Pages

18 February 2014

Xuân Di Lặc 2014 (Giáp Ngọ) - Phần cuối


"Cứ gây gổ nhau cho đã, bây giờ Thầy khuyên không được còn trách Thầy nữa, tội nghiệp quá! Hằng ngày phải lo tu, lo học. Thầy khuyên là thử nghiệm thôi, chứ còn tạo ra khủng hoảng gia đình quá trời rồi bây giờ nó đổ vỡ hết rồi, tim đồ nó xác sơ hết rồi, bây giờ tới Thầy, vá lại đâu có được nữa. Hai ba năm trước thì không có kêu, vui quá, lo đi chơi, lo đi du lịch đủ thứ hết, bây giờ tan nát hết rồi mời Thầy tới, Thầy vá sao được?..."





Còn nếu có vợ có chồng cũng vậy: Nói cái bà này là vợ tôi. Mượn thôi! Mượn cái hình ảnh tạm thôi, gọi là nương nhau mà sống thôi chứ không phải của tôi, bởi vì của tôi sao được, mai mốt bà ưa thì bà ở, bà không ưa thì bà đi. Bà có cái quyền của bà, thành ra mình không làm chủ gì bà được hết. Không làm chủ được bà thì làm sao gọi là bả của mình được. Nhưng mà bà đi chỗ này chỗ kia còn gọi điện thoại, còn tìm khả dĩ, chứ bà âm thầm bà không nói gì hết khi không bà ra nhà mồ bà nằm, gọi điện thoại đâu có được nữa. ”Bà ơi bà, bà bỏ tui bà đi, tui sống tui có gây gổ chút đỉnh, bây giờ bà tha thứ dùm..hu..hu…”. Trễ rồi! Sống không có thương, không có hiểu, không có săn sóc, bà nằm đó bà không nói, hỏi bà cũng không nói. “Em ơi em, tại sao anh nói mà em không trả lời? Hu...hu....”. Trả lời sao nổi? Hết thở rồi làm sao trả lời cho nổi?

Thầy đi đám, có nhiều người làm như vậy. Khi mình sống, mình thương, mình săn sóc, rồi  khi bà nằm như vậy thì mình nói: Thôi bây giờ bà không có thở vô, thở ra coi như bà đi thế giới khác rồi, nhưng mà khi còn sống ngày nào bà cũng thở, tui thương bà lắm bà ơi, được rồi,  mà thôi bà đi đâu bà đi. À! Nếu mà mình nói như vậy là mình có đạo và mình hiểu giáo lý, chứ mình không có tu, không có học, không có hướng dẫn chi hết mà khi đó có khi còn kể lể, còn xin lỗi, còn sám hối. Sám hối gì nữa? Bà nằm đó, bà không thức dậy còn sám hối gì nữa? Thành ra: Xin lỗi nhau trong khi còn sống, trong khi còn tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý còn kiểm soát được, thì lúc đó có ăn năn sám hối lúc đó đi, chứ đừng có để khi người ta nằm xuống rồi sám hối không được. Ví như lúc ấy bà nói: Hu.hu… tui miệng hay nói, cứ nói bên ngoài chọc ông, nay mai lại chọc ông, cứ làm cho ông giận, mốt làm cho ông giận để ông đi uống rượu, ông bỏ nhà ông đi..hu..hu.. Bây giờ ông nằm xuống, ông không có dậy nữa, hu..hu... Khóc cái gì nữa? Khi đang sống đó là phải thảo luận với nhau cho tốt đẹp, còn khi ông nằm đó thì nói: Bây giờ hết săn sóc rồi, thôi ông về cõi Phật đi, tôi niệm Phật cho ông, khi sống ông có niệm Phật chút đỉnh, lâu lâu ông về chùa Đức Viên, nhưng mà lâu lâu ông có làm biếng, ông làm biếng tui có dặn dò thì ở nhà ông có ngồi thiền, có tụng kinh thành ra ông cũng không đến nỗi, mai mốt tui mời Sư Bà Đức Viên, mời Thầy Tịnh Từ đến tụng kinh trợ niệm cho ông đi thanh thoát, ông đừng có về hù tui nha. Mình nói như vậy đó để cho ông yên tâm ông đi...

Thưa quí vị cái này rất là thực, bởi vì trong khi sống đó mình phải săn sóc, mình phải thương yêu nhau hết mình để khi mà có qua đời hay là có đi ra rồi thì mình đừng nói của mình nữa, họ có một chủ quyền của họ, họ có một cái nghiệp của họ, họ sống như thế nào thì khi họ chết cái nghiệp dẫn đi, mình không có khả năng gì lôi họ lại hết. Cũng như vì họ có nghiệp lực của họ, cho nên khi họ không thương mình nữa thì họ cứ từ từ đi thôi mình năn nỉ không được nữa. Có nhiều cặp vợ chồng chưa đến nỗi 100 tuổi nhưng mà khi họ không thương nhau họ bỏ nhau họ đi, năn nỉ gì cũng không được nhờ Thầy khuyên cũng không được. Có người lên nói “Thầy ơi vợ con bỏ con mà chắc Thầy khuyên được“. Thầy nói, để Thầy thử, nhưng mà Thầy cố gắng hai ba lần mà không thấy kết quả thì Thầy đành phải nói : “trễ rồi!“. - “Trời, Thầy mà khuyên không được thì ai khuyên được? Thầy tu hành không có công đức, không có năng lực gì cả!“. Tội nghiệp Thầy chưa. Cứ gây gổ nhau cho đã, bây giờ Thầy khuyên không được còn trách Thầy nữa, tội nghiệp quá! Hằng ngày phải lo tu, lo học. Thầy khuyên là thử nghiệm thôi, chứ còn tạo ra khủng hoảng gia đình quá trời rồi bây giờ nó đổ vỡ hết rồi, tim đồ nó xác sơ hết rồi, bây giờ tới Thầy, vá lại đâu có được nữa. Hai ba năm trước thì không có kêu, vui quá, lo đi chơi, lo đi du lịch đủ thứ hết, bây giờ tan nát hết rồi mời Thầy tới, Thầy vá sao được?

 Thầy nói: “Thầy cũng chịu thôi con ơi! Nếu mà thương Thầy cũng được, không thương Thầy, Thầy, Thầy cũng chịu thôi, đầu hàng thôi, chứ biết làm sao?“. Thành ra quí vị thương Thầy thì lo săn sóc nhau đi chứ đừng để đến bệ rạc hết rồi tới kêu, Thầy thấy vô tội quá đi, cũng như lo tu, lo tụng kinh khá khá đi.

Có một lần một đạo hữu nào chưa quen Thầy gọi điện thoại, cô Thanh Tịnh nghe rồi nói: “Thầy Viện Trưởng đi vắng rồi“. Cụ đó buồn quá vì gia đình có người chết mời Thầy không ra. -Mấy ông thầy chùa chi mà kỳ cục, người ta chết mà mời lúc nào cũng không được hết! Sư bà cũng bận, Thầy cũng bận! Tu hành cái gì mà kỳ cục vậy?“. Có lẽ họ không có được học, được tu gì cả, nên khi đi mời Thầy, lại mời gấp quá, mà bận đó lại có rất nhiều người chết, thành ra khi họ mời Thầy không thành, họ tức, họ giận. Nhưng mà người Phật Tử mình khi mời Thầy không được thì đừng có giận, lựa mời giờ khác chứ đừng có chấp nhất vào cái giờ. Cái giờ không có cái nghĩa gì hết. Khi bận quá đi thì dời lại bữa khác, tùy duyên mà lo, nhưng cái lo chính là trong khi sống, siêng tụng kinh, siêng làm lành, lánh dữ, còn tới khi chết mời Thầy vô là để Thầy tiếp độ mà thôi, cái đó là một lễ nghi và cái điều cần có không phải là cốt để siêu thoát đâu, điều cần thiết là khi mình còn sống, cho nên khi mà mời Thầy không được đó thì cũng nói với ông một câu vì ông còn đang nằm đó mà. Giả sử : “Thôi, ông ơi! Ông ăn ở làm sao mà mời Thầy, mời cô không có được, chắc nghiệp ông nặng quá đi, thôi để tôi ngồi đây tui niệm Phật, nhưng mà tui thấy ông, tui sợ quá“. Sợ là phải, bởi khi sống ông thường gây gổ với bà, nên khi nằm đó, ông không thở,  không nói gì nên bà nhìn vô cũng sợ. Thành ra khi mình quán chiếu cái thân này là giả duyên nó không có thật, sống mà không có thật, chết cũng không có thật, cho nên đừng có sợ. Khi nào mà nhập quàn, người ta có về mà mình ở lại sau mình tụng kinh cho ông ấy cũng được, chứ đừng có đánh chuông, đánh trống hay niệm Nam Mô A Di Đà Phật cũng không được nữa, vì mình sợ quá đi... Thành ra sợ quá thì đừng có tụng, ráng tụng mà sợ quá thì tụng cái gì? Khi tụng phải bình tĩnh. Bình tĩnh mà tụng. Thầy nói rằng: “Con ra đây tụng kinh, bây giờ Ba các con chết rồi, mấy anh chị em tới tụng kinh đi“. Nhưng mấy người con lại nói: “Thưa Thầy, Thầy không tới, tụi con sợ quá đâu dám tới“. - Thầy nói: “Ba chết, Ba có nói gì đâu mà các con sợ dữ vậy?“. Mấy người con lại nói: “Ổng nằm như vậy con mới ngán chứ, nếu ông còn thở thì con đâu có ngán!“. Thành ra mình sợ nhiều khi không đúng, cái thân thể này đã trở về cho tứ đại rồi bây giờ nằm đó, cái xác không có gì sợ hết nhưng mà mình không quán chiếu hằng ngày cho nên mình sợ. Tóm lại khi mình tu tập cái hạnh hoan hỉ, mình biết rằng điều đó rất cần; cần đời sống, cần tất cả mọi sự kiện nhưng đều mượn mà thôi, nên dùng cái mượn đó để tạo nên phước đức, tạo nên cái phước lành để khi cái thân này không còn hoạt động nữa thì mình đã có cái phước đức, có điều lành sẵn rồi. Khi đó cái nghiệp nó dẫn đi đầu thai thì không có lo lắng, không có khổ đau, nhưng mà nếu không hiểu giáo lý này đợi khi chết mới làm lành, mới làm phước, mới tụng kinh thì cái đó nó trễ quá rồi  và không có hiệu lực! Do vậy Đức Di Lặc Ngài khuyên: Sống giờ phút nào phải vui giờ phút đó, sống giờ phút nào phải cởi mở giờ phút đó để cho tất cả những gì diễn ra trong đời giống như một cuốn phim đẹp, rồi sống cũng vui mà chết cũng vui.

Mạng người rất là ngắn ngủi
Cuộc trần thế dường như ảo mộng
Danh làm chi lợi làm chi
Bả công danh bọt phú quí có ra gì?
Mùi phú quí vừng mây tan hiệp
Giàu có đâu cũng trong một kiếp
Sang cho lắm cũng chỉ một đời
Cái tuổi xuân đeo đẳng con người
Thân tứ đại lấy chi bền chắc
Kìa sanh tử thấy liền trước mắt
Đám cô phần đa thị thiếu niên
Cái thân này là cái giả thân
Nay còn đó mai không bền chắc
Thêm nỗi bệnh nỗi già thúc phược
Người trên đời sống được bao lâu
Mới mày xanh kế đã bạc đầu
Rồi lại đến qua khâu một nắm
Ôi! Tam khốn khi tại thiên ban dụng
Nhất đáng vô thường vạn sự hưu
Cho nên phải học cái hạnh hoan hỉ của Đức Di Lặc. Phải tập thở, tập cười, tập quán chiếu và phải trau dồi thân cũng như tâm cho được mới mẻ để ngày nào cũng có là ngày xuân hết chứ không phải ba bữa Tết mới là Xuân.
Thôi, chúc quí cụ, chúc tất cả mọi người đều có cái trường xuân ở trong tâm hồn.
A Di Đà Phật


„Xuân về gửi nụ bình an
Điểm tô thiên địa thắm duyên đạo mầu
Lòng trong con nước qua cầu
An vui tĩnh lặng ngàn sau sáng ngời”

NAM MÔ HOAN HỈ TẠNG BỒ TÁT MA HA TÁT TÁC ĐẠI CHỨNG MINH
NAM MÔ TA BÀ GIÁO CHỦ ĐIỀU NGỰ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
NAM MÔ TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC THẾ GIỚI ĐẠI TỪ ĐẠI BI A DI ĐÀ PHẬT
NAM  MÔ ĐÔNG PHƯƠNG GIÁO CHỦ DƯỢC SƯ LƯU LY QUANG VƯƠNG NHƯ LAI
NAM MÔ LONG HOA GIÁO CHỦ ĐƯƠNG LAI HẠ SANH DI LẶC TÔN PHẬT

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites