Pages

25 December 2015

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH DIỄN GIẢI - PHẦN 4

http://phapsutinhkhong.com/public/upload/images/Anh_bia/HT_%20T%E1%BB%8Bnh%20Kh%C3%B4ng%20174.jpgĐúng vậy, chẳng giả! Tăng đoàn một ngàn hai trăm năm mươi lăm người, ra bên ngoài khất thực, chẳng phải là cơm ngàn nhà hay sao? Trộn lẫn lại để ăn, quý vị thấy đó: Lợi hòa đồng quân (chia sẻ lợi lạc bình đẳng). Quý vị ra ngoài khất thực, khất thực chẳng được, không sao cả! Biết về nhà sẽ được ăn, được mọi người chia phần, lợi hòa đồng quân... 






Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

淨土大經解演義

phần 2

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo chánh: Đức Phong, Trịnh Vân và Huệ Trang
Tập 04

Thưa chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin ngồi xuống. Xin xem trang hai trong quyển thứ nhất, phần Tiền Ngôn (lời nói đầu).
      Chúng ta đã học đến chỗ cụ Niệm Tổ giới thiệu sự tán thán của cổ đại đức đối với bộ kinh này. Tiếp đó, cụ nói: “Cái dĩ bổn kinh trì danh niệm Phật pháp môn” (là vì pháp môn trì danh niệm Phật được nói trong kinh này), chúng ta đọc từ chỗ này, “viên mãn trực tiệp, phương tiện cứu cánh, nhất siêu trực nhập, tối cực viên đốn” (viên mãn, thẳng thừng, nhanh chóng, phương tiện rốt ráo, hễ vượt thoát bèn vào thẳng cảnh giới Phật, viên đốn tột bậc). Trong lần trước, chúng ta đã đọc đến câu này. Đây là nói vì sao pháp môn này được lắm người tán thán như thế, tôi nghĩ nó có quan hệ mật thiết với thập phương chư Phật. Có thể nói pháp môn này trọn khắp pháp giới hư không giới, không có vị Phật nào chẳng tán thán A Di Đà Phật. Trong kinh Di Đà, chúng ta đọc thấy sáu phương Phật ca ngợi; trong bản dịch kinh A Di Đà của Huyền Trang đại sư, ghi là mười phương Phật tán thán, nói rất cặn kẽ. Trong kinh Vô Lượng Thọ và Quán Kinh, đức Phật đều giới thiệu với chúng ta như vậy. Trong khi tu nhân, Phật Di Đà phát nguyện quá vĩ đại, chẳng thể nghĩ bàn! Phật Phật đạo đồng, chư Phật chứng đắc trí huệ và đức tướng chẳng sai biệt, nhưng do lúc tu nhân, phát nguyện và phát tâm thật sự có sai biệt. Phật pháp chẳng tách lìa nhân quả, đừng nói là pháp thế gian, Phật pháp cũng chẳng tách rời!
      Lúc chúng tôi mới học Phật, thầy khuyến khích chúng tôi; thuở ấy, chúng tôi chưa hiểu sâu như thế. Thầy chỉ nói phải phát tâm, phải rộng kết thiện duyên, trong tương lai, pháp duyên hoằng pháp lợi sanh của anh sẽ thù thắng. Nói với chúng tôi chân tướng sự thật hiện tiền này, chúng tôi nghe xong cảm thấy rất vui vẻ. Kết duyên như thế nào? Thuở ấy, chúng tôi sống khá chật vật, học trò cũng chẳng có bao nhiêu tiền bạc để kết duyên với mọi người. Thầy dạy: Anh cầm một đồng, mua một bao đậu phộng, đứng ở cửa chính, người ta đến nghe kinh, tặng mỗi người một hạt. Đó là kết duyên. Mua kẹo, tặng mỗi người một chút, dùng tâm cung kính, dùng vẻ mặt tươi cười để đón người ta, tiếp đãi đại chúng tới nghe kinh. Pháp duyên giảng kinh của thầy Lý rất tốt, đại khái là thính chúng cả ba, bốn trăm người; thầy dạy tôi môn phương pháp này.Về sau, chúng tôi có sức, không chỉ dùng phương pháp này để kết duyên, mà dùng cách kết pháp duyên trọng yếu hơn. Chúng tôi bắt đầu in tặng những tấm thẻ, sau đó là kinh sách. Do khoa học kỹ thuật tiến bộ, chúng tôi tặng băng thâu âm, băng thâu hình, hiện thời bèn tặng CD. Chúng ta có truyền hình vệ tinh, có mạng Internet, đều nhằm kết pháp duyên.
Nhưng sau này, chúng tôi thâm nhập kinh tạng, hiểu rõ pháp môn này, trong lúc tu nhân, A Di Đà Phật đã phát nguyện quá lớn, Phật Phật đạo đồng. Giữa chư Phật có thể nói, [tức là đúng như] kinh đã nói như thế này: “Thập phương tam thế Phật, cộng đồng nhất Pháp Thân, nhất tâm, nhất trí huệ, lực, vô úy diệc nhiên” (Mười phương ba đời Phật, cùng chung một Pháp Thân, một tâm, một trí huệ, lực, vô úy cũng thế). Phật có tâm đố kỵ hay chăng? Không có! Chẳng những không có tâm [đố kỵ], mà Phật chẳng có ý niệm! Chúng ta thường nói là “chẳng khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, đừng chấp trước”, Phật làm được điều này. Nếu Ngài làm không được, còn khởi tâm động niệm, sẽ là Bồ Tát, chưa phải là Phật. Còn có phân biệt, chấp trước, sẽ là phàm phu, chưa phải là thánh nhân. Phật đâu có những đố kỵ, chướng ngại này! Tuyệt đối chẳng thể có! Do Phật Di Đà phát đại nguyện này, chư Phật hoan hỷ, đối với tất cả hết thảy chúng sanh, hết thảy chư Phật Như Lai đều giới thiệu Tây Phương Cực Lạc thế giới, kể cả Tỳ Lô Giá Na Phật trong hội Hoa Nghiêm cũng không ra ngoài lệ này. Vì thế, Văn Thù, Phổ Hiền dẫn bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong thế giới Hoa Tạng sang thế giới Cực Lạc quy y A Di Đà Phật, Tỳ Lô Giá Na Phật chẳng tức giận. Không chỉ chẳng tức giận, mà còn hoan hỷ. Vì sao? Tu hành thành Phật trong thế giới Hoa Tạng, kinh giảng điều này rất rõ ràng, phải mất bao lâu? Ba A-tăng-kỳ kiếp mới đoạn được tập khí vô minh từ vô thỉ trong A Lại Da Thức. Vô minh đã đoạn rồi, nhưng tập khí vô minh chưa đoạn, trong thế giới Hoa Tạng phải tốn thời gian dài như thế [để đoạn]. Đến thế giới Cực Lạc thì sao? Đến thế giới Cực Lạc bèn làm được, trong một ngày là xong! Phương tiện thù thắng như thế, mười phương thế giới chẳng có, chỉ riêng A Di Đà Phật là có. Được rồi! Chỗ của Ngài có [sự thù thắng này], có thể giải quyết thì mười phương chư Phật đều đưa học trò của mình, kể cả hàng Bồ Tát, sanh sang Tây Phương Cực Lạc thế giới. Đây là biểu thị pháp cho chúng ta biết: A Di Đà Phật dạy dỗ là chư Phật Như Lai dạy dỗ. Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này, phải có tâm lượng này, đây là gì? Tùy hỷ công đức! Kinh Hoa Nghiêm nói “hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức”, đây là đạt tới rốt ráo viên mãn. Chư Phật Như Lai, quý vị hãy ngẫm xem, chẳng phải là thanh tịnh tự tại ư? Ta mong hết thảy chúng sanh thành Phật, đều tới thế giới Cực Lạc, đều thanh tịnh tự tại! A Di Đà Phật có mệt mỏi hay chăng? Chẳng có! Làm mà không làm, không làm mà làm! Giúp hết thảy chúng sanh thành Chánh Đẳng Giác, thành Vô Thượng Bồ Đề, trong tâm A Di Đà Phật cũng chẳng có dấu vết. Đây gọi là “tùy duyên diệu dụng”, thật sự mầu nhiệm, mầu nhiệm đến tột bậc! Đây là biểu thị pháp cho chúng ta thấy, nói thật ra, chư Phật là như thế, Phật Di Đà là như thế, mà mỗi người chúng ta cũng đều như thế. Chỉ là mê mất tự tánh, chẳng biết Thể, Tướng, Dụng của tự tánh rộng lớn như thế, không biết trong tự tánh vốn sẵn có, chẳng phải do bên ngoài mà có, chẳng liên quan gì với bên ngoài. Do vậy, pháp môn trì danh niệm Phật là tự tánh.
      “Viên mãn trực tiệp”, “viên mãn” là chẳng khiếm khuyết, “trực tiệp” là không có chướng ngại; “phương tiện cứu cánh, nhất siêu trực nhập”. Vì vậy, pháp môn này là Đốn Giáo. Buông xuống là đốn xả. Chỉ cần quý vị có thể bỏ, buông xuống được, quý vị sẽ chứng đắc Phật quả viên mãn rốt ráo ngay trong hiện tiền. Giống như Thích Ca Mâu Ni Phật thuở ấy dưới cội Bồ Đề, buông xuống, chẳng khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, bèn minh tâm kiến tánh. [Cảnh giới của] Huệ Năng đại sư lúc canh ba nửa đêm trong phương trượng thất của Ngũ Tổ cũng là cảnh giới này, buông khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước xuống, bèn thành Phật. Cảnh giới của Huệ Năng đại sư và cảnh giới của Thích Ca Mâu Ni Phật dưới cội Bồ Đề giống nhau, là tương đồng, đó “tối cực viên đốn”. Nay chúng ta không có năng lực này, thật đấy! Vì sao không có năng lực này? Tập khí phiền não quá nặng, đức Phật giảng rõ ràng chân tướng sự thật, chúng ta đã hiểu rõ, nhưng không thể bỏ xuống được. Ở chỗ này, đức Phật có nói: “Phương tiện cứu cánh”, câu này tuyệt diệu! Phương tiện là gì? Sáu chữ Nam-mô A Di Đà Phật. Quý vị nắm vững sáu chữ này, chấp trước nó; do vậy, Tịnh Tông gọi trì danh niệm Phật là chấp trì danh hiệu, “chấp” () là nắm giữ. Quý vị chẳng giữ lấy những thứ khác, buông xuống toàn bộ những thứ chấp trước khác, thay bằng sự chấp trước này, đây gọi là phương tiện rốt ráo. Nam-mô A Di Đà Phật là gì? Thưa quý vị, là tự tánh, là Tánh Đức của tự tánh. Hai chữ “Nam-mô” là tiếng Phạn, có nghĩa là quy y, hay quy mạng. Quy () là quay về, Y () là dựa vào, cái gì ta cũng đều buông xuống, nay ta hoàn toàn nương cậy A Di Đà Phật. A Di Đà Phật là tự tánh, vô lượng quang, vô lượng thọ; lại nói rõ cùng quý vị, trong Hoa Nghiêm, đức Phật nói: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai”. Vô lượng quang là trí huệ trong tự tánh, vô lượng thọ là đức tướng của tự tánh. Do vậy, niệm câu Nam-mô A Di Đà Phật là niệm trí huệ và đức tướng của tự tánh, tuyệt lắm! Tiếp theo đó là đoạn: “Dĩ Di Đà Nhất Thừa nguyện hải, lục tự hồng danh chi cứu cánh quả giác, tác ngã chúng sanh chi nhân tâm” (Dùng biển nguyện Nhất Thừa của Phật Di Đà, sáu chữ hồng danh nơi quả giác rốt ráo để làm cái tâm trong khi tu nhân của chúng ta). Vì thế, pháp môn này gọi là “quả pháp” (pháp môn tu nơi quả vị), chẳng phải là “nhân pháp” (pháp môn chú trọng tu nhân). Tám vạn bốn ngàn pháp môn là tu nhân hòng chứng quả, pháp môn này vừa bắt đầu đã là quả, chẳng phải là pháp môn tu nhân.
      Tiếp đó, cụ Niệm Tổ nói: “Dĩ quả vi nhân, nhân quả đồng thời. Tùng quả khởi tu, tức tu, tức quả. Tâm tác, tâm thị, bất khả tư nghị” (Lấy quả làm nhân, nhân quả đồng thời. Từ quả khởi tu, tu chính là quả, quả chính là tu, tâm này làm Phật, tâm này là Phật, chẳng thể nghĩ bàn). Tâm này làm Phật, tâm này là Phật, tức là nói pháp môn này khác với tám vạn bốn ngàn pháp môn ở chỗ nào, nói rõ ra. Quý vị gặp pháp môn này há dễ dàng ư? Nhiều kẻ Tiểu Thừa hay Bồ Tát gặp được, nhưng chẳng tin, nên gọi là “pháp khó tin”. Nhị Thừa, Bồ Tát không tin, mà lũ phàm phu chúng ta tin tưởng, kỳ quái thay! So ra, chúng ta cao minh hơn hàng Nhị Thừa và Bồ Tát. Do duyên cớ nào? Thiện căn và phước đức khác nhau. Trong một đời này, gặp được pháp môn này, có thể tin, có thể hiểu, lại còn chịu thật sự hành, đây chẳng phải là chuyện trong một đời này, mà là đời đời kiếp kiếp trong quá khứ, từ vô lượng kiếp đến nay, quý vị đã gieo thiện căn, trong A Lại Da có thiện căn. Quý vị chẳng có thiện căn, chẳng thể vừa gặp bèn tin tưởng! Nếu thiện căn, phước đức và nhân duyên đều đầy đủ, có đủ những điều kiện ấy, chắc chắn vãng sanh trong một đời này. Vẫn chưa đủ thì sao? Chưa đủ, còn kém một chút; kém một chút bèn có cách: Trong một đời này, nếu quý vị thật sự tin tưởng, thật sự có thể lý giải, hãy dũng mãnh, tinh tấn nhằm bù đắp cho thiện căn và phước đức chưa đủ. Trong đời này, chúng ta có thể làm được, khi thật sự muốn bù đắp sẽ rất nhanh. Nếu như giải đãi, biếng nhác, tán loạn, sẽ chẳng có cách nào hết! Trong một đời này, chẳng có cách nào bù đắp thì sao? Vẫn luân hồi trong lục đạo. Lần sau gặp gỡ, sẽ tiếp tục tu. Đời đời kiếp kiếp trong quá khứ, không biết chúng ta cũng đã làm chuyện như vậy bao nhiêu lần! Đây là sự thật. Từ vô lượng kiếp trong quá khứ đến nay, không biết chúng ta đã làm bao nhiêu lần; đời này lại gặp gỡ là do thiện căn và phước đức trong đời quá khứ hiện hành. Lần này hiểu rõ rồi, quyết định hạ quyết tâm “ta phải thành tựu trong một đời này”, phải hạ quyết tâm này! Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng, quý vị thật sự có quyết tâm này, lẽ nào chẳng thành tựu? Có quyết tâm như vậy, nhất định quý vị phải giác ngộ. Quý vị buông thế duyên trong thế gian này xuống, phải thật sự hiểu rõ: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”. Ý nghĩa chân thật của câu này là gì? Đừng nói là một đời này trong nhân gian, mà ngay cả lục đạo lẫn mười pháp giới cũng chẳng thật, đều là giả, đều chẳng đáng bận lòng, hãy nên buông xuống, chẳng lưu luyến mảy may, quý vị sẽ chẳng còn có chướng ngại nữa
      Nếu có mảy may nào chẳng buông xuống được, còn vướng mắc, đối với phàm phu mà nói, nặng nhất là tình chấp, đây là mê hoặc. Buông được những thứ này, những thứ khác sẽ buông dễ dàng! Nhất định phải biết: Những thứ như tiếng tăm, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần là họa hại, tình chấp chẳng phải là chuyện tốt. Sau khi quý vị thấy thấu suốt, tình chấp là nghiệt duyên (孽緣). Nó chướng ngại quý vị chứng quả, chướng ngại quý vị khai ngộ, chướng ngại quý vị niệm Phật vãng sanh. Trong thế gian này, chẳng lẽ cha mẹ, thân thuộc chúng ta đều từ bỏ? Điều này dường như đã trái phạm luân thường! Thật vậy! Làm thế nào để có thể làm trọn vẹn đôi bề? Quý vị có thể chuyển biến tình duyên thành pháp duyên, chuyển biến người nhà, quyến thuộc thành pháp lữ, thành đồng tham đạo hữu, cùng sanh về cõi Cực Lạc, tốt hơn nhiều! Trong một đời này, dẫu tình duyên sâu đậm đến đâu đi nữa, chết rồi là phải chia tay, còn có thể ở chung với nhau nữa hay chăng? Chẳng thể nào! Nhưng sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, sẽ thật sự vĩnh viễn ở cùng một chỗ. Bất luận quý vị ứng hóa trong đường nào, đều có thể thấy rõ ràng, họ cần giúp đỡ, quý vị bèn sanh trong cùng một đường với họ, giúp họ một tay. Thuở ấy, Thích Ca Mâu Ni Phật thành Phật trong thế gian này, quý vị thấy các vị đệ tử gồm một ngàn hai trăm năm mươi lăm vị, đều là đồng tham đạo hữu trong đời quá khứ, còn có hàng tại gia: Quốc vương, đại thần, cư sĩ hộ pháp, toàn là pháp quyến trong quá khứ. Do vì giúp đỡ chúng sanh, nên giáo hóa chúng sanh mới được thuận lợi như vậy, phải hiểu đạo lý này, chúng ta sẽ chuyển biến thành công.
      “Thị tâm thị Phật, thị tâm tác Phật” (tâm này là Phật, tâm này làm Phật): Đức Thế Tôn đã nói câu này trong Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh. Đối với hiện thời, trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta gặp nhiều kẻ chẳng học Phật hiểu lầm Phật, có thể dùng điều này để giải thích cho kẻ ấy. Phật là gì? Phật là chân tâm của quý vị. Ma là gì? Ma là vọng tâm. Trong tám tướng thành đạo của Tiểu Thừa có hàng ma, Đại Thừa không có. Đại Thừa biết Phật và ma là một, chẳng hai. Giác ngộ, ma bèn thành Phật; mê rồi, Phật biến thành ma, chuyện là như vậy đó, thảy đều là chính mình. Nói cách khác, mê là ma, giác là Phật. Tâm thì sao? Tâm không có giác hay mê, giác hay mê là vọng tâm, chân tâm chẳng có giác hay mê. Vì vậy, đã giác ngộ, mà quý vị còn ý niệm giác ngộ, tức là quý vị vẫn chưa giác ngộ, vẫn rớt trong hai ba (tam tâm, nhị ý). Hai ba là bất giác; [nhận thấy] mê và giác đối lập, làm gì đi nữa thì vẫn là hai thứ! Câu cuối cùng nói rất hay: “Bất khả tư nghị” (Chẳng thể nghĩ bàn). Chuyện này quý vị chẳng thể nghĩ nổi. Hễ vừa nghĩ liền trật, vừa nghĩ tới liền mê. Quý vị chẳng thể nói được, hễ nói thì cũng mê rồi! Thốt không nên lời! Nói không nên lời, cho nên Thích Ca Mâu Ni Phật nói suốt bốn mươi chín năm, tuy nói suốt bốn mươi chín năm, [nhưng đúng như] đức Phật đã nói rất hay: “Nói mà chẳng nói, chẳng nói mà nói”. Chúng ta nghe lời này càng nghe càng hồ đồ, lời Ngài nói là thật. Ngài nói lời giả, chúng ta nghe hiểu rõ lắm, chẳng có vấn đề gì. Ngài nói lời thật, càng nghe càng hồ đồ! Chúng ta phải biết dụng tâm để hiểu. Do vậy, đức Phật mới bảo chúng ta: Quý vị phải biết nghe. “Biết nghe” là như Mã Minh Bồ Tát đã dạy trong Khởi Tín Luận: “Ly ngôn thuyết tướng”, [nghĩa là] quý vị nghe, nhưng đừng chấp trước tướng nói năng. Nghe nhưng chẳng chấp trước, chẳng phân biệt sẽ là đúng. Nói cách khác, thật sự có thể chẳng khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, ai nghe như vậy? Phật nghe như vậy. Có khởi tâm, động niệm, nhưng chẳng có phân biệt, chấp trước, ai nghe như thế? Bồ Tát nghe như thế. Có khởi tâm, động niệm, vẫn còn phân biệt, nhưng không chấp trước, đó là cái nghe của A La Hán. Nếu khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước, thảy đều trọn đủ, đó là cái nghe của phàm phu. Quý vị thấy đó: Đều là nghe, nhưng khác nhau, cảnh giới lãnh hội khác nhau.
     Quý vị thấy danh từ Khởi Tín trong bộ Khởi Tín Luận của Mã Minh Bồ Tát, đó chính là nhập môn. Đại Thừa nhập môn liền cho quý vị biết: Thật ra, đối với khởi tâm động niệm, nói thật ra, chúng ta chẳng có cách nào, nó quá vi tế. Di Lặc Bồ Tát bảo: “Trong một khảy ngón tay, có ba mươi hai ức trăm ngàn niệm”, làm sao chúng ta có thể phát hiện được? Chúng ta làm sao có thể đoạn sạch niệm? Chẳng thể nào! Do chúng ta chẳng phải là bậc thượng thượng thừa, nhưng chúng ta có thể học theo bậc thượng thừa. Bậc thượng thừa là Bồ Tát, Bồ Tát có khởi tâm động niệm, quyết định chẳng có phân biệt, chấp trước, quý vị sẽ nghe được nghĩa chân thật của Như Lai. Có phân biệt, chấp trước, quý vị nghe xong, nói đã hiểu, thì đó là ý nghĩa của chính quý vị, chẳng phải [ý nghĩa] do đức Phật nói. Lại nói rõ hơn một chút, đấy chẳng phải là kiến giải do Tánh Đức của quý vị, mà là kiến giải trong A Lại Da Thức. Vì sao? Vì quý vị có phân biệt, chấp trước, vẫn là A Lại Da làm chủ tể! A Lại Da là vọng tâm. Tri kiến trong vọng tâm, chẳng phải là chân tâm, còn cách chân tâm một tầng; do điều này mà biết tu hành Phật pháp là tu gì? Chính là hai chữ “buông xuống”, buông xuống là được!
      Thật sự có thể đạt đến chẳng nghĩ bàn, điều gì cũng chẳng nghĩ tới, điều gì cũng chẳng nói tới, người ta hỏi, quý vị bèn trả lời. Chẳng hỏi, cái gì cũng không biết; còn hễ hỏi tới, điều gì cũng biết. Không ai hỏi quý vị, tâm quý vị hoàn toàn ở trong Định. Đó là Căn Bản Trí, kinh Bát Nhã bảo là “Bát Nhã vô tri”. Lúc không có duyên, Bát Nhã vô tri, ở trong đại định, đó chính là cảnh giới Đại Niết Bàn thanh tịnh, tịch diệt. Người khác có cảm, quý vị lập tức có ứng; khi ứng thì “không gì chẳng biết”, đó là gì? Căn Bản Trí khởi tác dụng, không gì chẳng biết. Giống như trong kinh đã kể chuyện ngài Xá Lợi Phất: Ngài Xá Lợi Phất trí huệ bậc nhất, không có vấn đề nào bắt bí Ngài được! Bao nhiêu người thỉnh giáo Xá Lợi Phất, Ngài đều đối đáp trôi chảy. Có người tới hỏi Thích Ca Mâu Ni Phật, vì sao Xá Lợi Phất có đại trí huệ như vậy? Trí huệ của Ngài do đâu mà có? Phật giơ cái trống lên. Gõ trống, đức Phật lấy cái trống làm tỷ dụ, Ngài nói: “Ông có thấy cái trống này hay chăng?” “Dạ thấy”. “Bên trong cái trống có gì hay không?” “Không có, trống trơn!” Là hai tấm da căng ra; gõ nó, gõ mạnh, kêu to, gõ nhẹ, kêu nhỏ, chẳng gõ, chẳng kêu! Đức Phật nói trí huệ trong tâm Xá Lợi Phất giống như cái trống. Nếu quý vị chẳng gõ, cái gì cũng đều không có. Nếu quý vị gõ, Ngài sẽ lập tức có phản ứng. Đó là gì? Tự tánh Bát Nhã, chẳng phải do bên ngoài mà có, bên ngoài không có. Học những thứ từ bên ngoài quá khổ sở. Cảnh giới bên ngoài là duyên, sẽ cảm. Giống như chúng ta đọc kinh, mở kinh văn ra, đối trước văn tự, văn tự là cảm, chúng ta phải ứng, do tự tánh ứng, nên sanh trí huệ. Nếu chúng ta dùng phân biệt hay chấp trước để ứng, nói theo cách người hiện thời là “nghiên cứu”, nghiên cứu theo kiểu nào, nghiên cứu tới, nghiên cứu lui cũng đều là phiền não, đều là tri kiến sai lầm, chẳng phải là chánh tri chánh kiến. Đức Phật nói “chánh tri chánh kiến”, chớ nên nghiên cứu, nghiên cứu là suy nghĩ, bàn bạc. Chớ nên nghiên cứu thì gọi là gì? Danh từ Phật học là “tham cứu”, không gọi là nghiên cứu. Tham cứu và nghiên cứu khác nhau ở chỗ nào? Trong nghiên cứu có phân biệt, có chấp trước; trong tham cứu không có phân biệt, chấp trước; khác nhau ở chỗ này! Tham cứu là trí huệ, nói thẳng thừng thì trong ấy chắc chắn không có hiện tượng cong vạy, chúng ta học Đại Thừa chẳng thể không biết điều này!
      Tiếp đó, dẫn sách Yếu Giải của Ngẫu Ích đại sư. Trong Di Đà Kinh Yếu Giải có một đoạn như thế này: “Nhất thanh A Di Đà Phật, tức Thích Ca Bổn Sư ư ngũ trược ác thế sở đắc chi A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề pháp. Kim dĩ thử quả giác toàn thể thọ dữ trược ác chúng sanh, nãi chư Phật sở hành cảnh giới, duy Phật dữ Phật năng cứu tận, phi cửu giới tự lực sở năng tín giải dã” (Một tiếng A Di Đà Phật, chính là pháp để Thích Ca Bổn Sư đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác trong đời ác ngũ trược. Nay đem toàn thể quả giác này trao cho chúng sanh trược ác, đấy chính là cảnh giới do chư Phật đã hành, chỉ có Phật và Phật mới có thể thấu hiểu tột cùng, chẳng phải là chín giới cậy vào tự lực mà hòng tin hiểu được). Đây là nói rõ, thuyết minh đơn giản pháp môn này khó tin, khó hiểu. Vì sao khó tin, khó hiểu? Thích Ca Mâu Ni Phật thành Phật như thế nào? Ngẫu Ích đại sư đã vạch trần bí mật: Niệm A Di Đà Phật bèn thành Phật. Lời này ở đâu vậy? Nói ngay trong kinh Di Đà. Chúng ta niệm kinh Di Đà mỗi ngày mà chẳng nhận ra. Niệm mấy chục năm vẫn chẳng phát hiện. Thích Ca Mâu Ni Phật do niệm A Di Đà Phật mà thành Phật, thật đấy, chẳng giả tí nào! Trong giáo pháp Đại Thừa, đức Phật đã dạy chúng ta một nguyên lý, nguyên tắc: “Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng”. Nghĩ đến Phật bèn thành Phật, chúng ta hằng ngày tưởng A Di Đà Phật, quý vị quyết định thành Phật; quý vị mỗi ngày tưởng Quán Âm Bồ Tát, sẽ thành Quán Âm Bồ Tát. Quán Âm Bồ chẳng phải là một người, A Di Đà Phật cũng chẳng phải là một người, nhất định phải biết điều này. Quán Âm, Di Đà vô lượng vô biên thân, quý vị niệm các Ngài, sẽ hòa cùng một Thể với các Ngài, Tự, Tha bất nhị! Trong [Tam Thời] Hệ Niệm Pháp Sự, thiền sư Trung Phong đã nói: “Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ”. Niệm danh hiệu này là đức hiệu của tự tánh, Quán Âm Bồ Tát cũng là đức hiệu của tự tánh, một đằng đuợc kiến lập từ quả, một đằng kiến lập từ nhân. Danh hiệu Phật là nói theo Quả, danh hiệu Bồ Tát là nói theo nhân, Thể đều là tự tánh, chẳng rời khỏi tự tánh.
      Câu này rất quan trọng, Thích Ca Mâu Ni Phật thành Phật như thế nào? Điều này được chính đức Phật dạy rõ trong kinh. Đây là pháp để Ngài đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, cả câu này là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán thì có thể dịch là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. A là Vô, chữ A trong A Di Đà Phật phải dịch là Vô; Nậu Đa La là Thượng, [A Nậu Đa La là] Vô Thượng; Tam là Chánh, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Chánh; Miệu là Đẳng, tức Đẳng trong bình đẳng. Phía sau lại có một chữ Tam là Chánh, Bồ Đề là Giác. Do vậy, dịch toàn bộ sang nghĩa tiếng Hán là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, có thể dịch, chứ không phải là chẳng thể dịch. Vì sao không dịch? Do tôn trọng, nên không dịch. Trong pháp Đại Thừa, quý vị tu học nhằm hướng đến mục tiêu gì? Chính là câu này! Nói cách khác, Đại Thừa nhằm cầu chính điều này, chứ không có gì khác. Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác là tự tánh giác, chẳng phải điều gì khác, cũng là nói “trở về tự tánh”. A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề sẵn có trong tự tánh, “đắc” là “trở về”. Nói theo mặt Tướng, Tịnh Độ Tông nói bốn cõi, Thường Tịch Quang Tịnh Độ trong bốn cõi chính là điều này, nó tương ứng với Thường Tịch Quang. Trong Thường Tịch Quang, không có hiện tượng vật chất, mà cũng chẳng có hiện tượng tinh thần, nó tồn tại, chẳng có sanh diệt. Khi Huệ Năng đại sư khai ngộ, đã nói năm câu về Thường Tịch Quang: “Vốn tự thanh tịnh, vốn chẳng sanh diệt, vốn tự trọn đủ, vốn chẳng lay động, có thể sanh ra vạn pháp”. Sanh ra vạn pháp như thế nào? Có một niệm bất giác, vạn pháp liền xuất hiện. Một niệm bất giác gọi là “vô thỉ vô minh”, quý vị phải nhớ, đức Phật giảng rất rõ ràng, rất minh bạch. “Vô thỉ”, “thỉ” () là bắt đầu, [vô thỉ là] không có bắt đầu. Vì sao có một niệm bất giác? Chẳng có lý do, chẳng thể nghĩ bàn, chẳng có sự gì. Nếu quý vị muốn truy cứu một niệm bất giác, vì sao có một niệm bất giác, quý vị đọa lạc ngay lập tức. Quý vị thấy quý vị có phân biệt, có chấp trước, liền từ chỗ cao nhất rớt xuống lục đạo luân hồi. Do vậy, đức Phật dùng danh từ này hay lắm, vô thỉ! Quý vị chớ nên truy cứu, đừng nên truy cứu nó bắt đầu khi nào, chớ nên truy cứu, đúng là vô thủy.
      Mãi cho đến khi đọc phần đối thoại giữa đức Thế Tôn và Di Lặc Bồ Tát, chúng tôi mới hơi hiểu rõ chân tướng sự thật này. Vì sao nó vô thỉ? Nó quá ngắn ngủi! Quý vị hãy nghĩ xem, nay chúng ta tính trong một giây khảy ngón tay bốn lần, một niệm là thời gian bao lâu? Một ngàn hai trăm tám mươi triệu phần của một giây, quý vị có thể nói nó bắt đầu từ đâu hay chăng? Chúng ta nói “bắt đầu” thì chẳng biết đã trải qua bao nhiêu niệm, bởi lẽ, niệm tồn tại trong một thời gian quá ngắn ngủi, tạm bợ. Kinh thường nói là một “sát-na” là thời gian cực ngắn, nhưng ngắn đến mức nào, sẽ nói mơ hồ, chẳng rõ ràng. Di Lặc Bồ Tát giảng rõ ràng chuyện này, chẳng mơ hồ tí nào: “Một cái khảy ngón tay có ba mươi hai ức trăm ngàn niệm”. Chúng ta khảy ngón tay lẹ làng, có thể là tôi khảy nhanh hơn, được năm lần, nói chung khảy chừng bốn lần. Nếu khảy năm lần, sẽ là một ngàn sáu trăm triệu, tức là năm nhân với ba trăm hai mươi triệu, quý vị thấy tốc độ lẹ như thế, làm sao có thể nói nó có sanh diệt? Vì thế, chẳng thể nói nó sanh diệt, tính không kịp! Do vậy, kinh Phật bảo là “sanh diệt đồng thời”. Chữ “đồng thời” có thể giảng theo cách này. Bất sanh bất diệt chỉ có thể nói theo cách này. Quý vị phải thật sự hiểu ý nghĩa của cách nói này. Nếu thật sự chẳng sanh diệt, nói “bất sanh bất diệt” chẳng phải là nói nhảm, nói dư thừa hay sao? Xác thực có sanh diệt, nhưng sanh diệt với tốc độ quá nhanh, quý vị không có cách nào quan sát, mắt chẳng thể thấy được, ý niệm nghĩ không ra; cho nên chỉ nói sự sanh diệt ấy là bất sanh bất diệt. Trong bất sanh bất diệt có sanh diệt, sanh diệt chính là bất sanh diệt, bất sanh diệt chính là sanh diệt, quý vị mới hiểu chân tướng sự thật rõ ràng, minh bạch. Chúng ta hiểu rõ ràng, minh bạch thì nói thật ra, vẫn là phân biệt, chấp trước; chẳng dùng đến phân biệt, chấp trước, vẫn không hiểu rõ lắm, chẳng hiểu rõ rệt! Vì sao? Chưa biết dùng chân tâm, mà chính là dùng vọng tâm. Thật sự chưa hiểu rõ lắm thì quý vị đừng cố nữa, hãy cứ thật thà niệm A Di Đà Phật, về thế giới Cực Lạc sẽ chẳng hiểu rõ ràng ư? Đây là biện pháp tốt đẹp, cần gì phải chuốc lấy phiền phức? Cung kính niệm kinh Đại Thừa một biến, đấy là công đức; nhưng quý vị khởi tâm động niệm suy nghĩ “kinh có ý nghĩa gì”, công đức bị phá sạch! Công đức chẳng còn nữa, biến thành phước đức. Phước đức khác công đức. Vì sao chúng ta vẫn phải niệm? Niệm nhằm tu Định, dùng phương pháp đọc kinh để nhiếp tâm, buông tất cả vọng tưởng, chấp trước xuống. Đọc kinh cũng chẳng dấy vọng tưởng, cũng không khởi chấp trước, đọc kinh là tu Định. Trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, đây cũng là một pháp môn, vấn đề là chính mình có biết sử dụng hay không.
      Mấy câu tiếp theo có thể nói là rất trọng yếu đối với Tịnh Tông! “Kim dĩ thử quả giác toàn thể thọ dữ trược ác chúng sanh” (nay đem toàn thể quả giác này trao cho chúng sanh trược ác). “Trược” là ngũ trược ác thế. Lúc tôi mới học Phật, vào sáu mươi năm trước, thấy kinh nói đến ngũ trược ác thế, chúng tôi thường cảm thấy Thích Ca Mâu Ni Phật nói hơi quá lố! Thế giới này dù trược ác, vẫn chưa trược ác đến mức ấy. Nhưng nay nhìn lại chữ này, Ngài nói đúng quá, chẳng quá lố tí nào! Sở dĩ thế giới hiện tại có tai nạn, tai nạn vì sao mà có? Do dính dáng đến trược ác. “Trược” () là hỗn trược (dơ bẩn, đục ngầu), “ác” () là Thập Ác. Quý vị thấy chúng sanh trong thế gian này khởi tâm động niệm tương ứng với Thập Ác, chẳng có Thập Thiện. Tương ứng với Thập Ác, đúng là đại tai nạn sẽ xảy ra! Nay chúng ta suy nghĩ: Thật sự có tai nạn hay không? Có rất nhiều người hỏi tôi, tôi nói “hãy nên biết là thật đấy”, vì sao? Chúng ta nhìn từ nhân quả, thiện nhân cảm thiện quả, ác nhân cảm thọ ác quả. Trước hết, hãy nhìn từ tướng hảo của chính mình, tướng chuyển theo tâm. Tâm địa thiện lương, tướng mạo sẽ thiện lương; tâm địa thiện lương, thân sẽ khỏe mạnh. Thầy lang Bành Hâm[9] nói rất hay: “Bất thiện, quý vị sẽ nhiễm bệnh”. Trong bản báo cáo, ông ta đã nói như thế. Bất nhân, “nhân” (仁) là thương yêu con người. Kẻ bất nhân dễ bị bệnh gan. Kẻ bất nghĩa, dễ mắc bệnh phổi, nó có cảm ứng với phổi. Vô lễ, dễ mắc bệnh tim. Vô trí là hồ đồ, thiếu trí huệ, dễ mắc bệnh thận. Bất tín, thiếu tín nhiệm, thường mong lừa gạt kẻ khác, dễ mắc bệnh tỳ vị (lá lách và bao tử). Phải làm như thế nào để thân thể khỏe mạnh? Phải thực hiện Ngũ Thường, tức là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, quý vị đều làm được. Ngũ Thường chính là Ngũ Giới trong Phật pháp. Chẳng sát sanh là nhân, không trộm cắp là nghĩa, chẳng tà dâm là lễ, chẳng uống rượu là trí, chẳng nói dối là tín; nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Quý vị có thể giữ vẹn Ngũ Giới, nội tạng sẽ chẳng sanh bệnh. Chỗ nào bị bệnh, nhất định quý vị thiếu đạo đức, Ngũ Thường là năm đức, [do thiếu đức nào] nên quý vị mới bị bệnh ấy. Bị bệnh mà quý vị hiểu đạo lý này, ta khéo tu đức, khiến cho ngũ tạng lục phủ[10] khôi phục bình thường, chẳng còn bệnh nữa! Trung Y dùng thuốc men để chữa bệnh, hiệu quả chỉ được ba phần, sửa đổi tâm tư thái độ chiếm mất bảy phần! Nếu biết thay đổi tâm tư, thái độ, lại dùng một chút thuốc men để phụ trợ, sẽ trị bệnh hết sức hữu hiệu.
      Do Phật đã chứng đắc viên mãn quả giác, tức là đã trở về tự tánh viên mãn, đem điều này giáo hóa chúng sanh, giúp đỡ chúng sanh. Đấy là “chư Phật sở hành cảnh giới”. Ở đây, câu này bảo rõ với chúng ta: Hết thảy chư Phật đều là niệm A Di Đà Phật mà thành Phật, không có ngoại lệ! Quý vị tin được không? Tôi đọc kinh Hoa Nghiêm, trong lần tham học thứ nhất của phần năm mươi ba lần tham học, tỳ-kheo Cát Tường Vân dạy Thiện Tài đồng tử hai mươi mốt pháp môn Niệm Phật, tôi đã giảng rồi, nhưng suy nghĩ vẫn chưa thấu triệt, vì sao? Lúc ấy, chưa đạt tới cảnh giới như hiện thời, nhưng tôi nói hai mươi mốt pháp môn Niệm Phật bao quát tất cả các pháp môn do thập phương tam thế hết thảy chư Phật, Bồ Tát đã nói, hễ triển khai thì môn nào cũng đều là pháp môn Niệm Phật. Cổ đại đức nói: Đúng thế, mỗi pháp môn đều là pháp môn Niệm Phật; nhưng pháp môn niệm A Di Đà Phật là pháp môn nói thẳng thừng, ổn thỏa, thích đáng, nhanh chóng, dễ dàng, thành công cao, là quả giác rốt ráo viên mãn, “duy Phật dữ Phật năng cứu tận” (chỉ có Phật với Phật mới có thể thấu hiểu tột cùng), “cứu tận” là hiểu rõ triệt để. Tánh, Tướng, Sự, Lý, nhân quả, tới khi thành Phật quý vị mới hiểu rõ. Bồ Tát chưa được, đối với chuyện này, Bồ Tát có thể liễu giải, nhưng trong kinh, đức Phật có nêu một tỷ dụ, tức là “ngắm trăng qua một lớp the”. “The” là gì? The là lượt là, rất mịn, the, sa, nhiễu, đoạn, rất mịn, trong suốt, giống như sa, nhưng trong suốt, còn mịn hơn sa nữa! Quý vị có thể nhìn thấy bên ngoài qua lớp the, ngắm trăng qua sự ngăn cách này. Bồ Tát đối với pháp này có thể lý giải [nhưng vẫn chưa hoàn toàn thấy tường tận]; cho nên nói: “Phi cửu giới tự lực” (chẳng phải do chính sức lực của chúng sanh trong chín pháp giới). Chín pháp giới đặc biệt dùng sức của chính mình, nếu được Phật gia trì, quý vị sẽ có thể tin, có thể hiểu. Chẳng có Phật lực gia trì, dựa vào sức của chính mình, chắc chắn quý vị chẳng có cách nào cả! Tại đây cũng là hé lộ một tin tức: Nay chúng ta có thể tin, có thể hiểu pháp môn này, lại còn muốn thật sự hành; quý vị phải nghĩ chính mình đã được Phật lực gia trì. Không có Phật lực gia trì, sẽ làm không được! Nay chúng ta gặp pháp môn này là có duyên với Phật, là có cảm. Chúng ta muốn học, Phật sẽ có ứng, Phật sẽ gia trì chúng ta, giúp chúng ta có tín tâm, giúp chúng ta có thể lý giải, giúp chúng ta tu hành chứng quả. Tới lúc lâm chung, Phật đến tiếp dẫn, đó chính là Chứng. Hoàn thành “tín, giải, hành, chứng” trong một đời.
      “Hựu viết” (lại nói), đây vẫn là điều được viết trong Di Đà Yếu Giải, “cử thử Thể” (toàn bộ cái Thể này), Thể là gì? Thể là pháp giới Thể, là tự tánh. Trong sách Hoàn Nguyên Quán có câu: “Tự tánh thanh tịnh viên minh thể” chính là nói về điều này. Câu nói này của quốc sư Hiền Thủ và câu “tất cả chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai” trong kinh [Hoa Nghiêm] là cùng một câu nói, có cùng một ý nghĩa. “Tự tánh, thanh tịnh, viên minh”, nói thành ba chuyện, nhưng ba chuyện này là Pháp Thân, Bát Nhã, và Giải Thoát. Minh là trí huệ, thanh tịnh là đức hạnh, viên mãn là tướng hảo. Tự tánh thanh tịnh viên minh thể. Toàn bộ Pháp Thân, Bát Nhã, Giải Thoát được bao gồm trong Tánh Đức. “Tác Di Đà thân độ” (làm thân và cõi nước của Di Đà), thân Di Đà được gọi là Pháp Thân, cõi nước Phật Di Đà ngự được gọi là Tịnh Độ. Pháp giới Thể là tự tánh, thân và cõi nước đều do Tánh Đức tự nhiên lưu lộ. Kinh Phật dạy: “Pháp nhĩ như thị” (pháp vốn là như thế). Đó là “cử thử Thể tác Di Đà danh hiệu” (dùng toàn bộ cái Thể này để làm danh hiệu Di Đà). Danh hiệu của cái Thể ấy là A Di Đà Phật. “Thị cố, Di Đà danh hiệu tức chúng sanh Bổn Giác lý tánh” (vì thế, danh hiệu Di Đà là lý tánh Bổn Giác của chúng sanh). Bổn Giác là trí huệ Bát Nhã sẵn có trong tự tánh. Lý là lý tánh, tác dụng của Lý là Sự, tác dụng của Tánh là Tướng. Tánh, Tướng, Sự, Lý sẵn có trong tự tánh của chúng sanh, chẳng phải do bên ngoài mà có! Đây là nói rõ mối quan hệ giữa danh hiệu A Di Đà Phật và hết thảy chúng sanh: A Di Đà Phật chẳng phải là ai khác, mà thật sự là chính mình, chớ nên hiểu lầm! Chính mình vốn là Phật! Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật nói [chuyện này] bao nhiêu lần. Chính mình vốn là Phật, nay niệm A Di Đà Phật tức là muốn thành Phật. Quý vị suy nghĩ coi: Có thể nào chẳng thành Phật ư? Chính mình vốn là Phật, nay lại muốn làm Phật, niệm Phật chính là muốn làm Phật, chúng ta chẳng còn hoài nghi nữa. Đây là hai đoạn trích dẫn từ sách Di Đà Yếu Giải.
      Tiếp theo đó, Hoàng lão cư sĩ nói: “Khả kiến thử kinh thật thị đại bi từ phụ Như Lai Thế Tôn xứng tánh cực đàm” (Có thể thấy kinh này thật là lời bàn luận xứng tánh đến tột bậc của đức đại bi từ phụ Như Lai Thế Tôn). Kinh này quả thật là như vậy, đại từ bi phụ là A Di Đà Phật, tức vị Phật trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Như Lai Thế Tôn là [nêu đại lược hai thứ trong] mười thứ đức hiệu của Phật. Như Lai có nghĩa là gì? Kinh Kim Cang giảng rất khéo: “Như Lai giả, chư pháp Như nghĩa” (Như Lai là nghĩa Như của các pháp). Câu này giảng khéo lắm! Hết thảy các pháp đều do tự tánh biến, hết thảy các Pháp Tướng giống như Pháp Tánh. Hoặc là chúng ta nói như thế này: Hết thảy Pháp Tướng đều là tự tánh, quý vị càng dễ hiểu hơn! Tự tánh của chúng ta ở chỗ nào? Bất luận pháp nào cũng đều là tự tánh. Do vậy, đối với người đại triệt đại ngộ trong Tông Môn, tổ sư bèn khảo nghiệm, trắc nghiệm kẻ ấy: [Tự tánh] ở đâu? Tùy tiện lấy một pháp đều là [tự tánh], pháp nào cũng đều Như, chẳng có một pháp nào chẳng Như. Phàm và thánh sai khác ở chỗ mê hay ngộ. Người ngộ rồi sẽ được gọi là Phật hay Bồ Tát; kẻ mê bất giác, chẳng biết hết thảy các pháp đều là tự tánh, cho nên gọi kẻ ấy là phàm phu. Trong pháp môn Bất Nhị, phàm và thánh chẳng hai, thật đấy. Nói thật với quý vị: “Sanh Phật bất nhị”, [nghĩa là] chúng sanh và Phật là một, không hai, đều là nói thật, nhưng quý vị chẳng thừa nhận. Quý vị chẳng dám nhận, đó là gì? Quý vị mê rồi! Khi nào quý vị giác ngộ, tự tánh vốn ở ngay đây, vấn đề gì cũng đều được giải quyết! Vì thế, kinh này là đức Thế Tôn xứng tánh cực đàm. Cực là tột cùng, nay chúng ta gọi là “đỉnh cao nhất” không có gì cao hơn được, viên mãn đến rốt ráo, không còn gì viên mãn hơn. Bộ kinh này đúng là như vậy, chẳng giả. “Chư Phật bí tạng”, chữ “bí” () này chẳng phải là bí mật, quý vị phải hiểu: Trong Phật pháp không có bí mật. Có bí mật, sẽ chẳng thể nói với người khác, trong Phật pháp không có [điều ấy]. “Bí” trong Phật pháp là nói đến sự sâu xa, kín nhiệm, Sự lẫn Lý đều quá sâu, chẳng dễ liễu giải, ẩn kín. Đây là nói thập phương tam thế hết thảy chư Phật Như Lai trong không ngằn mé thế giới, trong mười pháp giới của các thế giới chư Phật, giáo hóa chúng sanh trong lục đạo, giảng kinh, thuyết pháp, giáo hóa chúng sanh. Bốn chữ “chư Phật bí tạng” có ý nghĩa này.
     Lại nói là “hòa bàn thác xuất” (和盤托出: giãi bày trọn hết), chẳng giữ lại! Giống như chúng ta đãi khách, dọn thức ăn đầy mâm, toàn bộ dọn ra hết. Cái mâm (bàn tử: 盤子) ấy chính là bộ kinh này, trong bộ kinh này có nội dung gì? Bí tạng của thập phương tam thế hết thảy chư Phật đều ở trong đây, tuyệt diệu thay! Vì thế, cổ đại đức nói: Mọi người tán thán hai bộ kinh lớn là Hoa Nghiêm và Pháp Hoa khôn cùng, đại kinh Nhất Thừa mà! Cổ đại đức bảo [hai kinh ấy] đều nhằm dẫn đường cho kinh Vô Lượng Thọ. Nếu tôi chấp nhận cách nói này, tôi tin tưởng Tịnh Độ. Quý vị thấy thầy Lý khuyên tôi như vậy, nhưng tôi chẳng tiếp nhận. Tôi tiếp nhận Tịnh Độ là do giảng kinh Hoa Nghiêm, phải biết cũng là giảng được bảy, tám năm rồi, có một hôm, bỗng nhiên dấy lên ý niệm: Nghĩ coi Văn Thù, Phổ Hiền tu pháp môn gì? Thiện Tài đồng tử tu pháp môn gì? Giảng kinh chưa đến phần sau, lật phần sau ra. Giở phần sau ra [mới thấy] khi kinh này sắp giảng xong, hình như là trong quyển ba mươi chín, quyển bốn mươi là chấm dứt kinh. Trong quyển thứ ba mươi chín, Văn Thù Bồ Tát, trong sách Chú Giải này, cụ Hoàng cũng trích dẫn, trong phần sau sẽ nói đến, Văn Thù Bồ Tát phát nguyện vãng sanh Tịnh Độ, Phổ Hiền Bồ Tát cũng phát nguyện vãng sanh Tịnh Độ. Lại xem kỹ, năm mươi ba lần tham học của Thiện Tài đồng tử chứng tỏ, [giống như] người Hoa nói “tiên nhập vi chủ” (điều gì tiếp xúc đầu tiên sẽ là chánh yếu), Thiện Tài đồng tử tham phỏng vị [thiện hữu] thứ nhất là tỳ-kheo Cát Tường Vân, Ngài niệm A Di Đà Phật, tu Ban Châu tam-muội, chuyên tu niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ. Ngài giảng cho Thiện Tài hai mươi mốt pháp môn Niệm Phật. Tôi vừa mới nói với quý vị, hai mươi mốt môn này triển khai thành vô lượng vô biên pháp môn, chẳng có một pháp môn nào chẳng phải là pháp môn Niệm Phật, tương ứng với “chư Phật bí tạng, hòa bàn thác xuất”.
      “Thả thử niệm Phật pháp môn, diệc tức chúng sanh bổn cụ chi hóa nghi” (Hơn nữa, pháp môn Niệm Phật này cũng chính là hóa nghi sẵn có của chúng sanh). Trong phần trước, chúng tôi đã từng nói: “Hóa” () là giáo hóa, “nghi” () là nghi thức. Đây là phương thức giáo hóa, phương thức này do đâu mà có? Chúng sanh có sẵn, cho nên nó thuộc về Tánh Đức. Chúng ta mê mất, Phật, Bồ Tát lấy ra [dùng điều này để giáo hóa chúng sanh], nó là cái bản thân chúng ta vốn sẵn có. Nghi thức này giống như cách chúng ta học tập trong các trường học hiện thời, Tiểu Học, Trung Học, Đại Học, nghiên cứu sinh, chúng ta tu học cũng giống như vậy. Thời gian mê trong lục đạo quá lâu, mê quá sâu, chẳng thể quay lại ngay được, phải làm từ từ! Trước hết là buông xuống phiền não nghiêm trọng nhất, buông xuống chấp trước nghiêm trọng nhất, chẳng hề chấp trước hết thảy các pháp thế gian lẫn xuất thế gian, thưa quý vị, lục đạo sẽ chẳng còn nữa, chúng đều là giả. Trong kinh Kim Cang, đức Phật nói: “Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”, do quý vị có chấp trước, nên bèn hiện tướng này, đấy là mộng cảnh. Khi tỉnh khỏi chấp trước, tỉnh rồi, lục đạo không còn nữa, quý vị sẽ tìm không ra lục đạo! Tỉnh lại, sẽ là cảnh giới nào? Là tứ thánh pháp giới, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật, cảnh giới này xuất hiện. Cảnh giới này vẫn là một mộng cảnh; vì thế, lục đạo là “mộng trong mộng”. Tứ thánh do đâu có? Tứ thánh do phân biệt và vọng tưởng mà có. Có vọng tưởng, có phân biệt, sẽ có tứ thánh pháp giới. Trong tứ thánh pháp giới, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát là phân biệt, sau khi đoạn sạch [phân biệt] bèn thành Phật. Phật [trong tứ thánh pháp giới] chưa đoạn vọng tưởng, có khởi tâm động niệm, tức là Vô Minh phiền não chưa đoạn. Nếu đối với pháp thế gian và xuất thế gian chẳng khởi tâm, không động niệm, thật sự tỉnh, mười pháp giới sẽ không có! Do vậy, thưa với quý vị: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, “hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”, là thật, chẳng giả. Đây là sau khi tỉnh lại, bèn thoát khỏi mười pháp giới, cảnh giới ấy sẽ gọi là Nhất Chân pháp giới. “Chân” là gì? “Chân” là vĩnh hằng không thay đổi! Quý vị thấy trong thế gian này, động vật có sanh, lão, bệnh, tử, thực vật có sanh, trụ, dị, diệt, khoáng vật như núi, sông, đại địa, kể cả tinh cầu, có thành, trụ, hoại, không, biến đổi trong từng sát-na, vô thường. Người trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm của chư Phật Như Lai đều chẳng khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, cho nên thế giới ấy không biến hóa. Quý vị sanh vào thế giới ấy là hóa sanh, chẳng sanh bằng bào thai, đều là thân kim cang bất hoại, thân tướng sẽ không già yếu, sẽ không sanh bệnh, trên thân sạch sẽ, không cần phải tắm táp, rửa ráy, không cần thiết, hóa sanh mà! Cây cối, hoa cỏ vĩnh viễn như trong mùa Xuân, chẳng biến đổi, không có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông biến hóa. Do vậy, gọi là Nhất Chân.
      Tu gì trong cảnh giới ấy? Phải đoạn trừ tập khí vô thỉ vô minh. Đoạn tập khí bằng cách nào? Không có cách nào hết! Không để ý tới nữa, nó sẽ đoạn, tự nhiên đoạn. Cổ nhân dùng tỷ dụ bình rượu để nói về tập khí, phương pháp này rất hay! Bình rượu chứa rượu, đổ sạch sành sanh rượu, chùi sạch bong, quả thật là một giọt cũng chẳng còn, nhưng vẫn ngửi thấy mùi, đó là “tập khí”, không có cách nào diệt trừ! Không thể làm gì khác hơn là mở toang nắp bình, bỏ ở đó, để một năm hay nửa năm, ngửi thử sẽ không thấy mùi nữa! Do vậy, sự tu hành của người ấy trong cõi ấy được gọi là “vô công dụng đạo”, căn bản là không màng tới, mặc cho nó biến mất. Nhưng ở trong ấy, Pháp Thân Bồ Tát thần thông quảng đại, chúng sanh trong mười phương thế giới có cảm, Ngài lập tức có ứng, sẽ làm những chuyện ấy. Có cảm bèn có ứng, cảm ứng hết sức rất nhanh. Đấy là như sách Hoàn Nguyên Quán đã nói, một niệm vừa động, bèn trọn khắp pháp giới, bất luận quý vị động niệm nào! Vì thế, sau khi đọc bộ luận này, chính mình phải hiểu: Chúng ta khởi tâm động niệm, dấy lên thiện niệm, những người tâm địa thanh tịnh trọn khắp pháp giới hư không giới đều thu được, đều nhận được tin tức ấy. Giống như chúng ta đang ở trên màn hình TV, toàn bộ hoạt động của quý vị họ thấy hết. Quý vị có thể gạt gẫm được người nào hay chăng? Quý vị khởi lên ác niệm, họ cũng biết hết, chẳng thể giấu diếm mảy may nào! Đừng tưởng người ta không biết, biết toàn bộ! Quý vị chỉ có thể giấu diếm chúng sanh mê hoặc, điên đảo, họ không biết; chứ không gạt được người giác ngộ! Đây là chân tướng sự thật. Một niệm trọn khắp pháp giới, một niệm sanh ra vô tận, đó tức là nói: Nó biến huyễn vô cùng, chứa đựng cả Không lẫn Có. Trong giáo pháp Đại Thừa thường nói: “Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới” (tâm bao trùm hư không, lượng trọn khắp các cõi nhiều như cát), thật đấy! Một niệm là như vậy, một hạt vi trần cũng là như vậy, bất luận là hiện tượng vật chất hay tinh thần, toàn bộ đều là như vậy. Hơn nữa, vật chất và tinh thần là một, không hai. Nếu quý vị đã học ba tế tướng của A Lại Da Thức, quý vị sẽ biết. Trong Đại Thừa Phật giáo dùng ba tế tướng của A Lại Da Thức để giải thích duyên khởi của vũ trụ, vũ trụ do đâu mà có? Vạn vật do đâu mà có? Sanh mạng do đâu mà có? Ta từ đâu đến? Giải thích hết sức rõ ràng. Vì sao có thể hiểu rõ như thế? Đó là cảnh giới do chính những người đó giác ngộ, chứng đắc, chẳng phải do nghiên cứu, quan sát, suy đoán như trong khoa học, chẳng phải, mà do họ đích thân thấy. Họ trở về tự tánh, thật sự hiểu rõ toàn bộ Tánh, Tướng, Sự, Lý, nhân quả trong tự tánh.
      Vì sao địa cầu ngày nay biến thành tình trạng như vậy? Vì sao nhiệt độ địa cầu tăng lên? Vì sao băng ở Nam Cực và Bắc Cực tan chảy? Vì sao các nơi bị động đất nhiều như thế? Kinh Phật giảng rõ ràng! Mà cũng có [biện pháp] để giải quyết vấn đề này ra sao, chỉ cần quý vị tin tưởng, địa cầu sẽ có thể lập tức khôi phục bình thường. Không chỉ hữu dụng đối với địa cầu, ngay cả các tinh cầu, tinh hệ trong vũ trụ cũng sẽ vận hành theo đúng quỹ đạo bình thường, chẳng đến nỗi rối loạn, chúng ta đều có thể làm được, chứ các khoa học gia chẳng có cách nào. Vì sao có thể làm được? Vì hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng, Thái Dương Hệ sanh từ tâm tưởng, Ngân Hà Hệ sanh từ tâm tưởng, chỉ cần quý vị chẳng có quan niệm sai lầm, chúng bèn bình thường. Nếu quý vị muốn thay đổi chúng, chúng sẽ biến thành dị thường. Các nhà khoa học làm chuyện dị thường, muốn nhân định thắng thiên, muốn sửa đổi hoàn cảnh thiên nhiên, vấn đề sẽ nẩy sanh. Vì sao có những hiện tượng này? Vì chúng từ tâm tưởng của quý vị sanh ra. Hiện thời, quý vị có tâm tưởng chẳng bình thường, chúng liền biến thành bất thường, chuyện là như vậy đó! Vì sao trước kia bình thường như vậy? Không ai nghĩ đến chuyện thay đổi hoàn cảnh tự nhiên, không ai có ý niệm này, cho nên địa cầu rất bình thường. Hiện tại, các khoa học gia mỗi ngày động niệm, phá hoại môi trường sống và hoàn cảnh tự nhiên, phiền phức dấy lên. Sau khi vấn đề nẩy sanh, bèn bó tay, không có cách nào, đáng thương quá!
       Sách Hoàn Nguyên Quán đúng là tuyệt diệu! Thầy Hồ Tiểu Lâm xem từ đầu đến cuối ba lần, gọi điện thoại cho tôi biết, hoan hỷ khôn sánh. Khi xem, thầy quên cả ăn cơm, uống nước, đi vệ sinh, hễ xem là xem mười mấy tiếng. Ông ta gọi điện thoại, hỏi tôi: “Có phải là con đang mê hay không? Có vấn đề gì hay không?” Tôi bảo ông ta: “Ông chẳng có vấn đề gì, bình thường! Pháp hỷ sung mãn đấy mà! Quên ăn cơm, lại chẳng cảm thấy đói, Thiền duyệt làm thức ăn. Tuy ông chưa chứng đắc cảnh giới này, ông đã có chút mon men hưởng thụ”. Lần này [ông ta] sang đây, vốn định báo cáo chuyện này, sau khi đã tới đây, vẫn cảm thấy chưa đủ, vẫn phải thâm nhập một tầng nữa rồi mới báo cáo, tôi nói “được!” Bài luận văn này của quốc sư Hiền Thủ chẳng dài, nhưng thật là phi phàm. Toàn bộ những lý luận và phương pháp tu hành trong kinh Hoa Nghiêm đều được viết ra trong bài văn ngắn ngủi này! Chúng ta học Hoa Nghiêm mười năm, dùng hơn bốn ngàn giờ, mà phần sau [của kinh Hoa Nghiêm chưa được giảng] còn rất dài, do vậy, đem bài luận văn này của quốc sư Hiền Thủ ghép vào học tập giữa chừng, học tập hai lượt. Sau đấy, học tiếp kinh Hoa Nghiêm sẽ có ý vị khác hẳn, cảnh giới khác hẳn. Nay chúng ta coi lại kinh Vô Lượng Thọ, sẽ lại khác hẳn! Lẽ nào ông ta chẳng vui mừng! Pháp hỷ sung mãn, thường sanh tâm vui vẻ. Do vậy, đây là hóa nghi sẵn có trong tự tánh của chúng sanh.
      “Thử nhất cú Phật hiệu, chánh như Yếu Giải sở thị, ký thị chúng sanh Bổn Giác Lý tánh, cố tri thử giới nhĩ năng niệm chi tâm tức thị Như Lai quả giác” (Một câu Phật hiệu này, đúng như sách Yếu Giải đã chỉ ra, đã là Lý tánh Bổn Giác của chúng sanh, cho nên biết cái tâm niệm Phật nhỏ nhoi này chính là quả giác của Như Lai). Chúng ta phải chú tâm thấu hiểu: Câu Phật hiệu ấy là sáu chữ hồng danh “Nam-mô A Di Đà Phật” như trong sách Yếu Giải của Ngẫu Ích đại sư đã giảng, nó chính là Lý tánh Bổn Giác của chúng sanh, Lý tánh là tự tánh. Nhằm dạy học thuận tiện, đức Phật lập ra sáu chữ để đại diện cho muôn sự muôn vật trong vũ trụ. Tánh Tướng: Tánh có thể sanh, có thể hiện; Tướng là cái được sanh, cái được hiện. Đây là tầng cao nhất, tức duyên khởi của vũ trụ. Tầng thứ hai là Lý, Sự; Lý Sự là A Lại Da Thức, Lý là chủ thể có thể biến, Sự là cái được biến (sở biến), y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới là cái được biến. Trong “cái có thể biến” (năng biến) có nhân và quả; trong sở biến cũng có nhân và quả. Quý vị thấy: Dùng sáu chữ “Tánh, Tướng, Lý, Sự, nhân, quả” bao quát trọn hết toàn bộ. Ở đây, quan trọng nhất là phải biết: Tự tánh có thể sanh, có thể hiện, nhưng chẳng biến. Cõi Thật Báo Trang Nghiêm của chư Phật Như Lai là cảnh giới này. Do vậy, nó được gọi là Nhất Chân pháp giới. Đến tầng Lý Sự, Năng Biến biến thành A Lại Da Thức, hiện tướng vô lượng vô biên ở trong ấy, chẳng phải là bất biến, mà là biến hóa khôn lường, biến đổi trong từng sát-na. Khi chúng ta học những điều này, cũng không có cách nào để diễn tả, nói không được! Do vậy, tôi đã nghĩ tới thuở nhỏ, chơi ống kính vạn hoa, đơn giản như vậy đó. Quý vị thấy kết cấu của ống kính vạn hoa là ba mảnh gương, ở giữa bỏ mấy mảnh giấy màu khác nhau. Quý vị xoay nó, sẽ thấy những thứ biến hóa bên trong. Quý vị xoay cách nào cũng chẳng tìm được một mô thức (pattern) giống nhau. Có cùng một đạo lý như vậy, A Lại Da Thức khởi tác dụng, biến thành y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới giống như ống kính vạn hoa, kính vạn hoa chuyển động không ngừng. Niệm này khởi lên, niệm kia diệt mất, tiền niệm diệt, hậu niệm khởi. Vì thế, chúng ta thấy tướng được hiện là hiện tượng gì? Là một thứ gần như là tướng liên tục, chẳng phải là hai tướng giống nhau, chẳng có! Về căn bản, chẳng giống hệt nhau mà là tương tự.
      Giống như chúng ta coi phim, dùng dụng cụ sau đây: Cuộn phim, tức là phim điện ảnh. Quý vị thấy phim bỏ vào máy chiếu phim, một giây chiếu được hai mươi bốn tấm, ống kính đóng hay mở, tức là đối với tấm phim dùng để rọi, hễ ống kính mở, tấm phim ấy bèn được chiếu lên màn bạc, [ống kính] đóng lại, đổi sang tấm kế tiếp. Tốc độ quá nhanh, trong một giây là hai mươi bốn tấm, chúng ta thấy dường như hình ảnh cử động trên màn bạc; thật ra, chúng bất động, đâu có động! Từng tấm khác nhau. Do vậy, quý vị biết, sau khi lật ngửa con bài, [mới biết] thế giới này là tướng liên tục tương tự. Quý vị thấy: Trong điện ảnh, hai mươi bốn tấm phim [trong một giây] đã gạt được mắt ta, chúng ta ngỡ là thật. Đức Phật nói hiện thời [sự tướng biến hóa trong thế gian] theo tốc độ nào? Trong một giây là một ngàn hai trăm tám mươi triệu tấm, tốc độ chuyển động như vậy, làm sao chúng ta biết nổi? Hai mươi bốn tấm đã gạt chúng ta được rồi! Nay tôi cho quý vị biết, trong một giây có bao nhiêu tấm? Một ngàn hai trăm tám mươi triệu! Nói với chúng ta chân tướng sự thật này. Vì thế, có những thứ ấy tồn tại hay không? Không có, vạn pháp đều là Không.
      Chúng ta thường nói nhân quả chẳng không, “nhân quả chẳng không” là so với gì để nói? So với tương tục mà nói, nói đối với tướng tương tự liên tục, trong ấy có nhân quả, bảo quý vị phải dè chừng, cẩn thận. Lên cao hơn nữa thì sao? Lên cao hơn nữa thì nhân quả cũng không. Tới Thường Tịch Quang, nhân quả chẳng có, hoàn toàn trở về tự tánh, nhân quả do đâu mà còn nữa? Trong Thường Tịch Quang, ngay cả hiện tượng vật chất lẫn hiện tượng tinh thần đều không có, nhưng có kiến văn giác tri, bởi lẽ, kiến văn giác tri là Tánh Đức. Biến thành A Lại Da Thức là khi nhất niệm vọng động, bèn biến thành A Lại Da Thức, kiến văn giác tri trong A Lại Da biến thành Thọ, Tưởng, Hành, Thức; khi mê sẽ là Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Giống như tiến sĩ Giang Bổn Thắng dùng nước làm thí nghiệm. Nước có thể thấy, nghe, đó là Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Cội nguồn của Thọ, Tưởng, Hành, Thức là gì? Cội nguồn là kiến văn giác tri. Kiến văn giác tri trong tự tánh là trí huệ và đức năng sẵn có trong tự tánh. Đức Phật nói rõ ràng như thế, nói minh bạch như thế, các nhà khoa học chẳng nói đến.
      Chánh báo như tóc, lông của chúng ta, y báo như vi trần, đều là tướng được hiện. Chúng ta thường nói “sanh diệt trong từng sát-na”, thật sự quý vị không có cách nào hiểu được khái niệm này, hiểu lời Di Lặc Bồ Tát nói: “Trong một cái khảy ngón tay có ba mươi hai ức trăm ngàn niệm”, từ đây chúng ta mới có khái niệm. Bất luận là đầu lông hay vi trần, đều thuộc về vật chất, trong hiện tượng vật chất có kiến văn giác tri. Nay chúng ta đã mê, nói cách khác, có Thọ, Tưởng, Hành, Thức, trong một đầu lông đều có, hết thảy các sợi lông, hết thảy các vi trần thảy đều có. Trong Phật pháp nói vi trần, các nhà khoa học hiện thời dùng danh từ “nguyên tử, điện tử, hạt căn bản, khoa-khắc (quark)”, đều gọi là “vi trần”, là hiện tượng vật chất, có tinh thần hay không? Có! Có Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Trong hạt cơ bản có Thọ, Tưởng, Hành, Thức, nó biến hóa, nghe theo ai chỉ huy? Ai đang biến hóa nó? Ý niệm. Chúng ta khởi tâm động niệm, nó bèn thuận theo ý niệm của chúng ta mà biến hóa. Ý niệm của chúng ta là thiện, sẽ chẳng có thứ gì bất thiện; ý niệm của chúng ta là bất thiện, sẽ chẳng có gì là thiện.
      Nếu chúng ta đều là thiện niệm, cho nên đức Phật mong chúng ta, mong các đệ tử Phật nêu gương tốt cho hết thảy chúng sanh, thực hiện từ nơi đâu? Thực hiện từ Lục Hòa Kính. Vì thế, đoàn thể trong Phật môn được gọi là Tăng đoàn. Quý vị thấy khi chúng tôi thuyết Tam Quy Y: “Quy y Tăng, chúng trung tôn”, “Chúng” là đoàn thể. Trong Phật pháp, Chúng là nói từ bốn người trở lên, ở cùng một chỗ chung sống, tu hành chung với nhau, một đoàn thể như vậy tu Lục Hòa Kính. “Kiến hòa đồng giải”: Cách nhìn, cách nghĩ của ta và cách nhìn của mọi người như nhau, gọi là kiến hòa đồng giải. “Giới hòa đồng tu”, mọi người ở cùng một chỗ tuân thủ quy củ. Chẳng tuân thủ quy củ sẽ loạn. Giới luật là quy củ. Sau đấy là “thân đồng trụ, khẩu vô tránh, ý đồng duyệt” (thân cùng ở, miệng chẳng tranh cãi, cùng vui vẻ chia sẻ ý kiến), đó là vui vẻ ở cùng một chỗ. “Lợi đồng quân”: Đây là nói bình đẳng hưởng thụ hết thảy các thứ cúng dường, không có đặc quyền. Đấy là Lục Hòa Kính. Thuở Thích Ca Mâu Ni Phật tại thế, mọi người khất thực, tôi đi khất thực, khất thực được cúng dường kha khá, cơm và thức ăn ngon lành, người kia khất thực, nhà người ta nghèo khổ, cúng thí khác hẳn. Ngày hôm nay chúng ta được món lợi này thì làm sao? Chẳng phải là xin xong bèn ăn ngay, không thể! Khất thực xong, quay về, trở về Tăng đoàn, đem cơm xin được trộn lẫn với nhau, rồi lại phân chia, ăn theo cách như vậy, cho nên nói “nhất bát thiên gia phạn” (một bát, cơm ngàn nhà). Đúng vậy, chẳng giả! Tăng đoàn một ngàn hai trăm năm mươi lăm người, ra bên ngoài khất thực, chẳng phải là cơm ngàn nhà hay sao? Trộn lẫn lại để ăn, quý vị thấy đó: Lợi hòa đồng quân (chia sẻ lợi lạc bình đẳng). Quý vị ra ngoài khất thực, khất thực chẳng được, không sao cả! Biết về nhà sẽ được ăn, được mọi người chia phần, lợi hòa đồng quân.
      Trong đây, quan trọng nhất là kiến hòa đồng giải, chúng ta làm sao để có thể có cách nghĩ và cách nhìn chung? Khi chúng ta mê, bất giác, chưa đại triệt đại ngộ, chúng ta phải nương theo Phật, nương tựa thầy, nương theo kinh giáo của thầy. Lấy những thứ ấy làm căn cứ cho tư tưởng, kiến giải, tương ứng với kinh giáo là chánh tri chánh kiến. Trái phạm kinh giáo là tà tri tà kiến. Chúng ta phải chuyển tà thành chánh. Chánh - tà có rất nhiều tiêu chuẩn, mỗi kinh điển khác nhau; vì vậy, các tông, các phái đều khác nhau, nhưng là đại đồng tiểu dị, đều là chánh tri chánh kiến. Thậm chí nay chúng ta mở rộng tầm mắt, thấy trên thế giới này có nhiều tôn giáo khác nhau, chỉ cần chính phủ công nhận tôn giáo ấy là tôn giáo chính đáng, chúng ta cũng tôn trọng và thừa nhận kiến giải của họ cũng là chánh tri chánh kiến. Như vậy thì chúng ta mới có thể chung sống hòa thuận, mới có thể đối đãi bình đẳng, mới mang lại hòa bình, yên ổn cho thế giới. Đó là trong nhân gian và trong lục đạo. Nếu là trong hàng Thanh Văn, Duyên Giác, và Bồ Tát, cảnh giới ấy được nâng cao hơn, tiêu chuẩn khác hẳn. Đến địa vị Bồ Tát, tiêu chuẩn là tự tánh: Tương ứng với Tánh Đức thì là chánh tri chánh kiến; trái nghịch Tánh Đức của tự tánh sẽ là tà tri tà kiến, khác hẳn [nhân gian và lục đạo]. Do vậy, tiêu chuẩn rốt ráo, tiêu chuẩn tuyệt đối là tự tánh; khi quý vị minh tâm kiến tánh, quý vị sẽ chứng đắc.
      Khi chưa chứng đắc, quý vị học tập những người đã chứng đắc, người chứng đắc cho chúng ta biết: Đó là Tánh Đức. Đó là gì? Thưa quý vị, Thập Thiện Nghiệp Đạo là Tánh Đức, Tam Quy Ngũ Giới là Tánh Đức, Thái Thượng Cảm Ứng Thiên của Đạo gia là Tánh Đức, Âm Chất Văn của Văn Xương Đế Quân cũng là Tánh Đức, Đệ Tử Quy của Nho gia cũng là Tánh Đức, giảng ngũ luân, ngũ thường, tứ duy bát đức[11] là Tánh Đức, là chứng đắc của chư Phật, Bồ Tát. Chúng ta chưa chứng đắc, phải nương theo giáo huấn của các Ngài để hành, tùy thuận Tánh Đức, kiến lập chánh tri chánh kiến và kiến hòa đồng giải. Tu Lục Hòa Kính như thế nào? Thực hiện ba thứ căn bản của Nho, Thích, Đạo là thật sự tu Lục Hòa Kính, Lục Hòa Kính sẽ được thực hiện! Thật sự làm! Bắt đầu làm từ đâu? Làm từ chính mình, đừng đòi hỏi người khác, quý vị sẽ là đệ tử thật sự của đức Phật. Chỉ đòi hỏi chính mình, đừng đòi hỏi ai khác, kiến lập hòa hợp tăng đoàn như thế đó! Tuyệt đối chớ nên đem ni tấc của chính mình xét đoán người khác, đến mọi nơi phê bình người ta. [Làm như vậy] quý vị sẽ phạm lỗi to lớn quá đỗi! Phải hiểu đạo lý này! Chính quý vị làm được thì sẽ thành tựu. Quý vị thành tựu, chắc chắn sẽ cảm hóa người khác. Một người chịu làm, có thể cảm hóa cả nhà; một nhà đều làm, chắc chắn cảm hóa xóm giềng, cảm hóa thân thích, bằng hữu. Vì thế, sách Đệ Tử Quy có nói: “Thế phục nhân” (dùng uy thế khuất phục người khác), chưa chắc người ta đã tiếp nhận, “Lý phục nhân” (dùng lý khuất phục người khác), người ta tự nhiên bị cảm hóa. Phải làm từ chính bản thân mình mới là đúng.
      Đã là Lý tánh trong Bổn Giác của chúng sanh thì là chính mình, chính mình là chúng sanh. Hai chữ “chúng sanh” có nghĩa là các duyên hòa hợp sanh ra hiện tượng thì gọi là chúng sanh. Con người chúng ta, thân thể này do các duyên hòa hợp; cái thân vật chất là Tứ Đại, đất, nước, lửa, gió, Tứ Đại, Tứ Đại là gì? Nói theo danh từ khoa học hiện thời, Tứ Đại là nguyên tử hay điện tử. Các nhà khoa học cho biết: Một nguyên tử, một điện tử, hoặc một hạt cơ bản đều có bốn đặc tánh. Thứ nhất là vật chất, nhìn bằng kính hiển vi cao cấp, quý vị có thể thấy được, nó là vật thể quá nhỏ, quý vị chẳng thể đụng tới, nhưng có thể thấy nó. Nhà Phật gọi tánh chất này là Địa Đại, Địa tượng trưng cho vật chất. Một vật thể bé như thế có mang điện tích, chứa âm điện hay dương điện. Dương điện được gọi là Hỏa Đại, âm điện là Thủy Đại. Nó có độ ẩm và nhiệt độ, độ ẩm là Thủy Đại, nhiệt độ là Hỏa Đại. Nó chuyển động, chứ không tĩnh lặng, [chuyển động với] tốc độ rất nhanh, sự chuyển động ấy gọi là Phong, dùng Phong để tượng trưng, nên gọi là Phong Đại. “Địa, thủy, hỏa, phong” là nói về vật chất cơ bản hay hạt căn bản. Di Lặc Bồ Tát dạy chúng ta: “Niệm niệm thành hình”, thì “hình” là Tứ Đại, chúng có bốn hiện tượng này. “Hình giai hữu thức” (hình đều có thức), câu này quan trọng. Thức là gì? Thức là Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Chỉ cần là vật chất, chắc chắn có Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Nước là vật chất, tiến sĩ Giang Bổn Thắng đã làm thí nghiệm với nước, chứng minh vật chất có Thọ, Tưởng, Hành, Thức.
      Tôi bốn lần sang Nhật Bản tham dự hội nghị quốc tế, có hai lần đi phỏng vấn, tôi sang Nhật Bản sáu lần. Trong sáu lần này, tôi đã hai lần tới thăm phòng thí nghiệm của tiến sĩ Giang Bổn Thắng, tôi tới thăm, ông ta đã giảng giải cặn kẽ. Ông ta làm thí nghiệm mấy chục vạn lần, chứng minh nước thật sự có kiến văn giác tri. Tôi bảo ông ta: “Vẫn chẳng phải chỉ có hiện tượng này, nay quý vị đã thấy nó có Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Đối với những thí nghiệm này, nước bộc lộ sắc tướng cho quý vị thấy, nhưng trong kinh Phật nói Sắc, Thanh, Hương, Vị, có bốn loại hiện tượng, quý vị chỉ mới thấy Sắc, vẫn chưa phát hiện Thanh, Hương, Vị”. Tôi nói: “Quý vị phải tiếp tục nỗ lực, tôi mong quý vị dùng phương pháp khoa học, nước có âm thanh, có hương, vị, quý vị có thể làm thí nghiệm để xem xét, công đức vô lượng. Đấy là như kinh Phật đã nói: Bất luận vật chất gì cũng đều có Thọ, Tưởng, Hành, Thức, đều có Sắc, Thanh, Hương, Vị. Hãy dùng một phương pháp trắc nghiệm khác, chẳng dùng nước nữa”. Quý vị thấy hôm qua, mấy người bọn họ báo cáo ở nơi đây: Họ dùng cơm, lấy ba chén cơm. Một nồi cơm nấu xong, xới ra ba chén, để hai mươi ngày. Một chén thì mỗi ngày tán thán, ca ngợi nó. Chén khác, chán ghét, oán hận nó. Còn một chén nữa, về căn bản là mặc kệ, không màng tới. Hai mươi ngày sau, chén được tán thán mỗi ngày, cơm biến thành màu vàng, có mùi thơm, chén bị oán hận trở nên hết sức khó ngửi, biến thành đen thui; chén không được để ý cũng bị hư, nó thật sự hiểu được ý nghĩ của con người. Đó là gì? Đó là thị hiện có Sắc, Hương, Vị, còn âm thanh chưa có cách để làm thí nghiệm. Đối với lời đức Phật dạy, hoàn toàn làm thí nghiệm [sẽ thấy] hết thảy vật chất đều có Sắc, Thanh, Hương, Vị, đều có bốn hiện tượng này xuất hiện. Phật pháp kỳ diệu khiến cho các nhà khoa học phải gắng công chứng thực.
      Vì thế, ý niệm của chúng ta có mối quan hệ với tướng mạo. Muốn đẹp đẽ, ngàn muôn phần đừng tới thẩm mỹ viện. Theo như họ đã tường trình trong ngày hôm qua, thẩm mỹ viện khổ lắm! Tốn cả đống tiền để đày đọa bản thân, chịu bao nhiêu đày đọa, gần như mất mạng, lầm lạc quá! Chỉ cần quý vị có tâm tốt, tướng mạo sẽ đẹp đẽ, tướng chuyển theo tâm. Vì sao quý vị không tin chuyện này? Tâm tốt, tướng sẽ tốt đẹp; tâm tánh tốt, thân sẽ khỏe khoắn, thân lẫn tâm khỏe mạnh. Đừng bị kẻ khác lừa gạt! Phật, Bồ Tát chẳng lừa ai, luôn nói lời chân thật, mà quý vị chẳng nghe! Quý vị nghe lời chuyên viên thẩm mỹ, chẳng phải là tự chuốc khổ đó sao? Chúng ta muốn thân lẫn tâm khỏe mạnh, phải tin vào chính mình, tâm niệm phải lành, tư tưởng phải lành. Trong kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, đức Phật bảo long vương: “Bồ Tát hữu nhất pháp, năng ly nhất thiết thế gian khổ” (Bồ Tát có một pháp có thể lìa hết thảy nỗi khổ trong thế gian), pháp gì vậy? Là thiện pháp, tức là Thập Thiện nghiệp đạo. Tư tưởng của quý vị tương ứng với Thập Thiện nghiệp, kiến giải của quý vị tương ứng với Thập Thiện nghiệp, ngôn ngữ, hành vi của quý vị tương ứng với Thập Thiện nghiệp, chẳng có điều gì bất thiện, thân và tâm khỏe mạnh, hạnh phúc mỹ mãn sẽ thật sự đạt được! Do vậy, đừng nên cầu bên ngoài.
      Tiếp theo đó, sách viết: “Cố tri thử giới nhĩ năng niệm chi tâm tức thị Như Lai quả giác” (cho nên biết cái tâm năng niệm nhỏ nhoi chính là quả giác của Như Lai). Như Lai quả giác là tự tánh, quả giác nơi tự tánh. Chữ “giới nhĩ” thường thấy trong kinh Phật, nhằm hình dung một niệm vô cùng vi tế. Nói thật ra, vi tế đến cùng cực là như Di Lặc Bồ Tát đã nói: “Trong một cái khảy ngón tay, có ba mươi hai ức trăm ngàn niệm”, đó là “giới nhĩ”, tức một niệm tâm, chúng ta không có cách nào phát hiện điều này. Nay chúng ta chỉ nhận biết một cái khảy ngón tay là một phần tư giây. Chúng ta có thể cảm nhận được, đó là nhất niệm của bọn phàm phu chúng ta; còn một niệm tâm ở đây thuộc về quả giác của Như Lai, là Tánh Đức, là tự tánh giác. Hôm nay đã hết thời gian rồi, chúng ta học tới chỗ này. Cảm ơn mọi người!
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
phần 2 hết




[1] Đây là cách phân chia các kinh trong Đại Tạng theo hệ thống tư tưởng, chẳng hạn như Niết Bàn bộ, Hoa Nghiêm bộ, Phương Đẳng bộ v.v... Bát Nhã bộ bao gồm toàn bộ các kinh đặc biệt giảng giải giáo nghĩa Bát Nhã như kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật, Kim Cang, Nhân Vương Hộ Quốc, Phóng Quang Bát Nhã, Lý Thú Bát Nhã, Đạo Hành Bát Nhã, Đại Minh Độ, Thắng Thiên Vương Bát Nhã v.v... Bộ Đại Bát Nhã Kinh sáu trăm quyển do ngài Huyền Trang dịch bao gồm toàn bộ các bản kinh Bát Nhã đã được dịch trước đó.
[2] Nhà Tào Ngụy (220-266) do Tào Phi (con trai Tào Tháo) sáng lập. Năm 220, Tào Phi bắt Hán Hiến Đế (Lưu Hiệp) nhường ngôi, xưng đế, lập ra nhà Ngụy. Lãnh thổ nước Ngụy bao gồm phần lớn phía Bắc sông Trường Giang, kinh đô là Lạc Dương. Do Tào Tháo được nhà Hán phong thái ấp thuộc vùng lãnh thổ nước Ngụy thời Chiến Quốc, nên có hiệu là Ngụy Công; vì thế, Tào Phi mới xưng quốc hiệu là Ngụy. Tuy Tào Tháo chưa bao giờ xưng đế, Tào Phi đã truy tặng cha mình là Ngụy Thái Tổ Vũ Đế, cũng như tôn xưng ông cố và ông nội là Cao Hoàng Đế và Thái Hoàng Đế, còn tự mình xưng là Văn Hoàng Đế, truyền được năm đời. Về sau, Tư Mã Viêm soán ngôi của Ngụy Nguyên Hoàng Đế (Tào Hoán), lập ra nhà Tấn.
Nhà Ngô (222-280) còn gọi là Đông Ngô hoặc Tôn Ngô, do Tôn Quyền (Ngô Thái Tổ) sáng lập, truyền được bốn đời, đóng đô tại Kiến Nghiệp (Nam Kinh). Đến đời Tôn Hạo, Tấn Vũ Đế (Tư Mã Viêm) diệt Đông Ngô, Tôn Hạo bị giải về Lạc Dương. Do Tôn Hạo quá nhu nhược, hèn nhát, ngây ngô, nên Tấn Vũ Đế tha không giết, phong cho một tước hữu danh vô thực là Quy Mạng Hầu.
[3] Do Đông Ngô và Tào Ngụy tồn tại song hành, nên nói là ngài Khang Tăng Khải sống vào đời Ngô cũng được.
[4] Đây là một vinh dự. Người Hoa in sách thường nhờ một người viết chữ đẹp mà mình tôn trọng, quý mến nhất, dùng bút lông viết tên sách, chụp lại, in làm bìa. Cụ Hoàng Niệm Tổ cũng là một tay thư pháp lỗi lạc vùng Hoa Bắc, nhưng không tự đề tên sách, mà nhờ hòa thượng Tịnh Không viết tựa sách nhằm tỏ lòng kính mến sâu đậm.
[5] Chữ “gia giáo” ở đây bao gồm giáo dục trong gia đình lẫn sự giáo dục truyền thống do cộng đồng, địa phương duy trì. Có thể hiểu “gia giáo” là lối giáo dục theo truyền thống cổ, chưa học theo phương Tây.
[6] Đồng Thành phái là một trường phái chuyên viết văn xuôi đời Thanh do Phương Bao khởi xướng; cùng với Phương Bao, Lưu Đại Khôi và Diêu Nãi được gọi là Đồng Thành Tam Tổ, tức ba người hoàn thành lý luận và tông chỉ của học phái này. Do cả ba người này đều quê ở huyện Đồng Thành, tỉnh An Huy, nên trường phái này được gọi là Đồng Thành Phái. Họ chủ trương nghiên cứu những tác phẩm như Tả Truyện, Sử Ký để tìm ra ý nghĩa chân chính hòng tu thân lập đức. Năm Khang Hy 50, vì đã viết lời tựa cho bộ Nam Sơn Tập của Đới Danh Thế, Phương Bao bị liên lụy, phải hạ ngục. Về sau, được Lý Quang Địa phát hiện, tiến cử lên Khang Hy. Vua Khang Hy hết sức ngưỡng mộ, biết ông Phương không thích làm quan, bèn mời Phương Bao dùng thân phận áo vải để làm bạn văn chương của hoàng đế, thật ra là cố vấn riêng cho nhà vua tại Nam Thư Phòng. Ông trở thành “trí nang” (cái túi kiến thức) của ba đời vua Khang Hy, Ung Chánh và Càn Long. Dưới thời Ung Chánh, nghe theo lời nhà vua thuyết phục, ông đã chấp nhận giữ chức Tả Trung Doãn của Tả Xuân Phường Chiêm Sự Phủ, thăng Nội Các Học Sĩ, rồi Lễ Bộ Thị Lang, làm tổng biên tập bộ Đại Thanh Nhất Thống Chí cũng như làm phó tổng biên tập bộ Tam Lễ Thư thời Càn Long.
[7] Ấn Quang đại sư viên tịch năm Dân Quốc 29 (1940).
[8] Theo quy chế tùng lâm, tăng chúng phải tham dự năm thời khóa tụng niệm, ba thời khóa trên Phật đường, hai thời khóa trong trai đường, nên gọi là “ngũ đường công khóa”, tức tảo khóa (khóa tụng kinh sáng), tảo xan quá đường (tụng niệm khi ăn cơm sáng), cúng Ngọ, ngọ xan quá đường (tụng niệm khi ăn cơm trưa), và vãn khóa (khóa tụng kinh tối). Trừ các pháp sư chuyên giảng kinh pháp, các pháp sư khác phải thuộc nghi thức và biết sử dụng pháp khí để thay phiên nhau dẫn chúng trong các khóa tụng niệm này.
[9] Bành Hâm là Trung y sĩ (thầy thuốc Bắc) là chuyên viên nghiên cứu tại Sở Nghiên Cứu Lý luận trực thuộc Trung Quốc Trung Y Đại Học Viện, tốt nghiệp từ Bắc Kinh Trung Y Dược Đại Học, chuyên nghiên cứu châm cứu, và các lý luận ứng dụng chữa trị, chẩn đoán và phòng bệnh trong Đông Y, chủ trương đường lối dưỡng sinh bằng tu đức.
[10] Ngũ tạng lục phủ là danh từ phiếm chỉ tất cả cơ quan nội tạng trong thân thể con người. Tâm, can, tỳ, phế, thận (tim, gan, lá lách, phổi, thận) là Ngũ Tạng. Tiểu Trường, Đảm, Vị, Đại Trường, Bàng Quang (ruột non, mật, bao tử, ruột già, bàng quang) kèm thêm Tam Tiêu thành Lục Phủ. Tam Tiêu là khoảng trống giữa ngực và bụng được chia thành ba phần gọi là Thượng Tiêu, Trung Tiêu và Hạ Tiêu.
[11] Ngũ luân là năm mối quan hệ chính yếu: Vua tôi, cha con, anh em, vợ chồng, bè bạn. Ngũ thường là nhân, lễ, nghĩa, trí tín. Tứ duy là lễ, nghĩa, liêm, sỉ. Bát đức là trung, hiếu, nhân, ái, tín, nghĩa, hòa, bình. 

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites