Pages

21 December 2015

BÀN VỀ GIÁO DỤC PHẬT GIÁO


http://cayhoacanh.com/wp-content/uploads/2015/04/tudacdao-Phat-caybode.jpgGiả sử bạn trúng một mũi tên tẩm độc, một y sỹ đến nhổ mũi tên ra khỏi thân thể bạn để trị liệu vết thương, trước tiên bạn có hỏi ông ta những vấn đề như mũi tên được làm bằng thứ gì, thuốc độc được chế bằng thứ gì, ai bắn mũi tên đó, và nếu y sĩ không trị vết thương, cái gì sẽ phải xảy ra, và những vấn đề đại loại như vậy; và từ chối chữa trị, trừ phi y sĩ trả lời tất cả những vấn đề đó để thoả mãn bạn?




Thích Thanh Hương  

Với bản năng sinh tồn thuần tuý, loài vật mới sinh ra đã biết truyền cho nhau những tập quán để kiếm ăn, những kinh nghiệm nhận biết kẻ thù, và những tín hiệu để giúp cho chúng có thể sống thành bầy đàn. Tách hẳn ra khỏi những sinh loại tồn tại trên địa cầu trong lịch sử tiến hóa dài lâu của nó, loài người được coi là thành phần tiến hóa bậc cao nhất. Như đạo Nho nói: "Tính của trời đất, loài người là quý nhất." Đạo Phật cũng cho rằng, được làm thân người là điều rất khó, bởi trong tiến trình của sự sống, các hành nghiệp của một chúng sanh, nếu không được giáo dục hướng thiện, phần nhiều đều dẫn người ta đến những cảnh giới đọa lạc và khó có cơ hội trở lại làm người.

Về mặt khoa học, trong quá trình tiến hóa của loài người, khởi thủy, để truyền đạt những thông tin, những nguyên tắc quy ước trong một cộng đồng với nhau, con người có ngôn ngữ, có chữ viết, và để vấn đề truyền đạt trên xảy ra có hiệu quả, vấn đề giáo dục phải được đặt ra. Người ta không thể sống chung nếu không có những quy ước ràng buộc các sinh hoạt. Anh phải gọi vật này là cái 'cột' chứ không phải là cái 'cây', vật này là cái 'ghế' chứ không phải là cái 'bàn'…. Rồi vì quan hệ giữa người này với người khác, quan hệ với thế hệ này thế hệ khác, để cho có trật tự, có ổn định, vấn đề đạo đức cũng được đặt ra… tất cả đề nhằm giải quyết vấn đề sinh sống với nhau cho có an ổn, có trật tự.

Đứng về bản chất mà nói, cũng như mọi sinh loại khác, là con người, ai cũng mong muốn có hạnh phúc, an vui, và xu hướng tránh những bức xúc, khổ đau. Vì thế Giáo dục là cách mà người ta có thể tìm đến những giải pháp cho hạnh phúc của cá nhân và cộng đồng. Cũng vì vậy, con người luôn ao ước có được một sự hiểu biết rộng lớn, phá trừ ít nhiều cái mông muội của mình. Vì càng sống trong cuộc đời, người ta càng thấy hình như việc đi tìm hạnh phúc, một thứ hạnh phúc thường hằng vĩnh cữu như mong ước là không thể được vì luôn luôn nó có đó rồi mất đó. Đó là bởi sự chấp trước của con người về những gì mình mong muốn. Mà tất cả những khổ đau trong cõi đời, không gì ngoài cái màn ngăn che chúng sanh không thấy được cái Thực của vạn pháp. Đó là vô minh. Đạo Phật ra đời nhằm giải quyết vấn đề cốt tuỷ này của đời sống con người.
Tuỳ thuận theo những quy ước của thế gian, nên đức Phật đã coi trọng vấn đề giáo dục, ngôn ngữ thường dùng trong kinh điển là giáo hoá. Cả cuộc đời đức Phật là một mẫu mực sư phạm bậc nhất cho cả loài người và thiên giới, Bậc Thầy của trời người.
Ở đây, chúng ta thử tìm hiểu một vài nét về Giáo dục trong đạo Phật: Chủ trương như thế nào, mục đích như thế nào, phương tiện giáo dục như thế nào? Nhưng trước khi bàn đến vấn đề này chúng ta thử lướt qua một vài quan niệm về Giáo dục của một số trí thức Đông, Tây.
Đạo Nho nói: "Nhân bất học bất tri lý, ấu bất học lão hà vi." Nghĩa là, người không học thời không biết điều hay lẽ phải, nếu tuổi trẻ không biết học hành thì làm sao có thể đối đãi, sống đúng với đời. Sự rèn luyện học tập từ bé là nền tảng cho một xã hội có trật tự, có nề nếp về sau. ‘Biết làm gì’ có nghĩa là biết xử sự theo những quy ước của xã hội về mặt tổ chức cũng như đạo đức. Nho giáo rất coi trọng vấn đề giáo dục vì nó có tầm quan trọng rất lớn đối với việc tổ chức và ổn định xã hội. Những mối quan hệ tạo nên trật tự xã hội được Khổng Tử chủ trương như 'tam tòng tứ đức', 'tam cương ngũ thường', 'chính danh', v.v., được coi là khuôn mẫu đạo đức tồn tại hàng ngàn năm trong nền văn hoá Đông phương thời phong kiến. Cho đến nay những quan điểm như vậy vẫn có nhiều giá trị chân, thiện, mỹ nhất định của nó.
Có người đề cập đến việc hình thành một nhân cách toàn diện như nhà giáo dục học E.F. Schumacher phát biểu: "Giáo dục chỉ có thể giúp chúng ta nếu giáo dục đào tạo con người toàn diện.” Một người được giáo dục đúng không phải là người biết mỗi thứ một ít, cũng không phải là người biết rõ mọi chi tiết của mọi vấn đề. 'Con người toàn diện' thực sự, có thể có ít kiến thức sâu vào các sự kiện và các lý thuyết, hoặc có thể chứa cả Bách khoa từ điển, nhưng là người thực sự biết đích điểm của vấn đề; người đó sẽ không có nghi ngờ về các niềm tin cơ bản của mình, về quan điểm của mình, về ý nghĩa và mục đích của đời sống, người ấy có thể không cắt nghĩa được các vấn đề đó bằng lời, nhưng cách hướng dẫn cuộc sống tự thân, sẽ chắc chắn rằng, người đó đã thấu đáo vấn đề do sự thông sáng của nội tâm."[1]
Cùng quan điểm đó, Albert Einstein, nhà bác học vĩ đại nhất của thế kỷ XX, nói: "Dạy con người về chuyên môn chưa đủ. Qua khả năng chuyên môn, con người trở thành một thứ máy móc, một công cụ hữu ích mà không phải là một nhân cách được phát triển một cách hoà điệu. Rất căn bản rằng, người học viên nắm được sự hiểu biết và cảm nhận sinh động về các giá trị…. Người học viên phải học hiểu các động cơ của con người, vô minh và nỗi khổ đau của con người để nắm được sự liên hệ rõ ràng đối với các cá nhân đồng loại và đối với cộng đồng của mình."[2] Ông không nhấn mạnh đến vấn đề phát triển truyền thống, mà chọn lựa những gì truyền thống cần được duy trì, những gì cần xét lại giá trị bởi vì mục tiêu của cuộc đời là để sống với hạnh phúc chứ không phải là sống với truyền thống.
Theo đó, trăn trở của những thiện tri thức xưa nay là làm sao để có được một nền giáo dục toàn diện, nhằm giúp con người xây dựng cho mình một cuộc sống hạnh phúc thực sự. Giáo dục đúng nghĩa, đúng hướng, do đó, là hết sức quan trọng. Nó quan trọng đến mức có người nói: “Làm chính trị mà lầm thì hại một thế hệ, làm văn hóa giáo dục mà lầm thì hại muôn đời.” Trong Phật giáo có vị Luật sư đã từng nói, cái tai hại của một người làm thầy mà không biết truyền dạy và khuyến khích người học trò học và hành trì giới, còn lớn hơn cả một tay đao phủ. Bởi lẽ, tay đao phủ chỉ giết chết thân mạng của chúng sinh trong một kiếp, nhưng nếu vị thầy không làm đúng bổn phận giáo dục của mình thì cái hại là giết chết giới thân huệ mạng, giết chết bồ đề tâm của người đệ tử cả ngàn đời.
Đức Phật, khi ngộ được lý duyên khởi, thấy được sự thực của thế gian một cách tường tận, đoạn trừ hết thảy những chướng ngại của phiền não và vô minh, tâm tư bừng sáng như mặt trời giữa hư không, cảm nghiệm được cái tịch tịnh an lạc của sự thể nhập với thực tại, Ngài đã thốt lên: "Kỳ thay, kỳ thay! Tất cả chúng sanh đều có đức tính trí tuệ của Như lai, chỉ vì vọng tưởng che lấp.” Và ngay sau đó, Ngài đã nghĩ đến việc sẽ đem sự giác ngộ, sự chứng nghiệm của mình chia sẻ với mọi người, giúp họ thực hiện được sự vượt thoát như Ngài. Nhưng đức Phật đã không vội đi truyền dạy Đạo lý ngay mà ở lại trong rừng thêm ít lâu để chiêm nghiệm về cách sẽ trình bày sự giáo hoá cho chúng sanh một cách toàn vẹn. Bởi vì chính ngài biết rằng, trên mặt sự tướng, tùy theo nghiệp chủng mà chúng sanh có nhiều hạng, căn cơ và trình độ tiếp thụ không đồng nhau, cho nên cần phải vận dụng phương tiện phù hợp.
Không còn nghi ngờ gì nữa, chỉ trong khoảnh khắc đầu tiên ngay sau khi giác ngộ của đức Phật đã cho chúng ta một nhận định về tính cách giáo dục nơi ngài. Đức Phật là một người mà nhân cách và trí tuệ đã đạt đến sự viên mãn nhưng mục đích của sự giáo hoá của ngài là mong cho chúng sanh thoát khỏi khổ đau và đạt đến sự thành tựu viên mãn như ngài. Kinh Pháp Hoa nói: "Chư Phật Như lai chỉ vì một sự kiện nhân duyên lớn mới hiện ra nơi đời, đó là giúp chúng sanh khai mở Tri kiến Phật, chỉ cho thấy Tri kiến Phật, ngộ được Tri kiến Phật và thể nhập được Tri kiến Phật." (Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến - phẩm Phương Tiện). Chỉ cho thấy chứ không phải là ban cho, bởi tính Giác ngộ đó có sẵn trong mỗi chúng sanh. Đó là quá trình khai phóng nội tâm. Và phương cách giáo hoá của đức Phật ở đây cũng cho ta thấy được những yếu tố căn bản mà suốt gần năm mươi năm tận tuỵ sống giữa thế gian, ngài đã áp dụng và để lại trong toàn bộ giáo điển. 
Lần đầu tiên chuyển vận bánh xe Pháp, đức Phật đã nói đến giáo lý tứ diệu đế, bốn sự thật của cuộc đời. Ngài trình bày sự thực đầu tiên là Khổ, rồi nguyên nhân của khổ - Tập, Kết quả hay các tình trạng thực của sự chấm dứt nguyên nhân khổ đau như những bằng chứng thiết thực – Diệt, và cuối cùng là diễn giải con đường đưa đến sự chấm dứt khổ đau đạt đến an lạc – Đạo. Rất hợp lý và đầy tính khoa học thực nghiệm. Muốn chữa bệnh thì điều trước hết là phải nhận thấy được tịnh trạng bệnh tật, đang trong tình trạng bệnh tật, từ đó mới mong muốn truy tìm phương pháp chữa lành bệnh tật. Tiến trình từ nhận diện đến chuyển hoá hoàn toàn khổ đau không khác nào tiến trình chữa lành một căn bệnh tận gốc trong y khoa.
Đức Phật nhắm ngay vào việc chữa lành khổ đau cho chúng sanh, cho nên Ngài không bao giờ đưa ra học thuyết này học thuyết nọ, những thuyết minh viễn vông về nguyên nhân đầu tiên và sau cùng, những câu hỏi vu vơ về vũ trụ, về thế giới siêu hình. Bởi theo ngài, những băn khoăn như thế không có tác dụng gì cho đời sống của con người. Dù họ có chất chứa được bao nhiêu điều về những vấn đề như thế thì họ vẫn là những con mồi của dục vọng và là nạn nhân của khổ đau mà thôi. 
Có người muốn đến học với Phật, một hôm ông nói với Phật, y sẽ nhập bọn các đệ tử của ngài, nếu ngài đưa ra được những giải đáp sáng tỏ cho các vấn đề: Phật sống mãi hay không, nếu thế thì cái gì sẽ xảy ra sau khi ngài chết? Nguyên nhân đầu tiên của vũ trụ là gì và vũ trụ rồi sẽ giống như cái gì trong vị lai? Tại sao loài người sống và cái gì xảy ra sau khi chúng chết? Giải đáp của đức Phật có hiệu quả như sau: Giả sử bạn trúng một mũi tên tẩm độc, một y sỹ đến nhổ mũi tên ra khỏi thân thể bạn để trị liệu vết thương, trước tiên bạn có hỏi ông ta những vấn đề như mũi tên được làm bằng thứ gì, thuốc độc được chế bằng thứ gì, ai bắn mũi tên đó, và nếu y sĩ không trị vết thương, cái gì sẽ phải xảy ra, và những vấn đề đại loại như vậy; và từ chối chữa trị, trừ phi y sĩ trả lời tất cả những vấn đề đó để thoả mãn bạn? Bạn sẽ chết trước khi nhận được những giải đáp.[3]
Vì những lý do như thế, chữa tận nguồn gốc khổ đau là sự quan tâm của đạo Phật. Bởi khổ đau là có thực, Khổ Đế, và tùy theo mỗi trường hợp mỗi căn bệnh mà giáo lý được trình bày. Phù hợp, khế hợp với Chân Lý, căn cơ trình độ của mỗi người là phương tiện tư duy của người phật tử đối với vấn đề giáo dục. Đó là những khái niệm giáo dục cơ bản mà ta gọi là Khế Lý, Khế cơ.
Chữ khế ở đây có nghĩa là phù hợp. Lý lẽ, lý luận phải đúng với chân lý, đúng sự thật, đứng vững vàng trên Chân lý. Không vì một lý do nào khác mà nói sai đi với Chân lý. Nghĩa là phải tôn trọng sự thật trong bất cứ hoàn cảnh nào, và Chân lý hay sự thật đó phải được trình bày phù hợp như thế nào. Đó là ý nghĩa của chữ Khế Lý
Khế Cơ là biết quán sát để thấy được căn cơ của đối tượng muốn truyền đạt. Mỗi người có một khả năng tiếp nhận giáo pháp khác nhau, ngàn sai muôn biệt. Người nói pháp phải biết nói những pháp nào phù hợp với trình độ nhận thức và nhân duyên nào. Trong khi đó, người nghe pháp phải biết lựa chọn cho mình một phương pháp tu tập thích hợp nhằm chuyển hoá tình trạng khó khăn của mình. Rõ ràng không có sự áp đặt một lý thuyết, một tư kiến lên người học, mà luôn tôn trọng tự do tư duy nơi người học và luôn có sự tương tác, sự liên hệ mật thiết giữa thầy và trò. Việc truyền dạy giáo lý không đơn thuần như việc truyền dạy cho người nghe một số kiến thức rồi thôi, mà giáo lý phải luôn luôn nhằm vào việc chuyển hoá trình trạng khổ đau của người nghe. Đây là phương pháp dạy và học của phật giáo.

Giáo dục Phật giáo không lập cước trên niềm tin mù quáng hay sự cuồng tín, để hình thành những con người chỉ biết nhắm mắt tin và làm theo các tín điều được đặt ra mà gieo rắc bao nỗi khổ đau cho những người khác. Cuồng tín và mê tín là một trong những vấn nạn lớn nhất đối với các nhà giáo dục học và xã hội học trong thời đại ngày nay, nhất là khi những tiến bộ khoa học kỹ thuật, khoa học quân sự lại đi kèm với những con người đầy tham vọng mà cuồng tín điên đảo. Phật giáo hoàn toàn chỉ trích lối truyền thụ cuồng tín. Trái lại, giáo dục phật giáo là tự do suy tư vì hạnh phúc của số đông.[4] Đem ánh sáng trí tuệ chiếu soi cho nhận thức của mỗi người và làm tăng trưởng lòng Từ Bi, đem lại niềm vui và chia sẻ làm vơi bớt nỗi khổ niềm đau của mọi người và mọi loài. 
Người được hưởng sự giáo dục của Phật Giáo phải nói năng, hành động và suy nghĩ chỉ mang đến niềm hạnh phúc bình an, sự tin cậy và chia sẻ, mà không gây tác hại và di hại đến với mọi người cũng như vạn loại chúng sanh, kể cả môi trường nhiên giới cho thế hệ mai sau.
Người chịu sự giáo hóa của phật giáo phải làm cho tâm Bồ đề lớn mạnh. Đó là tâm nguyện “trên cầu sự thành tựu trí tuệ tuyệt vời của Phật, dưới giúp đỡ cứu độ chúng sanh,” hoài bão trau dồi trí tuệ, lấy việc phụng sự chúng sanh là đích thực cúng dường chư Phật.
Người có sự giáo dục của Phật Giáo phải lấy Thân giáo làm trọng, “tri hành hợp nhất.” Người Phật tử phải nhớ rằng, không nên chỉ có mong muốn chia sẻ với mọi người bằng những hiểu biết của mình về giáo pháp, kiến thức Phật học, mà ý thức rằng tự thân là bài học sống động nhất cho sự thực hành giáo pháp đức Phật. Càng nỗ lực thanh tịnh hoá thân tâm thì khả năng làm lợi ích cho chúng sanh càng nhiều. Nỗ lực thực hành giáo pháp để tạo nên nguồn cảm hứng cho sự thực hành Phật pháp đối với nhiều người. 
Đạo Phật không chú trọng đến thần thông biến hoá, các phép mầu mang tính siêu hình, các sự cầu đảo, chiêm tinh, toán số, bói hỏi, phong thủy. Có khi đức Phật còn chỉ trích các đệ tử thực hành thần thông và các thuật số trên, dù chỉ dùng như phương tiện. Bởi vì những phương tiện này rất dễ bị lạm dụng và đưa cả người nghiên cứu vận dụng lẫn người tin theo đó rơi vào hố sâu của sự sai lạc trong nhận thức và mê muội trong tâm hồn. Cả đời ngài là sự thể hiện giáo hóa vĩ đại, không lợi dùng khả năng phi thường của mình mà chú trọng đến "thần thông giáo hoá,"[5] giáo dục. Chỉ có sự giáo hoá mới mong đem lại cho người những nhận thức đúng đắn sáng tỏ nhằm làm cho họ trở về nhận diện được bản chất của chính mình và thực hiện sự chuyển hoá thực sự từ bên trong.

Giáo dục phật giáo là một quá trình khái phóng nội tâm toàn diện. Nó đánh thức tất cả những hạt giống tốt lành, những hạt giống của Từ Bi, Trí Tuệ, An lạc, Hạnh phúc…, trong tâm thức của mỗi chúng sanh. Sự thực hành đạo phật là tưới tẩm, chăm sóc cho những hạt giống đó được phát triển liên tục hệt như người làm vườn chăm sóc khu vườn của mình không để cho hoang dại mà sản sinh những hoa trái tốt lành lợi ích.
Do đó, Giáo dục phật giáo không đơn thuần là sự truyền dạy lý thuyết. Nó là sự tìm tòi học hỏi, học hỏi từ các bậc thầy, từ những người bạn, những người xung quanh thậm chí là từ những người học trò, những người đối nghịch với quan điểm của chính mình dưới nhận thức rằng ai cũng có tánh tuệ giác viên mãn tiềm ẩn chưa được khai mở và ai cũng có thể là thầy của mình. Và sự học hỏi theo đạo phật, như thế, là con đường của sự tìm về và khai mở những tuệ giác siêu việt trong chính bản thân mỗi người. Đó chính là sự tự soi chiếu bản thân và truyền trao kiến thức, truyền cảm hứng cho người nghe để thực hành theo những lời giáo huấn dựa trên những thực nghiệm của người truyền dạy và người học. Nó thực sự thiết thực để phát triển, hoàn thiện bản thân và đem lại sự phát triển tốt đẹp cho mọi người, cho xã hội mà cứu cánh là sự đạt đến Giác ngộ và Giải thoát.


[1] E.F. Schumacher, Small is Beautiful, An Abacus book, Little Brown & Company (UK), Limited, London, 1993, p. 77. Trích theo Thích chơn thiện, Giáo Dục Phật Giáo Trong Thời Hiện Đại, nxb TP. Hồ Chí Minh, 2001, tr.63
[2] sđd, tr.64
[3] Trung A Hàm 60, số 221, Kinh Tiễn Dụ (Chú thích của Tuệ Sỹ, Tinh Hoa Triết Học Phật Giáo, Ban Tu Thư Phật Học, PL. 2548-2004, tr. 63)
[4] Này các Kàlàmà, chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình. Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết rõ như sau: "Các pháp này là bất thiện; Các pháp này là đáng chê; Các pháp này bị các người có trí chỉ trích; Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau", thời này Kàlàmà, hãy từ bỏ chúng! - Tăng Chi Bộ III.65, Kinh Kàlàma, HT THích Minh Châu dịch

[5] Ba thứ thần thông: Thần túc thần thông, tri tha tâm thần thông, giáo giới thần thông (phương pháp giáo dục).

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites