Pages

09 March 2016

KHAI THỊ NIỆM PHẬT CỦA THIỆN ĐẠO ĐẠI SƯ

https://i.ytimg.com/vi/Tx0IhDJK4eg/maxresdefault.jpgNgày nay chúng ta niệm Phật không cách gì vãng sanh, then chốt là ở “không có Tín Nguyện, hoài nghi bất an, sợ chết, vốn không cầu vãng sanh”. Người niệm Phật ngày nay niệm Phật, chỉ là cầu bảo hộ, cầu tiền của, cầu công danh, cầu bình an, cầu thuận lợi, cầu tiêu tai, cầu khỏi nạn, cầu trị bệnh, cầu sống lâu, cầu tất cả lợi ích của thế gian, nhưng tuyệt đối lại không cầu vãng sanh Tây Phương!

 

Thiện Đạo Đại Sư Khai Thị Niệm Phật

Đại sư là tổ thứ hai trong Liên Tông. Ban sơ, nhân thấy Đạo tràng Tịnh nghiệp của Ngài Đạo Xước, sư mừng rỡ nói rằng: “Đây mới là nẻo bí yếu để thành Phật”. Rồi Ngài đến Kinh đô khuyên chúng tu Tịnh Độ, thường quỳ niệm Phật cho đến khi kiệt lực mới thôi. Đại sư giảng môn Tịnh độ hơn 30 năm, tu hành chuyên cần, chưa từng ngủ nghỉ. Được bao nhiêu của thí, ngài dùng tả kinh Di Đà hơn mười muôn quyển, vẽ thánh cảnh Tây Phương hơn ba trăm bức. Đại sư, cảm hóa hàng đạo tục rất đông, trong ấy số người được tam muội sanh tịnh độ nhiều không xiết kể. Một hôm, ngài leo lên cây liễu, hướng về Tây, chú nguyện xong gieo mình xuống rơi nhẹ như lá, ngồi kiết dà mà tịch. Vua Cao Tông phục sự thần vị của Ngài, phong cho hiệu chùa là Quang Minh.

Đại sư dạy: “Đấng đại Thánh xót thương, khuyên người chuyên xưng danh hiệu, bởi vì phép xưng danh rất dễ, nếu có thể giữ mỗi niệm nối nhau, lấy suốt đời làm hạnh, thì mười người tu, mười người vãng sanh, trăm người tu, trăm người vãng sanh. Tại sao thế? Vì không có duyên tạp nên được chánh niệm, vì cùng với bản nguyện của Phật hợp nhau, vì không trái với kinh giáo, vì thuận theo lời Phật. Nếu bỏ chuyên niệm mà tạp tu trong trăm người may ra được một hai người, trong ngàn người hy vọng được ba bốn người vãng sanh mà thôi”.

Người niệm Phật khi lâm chung chớ nên sợ chết. Phải thường nghĩ rằng: thân này không sạch, chịu nhiều sự khổ, nếu được bỏ huyễn thân mà sanh về Tịnh độ, chính là điều đáng vui mừng!

Lúc đau yếu, chỉ nghĩ đến sự vô thường, một lòng niệm Phật chờ chết. Nhớ dặn người thân cận, khi có ai đến thăm nên khuyên vì mình mà niệm Phật, đừng nói chuyện tạp ở thế gian. Nếu bịnh nặng sắp chết, người xung quanh không được khóc lóc, phải đồng thanh niệm Phật đợi chừng nào bịnh nhơn tắt hơi, trong mình lạnh hết rồi mới nên cử ai. Như được người hiểu rõ lý Tịnh độ thường đến khuyên lơn nhắc nhở cho, đó thật là điều đại hạnh. Dùng theo phương pháp trên đây quyết định sẽ vãng sanh.

Việc sống chết luân hồi rất lớn lao, phải tự mình gắng sức mới được, nếu một niệm sai lầm để luống qua, thì nhiều kiếp chịu khổ, có ai thay thế cho mình? Nên suy nghĩ kỹ, nên suy nghĩ kỹ.

Khi sắp đi nghỉ, lễ Phật quán tưởng, rồi đọc bài văn phát nguyện rằng: “Con…là phàm phu trong vòng sanh tử, tội chướng nặng sâu, luân hồi sáu nẻo, khổ không nói được! Nay găp trí thức, được nghe thánh hiệu, đức Phật A Di Đà, cùng với bổn nguyện, công đức của Phật, một lòng xưng niệm, cầu nguyện vãng sanh, Nguyện Phật từ bi không bỏ, xót thương nhiếp thọ. Nay đệ tử con, chưa biết thân Phật, tướng đẹp quang minh, xin Phật hiện ra, cho con được thấy. Lại con chưa biết, Quán Âm, Thế Chí, các chúng Bồ Tát, tướng mầu sáng rỡ, và thế giới kia, trong sạch trang nghiêm, xin khiến cho con, thấy được tỏ tường

Lại khi sắp đi ngủ, nên quán thắng cảnh Tây Phương, hoặc quán tướng tốt của Phật, không được nói tạp, cũng không được cầu thấy điềm lành, chỉ một lòng chuyên tu, tự có lúc được thấy. Hoặc lại chỉ niệm Phật cho đến lúc ngủ quên. Mấy điều trên đây, chuyên lấy một pháp, không tạp dụng. Và cần phải thật hành cho bền lâu, thì công phu tịnh nghiệp tất không luống uổng.


1. Tâm tình của người niệm Phật


Niệm Phật, kỳ thật chỉ là một lọai tâm tình rất đơn thuần. Tâm tình khi niệm câu “Nam Mô A Di Đà Phật” này, thì cũng giống như đứa con lưu lạc liêu lổng nhiều năm, nay muôn quay về nhà, khóc thét lên rằng: “Ba ơi! Con muốn về nhà!” loại tâm tình như vậy. Ngay khi đứa trẻ mê lạc, bổng nhiên hối ngộ, khóc thét lên rằng: “Ba ơi! Con muốn về nhà!”, người cha đã nhiều năm chờ đợi mỏi mòn, ngày nhớ đêm mong đứa con của mình, nhất định sẽ vui mừng đến rơi nước mắt, cho dù có liều cái mạng già cũng sẽ toàn tâm tòan lực cứu giúp đứa con, tiếp rước con về nhà, cho con tất cả sự ấm áp nhất tốt đẹp nhất trong nhà. Đứa con bị bệnh rồi! thất nghiệp rồi! nợ nần chồng chất! Lại cách nhà rất xa! Con đường hiểm ác v.v. những thứ này đều không phải là vấn đề, tất cả những vấn đề khó khăn này, người cha đều sẽ vì đứa con mà lo liệu giải quyết, vấn đề là ở đứa con có chịu trở về nhà hay không mà thôi.


2. Giới thiệu pháp môn Tịnh Độ


Pháp môn Tịnh Độ là do Phật A Di Đà kiến lập, Thích Ca Mâu Ni Phật đã tuyên dương, mười phương tất cả chư Phật đều cùng khen ngợi đại pháp vô thượng siêu thắng khác biệt. Do lòng tin sâu này, mà phát ra nguyện vọng chân thật, nhàm chán Ta Bà, không sợ chết, bằng lòng xả bỏ tất cả thế gian vô thường; vui cầu Cực Lạc, thích được chết, bằng lòng chết sớm một chút, sớm một chút được vãng sanh Tây Phương, thân cận Phật A Di Đà. Chuẩn bị đầy đủ loại tâm tình Tín nguyện này, bất cứ chúng sanh nào trong mười phương, chỉ cần xưng niệm “A Di Đà Phật”, Phật A Di Đà liền sẽ y theo thệ nguyện đích thân tiếp dẫn, dùng Phật lực tiếp độ chúng sanh niệm Phật, vượt khỏi sanh tử, vĩnh thóat luân hồi.


3. Phản tỉnh – Hổ thẹn – Sám hối.


Pháp môn niệm Phật thù thắng đến nước này thì mỗi một đồng tu niệm Phật chúng ta phải nên thống thiết mà phản tỉnh, hổ thẹn mà sám hối. Chúng ta phụ lòng chờ đợi nhớ mong của Phật A Di Đà đã nhiều kiếp! Cũng đã phụ lòng Thích Ca Mâu Ni Phật khẩn thiết dặn dò hết lời khuyên bảo! càng phụ lòng bi tâm kỳ vọng, khuyến tấn tán dương, chứng minh khen ngợi của mười phương tất cả chư Phật! Nghĩ đến chỗ này, mỗi một người niệm Phật phải nên thống thiết mà rơi lệ, không chỗ dung thân! Mỗi một vị dạy bảo người niệm Phật, cũng phải nên phản tỉnh: Tại vì sao đem đại pháp Di Đà nương vào Phật lực, nhất định an tâm, tín nguyện niệm Phật, quyết định vãng sanh thành Phật, thì dạy thành dựa vào tự lực, hoài nghi bất an, không được nhất tâm, không cách gì vãng sanh?
Mỗi một người học tập pháp môn niệm Phật cũng phải nên phản tỉnh: Tại vì sao Tịnh Độ diệu pháp đầy đủ Tín Nguyện, nương vào Phật lực, quyết định vãng sanh, không sợ chết, thích được chết, muốn được đi sớm một chút, thì học thành hư tâm giả nguyện, hoài nghi tự ti, không dám gánh vác tiếp nhận, sợ chết, lo lắng phải chết, trong lòng không hề muốn được đi sớm một chút?


4. Chân tướng của người niệm Phật không được vãng sanh


Ngay trong một ngàn người niệm Phật thì có hơn chín trăm chín mươi chín người giả niệm Phật , đây chính là chân tướng vì sao niệm Phật không thể vãng sanh. Thường ngày chúng ta niệm Phật, tâm miệng không đồng nhau, giả tín hư nguyện, trong tâm luôn quyến luyến vướng bận, tuyệt đối chẳng phải vì việc lớn sanh tử, mà chỉ là tất cả lợi ích thế gian; khi vừa đến cửa cải sanh tử, thì nhìn không thấu, buông bỏ không được, lo lắng đầu này, dính mắc đầu kia, nhưng tuyệt nhiên không cầu chết, tuyệt đối không hề cầu chết sớm một chút, để sớm ngày vãng sanh. Cho nên, tuyệt đại đa số người niệm Phật đem của báo giá trị liên thành, chỉ để đổi thành một cục đường. Do đó niệm Phật chỉ thành phước báo trời người, tạo thành oan nghiệp cho đời thứ ba, mãi mãi ở trong luân hồi, chịu khổ không cùng


5. Vì sao chúng ta niệm Phật mà không thể vãng sanh?


Dựa trên lý mà nói pháp môn Tịnh Độ là nhờ Phật lực của Phật A Di Đà cứu giúp, thì bảo đảm vãng sanh một trăm phần trăm, nhưng vì sao thấy người niệm Phật hiện nay rất nhiều, nhưng người chân thật có thể vãng sanh thì lại rất là ít vậy? Đây là một vấn đề rất quan trọng, mỗi một người niệm Phật phải nghiêm túc đối với việc này, nhất định không được xem thường! Ngày nay chúng ta niệm Phật không cách gì vãng sanh, then chốt là ở “không có Tín Nguyện, hoài nghi bất an, sợ chết, vốn không cầu vãng sanh”. Người niệm Phật ngày nay niệm Phật, chỉ là cầu bảo hộ, cầu tiền của, cầu công danh, cầu bình an, cầu thuận lợi, cầu tiêu tai, cầu khỏi nạn, cầu trị bệnh, cầu sống lâu, cầu tất cả lợi ích của thế gian, nhưng tuyệt đối lại không cầu vãng sanh Tây Phương!


Thiện Đạo Đại Sư Ngữ Lục

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites