Pages

13 May 2012

Lịch Sử Đức Phật Thích Ca - Phần II

 "Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người có trí mới hiểu thấu. Còn quần chúng này thì ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục. Đối với quần chúng ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó mà thấy được định lý “duyên khởi ra các pháp”

5. Sự Từ Bỏ Vĩ Đại

Lâu đài, cung điện không còn là nơi ở thích hợp nữa cho Thái tử, lòng nặng trĩu tình thương chúng sanh chìm đắm trong bể khổ và Thái tử càng thêm quyết tâm xuất gia cầu đạo, tìm con đường cứu khổ cho muôn loài. Thế rồi vào một đêm Thái tử ra lệnh cho người nô bộc trong thành là Channa (Xa Nặc) thắt con ngựa Kantaka (Kiền Trắc). Trước khi xuất phát, Thái tử đi dọc theo hành lang nội cung, đến trước phòng Công chúa Yasodhara (Da Du Đà La) và người con trai đang ngủ thiếp. Thái tử hé cửa nhìn vào, Thái tử rất yêu thương người vợ và con trai của mình, nhưng đối với nhân loại đau khổ bất hạnh, lòng thương xót của Thái tử lại còn da diết hơn. Sau đó, Thái tử một mình lên ngựa ra đi, vượt khỏi hoàng thành, theo sau, chỉ có người nô bộc trung thành Channa. 

Ra đi, Thái tử từ bỏ tất cả, phụ vương, ngai vàng, vợ và con, cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc của một Hoàng tử. Không phải là sự hy sinh từ bỏ của một người già, đau ốm, một người nghèo, bệnh tật, ngán ngẫm cuộc đời, mà là sự hy sinh từ bỏ của một vị Hoàng tử đang tuổi thanh xuân, đang sống trong quyền quý giàu sang. Quả thật đó là một sự từ bỏ, hy sinh vĩ đại, có một không hai trong lịch sử loài Người. 

Năm ấy, Thái tử tròn 29 tuổi. Khi tới bờ sông Anomà, Thái tử dừng lại, bỏ ngựa, cạo râu, tóc, trao y phục và đồ trang sức cho Channa, lệnh cho Channa trở về. Còn Thái tử một mình ra đi, với bộ áo màu vàng đơn giản của người Tu sĩ, từ nay cuộc sống không nhà của người xuất gia cầu đạo. Ngài không nơi ở cố định. Khi thì ngồi dưới bóng cây, khi thì nằm nghỉ qua đêm trong một hang đá. Chân không và đầu để trần, Ngài đi bình thản giữa nắng nóng cũng như trong sương đêm lạnh, tất cả mọi năng lực và ý chí của Ngài đều hướng tới lý tưởng cao cả tìm ra sự thật tối hậu, lý lẽ của sống và chết, ý nghĩa của nhân sinh, của cuộc đời, con đường dẫn tới Giải thoát, cõi Niết bàn Bất tử.

6. Đến Học Hai Đạo Sĩ Alara Kalama Và Uddaka Ramaputta

Thời bấy giờ, tình hình chính trị tại các xứ ở Ấn Độ khá ổn định, nhiều nhà tri thức lỗi lạc, xuất gia tu đạo, trở Thành đạo sư tâm linh với nhiều đệ tử theo học. Thái tử Si Đác Ta, trên đường đi tầm đạo, đã tới thụ giáo với hai Đạo sư danh tiếng nhất thời bấy giờ là Alara Kalama và Uddaka Ramaputta. Cả hai người đều tu theo phép Du già (3) và đều chứng được những cấp Thiền định cao nhất thời bấy giờ. Alara Kalama chứng được cấp Thiền Vô sở hữu xứ, còn Uddaka Ramaputta thì chứng được cấp Thiền Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Đó là hai cấp Thiền thuộc Vô sắc giới (4), hai cấp Thiền cao nhất mà Tu sĩ Du già thời bấy giờ chứng đạt được (5). Nhưng chỉ một thời gian ngắn tu học, Thái tử cũng dễ dàng đạt được hai cấp Thiền nói trên, và được hai Đạo sư mời ở lại, cùng với họ lãnh đạo chúng đệ tử. Thái tử biết rõ, các cấp Thiền mà Ngài chứng được chưa phải là Chân lý tối hậu, Niết bàn, sự chấm dứt sanh tử và mọi khổ đau. Cho nên, Ngài từ chối lịch sự, rồi lại lên đường tiếp tục cuộc hành trình cầu đạo của mình. Qua thực nghiệm, Ngài thấy Chân lý tối hậu, Niết bàn, chấm dứt mọi đau khổ của sinh tử luân hồi, không thể cầu được ở bên ngoài, ở bất kỳ một bậc Đạo sư nào. Chân lý tối hậu đó phải chính do Ngài tự tìm lấy, tự chứng ngộ lấy ở bên trong nội tâm của Ngài, không thể dựa vào một tha lực nào khác.

7. Tu Khổ Hạnh Sáu Năm

Thái tử đến một nơi gọi là Uruvela, thị trấn của Senàni. Ngài tìm được một khoảnh đất đẹp và mát, có con sông nhỏ chạy qua giữa bờ cát trắng. Gần đây, lại có làng nhỏ, có thể đi khất thực hàng ngày. Đúng là một nơi yên tĩnh, đẹp đẽ, rất thích hợp với trầm tư mặc tưởng và tu tập Thiền định. Cùng đến nơi đây tu tập với Thái tử còn có các Tu sĩ Kondana (6) (Kiều Trần Như), Bhadhya, Vappa, Mahanama và Asaji. Kondanna vốn là vị Đạo sĩ trẻ tuổi nhất, trong số các Đạo sĩ được vua Suddhodana mời tới kinh đô để xem tướng Thái tử, lúc Ngài mới đản sanh.
Thời bấy giờ, ở Ấn Độ có tập tục và niềm tin rằng, người nào cầu đạo Giải thoát, đều phải kiên trì tu khổ hạnh, ép xác. Cũng theo truyền thống đó, Thái tử cùng với 5 người bạn đồng tu trong 6 năm ròng rã, kiên trì khổ hạnh ép xác tới mức con người Thái tử gầy khô như bộ xương, đôi mắt sâu hoẵm xuống, sức khỏe giảm sút đến nỗi Ngài không còn đi vững được nữa. Ngài nghiệm thấy, càng kiên trì khổ hạnh, Chân lý tối hậu như càng lùi ra xa, tâm trí càng mê mờ, thân thể càng suy yếu. Ngài thấy rõ, khổ hạnh, ép xác không phải là con đường thoát khổ và cứu khổ.
Thái tử quyết định ăn uống bình thường trở lại. Năm người bạn đồng tu, vốn đặt niềm tin và hy vọng tuyệt đối vào Thái tử, tưởng rằng Thái tử đã thoái chí, bèn rời bỏ Thái tử, đến vườn Nai ở Isipatana gần Thành phố Banares để tiếp tục tu hành. Họ nói rằng, Thái tử Si Đác Ta đã trở về với cuộc sống tiện nghi và dục lạc vật chất.

8. Chứng Ngộ Chân lý Tối Hậu

Ở lại một mình, Thái tử quyết tâm tự mình phấn đấu để chứng ngộ Chân lý tối hậu. Ngài lấy lại sức, nhờ uống bát sữa, do một thôn nữ tên là Sujata cúng dường, sau đó, Ngài tắm ở sông Neranjara (Ni Liên Thuyền). Tối đến, Ngài đến ngồi dưới gốc cây Pippala, sau này được đổi tên là cây Bồ đề, để đánh dấu sự kiện Thành đạo vĩ đại của Ngài. 

Với tâm định tĩnh, nhu nhuyến, trong sáng như gương, Ngài suy tư về lẽ sống chết, về những nguyên nhân tích tập dẫn tới luân hồi sanh tử và con đường Giải thoát, dẫn tới Niết bàn, Ngài nhớ lại, thấy rõ các kiếp sống trước đây của mình, một kiếp, hai kiếp cho tới hàng trăm ngàn kiếp. Ngài nhớ lại, thấy rõ các chu kỳ thành hoại của một thế giới, nhiều thế giới. Ngài thấy rõ các chúng sanh, tùy theo nghiệp nặng nhẹ, thiện ác do mình tạo ra, luân hồi như thế nào trong các cõi sống, từ thời vô thủy cho tới ngày nay. Ngài thấy rõ, biết rõ tự bản thân Ngài đã đoạn trừ hết mọi tham ái, lậu hoặc, vô minh, đã được Giải thoát và Giác ngộ, và thành tựu đạo Vô thượng. Ngài đã thành Phật. 

Sau này, Đức Phật đã kể lại cho các đệ tử Tỳ kheo nghe về cảnh giới chứng ngộ của mình như sau: "Này các Tỳ kheo! Ta tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sanh, tìm cầu cái không sanh, Vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn, và đã chứng được cái không sanh, Vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn. Tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị già, tìm cầu cái không già, Vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn và đã chứng được cái không già, Vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn. Tự mình bị bệnh, sau khi biết rõ nguy hại của cái bệnh, tìm cầu cái không bệnh, Vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn. Tự mình bị chết, sau khi biết rõ nguy hại của cái bị chết, tìm cầu cái không chết, Vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn và đã chứng được cái không chết, Vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn... Và Tri và Kiến khởi lên nơi Ta. Sự Giải thoát của Ta không bị giao động. Nay là đời sống cuối cùng của Ta, không còn sự tái sanh nữa.” (Kinh Thánh Cầu, Kinh Trung Bộ I, 268). 

Như vậy, sau 6 năm gian khổ, kiên trì, không mệt mỏi, vào năm 35 tuổi. Thái tử Si Đác Ta đã chứng ngộ Chân lý cứu kính Vô thượng và trở thành Đức Phật, bậc Toàn giác mà sự xuất hiện là chuyện hy hữu nhất trên đời này (7).
Từ nay, thế gian tôn xưng Ngài là Đức Phật Gotama hay là Đức Phật Thích Ca Cồ Đàm. Từ Pali, "Buddha" (Phật Đà) có chữ gốc "Buddh" là hiểu biết, Giác ngộ Chân lý tối hậu, cứu kính. Sách Pali gọi Ngài là Sammà Sambuddha, với nghĩa là bậc Toàn giác, không gì không biết, không thấy; bậc Thánh, không những Giác ngộ đầy đủ cho bản thân mình, mà còn Giác ngộ đầy đủ cho tất cả mọi người khác, cho tất cả mọi chúng sanh.

9. Đức Phật Do Dự Trước Khi Chuyển Bánh Xe Pháp

Chuyển Pháp Luân là chuyển bánh xe Pháp, tức là truyền bá cho thế gian biết về đạo Pháp mà Phật đã chứng ngộ. Ngồi tĩnh tọa dưới gốc cây Bồ đề, sau khi đã chứng quả Giác ngộ Vô thượng, Đức Phật có suy nghĩ như sau: 

"Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người có trí mới hiểu thấu. Còn quần chúng này thì ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục. Đối với quần chúng ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó mà thấy được định lý “duyên khởi ra các pháp” (Paticcasamuppada): sự kiện này thật khó thấy, tức là sự tịnh chỉ tất cả các hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, ái diệt, ly tham, đoạn diệt, Niết bàn. Nếu nay Ta thuyết pháp thì các người khác không hiểu Ta, thời như vậy thật khổ não cho Ta, như vậy thật bực mình cho Ta" (Trung Bộ I, 268 - 269). 

Nhưng rồi Đức Phật nhìn quanh một lượt khắp thế gian với con mắt Trí tuệ và suy nghĩ rằng:
“... Có hạng chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời, có hạng lợi căn, độn căn, có hạng thiện tánh, ác tánh, có hạng dễ dạy, khó dạy, và một số ít thấy sự nguy hiểm phải tái sinh ở thế giới khác và sự nguy hiểm làm những hành động lỗi lầm. Như trong hồ sen xanh, hồ sen hồng, hay hồ sen trắng, sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, không vươn lên khỏi mặt nước, được nuôi dưỡng dưới nước. Có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, vươn lên khỏi mặt nước, không bị nước thấm ướt. Cũng vậy, này các Tỳ kheo, với Phật nhãn, Ta thấy có hạng chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời, có hạng lợi căn, độn căn, có hạng thiện tánh, ác tánh, có hạng dễ dạy, khó dạy, và một số ít thấy sự nguy hiểm phải tái sanh ở thế giới khác và sự nguy hiểm làm những hành động lỗi lầm. Và này các Tỳ kheo, Ta nói lên bài kệ sau đây:
"Cửa Bất tử rộng mở
Cho những ai chịu nghe
Hãy từ bỏ tín tâm
Không chính xác của mình..." (Trung Bộ I, 271)

Rồi Đức Phật quyết định sẽ gióng lên tiếng trống của Pháp, sẽ chuyển bánh xe Pháp, sẽ tuyên bố với thế gian, với loài Người và loài Trời, con đường đạo cứu khổ và diệt khổ, con đường đạo dẫn tới cõi Bất tử, cõi Niết bàn. Thế là bánh xe Pháp bắt đầu chuyển.
(còn tiếp)

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites