay A-nan lại muốn nhận lấy thức tâm phân biệt của hàng phàm phu ấy làm tâm mình. A-nan có đúng chăng? Cơ bản quan điểm của A-nan cũng xuất phát từ cái nhìn của hàng phàm phu. Nhưng “tâm” mà Đức Phật đang nói đến lại không phải là thức tâm, “tâm” ấy chính là “chân tâm thường trụ.” Không phải là tâm chứa đầy vọng tưởng. Thế mà A-nan cứ cho rằng tâm sinh khởi vọng tưởng ấy chính là chân tâm của mình, A-nan tiếp tục phạm sai lầm như nhận kẻ cướp làm con mình.


[1] S: Vaipulya; p: vedalla. Phiên âm là Tỳ-phật-lược毘佛略, Tỳ-phú-la毘富羅, dịch nghĩa là Phương Đẳng方等, Đại phương Đẳng大方等, Phương quảng 方廣Quảng phá廣破, Quảng giải廣解, Quảng bác廣博, Vô tỉ無比. Gọi chung cho Kinh Đại thừa liễu nghĩa. 


(còn tiếp)

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites